2022
Năng lực diệu kỳ của lòng thương xót
Năng lực diệu kỳ của lòng thương xót
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – năm C
Bài đọc 1: Kn 11,22-12,2; Bài đọc 2: 2Tx 1,11-2,2; Tin Mừng: Lc 19,1-10.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một cơ hội chiêm ngắm Thiên Chúa tình yêu với quyền năng diệu kỳ của lòng thương xót.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Khôn ngoan diễn tả sự cao cả của tình thương Thiên Chúa. Trước nhan Chúa, toàn thể vũ trụ chỉ như hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất. Tuy nhỏ bé, mong manh, bất toàn, nhưng lại là đối tượng của tình thương Thiên Chúa. Ngài yêu thương tạo dựng và hằng nhẫn nại săn sóc mọi loài với lòng bao dung vô tận.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô qua thư gởi cho tín hữu Thessalônica đã tha thiết nguyện cầu cho các tín hữu được nên xứng đáng với ơn ban tình thương của Chúa, để họ vừa được tôn vinh trong Đức Kitô, vừa làm hiển danh Chúa Kitô.
Câu chuyện Tin Mừng theo thánh Luca là một bằng chứng sống động về lòng thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Đức Giêsu đã thể hiện một cách thế yêu thương với một năng lực đổi mới thật diệu kỳ.
– Ngài đi tìm kiếm để cứu chữa. Dù bị bao vây bởi biết bao người với những dáng vẻ, những lớp bọc khác nhau, nhưng Chúa Giêsu vẫn có thể nhận ra một con người cần được cứu chữa. Ông thu thuế Giakêu ẩn núp trên cây quả thực đã không ở ngoài sự quan tâm của Chúa. Người ta cho Giakêu là một người tội lỗi và loại trừ ông, thì Chúa Giêsu tìm đến cứu chữa ông. Chúa không chê, cũng chẳng bỏ một người tội lỗi nào, vì Ngài giàu lòng xót thương và Ngài hiểu rằng chính những kẻ xem ra bất xứng với lòng thương của Chúa lại là người “cần” đến lòng thương xót của Chúa hơn. Ngài đi tới và dừng lại nơi Giakêu đang núp để ngỏ lời với ông. Lòng thương xót đã thúc đẩy Chúa Giêsu đi bước trước kiếm tìm chứ không ngồi chờ, mở lời trước chứ không đợi van xin. Như thế là vì Chúa Giêsu đã nhìn đến Giakêu với một cái nhìn chan chứa lòng xót thương. Với lòng thương xót, Chúa Giêsu không chỉ nhìn thấy Giakêu là một người thu thuế, một kẻ tội lỗi, nhưng còn nhìn thấy ông là một người khao khát được yêu thương, một kẻ cần được cứu vớt và là “con cháu Abraham”.
– Ngài tìm gặp gỡ chứ không chỉ xã giao, qua đường. Thật táo bạo khi Chúa Giêsu ngỏ ý đến nhà Giakêu, một người bị coi là tội lỗi. Ngài sẵn sàng vượt qua những lời xầm xì, lên án của những người xung quanh để đến gặp gỡ và lưu lại nhà của Giakêu. Chúa Giêsu chấp nhận mọi giá để Giakêu có được niềm vui khi đón tiếp Chúa, và hơn nữa để ông có cơ hội hoán cải mà hưởng ơn cứu độ. Chắc hẵn Chúa Giêsu cũng vui lắm khi nghe thấy những tỏ bày đầy tinh thần đổi mới của Giakêu: “Tôi xin lấy phân nữa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Sự gặp gỡ với lòng xót thương đã đem lại một sự đổi mới không ngờ. Một sự hiện diện thực sự với lòng yêu thương làm được nhiều điều rất có giá trị.
– Ngài luôn yêu thương cứu chữa chứ không loại trừ, tiêu diệt. Đây chính là bản chất của Thiên Chúa và là mục tiêu của lòng Chúa xót thương. Chính nơi lòng thương xót của Chúa chúng ta khám phá ra một năng lực chữa lành và phục hồi sức sống thật tuyệt vời. Thay cho những thành kiến, lên án, loại trừ, tiêu diệt những kẻ yếu đuối lỡ lầm, Chúa Giêsu đầy lòng thương xót luôn khai mở niềm hy vọng, gieo mầm yêu thương nâng đỡ, khích lệ sự hoán cải, đổi mới cuộc đời. Vì cảm nhận được Chúa Giêsu yêu thương mình, dám tin và chọn mình, nên Giakêu đã không ngại bỏ tiền của, thay đổi đời sống. Niềm tin và lòng yêu mến đã khơi dậy một đời sống mới trong hoán cải và tin mến.
Lòng thương xót của Chúa thật diệu kỳ. Chúa hằng tìm kiếm và mong gặp gỡ con người và từng người chúng ta. Chúng ta có hay “trốn” để Chúa phải “kiếm” không? Đã có lần nào ta sẵn sàng đón tiếp Chúa vào nhà tâm hồn của mình chưa? Những lần rước Chúa hay viếng Thánh Thể có là dịp “gặp gỡ” thực sự với Chúa Giêsu không? Và những lần gặp gỡ Chúa có đổi mới được tâm hồn và cuộc sống mình không?
Mong sao những bước chân tìm gặp gỡ của Chúa Giêsu với lòng thương xót của Ngài, qua mọi dáng vẻ và trong mọi tình huống của cuộc đời, mang lại được những đổi mới tích cực cho cuộc đời chúng ta. Và chớ gì từ những kinh nghiệm được yêu thương cứu vớt của Chúa cũng giúp chúng ta biết đón nhận và đối xử cách nhân hậu, bao dung đối với những anh chị em yếu đuối, khó khăn bên cạnh mình.
Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, GP. Phú Cường
2022
Cầu nguyện hay cầu xin?
Cầu nguyện hay cầu xin?
Một thực tế trong đời Kitô hữu, đó là hễ cầu nguyện thì không thể không cầu xin. Có lẽ vì cuộc sống con người lắm gian truân và đầy rẫy những bất an, gian khổ, bên cạnh đó khát vọng cũng như nhu cầu của con người thì dường như vô tận. Cầu xin là một cách thế cầu nguyện mang tính hiện sinh, dẫu cho theo cái nhìn tu đức truyền thống thì việc cầu xin xem ra không bằng việc tạ ơn, ngợi khen hay chúc tụng Thiên Chúa.
Lần kia một môn đệ nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông”. Và Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển…; xin tha tội cho chúng con…” (x.Lc 11,1-4). Tin Mừng Matthêu cũng tường thuật việc Chúa Giêsu dạy cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” bằng những lời cầu xin (x. Mt 6,9-13). Qua những lời cầu xin, chúng ta nhận ra một vài tâm tình vừa chính đáng vừa phải đạo và cũng vừa rất “dễ thương” như sau:
1.
Tâm tình tin tưởng, cậy trông vào tình yêu và quyền năng của Đấng chúng ta cầu xin: Đã cất lời cầu xin với ai thì dĩ nhiên ít nhiều đã có sự tin tưởng và cậy trông vào người ấy. Xin với ai điều gì thì giả thiết đã tin tưởng người ấy có khả năng thực hiện điều chúng ta xin. Dưới một góc độ nào đó, lời cầu xin cũng là một lời tuyên xưng đức tin.
2.
Tâm tình thống hối, ăn năn: Nếu điều cầu xin là ơn tha thứ thì người cầu xin không chỉ bày tỏ lòng tin vào sự khoan dung của người mình xin, mà còn bày tỏ sự ăn năn thống hối về lỗi lầm mình đã phạm. Theo cái nhìn này thì lời cầu xin cũng là lời xưng thú tội lỗi.
3.
Tâm tình khiêm hạ nhìn nhận sự hạn chế, bất toàn và cả bất lực của mình: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…” (x. Lc 11,3-4; Mt 6,11.13). Nội hàm những lời cầu xin trên đây quả là một lời thú nhận sự bất toàn, bất lực của người xin. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp. Nếu Chúa không nâng đỡ thì chúng ta không thể đứng vững trước mãnh lực của thần dữ, như “sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé, phân thây” (x.1P 5,8).
4.
Tâm tình thảo hiếu: “Nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (x. Mt 6,9-10; Lc 11,1). Một người con biết nghĩ đến Danh, Vương quyền, Ý, Lời của Cha là một người con sống đạo thảo hiếu đúng phận.
5.
Sự liên đới, tương thân tương ái trong nghĩa tình huynh đệ: Chúng ta nhận ra sự thật này qua hai từ “chúng con” của lời kinh “Lạy Cha”. Hơn nữa, khi đã tuyên xưng, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha thì một cách nào đó đã nhìn nhận tha nhân là anh chị em của mình. Sự tương thân tương ái được biểu hiện cách rõ nét và thiết thực bằng sự liên đới.
Câu chuyện Abraham cò kè bớt một thêm hai để xin Thiên Chúa tha thứ cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra là một minh hoạ. Lòng hiếu thảo luôn sánh đôi với nghĩa tình huynh đệ. Một người sống có tình với mẹ cha thì hẳn có lòng với anh chị em. Ngược lại, khi đã biết sống có tình với huynh đệ thì luôn làm đẹp lòng mẹ cha. Các đấng bậc sinh thành vốn nhận tình nghĩa huynh đệ của đàn con như là một trong những cách thế đẹp nhất mà đàn con bày tỏ lòng thảo hiếu với mình. Chúng ta nhận ra sự thật này khi cha ông chúng ta đã gắn kết hai mối tình ấy bằng hạn từ ghép “tình hiếu đễ”.
Mối tình của Abraham dành cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra, một cách nào đó còn bị giới hạn. Dù rằng đã dùng hết cách để có kè bớt dần con số người công chính để xin Thiên Chúa thứ tha cho họ, nhưng Abraham đã không vượt qua con số “mười”. Điều này cho thấy rằng, mặc dù tình thân của Abraham đối với Thiên Chúa thật đậm đà, nhưng vẫn còn bị hạn chế cách nào đó. Chắc hẳn Abraham luôn mong ước được thấy ngày của Con Người, ngày mà chân lý được tỏ bày cách hoàn hảo nơi Đức Giêsu Kitô (x.Ga 8,56). Giả như ông chứng kiến ngày ấy thì ông đã bớt dần xuống chỉ còn một người công chính. Quả vậy, “cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng đã được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).
Tuy nhiên, có thể nói rằng, cầu xin không phải là để Thiên Chúa biết các nhu cầu của chúng ta, vì chính Người đã biết rõ những gì chúng ta cần trước khi con người cất lời khẩn xin (x.Mt 6,8). Đã là người Cha trên các người cha và là nguồn gốc của mọi tình phụ tử, Thiên Chúa sẵn sàng ban mọi sự tốt lành cho chúng ta. Như thế cần phải khẳng định rằng nội hàm những lời cầu xin là để giúp nhận biết những gì cần, và để sẵn sàng đón nhận cũng như sẵn sàng thực thi.
“Xin cho danh Cha cả sáng”. Chúng ta không xin thì trời xanh vẫn phản ánh vinh quang của Người, mà xin là để biết cách cộng tác với ơn Chúa làm cho Thánh danh Người tỏ rạng nơi cuộc đời con người chúng ta. “Xin Cha tha nợ cho chúng con”. Chúng ta chưa xin thì Đức Kitô đã chết để ban ơn tha thứ ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Cầu xin là để biết cách thế đón nhận hồng ân tha thứ Chúa đã tặng ban. Một trong những cách thế để đón nhận hồng ân thứ tha của Thiên Chúa đó là quảng đại tha thứ cho tha nhân (x.Mt 6,14-15).
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để tiếp xúc, gặp gỡ Thiên Chúa. Tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để biết Chúa, yêu mến Chúa và để thực hiện thánh ý của Người. Như thế, cầu nguyện, cầu xin không phải là để bắt Thiên Chúa thực hiện điều chúng ta muốn, nhưng là để bắt chính mình thực thi điều Thiên Chúa muốn. Vấn đề đặt ra đó là cần phải biết cầu xin những gì đẹp ý Chúa. Một trong những điều đẹp ý Chúa nhất đó là tôi và mọi người cùng được hưởng ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc ngay hôm nay và ngày sau.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa, GP Ban Mê Thuột
2022
Cầu nguyện là khiêm hạ trông cậy vào Thiên Chúa
Cầu nguyện là khiêm hạ trông cậy vào Thiên Chúa
Dụ ngôn tuần trước về bà góa và quan tòa mời gọi chúng ta kiên tâm trong thử thách, cầu nguyện không nản lòng. Trong câu chuyện bà góa, thánh Luca cho thấy cầu nguyện không phải là chuyện xin thì được ngay lập tức, không phải là xin Chúa thỏa mãn một cách nhanh chóng một danh sách các nhu cầu của chúng ta.
Cần phải cầu nguyện kiên tâm bền bỉ với lòng tin tưởng: “Khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18: 8). Dụ ngôn hôm nay cho thấy một thái độ cơ bản khác khi cầu nguyện.
Từ quan tòa gian ác đến kẻ công chính giả dối
Câu giới thiệu của dụ ngôn hôm nay cho phép thánh Luca chỉ ra một trong những điểm mà dụ ngôn về bà góa và quan tòa có lẽ chưa nói hết. “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế” (Lc 18: 9-10). Khi chúng ta cầu nguyện vớiThiên Chúa, Ngài khác hẳn với ông quan tòa gian ác: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài sao? Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Ngài sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18: 6-8). Nhưng hôm nay: “Chúa Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18: 9).
Hai nhân vật đang ở trong Đền thờ, nơi hiện diện linh thiêng của Thiên Chúa, xa khỏi cái nhìn của người trần thế. Cầu nguyện trong Đền thờ là cơ hội để nhận biết cõi lòng của con người, không theo chuẩn mực người đời, nhưng theo ánh nhìn của Thiên Chúa. Thánh Luca lấy việc cầu nguyện này như cơ sở để suy ngẫm về sự phán xét và sự công chính dưới con mắt của Thiên Chúa. Công chính dưới mắt của Thiên Chúa có nghĩa gì?
Để có sự công chính.
Trong Sách thánh Do thái giáo, công chính liên quan đến cách hành xử công bằng, ngay thẳng, không gian dối: “Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử, cũng như khi đo đạc hay cân đong. Các ngươi phải có cán cân đúng, quả cân đúng, đúng thùng, đúng lít” (Lv 19: 35-36) hoặc: “Kính sợ Thiên Chúa là gớm ghét điều dữ. Thói kiêu căng ngạo mạn, và lối sống bất lương cũng như những lời gian manh, tráo trở, đó là những điều ta chê ghét” (Cn 8,13). Người công chính là người biết kiềm chế bản thân và hành xử theo lẽ phải, lẽ công minh, chính trực: “Người nào ăn ở công chính, thi hành điều công minh chính trực, không dự tiệc trên núi, không ngước mắt nhìn các ngẫu tượng của nhà Israel… không bóc lột ai, trả của cầm cho người cầm của, không cướp của ai, cho kẻ đói bánh ăn, lấy áo che thân kẻ mình trần, không cho vay ăn lời, không lấy lãi quá nặng, không nhúng tay vào chuyện bất công, xét xử công minh giữa người với người, sống theo những quy tắc của Ta và tuân giữ các quyết định của Ta mà thể hiện lòng trung tín của mình, người ấy mới là người công chính” (Ed 18,5-9). Trong nhãn quan Kinh Thánh, công chính vừa là ân huệ của Thiên Chúa vừa là bổn phận của người lãnh nhận. Người nào điều chỉnh bản thân mình để sống luôn trung thành với các điều răn của Ngài thì đó là người công chính. Vì vậy, chúng ta nhớ đến Nôê là một người công chính, hoàn hảo: “Ông Nôê là người công chính, hoàn hảo giữa những người cùng thời với ông, và ông đi trong đường lối của Thiên Chúa” (Kn 6,9) và “Ông Nôê được xem là người công chính vẹn toàn; trong thời thịnh nộ, ông đã trở thành một chồi non: Nhờ có ông, mặt đất còn lại một số sót, khi hồng thuỷ xảy ra” (Hc 44,17) hay ông Ábraham là người đã tin vào Chúa và Chúa coi ông là người công chính: “Ông tin Thiên Chúa, và vì thế, Thiên Chúa kể ông là người công chính” (Kn 15,6). Trở nên công chính là được đảm bảo sự cứu rỗi, giống như được cứu thoát khỏi cơn đại hồng thủy, và nhận được phúc lành thiêng liêng cho bản thân và gia đình mình.
Không giống những người khác.
Người Pharisêu là người tỉ mỉ tuân giữ các lề luật và điều răn của Thiên Chúa. Ông có thể hài lòng với những việc làm của mình. Ông ta đứng giơ hai tay lên trời mà cầu nguyện: “Người biệt phái đứng sững mà cầu nguyện” (Lc 18: 11), theo lời Thánh vịnh: “Hãy giơ tay hướng về cung thánh mà dâng lên lời chúc tụng Ngài” (Tv 134: 2). Ông ta cảm tạ Chúa vì đã trung thành thực thi Lề luật, và ông nêu ra một danh sách những việc tốt được làm: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18: 12). Theo lý mà nói, thì người Pharisêu đã cố gắng sống trung thành với các điều răn dạy của luật Môsê. Hẳn ông nghĩ rằng điều đó cho phép ông thấy bản thân mình đã sống phù hợp với Thiên Chúa, và tránh xa được tội lỗi. Ông ta đã làm tốt và đáng được sự ưu ái và phúc lành của Thiên Chúa chứ không phải hứng chịu điều ác và tội lỗi. và ông ta cho rằng mình đáng được gọi là công chính. Nhưng thực tế ông ta chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ gì đến Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ còn là cái cớ để ông ta kể lể khoe khoang “công đức” của riêng mình. Thậm chí ông ta còn nâng mình lên trên người khác: “Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18: 11).
Lời cầu nguyện của người thu thuế.
Ngược lại với người Pharisêu, người thu thuế, dù cũng là người Do Thái, nhưng lại phục vụ quyền lực của đế quốc Rôma đang cai trị dân tộc mình. Anh ta không chỉ lấy tiền của những người đồng đạo nộp cho Rôma, mà còn lấy cho riêng mình nhiều hơn những gì suất thuế quy định, tùy theo nhu cầu hoặc mong muốn riêng của anh ta. Những người thu thuế không được người Do thái giáo của cả hai miền Giuđê và Galilê coi là đồng bào, thậm chí họ bị coi là người ngoại giáo, kẻ phản quốc, quân tội lỗi: “Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Chúa Giêsu ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Ngài: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (Mc 2: 16) Sự gần gũi của họ với thế giới ngoại giáo khiến họ trở thành những người phải tránh xa đối với người công chính.
Người thu thuế tội lỗi này ý thức thân phận xã hội của mình, và vì thế anh ấy chọn một chỗ đứng xa xa: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa” (Lc 18: 13). Làm sao anh ấy dám đứng giơ hai tay lên trời như bất cứ người cầu nguyện tốt lành nào; anh chỉ cúi mặt xuống với thái độ ăn năn: “thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời” (Lc 18: 13). Nhưng điều căn bản còn thiếu trong lời cầu nguyện của người Pharisêu, người thu thuế đã làm trọn vẹn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18: 13). Một lời cầu nguyện ngắn gọn, cô đọng. đầy chân thật. Một lời thú nhận, một cái nhìn đúng thật về bản thân, về những gì nặng nề nhất và khó thú nhận nhất. Thú nhận mình là tội nhân, anh ấy biết rằng mình chỉ có thể trông cậy vào Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu được anh ấy. Trong khi người Pharisêu xác định sự cứu rỗi của mình bằng những việc làm tốt lành của mình thì người thu thuế khiêm tốn nhìn nhận ơn cứu độ của mình là ở nơi hành động nhân từ của Thiên Chúa. Ở đây, người thu thuế, có lẽ giàu có tiền của vật chất, bộc lộ sự nghèo nàn về con người và tâm hồn của mình. Đối diện với Thiên Chúa, anh biết mình là một tội nhân, nhưng hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ có cái nhìn nhân từ đối với anh. Đó là tất cả niềm tin của anh.
Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Theo quan niệm phổ biến của những người Do thái giáo thời Chúa Giêsu, người công chính đối nghịch với tội nhân, vì người công chính là người đi theo đường lối Chúa và sống theo ý muốn và lề luật của Ngài: “Người nào ăn ở công chính, thi hành điều công minh chính trực” (Êdêkiel 18,5). Dụ ngôn của Chúa Giêsu, cụ thể đối với Luca, một lần nữa đảo ngược quan điểm. Bởi vì, theo những người Pharisêu, lòng trung thành với Lề luật bảo đảm họ là người công chính, không giống như người thu thuế tội lỗi này. Giờ đây, một trong những người thu thuế tội lỗi này lại được tuyên bố là công chính chỉ vì lời cầu nguyện khiêm hạ của anh ta. Ngược lại, ở đây người Pharisêu đã cố gắng hết sức để vâng theo ý Chúa, kể cả trong việc bố thí và bác ái, lại không nhận được danh hiệu công chính này.
Đây là điều không thể hiểu được và thậm chí quá quắt. Làm nhiều việc “đạo đức tốt lành” đến thế để được gì, nếu một tên thu thuế tội lỗi, chẳng làm gì ngoài một lời cầu nguyện lại có thể làm cho hắn nên công chính?
Những việc làm của người Pharisêu thúc đẩy sự kiêu ngạo của ông ta nhiều hơn là thúc đẩy ông ta đến với đức tin vào Thiên Chúa và lòng thương xót đối với người tội lỗi đang bên cạnh. Sự tự hãnh của ông ta thậm chí đã trở thành một thứ khinh miệt, như một bức tường ngăn chặn không để bất cứ điều gì hướng về người khác lọt qua được. Một tâm thế xem mình là trung tâm, ngoài cái tôi của ông ta ra không còn ai khác là quan trọng, kể cả Thiên Chúa! Trong khi đó, người thu thuế trong dụ ngôn chỉ biết trông cậy vào một mình Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu tình trạng nghèo hèn của mình và mong muốn có được ân huệ của Ngài. Vậy, việc đạt tới sự công chính không còn được đo lường bằng những công trình được coi là tốt lành, nhưng chỉ bằng sự chân thành khiêm tốn trong một việc duy nhất: tin vào ân sủng nơi Thiên Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Ngài.
Trong dụ ngôn bà góa, thánh Luca cho thấy cầu nguyện không phải là đòi hỏi Thiên Chúa thỏa mãn nhanh chóng những yêu cầu của mình, nhưng cầu nguyện là một tiếng kêu bền bỉ của đức tin lên Thiên Chúa. Cầu nguyện thực chất là một thái độ sống tin tưởng, phó thác và yêu mến liên lỉ đối với Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Còn dụ ngôn hôm nay cho thấy tầm quan trọng của lời cầu nguyện như là một cách thế để nhận ra sự thật về bản thân “đáng tội” của mình theo cái nhìn của Thiên Chúa và nhờ đó biết khiêm hạ cậy nhờ vào lòng thương xót của Ngài và đi vào tương quan gặp gỡ cảm thương với người khác. Chỉ khi đó người ta mới có thể làm theo lời khuyên của thánh Phaolô: “Hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (1 Tm 2: 8).
Phêrô Phạm Văn Trung
2022
Đổi đời
30/10 Chúa nhật Chúa Nhật thứ Ba Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
Kn 11:22-12; Tv 145:1-2,8-9,10-11,13-1421; Lc 19:1-10
Đổi đời
Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi.
Ông Giakêu là một trưởng ty thuế vụ thành Giêricô, một người giàu có vì lạm thu bất chính. Ông bị liệt vào số những kẻ tội lỗi, bị khai trừ và khinh bỉ. Chúa Giêsu không nhìn ông bằng con mắt ấy, Người ngước nhìn ông đang ngồi trên cây sung; một cái nhìn nhân từ như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầy chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.
Người nói với ông: “Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Hạnh phúc quá bất ngờ: Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Báctimê là người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.
Từ lâu Giakêu hẳn thường nghe nói nhiều về Chúa Giêsu và ao ước được gặp gỡ với Người. Vì thế khi hay biết Người sắp đi qua nơi đó, Giakêu đã trèo lên một cây sung vì ông là một người thấp bé, và dân chúng thì lại đông đảo vây quanh Người. Thế rồi, Chúa Giêsu đã nhận ra ông, Ngài nói: Hỡi Giakêu hãy xuống mau vì hôm nay Ta muốn lưu lại tại nhà ngươi.
Giakêu là người thu thuế giàu có tại Giêricô. Và như chúng ta đã biết, dân chúng, nhất là những người đạo đức thường khinh bỉ những làm làm nghề thu thuế, nối giáo cho quân đội Rôma để bóc lột đồng bào của mình. Họ thường bị đồng hoá với những kẻ độc ác, bất công và tội lỗi, do đó bị loại trừ khỏi cộng đồng dân Chúa.
Ông Giakêu hẳn đã từng được nghe nói nhiều về Chúa Giêsu. Và quả thực lúc này Chúa Giêsu đã trở thành một nhân vật được đông đảo quần chúng biết đến, vì những lời Ngài giảng dạy và những việc Ngài làm, nhất là về lập trường và thái độ của Ngài. Tin Mừng kể lại: Rất đông người vây quanh Chúa Giêsu khiến cho ông Giakêu muốn được nhìn thấy Ngài nhưng không sao được, vì ông thấp bé. Nhưng ông không chịu thua. Ông chạy lên phía trước, đón đường Chúa và để chắc ăn, ông đã trèo lên một cây sung. Thái độ của Giakêu có thể là vì tò mò nhưng lại cũng là một điều thuận lợi để ông đi vào quan hệ với Chúa Giêsu.
Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy cần chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đến gấp bốn”. Và Chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người: “Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Thật vậy ở đâu có Chúa hiện diện là có ơn cứu độ, ở đâu có ơn cứu độ là có sự tha thứ. Ông Giakêu đã được thứ tha để được nhận lại làm con cái Abraham, con cái của lòng tin, con cái của Thiên Chúa.
Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Giakêu không còn giàu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Những người được Chúa “tìm đến và cứu chữa” bao giờ cũng trổi vượt trong nhân cách và kiên vững trong lòng tin.
Chúa Giêsu vẫn là người đi bước trước. Vừa thấy Giakêu, trước cả khi ông kịp nói lên một lời nào đó, Chúa Giêsu đã ngỏ lời với ông và trong lời ngỏ cùng Giakêu, Ngài đã dành cho ông một ân huệ lớn lao hơn cả điều ông có thể tưởng tượng ra. Ngài ngỏ ý muốn lưu lại tại nhà ông. Đó quả là điều ông không hề nghĩ tới. Ông phải là người hiểu rõ địa vị của ông hơn ai hết, vì ngay cả khi Ngài đến tại nhà ông, thì mọi người vẫn còn lẩm bẩm: Ông này lại đến trọ nhà một kẻ tội lỗi.
Nhưng điều bất ngờ lớn nhất đã xảy ra đó là cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu đã hoàn toàn biến đổi con người ông. Cuộc viếng thăm ấy đã đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời một người thu thuế.
Trước cả khi Chúa Giêsu nói một lời nào về tội lỗi của ông, thì ông đã tự động đề ra biện pháp để sửa đổi những lầm lỗi ông đã phạm. Biện pháp đó gồm hai phần: Phần thứ nhất là bố thí cho kẻ khó, và ông bố thí tới nửa phần ba gia tài của ông. Ông làm việc bố thí này hoàn toàn vì lòng đại lượng. Phần thứ hai là đền bù cho những người ông đã gây thiệt hại. Ông sẵn sàng đền bù gấp bốn lần, nghĩa là vượt quá điều luật buộc của người Do Thái, nhưng lại phù hợp với hình phạt của luật Rôma dành cho tội ăn cắp tỏ tường. Ông Giakêu quả là đã có được một sự độ lượng.
Lời Chúa Giêsu kết thúc có một ý nghĩa đặc biệt. Trước hết đó là lời tuyên bố ơn cứu độ được ban cho nhà, nơi Chúa Giêsu lưu lại, dù đó là nhà của Giakêu, người thu thuế. Đồng thời đây cũng là lời đặt ông Giakêu vào lại vị trí của ông trong cộng đồng dân Chúa, trong dòng dõi Abraham. Và cuối cùng Ngài đã mạc khải cho chúng ta chân lý lạ lùng này, đó là Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư đi.
Giakêu đã được gặp Chúa và cuộc gặp gỡ này đã đổi mới cuộc đời ông. Trong sự đổi mới này, ông đã không chỉ trở lại với Chúa mà còn trở lại với anh em, với những người chung quanh, nhất là với những người ông đã làm thiệt hại. Liệu chúng ta đã thực sự gặp gỡ Chúa hay chưa, và nhất là chúng ta đã thực sự đổi mới cuộc đời chúng ta hay chưa.
Dù cuộc đời chúng ta có chồng chất tội lỗi, chúng ta đừng vội thất vọng, hãy ngước nhìn Chúa, hãy tìm gặp Ngài với lòng yêu mến chân thành, bởi vì lúc nào Ngài cũng mở rộng vòng tay chờ đón để tha thứ cho chúng ta.