2022
Lời mời gọi sám hối
4.12 Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng
Br 5:1-9; Tv 126:1-2,2-3,4-5,6; Pl 1:4-6,8-11; Lc 3:1-6
Lời mời gọi sám hối
Trong các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, Hội Thánh tiếp tục kêu gọi các Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến. Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2.000 năm tại Palestine. Người hiện đang đến với mỗi người chúng ta. Chúng ta còn tin rằng Người sẽ đến trong vinh quang vào ngày cánh chung.
Nhưng những lần Chúa đến thì không ai biết trước được, Người đến thật bất ngờ. Do đó chúng ta phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa, Thánh Gioan Tẩy Giả vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, có sứ mệnh kêu gọi dân chúng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, ông dùng lời tiên tri Isaia khuyên bảo dân chúng sửa đổi đời sống.
Ông mời gọi mọi người biểu lộ lòng sám hối ra bên ngoài, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày.
Lời kêu gọi của Thánh Gioan rất cấp bách: Nếu không mau mau dọn đường Chúa đến thì cơn thịnh nộ Thiên Chúa sắp giáng xuống, cái rìu đã đặt sẵn vào gốc cây rồi, nếu biết mau mau dọn đường cho Đấng Cứu thế đến thì mọi người sẽ được ơn cứu độ, “sẽ được cởi bỏ áo tang khổ nhục và muôn đời được mặc lấy ánh huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa, sẽ được đội lên đầu vinh quang của Đấng vĩnh cửu..” (Bài đọc I). Đấng mà bao nhiêu tiên tri đã dọn đường cho Ngài đến, Đấng mà dân chúng đã trông chờ hàng ngàn năm rồi và tiên tri Isaia đã hô hào đón rước từ hơn 500 năm trước.
Nay Ngài đang đến rồi: thật là một công việc rất vĩ đại sắp xảy ra, thật vinh phúc cho mọi người đang sống mà các tổ phụ, các tiên tri, các ông cha họ khát mong mà không được đón rước. Ngài đã đến rồi, chỉ còn chốc lát nữa Gioan sẽ chỉ cho họ được thấy: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng cứu độ trần gian”. Ngài sẽ đến giải phóng cho họ khỏi cảnh đui mù, câm điếc, tàng tật, tê liệt, quỷ ám, khỏi cảnh tối tăm sự chết. “Ngài sẽ dẫn họ đi trong niềm hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng thương xót và sự công chính của Ngài”
Bên bờ sông Giocđan, Gioan đã chu toàn sứ mạng của mình. Ông đã rao giảng sự sám hối ăn năn, đó chính là điều kiện để được đón nhận vào Nước Trời. Nước Trời hiện giờ là đời sống ân sủng, là trở nên phần tử của Giáo Hội. Còn Nước Trời mai sau chính là niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Thánh Gioan đã rao giảng bằng những lời nói đơn sơ, không văn hoa bóng bảy: Hãy sám hối ăn năn vì Nước Trời đã gần đến. Hãy dọn đường cho Chúa: quanh co uốn chon gay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho nay và nơi cao phải bạt xuống. Ông không phải chỉ rao giảng bằng lời nói suông, mà còn bằng chính đời sống của mình. Và như vậy, lời nói của ông luôn đi đôi với việc làm. Ông sống, ông làm trước đã, rồi sau đó ông mới giảng, mới dạy, nên lời giảng dạy của ông luôn có một sức lôi cuốn và hấp dẫn.
Lời mời gọi của Thánh Gioan nhắc lại lời của tiên tri Iasia với những từ ngữ rất tượng hình và hổn độn. Đó cũng chính là tình trạng tâm hồn của mỗi chúng ta, do khuấy động của cuộc sống bên ngoài và tội lỗi của chúng ta.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn luôn có những tâm tình và thời giờ dành cho Chúa cũng như nhìn lại những gì mình đã sống, đã làm. Nhưng có lẻ chưa đủ nó còn rất nhiều thứ chi phối những tác động của môi trường bên ngoài ồn ào, bề bộn do những nhu cầu hằng ngày cũng như những cám dỗ làm cho chúng ta không trung thành với Chúa. Nhưng nhất là tình trạng tâm hồn của chúng ta với những lo toan của cuộc sống âu lo, buồn phiền và tội lỗi. Giờ đây với tâm tình Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Vọng chúng ta nhìn lại chính tâm hồn mình và quyết tâm điều chỉnh lối sống của mình. Chuẩn bị, sửa sang mảnh đất tâm hồn của mình để đón Chúa để nó là nơi tốt đẹp, sạch trong cho ơn cứu độ của Chúa.
Mùa Vọng là thời gian quý báu để chỉnh sửa tâm hồn mình. Một thời gian chờ đợi trong niềm vui và tin tưởng vì chúng ta biết rằng chắc chắn ơn cứu độ sẽ dành chúng ta nếu chúng ta thật tâm quay về với Chúa. Thời gian này cũng mời gọi chúng ta dành thời giờ cho Chúa nhiều hơn, lắng động nhiều hơn và hướng lòng lên Chúa nhiều hơn
Thực vậy. Đời sống của ông là một đời sống khắc khổ: Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu với mật ong rừng. Thái độ và cung cách của ông là thái độ và cung cách của một kẻ khiêm nhường: Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Ông chỉ biết một việc, đó là tìm mọi cách để làm vinh danh Chúa: Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi. Ông đã sai các môn đệ đến với Chúa Giêsu, có ý cho các ông nhận biết Chúa. Dù các môn đệ có từ bỏ mình mà đi theo Chúa, thì ông cũng không buồn. Chính ông đã giới thiệu Chúa Giêsu cho đám đông: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Và dù dân chúng có tin theo Chúa, thì ông cũng không bao giờ tỏ ra hậm hực và tức tối. Ông sẵn sàng rút vào bóng tối, để Chúa được nhận biết, và ông đã chết một cách đau thương trong ngục tù của vua Hêrôđê.
Sau cùng, đời sống của ông là một đời sống cầu nguyện. Thực vậy, ông đã ở trong hoang địa ngay từ thời còn niên thiếu, để được lắng nghe tiếng Chúa và để được kết hiệp mật thiết với Ngài. Ông đã chu toàn sứ mạng của một vị tiền hô, như lời tiên tri Isaia đã loan báo: Đây ta sai sứ thần của Ta đi trước mặt ngươi, để dọn đường cho ngươi.
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa làm tất cả vì yêu. Con người được mời gọi để trở nên giống Thiên Chúa, được mời gọi để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Chính khi con người nên giống Thiên Chúa, thì con người được hạnh phúc. Con người được mời gọi để sống yêu thương như Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Chính khi con người sống yêu thương, thì con người được hạnh phúc. Cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận. Con người hạnh phúc khi phục vụ và giúp người khác triển nở.
Hãy lấp bằng những hố sâu ngăn cách, hãy bạt những núi đồi kiêu kỳ làm ngăn trở mình sống yêu thương như Thiên Chúa. Mỗi người được mời gọi để nhìn lại chính mình, để thấy mình chưa sống như Thiên Chúa muốn, để thấy mình chưa yêu thương như Thiên Chúa mời gọi, để trở lại với Thiên Chúa là Đấng làm tất cả vì yêu thương
2022
Hãy sẵn sàng
27.11 Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng
Gr 33:14-16; Tv 25:4-5,8-9,10-1413; Lc 21:25-28,34-36
Hãy sẵn sàng
Hôm nay, toàn thể Giáo hội bước vào Chúa nhật I Mùa Vọng, Năm Mới Phụng Vụ được bắt đầu, đặc biệt chúng ta chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh của Con Một Chúa và bắt đầu lại cuộc lữ hành thiêng liêng hướng về Ðấng Thiên Sai muôn dân mong đợi.
Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.
Mùa Vọng là mùa trông chờ Chúa đến. Chúng ta trông chờ Chúa đến là bởi vì chúng ta không được thoả mãn với tình trạng hiện tại của chúng ta. Dầu có tận tâm tận lực, chúng ta vẫn gặp phải không biết bao nhiêu điều trái ý, chẳng hạn như bệnh tật, nghèo đói, cô đơn, chia ly và chết chóc. Chúng ta tin rằng Chúa sẽ đến để lấp đầy những khát vọng chính đáng của chúng ta, đồng thời sẽ mang lại một đời sống hạnh phúc:
Sẽ không còn chiến tranh, thù hận và hao tốn tiền của nữa, vì thời đại của Chúa là thời đại hoà bình. Bản thân Chúa chính là sự bình an như lời các thiên thần hát vang trên cánh đồng Bêlem: Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Theo cách viết của thánh Matthêu, những người thời ông Noê chẳng làm gì nên tội. Họ chỉ làm những việc bình thường: “ăn uống, cưới vợ gả chồng”. Họ chết trong cơn nước lụt, không phải là vì họ có tội, mà vì họ không thánh hóa mọi giờ khắc, mọi công việc của mình.
Họ đã không làm mọi việc trong tinh thần cầu nguyện, trong lòng yêu mến Chúa. Đúng hơn, họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả. Họ đã không làm những việc phải làm. Ngược lại, họ chỉ làm những việc không cần thiết.
Chúa Giêsu nhắc nhở ta phải luôn sẵn sàng vì Người sẽ đến bất cứ lúc nào. Sự sẵn sàng của ta không như những người thời Noê, nhưng là theo ý Chúa dạy. Nghĩa là, giữa cuộc sống trần thế còn nhiều bộn bề, nhiều vất vả, lo âu, nhưng ta chỉ tin tưởng phó thác vào Chúa mà thôi. Ta tập cho mình dù làm gì, ở đâu, bất cứ thời gian nào, đều biết thánh hóa giây phút hiện tại, biết hiến dâng chính giờ này, việc này, hoàn cảnh này cho Chúa.
“Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.”
Và Lời Chúa trong Tin Mừng cũng kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức vì giờ Chúa đến thật bất ngờ; vì như “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”.
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Nếu hôm nay, lúc còn an bình khoẻ mạnh, ta không tưởng gì đến Chúa; đợi đến lúc lâm nguy rồi mới chạy đến với Ngài thì chúng ta xem Chúa có khác gì chiếc phao. Bình thường khi trời quang mây tạnh, mọi sự an lành thì không ai thèm ngó lại chiếc phao, xem nó như cái gì thừa thãi vô tích sự, có thấy nó nằm giữa lối đi thì người ta cũng đá nó sang một bên, không ai thèm đoái hoài. Nhưng khi gặp phong ba bão táp, nguy khốn đến nơi thì tranh nhau giành lấy phao cho bằng được!
Sa vào chước cám dỗ vì thiếu tỉnh thức. Cầu nguyện không phải chỉ đơn thuần giúp Kitô hữu liên kết với Chúa và còn là cách diễn tả tình yêu lòng mến dành cho Chúa. Cầu nguyện giúp Kitô hữu tỉnh thức, nhận thêm ơn Chúa để chống trả lại cơn cám dỗ. Chống được cơn cám dỗ giúp Kitô hữu đi đúng đường lối Chúa. Đi đúng đường lối Chúa là tâm hồn biết tôn thờ, kính sợ Chúa. Ai tôn kính Chúa sẽ được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Hưởng gia nghiệp Chúa vì người đó thực thi công lí, bác ái và yêu thương. Không tôn thờ Chúa là sống vô ơn vì không biết cảm tạ những ơn lành Người ban cho.
Cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh, mà là tâm trạng luôn hướng về Chúa, sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Cầu nguyện là hợp nhất với Thiên Chúa trong tâm tình yêu thương, nhất là trong ý hướng và hành động. Hãy luôn luôn muốn và thực hiện những điều Chúa muốn.
Ngày hôm nay Tin Mừng kêu gọi Kitô hữu hãy tỉnh thức để bất cứ khi nào chủ về thì đã sẵn sàng vì không biết ngày nào, giờ nào chủ trở lại. Người sống tâm tình tạ ơn là người đã sẵn sàng vì lúc nào trong lòng họ cũng mang lòng biết ơn, cảm mến chân thành.
Xin cho chúng ta biết “tỉnh thức và cầu nguyện, để tâm hồn luôn sẵn sàng và thanh thoát. hầu khi Chúa đến sẽ là giây phút được mong đợi, và là một cuộc hạnh ngộ đầy hoan lạc và yêu thương.
2022
Vua đời ta
- Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua
2 Sm 5:1-3; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Cl 1:12-20; Lc 23:35-43
Vua đời ta
Lễ Đức Kitô Vua là một ngày lễ rất gần đây bởi vì lễ này đã cử hành lần đầu tiên năm 1925. Những canh tân phụng vụ thời nào cũng có. Thật vậy, việc cử hành thật sự vương quyền của Chúa Giêsu là ngày lễ Thăng Thiên: Nhưng, trong Chúa nhật cuối cùng này của năm phụng vụ, chúng ta chiêm niệm “Triều đại của Thiên Chúa” đến từ từ xuyên qua, lịch sử và đạt đến sự thực hiện viên mãn vào thời cách chung.
Để mừng lễ Đức Kitô Vua chúng ta, một cách rất nghịch lý, Giáo Hội đưa ra cho chúng ta cảnh tượng mà Chúa Giêsu khai mạc triều đại của Người: ngai vàng của Người là thập giá. Vương miện Người là một vòng gai làm đổ máu khuôn mặt Người… lễ phong vương của Người là một “danh hiệu” của việc kết án tử được đóng đinh bên trên đầu Người. “Đây là vua dân Do Thái! Hai chứng nhân, hai nam tước của Người, là hai tên gian phi bị kết án với Người.
Nghịch lý cao cả của Tin Mừng! Vua ư? Phải! Nhưng chắc chắn không như cách hiểu của những người hoặc muốn đứng về phe Người để hoan hô tôn phong Người hoặc là những đối thủ của Người để lên án Người. Vua “theo cách của Thiên Chúa”!
Nếu Đức Ki-tô là khởi nguyên công trình tạo dựng trong trật tự tự nhiên, thì Ngài cũng là khởi nguyên toàn bộ sự sống siêu nhiên. Ngài là đầu Giáo Hội, thân thể mầu nhiệm của Ngài. Ngài là “Trưởng Tử trên mọi loài thụ sinh” như thế nào, thì Ngài là người đầu tiên từ cõi chết sống lại như vậy, nghĩa là Ngài đã khai mạc sự sống vinh quang; Ngài là Chủ Tể đời sống mới này. Thánh Gioan sẽ nói trong sách Khải Huyền: Chúa Giêsu Ki-tô là “An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22, 13).
Chính Đức Giê-su Ki-tô là tác giả của ơn cứu độ:“Nhờ máu Người đổ ra khi chết trên thập giá,Thiên Chúa đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (1, 20).
Vua trần gian có thần dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan.
Chúa Giêsu trái lại, Người không làm vua theo kiểu thường tình ấy. Người đã khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay sẽ nói lên tính cách Vương Quyền ấy của Người.
Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái, của lính tráng, của bản án treo trên thập giá, đã nói!ên vương quyền của Chúa Giêsu: “Hắn đã cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki tô của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa tuyển chọn” (Lc 23, 35). “Đấng Kitô” chính là người được xức dầu, là tước hiệu của vua. “Người Thiên Chúa tuyển chọn” chính là tước hiệu Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành đã nói lên vương quyền của Người: “Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi” (Lc 35, 42).
Tuy nhiên, nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không để ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không “xuống khỏi thập giá” cách ngoạn mục, nhưng đã “kéo mọi người” lên với Người (Ga 13, 32). Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người.
Người đã sẵn lòng chịu chết giữa hai tên gian phi, như lời Kinh Thánh rằng: “Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân” (ls 53, 12). Người đã hoà mình trong đám người tội lỗi, đã chịu chung số phận của họ, Người đã sống và đã chết giữa đám tội nhân, như lời đồn đại về Người: “Bạn của người thu thuế và phường tội lỗi” (Mi 11, 19).
Vâng, vương quyền của Người không cai trị bằng sức mạnh biểu dương, nhưng chinh phục bằng “khối” tình yêu thương. Chính vì thế mà Người đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng, là lời thách thức xuống khỏi thập giá, để sẵn lòng chịu chết hầu cứu chuộc con người tội lỗi, chính là thần dân của Người,
Thần dân đầu tiên mà vị Vua có vương miện là mão gai, và ngai vàng là gỗ thánh giá đã chinh phục, chính là người trộm lành. Giữa lúc những kẻ trước đây tung hô vạn tuế nay lại nhạo báng Người, giữa lúc các môn đệ thề sống chết với Người nay lại bỏ trốn hết, thì chỉ có một mình anh, người trộm lành, lên tiếng bênh vực Người: Anh mắng người trộm dữ: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái!” (Lc 35, 40-41). Anh tỏ lòng kính sợ Chúa và ăn năn sám hối, đó là thái độ của người sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.
Song đối với sự hài hòa của vũ trụ là sự hài hòa của các tâm hồn mà việc tha thứ tội lỗi mang lại: sự bình an trong tâm hồn này là thành quả hy tế của Đức Ki-tô.
Khi trích dẫn thánh thi ca ngợi tính ưu việt của Đức Ki-tô này, thánh Phao-lô đã thấy ở đây trước tiên một vũ khí chống lại những lời nói vớ vẩn của các triết gia Cô-lô-xê; nhưng đồng thời thánh nhân cũng đã gặp thấy ở đây diễn ngữ thần học, diễn tả sâu xa thần học của thánh nhân. Biến cố trên đường Đa-mát đã mặc khải cho thánh nhân tầm quan trọng hàng đầu của vai trò Đức Ki-tô. Con người Đức Ki-tô ngự trị trên quan điểm về ơn cứu độ, quan niệm về Giáo Hội, cũng như kinh nghiệm nội tâm của thánh nhân. Đức Ki-tô là tất cả trong mọi sự.
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa: đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.
Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hoà thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hoà thuận yêu thương sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.
2022
Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống
6.11 Chúa Nhật thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
2 Mcb 7:1-2,9-14; Tv 17:1,5-6,8-1522; Lc 20:27-38; Lc 20:27,34-38
Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống
Tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Nhưng không chỉ như thế, tháng này còn nhắc nhở chúng ta về tính cách phù vân của cuộc sống thế gian, và nhất là về tính cách quan trọng đặc biệt của sự sống vĩnh cửu. Vì thế, thật ý nghĩa khi trong ngày Chủ Nhật đầu tháng 11 này, chúng ta được đọc bài tin mừng Lc 20, 37-38.
Để biện minh cho lập trường của mình là không tin kẻ chết sống lại, nhóm Xa-đốc giả định một “ca” khó giải: Nếu một người phụ nữ chẳng may goá chồng mà không có con nối dòng, chiếu theo luật Mô-sê (Đnl 25,5-10), cô ta cưới lần lượt cả bảy anh em, rồi tất cả đều chết mà không để lại người con nào, vậy thì khi sống lại cô sẽ là vợ của ai? Lập luận đó dẫn đến một tình huống bế tắc; suy ra không thể có việc sống lại. Chúa trưng dẫn từ Thánh Kinh rằng Thiên Chúa xưng mình là Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác, và Gia-cóp (Xh 3,15); mà Ngài là Chúa của kẻ sống, cho nên các tổ phụ vẫn đang sống, vậy sống lại là có thật. Chúa đâu nhắm đến việc lý luận hơn thua. Ngài nhắc chúng ta rằng cuộc đời này là vô thường, mà mục đích tối hậu chúng ta phải nhắm tới là sự sống đời sau bên Chúa, nơi chúng ta sẽ sống như các thiên thần.
Cuộc đời phù vân. “Trăm năm còn có gì đâu, chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì” (Nguyễn Gia Thiều). Xét theo một phương diện, suy nghĩ đó đúng. Nhưng xét theo phương diện khác thì không hẳn. Vì có sự sống lại, và trong sự sống lại đó, chúng ta là con cái được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa là Cha chúng ta. Trang Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta điều đó.
Trang Tin Mừng được mở đầu bằng một sự kiện đáng chú ý: “Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Chúa Giêsu. Nhóm này bảo rằng không có sự sống lại” (c.27). Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tin mừng Luca nói đến những người thuộc nhóm Xađốc. Nhóm này bao gồm những gia đình tư tế giàu có và các giáo dân quý tộc. Hoạt động của họ tập trung chính yếu ở đền thờ và trong lãnh vực chính trị. Họ không gần gũi với dân chúng như những người Pharisêu. Về phương diện tư tưởng và thần học, họ là những người bảo thủ. Sau năm 70 họ không còn vai trò gì quan trọng trong lịch sử nữa.
Những người Xađốc tin rằng Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ và loài người. Họ cũng tin rằng Thiên Chúa đã ban cho Israel Lề Luật, nhờ cụ Môsê, để dân Chúa tổ chức đời sống mình theo ý của Thiên Chúa. Nhưng vì Luật Môsê không nói gì đến sự sống lại, nên họ không công nhận điều đó. Vậy lập trường của họ không hẳn là một sự phủ định mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính khi chủ trương như vậy, thì trong thực tế, họ đã chấp nhận một tiền giả định sai lầm về Thiên Chúa và về mối tương quan của người ta đối với Thiên Chúa. Theo đó, Thiên Chúa không thể và không muốn làm bất cứ điều gì cho con người bên ngoài thế giới hiện tại và cuộc sống trong thế giới này. Người Israel, theo quan điểm của nhóm Xađốc, sống dưới sự hướng dẫn của Luật và trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng một khi cái chết đã xảy đến, thì sự sống chấm dứt và mối tương quan với Thiên Chúa cũng chấm dứt.
Theo Chúa Giêsu, niềm tin phục sinh của chúng ta được đặt nền tảng tận cùng ở trên chính bản tính của Thiên Chúa, đó là bản tính hằng sống ; và vì Ngài là hằng sống, nên Ngài tình yêu của Ngài cũng sẽ là muôn đời, là mãi mãi ; như Tv 136 tuyên xưng : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
Thế mà Thiên Chúa là tình yêu, nên tình yêu của Chúa không thể là vắn vỏi, không thể là chóng qua. Do đó, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, chính tình yêu muôn đời của Thiên Chúa hằng sống làm cho chúng ta được sống lại và sống mãi, cho dù chúng ta có phải chết.
Bởi vì, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đang yêu thương chúng ta và sẽ yêu thương mãi mãi. Như chính Chúa Giêsu nói một cách rất mạnh mẽ và thuyết phục về sự sống lại : « Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống ».
Sau cùng, Chúa Giêsu không chỉ có quyền năng của một Thiên Chúa, trả lại cho con người sự sống tự nhiên, nhưng còn có quyền năng trao ban cho con người sự sống siêu nhiên sau khi chiến thắng satan, tội lỗi và sự chết bằng cách dâng hiến mạng sống mình cho Chúa Cha trên thánh giá đền thay tội lỗi cho nhân loại. Trái tim đã chịu lưỡi đòng đâm thâu hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh và sống lại trong vinh quang của Chúa Cha để thông chia sự sống mới ấy cho nhân loại.
Do đó mà nhờ bí tích Thánh Tẩy, con người được công chính hóa, được tái sinh trở nên con cái Thiên Chúa, chết đi đối với tội lỗi và sống trong sự sống mới với Chúa Giêsu. Nói cách khác, nhờ cái chết trên thập giá và sự sống lại, lên trời trong vinh quang của Chúa Cha mà tất cả nhân loại được trao ban niềm hy vọng sống đời đời. Với những ai tin vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng đó đã trở thành hiện thực cho dù hiện thực ấy mới bắt đầu và thực sự viên mãn trong ngày cánh chung, ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Thiên Chúa là nguồn sự sống và chính Ngài có quyền can thiệp vào sự sống. Ngài cho nó phát sinh, tồn tại và phát triển. Ngài có quyền cất nó đi và trả lại cho ai tùy ý. Ngài không những có quyền trên sự sống tự nhiên, nhưng còn có quyền trao ban sự sống siêu nhiên, sự sống viên mãn cho bất cứ ai tin. Chúa Giêsu được sai đến để làm điều đó. Bằng chứng là trong cuộc đời công khai, Ngài đã cho kẻ chết sống lại và sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã bắt đầu công cuộc sáng tạo mới để kha sinh một nhân loại mới. Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết chạy đến với Chúa Giêsu để được Ngài chữa lành cả phần xác lẫn phần hồn, cả sự sống tự nhiên lẫn siêu nhiên. Xin Chúa cũng cho chúng ta một khi đã được chữa lành thì luôn biết dùng môi miệng và cuộc đời để cao rao tình thương và quyền năng của Chúa cho mọi người.