Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống
6.11 Chúa Nhật thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
2 Mcb 7:1-2,9-14; Tv 17:1,5-6,8-1522; Lc 20:27-38; Lc 20:27,34-38
Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống
Tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Nhưng không chỉ như thế, tháng này còn nhắc nhở chúng ta về tính cách phù vân của cuộc sống thế gian, và nhất là về tính cách quan trọng đặc biệt của sự sống vĩnh cửu. Vì thế, thật ý nghĩa khi trong ngày Chủ Nhật đầu tháng 11 này, chúng ta được đọc bài tin mừng Lc 20, 37-38.
Để biện minh cho lập trường của mình là không tin kẻ chết sống lại, nhóm Xa-đốc giả định một “ca” khó giải: Nếu một người phụ nữ chẳng may goá chồng mà không có con nối dòng, chiếu theo luật Mô-sê (Đnl 25,5-10), cô ta cưới lần lượt cả bảy anh em, rồi tất cả đều chết mà không để lại người con nào, vậy thì khi sống lại cô sẽ là vợ của ai? Lập luận đó dẫn đến một tình huống bế tắc; suy ra không thể có việc sống lại. Chúa trưng dẫn từ Thánh Kinh rằng Thiên Chúa xưng mình là Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác, và Gia-cóp (Xh 3,15); mà Ngài là Chúa của kẻ sống, cho nên các tổ phụ vẫn đang sống, vậy sống lại là có thật. Chúa đâu nhắm đến việc lý luận hơn thua. Ngài nhắc chúng ta rằng cuộc đời này là vô thường, mà mục đích tối hậu chúng ta phải nhắm tới là sự sống đời sau bên Chúa, nơi chúng ta sẽ sống như các thiên thần.
Cuộc đời phù vân. “Trăm năm còn có gì đâu, chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì” (Nguyễn Gia Thiều). Xét theo một phương diện, suy nghĩ đó đúng. Nhưng xét theo phương diện khác thì không hẳn. Vì có sự sống lại, và trong sự sống lại đó, chúng ta là con cái được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa là Cha chúng ta. Trang Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta điều đó.
Trang Tin Mừng được mở đầu bằng một sự kiện đáng chú ý: “Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Chúa Giêsu. Nhóm này bảo rằng không có sự sống lại” (c.27). Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tin mừng Luca nói đến những người thuộc nhóm Xađốc. Nhóm này bao gồm những gia đình tư tế giàu có và các giáo dân quý tộc. Hoạt động của họ tập trung chính yếu ở đền thờ và trong lãnh vực chính trị. Họ không gần gũi với dân chúng như những người Pharisêu. Về phương diện tư tưởng và thần học, họ là những người bảo thủ. Sau năm 70 họ không còn vai trò gì quan trọng trong lịch sử nữa.
Những người Xađốc tin rằng Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ và loài người. Họ cũng tin rằng Thiên Chúa đã ban cho Israel Lề Luật, nhờ cụ Môsê, để dân Chúa tổ chức đời sống mình theo ý của Thiên Chúa. Nhưng vì Luật Môsê không nói gì đến sự sống lại, nên họ không công nhận điều đó. Vậy lập trường của họ không hẳn là một sự phủ định mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính khi chủ trương như vậy, thì trong thực tế, họ đã chấp nhận một tiền giả định sai lầm về Thiên Chúa và về mối tương quan của người ta đối với Thiên Chúa. Theo đó, Thiên Chúa không thể và không muốn làm bất cứ điều gì cho con người bên ngoài thế giới hiện tại và cuộc sống trong thế giới này. Người Israel, theo quan điểm của nhóm Xađốc, sống dưới sự hướng dẫn của Luật và trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng một khi cái chết đã xảy đến, thì sự sống chấm dứt và mối tương quan với Thiên Chúa cũng chấm dứt.
Theo Chúa Giêsu, niềm tin phục sinh của chúng ta được đặt nền tảng tận cùng ở trên chính bản tính của Thiên Chúa, đó là bản tính hằng sống ; và vì Ngài là hằng sống, nên Ngài tình yêu của Ngài cũng sẽ là muôn đời, là mãi mãi ; như Tv 136 tuyên xưng : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
Thế mà Thiên Chúa là tình yêu, nên tình yêu của Chúa không thể là vắn vỏi, không thể là chóng qua. Do đó, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, chính tình yêu muôn đời của Thiên Chúa hằng sống làm cho chúng ta được sống lại và sống mãi, cho dù chúng ta có phải chết.
Bởi vì, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đang yêu thương chúng ta và sẽ yêu thương mãi mãi. Như chính Chúa Giêsu nói một cách rất mạnh mẽ và thuyết phục về sự sống lại : « Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống ».
Sau cùng, Chúa Giêsu không chỉ có quyền năng của một Thiên Chúa, trả lại cho con người sự sống tự nhiên, nhưng còn có quyền năng trao ban cho con người sự sống siêu nhiên sau khi chiến thắng satan, tội lỗi và sự chết bằng cách dâng hiến mạng sống mình cho Chúa Cha trên thánh giá đền thay tội lỗi cho nhân loại. Trái tim đã chịu lưỡi đòng đâm thâu hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh và sống lại trong vinh quang của Chúa Cha để thông chia sự sống mới ấy cho nhân loại.
Do đó mà nhờ bí tích Thánh Tẩy, con người được công chính hóa, được tái sinh trở nên con cái Thiên Chúa, chết đi đối với tội lỗi và sống trong sự sống mới với Chúa Giêsu. Nói cách khác, nhờ cái chết trên thập giá và sự sống lại, lên trời trong vinh quang của Chúa Cha mà tất cả nhân loại được trao ban niềm hy vọng sống đời đời. Với những ai tin vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng đó đã trở thành hiện thực cho dù hiện thực ấy mới bắt đầu và thực sự viên mãn trong ngày cánh chung, ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Thiên Chúa là nguồn sự sống và chính Ngài có quyền can thiệp vào sự sống. Ngài cho nó phát sinh, tồn tại và phát triển. Ngài có quyền cất nó đi và trả lại cho ai tùy ý. Ngài không những có quyền trên sự sống tự nhiên, nhưng còn có quyền trao ban sự sống siêu nhiên, sự sống viên mãn cho bất cứ ai tin. Chúa Giêsu được sai đến để làm điều đó. Bằng chứng là trong cuộc đời công khai, Ngài đã cho kẻ chết sống lại và sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã bắt đầu công cuộc sáng tạo mới để kha sinh một nhân loại mới. Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết chạy đến với Chúa Giêsu để được Ngài chữa lành cả phần xác lẫn phần hồn, cả sự sống tự nhiên lẫn siêu nhiên. Xin Chúa cũng cho chúng ta một khi đã được chữa lành thì luôn biết dùng môi miệng và cuộc đời để cao rao tình thương và quyền năng của Chúa cho mọi người.