2020
Thứ Hai Tuần II – Mùa Phục Sinh
Thứ Hai Tuần II – Mùa Phục Sinh
Ca nhập lễ
Rm 6,9
Từ cõi chết, Đức Ki-tô đã phục sinh,
không bao giờ Người chết nữa,
cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 4,23-31
Cầu nguyện xong, ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
23 Hôm ấy, sau khi được thả về, hai ông Phê-rô và Gio-an đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông. 24 Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa : “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó ; 25 Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán : Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông ? 26 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.
27 “Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu. 28 Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước. 29 Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. 30 Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su.” 31 Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển ; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa.
Đáp ca
Tv 2,1-3.4-6.7-9 (Đ. x. c.12d)
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài.
1Sao chư dân lại ồn ào náo động ?
Sao vạn quốc dám bày kế viển vông ?2Vua chúa trần gian cùng nổi dậy,
vương hầu khanh tướng rập mưu đồ
chống lại Đức Chúa,
chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.3Chúng bảo nhau : “Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy,
gông cùm họ, ta hãy quẳng đi !”
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài.
4Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười,
Người chế nhạo bọn chúng.5Rồi nổi trận lôi đình, Người quát nạt,
trút cơn thịnh nộ, khiến chúng kinh hoàng,6rằng : “Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn,
lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta.”
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài.
7Tân vương lên tiếng : Tôi xin đọc sắc phong của Chúa,
Người phán bảo tôi rằng : “Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.8Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
toàn cõi đất làm phần lãnh địa.9Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành,
nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm.”
Đ.Lạy Chúa, hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài.
Tung hô Tin Mừng
Cl 3,1
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 3,1-8
Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người : “Thưa Thầy, chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” 3 Đức Giê-su trả lời : “Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” 4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa : “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được ? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao ?” 5 Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt ; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói : các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Lời nguyện tiến Lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả, giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên, và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh
Lạy Chúa chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Ga 20,19
Chúa Giê-su đứng giữa các môn đệ và nói :
“Chúc anh em được bình an.” Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển, và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin …
2020
Có phải tên Thiên Chúa là “Giavê” hay “Giêhôva” không?
Hỏi: Thưa cha Kerper*, gần đây con có nghe nhiều người nói rằng Giáo Hội Công Giáo chống lại việc sử dụng tên thật của Thiên Chúa, mà trong Kinh Thánh tên đó là “Giêhôva” (Jehovah). Con có biết Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từng cấm người Công Giáo sử dụng tên này. Nếu đó thật sự là tên thật của Thiên Chúa thì vì sao lại cấm sử dụng?
Đáp: Cảm ơn câu hỏi của bạn, một câu gần đây thật sự thường nghe. Tôi thấy rằng câu hỏi của bạn có ba ý phân biệt nhưng liên kết với nhau: một là, vấn đề danh hiệu “Giêhôva”; hai là, việc sử dụng tên thật của Thiên Chúa trong việc thờ phượng; ba là, Thiên Chúa có tên thật không.
Đầu tiên chúng ta nói về danh từ “Giêhôva”. Nếu bạn chịu khó tìm trong các bản dịch mới nhất của Kinh Thánh, bạn sẽ không tìm thấy từ đó. Vì sao? Bởi vì hầu hết các học giả đều đồng ý rằng danh từ đó là một cách dịch sai của 4 ký tự Hípri – mà chúng ta thường phiên tự bằng chữ cái Latinh là “YHWH” hay “JHWH”.
Nguồn gốc thuật ngữ “Giêhôva”
Bởi vì người Israel có lòng tôn kính danh Thiên Chúa cách sâu sắc, nên họ đã dừng hẳn việc phát âm từ “YHWH”. Điều này xảy ra vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên.
Để nhắc nhở các đọc giả không đọc ra danh Thiên Chúa, các bản sao Kinh Thánh Do Thái bắt đầu chèn vào từ “Adonai”, nghĩa là “Đức Chúa”, trên đầu các ký tự “YHWH”. Chỉ mới từ thời Trung cổ, những người dịch Kinh Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Latinh hay các ngôn ngữ châu Âu khác mới tạo ra thuật ngữ “Jehovah” (“Giêhôva”) do ghép nhầm các ký tự của chữ “Adonai” vào cụm 4 chữ cái “YHWH”. Càng về sau, sự nhầm lẫn càng tiến hoá và trở thành từ “Giêhôva”.
Đến nay, vẫn có một vấn đề lớn với cụm 4 ký tự “YHWH”: Không ai thực sự biết 4 chữ này nghĩa là gì. Đa số nhà Kinh Thánh học gán cho các ký tự này nghĩa là “Ta là Đấng mà Ta là“, hoặc “Ta sẽ Đấng mà Ta sẽ là”. Nhiều người thậm chí dịch đơn giản là “Hiện Hữu” (Being). Bên cạnh đó, nhiều học giả khác xác quyết rằng ẩn ý của 4 ký tự “YHWH” chính là Thiên Chúa thật ra không muốn mặc khải Thánh Danh Người. Nói cách khác, 4 ký tự đó nghĩa là Thiên Chúa phán với Môsê rằng “Danh Ta can chi đến ngươi.”
Những người thuộc phái Nhân chứng “Giêhôva” đã tranh cãi vấn đề về nguồn gốc từ “Giêhôva” từ lâu, khẳng định rằng đó là tên thật duy nhất của Thiên Chúa. Tuy nhiên, giới học giả đều đồng ý rằng đó không phải là sự thật.
Tại sao từ “Giavê” (“Yahweh”) không còn xuất hiện trong phụng vụ Công Giáo nữa
Giờ thì chúng ta bàn đến việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI “cấm” sử dụng “tên thật” của Thiên Chúa. Vào tháng 8 năm 2008, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, với sự đồng thuận của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã ban hành một chỉ dẫn cho các Giám Mục về việc không sử dụng danh từ “Giavê” trong thánh nhạc và kinh nguyện. Có 2 lý do:
Một là, trước giờ, Kitô hữu chưa bao giờ sử dụng danh hiệu để chỉ về Thiên Chúa trong phụng vụ. Thật vậy, từ “Giavê” chỉ mới xuất hiện trong các thánh ca Công Giáo từ khoảng năm 1970. Việc này xảy ra do bản dịch Kinh Thánh “Kinh Thánh Giêrusalem” (The Jerusalem Bible) được phát hành năm 1966.
Nhiều người Công Giáo nói tiếng Anh cảm thấy thích thú danh từ này và bắt đầu có phong trào sử dụng từ “Giavê” thay cho “Đức Chúa” hay “Thiên Chúa”, nhưng nhóm các tu sĩ nhạc sĩ dòng Tên St. Louis. Họ tin rằng từ “Giavê” giữ được ý vị của các thánh vịnh. Tuy nhiên, các chuyên gia về phụng vụ thì phản đối việc sử dụng từ “Giavê” trong phụng vụ chung, vì từ đó không truyền thống, và có nhiều tín hữu thậm chí không biết “Giavê” là ai.
Hai là, việc phát âm từ “Giavê” là một sự xúc phạm rõ ràng đến tâm thức tôn kính Danh Thiên Chúa của người Do Thái. Ý thức về một cấm kỵ lâu đời giữa người Do Thái về việc phát âm ra Danh Thánh Thiên Chúa, các chuyên gia cho rằng cần tôn trọng truyền thống trên và không nên làm điều gây chướng tai người Do Thái, thậm chí có thể là một sự phạm thánh.
Tên thật của Thiên Chúa
Bây giờ chúng ta nói đến vấn nạn lớn nhất: thật ra Thiên Chúa có tên thật không?
Chúng ta nên ý thức rõ rằng: Thiên Chúa là Đấng vô cùng và vượt trên mọi khả năng hiểu biết của loài người, vượt trên mọi tên hiệu mà loài người biết được. Kinh Thánh cho thấy điều này qua việc sử dụng rất nhiều từ và ngữ để chỉ về Thiên Chúa.
Vậy Thiên Chúa có phải tên là “Thiên Chúa” không? Nói cách nghiêm túc thì đây không phải là tên riêng mà là một hạn từ chung chỉ một nhóm sự vật có cùng đặc tính, giống như các từ “loài người”, “thẩm phán” hay “lính canh”. “Thiên Chúa” được dịch từ chữ “Elohim” của tiếng Hípri, nghĩa đen là “Thần” hoặc “Thẩm Phán” (magistrate).
Kinh Thánh Do Thái dùng rất nhiều thuật ngữ phiếm chỉ để gọi Thiên Chúa, như Chúa Thượng, Đấng Thánh, Đấng Uy Lực nhà Giacóp (Is 49,26), Đấng Toàn Năng, Đấng Đáng Chúc Tụng,… Khi người Do Thái bắt đầu dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp, họ luôn thay 4 ký tự “YHWH” bằng chữ “Kyrios” nghĩa là Đức Chúa. Thuật ngữ Hy Lạp này được chuyển sang thẳng tiếng Latinh mà không dịch ra, ví dụ kinh Thương Xót thường được đọc trong Thánh lễ là “Kyrie, eleison” nghĩa là “Xin Chúa thương xót”. Vì vậy, từ thời các Tông Đồ, các Kitô đã không bao giờ gọi Thiên Chúa là “Giavê”, mà là “Đức Chúa” hoặc “Thiên Chúa”. Gọi “Giavê” là một sự phạm thượng.
Còn Chúa Giêsu thì như thế nào? Là một người Do Thái đạo đức và công chính, Chúa Giêsu không bao giờ gọi Thiên Chúa là “Giavê”, ít nhất là công khai. Thay vào đó, nếu không gọi là “Thiên Chúa” thì Người gọi là “Cha”. Một lần duy nhất Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Ê-lô-i” (Mc 15,34), tiếng Aram nghĩa là Thiên Chúa, từ trên Thập giá. Cũng vậy, Thánh Phaolô hay các Thánh Tông Đồ khác cũng không bao giờ gọi Thiên Chúa là “Giavê” hay “Giêhôva”, mà luôn luôn là Thiên Chúa hoặc Cha, đôi khi ghép lại là Thiên Chúa Cha, hoặc Thân Phụ Đức Giêsu Kitô.
Người ta cố gắng tìm kiếm tên “thật” của Thiên Chúa một phần vì nghĩ rằng cần gọi đúng tên của Người để được Người lắng nghe. Khi làm vậy, họ quên mất bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thật lòng yêu thương chúng ta và muốn lắng nghe chúng ta cầu nguyện, việc dùng danh từ nào không quá quan trọng. Quả vậy, một người cha đầy yêu thương có thể lắng nghe tiếng khóc của con mình mà chẳng cần chấp nhất nó có gọi “ba ơi”, “cha ơi”, “mẹ ơi” hay bất cứ từ gì.
* Cha Michael Kerper là cha sở giáo xứ Corpus Christi thuộc Portsmouth, bang New Hampshire, Hoa Kỳ
Gioakim Nguyễn biên dịch
2020
Chúa Nhật II Phục Sinh. Cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh
Chúa Nhật II Phục Sinh. Cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh
Ca nhập lễ
1 Pr 2,2
Như những trẻ sơ sinh,
anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng tinh khiết,
nhờ đó anh em sẽ lớn lên
để hưởng ơn cứu độ. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài đọc 1
Cv 2,42-47
Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
42 Thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.
43 Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.
44 Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. 45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.
46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. 47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.
Đáp ca
Tv 117,2-4.13-15.22-24 (Đ. c.1)
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.3Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.4Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
13Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã,
nhưng Chúa đã phù trợ thân này.14Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.15Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng
trong doanh trại chính nhân :
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.24Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Bài đọc 2
1 Pr 1,3-9
Thiên Chúa cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, 4 để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, 5 là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.
6 Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. 7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. 8 Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, 9 bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.
Tung hô Tin Mừng
- Ga 20,29
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 20,19-31
Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con (và đặc biệt là của những anh chị em tân tòng) Chúa đã cho mọi người chúng con được đổi mới nhờ đức tin và nhờ bí tích thánh tẩy, xin cũng dẫn đưa chúng con tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh I
Lạy Chúa chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
- Ga 20,27
Chúa bảo ông Tô-ma : “Hãy đặt tay vào đây
và nhìn xem những dấu đinh của Thầy.
Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Kitô là Ðấng đã chết và sống lại để ban sự sống đời đời cho thế gian. Cúi xin Chúa làm cho ân huệ quý báu này được tồn tại mãi trong tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin …
2020
Chạm vào những vết thương
Chạm vào những vết thương – Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa
Đức Giêsu đã bị giết chết, các môn đệ co cụm, sợ hãi trước một tương lai tăm tối. Họ không dám đi đâu, làm gì vì “sợ người Do thái.”
Trong sự bế tắc ấy, Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với họ nói: “Bình an cho anh em.” Dù chưa hiểu hết ý nghĩa của sự bình an, nhưng với sự hiện ra của Thầy, còn mang những dấu tích của cuộc khổ nạn trên thân thể, đã làm bùng lên trong lòng họ sự vui mừng, phấn chấn. Nỗi mừng vui trọng đại này được Giáo hội lưu lại trong kinh nguyện Mùa phục sinh, như muốn nhắn gửi cho con cái mọi thời về cái tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến: “Các môn đệ vui mừng. Halleluia. Vì được nhìn thấy Chúa. Halleluia.”
Những thương tích trên thân thể Đức Giêsu vẫn còn đó, như dấu chỉ cho một tình yêu cao cả và lòng xót thương vô bờ Người dành cho nhân loại, mà các môn đệ có sứ mạng rao truyền: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Các môn đệ thi hành sứ mạng này, không phải để trừng trị, trả thù những kẻ gian ác, nhưng là để công bố sự tha thứ và hòa giải, làm chứng cho Tin mừng Phục sinh, cho ơn Cứu Chuộc nơi Đức Giêsu chứa chan, cho lòng Thương Xót vô biên Người vẫn dành cho con người, từ đời nọ đến đời kia.
Sứ mạng này, các môn đệ sẽ thực hiện cùng với Đấng Phục Sinh luôn ở cùng, như một thẩm quyền tối hậu để hậu thuẫn cho sứ điệp, như một thế lực để duy trì sức mạnh thừa sai, để soi sáng cho tâm trí và làm bừng lên ngọn lửa nhiệt thành.
Sứ mạng ấy đã tồn tại theo thời gian lịch sử, trải qua những sự thử thách ghê gớm giữa sự sống và cái chết, giữa đức tin và khoa học, giữa mầu nhiệm và những vấn đề thuộc bình diện nhân loại. Đừng vội trách Tôma là kẻ cứng tin, như các tông đồ khác, Tôma cũng chỉ hướng tới thập giá, dù ông can đảm: “Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài.” (Ga 11,16)
Rất yêu mến thầy, nên khi thấy thầy chịu chết, ông đau đớn rút vào trong cô tịch. Vì thế, khi Đấng Phục Sinh hiên ra, Tôma đã vắng mặt. Nhưng Tôma thật lòng, dám nói lên sự nghi ngờ vướng mắc của mình và tuyên bố sẽ chẳng tin nếu không được thấy tận mắt, sờ tận tay vào những vết thương của Chúa.
Tám ngày sau, các môn đệ tập hợp lại, lần này có Tôma. Các cửa đều đóng kín. Sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh lần trước vẫn chưa giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi. Họ cần có sức mạnh Chúa Thánh Thần thì mới dạn dĩ xuất hiện trong tư thế là chứng tá cho Đức Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh.
Đức Giêsu biết rõ tâm hồn Tôma, nên lần hiện ra này, Người sẵn sàng để cho ông kiểm chứng “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.” Tôma sụp xuống trong sự kinh hoàng, thốt lên lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con.”
Không ít lần, trong những thời khắc khủng hoảng tăm tối nhất, người tín hữu vẫn ao ước được Lòng thương xót Chúa chạm đến như tông đồ Tôma. Nhưng những vết thương của Giáo Hội, của các quốc gia, của từng gia đình và của mỗi người gây ra bởi dại dịch Coronavirus chính là những vết thương của Chúa Kitô, và những vết thương ấy phải được nhìn thấy để chạm vào.
Làm sao có thể chạm vào những vết thương của Chúa, khi chúng ta nhắm mắt trước mọi vết thương rách toác của người đồng loại trong trận đại dịch này?
Làm sao có thể hôn kính những vết thương trên Thân Thể Chúa Kitô, đang khi bỏ mặc những vết thương trên thân thể, trong tâm hồn, trong đời sống của những người khốn cùng đang kề bên?
Làm sao có thể tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh chiến thắng sự chết, khi hằng ngày chúng ta vẫn dửng dưng với những cái xấu và ác, mặc nhiên thừa nhận sự gian dối, nạn tham nhũng và không dám nói lên, hoặc đồng tình với những người đang đấu tranh cho sự thật, đang phải trả giá cho công lý?
Làm sứ giả cho lòng thương xót của Chúa là mạnh dạn chỉ ra các vết thương trong xã hội, cho thấy cái cơ cấu của tội lỗi là nguồn gốc của mọi vết thương. Cần lắm một tình yêu liên đới và lòng thương cảm, “xót ai cũng là xót phận mình” mới có thể cùng nhau tìm kiếm những phương thế mới để chữa lành.
Và thuốc chữa lành chính là sống Lòng thương xót Chúa khi bắt tay làm những điều tốt đẹp; khi tìm kiếm chân lý tránh xa sự giả dối; khi biết yêu thương, tìm kiếm sự tha thứ – hòa giải chứ không nuôi dưỡng sự trả thù.
Lạy Chúa Giêsu
Nhân loại hôm nay đang trải qua bao là sự dữ.
Con người hôm nay đang sống trong tuyệt vọng lo âu.
Chúng con đến kêu cầu Chúa giàu lòng xót thương.
Ngài mở ra con đường, đưa đến tận nguồn suối yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
(Lời Bài hát Chúa giàu lòng xót thương của Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR