2020
Học gương Thầy
9.4 Thứ Năm
Ga 13, 1-15
HỌC GƯƠNG THẦY
Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể.
Ngày hôm nay, ta cùng hiệp ý với Chúa Giêsu trong Bữa tiệc Vượt qua theo truyền thống Do thái với các môn đệ. Nhưng trước và sau bữa tiệc ấy, Người thết đãi họ thêm một món ăn và một món uống làm thành Bữa Tiệc Thánh Thể ám chỉ cuộc Vượt qua của Người. Chính Người không ăn bữa tiệc phụ trội ấy, vì người vừa là chủ đãi tiệc vừa là của ăn đem ra thết đãi thực khách; Người vừa là tư tế vừa là của lễ.
Ta nhận ra rằng trình thuật này sẽ được sáng tỏ hơn nếu đặt nó trong tương quan với biến cố vượt qua. Sự giải thoát của chúng ta, sự vượt qua từ cái chết đến sự sống, được đảm bảo nhờ chính cuộc vượt qua mà Đức Kitô đã thực hiện bằng viêc tự hạ mang lấy thập giá: việc tự hạ này được tiên báo trong cử chỉ khiêm tốn phục vụ thay thế các tông đồ.
“Trước lễ Vượt qua”, những chữ đầu tiên này rất quan trọng. Dầu người ta có giải quyết thế nào về vấn đề niên hiệu các ngày sau cùng, của cuộc đời Chúa Giêsu dưới thế này (đối với phúc âm nhất lãm, bữa tiệc ly xem ra trùng hợp với ngày lễ vượt qua của người Do thái, trong khi đó đối với Gioan, bữa tiệc ly xảy ra truóc đó một ngày), hình như chắc Gioan muốn trình bày cho chúng ta nội dung của chương 13-17 trong bối cảnh lễ vượt qua Do thái.
Trong bữa tiệc Vượt qua truyền thống Do Thái, người gia trưởng chủ tọa cuộc lễ, nhưng ông không phải là của lễ. Cả cộng đoàn cùng làm hành động tế tự ấy, vì tất cả đều tham dự vào chức tư tế phổ quát của dân được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến. Trái lại khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hành động với tư cách tư tế thượng phẩm, nhưng là một tư tế thượng phẩm độc đáo, vì Người tự hiến tế mình như của lễ để làm lương thực cho các môn đệ trong bữa tiệc hiệp thông của Giao ước mới. Người là tư tế nhưng chỉ là tư tế của Giao ước mới.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quì gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa Tiệc ly Ngài đã thiết lập Bích tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà.
Theo truyền thống Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói : Con người không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người.
Chiều tiệc ly được thánh Gioan ghi lại tỉ mỉ và gợi hình. Chúa Giêsu làm bảy cử điệu rõ ràng: đứng dậy, cởi áo, lấy khăn, thắt lưng, đổ nước, rửa chân và lau lọt. Khi cởi áo choàng ngoài Chúa Giêsu đã làm cử chỉ của một người nô lệ hay ít ra của một người thợ bắt tay vào việc. Thời đó, phận sự của nô lệ, đặc biệt các nô lệ không phải là người Do thái có nhiệm vụ rửa chân cho khách tới nhà (1 Sm 25, 41).
Đây là một việc làm hoàn toàn tự nguyện của Chúa. Ngay cử chỉ Chúa cởi áo và tự lấy mặc lại (c. 12) làm chúng ta liên tưởng đến những lời Chúa đã nói (Ga 10, 17-18) để nói đến cái chết hoàn toàn tự nguyện và sự sống lại uy quyền của riêng Ngài. Khi Chúa Giêsu vừa làm xong công việc của một nô lệ, thì Chúa muốn nhấn mạnh đến sự bất tương xứng tự nhiên giữa công việc ấy đối với một vì Thiên Chúa (c. 14), là họ thực sự là những môn đệ phục vụ hoàn toàn cho nước Trời, phục vụ cho đến chết, như lời Chúa nói “Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn kẻ sai mình” (Mt 10, 14 Lc 6,40. Ga 15, 20). Đấy chúng ta thấy một vì Thiên Chúa thực hiện câu “Ta đến để phục vụ…” (Mt 20, 28). Rất có thể có một ông vua trần thế làm công việc khiêm tốn ấy cho bầy tôi trước khi từ giã rút lui khỏi ngai vàng của mình.
Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương.
Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu : “Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng”, nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán.
Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua Bí tích thánh thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài, ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và san sẻ sự sống của Ngài cho người khác.
Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức. Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. “Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta”. Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà con chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài.
Và ta thấy rằng không chỉ riêng linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.
Bằng một cử chỉ sống động bày tỏ tâm tình vẫn có nơi Ngài, Ngài bưng một chậu nước cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Cảm nghiệm tâm tình của Chúa qua cử chỉ này, thánh Gio-an đã nhận định : “Ngài vẫn thương yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và thương yêu họ đến cùng.” Sau đó Ngài bảo họ phải đối xử với nhau như Ngài đã đối xử với họ.
Ngài dùng chữ điều răn mới trong lời Ngài nói với họ như một lời từ giã. Đó là điều răn mà lãnh tụ Môsê tóm tắt trong luật pháp, nhưng đã được Chúa Giê-su làm mới lại bằng cách ban cho nó một tiêu chuẩn mới, một động lực mới : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em.” Ngài sắp bước vào chuyến đi mà không ai có thể theo được, Ngài phải lên đường một mình, trước khi ra đi, Ngài truyền cho họ một mệnh lệnh là phải yêu mến nhau như Ngài đã yêu mến họ
Bằng dấu hiệu rửa chân lạ thường, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài hoàn toàn phục vụ con người, và phục vụ bằng chính cái chết trên thập giá. Cũng như Ngài đã cởi áo và mặc áo lại để phục vụ họ, Ngài sẽ thí mạng sống và lấy lại mạng sống (10, 18) vì lợi ích của họ. Qua cử chỉ rửa chân Đức Kitô mạc khải cho chúng ta nhân cách sâu xa của Ngài: Ngài là Đấng hiện hữu cho kẻ khác, là Đấng phục vụ hoàn toàn cho anh em đồng loại.
Khi ra lệnh cho các môn đệ “hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 11, 24-25; Lc 22, 19), Chúa Giêsu muốn rằng cộng đoàn Kitô hữu phải cử hành bữa tiệc Giao ước mới và vĩnh viễn ấy để tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người : Người vượt qua cái chết để Phục sinh và về với Chúa Cha (Ga 13, 1).
Qua cái chết tự nguyện và vô tội để đền tội và chết thay cho ta, Người tháo gỡ khỏi ta dây tròng ràng buộc của tội và giải thoát ta khỏi cái chết vĩnh cửu là hậu quả của tội. Khi ta tin vào Người và để cho Người giải hòa ta với Chúa Cha, thì ta được dẫn vào cõi trường sinh bằng cách tham dự vào cuộc Phục sinh của Người. Bữa tiệc Thánh Thể nhằm mục đích tưởng niệm và hiện-đại-hóa cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu. Bởi thế dự tiệc Thánh Thể là thông phần vào mầu nhiệm vượt qua của Người.
“Ta nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi. Các ngươi cũng làm như vậy” (c. 15), “Phúc cho các ngươi, nếu các ngươi làm như vậy” (c. 17). Theo gương Chúa Giêsu không phải là làm lại một cách vật chất cử chỉ khiêm nhượng mà Ngài đã làm. Nhưng đúng hơn là luôn qui hướng đến việc hiến mạng sống mình, ý hướng được cụ thể hóa qua việc rửa chân.
2020
Thứ Năm Tuần Thánh
09/04/2020
Thứ Năm Tuần Thánh
THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU
BÀI ĐỌC I: Is 61, 1-3a. 6a. 8b-9
“Chúa đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, và cho họ dầu hoan lạc”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta; an ủi mọi kẻ ưu phiền, đem cho các kẻ buồn phiền ở Sion triều thiên thay tro bụi, dầu vui mừng thay tang chế, áo hân hoan thay tâm hồn sầu muộn.
Còn các ngươi, các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Chúa, là thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta. Ta sẽ trung thành thưởng công cho chúng, sẽ thiết lập với chúng một giao ước vĩnh cửu. Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 21-22. 25 và 27
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Xướng: 1) Ta đã gặp Đavit, tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh Người. – Đáp.
2) Thành tín và ân sủng của Ta, hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và là Đá Tảng cứu độ của con”. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Kh 1, 5-8
“Người đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của người”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.
Kià, Người đến trong đám mây, mọi con mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”.
Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Is 61, 1
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó.
PHÚC ÂM: Lc 4, 16-21
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
Đó là lời Chúa.
—————————————-
TAM NHẬT VƯỢT QUA
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Bấm vào đây đọc Lời Chúa tiếng Anh
Thánh Lễ Chiều
KỶ NIỆM BỮA TIỆC LY CỦA CHÚA
BÀI ĐỌC I: Xh 12, 1-8. 11-14
“Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Đêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Đáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô (x. 1 Cr 10, 16).
Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.
2) Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẽ gãy xiềng xích cho con. – Đáp.
3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 11, 23-26
“Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.
Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 13, 34
Chúa phán: “Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.
PHÚC ÂM: Ga 13, 1-15
“Ngài yêu thương họ đến cùng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.
Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.
Đó là lời Chúa.
2020
Đàng Thánh Giá được Đức Thánh Cha chủ sự vào thứ Sáu 10/04
Đàng Thánh Giá được Đức Thánh Cha chủ sự vào thứ Sáu 10/04
Nội dung suy niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá sẽ được Đức Thánh Cha chủ sự vào thứ Sáu 10/04.
Giới thiệu
Các bài suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay được văn phòng tuyên úy nhà tù “Due Palazzi” ở thành phố Padova biên soạn. Đón nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, 14 người đã suy niệm về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng cách tái hiện nó trong cuộc sống của họ. Trong số này có 5 tù nhân, một gia đình nạn nhân của một vụ giết người, con gái của một tù nhân bị kết án chung thân, một nữ giáo viên của nhà tù, một người giám thị, một bà mẹ của một tù nhân, một giáo lý viên, một tu huynh tình nguyện viên, một nhân viên cảnh sát nhà tù và một linh mục bị tố cáo và sau 8 năm xét xử đã được tuyên bố vô tội hoàn toàn.
Đồng hành cùng Chúa Kitô trên con đường Thánh Giá, với giọng khàn khàn của những người sống trong thế giới của các nhà tù, là một cơ hội để chứng kiến cuộc song đấu phi thường giữa Sự Sống và Cái Chết, và khám phá ra những điều tốt nhất xen lẫn với những điều xấu. Chiêm ngắm đồi Canvê từ phía sau những song sắt là tin rằng toàn bộ cuộc sống có thể được quyết định chỉ trong khoảnh khắc, như đã xảy ra với người trộm lành. Chỉ cần lấp đầy những khoảnh khắc đó bằng sự thật: ăn năn thống hối về tội lỗi đã phạm, xác tín rằng sự chết không phải là mãi mãi, tin chắc rằng Chúa Kitô là người vô tội đã bị chế giễu cách bất công. Mọi sự đều có thể đối với những người tin, bởi vì ngay cả trong bóng tối của nhà tù vẫn vang lên lời loan báo tràn đầy hy vọng: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được” (Lc 1,37). Nếu có ai đó nắm lấy tay họ, thì cho dù là người có thể phạm tội khủng khiếp nhất, họ vẫn có thể trở thành người được hồi sinh bất ngờ nhất. Chắc chắn là ngay cả khi kể về sự ác và đau khổ, người ta vẫn có thể dành chỗ cho ơn cứu độ khi nhận ra rằng giữa sự ác vẫn có hoạt động của sự thiện, và dành chỗ cho sự thiện (x. Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2020).
Các bản văn mà cha tuyên úy Marco Pozza và tình nguyện viên Tatiana Mario đã thu thập lại được chính các nhân chứng viết, nhưng họ quyết định không ghi tên: người đã tham dự vào bài suy niệm này muốn nói thay cho tất cả những người trên thế giới đang chia sẻ cùng số phận. Chiều nay, trong sự thinh lặng của các nhà tù, tiếng nói của một người mong ước trở thành tiếng nói của tất cả mọi người.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, qua Chúa Giê-su Ki-tô Con Chúa, Chúa đã mang lấy các vết thương và thống khổ của nhân loại.
Hôm nay con có can đảm cầu xin Chúa, như người trộm đã hối cải: “Xin nhớ đến con!”
Con ở đây, trước nhan Chúa, trong bóng tối của nhà tù này, nghèo hèn, trần trụi, đói khổ và bị khinh khi, và con cầu xin Chúa đổ dầu tha thứ và an ủi trên các vết thương của con, và đổ rượu của tình huynh đệ củng cố trái tim.
Xin chữa lành con bằng ân sủng của Chúa và xin dạy con biết hy vọng trong thất vọng.
Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, con tin, xin giúp con trong khi con cứng lòng tin.
Lạy Cha thương xót, xin tiếp tục tin tưởng con, xin ban cho con một cơ hội luôn mới mẻ, xin ôm lấy con trong tình yêu vô bờ bến của Cha. Với sự trợ giúp của Cha và ơn của Chúa Thánh Thần, con cũng sẽ có thể nhận ra Cha và phục vụ Cha trong các anh em của con. Amen.
Nội dung
Chặng thứ I: Đức Giêsu bị kết án
Suy niệm của một tù nhân bị kết án tù chung thân
Chặng thứ II: Đức Giêsu Vác Thánh Giá
Suy niệm của đôi vợ chồng có con gái bị sát hại
Chặng thứ III: Đức Giêsu ngã lần thứ nhất
Suy niệm của một tù nhân
Chặng thứ IV: Đức Giêsu gặp Đức Mẹ
(đang cập nhật)
Chặng thứ V: Đức Giêsu được ông Simon giúp đỡ
(đang cập nhật)
Chặng thứ VI: Đức Giêsu gặp bà Vêrônica
(đang cập nhật)
Chặng thứ VII: Đức Giêsu ngã lần thứ hai
(đang cập nhật)
Chặng thứ VIII: Đức Giêsu gặp các phụ nữ ở Giêrusalem
(đang cập nhật)
Chặng thứ IX: Đức Giêsu ngã lần thứ ba
(đang cập nhật)
Chặng thứ X: Đức Giêsu bị lột áo
(đang cập nhật)
Chặng thứ XI: Đức Giêsu chịu đóng đinh
(đang cập nhật)
Chặng thứ XII: Đức Giêsu chết trên thánh giá
(đang cập nhật)
Chặng thứ XIII: Đức Giêsu được hạ xác xuống
(đang cập nhật)
Chặng thứ XIV: Đức Giêsu được chôn táng trong mộ
(đang cập nhật)
—-
Chặng thứ nhất: Chúa Giê-su bị kết án tử
(Suy niệm của một tù nhân bị kết án tù chung thân)
Trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 23,20-25)
Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội. Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
Nhiều lần, tại các tòa án và trên báo chí, tiếng la hét đó: “Đóng đinh nó vào thập giá!” ào ào đổ xuống. Đó là tiếng thét gào mà tôi đã nghe đổ xuống trên tôi: tôi đã bị kết án chung thân, cùng với cha tôi. Tôi đã bắt đầu bị đóng đinh từ khi còn là một đứa bé: nếu nghĩ về nó, tôi nhìn thấy lại cảnh mình cuộn tròn trên chiếc xe buýt đưa tôi đến trường, bị gạt ra ngoài vì nói lắp, không có mối quan hệ nào. Tôi đã bắt đầu lao động từ khi còn nhỏ, không được học hành: sự dốt nát đã chiến thắng sự ngây thơ của tôi. Sau đó, tình trạng bị bắt nạt đã cướp mất những ánh sáng ít ỏi trong thời thơ ấu của đứa trẻ chào đời ở Calabria vào những năm 1970. Tôi trông giống như tên cướp Baraba hơn là giống Chúa Kitô, nhưng sự lên án dữ dội nhất vẫn là từ lương tâm của tôi: ban đêm tôi mở đôi mắt và tìm kiếm trong tuyệt vọng một ánh sáng chiếu sáng lịch sử đời tôi.
Khi bị nhốt trong phòng giam, tôi đọc lại các trang về cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, tôi òa khóc: sau 29 năm ở tù, tôi vẫn chưa mất đi khả năng khóc, chưa mất đi khả năng xấu hổ về quá khứ của mình, về điều ác mà tôi đã phạm. Tôi cảm thấy mình là Baraba, là Phêrô và Giuđa trong cùng một con người duy nhất của tôi. Quá khứ là điều gì đó mà tôi cảm thấy kinh tởm dẫu biết rằng đó là lịch sử đời tôi. Tôi đã sống nhiều năm trong nhà tù cực kỳ nghiêm khắc theo điều luật 41-bis và cha tôi đã chết khi bị giam trong cùng một điều kiện như tôi. Nhiều lần, vào ban đêm, tôi nghe thấy ông khóc trong phòng giam. Ông che dấu điều đó nhưng tôi nhận ra nó. Cả hai chúng tôi đều chìm trong bóng tối cùng tận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh không có sự sống này, tôi luôn tìm kiếm điều gì đó có thể là sự sống: thật là lạ khi nói điều này, nhưng nhà tù là sự cứu rỗi của tôi. Nếu đối với ai đó tôi vẫn là Baraba, tôi không tức giận: trong lòng mình tôi cảm thấy rằng Con Người vô tội đó, bị kết án như tôi, đã đến tìm tôi trong nhà tù để dạy tôi về sự sống.
Lạy Chúa Giê-su, mặc cho những tiếng gào thét dữ dội làm chúng con ngoảnh mặt đi, chúng con vẫn thấy Chúa giữa đám đông những người gào thét muốn Chúa phải bị đóng đinh; và có lẽ chúng con cũng nằm trong số đó, không ý thức về sự dữ mà chúng con có thể phạm. Từ các phòng giam của chúng con, chúng con muốn cầu nguyện với Chúa Cha cho những người bị kết án tử hình như Chúa và cho những người vẫn muốn thay thế quyền xét xử tối cao của Chúa.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, Đấng yêu quý sự sống, trong bí tích hòa giải Chúa luôn ban cho chúng con cơ hội mới để thưởng nếm lòng thương xót vô bờ của Chúa, chúng con xin Chúa đổ tràn ơn khôn ngoan cho chúng con để nhìn mỗi người nam, người nữ như đền thờ của Chúa Thánh Thần và tôn trọng họ trong phẩm giá bất khả xâm phạm. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
—-
Chặng thứ hai: Chúa Giê-su vác Thánh giá
(Suy niệm của đôi vợ chồng có con gái bị sát hại)
Trích Tin Mừng theo thánh Marco (15,16-20)
Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do Thái!” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.
Vào mùa hè khủng khiếp đó, cuộc sống của người cha người mẹ như chúng tôi đã chết cùng với cái chết của hai đứa con gái. Một đứa bị sát hại cùng với người yêu bởi bạo lực mù quáng của một người không có lòng thương xót; đứa kia, nhờ phép lạ, đã sống sót, nhưng vĩnh viễn không còn nở nụ cười. Cuộc sống của chúng tôi là một cuộc đời hy sinh, đặt nền tảng trên công việc và gia đình. Chúng tôi đã dạy các con của mình tôn trọng người khác và giá trị của việc phục vụ những người nghèo khổ nhất. Chúng tôi thường tự nhủ: “Tại sao sự ác vùi dập này lại xảy ra với chúng tôi?” Chúng tôi không tìm được bình an. Ngay cả công lý mà chúng tôi luôn tin tưởng cũng không thể xoa dịu vết thương sâu thẳm nhất: nỗi đau của chúng tôi sẽ còn mãi cho đến cuối đời.
Thời gian không làm cho gánh nặng của thập giá mà chúng tôi đã vác trên vai được nhẹ đi: chúng tôi không thể quên người mà bây giờ không còn nữa. Chúng tôi đã già, luôn là những người thiếu tự vệ nhất, và chúng tôi là nạn nhân của nỗi đau tồi tệ nhất trên đời: sống sót sau cái chết của con gái.
Thật khó để diễn tả, nhưng trong thời khắc mà nỗi tuyệt vọng dường như áp đảo, Chúa đã đến gặp chúng tôi, với những cách thế khác nhau, khi ban cho chúng tôi ơn yêu thương nhau như vợ chồng, nâng đỡ nhau dù mệt mỏi. Ngài mời gọi chúng tôi mở cửa nhà mình cho những người yếu đuối nhất, cho người thất vọng, đón tiếp người đến gõ cửa thậm chí là chỉ xin một bát súp. Làm việc bác ái, giới răn của chúng ta, đối với chúng tôi là một hình thức cứu độ: chúng tôi không muốn đầu hàng sự ác. Thật sự là tình yêu Thiên Chúa có khả năng tái sinh sự sống, bởi vì, trước chúng ta, Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã nếm trải nỗi đau con người để có thể cảm được lòng cảm thương thực sự.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm thấy rất đau khổ khi nhìn thấy Chúa bị đánh đập, sỉ nhục và lột trần, nạn nhân vô tội của sự cứng tin vô nhân đạo. Trong đêm đau khổ này, chúng con dâng lên Chúa Cha những lời cầu xin để phó thác cho Người tất cả những người gánh chịu bạo lực và tội lỗi.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, là công lý và ơn cứu độ của chúng con, Đấng ban cho chúng con người Con độc nhất của Chúa khi tôn vinh Ngài trên ngai Thánh giá, xin đổ tràn tâm hồn chúng con niềm hy vọng của Chúa để nhận ra Chúa hiện diện trong những giờ phút đen tối của cuộc sống chúng con. Xin an ủi chúng con trong mọi phiền não và nâng đỡ chúng con trong thử thách, khi chờ đợi Nước Chúa hiển trị. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
—-
Chặng thứ III: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ nhất
(Suy niệm của một tù nhân)
Trích sách Ngôn sứ Isaia (53,4-6)
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.
Đó là lần thứ nhất tôi vấp ngã, nhưng lần vấp ngã đó đối với tôi chính là cái chết: tôi đã cướp đi sự sống của một người. Chỉ cần một ngày là đủ đi từ một cuộc sống không thể chê trách đến thực hiện một việc làm vi phạm đến mọi giới răn. Tôi thấy mình là hình ảnh hiện đại của người trộm đã cầu xin Chúa Ki-tô: “Xin nhớ đến tôi!”. Còn hơn là thống hối, tôi tưởng tượng anh ta như một người ý thức mình đi trên con đường sai trái. Tôi nhớ về tuổi thơ của mình với môi trường lạnh lẽo và thù oán nơi tôi lớn lên: chỉ cần tìm thấy sự mỏng manh yếu đuối của người khác là đủ để biến nó thành trò chơi giải trí. Tôi đã tìm những người bạn chân thành, tôi đã muốn được chấp nhận như tôi là, nhưng không thành công. Tôi đau khổ vì hạnh phúc của người khác, tôi cảm thấy những cây gậy thọc giữa bánh xe, họ chỉ yêu cầu tôi hy sinh và tuân giữ các quy tắc: tôi cảm thấy mình là người lạ đối với tất cả và tôi đã cố gắng trả thù bằng mọi giá.
Tôi đã không nhận thấy rằng sự ác từ từ lớn lên trong tâm hồn tôi. Cho đến một buổi chiều, giờ đen tối của tôi đã đến: trong một khoảnh khắc, như một trận tuyết lở, tôi nhớ lại tất cả những bất công mà tôi đã phải chịu trong cuộc sống. Sự giận dữ đã giết chết sự dịu dàng, tôi đã phạm một tội ác lớn hơn rất nhiều tất cả những gì tôi đã nhận được. Sau đó, trong nhà tù, sự lăng mạ của những người khác đã trở thành điều sỉ nhục đối với chính tôi: chỉ cần một chút xíu nữa là tôi kết thúc cuộc đời, tôi không thể chịu nỗi nữa. Tôi cũng đã đưa cả gia đình tôi đến bờ vực thẳm: vì tôi, họ mất tiếng tăm, danh dự, họ trở thành gia đình của tên sát nhân. Tôi không tìm cách bào chữa hay xin giảm tội, tôi sẽ hoàn thành án của tôi cho đến ngày cuối cùng bởi vì ở trong tù tôi đã tìm thấy những người giúp tôi khôi phục lại niềm tin đã bị mất.
Việc không nghĩ rằng trên thế gian tồn tại điều tốt chính là sự vấp ngã đầu tiên của tôi. Vấp ngã thứ hai, tội giết người, hầu như là hậu quả: tôi đã chết từ trong tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu, cả Chúa cũng đã chết trên thế gian. Lần đầu tiên có lẽ là lần khó khăn nhất bởi vì tất cả đều mới mẻ: cú đánh quá mạnh và hoang mang bối rối chế ngự. Chúng con phó thác cho Chúa Cha những người đang đóng mình với những lý luận riêng của họ và không thể nhận ra những tội lỗi đã phạm.
Chúng ta cùng cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, Chúa đã nâng con người vấp ngã đứng lên, chúng con cầu xin Chúa: xin đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng con và ban cho chúng con đôi mắt để chiêm ngắm những dấu chỉ của tình yêu Chúa được gieo vãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con.
(VaticanNews Tiếng Việt 06.04.2020)
2020
Đừng phản bội như Giuđa
8.4 Thứ Tư
Ga 13, 21-32
ĐỪNG PHẢN BỘI NHƯ GIUĐA
Trang Tin Mừng Ga 13,1-32 mở đầu các diễn từ ly biệt, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết ý nghĩa của cuộc Thương khó sắp tới. Mặc dù biết trước những đau khổ và sự dữ phía trước – đặc biệt là cái chết khổ nhục trên thập giá – Chúa Giêsu vẫn tự nguyện bước vào cuộc Thương khó với tư thế chủ động của một Đấng quyền năng. Vì các môn đệ không biết, không hiểu nên Ngài đã tỏ lộ cho các ông ý nghĩa của cuộc Thương khó qua hành động rửa chân.
Đơn giản là khi làm người ở đời, ai chẳng có lúc xao xuyến. Chúa Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27). Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33). Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27). Trong bữa tối này, Chúa Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21). Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.
Thông qua đó cũng biểu lộ cho các ông tình yêu thương “đến cùng” của Chúa Giêsu dành cho nhân loại nói chung và cách riêng là các môn đệ, bởi biết là mình sẽ phải chết cho những người tội lỗi nhưng Ngài vẫn sẵn sàng và tự do để thi hành thánh ý Chúa Cha là hy sinh mạng sống để chuộc tội cho loài người.
Khi Chúa Giêsu cho biết một người trong nhóm các môn đệ sẽ nộp Người thì các ông lại cũng không biết người này là ai (13, 22-24). Ngay cả khi Chúa Giêsu chỉ ra người đó rồi thì các môn đệ lại rơi vào sự không biết khác – đó là các ông không hiểu lời Chúa Giêsu nói với Giuđa: “anh làm gì thì làm mau đi” (13, 27) và họ còn hiểu sai về lời đó.
Ngay cả khi có sự xuất hiện của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, thì dù có mối tương quan gần gũi với Người, ông vẫn không hiểu tâm trạng của Thầy mình vào lúc này, mà vẫn hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” (13, 25). Cuối cùng, các môn đệ không hiểu phản ứng của Giuđa, người thuật chuyện kể: “Không một ai trong những người đang dùng bữa biết tại sao Người lại nói với ông ấy như thế” (13, 28). Một sự xác định rất rõ là “không một ai trong các môn đệ” hiểu những gì đang xảy ra.
Như vậy, bằng cách dùng kĩ thuật hành văn, người thuật chuyện cho thấy “sự không biết” của các môn đệ cứ tăng dần lên và đó cũng là điều để cho thấy các môn đệ đang rơi vào khủng hoảng. Sự khủng hoảng này còn lặp lại nơi cộng đoàn người tin- đặc biệt là khi cộng đoàn gặp thử thách, khó khăn hay bị bách hại.
Nhìn chung, “sự không biết” của các môn đệ trong đoạn Tin Mừng 13,1 -32 là nhằm làm nổi bật “sự biết” của Chúa Giêsu – đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong văn chương của Tin Mừng Gioan. Sự tương phản này cho thấy đứng trước biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, không dễ gì người ta có thể hiểu được và vì thế xuất hiện sự khủng hoảng.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã đi bước trước chuẩn bị cho các môn đệ tâm thế đón nhận biến cố, cũng như giúp họ không ngã lòng khi gặp thử thách gian nan. Ngài đã biết trước hết những khó khăn và ngay cả cái chết đang chờ phía trước, nhưng Ngài vẫn tiến bước một cách tự nguyện và hoàn toàn làm chủ tình thế. Ngay hành động rửa chân – một hình ảnh báo trước cái chết và phục sinh của mình, Chúa Giêsu vẫn thực hiện một cách điềm đạm và hoàn toàn tự do.
Chúa Giêsu “đã yêu thương những kẻ thuộc về mình”, và “người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). Để thể hiện tình yêu ấy, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Hành vi rửa chân làm một cử chỉ quen thuộc bên phương Đông thời đó (St 18, 4; Lc7,44).
Đây là một cử chỉ diễn tả lòng hiếu khách và hành động này thường được làm trước khi người ta ngồi vào bữa ăn. Trong Tin Mừng Gioan, hành động rửa chân của Chúa Giêsu là một hành động bất thường vì ở đây cử chỉ rửa chân được thực hiện khi người ta đã ngồi vào bàn để dùng bữa.
Hành động rửa chân của Chúa Giêsu cũng khác thường vì chỉ có những người thấp kém hoặc nô lệ mới phải rửa chân cho chủ Chúa Giêsu đi ngược lại với điều đó, khiến cho Phêrô cảm thấy lúng túng và khăng khăng phản đối vì ông không thể tin được những gì mình đang thấy (Ga 13, 6.8). Sự xuất hiện đột ngột của Phêrô cùng với những thắc mắc của ông là cơ hội để Chúa Giêsu giải thích hành động rửa chân và mặc khải “giờ đã đến”.
Để diễn tả hành động rửa chân của Chúa Giêsu, tác giả Tin Mừng thứ tư đã dùng ba động từ: “cởi”-“ mặc” áo ngoài (13, 4.12) và “thắt lưng” mình (13, 4), hành động này cũng được dùng để mô tả cái chết của Chúa Giêsu và sự tử đạo của Phêrô. Hành vi này biểu tượng cho những gì Chúa Giêsu sẽ làm cho các môn đệ Ngài qua cái chết của Ngài trên thập giá. Như thế, có sự móc nối giữa việc rửa chân của Chúa Giêsu với cái chết của Ngài trên thập giá và sau đó là việc Ngài sống lại.
Dù yêu như vậy nhưng quá đau đớn và không gì đau đớn cho bằng nỗi đau của người Thầy bị trò từ chối, phản bội, thế mà Chúa Giê su Ngài vẫn bình tĩnh, không nao núng , không bỏ cuộc để rồi Ngài bước vào “bàn tiệc ly” với tất cả tình yêu chân thành dành cho các môn đệ mà Ngài hằng luôn yêu qúy. Tin mừng thuật lại: tâm thần Người xao xuyến, Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13, 21).
Chúng ta thấy Chúa thật tế nhị và tâm lý, Ngài không nói rõ tên nhưng lại làm dấu hiệu qua cử chỉ trao tấm bánh cho Giuđa và bảo: “Anh làm gì thì làm mau đi”. Thế nhưng Giu đa chẳng để ý gì đến nỗi niềm khát khao của Chúa đang chờ đợi sự hoán cải nơi ông. Ông đã chối từ tình yêu Chúa và lợi dụng chức “quản lý” của mình mà cất bước ra đi trong đêm tối. không một ai nghi ngờ, riêng chỉ có Chúa biết. Nhưng Chúa đành để ông ra đi vì Ngài tôn trọng sự tự do và lựa chọn mù quáng của ông
Trong cuộc sống của chúng ta, không nhiều thì ít, chúng ta cũng có những giây phút phản bội nhau một cách ý thức hay vô tình, chưa chung thủy trong bậc sống của mình, hôn nhân hay tu trì. Chúng ta chưa trung thành trong ơn gọi làm con Chúa giữa lòng Giáo hội.
Trang Tin Mừung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào tình yêu Chúa, vì “Tình yêu Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi”, Ngài luôn chờ đợi ta quay bước trở về với Ngài, như người Cha mong chờ con trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (Lc 15 ,11-32). Ngài hằng sẵn sàng tha thứ cho ta ngay cả khi chúng ta đang phạm tội, chống đối, chối từ hay phản bội Ngài đi nữa. Vấn đề là chúng ta có mở rộng tâm hồn để đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Ngài hay không?