2020
Bữa ăn và sự gặp gỡ
Là nguồn cần thiết bổ sung năng lượng, là thời khắc thụ hưởng vui tươi, bữa ăn còn là dịp để đối thoại, trao đổi và chia sẻ. Một tình cảm hiệp thông rất đặc biệt nối kết những người đồng bàn.
Trong thế giới Kinh Thánh và ngoài xã hội nữa, bữa ăn đánh dấu những biến cố lớn trong đời sống gia đình và cộng đoàn: tiệc thôi nôi, đám cưới, những cam kết xã hội và chính trị. Người ta mời khách dùng bữa. Ý nghĩa biểu trưng vẫn luôn là: nối kết những khách mời, khơi dậy sự hiệp thông tinh thần và hòa hợp tâm hồn.
Ăn bánh
Ăn bánh là “nuôi sống mình”. Trong một xã hội nông nghiệp như xã hội của Kinh Thánh thì ngũ cốc là lương thực cơ bản. Hình thức của chiếc bánh có khác nhau. Đó là tấm bánh hay ổ bánh: bằng lúa mạch, lúa mì, hạt kê hay lúa mì nâu. Đôi khi, bột bánh được làm cho mềm đi bằng mật ong hay dầu. Hạt ngũ cốc không thôi cũng là lương thực cơ bản. Cách đơn giản nhất để chuẩn bị bữa ăn bằng ngũ cốc là rang hay nướng.
Quạ phục vụ bữa ăn
Ngôn sứ Êlia gặp khó khăn khi thi hành nhiệm vụ. Trốn cuộc truy sát của vua Akháp, ông chạy vào sa mạc, nơi không mấy hiếu khách mà ta có thể chết đói ở đấy. Nhưng Thiên Chúa lo lắng và bảo đảm cho sự sống còn của ông. Cứ đến trưa, một con quạ mang bánh và thịt đến. Trước khi đêm xuống, cũng con quạ ấy (hay một con khác?) lại xuất hiện. Và sự việc cứ tiếp tục như thế cho đến khi vị ngôn sứ không còn ở trong tình trạng nguy hiểm nữa. Như thế, Êlia có thể lên đường đi Sarépta (ngôi làng mà Thiên Chúa muốn ông đến), nhờ những bữa ăn mà quạ phục vụ trưa tối. Bản văn này cho ta biết về các giờ ăn. Người Israel cổ ăn bữa trưa và bữa tối, ngồi trên đất. Họ cũng dùng những bữa ăn dặm nhẹ gồm: trái cây khô (chà là, vả, nho), hạt đào lạc (pistaches), quả hạnh (amandes), quả óc chó (noix).
Khi đậu lăng thành giấm chua
Một câu chuyện khác về bữa ăn. Hai anh em sinh đôi: Êsau và Giacóp. Êsau là đứa con yêu của cha; Giacóp là đứa con yêu của mẹ. Một ngày kia, Êsau đi săn như thường lệ. Anh tìm con mồi để chuẩn bị món ăn mà cha anh yêu thích. Đấy là ngày Isaác chúc lành đặc biệt cho người con trưởng. Biết được chuyện, bà mẹ bảo Giacóp bắt hai con dê non trong đàn để bà làm món mà ông Isaác yêu thích. Đánh lừa người cha mù lòa, Giacóp được lầm tưởng là Êsau và chiếm lấy sự chúc lành dành cho anh mình. Hiển nhiên, Êsau đến sau với bữa ăn đã “biến thành giấm”!
Rõ ràng, bữa ăn không đem lại cơ hội cho Êsau, người mà trước đó cũng vừa mới “nhường” quyền trưởng nam cho Giacóp để đổi lấy một tô cháo đậu lăng. Chắc chắn, đậu lăng là họ đậu được biết đến nhiều nhất, nhưng người Israel cổ cũng ăn cả đậu gà (pois chiches) và rau quả như: dưa chuột, hành tây, tỏi…
Và thức uống?
Người ta uống rượu nho, hoặc là nước nho ép có đường hoặc là nước ép cho lên men. Đôi khi được cho thêm hương vị, rượu nho được pha loãng nếu quá đậm. Hơn nữa, rượu nho không phải là thức uống có cồn duy nhất được biết đến. Chekhar, nghĩa là thức uống làm cho say, hoặc chỉ một loại rượu làm từ quả cây cọ, chà là, một loại bia làm từ lúa mạch, hoặc một thức uống lên men khác. Kinh Thánh còn nói đến một loại hèm làm từ quả lựu. Để giải khát khi làm việc đồng áng, người ta uống một loại giấm pha với nước.
Gia vị và biểu tượng
Trong thế giới Kinh Thánh, những giao ước đôi khi được gọi là “giao ước muối” (tiếng Hípri là berith mélah), bởi vì muối thêm vị cho món ăn nhưng nhất là vì nó bảo quản tránh khỏi hư hoại. Muối trở thành biểu tượng của sự trường tồn và trung tín của giao ước được ký kết. Những tập quán của người Ả Rập ở đầu thế kỷ giúp ta hiểu rõ hơn về biểu tượng này. Để kết thúc một hiệp ước hay làm cho tình bạn bất phân ly, người Ả Rập cùng nhau nhúng hai miếng bánh của cùng một chiếc bánh vào trong muối và ăn chúng. Họ tuyên thệ rằng: “Hãy làm điều này nhờ bánh và muối ở giữa chúng ta”. Từ đó có thành ngữ Ả Rập “traître jusqu’au sel” (phản bội đến cả muối, nghĩa là, phá hủy giao ước). Và thành ngữ “avoir mangé un boisseau de sel” (ăn một vốc muối) có nghĩa là “bạn vong niên”.
Ngồi bàn ăn
Phục vụ bàn ăn thay đổi tùy theo giai cấp xã hội. Người nghèo ngồi quanh một mâm ăn sâu lòng mà mỗi người lấy thức ăn bằng tay. Trong những gia đình có điều kiện, người ta đặt những ghế và bàn riêng (những chân ghế mà người ta đặt mâm ăn trên đó). Từ thế kỷ V trước Công nguyên, người ta mới thấy các vua chúa, và những nhân vật đặc biệt (nhất là trong những đại tiệc) nằm dài ra ăn trong khi các bà vẫn ngồi.
Sách Châm Ngôn 23,1-3,6-8 và Huấn Ca 31,12-24 cho chúng ta những mẫu “quy chuẩn” khi ngồi bàn ăn: “Khi con ngồi ăn với kẻ có chức quyền, hãy để ý kỹ người đối diện. Nếu con vốn tham ăn, hãy đặt dao kề cổ. Đừng thèm thuồng cao lương mỹ vị của hắn, vì đó là thứ đồ ăn phỉnh gạt. […] Chớ ăn bánh của quân xấu bụng, đừng thèm thuồng cao lương mỹ vị của hắn. Vì lòng hắn nghĩ sao, con người hắn như vậy. Hắn mời con: “Ăn uống đi nào!” Nhưng đâu phải hắn có lòng với con. Mẩu bánh vừa nuốt vào, con đã phải thổ ra. Mất công toi bao nhiêu lời tốt đẹp” (Cn 23, 1-3,6-8)
“Khi ngồi trước mâm cao cỗ đầy, đừng hả họng thốt lên: “Chà! Thịnh soạn quá!” Hãy nhớ rằng: mắt hau háu là điều chẳng hay. Có thụ tạo nào tệ hơn con mắt? Gặp chi nó cũng phát khóc (vì thèm). Miếng người khác đã nhằm, con đừng đưa tay tới, đừng giành với họ trên cùng một đĩa. Hãy suy bụng ta mà nghĩ ra bụng người, làm việc gì cũng phải đắn đo cân nhắc. Những món đã dọn ra, hãy ăn làm sao cho xứng một con người, đừng nhai nhồm nhoàm kẻo bị khinh chê. Hãy tỏ ra có giáo dục mà buông đũa trước. Đừng háu ăn kẻo người ta bực mình. Chung mâm với nhiều người, con đừng cầm đũa trước. Người có giáo dục thì chút ít cũng vừa, trên giường nằm sẽ không tức bụng. Ăn chừng mực sẽ ngủ thoải mái, thức dậy sớm, tâm hồn được thảnh thơi; kẻ ăn uống quá độ thì mất ngủ đã đành, mà còn bị thượng thổ hạ tả. Nếu đã bị ép phải ăn, hãy đứng lên ra ngoài mà ói, con sẽ thấy dễ chịu. Con ơi, hãy nghe ta, chớ có khinh thường, sau này con sẽ thấy là ta nói đúng: Trong mọi việc con làm, hãy giữ chừng giữ mực, thì chẳng bệnh tật nào chạm tới con. Chủ nhà hào hoa, người người ca tụng, thiên hạ còn kể mãi về lòng tốt của ông. Chủ nhà sẻn so, cả làng đàm tiếu, thiên hạ có kể về sự hẹp hòi đó thì cũng phải thôi” (Hc 31,12-24)
Bữa tiệc Thánh Thể
Có những lời nói và hành động của Đức Giêsu liên quan đến tính chất xã hội của bữa ăn. Vì thế, khi Đức Giêsu phân phát bánh cho đám đông, Ngài không làm theo kiểu mạnh ai nấy tự phục vụ; Ngài bảo mọi người “quy tụ lại thành những nhóm 100 hay 50 người”, như thế là làm thành những bàn ăn. Và chỉ khi đó thì bữa ăn chính thức mới bắt đầu. Cùng nhau ăn, trao đổi với nhau những lời nói, tăng thêm giá trị thiêng liêng cho thú vui yến tiệc. Trong Kinh Thánh, bữa ăn là nơi khơi gợi lên sự hòa giải, tái lập những giao ước đã bị phá vỡ. Đàng khác, phản bội đang khi người ta tin tưởng cùng ngồi ăn với nhau, đó sẽ là sự phản bội tệ hại nhất trong mọi sự phản bội.
Theo các Tin Mừng, chính quanh một bàn ăn mà Đức Giêsu đã quy tụ các môn đệ với nhau lại lần cuối cùng. Chia sẻ bánh và rượu trở nên biểu tượng của quà tặng mà Chúa đã làm bằng chính con người mình dành cho số đông người, là giao ước mà Ngài thiết lập với mỗi người. Nhất là nó tượng trưng cho sự kết hiệp từ nay ngự trị giữa những ai “ăn bánh và uống chén này” trong khi chờ đợi bữa đại yến tiệc cùng với Ngài trong Nước Trời.
Aldina da Silva
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ từ Parabole
2020
Thứ Tư Tuần V – Mùa Phục Sinh – Thánh Mát-thi-a, tông đồ
Thứ Tư Tuần V – Mùa Phục Sinh – Thánh Mát-thi-a, tông đồ
Ca nhập lễ
Tv 70,8.23
Lạy Chúa,
xin cho miệng con đầy lời tán tụng Chúa,
để con cất tiếng ca.
Miệng con sẽ reo mừng hớn hỏ,
khi con hát khen Ngài. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ Thánh Mát-thi-a, tông đồ
Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Mát-thi-a để bổ sung nhóm mười hai Tông Ðồ. Cúi xin Chúa nhận lời người cầu thay nguyện giúp cho chúng con, nay đang vui hưởng tình yêu của Chúa, mai sau cũng được kể vào số những người Chúa chọn. Chúng con cầu xin …
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa y êu thích những tâm hồn thanh khiết và làm cho con người tội lỗi lại trở nên tinh tuyền. Chính Chúa đã giải cứu chúng con thoát khỏi cảnh tối tăm lầm lạc, xin cũng đừng để chúng con lìa bỏ ánh sáng chân lý Chúa bao giờ. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 15,1-6
Người ta quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
1 Hồi ấy, có những người từ miền Giu-đê đến An-ti-ô-khi-a dạy các anh em rằng : “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.” 2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
3 Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng. 4 Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông.
5 Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng : “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê.” 6 Các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này.
Đáp ca
Tv 121,1-2.3-4a.4b-5 (Đ. x. c.1)
Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.
1Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,2cửa nội thành, ta đã dừng chân.
Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.
3Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.4aTừng chi tộc, chi tộc của Chúa,
trẩy hội lên đền ở nơi đây.
Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.
4bĐể danh Chúa, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.5Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.
Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.
Tung hô Tin Mừng
- Ga 15,4a.5b
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 15,1-8
Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
Đó là lời Chúa
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ, và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi tín hữu. Chúng con cầu xin …
Lời nguyện tiến lễ Thánh Mát-thi-a, tông đồ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh tông đồ Mát-thi-a, Giáo Hội thành kính dâng lên Chúa lễ vật này. Xin Chúa thương chấp nhận và dùng quyền năng Chúa mà làm cho chúng con thêm mạnh mẽ vững vàng. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong mùa cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Người không ngừng hiến thân vì chúng con, và luôn làm trạng sư bênh vực chúng con trước toà Chúa. Người đã bị sát tế mà không còn chết nữa, dù đã bị giết mà vẫn sống luôn mãi.
Vì thế với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời tiền tụng Thánh Mát-thi-a, tông đồ
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa đã cho Hội Thánh được đứng vững trên nền tảng các Tông Ðồ, để Hội Thánh luôn là dấu chỉ trường tồn sự thánh thiện của Chúa nơi trần gian, và trình bày giáo lý bởi trời cho mọi người.
Vì thế, giờ đây và cho đến muôn đời, cùng với toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con sốt sắng chúc tụng và tung hô Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Chúa đã sống lại và toả sáng trên chúng ta,
cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh của Người.
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ Thánh Mát-thi-a, tông đồ
Lạy Chúa, xin hằng ban ân sủng dồi dào cho chúng con, để nhờ lời thánh Mát-thi-a chuyển cầu chúng con được gia nhập cộng đoàn chư thánh hiển vinh. Chúng con cầu xin …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn, mà nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin …
2020
Yêu và giữ Lời
11.5.2020
Thứ hai tuần V PS
Ga 14, 21-26
YÊU VÀ GIỮ LỜI
Lời Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng hôm nay là một soi sáng cho chúng ta về căn bản của tình yêu mà mỗi người chúng ta cần phải có đối với Thiên Chúa: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc về tình cảm. Nếu có được những rung cảm ấy thật quí, chúng là các dấu chỉ cho phép tin tưởng rằng: chúng ta đang yêu mến Ngài.
Yêu và giữ lời người mình yêu, đó là một kinh nghiệm mà ai đó đang yêu hay đã trải qua tình yêu đều thấu hiểu. Khi yêu, ta muốn cho người mình yêu được hạnh phúc.
Một khi yêu thương một người cách đích thực, ta rất dễ dàng tự ý từ bỏ quan điểm riêng, sở thích riêng của mình để sống hòa hợp với ý muốn và ước vọng của người mình yêu. Nghĩa là, ta không còn chỉ sống cho riêng mình, nhưng sống cho và sống vì người mình yêu mến. “Yêu mến và giữ lời” đây cũng là điều mà Chúa Giêsu đòi buộc nơi mỗi người. Nếu ai đó hỏi tôi, hay hỏi bạn rằng “bạn có yêu mến Chúa Giêsu không?” Thì chắc hẳn câu trả lời sẽ là “có, tôi yêu mến Người”. Tiếp đến, bạn có thể sẽ được hỏi “dấu chỉ nào chứng thực bạn yêu mến Chúa Giêsu”. Với câu hỏi này, chúng ta sẽ có rất nhiều những câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, câu trả lời đúng và đẹp lòng Chúa nhất có thể là “Tôi giữ lời Người truyền dạy cho tôi”.
Bằng chứng lòng mến Chúa là tuân giữ Lời Chúa. Tình yêu có tính cách hỗ tương, nên người yêu mến Chúa sẽ được Chúa yêu mến và tỏ mình ra cho. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21). Điều này cho thấy Thiên Chúa mà chúng ta yêu mến, không phải là một Thiên Chúa xa vời, nhưng Người ở rất gần, thậm chí là ở trong và ở với chúng ta “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Chúa tỏ mình ra cho những ai đón nhận Lời Chúa, những ai tự do chấp nhận Chúa. Người không đến cứu giúp cách lạ thường, không làm những điều kỳ diệu, ngoạn mục để áp lực con người tin theo Chúa. Chúa chỉ đến cư ngụ nơi nhà những ai vì tình yêu mở cửa đón Chúa trong thân tình. Những ai càng cặn kẽ giữ Lời Chúa, thì chứng tỏ lòng yêu mến Chúa đích thực, vì vậy, càng xứng đáng được Thiên Chúa ngự vào lòng kẻ ấy. Điều này làm chúng ta xác tín về diễm phúc được Thiên Chúa ngự trong ta, vì “Thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần” (1Cr 6,19).
Như vậy, khi chúng ta để cho Lời Chúa làm chủ và để Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng đời mình thì thân xác ta nên đền thờ, là nơi Chúa ngự và ở lại. Chỉ có đức tin được thúc đẩy bởi lòng mến mới có thể cảm nghiệm được diễm phúc có Chúa ở cùng, nhất là khi lãnh nhận Thánh Thể.
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính…Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người mình yêu, chứ không dừng lại ở những rung động ở thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy”. Mỗi lần, bạn ấy xin cha mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo: “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tuỳ ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng hợp lý hợp tình: “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.
Cũng là điều dễ hiểu khi yêu mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Chúa Giêsu và làm theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện thực được. Dù thế, chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời Chúa Kitô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.
Tuy nhiên, nếu chưa có cũng chẳng nên bận tâm, vì chúng chỉ là những phản ứng trong cơ thể chứ không phải là điều kiện của tình yêu. Một tình yêu đúng nghĩa đòi buộc phải tìm đủ mọi cách để làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu. Dừng lại tất cả nơi rung cảm phần nào nói lên tâm trạng vị kỷ nơi con người muốn cho đi nhưng đồng thời lại bù đắp, cái tôi vẫn là tâm điểm của tình yêu.
Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu trở nên khuôn mẫu của tình yêu. Cuộc đời của Ngài là một thể hiện trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Ðối diện với Thập Giá và cái chết, Chúa Giêsu run sợ chẳng muốn nhận lấy, nhưng xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha. Sau cùng, Ngài đã uống cạn chén đắng để chu toàn trọn vẹn thánh ý Cha.
Chúa Giêsu đã tặng cho chúng ta bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài: yêu mến Chúa và làm theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ của Ngài đi lại con đường Ngài đã đi qua: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Giữ lời Chúa Giêsu cũng là yêu mến Thiên Chúa Cha. Vì lời Ngài là của Cha, Ðấng đã sai Ngài đến trần gian. Lời dạy của Chúa Giêsu là gì, nếu không phải là gì khác là biết quên mình vì Chúa và vì anh em, quên đi bản thân bằng cách dành cho Thiên Chúa và tha nhân một chỗ đứng ưu tiên trong tư tưởng và hành động.
2020
Thứ Ba Tuần V – Mùa Phục Sinh
Thứ Ba Tuần V – Mùa Phục Sinh
Ca nhập lễ
Kh 29,5 ; 12,10
Nào ca ngợi Chúa đi,
hỡi những ai lớn nhỏ hằng kính sợ Người,
vì Người đã ban ơn cứu độ, biểu dương uy lực,
và Đức Ki-tô của Người
cũng biểu dương quyền bính. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô sống lại, Chúa đã tái tạo chúng con, cho chúng con được hưởng sự sống muôn đời; xin đừng để chúng con nghi hoặc, nhưng luôn luôn tin cậy vững vàng sẽ thấy Chúa thực hiện những gì Chúa đã hứa. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 14,19-28
Hai Tông Đồ tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
19 Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. 20 Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba.
21 Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. 22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” 23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a, 25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a. 26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.
27 Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. 28 Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ.
Đáp ca
Tv 144,10-11.12-13ab.21 (Đ. x. c.10b và 11a)
Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung phải nói lên rằng :
Triều đại Ngài vinh hiển.
10Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,11nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.
Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung phải nói lên rằng :
Triều đại Ngài vinh hiển.
12Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.13abTriều đại Ngài : thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung phải nói lên rằng :
Triều đại Ngài vinh hiển.
21Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi Chúa,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời !
Đ.Lạy Chúa, kẻ hiếu trung phải nói lên rằng :
Triều đại Ngài vinh hiển.
Tung hô Tin Mừng
- Lc 24,26
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô phải chịu khổ hình, và từ cõi chết sống lại, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 14,27-31a
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30 “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31a Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả; giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin …
Lời nguyện tiến lễ
Lời tiền tụng Phục Sinh
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Rm 6,8
Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô,
chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người :
Đó là niềm tin của chúng ta. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin …