2020
Ở lại trong tình yêu của Thầy
14.5 Thánh Matthia
Ga 15, 9-11
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY
“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, và cũng là lời mời gọi cho bất kỳ ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài, và muốn có được niềm vui trọn vẹn. “Hãy” đó là một sự mời mọc, sự khuyến khích đầy yêu mến và tế nhị, vì Chúa Giêsu luôn tôn trọng tự do của các tông đồ, cũng như tôn trọng tự do đáp trả của mỗi chúng ta.
Ngài mời gọi các tông đồ hãy “Ở lại trong”, đây quả là một điều hết sức đặc biệt được thánh sử Gioan diễn tả về mối thâm tình kết hiệp giữa thầy Giêsu và các môn đệ, giữa Thiên Chúa và con người. “Ở lại trong” chứ không phải “ở lại với” (diễn tả một sự liên hệ gần kề, mang tính thể lý), “ở lại trong” diễn tả một sự liên kết mật thiết hơn nhiều, đó là sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha, các môn đệ ở trong Chúa Giêsu, và như thế có nghĩa rằng tất cả nên một bản vị, một Hiện hữu duy nhất không thể tách lẻ hay chia rời.
Niềm vui của Chúa Giêsu là được ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Ở lại là tuân giữ điều răn mà Chúa Cha truyền dạy. Trong sứ mạng rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tìm cách làm đẹp lòng Chúa Cha bằng chính lời nói và hành động của mình, “tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”. (Ga 5, 30). Ngài còn khẳng định: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34). Khi phải thực hiện chọn lựa, Ngài luôn đặt thánh ý Chúa Cha trên hết để hướng dẫn cuộc đời mình: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn có được niềm vui. Chúa Giêsu đã nhận niềm vui từ Chúa Cha và Ngài không giữ riêng cho mình. Ngài mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta ở lại trong tình thương của Ngài (Ga 15, 9) để có niềm vui ấy. Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có niềm vui thực sự khi ở lại trong tình thương của Ngài. Chúng ta có thể ở lại trong tình thương này khi biết tuân giữ điều răn của Chúa. Điều răn này được tóm gọn trong luật mến Chúa yêu người.
Khi để tâm hồn chìm trong suy tưởng về tình yêu theo mối tương liên này, ta cảm nhận có một sức mạnh tình yêu lan tỏa từ đời đời. Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu. Chúa Giêsu là người trực tiếp đắm mình trong nguồn suối đó. Và Ngài biết, nếu chỉ giữ lại cho riêng mình là chưa đạt tới cùng đích của thánh ý, nhưng phải được sẻ chia để nhiều tâm hồn khác cũng được hưởng nguồn ân huệ ấy.
Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, ta cần tìm cách làm theo thánh ý Chúa và đẹp lòng Ngài, nhất là khi phải quyết định một chọn lựa nào đó. Sống theo thánh ý Chúa được thể hiện qua lời nói và hành động của chúng ta trong đời sống. Đó có thể là một lời hỏi thăm, an ủi những ai buồn phiền hay là giúp đỡ những người lâm vào hoàn cảnh túng thiếu. Trong xã hội thực dụng hôm nay, dù biết rằng ta sẽ gặp khó khăn khi tuân giữ điều răn của Chúa, thậm chí là lội ngược dòng nữa nhưng ở lại trong Chúa đó là cách thức để ta có niềm vui của Chúa và niềm vui ấy được nên trọn vẹn.
Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Lưu lại trong tình yêu con người sẽ được tình yêu tắm gội và biến đổi. Nhưng muốn ở lại trong tình yêu, con người phải tuân giữ lệnh truyền yêu thương của Ngài, một tình yêu hướng về người khác và trao ban điều tốt lành cho người khác. Vì yêu thương Thiên Chúa đã thông ban sự tốt lành cho các thụ tạo của Ngài, Ngài đã cho con người được chung hưởng tình yêu của Người.
Chúa Giêsu đã ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Ngài lệ thuộc vào Cha trong mọi sự. Đến lượt chúng ta cũng hãy gắn kết mọi sự đời mình trong Thầy Giêsu. Chỉ khiở lại trong Người và được Ngài ở với, chúng ta mới đạt được hạnh phúc tròn đầy. Ở lại để biết Chúa xót thương tôi ra sao! Sự ở lại này phải đưa tôi tới hành độngbiết xót thương người khác nữa. Những việc làm cụ thể sẽ nói lên thiện chí ta đã‘giữ các điều răn’của Ngài ra sao. Việc làm không có nghĩa là chỉ thi hành bằng những hình thức bên ngoài và nghĩ rằng thế là xong nhiệm vụ. Hình thức bên ngoài cũng cần nhưng đó chỉ là những yếu tổ bổ sung, điều cần thiết nhất vẫn là tấm lòng. Hành động thiếu tình yêu thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình đáng nhận lời kết án: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Is 29,13).
Chính khi các tông đồ thực hiện những điều Chúa dạy, thì các ông mới được ở trong niềm vui của Đức Kitô, và như vậy niềm vui của các ông mới được nên trọn vẹn. Quả thế, niềm vui của Chúa Giêsu là yêu mến và vâng phục Chúa Cha; niềm vui của Chúa Giêsu cũng chính là niềm vui của người môn đệ, mà chính Ngài đã chia sẻ cho họ. Do vậy, niềm vui của người môn đệ chính là yêu mến và vâng phục Chúa Giêsu, và qua đó họ vâng phục Chúa Cha.
Quy tụ tất cả mọi người ở lại trong Chúa. Đó là ước mơ cháy bỏng Chúa Cha chia sẻ với Con của Người. Thiên Chúa cũng mong mỗi người hiệp thông cùng Ngài tâm tư ấy. Một khi đón nhận được tình yêu chúng ta sẵn sàng ra đi, chịu hao mòn trên dòng đời, chịu biến tan vì yêu thương và tha thứ. Cuối cùng sức mạnh Thiên giới sẽ hút ta trở về để được ở lại mãi mãi trong cung lòng rất thánh, nơi phát sinh sứ mạng yêu thương.
Trong xã hội ngày nay, lời mời gọi “Hãy ở lại trong tình thương của Chúa” luôn là một động lực mạnh mẽ, thúc bách người Ki-tô hữu đến gần Chúa hơn. Năm Lòng Chúa Thương xót như là một phương thế cụ thể mà Đức Giêsu qua Giáo Hội giang rộng vòng tay đón nhận và ôm ấp bất kỳ ai đến với Ngài.
2020
Cắt tỉa để sinh hoa trái
13.5.2020
Thứ tư tuần V PS
Ga 15, 1-8
CẮT TỈA ĐỂ SINH HOA TRÁI
Hình ảnh cây nho và các cành nho cho thấy sự ở lại thâm sâu và sự hiệp thông thường trực giữa Chúa Giêsu và các môn đệ chân thật của Người, đồng thời nêu bật dây liên kết bên trong bằng việc mang hoa trái. Giống như cành nho, vì liên kết với cây nho, được thông dự vào sự sống của cây nho, người tín hữu, nhờ gắn bó với Đức Kitô, được thông dự vào sự sống chân thật, là sự sống của chính Thiên Chúa.
Tuy vậy, sự thông dự này bó buộc họ phải sống và hành động theo nếp sống mới đã được Chúa Giêsu mạc khải cho biết. Niềm tin vào Chúa luôn được thử thách, gọt dũa và cắt tỉa như hình ảnh của cây nho.
Hệ quả của sự cắt tỉa trong việc trồng nho: Có một dạo phong trào trồng nho đã nở rộ tại một số tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung. Cây nho không còn là một thứ cây xa lạ đối với nhiều người Việt Nam nữa. Cây có trái là chuyện thường, nhưng cây phải bị cắt tỉa mới có thể đâm chồi, trổ hoa và sinh trái, đó là hình ảnh đặc trưng của cây nho. Thật thế, với đôi mắt không chuyên môn, khi nhìn vào thân nho bị cắt tỉa, có lẽ ai cũng phải xót xa, có lẽ người ta sẽ nhìn vào người trồng nho như một con người nhẫn tâm, vì người trồng nho xem ra cắt tỉa cây nho không chút tiếc xót. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, người ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ những cành trơ trụi những mầm non nhú ra và hoa cũng bắt đầu xuất hiện.
Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại Nước Trời. Nhưng trong các hình ảnh ấy, cây nho hẳn phải chiếm một chỗ ưu việt : ưu việt vì cây nho là giống cây phổ thông nhất của miền Palestina, ưu việt vì trong Cựu ước cây nho vốn được xem là biểu trưng của dân riêng. Nhưng như các tiên tri đã nhiều lần lên tiếng tố cáo : thay vì sản xuất rượu ngon, cây nho Israel chỉ mang lại thứ rượu đắng của bất trung và phản bội. Tiếp tục truyền thống tiên tri, Chúa Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho, nhưng cây nho chính là Ngài.
Lòng tín trung mà Thiên Chúa hằng chờ đợi nơi Israel nay Ngài đã tìm thấy nơi cây nho đích thực là Chúa Giêsu. Một giao ước mới phát sinh, bởi vì lòng trung tín của Chúa Giêsu được diễn tả trong sự vâng phục và vâng phục cho đến chết trên Thập giá, không phải là cố gắng thuần tuý của con người, mà chính là lòng thủy chung của con Thiên Chúa trong chừng mực của con người. Cây nho của giao ước mang lại những trái xum xuê có tên là tình yêu. Đó là kết quả của sự cắt tỉa : cây nho không thể sinh hoa kết trái nếu không bị cắt tỉa, tình yêu sẽ không là tình yêu đích thực và phong phú nếu không được cắt tỉa khỏi những ngọn nhành thừa thải của ích kỷ.
Giáo hội Israel mới chính là cây nho của Chúa. Lịch sử cho thấy có lúc xem ra Giáo hội bị cắt tỉa một cách tàn nhẫn, nhưng cũng chính những lúc đó Giáo hội mang lại nhiều hoa trái hơn cả. Những cuộc bách hại đẫm máu lại là những cắt tỉa làm cho Giáo hội sinh được nhiều hoa trái nhất. Đó là cái nhìn chúng ta phải có để nhìn vào Giáo hội: sức sống của Giáo hội có khi không chỉ được nhìn thấy và đánh giá qua những biểu dương bên ngoài, hoa trái đích thực khi chấp nhận được cắt tỉa khỏi những phù phiếm rườm rà của thế tục. Cơ cấu hữu hình có thể bị phá vỡ, cơ sở vật chất có thể bị cướp mất, những quyền cơ bản nhất gắn liền với tự do tôn giáo có thể bị tước đoạt, đôi tay hoạt động có thể bị khóa chặt; đó có thể là những cắt tỉa cần thiết để cây nho Giáo hội trổ sinh hoa trái dồi dào.
Ta còn nhớ rằng lời của Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta chiêm ngắm người trồng nho, là chính Chúa Cha. Thật vậy, Người nói : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (c. 1) ; và Người nói tiếp : « Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” » (c. 8). Điều Chúa Cha ước ao, và qua đó Ngài được tôn vinh, là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là hoa trái mà Chúa Cha ước ao chúng ta làm phát sinh ? và chúng ta phải làm sao để làm phát sinh nhiều hoa trái ? Và Chúa Cha không chỉ ước ao chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn “chăm sóc” chúng ta, vì Ngài là người trồng nho.
Khi chúng ta chịu phép Rửa tội, Giáo Hội đã tháp nhập chúng ta như những nhành cây nho vào Mầu nhiệm Phục sinh và Khổ Nạn của Chúa Giêsu là thân cây nho. Từ gốc nho này chúng ta lãnh nhận nhựa sống và sống sự sống của Chúa Giêsu, tự bản chất là sinh hoa kết quả khi kết hiệp với Chúa Giêsu, hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các Mục tử trong Giáo hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Ngài. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết :”Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc “ở lại” cách thâm sâu và trung tín với Chúa”. Điều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì “nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho” (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, “các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15,5).
Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm. Nhưng thử hỏi : kết hiệp với Đức Kitô như thế nào để giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái ? Thưa, đức tin và đức ái, nghĩa là ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống trong ân sủng, các hành vi đạo đức của chúng ta sẽ là hoa trái dễ chịu của Chúa Cha. Thật quí trọng biết bao khi luôn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa! “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15, 6).
Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu sẽ nói tới tình yêu trong phần tiếp theo: “Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Lời mời gọi ở lại, được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.
Và để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Chúa Giêsu; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Trong những lời này, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta xin. Nhưng chúng ta xin gì, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ sinh nhiều hoa trái cho Vinh Danh Thiên Chúa Cha.
2020
Lễ Thánh Matthia tông đồ
THÁNH MÁT-THI-A, TÔNG ĐỒ
lễ kính
Ca nhập lễ
Ga 15,16
Chúa nói : “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả của anh em được lâu bền.” Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Mát-thi-a để bổ sung nhóm mười hai Tông Ðồ. Cúi xin Chúa nhận lời người cầu thay nguyện giúp cho chúng con, nay đang vui hưởng tình yêu của Chúa, mai sau cũng được kể vào số những người Chúa chọn. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 1,15-17.20-26
Ông Mát-thi-a trúng thăm : ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
15 Trong những ngày ấy, ông Phê-rô đứng lên giữa các anh em -có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt- Ông nói : 16 “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giê-su. 17 Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. 20 Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng : Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ, và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó.
21 “Vậy phải làm thế này : có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, 22 kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.”
23 Họ đề cử hai người : ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a. 24 Họ cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người ; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai 25 để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y.” 26 Họ rút thăm, thăm trúng ông Mát-thi-a : ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.
Đáp ca
Tv 112,1-2.3-4.5-6.7-8 (Đ. x. c.8)
Đ.Chúa cho ông ngồi chung với hàng quyền quý,
hàng quyền quý dân Người.
1Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời ca ngợi,
nào ca ngợi danh thánh Chúa đi !2Chúc tụng danh thánh Chúa,
tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !
Đ.Chúa cho ông ngồi chung với hàng quyền quý,
hàng quyền quý dân Người.
3Ca ngợi danh thánh Chúa,
từ rạng đông tới lúc chiều tà !4Chúa siêu việt trên hết mọi dân,
vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.
Đ.Chúa cho ông ngồi chung với hàng quyền quý,
hàng quyền quý dân Người.
5Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời,6cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất ?
Đ.Chúa cho ông ngồi chung với hàng quyền quý,
hàng quyền quý dân Người.
7Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,8đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
hàng quyền quý dân Người.
Đ.Chúa cho ông ngồi chung với hàng quyền quý,
hàng quyền quý dân Người.
Tung hô Tin Mừng
- Ga 15,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 15,9-17
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh tông đồ Mát-thi-a, Giáo Hội thành kính dâng lên Chúa lễ vật này. Xin Chúa thương chấp nhận và dùng quyền năng Chúa mà làm cho chúng con thêm mạnh mẽ vững vàng. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng các Tông Ðồ
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa đã cho Hội Thánh được đứng vững trên nền tảng các Tông Ðồ, để Hội Thánh luôn là dấu chỉ trường tồn sự thánh thiện của Chúa nơi trần gian, và trình bày giáo lý bởi trời cho mọi người.
Vì thế, giờ đây và cho đến muôn đời, cùng với toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con sốt sắng chúc tụng và tung hô Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Ga 15,12
Chúa nói : “Đây là điều răn của Thầy :
Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.” Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin hằng ban ân sủng dồi dào cho chúng con, để nhờ lời thánh Mát-thi-a chuyển cầu chúng con được gia nhập cộng đoàn chư thánh hiển vinh. Chúng con cầu xin …
2020
Ơn bình an
12.5.2020
Thứ Ba tuần V PS
Ga 14, 27-31
ƠN BÌNH AN
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (c. 27). Sự bình an mà Chúa Giêsu ban không có nghĩa là không có những trắc trở gian nan như mặt hồ lặng sóng nhưng là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn khi phải đối mặt với phong ba bão táp. Người luôn tin tưởng phó thác vào Chúa Cha nên đã có được bình an trong tâm hồn mặc dù những thử thách đang bủa vây.
Khi Chúa Giêsu biết mình sắp bị giới lãnh đạo Do Thái bắt nộp, bị môn đệ Giuđa phản bội và giờ Chúa Cha tôn vinh đã cận kề, Người đã trăn trối lại cho các môn đệ những lời tâm huyết sau cùng. Các môn đệ cảm thấy hoang mang sợ hãi, tâm hồn đầy xao xuyến, Thầy đi rồi còn tương lai của các ông sẽ về đâu? Một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Hiểu được tâm trạng đó, Chúa Giêsu hứa ban bình an và niềm vui của Người cho các ông.
Các môn đệ lo lắng sợ hãi vì không biết phải đi con đường nào giữa trăm ngàn ngã rẽ, không biết tin cậy vào đâu trước những thế lực xấu đang bủa vây. Chúa Giêsu đã động viên các ông và khẳng định “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ai đi theo con đường của Chúa chắn chắn sẽ tới đích. Ai tin vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Ngược lại ai cậy dựa vào sức riêng mình và sự bảo đảm của cải vật chất trần gian sẽ phải gánh chịu nỗi bất an ê chề.
Người ta có thể có được sự bình an khi cuộc sống không có chiến tranh hận thù ghen ghét. Sự bình an của thế gian ban có thể được bảo đảm bằng của cải vật chất, bằng những tiện nghi khoa học tối tân đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Sự bảo đảm này có giá trị nhất định, nhưng Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tiến xa hơn trong niềm tin Kitô giáo, đó là sự bình an đích thực nơi Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã đón nhận mọi đau khổ, đã uống trọn chén đắng Cha trao để nên một trong thánh ý Cha, Người đã đánh đổi cả mạng sống để cho nhân loại được bình an.
Bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an đích thực, nghĩa là đặt niềm tin vào Chúa quan phòng, không lo sợ bất cứ điều gì từ bên ngoài tác động vì luôn có Chúa trong mình. Cũng như Chúa Giêsu luôn bình an, dù đứng trước mọi khó khăn chống đối, trước cuồng phong bão táp hay trước sự bách hại của vua chúa quan quyền; thì đây Chúa Giêsu cũng ban cho những ai bước theo Người được sự bình an đích thực trong tâm hồn, khi luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.
Trong Thánh Kinh, từ thời Cựu Ước, người ta dùng từ “bình an” để chào hỏi nhau lúc gặp gỡ. Còn ngôn sứ Isaia thì tiên báo Đấng Messia sẽ là “Hoàng Tử Bình An”. Khi Chúa Giêsu sinh hạ nơi hang đá Bêlem, các thiên thần cũng đã ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình An dưới thế cho người Chúa thương”. Như thế, Chúa Giêsu chính là sự Bình An đích thực của Thiên Chúa, và sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống từ trời chính là ban bình an cho nhân loại.
Sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian qua lời thiên sứ hát mừng là “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”, thì nay khi sắp lìa bỏ những người Chúa thương mà trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng để lại ơn bình an ấy. Ơn bình an mà từ đây, những người theo Chúa thì không còn sợ hãi tội lỗi, ma quỷ và sự chết nữa. Thật vậy, khi có Chúa, Kitô hữu không chỉ được hưởng bình an ngay tự bây giờ, mà còn hi vọng được về “quê Bình An” vĩnh cửu trên trời.
Bình an là điều tốt lành ai ai cũng trông mong. Người sống trong chiến tranh mong hòa bình mau trở lại. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, lòng người vẫn khắc khoải trước bao thách đố xảy ra hằng ngày. Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ, cũng như cho cả chúng ta, sự bình an quý giá vô vàn so với thứ bình an không có chiến tranh.
Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thoả hiệp. Bình an của Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt đỏ: Nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả hy sinh mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách tôi điều gì.” Còn gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn luôn an bình thư thái. Bởi thế chúng ta có thể đề ra cho mình cả một chương trình sống mà mục tiêu là tạo dựng và gìn giữ bình an trong tâm hồn.
Bình an Chúa Giêsu trao ban là ân huệ phục sinh của Người. Hay nói cách khác: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2, 14). Ai có được Người thì chẳng còn thiết gì hơn nữa. Chỉ cần một lần được ẵm Chúa trên tay, cụ Simêon đã cảm thấy toại nguyện, nên bộc phát cầu nguyện: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi, vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ” (Lc 2, 29).
Ngày hôm nay, có biết bao người đang sống trong bất an vì chiến tranh, bạo lực, ghen ghét, đố kỵ… Trong số đó, có người tìm kiếm hoặc cậy dựa vào thứ bình an giả tạo chóng qua, được xây dựng trên nền tảng của sự hưởng thụ vật chất và hào quang của địa vị, danh vọng trần thế. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết tìm đến với Chúa để đón nhận được nguồn bình an đích thực ngang qua việc biết tìm nương ẩn bên Chúa, sống trong sự hiện diện của Chúa và tín thác nơi sự quan phòng yêu thư ơng của Người.
Lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả vờ như rất an tâm giữa những tiếng ồn ào, huyên náo; nhưng thật sâu bên trong lại chẳng an tâm. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật.