2020
Thứ Hai Tuần VII – Mùa Phục Sinh
Thứ Hai Tuần VII – Mùa Phục Sinh
Ca nhập lễ
Cv 1,8
Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần, khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ làm chứng cho Thầy, cho đến tận cùng trái đất. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa ban sức mạnh Thánh Thần cho chúng con, để chúng con hằng nhận ra thánh ý và sống sao cho đẹp lòng Chúa suốt đời. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 19,1-8
Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa ?
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
1 Hồi ấy, trong khi ông A-pô-lô ở Cô-rin-tô thì ông Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô. Ông Phao-lô gặp một số môn đệ 2 và hỏi họ : “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa ?” Họ trả lời : “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” 3 Ông hỏi : “Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào ?” Họ đáp : “Phép rửa của ông Gio-an.” 4 Ông Phao-lô nói : “Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su.” 5 Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. 6 Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. 7 Cả nhóm có chừng mười hai người.
8 Ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.
Đáp ca
Tv 67,2-3.4-5ab.6-7ab (Đ. c.33a)
Đ.Hỡi vương quốc trần gian,
nào hát khen Thượng Đế.
2Thiên Chúa đứng lên, địch thù Người tán loạn,
kẻ ghét Người phải chạy trốn Thánh Nhan.3Như làn khói cuộn, chúng bị Chúa cuốn đi ;
như sáp chảy tan khi vừa gặp lửa,
kẻ ác cũng tiêu vong khi giáp mặt Chúa Trời.
Đ.Hỡi vương quốc trần gian,
nào hát khen Thượng Đế.
4Những người công chính
múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời,
niềm hoan lạc trào dâng.5abHãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người,
hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân.
Đ.Hỡi vương quốc trần gian,
nào hát khen Thượng Đế.
6Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ,
chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người.7abKẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa,
hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc.
Đ.Hỡi vương quốc trần gian,
nào hát khen Thượng Đế.
Tung hô Tin Mừng
Cl 3,1
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 16,29-33
Can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
29 Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng : “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp : “Bây giờ anh em tin à ? 32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho của lễ tinh tuyền này thanh tẩy chúng con sạch muôn tội lỗi và tuôn đổ thần lực bởi trời xuống tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa Giê-su, Vua vinh hiển, Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, trước sự ngỡ ngàng của các Thiên thần, (hôm nay) lên trời cao thẳm/ làm Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Ðấng xét xử trần gian và là Chúa muôn loài.
Người lên trời/ không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước.
Vì thế, với niền hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Ga 14,18 ; 16,22
Chúa nói :
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi :
Thầy sẽ lại đến với anh em,
và lòng anh em sẽ vui mừng.” Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa, Chúa đã lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ để hân hoan bước vào đời sống mới nhờ kết hợp với Ðức Kitô phục sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
2020
Chúa Thăng Thiên Để Ở Cùng
Chúa Thăng Thiên Để Ở Cùng
Một sự từ giã về phương diện không gian, để gần gũi theo cách vượt thời gian; một sự chia lìa trong thời gian, để ở lại siêu thời gian.
Đức Giêsu Phục Sinh muốn gặp các môn đệ tại nơi Người khởi sự việc loan báo tin mừng nước Thiên Chúa. Galilê miền đất của dân ngoại đã in đậm dấu ấn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vì từ nơi ấy xuất hiện Ánh Sáng thần linh xua tan bóng tối của tội lỗi và tử thần, đập tan quyền lực Satan gông xiềng nhân loại từ bao đời. Bây giờ, cũng nơi ấy, Đức Giêsu Kitô đã cho các môn đệ thấy Người đã “xuyên thủng” cõi đất hạn hẹp, chết chóc này tiến về trời, lên nơi Người đã xuất phát, trở nên cầu nối giữa cõi trời và cõi đất; trở nên trung gian giữa con người và Thiên Chúa; trở nên Con Đường duy nhất dẫn người tin về cõi trời hiển vinh.
Galilê còn là nơi Đức Giêsu Phục Sinh, trong tư cách là Đấng đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ban sứ vụ cho Nhóm Mười Một, để minh chứng họ đích thực là môn đệ, có sứ mạng làm cho công cuộc cứu độ của Đức Giêsu có sự liên tục, trải dài trên toàn cõi đất qua việc loan báo tin mừng, làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cho những ai tin và dạy họ tuân giữ những điều mà Đức Giêsu đã truyền cho các tông đồ. Như thế, sứ mạng của Đức Giêsu phục sinh được tiếp diễn và bây giờ qua họ, Người sẽ hoàn tất công việc của mình.
Việc trọng đại ấy xảy ra trên một ngọn núi. Người Do thái vẫn coi núi là nơi Thiên Chúa chọn để hiển linh, để ban giới luật và thông tỏ ý định của Người. Đức Giêsu trước khi công khai rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, đã bị satan đưa lên một ngọn núi để cám dỗ Người đi trệch con đường Chúa Cha muốn; khi cho ba môn đệ thân tín thoáng thấy thần tính vinh hiển của Người trên núi Taborê, và trên núi Sọ, Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội loài người. Bây giờ, Đức Giêsu phục sinh đưa các môn đệ lên một ngọn núi Thăng Thiên- để ở cùng Giáo hội.
“Mười một môn đệ.” Con số này vừa cho thấy sự khiếm khuyết của Hội thánh, vừa cho biết sự bất toàn của Hội thánh, vì khi “các ông bái lạy Người”, có “mấy ông lại hoài nghi.” Hoài nghi điều gì, ngờ vực vấn đề nào? Tin mừng Mátthêu không nói rõ. Mãi mãi đó là một bí ẩn, nhưng sẽ lộ tỏ dần qua từng thời kỳ của nhân loại, qua những diễn biến của những sự kiện lớn nhỏ của thế giới và Giáo hội, qua những người từng là môn đệ Đức Giêsu.
Vì thế Giáo hội mọi thời phải nắm vững tinh thần và sứ mạng của Đức Giêsu để vượt qua tình trạng hoài nghi này, vừa để làm sáng tỏ các chân lý đức tin để củng cố lòng tin của mình hơn, vừa giúp cho Giáo hội tin tưởng vào lời Đấng Phục Sinh – Lên Trời, luôn ở cùng mình mọi ngày cho đến tận thế.
Bao lâu Giáo hội còn trung thành thực thi mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh – Lên Trời, dạy cho muôn dân những huấn lệnh như chính Người đã dạy, làm phép rửa cho họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bấy lâu Giáo hội sẽ dễ dàng vượt qua sự hoài nghi ấy. Các môn đệ sẽ nhận ra sự hiện diện của Người, khi họ công bố tin mừng của Đấng Phục Sinh – Lên Trời; khi họ vững tin vào quyền bính tối thượng của Người trên mọi yếu tố vũ trụ.
Tác giả Mátthêu không nói việc Đức Giêsu trao quyền bính cho họ, nhưng nhấn mạnh đến sự quả quyết của Đức Giêsu về sự kết hợp giữa Người với họ. Bao lâu họ còn duy trì chân tính của người môn đệ, kết hợp khắn khít với Đức Giêsu, còn trung thành thực thi sứ mạng của Người, thì chính Người, trong tư cách siêu việt, sẽ bộc lộ quyền năng ấy qua họ.
Vì thế lời rao giảng của Hội thánh không chỉ là trình bày sứ điệp Cứu rỗi của Đức Kitô mà còn phải kiến tạo nên một cộng đoàn có cùng một đức tin, một phép rửa, một lối sống theo Lời Chúa, trong tương quan mật thiết vừa có tính cá biệt, vừa có tính chung nhất, với Đấng đã Phục Sinh – Lên Trời ở ngay trong tâm hồn họ, trong đời sống họ, trong sứ mạng của họ. Đức Giêsu Phục sinh – Lên Trời luôn là điểm trung tâm của Giáo hội và quy chiếu mọi hoạt động của Giáo hội.
Tác giả Mátthêu đã khéo léo đóng khung mầu nhiệm Emmanuen: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, vào lúc Đức Giêsu được sinh ra cho đến ngày Người được Phục Sinh – Lên Trời, là có ý nhắm đến sự Hiện diện của Người trong không gian và thời gian của lịch sử, vừa cho thấy chiều kích mầu nhiệm bao trùm của Người trên toàn thể lịch sử nhân loại và vũ trụ.
Giáo hội không bao giờ cô đơn vì Chúa Kitô tử nạn và phục sinh luôn ở cùng Giáo hội. Người luôn hướng dẫn, nâng đỡ và bầu cử cho Giáo hội trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, giúp Giáo hội đem quyền bính tình yêu của Người đến cho nhân loại.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Làm chứng cho Thầy
24.5 Chúa Nhật Chúa thăng thiên
Mt 28, 16-20
LÀM CHỨNG CHO THẦY
Kế hoạch của Thiên Chúa được ghi trong Kinh Thánh không chấm hết cùng với cái chết, phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Glêsu, mà còn tiếp tục trong Hội Thánh. Sứ điệp Tin Mừng được hoạch định “cho muôn dân”, được rao giảng “bắt đầu từ Giêrusalem”.
“Anh em là chứng nhân của những điều đó”. Chúa Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ như vậy. Và trước khi lìa bỏ các ông để “được đưa lên trời”, Người loan báo cho các ông biết rằng, các ông sẽ “nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”, quyền năng mà Cha đã hứa, để hoàn thành sứ mạng vĩ đại vượt quá sức riêng của các ông.
Chúa về trời mang lại cho nhân loại, cho Giáo Hội và cho các tông đồ một mối Phúc lớn lao vì nếu Chúa không ra đi thì Đấng bàu chữa không đến. Chúa về trời, Ngài đã làm tròn lời hứa ban Thánh Thần và trao quyền năng cho các tông đồ, cho Giáo Hội:” Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dậy muôn dân…Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28, 17-20).
Ta thấy rằng với biến cố Thăng Thiên vào “ngày thứ bốn mươi” để bắt đầu cuộc sống mới của Chúa Giêsu vượt qua không gian và thời gian… thì cũng là lúc khởi sự trang đầu tiên của Công vụ Tông đồ! Kết thúc thời gian của Chúa Giêsu Nadarét…là bắt đầu thời kỳ của Giáo hội.
Biến cố Thăng Thiên là điều kiện tất yếu của biến cố Ngũ Tuần, vì Thăng Thiên đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu được tôn vinh. Chính khi Đức Kitô “được tôn vinh”, Người sẽ sai phái Thánh Thần hay Chúa Cha sai phái Thánh Thần nhân danh Người (Ga 14, 26). Tin Mừng Gioan nhấn mạnh nhiều lần: “Bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 39) hay “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.
Thật vây, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7). Mặt khác, việc Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa là một giai đoạn cần thiết để chuẩn bị cho các môn đệ một cách thế hiện diện khác của Người, sự hiện diện vô hình và nội tại trong Thánh Thần.
Các môn đệ đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, Người đã phục sinh. Các ông đã bắt đầu hiểu rằng sự việc phải đi tới đích điểm đó và phải được hoàn thành cách vinh quang. “Cần phải…”. Đây không phải là do định mệnh an bài. Cụm từ đó chỉ có ý nói rằng mọi biến cố tìm được ý nghĩa trong Thiên Chúa và chúng là tiếp nối của một quá khứ cao quý nhất. Một nụ hoa hé nở, một việc kỳ diệu Thiên Chúa làm ở giữa dân Người.
Chúa Giêsu được “đưa lên trời”. Những lời trăn trối cuối cùng của Người là lệnh “sai đi”, và là lời loan báo cho họ một sức mạnh từ trời cao, đó là Thần Khí được ban xuống, Thần Khí mà các Ngôn sứ đã loan báo. Từ nay, những con người ấy sẽ mang trên tay và trong trái tim ơn tái sinh. Các ông sẽ làm lây lan ơn Thiên Chúa, biến đổi cả nhân loại. Chúa Giêsu đi về cùng Cha Người, cốt để các ông ra đi đến tận cùng trái đất.
Sau khi tỏ mình cho các môn đệ nhận ra mình: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà” (c.39). Chúa Giêsu mở tâm hồn cho họ hiểu ý nghĩa của biến cố phục sinh: “Tất cả những gì sách luật Môsê, sách các ngôn sứ và các Thánh vịnh chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (c.44). Tất cả những gì các ông vừa trải qua cùng với Người, đều hiện rõ ý nghĩa dưới ánh sáng của Thánh Kinh, và chính Thánh Kinh được thực hiện hoàn hảo trong mầu nhiệm Vượt Qua: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại rồi phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”.
Khi dẫn các môn đệ tới tận Bêtania, giờ đây Chúa Giêsu từ biệt và chúc lành cho các ông là những người kế thừa mình theo cách các thánh tổ phụ chúc lành cho các con vào lúc lìa cõi thế. Và đang khi Ngươi được “đem lên trời” các môn đệ “phủ phục bái lạy Người”, một cử chỉ tôn thờ chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi.
Cuối cùng, các moôn đệ nghe Chúa Giêsu đã nói rõ: “Chúng con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, Giuđê, Samari và cho đến tận cùng thế giới”. Giêrusalem là nơi lúc ấy các tông đồ đang ở, Giuđê xa hơn một chút nhưng cũng quen thuộc vì có nhiều người đã tin Chúa, Samari tuy gần mà xa vì dân miền đó tuy biết Chúa Giêsu nhưng không có cảm tình với Ngài, đến tận cùng thế giới là mục tiêu xa nhất và bao quát nhất.
Khi vẽ một bản đồ hành trình làm chứng như thế, ý Chúa Giêsu là hãy bắt đầu làm chứng cho Ngài ngay từ trong nội bộ của mình, rồi từ từ mới lan dần ra. Chúng ta thấy các tông đồ đã thực hiện đúng như thế: nhờ cộng đoàn Giêrusalem sống đoàn kết hiệp nhất, tương thân tương trợ mà người ngoài nhìn vào đã mến phục và xin gia nhập Giáo Hội, thế rồi từ Giêrusalem Giáo Hội lan sang Giuđê, lan sang Samari, lan sang Antiôkia và dần dần tỏa ra khắp thế giới.
Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mệnh đó. Mặc dù Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách; nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin Mừng, vì Nước Trời. Lòng can đảm, chí trung thành đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mỗi người như lời Ngài đã phán: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế.
Việc Chúa Giêsu thăng thiên hay nói một cách cụ thể hơn là Ngài ra đi, trở về, kết hiệp với Chúa Cha để thực hiện lời hứa ban Đấng phù trợ tới cho các môn đệ và cho toàn Giáo Hội là một mầu nhiệm của lòng tin vì hôm nay chấm dứt một giai đoạn Chúa phục sinh hiện diện, chứng minh cho các môn đệ thấy rằng mình vẫn sống giữa các ông (Cv 1, 3).
Việc Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan báo Tin Mừng. Trước đây, loan báo Tin Mừng chủ yếu là việc của Chúa Giêsu. Nhưng từ đây, việc này chủ yếu là của Giáo Hội, với sự hỗ trợ đắc lực của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã trao sứ mạng “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Lễ Thăng thiên được xem như đỉnh điểm của đời sống Đức Giêsu và là khởi điểm sứ vụ của Giáo hội. Do đó, mọi thành viên trong Giáo hội phải tích cực thi hành sứ vụ này bằng đời sống chứng nhân trước mặt mọi người.
2020
Lễ Chúa thăng thiên
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
lễ trọng
Ca nhập lễ
Cv 1,11
Hỡi các bạn miền Ga-li-lê,
sao ngỡ ngàng đứng đó nhìn trời ?
Các bạn thấy Đức Giê-su lên trời làm sao,
Người cũng sẽ ngự giá quang lâm như vậy.
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài đọc 1
Cv 1,1-11
Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.
Khởi đầu sách Công vụ Tông Đồ.
1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là : ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” 7 Người đáp : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”
Đáp ca
Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6)
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
6Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.7Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
Bài đọc 2
Ep 1,17-23
Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
17 Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; 23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
Tung hô Tin Mừng
- Mt 28,19a.20b
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 28,16-20
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Ca hiệp lễ
Mt 28,20
Chúa nói : “Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, ngày hôm nay mừng Con Một Chúa lên trời vinh hiển, chúng con thành kính dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và ban lại cho chúng con hồng ân cao cả là được phục sinh cùng Ðức Kitô và chung hưởng vinh phúc quê trời. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Thăng Thiên
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa Giê-su, Vua vinh hiển, Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, trước sự ngỡ ngàng của các Thiên thần, (hôm nay) lên trời cao thẳm/ làm Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Ðấng xét xử trần gian và là Chúa muôn loài.
Người lên trời/ không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước.
Vì thế, với niền hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con ngay khi còn ở dưới thế được nếm thử phúc lộc quê trời. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về bên Chúa là nơi Ðức Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng con đang hiển trị. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.