2020
Lễ Chúa thăng thiên
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
lễ trọng
Ca nhập lễ
Cv 1,11
Hỡi các bạn miền Ga-li-lê,
sao ngỡ ngàng đứng đó nhìn trời ?
Các bạn thấy Đức Giê-su lên trời làm sao,
Người cũng sẽ ngự giá quang lâm như vậy.
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài đọc 1
Cv 1,1-11
Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.
Khởi đầu sách Công vụ Tông Đồ.
1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là : ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” 7 Người đáp : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”
Đáp ca
Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6)
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
6Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.7Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
Bài đọc 2
Ep 1,17-23
Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
17 Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; 23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
Tung hô Tin Mừng
- Mt 28,19a.20b
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 28,16-20
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Ca hiệp lễ
Mt 28,20
Chúa nói : “Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, ngày hôm nay mừng Con Một Chúa lên trời vinh hiển, chúng con thành kính dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và ban lại cho chúng con hồng ân cao cả là được phục sinh cùng Ðức Kitô và chung hưởng vinh phúc quê trời. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Thăng Thiên
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa Giê-su, Vua vinh hiển, Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, trước sự ngỡ ngàng của các Thiên thần, (hôm nay) lên trời cao thẳm/ làm Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Ðấng xét xử trần gian và là Chúa muôn loài.
Người lên trời/ không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước.
Vì thế, với niền hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con ngay khi còn ở dưới thế được nếm thử phúc lộc quê trời. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về bên Chúa là nơi Ðức Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng con đang hiển trị. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
2020
Xin điều Chúa dạy
23.5.2020
Thứ Bảy
Ga 16, 23-28
XIN ĐIỀU CHÚA DẠY
Trang Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy…”, vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy…chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con nhân danh Thầy.” Nhưng “ngày ấy” là ngày nào?
Trở về với Tin Mừng hôm qua, ta thấy Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng lại ít lâu nữa chúng con lại thấy Thầy” (Ga 16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ kết gắn bó, đến nỗi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.
Và rồi ta thấy chính Thầy trò liên hệ mật thiết với nhau như không còn khoảng cách để rồi có hệ quả tốt đẹp là “Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho chúng con hết.”
Thật đúng như lời Chúa Giêsu nói ở trước chương này, trong dụ ngôn cây nho: “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con, thì chúng con muốn xin gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (Ga 15, 7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.
Và ta thấy chính Chúa Giêsu đã xác quyết với chúng ta: trong mọi hoàn cảnh, hãy cứ tin tưởng chạy đến cầu xin Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu, và nhờ Người, cũng là Cha của tất cả chúng ta. “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 16, 23). Nhưng tại sao Thiên Chúa phải chờ đợi, tại sao Thiên Chúa muốn chúng ta chạy đến kêu xin, đang khi Ngài đã biết rõ những nhu cầu của chúng ta? (Mt 6, 8). Ngài tôn trọng tự do của con người. Như vậy, lời cầu xin của chúng ta, rất nghịch lý, lại là một lời đáp, một lời đáp rất đẹp lòng Thiên Chúa, như người Cha vui thích nhìn đứa con thơ chạy đến níu tay mình. Trong lời cầu nguyện xin ơn, thực sự như thánh Augustinô diễn tả, “Thiên Chúa khát khao chúng ta khao khát Ngài”
Ngài khát khao trao tặng cho chúng ta không chỉ những ơn lành “nhỏ lẻ” như cách chúng ta vẫn thường cầu xin – vì tầm nhìn đức tin giới hạn, nhưng Thiên Chúa là Cha toàn tăng và tốt lành khát khao trao ban cho chúng ta Thánh Thần (Lc 11,13), khát khao trao ban trọn vẹn chính Ngài cho chúng ta. Đấng ban ơn thì quý trọng hơn hồng ân bội phần.
Như thế, mỗi lần chúng ta xin ơn, mỗi lần chúng ta cầu nguyện thực chất là mỗi lẫn chúng mở rộng lòng mình hơn cho Thiên Chúa bước vào. Vì vậy, ngày hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy học cách cầu xin “nhân danh Thầy”: là để Chúa Thánh Thần uốn lòng chúng ta nên giống Chúa Giêsu, và hiệp làm một với Chúa Giêsu trong lời khẩn nguyện hằng ngày dâng lên Thiên Chúa Cha – cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn mỗi người để chính mình và toàn thế giới được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
Chúa Cha không chỉ sẵn lòng ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nhưng còn bày tỏ chính ngôi vị của Người cho chúng ta nơi Chúa Giêsu: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở”. Nếu chúng ta hiểu lịch sử cứu độ là lịch sử qua đó Thiên Chúa bảy tỏ khuôn mặt đích thật của Người, khuôn mặt mà ma quỉ đã làm cho con người hiểu lệch lạc (St 3), thì lời này của Đức Giê-su là điểm tới, là điểm hoàn tất của lịch sử cứu độ. Như Ngài sẽ nói trên Thập Giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 28-39).
Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa Cha, không còn qua những dụ ngôn nữa, hay nói rộng hơn, qua những dấu chỉ nữa, nhưng là qua chính ngôi vị của Chúa Giêsu, qua chính Lời của Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta cảm nếm chính Thiên Chúa, khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là mầu nhiệm Vượt Qua.
Từ đó ta hiểu rằng điều tốt đẹp nhất tôi sẽ nhận được trong “ngày ấy” không phải là việc tôi xin gì và được gì, nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ còn muốn những gì mà Chúa Giêsu muốn và xin những gì mà Chúa Giêsu xin.
Chúa Giêsu đã nói: «Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy… Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha». Như thế, con đường Thầy đi qua và cùng đích Thầy hướng đến đều hội tụ nơi ngôi vị của Chúa Giêsu. Nhưng tất cả vấn đề là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường «điên rồ và sỉ nhục». Nhưng, đối với Thiên Chúa, đó lại là con đường của «sự thật và sự sống», là con đường của «sức mạnh và khôn ngoan», là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng người của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Qua cái chết của Ðức Kitô, không chỉ các môn đệ mà còn tất cả những ai tin Ngài đều được đón nhận tước vị ấy. Và nhờ bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu cũng được lãnh nhận tước hiệu làm con Thiên Chúa. Ðây không phải là một tước hiệu khoác lên con người, nhưng là một tiếp xúc với sự sống Thiên Chúa. Với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, điều Kitô hữu cầu xin sẽ được nhận lời.
Ðức Kitô đã đem lại cho tín hữu một giá trị mới nhưng đồng thời Ngài đòi buộc họ sống xứng đáng với giá trị ấy: “Chính Cha yêu mến chúng con bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Tin nhận và yêu mến Ðức Kitô sẽ cho phép người tín hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Như các tông đồ, Kitô hữu cũng được Chúa Giêsu chọn làm bạn tri kỷ của Ngài. Tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa đã được gói gọn trong lời Ngài, và chẳng thể được gọi là bạn tri kỷ hoặc là kẻ yêu mến Ngài một khi lời Ngài bị đuổi đi không được đón nhận và đáp trả.
Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xin: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”, chúng ta, với tư cách là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ xin điều gì, để Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta và làm cho chúng ta ở trong niềm vui trọn vẹn, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ “sinh nhiều hoa trái”? Và ta thấy Chúa nói người môn đệ “sinh nhiều hoa trái” mà Chúa Giêsu mong muốn, là những người biết yêu thương nhau và làm lan truyền tình yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa và cho Vinh Danh Chúa Ba Ngôi, trong giáo xứ, cộng đoàn, gia đình và trong môi trường sống của mình. Xin cho chúng ta thực hiện điều chúng ta xin như Chúa mời gọi.
2020
Thứ Bảy Tuần VI – Mùa Phục Sinh
Thứ Bảy Tuần VI – Mùa Phục Sinh
Ca nhập lễ
1 Pr 2,9
Anh em là dân riêng của Thiên Chúa,
hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Người,
Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối,
vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.
Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thực sự cộng tác vào công trình cứu độ; và để chúng con không ngừng sống mầu nhiệm Vượt Qua, xin dạy chúng con biết tìm kiếm những của cải muôn đời tồn tại của Nước Trời. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 18,23-28
Ông A-pô-lô dẫn lời Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
23 Sau khi lưu lại An-ti-ô-khi-a một thời gian, ông Phao-lô ra đi, lần lượt qua miền Ga-lát và Phy-ghi-a và làm cho tất cả các môn đệ được vững mạnh.
24 Có một người Do-thái tên là A-pô-lô, quê ở A-lê-xan-ri-a, đã đến Ê-phê-xô ; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh. 25 Ông đã được học Đạo Chúa ; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an. 26 Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.
27 Ông A-pô-lô muốn sang miền A-khai-a thì các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông. Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu, 28 vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.
Đáp ca
Tv 46,2-3.8-9.10 (Đ. c.8a)
Đ.Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.
2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
Đ.Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.
8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
Đ.Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.
10Kìa vương hầu các dân tề tựu
cùng dân Thiên Chúa, Chúa của Áp-ra-ham.
Mọi thủ lãnh trần gian thuộc quyền Thiên Chúa,
Đấng siêu việt ngàn trùng.
Đ.Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu.
Tung hô Tin Mừng
Ga 16,28
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 16,23b-28
Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin vào Thầy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
23b Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.
25 “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thánh hoá và chấp nhận của lễ này, là biểu hiệu lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành lễ vật muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong mùa cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì sau khi tình trạng xưa cũ bị hủy diệt, toàn thể những gì bị loại bỏ đều được đổi mới và sự sống nguyên vẹn được phục hồi cho chúng con trong Chúa Ki-tô. Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Ga 17,24
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho con. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy; và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người. Cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin …
2020
Đức Maria và Giá trị cao đẹp của người Phụ Nữ
Bên cạnh những nhân tố cổ truyền đóng góp cho sự tiến triển của Thánh mẫu học (Thánh kinh, Thánh truyền, Thần học…) cần phải thêm một nhân tố văn hóa của thời đại, đó là phong trào Nữ quyền. Đức Maria là điển hình của người nữ can đảm chấp nhận một vai trò có ảnh hưởng đến số phận của nhân loại.
Trong thế kỷ 20, thánh mẫu học đã tiến triển về mặt thần học và tu đức, gần đây còn tăng thêm khía cạnh xã hội và mục vụ, kể cả sự hiểu biết thêm vai trò phụ nữ trong cộng đoàn Kitô hữu và trong xã hội như đã được nêu bật trong vài văn kiện của Huấn quyền Giáo hội.
Trong phần kết thúc công đồng Vaticano II, ngày 8-12-1965, các nghị phụ trong sứ điệp gởi cho tất cả phụ nữ trên thế giới : “Giờ đã đến, khi mà ơn gọi của phụ nữ đã được diễn tả trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ đã chiếm được trong xã hội một tầm ảnh hưởng, một địa bàn và một thế lực chưa từng thấy xưa nay.”
“Trong những năm gần đây, phẩm giá và thiên chức của người phụ nữ – đề tài tư duy của lý trí và của Kitô giáo – đã mặc lấy một tầm quan trọng đặc biệt. Đó cũng là lời được khẳng định trong Tông thư “Phẩm giá người Phụ nữ”.
Trong thế kỷ này, vai trò và phẩm giá phụ nữ là đối tượng tranh đấu của phong trào Nữ quyền, đôi khi với hình thức sôi nổi chống lại những gì làm ngăn trở việc đánh giá cao và phát triển nhân cách của phụ nữ cũng như việc họ tham gia vào đời sống xã hội và chính trị.
Trước những yêu sách đó, Hội thánh, nhất là trong thời gian gần đây, đã tỏ ra đặc biệt quan tâm và được thúc đẩy bởi sự nhận thức rằng:
Nếu biết nhận ra chân dung đích thực của Đức Maria thì sẽ tìm ra một lời giải đáp hữu hiệu cho khát vọng giải phóng phụ nữ. Đức Maria là người duy nhất đã thể hiện được cách tuyệt diệu chương trình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Kế hoạch Thiên Chúa đã được biểu lộ ngay từ trong Cựu ước, với trình thuật sự tạo dựng nam-nữ theo hình ảnh Thiên Chuá (St 1,27). Thiên Chúa nhìn thấy những gì mình đã làm thật là một điều rất tốt đẹp (St 1,31). Trong kế hoạch đó, sự khác biệt không bao hàm sự thấp kém của người nữ hay sự bất bình đẳng giới mà biểu lộ tính phong phú của chương trình sáng tạo. Với Đức Maria, Thiên Chúa đã tạo nên một phụ nữ vượt xa số phận bình thường của người nữ Evà, nâng lên tới cấp hoàn hảo. Đức Maria là kẻ “Được chúc phúc hơn mọi người nữ” mặc dầu mỗi người nữ đều tham dự vào phẩm giá siêu việt của Đức Maria trong chương trình của Thiên Chúa.
Các phụ nữ cần khám phá sự quý trọng mà Thiên Chúa dành cho mình hầu ý thức hơn về phẩm giá cao quý của họ…
Trải qua dòng lịch sử, nhiều phụ nữ đã đau khổ vì tài năng bị coi rẻ, bị hạ thấp và gánh chịu những thiên kiến bất công. Mặc dầu tình trạng này đã có một vài cải thiện nhưng vẫn tồn tại ở nhiều nước và không ít lãnh vực trên thế giới…
Công trình tuyệt diệu mà Đấng Tạo hóa đã thực hiện nơi Đức Maria cung cấp cho hết mọi người nam-nữ có cơ hội để khám phá vài chiều kích mà trước đây chúng ta chưa đánh giá đúng mức…
Đức Maria thật là khuôn mẫu về sự phát triển sung mãn của thiên chức phụ nữ vì bất chấp những giới hạn áp đặt trên điều kiện xã hội của mình, Đức Maria đã và sẽ gây được một ảnh hưởng vô biên đối với thân phận nhân loại và với sự biến đổi xã hội.
Trước sự khai thác bỉ ổi của những kẻ muốn biến phụ nữ thành một đối tượng vô phẩm giá, dành cho sự thỏa mãn đam mê dục tính, thì Đức Maria khẳng định giá trị cao vời của phụ nữ, một hồng ân và phản ảnh vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Maria thay vì ngăn cản con đường cao cả đi theo Chúa thì theo chương trình hồng ân của Chúa, trở nên dấu chỉ khuyến khích mọi kitô hữu hãy cởi mở cho quyền năng của ơn Chúa vì đối với Chúa không có gì mà không thể làm được. Vì thế nơi Đức Maria, mọi người đều được kêu gọi hãy tín thác nơi Thiên Chúa toàn năng, Đấng có thể thay đổi con tim, dìu dắt tới sự hoàn toàn tiếp đón kế hoạch yêu thương quan phòng của Ngài.
Nữ tu Mai Thành, CND-CSA