2020
Làm theo ý Chúa
LÀM THEO Ý CHÚA
Đứng trước “giờ” Chúa Cha “ấn định” để làm vinh danh Cha, Chúa Giêsu không ngồi đếm ngược thời gian mà chìm sâu trong cầu nguyện để nhận ra giờ của Chúa Cha. Đó là giờ “mọi sự đã hoàn tất”, là giờ mà Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục để Ý Chúa Cha được thực hiện. Đó là “giờ cao điểm” Chúa Con chứng minh Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha, không bao giờ làm điều gì gây cản trở hay sai lệch ý Chúa Cha. Đó cũng là “giờ” mọi người biết Chúa Cha yêu thương họ đến mức nào qua cái chết của người Con Chí Ái của Ngài.
Chúa Giêsu nói những lời này khi Ngài bắt đầu bước vào cuộc thương khó. Chúa Giêsu coi đó là “Giờ của Ngài, giờ Ngài được tôn vinh”. Thật thế, khi Ngài trút hơi thở trên thập giá, trước cảnh đất trời rung chuyển, viên sĩ quan ngoại giáo đã thốt lên: “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”. Từ người không tin nhận Thiên Chúa, ông đã trở nên người nhận biết Thiên Chúa qua cái chết của Đức Giêsu.
Chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe hôm nay và những ngày sớm tới, là quà tặng tuyệt vời mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm cầu nguyện của Chúa Giêsu, là phần không thể thiếu của « Sự Thật toàn vẹn ».
Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Phần Con, Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, đã hoàn tất công trình Cha trao phó”. Chúng ta cũng vậy, hãy hoàn tất công trình của Thiên Chúa bằng cách làm theo ý Người ở giữa trần gian.
Chúa Giêsu ngước mắt lên lên trời và cầu nguyện với Chúa Cha. Cả chương này là kinh cầu nguyện của Chúa Giêsu, thường lệ được gọi là kinh cầu nguyện cho chức vụ tư tế. Vì trong những lời cầu nguyện ấy, Chúa Giêsu đặc biệt cầu nguyện cho các tư tế của Người là các Tông đồ lúc đó và các Tông đồ bây giờ là hàng giáo sĩ. Người cũng cầu nguyện cho hàng giáo dân chúng ta, vì khi rửa tội chúng ta cũng được tham dự vào chức tư tế phổ quát của Chúa Giêsu.
Thay cho lời cầu nguyện thầm lặng, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và lớn tiếng cầu nguyện cốt để dạy cho các Tông đồ và cho chúng ta biết cầu nguyện.
Trong bữa Tiệc ly, nghĩa là trong bài nói chuyện với các Tông đồ và trong kinh nguyện cho chức vụ tư tế này, Chúa Giêsu đã nói đến Chúa Cha rất nhiều lần, đếm được cả thảy 45 lần, để như là kéo chúng ta đến với Chúa Cha, qui tất cả về Cha. Ngài cho biết rằng Ngài được Chúa Cha sai đến để làm công việc của Cha.
Ðây cũng là dịp nhắc nhở chúng ta đến với Chúa Cha không phải như Ðấng có quyền phép mà chúng ta đứng từ xa nhìn và run sợ, song như là một người Cha hiền lành và nhân từ. Và trong bữa Tiệc Ly, Chúa Cha như một Cha già ngồi giữa đoàn con chung quanh bàn tiệc, Người Cha yêu thương con cái, muốn ở giữa con cái mình và muốn ban cho họ hạnh phúc trọn vẹn, nghĩa là muốn cho họ được sống đời đời.
Khi còn nhỏ chúng ta hay chơi trò thảy bổng lên những chiếc lá vàng khô để nó bay theo chiều gió, để biết gió thổi về hướng nào, nên bây giờ chúng ta cũng quăng lên trên không những việc làm của chúng ta giống như những chiếc lá vàng kia, thì thấy nó sẽ bay theo ý Chúa hay nó lại bay khắp phương theo ước muốn và những dục vọng của chúng ta. Ðó là điều chúng ta cần trung thành xét lại trước mặt Chúa.
Và rồi ta hãy khao khát được hiểu biết sâu xa lời nguyện của Chúa Giêsu, bởi vì, nếu hành động và lời nói công khai của Ngài mặc khải cho chúng ta về ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Thiên Chúa và với con người, thì chắc chắn, lời nguyện của Ngài còn nói cho chúng ta nhiều hơn nữa. Cũng giống như lời nguyện riêng tư của mỗi người chúng ta diễn tả con người thật của chúng ta ở chiều sâu, với Chúa và với nhau.
Ta được mời gọi ra khỏi mình, ra khòi những bận tâm, những khó khăn, những yếu đuối và giới hạn của chúng ta để đi vào chốn riêng tư của lời nguyện Chúa Giêsu ngỏ với Thiên Chúa Cha. Bởi vì, chúng ta sẽ không chỉ hiểu biết Ngài sâu xa hơn, nhưng còn học được cách thức Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa, và ngang qua cầu nguyện, học được cách Ngài sống với Thiên Chúa Cha.
“Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống và sự sống của con người là nhận biết vinh quang Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã đón nhận sự chết, đã phục sinh để đem lại sự sống đời đời cho con người. Khi con người tin nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa chính là lúc con người được sống sung mãn trong chân lý “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha -Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô” (Ga 17, 3).
Vì tin và chịu phép rửa, chúng ta được gọi là Kitô hữu; nghĩa là được trở nên con Chúa Cha trong Người Con đích thực của Ngài là Chúa Giêsu. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa Cha bằng cách ‘sống đời hiến tế’ qua việc ‘làm theo ý Chúa Cha’ bằng đời sống hy sinh, chấp nhận khổ giá trong đời.
Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống, chúng ta hãy luôn xác tín niềm tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sống những giá trị Tin mừng, sống trong chân lý và ân sủng của Chúa. Khi sống như vậy, chúng ta đang góp phần làm vinh danh Chúa giữa một thế giới với những giá trị trái ngược với Tin mừng.
Muốn thực thi ý Người, chúng ta hãy lắng nghe và vâng lời Người dạy bảo, chúng ta hãy tìm hiểu ý Người trong mọi công việc quan trọng, khi quyết định một việc gì hay khi phải lựa chọn một điều chi, chúng ta phải tự hỏi: “Nếu là Chúa Giêsu thì Ngài đã làm thế nào? Tôi làm điều này vừa ý Người hay không?” Mỗi ngày ta đọc kinh Lạy Cha và lặp lại nhiều lần “chúng con nguyện danh Cha cả sáng ở dưới đất cũng như trên trời”, nhưng sự thật chúng ta làm theo ý mình hơn ý Chúa, làm theo ước muốn và tính toán nhỏ mọn của mình hơn là làm theo ý muốn của Chúa, như vậy không phải là làm sáng danh Chúa mà làm theo cái tôi ích kỷ của mình.
Lắng nghe lời nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta khám ra rằng, tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu dành cho chúng ta bắt nguồn từ tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho cho chúng ta, như thánh Phaolo nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39).
Ta biết rằng làm theo ý Chúa là làm cho mọi người nhận biết Cha, nhận biết Chúa Giêsu là Ðấng Cha đã sai đến, có nghĩa là làm việc Tông đồ và rao giảng cho mọi người chưa nhận biết hay còn thờ ơ với Chúa, vì thế mà chúng ta phải rao giảng Lời Chúa bằng lời nói cũng như bằng chính cuộc sống của chúng ta.
2020
Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Ca nhập lễ
Kh 1,17-18
Chúa phán : “Ta là Đầu và là Cuối.
Ta là Đấng hằng sống.
Ta đã chết và nay Ta sống
đến muôn thuở muôn đời.”
Ha-lê-lui-a.
Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin Chúa cử Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng con, để Người biến đổi chúng con thành đền thờ vinh quang của Người. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 20,17-27
Tôi đã chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
17 Hồi ấy, từ Mi-lê-tô, ông Phao-lô sai người đi mời các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô. 18 Khi họ đến gặp ông, ông nói với họ :
“Anh em biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến A-xi-a, tôi đã luôn luôn cư xử với anh em thế nào. 19 Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do-thái. 20 Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em ; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. 21 Tôi đã khuyến cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giê-su, Chúa chúng ta.
22 “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, 23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. 24 Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.
25 “Giờ đây tôi biết rằng : tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. 26 Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng : nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. 27 Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa.”
Đáp ca
Tv 67,10-11.20-21 (Đ. c.33a)
Đ.Hỡi vương quốc trần gian,
nào hát khen Thượng Đế.
10Lạy Thiên Chúa, Ngài đổ mưa ân hậu,
gia nghiệp Ngài tiêu hao mòn mỏi, Ngài đã bổ sức cho.11Lạy Thiên Chúa, đàn chiên của Ngài đến ở nơi đâu,
Ngài cũng luôn nâng đỡ,
bởi vì Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo.
Đ.Hỡi vương quốc trần gian,
nào hát khen Thượng Đế.
20Ngày lại ngày, xin chúc tụng Chúa,
Thiên Chúa cứu độ ta, Người đỡ nâng ta.21Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ,
lối thoát khỏi tử thần thuộc quyền của Đức Chúa.
Đ.Hỡi vương quốc trần gian,
nào hát khen Thượng Đế.
Tung hô Tin Mừng
Ga 14,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 17,1-11a
Lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con Cha.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
4 “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con ; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9 “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11a Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, mà làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì Chúa Giê-su, Vua vinh hiển, Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, trước sự ngỡ ngàng của các Thiên thần, (hôm nay) lên trời cao thẳm/ làm Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Ðấng xét xử trần gian và là Chúa muôn loài.
Người lên trời/ không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước.
Vì thế, với niền hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, mà làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin …
Ca hiệp lễ
Ga 14,26
Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói với anh em. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin …
2020
Người Công Giáo có thờ Đức Mẹ không?
Dĩ nhiên, người Công Giáo chúng ta chỉ THỜ phượng một Chúa duy nhất mà thôi. Nhưng chúng ta cũng rất kính mến Ðức Mẹ và các Thánh. Ðiều này đã được giải thích, trình bày rất nhiều lần và qua các thế hệ. Một số giáo hội Tin Lành như Anh giáo, Lutheran cũng đồng quan điểm với chúng ta về sự kính mến Ðức Mẹ. Giáo hội Chính Thống cũng rất tôn kính Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Tuy nhiên ở thời nào cũng có một số người qúa khích, luôn luôn tìm cách đả kích và lên án Giáo Hội Công Giáo. Một trong những đề tài mà họ thường xử dụng là việc người Công Giáo “thờ” Ðức Mẹ. Những người thuộc loại này, ngày nay chúng ta hay thấy ở các nhóm Tin Lành qúa khích (fundamentalism). Ðối với những kẻ cố tình gán ép, công kích bất kể sự giải thích của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho họ mà thôi. Nhưng đối với những người thật tình muốn tìm hiểu, hoặc ngay cả việc muốn tranh luận về vấn đề này, người Công Giáo cần phải thỏa mãn họ cách nghiêm chỉnh, trong sự tương kính, và tình nhân ái.
Giáo huấn của giáo hội luôn luôn rõ ràng: Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa Cha và con người. Không một ai dù ở trên trời hay dưới thế có thể thay thế Ngài. Vai trò của Ðức Mẹ và các Thánh là dẫn đưa các tín hữu đến với Ðức Kitô. Sự trung gian phụ này do chính Chúa ban cho các ngài, chứ không phải các ngài tự có.
ÐỨC MẸ TRONG KINH THÁNH
Trong bất cứ giai đoạn quan trọng nào của cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta luôn nhìn thấy hình ảnh của Ðức Mẹ. Khi Chúa khởi đầu chương trình cứu chuộc của Ngài, Ðức Mẹ đã được Thiên Thần Gabriel ca tụng là đầy ơn phúc và nhiều phúc lạ hơn mọi người nữ (Lu-ca 1:28). Lúc Hài Nhi Thánh được sinh ra ở Bê-lem, Ngài đã không đến trực tiếp từ trời, nhưng qua cung lòng trinh nữ Maria (Mát-thêu 1:25; Lu-ca 2:7) Khi thánh Giuse và Ðức Mẹ dâng con trẻ trong đền thờ, tiên tri Simeon đã tiên báo là Ðức Mẹ sẽ phải gặp rất nhiều đau khổ (Lu-ca 2:35). Mười hai năm sau, cũng sau một lần thăm viếng đền thờ, con trẻ Giêsu đã trở về Nazareth với mẹ và cha nuôi đồng thời tuân phục các ngài (Lu-ca 2:51).
Ðức Mẹ đã hiện diện trong bữa tiệc cưới ở Cana để chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, đồng thời khởi sự cuộc rao giảng công khai của Ngài (Gioan 2:3). Thỉnh thoảng, Đức Mẹ đã đến thăm Chúa Giêsu khi Ngài đang rao giảng (Mát-thêu 12:46-50). Lúc Chúa chịu thọ hình, chính Ðức Mẹ đã đứng ở chân thánh giá để chứng kiến cái chết của con mình, đồng thời, theo lời truyền của Chúa, nhận thánh Gioan (đại diện Giáo Hội) làm con. Trong hiệu qủa, Ðức Mẹ đã nhận lãnh vai trò làm Mẹ của Giáo Hội (Gioan 19:26). Cuối cùng, khi các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Linh trong ngày hiện xuống, Ðức Mẹ cũng có mặt ở đó (Tông Đồ Công Vụ 1:14).
ÐỨC MẸ TRONG GIÁO HỘI
Từ khởi sự cho đến hoàn thành, hình ảnh của Ðức Mẹ, lúc ẩn, khi hiện, nhưng luôn bàng bạc trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Khi Chúa Giêsu hoàn tất cuộc giáng trần, vai trò của Ðức Mẹ đã mở rộng từ việc làm mẹ thể lý của Chúa đến là mẹ tinh thần của tất cả anh chị em Ngài, cả Giáo Hội. Ðức Mẹ đã không xin hoặc đòi hỏi tước vị này, hay Giáo Hội đã phong cho Ðức Mẹ, nhưng là chính Chúa Kitô, từ trên thập gía, đã truyền lệnh ấy cho Mẹ và cho toàn thể Giáo Hội.
Người Công Giáo nhìn vào Ðức Mẹ như một gương mẫu và vị “chỉ bảo đàng lành.” Qua lời xin vâng trong ngày Truyền Tin, Ðức Mẹ đã trở nên người Kitô đầu tiên và hoàn hảo nhất. Cả cuộc đời của Ðức Mẹ là một minh chứng cho thấy những nhiệm mầu sẽ đến, nếu người ta biết hợp tác với Thánh Ý của Chúa. Niềm tin vững mạnh vào Chúa và tiếng đáp lại lời Ngài của Ðức Mẹ đã khiến Ðức Mẹ trở thành con người đầu tiên nhận lãnh Ðức Kitô, cả hồn và xác. Từ đấy, giáo hội vẫn luôn lập lại lời thánh Elizabeth: “Phúc thay cho người nữ đã tin rằng lời của Chúa về bà sẽ được hoàn thành.” (Lu-ca 1:45).
Người Công Giáo xin lời bầu cử của Ðức Mẹ cũng như họ xin lời cầu nguyện của tất cả những tín hữu tốt lành, còn sống cũng như đã chết, vì tất cả sinh tồn trong Ðức Kitô (1 Cô-rin-tô 15:22). Việc các thánh cùng thông công này đã được giáo hội thực thi ngay từ khởi đầu. Nếu chúng ta, là những người có tội mà vẫn có thể cầu nguyện cho nhau, tại sao chúng ta không thể xin Ðức Mẹ và các thánh chuyển cầu?
Lời cầu nguyện thường xuyên nhất đối với thân mẫu Ðức Kitô là kinh Ave Maria: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà… Tại sao những người Tin lành qúa khích lại có thể chống lại lời cầu nguyện rất Kinh Thánh này? Vì phần đầu của kinh Kính Mừng đã lấy trực tiếp từ lời của Thiên Sứ Gabriel khi truyền tin cho Ðức Mẹ (Lu-ca 1:28-42). Trong khi phần thứ hai của kinh này xác định Thiên Tính của Ðức Kitô, tình trạng tội lỗi của con người, nhân loại sẽ phải đối diện với cái chết, và sức mạnh của lời chuyển cầu.
Kinh Kính Mừng đã thở thành một phần quan trọng của chuỗi Mân Côi, một hình thức tổng hợp của việc cầu nguyện và suy gẫm về những mầu nhiệm của công trình Cứu Chuộc. Thế mà những người Tin Lành qúa khích đã cho đó là những lời lập đi lập lại vô ích. Người Công Giáo không đặt nặng trên những lời cầu, nhưng là thái độ và bầu khí cầu nguyện khiến người cầu kinh có thể chìm vào sự cảm nghiệm thánh, nghe được tiếng Chúa thay vì tiếng của chính mình.
Việc cầu nguyện với Ðức Mẹ tự nó không phải là cứu cánh, nhưng chỉ là một phương tiện đưa con người đến sự kết hợp sâu xa hơn với Con của Mẹ. Ðến với Ðức Giêsu qua Ðức Mẹ (Ad Jesum per Mariam) đã là châm ngôn cổ truyền nhất của mọi tín hữu Công Giáo. Sùng kính Ðức Mẹ cách thực sự, không bao giờ làm mờ đi sự duy nhất của Ðức Kitô, vì người Công Giáo biết rằng mệnh lệnh duy nhất của Ðức Mẹ đã được ghi lại trong Kinh Thánh, là phải vâng lời Chúa trọn vẹn Hãy làm bất cứ điều gì Ngài bảo. (Gioan 2:5).
CÁC TÍN ÐIỀU VỀ ÐỨC MẸ
Người Tin Lành qúa khích vẫn hiểu lầm (hay cố tình không hiểu) hai tín điều chính về Ðức Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculate Conception) và Hồn Xác Lên Trời (Assumption). Các tín điều về Ðức Mẹ luôn được đặt qua lăng kính Kitô học và Giáo Hội học. Nói một cách khác, Giáo Hội suy niệm về Ðức Maria để nói về Ðức Giêsu và về Giáo Hội nhiều hơn là nói về chính Ðức Mẹ, Ðấng nối liền Chúa và Giáo Hội vì vai trò đặc biệt của Mẹ trong công cuộc cứu rỗi.
Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ minh chứng rằng Ðức Trinh Nữ đã không vướng tội nguyên tổ của ông bà Adam và Eve. Tín điều này còn nói lên hai điểm quan trọng khác. Thứ nhất, Ðức Mẹ được ơn Vô nhiễm vì Ngài đã hoàn toàn ưng thuận làm Mẹ Ðấng Cứu Thế và để lòng Mẹ được xứng đáng là nơi Chúa ngự. Thứ hai, qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, tất cả những tì vết gây nên bởi nguyên tổ trong các tín hữu, đã được thanh tẩy nhờ phép rửa tội.
Nhiều giáo phái Tin lành đã tỏ ra lo ngại về tín điều này, vì họ cho rằng tín điều sẽ làm mất đi nhân tính của Ðức Mẹ và nâng Ngài lên hàng thần thánh. Họ trưng đẫn kinh Ngợi Khen (Magnificat), theo đó Ðức Mẹ đã tuyên xưng Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi (Lu-ca 1:47). Như vậy, chính Ðức Mẹ đã tự nhận rằng mình cần được cứu chuộc. Về điều này, thần học Công Giáo đã giải thích rằng, đúng vậy, Ðức Mẹ cũng cần được cứu chuộc, nhưng Mẹ đã được cứu rỗi bởi ơn ban trước (prevenient grace). Có nghĩa, Ðức Mẹ đã được Chúa cho tránh khỏi tội nguyên tổ trước khi Chúa giáng trần để chịu chết và phục sinh, cứu độ nhân loại. Ðức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ khi thành thai trong lòng mẹ Ngài là thánh Anna, để sau này trở nên người Mẹ Vô Nhiễm, đón nhận người Con Vô Nhiễm là Ðấng Thiên Sai vào lòng mình. Quan niệm về thời gian chỉ là của nhân loại, đối với Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời thì thời gian không có nghĩa gì cả. Người nữ được vinh dự đón Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng cần phải được thanh tẩy và chuẩn bị trước, đó cũng là điều có thể hiểu được với sự suy luận thông thường.
Tín điều Hồn Xác Lên Trời dạy rằng Mẹ Thiên Chúa đã được cất về trời cả hồn lẫn xác. Thân xác của Ðức Mẹ đã không bị hư đi, vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Chuộc. Mọi Kitô hữu (cả Công Giáo lẫn Tin Lành) đều tin kẻ chết sẽ sống lại, tín điều hồn xác lên trời chỉ đơn thuần tái xác định sự thừa nhận của Chúa về sự xứng đáng của Ðức Mẹ để được hưởng ơn cứu độ toàn diện (sống lại trước mọi người) vì Ngài là Mẹ Ðức Kitô và là Mẹ Giáo Hội. Ở đây, chúng ta lại thấy chiều kích Kitô học và Giáo Hội học. Phần thưởng hồn xác lên trời đã trao ban cho Ðức Mẹ vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Thế. Ðồng thời phần thưởng này còn nhắc đến việc kẻ chết sống lại, điều mà cả Giáo Hội đang trông mong.
Không phải chỉ có Ðức Mẹ mới được hưởng ơn vô nhiễm nguyên tội (khỏi tội tổ tông), chúng ta đã được hưởng ơn này qua bí tích Thanh Tẩy. Ơn hồn xác lên trời, Ðức Mẹ đã được hưởng trước, nhưng mọi tín hữu đều có thể được hưởng trong ngày Chúa giáng lâm lần thứ hai.
ÐỨC MARIA TRỌN ÐỜI ÐỒNG TRINH
Người Tin lành qúa khích đã công kích Giáo Hội Công Giáo về vấn đề Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Tất cả các Kitô hữu đều tin rằng Ðức Maria đã đồng trinh cho tới khi hạ sinh Chúa Giêsu, điều này đã được ghi rõ trong Phúc Âm (Mát-thêu 1:18; Lu-ca 1:34). Nhưng sau đó là vấn đề đã gây bất đồng ý kiến. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Ðức Mẹ đồng trinh không những cho tới khi mang thai Chúa Cứu Thế, nhưng còn suốt đời của Mẹ nữa.
Trước nhất, đây là việc bảo vệ một sự thật. Từ lâu, trước khi các giáo phái Tin Lành tự tách lìa khỏi giáo hội Roma (thế kỷ thứ 16), sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ đã luôn luôn được dạy và tin tưởng. Các kinh phụng vụ cổ thời nhất đã nhắc đến Ðức Mẹ là Trinh Nữ. Nếu Ðức Mẹ đã không đồng trinh trọn đời, tại sao người ta vẫn gọi Ðức Mẹ là Trinh Nữ sau khi Chúa Kitô giáng trần? Một người chưa lập gia đình thì được gọi là độc thân, nhưng đến khi anh ta thành gia thất rồi thì không ai còn gọi anh ta là chàng độc thân nữa. Giáo hội thuở ban đầu luôn luôn gọi Ðức Mẹ là Thánh Nữ Ðồng Trinh và Ngài đã sống và chết như một trinh nữ.
Thứ hai, tất cả các kinh tin kính cổ thời nhất đều nhấn mạnh đến điều Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Kinh tin kính ở Epiphanius năm 374; Công đồng Constantinople đệ nhị năm 553; và Công đồng Lateran năm 649. Các Thánh phụ trong giáo hội như Augustine, Jerome, và Cyril thành Alexandria đều viết về Ðức Mẹ đồng trinh trọn đời. Ngay cả các nhà cải cách Tin Lành như Luther, Calvin, và Zwingli cũng đã đồng ý về sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ.
Sự trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ đã nói lên tính cách đặc biệt trong ơn gọi của Mẹ. Ðức Mẹ đã được gọi và được chọn là Mẹ của Ðấng Cứu Thế, không một công tác nào trên thế gian còn còn có thể quí trọng hơn công tác này, vì vậy thật là hữu lý khi nói rằng không còn con người trần thế nào được sinh ra từ cung lòng của Mẹ, đã cưu mang Ðấng Thiên Sai.
Ngoài ra, đã không có bằng chứng nào cho thấy Ðức Maria đã có thêm con cái sau Ðức Giêsu. Thánh sử Mác-cô, 3:31-33, đã nói đến mẹ và anh em Ngài, nhưng đây là hậu qủa của sự thiếu chính xác trong hai ngôn ngữ Do thái và Aram. Cùng một chữ này nhưng ở những nơi khác lại được dịch là đồng bào (brethren), hay còn được hiểu là anh em ruột thịt, bà con gần hoặc họ hàng xa. Truyền thống của giáo hội từ hai ngàn năm nay vẫn lưu truyền rằng Ðức Maria đã trọn đời đồng trinh. Không nên vì một vài người muốn nói khác đi mà giáo hội phải thay đổi truyền thống ngàn xưa đó.
CÁC PHÉP LẠ ÐỨC MẸ HIỆN RA
Cũng có một số các Kitô hữu ngoài Công Giáo đã tỏ ra quan tâm về việc các phép lạ Ðức Mẹ hiện ra. Chính Giáo Hội Công Giáo đã không dễ dàng chấp nhận sự xác thật của các phép lạ nói trên; tuy nhiên, Giáo Hội cũng tin rằng đối với Chúa sự gì cũng có thể xảy ra. (Lu-ca 1:37). Nếu Chúa đã tự tỏ mình ra hay gửi vị trung gian để truyền mệnh lệnh của Ngài trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, kể cả thời gian sau khi Chúa đã lên trời, như sự kiện Chúa gọi thánh Phaolô, thì tại sao ngày nay chúng ta phải thắc mắc về điều này?
Tất cả những phép lạ hiện ra, dù là do chính Chúa thực hiện như với thánh nữ Maria Magarita, hoặc qua sự chuyển mệnh của Ðức Mẹ như ở Lộ Ðức hay Fatima v.v… đều mang một chủ đề tương tự. Ðã không có những mạc khải mới, nhưng chỉ là sự tái xác định những huấn lệnh của Phúc Âm. Các con hãy cải thiện đời sống và tin tưởng vào Tin Mừng (Mác-cô 1:15). Thật lạ lùng, đây cũng chính là những thông điệp mà các giáo sĩ Tin Lành qúa khích đã và đang rao giảng.
TÔN THỜ ÐỨC MẸ?
Trở lại câu hỏi người Công Giáo có tôn thờ Ðức Mẹ không? Câu trả lời luôn luôn là KHÔNG, nhưng các giáo dân Công Giáo có bổn phận phải kính mến Ðức Mẹ cũng như các Thánh, vì các Ngài đã nêu gương sáng đức tin cho thế gian qua cuộc đời của các Ngài. Người Công Giáo xin lời bầu cử của các Ngài trước toà Chúa khi tất cả các tín hữu ở trên trời cũng như còn dưới thế cùng nhau cầu nguyện lời kinh hoàn hảo của Ðức Kitô.
Ðức Maria là dấu chỉ của niềm hi vọng cho tất cả các Kitô hữu; trong Mẹ, Chúa đã đem vườn địa đàng trở lại tình trạng tinh sạch của thuở ban đầu. Vì vậy, Mẹ là dấu chỉ và hứa hẹn của những gì Chúa sẽ làm cho những người biết noi theo gương trung tín của Mẹ. Trong Kinh Thánh, Ðức Mẹ đã tiên tri: Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc. (Lu-ca 1:48). Thể hiện lời tiên tri này, người Công Giáo coi đó là điều vinh hạnh vô cùng, vì người ta không thể không nhắc đến người Phụ Nữ này và vai trò độc đáo của Bà trong đức tin Kitô giáo. Nếu không, người ta sẽ bóp méo sự thật của Kinh Thánh.
- Phaolô Nguyễn Văn Tùng(tổng hợp)
2020
Can đảm lên !
CAN ĐẢM LÊN !
Trong thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng phải đối diện với nỗi cô đơn. Ngài không lập gia đình, không có một người bạn đời để chia sẻ. Bù lại, Ngài có những người thân yêu ở làng Nazareth. Nhưng ngay cả cha mẹ Ngài cũng không hiểu hết được Ngài (Lc 2, 50). Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài có những người bạn mới là các môn đệ.
Tiếc thay, họ không phải là những người luôn luôn hiểu Ngài. Ngài muốn chia sẻ cho họ tất cả cái riêng tư giữa Ngài với Cha. Nhưng họ chưa đủ sức kham nổi. Chúa Giêsu không phải là người thích cô đơn, khép kín. Ngài dễ đến với dân chúng, với mọi hạng người. Ngài gặp gỡ họ, loan Tin Vui, và cho họ được tâm thân an lạc. Các bệnh nhân, tội nhân, trẻ em, phụ nữ, cũng không ngại đến với Ngài để trò chuyện hay chia sẻ một bữa ăn.
Dù vậy tìm được một sự đồng cảm trọn vẹn nơi con người vẫn là điều khó đối với Chúa Giêsu, bởi lẽ Ngài còn thuộc về một thế giới khác trên cao. Ngài mãi mãi là một màu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của con người. Chỉ khi trở về với nguồn cội đời mình, Chúa Giêsu mới ra khỏi được nỗi cô đơn trống trải ấy. “Tôi không (xét đoán) một mình, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 16). Chính vì Chúa Giêsu luôn nói và làm mọi sự theo ý Cha, nên Ngài chẳng bao giờ cô đơn . “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi một mình, vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Vào giây phút chia ly này, khi Chúa Giêsu biết điều sắp xảy đến: “Anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả, và để Thầy một mình. Nhưng Thầy không một mình đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (c. 32). Chúa Giêsu không cô đơn trong cuộc sống, mà ngay cả khi Ngài kêu lớn tiếng trên thập giá : “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?” (Mc 15, 34), lúc đó lại là lúc Chúa Giêsu gần Cha hơn cả, kết hợp với Cha hơn cả. Chúa Giêsu thực sự chẳng bao giờ cô đơn tuyệt đối, vì Cha thực sự chẳng bao giờ bỏ Ngài, và Ngài cũng chẳng bao giờ bỏ Cha.
Chúa Giêsu khẳng định: “Trời đất qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21, 33). Thật vậy, thực tại trần thế này chỉ như ngôi nhà tạm bợ, mọi sự rồi sẽ qua đi, Lời Chúa thì tồn tại qua muốn thế hệ, đó là Lời sáng tạo, Lời thông ban sự sống và Lời Cứu Độ toàn thể nhân loại. Đây là điều mà Thánh sử Gioan đã xác quyết trong những trang đầu của Tin Mừng: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1).
Mỗi người tín hữu kitô được mời gọi lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Quả thật Lời Chúa không chỉ được nghe bằng đôi tai nhưng hơn cả cần được nghe bởi con tim. Một con tim biết rung lên những nhịp đập của tình yêu thương, lòng cảm thông, tâm hồn chia sẻ… sẽ lắng nghe được Lời Chúa và tiếng tha nhân, để từ đó sẽ có những lựa chọn, quyết định và hành động phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Chúa không hứa với chúng ta ai theo Người thì sẽ được mọi tiện nghi, thuận lợi. Theo Chúa thì phải chấp nhận thử thách gian lao. Lịch sử Hội Thánh đã minh chứng điều đó. Điều quan trọng là chúng ta hãy tin tưởng vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, để can đảm, trung thành với ơn nghĩa Chúa, vượt qua mọi thử thách trong đời sống đức tin. Với cái nhìn đức tin, chúng ta nhận ra rằng, những thiên tai, bệnh tật, tai nạn… là những biến cố Chúa dùng để cảnh giác chúng ta điều chỉnh lại lối sống của mình cho phù hợp với Tin Mừng.
Có lẽ giữa muôn vàn thử thách, bách hại của thế gian đối với người Kitô hữu, nếu người nào luôn ở trong Chúa, gắn liền với Chúa, đều cảm thấy bình an sâu thẳm trong tâm hồn cho dù họ đau đớn, mất mát. Chúa tiên báo trước, để các môn đệ và ngay cả chúng ta không lạ lẫm gì khi mình đi ngược dòng với thế gian, bị thế gian cho rằng là những con người dại dột. Hơn nữa, các môn đệ phải hy sinh, đau khổ rất nhiều, chịu bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời, vì Tin Mừng, vì chính Chúa Giêsu là niềm tin, là đối tượng tôn thờ duy nhất của họ.
Đời sống đức tin của các Kitô hữu mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay thì hoàn toàn khác. Ở giữa thế gian này, người tín hữu có thể phải chịu đủ mọi thử thách, thậm chí họ chẳng bao giờ được an ủi về mặt lợi lộc, vật chất thế gian. Nhưng họ vẫn có sự bình an, thanh thản trong thẳm sâu tâm hồn dù họ gặp phải muôn vàn khốn khó giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền thường ngày.
Chúa Giêsu là sức mạnh và là niềm trông cậy của những ai tin tưởng nơi Ngài. Ngài là niềm hy vọng của những kẻ sầu khổ, thất vọng, là ánh sáng chiếu soi tăm tối. Chúa bảo chúng ta hãy can đảm lên, vì có Chúa ở bên, vì có Chúa là đấng thấu suốt tâm can mỗi người. Trong những gian nan khốn khó, chúng ta cũng hãy can đảm vì Ngài sẽ không cho những gì xảy ra quá sức chịu đựng; bởi Ngài đã chiến thắng sự dữ và thần chết. Vì tình yêu mà Chúa đã vượt thắng mọi sợ hãi, và chấp nhận khổ giá.
Cùng vác thập giá với Thầy là số phận của người môn đệ Ðức Kitô. Mặt khác, an bình và hy vọng là quà tặng của Ðấng Phục Sinh và là bảo chứng cho những người môn đệ trung tín sẽ được cùng phục sinh với Ngài. Người Kitô hữu không trốn chạy trước gian nan khốn khó nhưng chiến thắng nó bằng phương thế và tinh thần của Chúa Kitô. Mời bạn dùng tinh thần lạc quan Kitô đó để loan báo Tin Mừng Phục Sinh trong cuộc sống của mình.
Ta xin Chúa cho ta luôn can đảm, cho ta nhớ rằng Chúa đã không báo trước cho con nhuãng điều thuận lợi, may lành, mà là báo trước những sự đau khổ, bất lợi và thiệt thòi gắn liền với ý tưởng phụng sự Chúa . Vì thế, khi gặp những nghịch cảnh, tan không ngỡ ngàng nhưng biết đón nhận với lòng yêu mến Chúa. Với tình yêu, ta sẽ vượt qua tất cả. Khi ta thông phần vào thập giá Chúa thì ta cũng được chia sẻ phần vinh quang Phục sinh.