2023
Thứ hai tuần thánh
Thứ hai tuần thánh
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin xét xử những kẻ làm hại tôi, xin giao chiến với những kẻ giao chiến với tôi: Xin Chúa cầm khí giới, thuẫn mộc và đứng lên cứu giúp tôi, lạy Chúa, Chúa là sức mạnh cứu thoát tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, loài người chúng con quả yếu đuối, đã gục ngã thảm thương; nhưng vì Ðức Ki-tô Con Chúa đã chịu khổ hình, xin cho chúng con được trỗi dậy và tìm lại được sức sống. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 42, 1-7
“Người sẽ không lớn tiếng; không ai nghe tiếng người ở công trường“.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người sẽ xét xử trong công lý. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, cho đến khi đặt công lý trên mặt đất, vì các đảo mong đợi lề luật người.
Chúa là Thiên Chúa đã phán như thế, Người là Ðấng đã tác tạo và mở rộng các tầng trời, đã củng cố mặt đất và các sản phẩm của nó, đã ban hơi thở cho dân sống trên mặt đất và ban sức sống cho những kẻ trên đó. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 2. 3. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng, và là Ðấng cứu độ tôi
Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?
Xướng: Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ xiêu té và ngã gục.
Xướng: Nếu thiên hạ đồn binh hạ trại để hại tôi, lòng tôi sẽ không kinh hãi; nếu thiên hạ gây chiến với tôi, tôi vẫn tự tin.
Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Kính chào Vua chúng con: Chỉ có nhà Vua là người thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.
PHÚC ÂM: Ga 12, 1-11
“Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.
Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin đoái nhận của lễ chúng con dâng và làm cho cây thập giá, sau khi huỷ án phạt chúng con, đem lại quả phúc trường sinh cho chúng con hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúng con biết những ngày khổ nạn sinh ơn cứu độ và phục sinh vinh hiển của Ðức Ki-tô đã đến gần, nhờ đó, sự kiêu ngạo của kẻ thù xưa bị đánh bại, và mầu nhiện cứu chuộc chúng con lại được cử hành. Nhờ Người đạo binh các Thiên thần thờ lạy uy linh Chúa, muôn đời hoan hỷ trước tôn nhan. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Xin cho những kẻ vui mừng thấy tôi bị tai hoạ, phải một trật xấu hổ và thẹn thuồng. Cho những kẻ nói lời xấu xa hại tôi, phải thẹn mặt và nhục nhã.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong lễ tạ ơn này, Chúa đã thăm viếng và thánh hoá chúng con là dân riêng của Chúa. Giờ đây, xin Chúa thương ở lại mà chăm sóc giữ gìn để chúng con không bao giờ đánh mất những hồng ân chính Chúa đã rộng ban. Chúng con cầu xin…
2023
Giờ chết đã đến gần
1.4 Thứ Bảy trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Ed 37:21-28; Gr 31:10,11-12,13; Ga 11:45-57
Giờ chết đã đến gần
Câu chuyện Chúa Giêsu đến Bêtania và làm phép lạ cho Ladarô sống lại đã làm rúng động trong dân chúng và nhiều người đã tin vào Đức Giêsu cũng như giáo huấn của Ngài.
Chính vì điều này mà cuộc thương khó của Chúa Giêsu ngày càng gần kề. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc những nhà cầm quyền và các Thượng Tế quyết định họp Hội Đồng và ra lệnh bắt, giết Chúa Giêsu. Họ đã ra lệnh truy nã đối với Ngài: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.
Lý do họ bắt và quyết định giết Chúa Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Chúa Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.
Tuy nhiên, thực tế thì lý do chính yếu khiến họ giết Đức Giêsu đó là sự ghen tỵ và sợ bại lộ lối sống hình thức và mất uy tín trong dân, đồng thời sợ bị mất lợi lộc mà các Thượng Tế đang được hưởng.
Sau phép lạ cho Lagiarô sống lại thì có hai phản ứng rõ rệt. Một là những người tin nhận Chúa. Hai là những người không tin và chống đối Chúa, đứng đầu là nhóm Biêt phái và các thượng tế. Họ triệu tập một công nghị (c.47), tìm cách đối phó với Chúa, vì Chúa làm được nhiều việc quá (c.47). Giờ đây họ quyết định dứt khoát không đội trời chung với Ngài nữa, phải khử trừ cho xong. Ho cho rằng Đấng cứu thế mà họ trông mong phải là người giải thoát họ khỏi cảnh áp bức của các nước lân bang như đế quốc La mã. Mà rõ ràng là Chúa Giêsu Giêsu không đứng ra lãnh đạo một cuộc giải phóng như vậy. Cho nên họ kết luận Chúa Giêsu không phải là vị Cứu thế.
Nhưng đứng trước những giáo lý cao siêu và những phép lạ Ngài làm nhiều người đã thán phục, tin theo… Cho nên chính họ thấy khó xử. Nên họ mới nghĩ ra cách đổ lỗi cho những phép lạ Chúa làm kia là đã gây xáo trộn hoang mang nơi dân Do thái. Mà nếu như người Lamã đô hộ nghe thấy chuyện hoang mang đó thì coi như nhóm họ không có tài điều hành dân chúng. quân La mã sẽ chinh phạt họ và cả dân chúng. Đó là dự tính của nhóm Thượng tế và biệt phái với nhau.
Chúng ta thấy là họ không thể bắt bẻ Chúa điều gì trong lãnh vực tôn giáo Do thái lúc ấy. Thật ra, họ cũng từng thử tố cáo Chúa về lãnh vực này như Chúa công khai tuyên bố phá hủy đền thờ Giêrusalem, đã vi phạm luật Sabat, đã không tuân giữ luật truyền thông về rửa tay hay ăn uống… nhưng những tội đó đã không là tội và không đủ yếu tố để kết án. Cho nên họ chuyển Chúa qua một tội khác là vi phạm tới quyền của dân La mã.
Chúng ta biết là thời gian Chúa Giêsu, dân Do thái bị dân La mã đô hộ nên mất hết chủ quyền, mất luôn cả quyền xét xử tội nhân nữa. Quyền này nằm trong tay người La mã lúc ấy là quan Phongxiô Philatô làm tổng trấn đại diện. Oâng này muốn lương dân không hiểu gì về vấn đề Do thái giáo. Vậy muốn cho Philatô phê chuẩn án tử hình nói trên thì họ buộc tội Chúa phản nghịch với La mã. Cho nên sau này trước tòa án Philatô, đã buộc tội Chúa rằng:
“Chúng tôi đã bắt được tên này làm rối loạn an ninh trong nước chúng tôi,. Hắn cấm nộp thuế cho vua César và tự xưng mình là Kitô” (Lc 23,3). Hắn còn giảng dạy xúi dân làm loạn khắp xứ Giuđêa từ Galilê đến đây” (Lc 13,2).
Philatô có vẻ coi thường những lời buộc tội trên đây. Một đàng vì ông tin vào sức mạnh vô địch của đoàn lính Lê-dương La mã, một đàng thấy nét mặt hiền từ, ông không tin rằng Ngài có thể làm loạn, một mặt khác ông không thấy có sự thực như họ tố cáo. Tuy nhiên Philatô đã thẩm vấn Chúa Giêsu 4 lần: “Ông có phải là vua dân Do thái ?” (Lc 23,2 Ga 10,33), “có là Con Thiên Chúa” (23,70), “sự thật là gì ?” (Gio 19,38). Và rồi chính Philatô không thấy Chúa có tội gì để kết án, nên ông tìm cách tránh né và rửa tay (Mt 27,24) tuyên bố: “Ta không thấy người này có gì để lên án cả” (Ga 18,38). Và ông trao Chúa Giêsu về Galilê cho vua Herôđê là người có trách nhiệm vùng Galilê.
Nhưng trước thái độ lừng khừng của Philatô, dân chúng cùng nhómbiệt phái hô to hơn nữa là sẽ tố cáo tội này với hoàng đế César (Gio 19,12). Họ cam chịu nhận quyền độ hộ của La mã một lần nữa: “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài César” (Gio 19,15). Philatô đành trao cho họ đem đi xử tử và đóng đinh vào thập giá. Thế là đúng y như lời Caipha đã nói trước “Thà một người chết thay cho toàn dân…” (Gio 11,50). Lời ấy đã trở thành chân lý cứu rỗi.
Chúng ta hãy coi cái chết của Chúa xảy đến cũng chỉ vỉ lòng ghen tuông, hận thù, nghi kỵ mà thôi. Tuần đại thánh sắp đến, chúng ta cần cầu xin Chúa mở toang tâm hồn như một nấm mồ đón nhận mọi sự tha thứ.
Những người Do Thái đã nhìn hành động của Chúa theo mầu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc : “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Lý luận của người Do Thái không tin thật lộn xộn : Dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rôma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rôma lúc đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Philatô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa vì lý do tôn giáo. Người Do Thái đã phải tố cáo Chúa về tội chính trị : xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Hoàng đế César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa đã không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy ý thức lại việc sống đạo bấy lâu nay: có bao giờ chúng ta theo Chúa chỉ vì muốn được hưởng lợi lộc trần gian? Nếu vì giá trị Tin Mừng đòi ta phải từ bỏ lối sống và hành vi không phù hợp, liệu chúng ta có sẵn sàng không? Hay có khi nào chúng ta cũng vì ghen tức mà loại bỏ anh chị em mình như những Pharisêu và Kinh Sư hôm nay đối với Chúa Giêsu?
2023
Thứ bảy tuần V mùa chay
Thứ bảy tuần V mùa chay
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin chớ đứng xa tôi, xin kíp ra tay nâng đỡ tôi, vì tôi là sâu bọ, chứ không phải người, là đồ ô nhục giữa chúng nhân, và bị dân khinh bỉ.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa không ngừng hoạt động để cứu độ trần gian, nhưng trong những ngày này, Chúa còn ban tặng chúng con những ân sủng dồi dào. Xin đoái nhìn và che chở toàn thể con cái Chúa, đặc biệt là những anh chị em sắp được tái sinh trong bí tích thánh tẩy. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ed 37, 21-28
“Ta sẽ làm cho chúng trở nên dân tộc duy nhất”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương. Ta sẽ làm cho chúng trở nên dân tộc duy nhất sống trong đất của chúng, ở trên núi Israel; chỉ có một vua cai trị chúng; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, cũng chẳng còn chia làm hai nước nữa.
Chúng sẽ không còn dơ nhớp vì thần tượng, vì các điều ghê tởm và mọi tội lỗi của chúng. Ta sẽ cứu thoát chúng khỏi mọi nơi tội lỗi. Ta sẽ thanh tẩy chúng; chúng sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Ðavit tôi tớ Ta sẽ là vua của chúng, chúng sẽ chỉ có một chủ chăn mà thôi. Chúng sẽ tuân giữ và thực thi các giới răn của Ta. Chúng sẽ cư ngụ trong đất mà Ta đã ban cho Giacóp tôi tớ Ta, và là đất tổ phụ chúng đã cư ngụ; chúng và con cái cùng cháu chắt của chúng sẽ cư ngụ ở đó đến muôn đời. Và Ðavit, tôi tớ Ta, sẽ là vua của chúng đến muôn đời. Ta sẽ ký kết với chúng một giao ước hoà bình: Ðó sẽ là một giao ước vĩnh cửu đối với chúng. Ta sẽ gầy dựng chúng, sẽ cho chúng sinh sản ra nhiều và sẽ thiết lập nơi thánh Ta giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà Tạm Ta sẽ ở giữa chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Các dân tộc sẽ biết rằng Ta là Chúa, Ðấng thánh hoá Israel, khi đã lập nơi thánh Ta ở giữa chúng đến muôn đời”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13
Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình
Xướng: Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: “Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó, như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình”.
Xướng: Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người.
Xướng: Bấy giờ người thiếu nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.
PHÚC ÂM: Ga 11, 45-56
“Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa dùng bí tích thánh tẩy làm cho những người tuyên xưng danh Chúa được tái sinh; này chúng con là con cái trong nhà, chúng con tin tưởng cầu xin và dâng lễ: cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận để tha thứ tội lỗi chúng con, và cho chúng con được như lòng hằng mong ước. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải tuyên xưng uy linh Chúa, và nhờ quyền lực khôn tả của thập giá, thế gian đã bị xét xử, và quyền năng của Ðấng chịu đóng đinh được toả sáng.
Vì thế lạy Chúa, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con tuyên xưng Chúa và hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa Kitô đã phó mình, để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Ki-tô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người. Người hằng sống và hiện trị muôn đời.
2023
Ta là Con Thiên CHúa
31.3 Thứ Sáu Thứ Sáu trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Gr 20:10-13; Tv 18:2-3,3-4,5-6,7; Ga 10:31-42
Ta là Con Thiên CHúa
Thêm một lần nữa: người Do thái lượm đá ném Chúa Giêsu (8,59). Lần này thì Chúa không ẩn mình đi nữa. Ngài đứng lại đối chất với họ. Có hai câu nói làm người ta tức mình ném đá là “Ta là Con Thiên Chúa” (c.36) và “Cha Ta và Ta là một” (c. 30). Qua hai câu nói trên, Chúa Giêsu xác định Ngài là Thiên Chúa thực sự.
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Người xưa có nói: “Giận mất khôn”, người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực. Ông đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.
Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với Chúa Giêsu.
Lần giờ những trang Phúc âm theo thánh Gioan, chúng ta còn gặp thấy nhiều đoạn văn Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa của Ngài là Cha và xưng mình là Con. Trong Phúc âm Gioan, chúng ta gặp được kiểu nói Cha Con, hay Cha Ta tới 100 lần, Mattheu có 31 lần, Marcô và Luca có 4 lần. Rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện bằng chữ Cha và xưng Con: “Lạy cha, con xin phó linh hồn con” (Lc 23,46), “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” (Mt 21,43). Chúng ta biết trong ngôn ngữ Do thái, chữ “Con Thiên Chúa” có nghĩa “Là Thiên Chúa”. Chính viø thế người Do thái nghe thấy thế đã lấy đá ném và cho là lộng ngôn phạm thượng.
Lời Thánh vịnh 82,6, khi nói về vua chúa và các thẩm phán của Israel, đã gọi họ là thần thánh. Thực ra thì gọi như vậy không phải là vì họ thần thánh gì đâu, mà chỉ vì ở nơi họ, lời của Thiên Chúa được thi thố.
Nếu như thế thì ở nơi Chúa Giêsu còn hơn thế nhiều, vì không những lời của Thiên Chúa được thi thố ở nơi Ngài, mà Ngài còn là hiện thân của chính Thiên Chúa nữa. Ngài là Ngôi Lời. Ngài và Cha Ngài là một.
Thế nhưng sự thật ấy, khi được chính Ngôi Lời mạc khải điều đó, thì những người Israel đã không chấp nhận, mà lại còn cho Chúa Giêsu là kẻ phạm thượng, vì thế họ đã ném đá Ngài.
Thân phận đó của Chúa Giêsu luôn là thân phận của những tiên tri, những môn đệ của Ngài trong mọi thời đại.
Bổn phận của những tiên tri, môn đệ của Chúa đó là chuyển đạt lời của Chúa đến cho những người khác. Thế nhưng công việc đó thường bị chống đối, mà lý do của sự chống đối đó chỉ là vì những lời mà họ chuyển đạt là những lời chân thật.
Ta cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang dấn thân cho công cuộc rao truyền lời Chúa, được trung kiên trước những chống báng của người đời, và luôn nhìn lên Chúa Giêsu, vị tiên tri đầu tiên của Thiên Chúa, để tìm lấy ở nơi Ngài, sức mạnh thi hành sứ mạng tiên tri của mình.