2023
Loan báo Giuda phản bội
4.4 Thứ Ba Tuần Thánh
Is 49:1-6; Tv 71:1-2,3-4,5-6,15,17; Ga 13:21-33,36-38
Loan báo Giuda phản bội
Giuda Iscario là một trong 12 tông đồ mà chính Chúa đã chọn, mặc dù Chúa biết ông sẽ phản bội. Nhưng Chúa qua đó muốn dạy con cái Ngài bài học.
Giuda có tên cuối cùng trong danh sách các tông đồ (Mt 10, 2-4). Giuda quê ở làng Iscari nên người ta gọi luôn là Giuda Iscrio để phân biệt với những người khác mang tên Giuda. Trong số 12 tông đồ chỉ có Giuda Iscario là quê hơng ở miền Nam của nước Do thái, còn đa số thuộc miền Bắc. Giuda Iscario đã trở thành môn đệ của Chúa từ biển hồ Tibêria. Nhưng từ sau khi Chúa tuyên bố về phép thánh Thể là Mình Máu Thánh Chúa thì Giuda thất vọng, vì trước đến nay ông theo Chúa vì tưởng đâu Chúa là Đấng cứu thế trong lãnh vực của cải như ông mong tưởng. Từ đó ông không tin. Và cũng từ đó ông biï gọi là “quỉ nhập” (6, 70). Và ông đã mất lòng tin đến chỗ phản bội Chúa…
Chính ông đã lợi dụng chức vụ quản lý và bữa ăn để ra đi phản bội (c. 27). Trong khi các môn đệ ngồi dự tiệc thì Giuda ra đi. Việc đó đối với các môn đệ dễ hiểu, vì Giuda làm quản lý phải đi lấy thêm đồ ăn thức uống hoặc có thể Giuda đi giúp đỡ kẻ nghèo khó chăng. Nhưng Chúa Giêsu biết và biết rõ đến nỗi Chúa bảo Giuda “ngươi tính làm gì thì làm mau đi” (c. 27).
Mặc dầu thế, Giuda vẫn không sợ gì tội ác mà cứ khăng khăng ra đi mà tưởng không ai biết. Những người phản bội và dối trá mấy khi tưởng mình bị lộ diện vạch mặt đâu. Giuda vào trường hợp ấy. Giuda không ngờ hành động của ông trong đêm tối lại bị phơi bày trên sách vở của Kinh thánh cho đến tận thế.
Đây cũng là một bài học đắt giá cho cuộc đời con cái Chúa. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mọi sự thật một ngày nào đó sẽ được phơi bày hết không ? Những gì được giấu giếm trong thời gian, cuối cùng cũng chính thời gian tiết lộ ra. Kinh thánh nói rằng: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa. Tất cả sẽ phải phơi bày trần trụi trước mặt Đấng mà chúng ta phải trả lẽ với Ngài”, “Ta là Thiên Chúa, ta thấu suốt mọi tâm can ngươi từng gang tấc…”, “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt nơi kín nhiệm…” (Mt 6, 6) cho nên không một ai chạy tội được với Ngài đâu.
Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tư Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai đặc điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước cuộc Thương Khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các đồ đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa. Là một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh, Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.
Nơi chương17 sau đó, Chúa Giêsu nói rõ ra nội dung chính của việc tôn vinh này như sau: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh con Cha để con Cha tôn vinh Cha theo quyền năng Cha đã ban cho Người trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Ðấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm”. Chúa Giêsu ý thức rõ ràng về chương trình Thiên Chúa Cha muốn thực hiện, Chúa muốn thực hiện điều đó cách hoàn hảo, nhưng đồng thời ý thức rõ ràng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều sa vào. Giuđa sắp phản bội, Phêrô sắp chối bỏ Ngài, nên Chúa xao xuyến sâu xa.
Nhưng tội lỗi của con người không thể làm hư chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận cùng, Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi. Chúa hành xử với mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm, âm thầm với Giuđa và công khai với Phêrô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn, đón nhận Satan, từ bỏ ánh sáng, tự ý bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến mức tuyệt vọng, vì trong tâm hồn ông không còn chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại, bắt gặp cái nhìn của Chúa.
Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhưng ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa trong âm mưu đen tối của y nơi đoạn Tin mừng hôm nay. Bóng đêm luôn ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu, bóng đêm luôn xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa. Bóng đêm luôn giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu. Bóng đêm xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa như trường hợp của Giuđa.
Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh Giuđa : trước tiên là lời tiên báo công khai : “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta”, nhưng Giuđa giả điếc làm ngơ không, nghe lời cảnh tỉnh ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược :”Aên miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y”. Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói : “Người tính làm gì, thì làm mau đi”, câu này ngụ ý rằng âm mưu của người, Ta đã biết, làm sao môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày”. Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.
Ngày thứ ba tuần thánh, khi đưa ra một Giuđa cứng lòng bướng bỉnh, tiến vào bóng đêm của phản bội, của tội lỗi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chấp nhận lời cảnh tỉnh và nhất là đón nhận những cử chỉ thân tình yêu thương của Chúa Giêsu, để bừng sống dậy nhập đoàn những người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng tình thương mà Ngài đã khởi xướng khi tuyên bố : “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu”, “Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con”.
Ước gì sự hiến thân chết vì tình yêu trên Thập giá của Chúa dẫn chúng ta từng bước thoát khỏi bóng đêm của tội lỗi để tiến vào ánh sáng của Chúa Nhật Phục sinh.
2023
Thứ ba tuần thánh
Thứ ba tuần thánh
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin đừng trao nạp tôi cho ác tâm quân thù, vì có những nhân chứng gian dối nổi dậy chống tôi, và có những kẻ mưu dùng bạo lực
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho gia đình Chúa đem trót cả lòng tin sốt sắng cử hành mầu nhiệm Ðức Ki-tô chịu khổ hình hầu đáng hưởng ơn thứ tha của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Is 49, 1-6
“Ta đã làm cho con nên sự sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận cùng trái đất”.
(Bài Ca thứ hai của người Tôi tớ Chúa)
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tên tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa; và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. Và bây giờ Chúa phán: “Người là Ðấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15 và 17
Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh
Xướng: Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu.
Xướng: Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Thạch Ðầu, là chiến luỹ của con.Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác.
Xướng: Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa, từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con.
Xướng: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài.
Câu Xướng Trước Phúc Âm:
Kính lạy Vua chúng con, Ðấng vâng lời Chúa Cha, Ngài đã bị dẫn đi để chịu đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi giết.
PHÚC ÂM: Ga 13, 21-33. 36-38
“Một người trong các con sẽ nộp Thầy… Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được”, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”.
Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.
Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con là gia đình của Chúa dâng lên lễ vật này, xin Chúa đoái nhìn và vui nhận. Giờ đây chúng con được tham dự vào bí tích thánh, xin cho chúng con mai ngày cũng được tận hưởng những phúc lộc do bí tích này đem lại. Chúng con cầu Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúng con biết những ngày khổ nạn sinh ơn cứu độ và phục sinh vinh hiển của Ðức Ki-tô đã đến gần, nhờ đó, sự kiêu ngạo của kẻ thù xưa bị đánh bại, và mầu nhiện cứu chuộc chúng con lại được cử hành. Nhờ Người đạo binh các Thiên thần thờ lạy uy linh Chúa, muôn đời hoan hỷ trước tôn nhan. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
xin…
Ca hiệp lễ
Thiên Chúa không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; ước chi tiệc thánh này, sau khi đã nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con vào quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
2023
Lời Cảnh Tỉnh Của Chúa Giêsu
3.4 Thứ Hai Tuần Thánh
Is 42:1-7; Tv 27:1,2,3,13-14; Ga 12:1-11
Lời Cảnh Tỉnh Của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại vỏn vẹn 33 năm trời ngắn ngủi. Ba mươi năm trước là quãng đường lao động Chúa ân thầm sửa soạn cho 3 năm cuối cùng. Nhưng rồi Ngài đã thu gặt được những gì ? Thưa sự phản bội vô ơn của một dân tộc, sự chống đối và sự chết từ phía người biệt phái. Các môn đệ thân tín thì bỏ trốn, Giuda thì nối giáo cho giặc nộp thầy mình. Và cái chết nơi vườn cây dầu luôn luôn là một ám ảnh. Giữa những đau thương cay đắng ấy, đời Chúa còn gặp được một niềm vui nho nhỏ nhưng đầy an ủi. Đó là bình thuốc thơm của chị Maria, quê ở Betania (khác với Maria Madalêna ở Galile Lc 7, 46). Cả 3 thánh sử đều ghi nhận việc xức dầu thơm này của chị Maria (Mt 26, 7. Mc 14, 3).
Theo thánh Matheu và Marcô, đó là một bình nước hoa bằng đá ngọc rất quí, dùng cho người quyền quí. Bình này chứa khoảng 327 gr nước hoa hảo hạng rút từ nguyên chất cây tùng hương, là thứ cây dùng tẩm liệm. Thánh Gioan lại kể rằng thánh nữ đây đã rưới thuốc thơm trên chân Chúa. Đáng lẽ người ta dùng vài giọt nước lã là quá đủ rồi. Thánh Mc (14, 3) còn nói là chị ta đã đập bể cổ bình và dốc đổ hết đến nỗi cả nhà thơm nực ngào ngạt, rồi chị Maria lấy tóc lau đi.
Trước sự phung phí ấy, Giuda không giữ được miệng. Ông đã bộc lộ chân tướng để phản bội. Lòng dạ đã bị tiền bạc đầu độc lại viện cớ giúp kẻ nghèo thì tốt hơn. Đó là một cách che đậy giả hình thôi, chứ chưa chắc Giuda đã thương kẻ nghèo bằng thương lọ nước hoa. Thấy lọ nước hoa đập bể, Giuda đã tiếc xót như là xé rách 300 đồng bạc hơn một tấm lòng thống hối… Và hẳn là Giuda cũng thầm nghĩ tới 30 đồng mà ông sẽ bán được thầy mình. Phải rồi, tiền bạc làm con người mù quáng, dễ phản bội. Trong cuộc đời có những đứa con từng phản bội lại cha mẹ… Nhưng ít khi học trò phản bội thầy mình. Hiếm có, Giuda là một trong số hiếm có đó. Giuda đã quyết định phản bội Chúa, đã sa ngã vì tiền của vì trước đó Giuda đã có những tham lam nho nhỏ như tiếc xót bình dầu đây chẳng hạn.
Tin Mừng hôm nay gợi lên trong chúng ta nhiều ý nghĩ. Sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn luôn là một dấu gây mâu thuẫn. Nhiều người tin Chúa, mến Chúa, thương Chúa, mà cũng có nhiều người khác dèm pha, chống đối và muốn loại trừ. Những kẻ thuộc nhóm ủng hộ Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay là những người dọn tiệc đãi Chúa ở Bêtania là Lazarô, là Maria – người lấy dầu thơm xức chân Chúa. Những kẻ chống đối Chúa hay sắp đi vào con đường chống đối Ngài là các thượng tế ganh tị, là Giuđa Iscariốt – người thủ quĩ của nhóm môn đệ chung quanh Chúa Giêsu. Chúng ta hãy quan sát thêm thái độ của những kẻ chống đối Ngài, các thượng tế, những người lãnh đạo của dân Do Thái và là những kẻ được dân chúng kính nể như những trí thức và đạo đức. Nhưng phải chăng đây là cái vẻ bên ngoài, vì bên trong tâm hồn xem ra như chứa đầy những chuyện xấu xa, mưu mô, ganh tị, tham quyền, sợ dân bỏ họ mà theo Chúa Giêsu? Vì thế, họ có ý định giết luôn cả Lazarô, xóa bỏ luôn cả dấu chỉ hiển nhiên của Thiên Chúa quyền năng hiện diện giữa con người.
Quyền năng Thiên Chúa được thể hiện nơi dấu lạ cho Lazarô đã chết được sống lại. Ghét Chúa, những thượng tế kia muốn xóa bỏ cả những dấu chỉ, những chứng tá về Chúa để lương tâm họ được yên, không còn bị quấy rầy nữa. Chúng ta có hành xử giống như những vị thượng tế Do Thái này hay không, hay chúng ta hành xử giống như Giuđa Iscariốt. Giuđa chưa phản bội Chúa, nhưng đang trên đường phản bội Chúa với những hành động xấu được nhắc đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ham mê tiền của, lấy của công để lo cho tư lợi riêng, lạm dụng danh nghĩa người nghèo, miệng nói lo cho người nghèo nhưng hành động ngược lại. Ðây là tội mà ngày nay có thể gọi là kinh doanh trên sự nghèo cùng của anh chị em.
Hơn nữa, khi phê bình hành động tốt lành của cô Maria, xức dầu thơm nơi chân Chúa như là một việc làm phí của, thì Giuđa cho thấy tâm địa hẹp hòi của mình, Giuđa xem đồng tiền lợi lộc vật chất trọng hơn chính Chúa Giêsu và mối tương quan thân thiện với Ngài. Thường tình, nếu là bạn tốt với nhau, thì khi một người sắp ra đi, kẻ ở lại phải làm vừa ý người ra đi, để nói lên lòng quí mến của mình, nhưng Giuđa đã không hành xử như vậy với Chúa Giêsu.
Là một trong mười hai tông đồ sống bên cạnh Chúa, chắc chắn Giuđa đã nghe nói đến sự ra đi đầy đau thương của Ngài tại Giêrusalem, nhưng Giuđa xem ra lãnh đạm vô tâm, vô tình với biến cố, vả lại Giuđa đã công kích hành động tốt của Maria, cho đó là một việc làm phung phí, vô ích. Giuđa đã mất đi ý thức bén nhạy để phán đoán điều gì tốt, điều gì không. Giuđa xét đoán không theo sự việc khách quan mà theo tâm tình hèn hạ của mình. Tâm hồn Giuđa thì xấu, nên xét việc tốt cũng thành xấu. Chúng ta có hành xử đúng như vậy hay không.
Tin mừng cho chúng ta gặp lại Marta và Maria. Tuy lần ghé trước Marta đã nghe Chúa Giêsu nói chỉ có một việc cần đó là lắng nghe lời Chúa. Nhưng lần này, Marta cũng chẳng dừng được, đã biến cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu thành một yến tiệc, bởi lẽ theo chị nầu những món ăn thiết thiết đãi Chúa và các môn đệ là để tỏ lòng hiếu khách, Thiên Chúa là tỏ lòng biết ơn Chúa đã cải tử hoàn sinh cho Lazarô. Phần Maria còn đi xa hơn : chị lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau.
Qua cử chỉ ấy chúng ta thấy rõ chiều âu mốii tình của chị đối với Chúa Giêsu. Mối tình không tính toán khiến chị sử dụng dầu thơm quí giá mà theo ước tính củ Giuđa có thể lên tới 300 đồng bạc Chúa Giêsu tức 300 ngày công. Mối tình khiêm nhu, vì theo tục lệ thời đó, chủ nhà hay bất cứ phần tử nào trong gia đình thường xức thuốc thơm trên đầu người khác để tỏ lòng quí mến, nhưng Maria khiêm tốn nghĩ mình chỉ đáng xức dầu thơm vào chân Thầy thôi. Mối tình tự hạ, thể hiện qua việc lấy tóc mình để lau chân Chúa. Chúa Giêsu chấp nhận cử chỉ nói lên lòng kính trọng, yêu thương của Maria, cũng như vui lòng ngồi vào bàn tiệc do Marta khoản đãi
Với mẫu gương yêu mến của Marta và Maria đối với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn để ôn lại, để chấp nhận và để đáp lại mối tình bao la của Thiên Chúa đã thí ban người Con Một vị phần tỗi nhân loại, cũng như để đáp lại mối tình của Chúa Giêsu đã sẵn lòng đón nhận cái chết ô nhục vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mỗi người chúng ta.
2023
Cùng Chúa lên Giêrusalem
2.4 Chúa Nhật Lễ Lá
Mt 21:1-11; Is 50:4-7; Tv 22:8-9,17-18,19-20,23-24; Pl 2:6-11; Mt 26:1427; Mt 27:11-54
Cùng Chúa lên Giêrusalem
Nội dung chính yếu của cử hành phụng vụ Tuần Thánh là cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài là người tôi tớ đau khổ của Chúa Giêsu. Ngài đón nhận Thập giá tủi nhục thất bại, và đã biến đổi Thập giá thành nguồn ơn cứu độ, tình thương tha thứ cho nhân loại tội lỗi.
Bước vào tuần thánh, chúng ta tiếp bước Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem. Cùng với Ngài, Chúng ta đi từ vinh quang sáng chói, khi được toàn dân đón chào, đến cái chết bi thương và nhục nhã trên Thập giá. Thoạt đầu, dân chúng tôn vinh Chúa như một lãnh tụ oai hùng, nhưng cuối cùng họ đã trở mặt. Tất cả đồng thanh đả đảo và kết án Ngài như một tên tội phạm.
Đỉnh điểm của mùa chay là cuộc hành trình lên Giêrusalem, một thành phố đầy những mâu thuẫn trái ngược. Giêrusalem là nơi có đền thờ thánh thiêng để tôn kính Giêsu, đồng thời cũng là nơi sùng bái những ngẫu tượng. Đây là kinh thành biểu thị niềm tin tôn giáo, nhưng cũng là nơi đầy gương mù khủng khiếp. Giêrusalem là kinh thành của ánh sáng, nhưng cũng là một thế giới ngập tràn bóng tối. Dân Do thái từ chỗ đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Giêsu, nhưng sau đó lòng họ chất đầy phẫn nộ và sự căm thù. Giuđa bán đứng vị tôn sư khả kính. Trò gian ác phản thầy.
Các đầu mục tôn giáo thì quá quỷ quyệt đã dàn dựng một phiên tòa giả dối. Các môn sinh nghĩa thiết nhất đã vội quên mất thầy mình. Họ ngủ vùi trong mệt mỏi và cuối cùng đã lặng lẽ tháo lui. Phêrô thì thẳng thừng chối bỏ người Thầy đáng kính. Còn Philatô, giống như một kẻ đồng lõa, đã kết án Chúa Giêsu cho dù ông biết Ngài hoàn toàn vô tội. Lính gác và đám đông thì tha hồ mỉa mai chửi bới và không tiếc lời lăng mạ. Điều trớ trêu nhất, là dân chúng lại xin tha Baraba và đòi giết Chúa Giêsu. Baraba, theo từ ngữ Aram, có nghĩa là ‘con của cha’. Họ đã chọn để xin tha một người ‘con’ với quá khứ đặc kín tội ác, và đòi kết án người ‘Con’ duy nhất của Chúa Cha, Đấng hoàn toàn vô tội đã gánh trên vai tội lỗi của cả trần gian. Giêrusalem quả là nơi nhức nhối đầy những đối nghịch và mâu thuẫn.
Sự kiên định trong niềm tin nơi Chúa Giêsu giữa bóng tối của Thập giá là một chứng tá và cũng là khuôn mẫu tuyệt hảo để chúng ta dõi theo. Trong thơ gửi giáo đoàn Philip mà Giáo hội đọc lên trong phụng vụ hôm nay, Thánh Phaolô nêu bật cho chúng ta khuôn mẫu này. Thánh nhân chiêm ngắm sự tự hạ và biến mình ra không nơi Chúa Giêsu, để dẫn đến vinh quang. Các nhà chú giải cho rằng Phaolô đã trích dẫn một bài thánh thi rất quen thuộc thời xưa. Phần dẫn nhập do chính thánh nhân biên soạn. Ngài đã viết những câu giới thiệu như sau: “ Nếu Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau…, anh em hãy có những tâm tình như chính Chúa Giêsu Kitô (Phil 2,1-5).
Sau đó, vị Tông đồ đã viết trọn bài Thánh thi với lời mở: “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ”. Bài Thánh Thi đã mô tả Thập Giá như cách diễn bày sự khiêm nhường và vâng phục sâu thẳm nơi Chúa Giêsu. Kết quả của hành vi tự biến mình ra không, là “Thiên Chúa đã tôn vinh Người và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa”.
Thông thường, người ta vẫn hiểu rằng Thánh Phaolô đề cao chức phận làm con của Chúa Giêsu, được hiện lộ nơi dáng vẻ bi thương của Thập Giá. Chúa Giêsu đã hạ mình, giấu bỏ thần tính cao sang để mặc lấy kiếp người hèn hạ cho đến chết và chết trên Thập Gía. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy có một hình ảnh song đối, nhưng khác nhau hoàn toàn giữa Chúa Giêsu và Ađam. Ađam được tạo thành, giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26-28), nhưng lại muốn trở nên ngang bằng Thiên Chúa, vì kiêu ngạo và bất tuân (3,5t). Hệ quả là Ađam đã sa ngã trong tội dẫn đến cái chết.
Ngược lại, Chúa Giêsu – Ađam mới, đã sống khiêm tốn và vâng phục, trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa. Kết quả là Ngài được siêu thăng và đã mở ra cho nhân loại chân trời ơn cứu độ. Bản văn soi sáng để chúng ta thấu đạt cả hai cách diễn nghĩa liên kết với nhau. Chúa Giêsu là Ađam mới, và cũng là người con thực sự của Chúa Cha. Ngài đã tự hư vô hoá mình, mang lấy tình trạng tội lỗi của Ađam xưa, đó là tình trạng sống kiếp nô lệ, và tiến nhận cái chết để cứu chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ và thân phận phải chết.
Khi suy gẫm việc Chúa Giêsu đi vào mầu nhiệm tự hủy, chứng tá cho niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và đã trải qua những giờ phút hãi hùng trên Thập giá, có lẽ chúng ta vẫn nghĩ tưởng rằng Ngài đã biết trước những gì sẽ xảy ra. Nếu quả như thế và Đức Giêsu không thể có một chọn lựa nào khác, rồi sau đó Ngài biết chắc chắn Chúa Cha sẽ cho Ngài phục sinh vinh quang, thì những giây phút hấp hối kinh hoàng của Chúa trong vườn cây dầu chẳng còn ý nghĩa gì. Tại sao Chúa lại phải khiếp sợ, phải căng thẳng, mồ hôi và máu phải tuôn đổ đến mức thảm thiết như vậy? Tại sao Chúa phải lớn tiếng rơi lệ khẩn xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7) :“ Cha ơi, nếu có thể, xin hãy cất chén đắng này xa con”?
Và nếu như Ngài biết trước, và phải miễn cưỡng chấp nhận, thì tại sao trên Thánh giá Ngài phải gào thét một cách não nuột: “Cha ơi, sao Cha bỏ rơi con”? Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy rằng, vì Đức Kitô đã hư vô hóa mình, đã tự nguyện đi sâu vào mầu nhiệm tự hủy, nên Ngài đã hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, tín thác tận căn, đặc biệt giữa bóng tối dầy đặc của mầu nhiệm Thập giá và cái chết. Nếu Chúa Giêsu biết trước Ngài sẽ sớm được phục sinh trong vinh quang, thì ngày thứ Sáu tuần thánh không còn là một ngày đen tối đầy u ám nữa. Nhưng, khi mang thân phận con người giống hệt chúng ta, cho dù có thể Ngài biết, Ngài vẫn phải trải qua những phút giây khủng khiếp nhất, kinh hoàng nhất và đã hoàn toàn tín thác vào Cha Ngài.
Chúng ta phải nhìn vào bóng tối phủ kín nơi Chúa Giêsu, với tất cả vẻ bi thương trong kiếp người, mang trên vai mọi tội lỗi trần gian, để có thể nhận ra nơi Ngài một niềm tin sâu thẳm và một sự vâng phục tuyệt đối. Đây là nguyên mẫu đức tin cho chúng ta, khi chúng ta đối diện trước những bầm dập và tan nát trong cuộc đời. Có bao giờ chúng ta đã kinh qua những phút giây bi thương như thế không, khi chúng ta bị mất mát, bị nhấn chìm trong bóng tối của khiếp hãi? Khi gặp những bầm dập cay đắng, khi bị bạn bè xa tránh, bị rơi vào chán chường hay tuyệt vọng…, chúng ta có cảm thấy như đang bị Thiên Chúa bỏ rơi hay không? Chúa Giêsu đã trải nghiệm như thế, ở Giêrusalem và ở trên Thập giá. Sự bi thương của Ngài còn gấp cả ngàn lần, triệu lần so với những khổ đau mà chúng ta gặp phải.
Khi thuật lại việc Chúa vào thành hôm nay, Matthêô không những chỉ muốn giới thiệu Người là Ðấng Thiên sai cứu thế hiền từ và khiêm nhu, đến để chịu nạn; nhưng tác giả còn muốn nhắc nhở chúng ta về thân phận của Hội Thánh, của mọi cộng đoàn Dân Chúa, của mọi tín hữu hết thảy đã đến từ dân ngoại: tất cả chỉ là hiện thân của Vị Tiên tri thành Nagiarét xứ Galilê đang đi vào đời và ở trong đời với lý tưởng cứu thế mà vẫn bị hất hủi. Thế thì chúng ta phải xin Người cho chúng ta được những tâm tình của Người để làm công việc vào Ðền Thờ hôm nay, để rồi vào đời cứu thế như Người. Chúng ta hết thảy hãy tiến lên với những tâm tình ấy.
Trong tuần này, Giáo hội muốn chúng ta cùng với Chúa Giêsu đi vào lộ trình lên Giêrusalem, để thông dự vào những giờ khắc đen tối nhất trong cuộc đời tại thế của Ngài.