2023
Giải đáp thắc mắc: gia đình khác đạo
Giải đáp thắc mắc: gia đình khác đạo
GIA ĐÌNH KHÁC ĐẠO
Hỏi: Con được sinh ra trong gia đình có Bố là người bên lương và Mẹ là người Công giáo. Bố con vẫn giữ những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… Bà nội con thường đi gặp Thầy ở Chùa để xin giải hạn cho con. Con đã được rửa tội, và hiểu rõ những bối rối của Mẹ con. Vậy, chúng con có được tham gia những nghi thức mà Bố và Bà con tham gia không?
Trả lời:
Đây là một câu hỏi thường gặp, vì thật ra trường hợp của gia đình bạn không phải là trường hợp hoạ hiếm ngày nay. Sau hơn 400 năm Tin Mừng đến Đất Việt, người Công giáo ở thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một thiểu số trong lòng dân tộc Việt Nam. Trước đây, Đạo Công giáo ở Việt Nam đã phải trải qua một thời gian dài sống khép và kín theo hướng tự vệ. Khi đó người Công giáo chỉ được phép lấy người Công giáo và không có nhiều gia đình sống theo hôn nhân khác đạo. Nhưng khi cuộc sống mở ra, nhất là khi Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn “sống đức tin giữa lòng dân tộc”, nhiều khả thể khác được mở ra với các gia đình Công giáo. Hôn nhân khác đạo đã không còn là chuyện quá lạ lùng hay cấm kỵ.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những khó khăn và thử thách trong đời sống đạo của hai mẹ con bạn. Mẹ của bạn đã theo tiếng gọi của con tim, đã can đảm chọn đi một con đường khó. Trên con đường ấy, nỗ lực gìn giữ đức tin và việc nuôi dưỡng bạn lớn lên theo truyền thống Công giáo là điều rất đáng trân trọng. Những bối rối và trăn trở của cả hai mẹ con bạn trong trong việc làm sao để sống đúng đức tin của mình cho chính đáng và phù hợp cũng là điều rất đáng trân trọng.
Để phần nào giãi gỡ những bối rối và trăn trở ấy, trước hết, chúng ta cần nhận ra những điều tích cực trong gia đình của bạn.
Nếu ngay từ đầu, bố mẹ của bạn và gia đình nội ngoại hai bên đã đồng thuận trong việc Đạo ai nấy giữ, đồng thời Giáo hội đã chuẩn nhận việc hôn nhân khác đạo, thì điều quan trọng nhất là việc thực hành đức tin riêng của mỗi bên cần phải được tôn trọng, đúng không? Bạn đã được cho rửa tội để làm người Công giáo, nghĩa là gia đình bên nội đã có một sự tôn trọng nhất định đối với mẹ bạn và tôn giáo của mẹ bạn rồi. Việc chấp thuận để cho bạn được rửa tội và được giáo dục theo đức tin Công giáo cũng cho thấy gia đình bên nội cũng đã giữ lời hứa so với cam kết ban đầu của mình. Nếu hai mẹ con bạn đã có đủ tự do để sống đức tin Công giáo của mình, bố của bạn cũng xứng đáng có được sự tự do ấy để sống đức tin của mình, phải không?
Vì thế, việc bố của bạn theo những nghi thức của Phật Giáo, hay của niềm tin tự nhiên theo truyền thống gia đình bên nội, là điều cần được tôn trọng. Việc thực hành những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… cho thấy bố của bạn là một người có đời sống tâm linh, có tâm tình tôn giáo. Đây là phẩm chất rất quý của con người sống trong thời hiện đại. Cũng vậy, việc bà nội đi Chùa cầu siêu cho cháu của mình cũng là một điều chính đáng, phải không? Đó là cách bà thể hiện tình thương và sự chăm sóc cho cháu mình. Bạn nên nhận sự quan tâm và chăm sóc ấy, nên cám ơn bà nội của mình về điều ấy. Hơn nữa, cả gia đình bên nội của bạn theo Phật Giáo, chắc chắn những ngày giỗ chạp hay đám tiệc của nhà nội sẽ phải được tổ chức theo nghi thức tôn giáo của bên ấy. Đối với những nghi thức ấy, bạn nên có sự tôn trọng đúng mực.
Sự hiện diện của mẹ con bạn với cả đại gia đình trong những dịp họp mặt và lễ truyền thống như thế là cách sống sự hiệp thông và nuôi dưỡng tình thân gia đình. Đó là một phần của gia đình mà mẹ bạn đã chọn để sinh bạn ra và nuôi dưỡng bạn lớn lên. Vì vậy, hai mẹ con bạn không nên tự tách mình ra khỏi bầu khí gia đình chỉ vì lý do khác biệt về tôn giáo. Bởi lẽ, nếu nại vào lý do khác biệt tôn giáo để hai mẹ con bạn sống tách biệt và cô lập, thì hoá ra tôn giáo lại trở thành duyên cớ của sự phân biệt và chia rẽ trong cùng một gia đình hay sao?
Cần phân biệt rõ rằng việc vái hương hay cúi đầu tỏ lòng tôn kính trước Đức Phật không phải là việc tôn thờ ngẫu tượng. Cũng giống như việc người Công giáo thắp nhang và cúi đầu trước bàn thờ của ông bà tổ tiên: đó là cách thể hiện lòng hiếu thảo và tôn kính, chứ không phải là tôn thờ. Chúng ta chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Trong đức tin của chúng ta, Đức Phật là một Đấng đáng kính, đáng để chúng ta bày tỏ lòng kính ngưỡng mộ và tôn trọng.
Thêm nữa, có thể phân biệt rằng tham dự thì khác với tham gia. Bạn có thể tham dự vào những nghi lễ trong gia đình bên nội bằng sự hiện diện và sự tôn trọng, bằng mối dây hiệp thông gia đình. Nhưng sự tham dự ấy không có nghĩa là bạn tham gia vào việc thờ phượng của một tôn giáo khác. Bởi vì bạn mang một đức tin khác, một văn hoá khác, lòng của bạn hướng về một Đấng khác.
Chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất không loại trừ và cấm chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với những bậc đáng kính, dù là trong tôn giáo mình hay trong các tôn giáo bạn. Cần nhìn nhận rõ ràng rằng những người thuộc các tôn giáo khác không phải là đối thủ, càng không phải là kẻ thù nguy hiểm cho đức tin chúng ta. Chúng ta luôn có thể chung sống trong an bình và dành cho nhau sự tôn trọng sâu sắc với những người khác niềm tin với chúng ta. Đó là cách để chúng ta xây dựng một thế giới hoà bình. Thế giới ấy khởi đi từ chính gia đình của bạn.
Đây là lời khuyên quan trọng dành cho bạn: khi bạn và mẹ của bạn đã cùng chia sẻ với gia đình bên nội những sinh hoạt của họ, thì thỉnh thoảng cũng nên mời họ tham dự vào các sinh hoạt cầu nguyện của bên mình, phải không? Nếu bạn đã cùng tham dự những buổi cầu nguyện với gia đình nhà nội, bạn có từng thử cũng mời họ tham dự giờ cầu nguyện và giải thích cho họ về ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đạo Công giáo không? Nếu bạn đã một vài lần đến Chùa cùng với bố và nội, bạn có từng thử mời họ một vài lần đến Nhà Thờ với mình không? Chẳng hạn: vào những dịp quan trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh, các buổi diễn nguyện thánh ca, hay các hoạt động bác ái xã hội… Đã bao giờ bạn thử mời bố cùng tham dự vào giờ kinh tối, phút hồi tâm cuối ngày, hay một giờ trầm lắng cầu nguyện nào đó với mẹ con bạn không?
Mục đích của chúng ta ở đây không phải là việc “dụ khị” bố của bạn hay nhà bên nội của bạn vào đạo Công giáo. Mục đích chính ở đây, trước hết là giúp cho bố bạn và nhà bên nội có cơ hội để hiểu và có thiện cảm với Đạo của mẹ con bạn. Đừng trình bày với gia đình bên nội về Đạo của mình như là Đạo cho phép làm điều này, cấm làm điều kia… như thể Đạo chỉ là một bộ luật và một mớ nguyên tắc. Hãy giới thiệu cho họ về một Thiên Chúa là Cha bao dung và yêu thương, một Thiên Chúa không nhất thiết phải luôn luôn đòi hỏi và áp đặt, một Thiên Chúa dám đặt niềm tin của mình vào tự do của con người.
Biết cách sống tốt đức tin của mình trong gia đình, biết bám rễ từ tinh thần đại đồng Kitô giáo để xây dựng hạnh phúc gia đình, biết đâu bạn và mẹ của bạn có thể thuyết phục được bố và chia sẻ được với bố về niềm tin của mình thì sao! Chân lý luôn có cách tự tỏ lộ mình. Sau khi bạn đã làm hết mọi sự tốt đẹp trong khả năng của mình, phần còn lại Chúa sẽ lo.
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo
2023
Ðấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta
Ðấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta
Chúng ta vừa long trọng mừng lễ Phục Sinh. Mọi ồn ào của những cuộc kiệu rước đã lắng xuống. Những bận rộn của Tuần Thánh cũng đã đi qua. Đối với nhiều người, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh giống như những ngày lễ hội mỗi năm tổ chức một lần, lễ xong là hết. Điều còn lại có thể chỉ là những lời bình phẩm về cách tổ chức lễ năm nay có gì hơn hay kém năm ngoái. Để tránh lối suy nghĩ lệch lạc đó nơi các tín hữu, Phụng vụ hôm nay khẳng định rằng, Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu. Người hiện diện như mối dây liên kết mọi người nên một trong tình bác ái và sự chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau. Hình ảnh cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem là lời mời gọi hãy noi gương mà sống xứng đáng với danh nghĩa những môn đệ Chúa Kitô (Bài đọc I). Nếu các tín hữu có thể coi mọi sự là của chung và chuyên cần tham dự bẻ bánh, siêng năng cầu nguyện và nhiệt thành thực thi bác ái, là vì họ tin Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa họ và chứng kiến những điều tốt lành họ đang làm.
Tuy vậy, vấn đề người chết sống lại, xưa cũng như nay, thường được coi là một câu chuyện hoang đường, không thể chấp nhận. Ngay như các môn đệ là những người đã cùng sống với Chúa và đã được nghe Người tiên báo về sự Phục Sinh, mà các ông còn chưa dễ dàng tin vào sự kiện này. Thánh Máccô ghi lại sự nghi ngờ đến mức cứng lòng của các ông: Khi bà Maria Mácđala kể với các ông là bà đã gặp Chúa Phục Sinh, các ông cũng không tin. Các ông cũng không tin khi hai môn đệ từ Emmau trở về quả quyết đã gặp Chúa (x. Mc 16, 9-13).
Lời Chúa hôm nay dẫn chứng một nhân vật cụ thể, đó là Tôma. Ông không có mặt khi Chúa hiện ra với các môn đệ. Điều các bạn kể lại không thể thuyết phục ông chấp nhận một điều “ngược đời” và “hoang đường”. Dấu đinh ở tay, vết thương ở cạnh sườn Chúa… là những điều ông đã chứng kiến như bằng cớ của việc Chúa Giêsu đã chết. Đối với ông, việc được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thủng là bằng chúng xác thực về việc Chúa sống lại. Thực ra, Tôma không dám thách thức Chúa, ông chỉ cần bằng chứng thiết thực để ông tin.
Chúa Giêsu đã đáp trả những điều kiện Tôma đã đưa ra. Tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện đến với các ông với những thương tích trên thân thể Người. Nếu trước đây Tôma đã ra điều kiện để tin, thì nay Chúa mời ông thực hiện những điều ấy. Ông chẳng còn lòng dạ nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Đúng hơn, ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa đang ở trước mặt ông bằng xương bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Qua lời nói với Tôma, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn gởi đến một thông điệp: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Thông điệp ấy vẫn có giá trị đến ngày hôm nay. Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta được thấy Chúa trực tiếp. Chúng ta chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin. Con tim và lý trí mách bảo Chúa đang hiện diện và những ai tin vào Người thì sẽ không phải thất vọng. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đó là lời tuyên xưng Đức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục. Lời tuyên xưng ấy ngắn gọn mà đã nói lên tất cả. Không còn thách thức, không còn nghi ngờ, nhưng một niềm xác tín mến yêu. Đó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em.
Trong trình thuật của mình, thánh sử Gioan hai lần nói đến chi tiết “các cửa đều đóng kín”, để diễn tả Đức Giêsu Phục Sinh không còn bị giới hạn bởi không gian, nghĩa là Người trở nên thiêng liêng giữa thế giới. Cũng như Người có thể vào trong phòng khi các cửa đều đóng kín, hôm nay Người đang hiện diện nơi dung mạo và cuộc đời của những ai mang tên Người, tức là các Kitô hữu. Tuy vậy, nếu Chúa Giêsu có thể xuất hiện tại những căn nhà cửa đóng kín, thì Người lại đang chờ đợi để chúng ta mở rộng tâm hồn đón tiếp Người, đó là đức tin và niềm phó thác nơi Đấng đang hiện diện cách huyền nhiệm và vô hình. Nhờ niềm tín thác này, chúng ta sẽ được tràn đầy niềm vui siêu nhiên. Thánh Phêrô đã khuyên: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của Đức tin là ơn cứu độ con người” (Bài đọc II).
Chúa Giêsu Phục Sinh hôm nay đang hiện diện cách huyền nhiệm nơi cuộc đời này. Sự hiện diện của Chúa có thể được chứng tỏ qua đời sống đạo đức yêu thương của các tín hữu. Xin cho mỗi người biết nhận ra Người đang sống giữa chúng ta, để hăng hái nhiệt thành làm chứng cho Người.
Có ai đó đã nói: “Đức tin là sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa, chắc chắn và vững bền tới mức một người có thể cược cả đời mình cho nó hàng ngàn lần”.
TGM Giuse VŨ VĂN THIÊN – TGP Hà Nội
2023
Bốn cái bẫy mà ma quỷ thường bày ra cho chúng ta khi cầu nguyện
Tên cám dỗ làm mọi thứ để ngăn cản con người cầu nguyện. Vì vậy, thật khó để chúng ta không rơi vào cám dỗ. Chúng ta hãy mở to đôi mắt để cố gắng nhận ra những lời dối trá, để mình không bị ma quỷ lừa bịp.
Bẫy số 1 : “cầu nguyện thật vô ích”
Nếu dựa vào những tiêu chuẩn thông thường của chúng ta về tính hiệu quả của cầu nguyện, thì thực sự cầu nguyện không giúp được gì cả. Theo quan điểm của con người, cầu nguyện là lãng phí thời gian. Đây là câu hỏi lớn mà các tu sĩ nam nữ nêu ra cho thế giới xung quanh họ: đời sống cầu nguyện giúp được gì cho những người này? Dưới cặp mắt của nhiều người thì cuộc sống của họ xem ra quá lãng phí.
Chúng ta thường mắc cùng một sai lầm này khi từ bỏ việc cầu nguyện với lý do chúng ta có quá nhiều việc phải làm. Bởi vì chúng ta đặt mình vào cái luận lý về hiệu suất, thay vì theo luận lý của tình yêu. Trái lại, nếu biết suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy trong cuộc sống dường như những thứ xem ra vô dụng nhất thực ra là những thứ quí giá nhất; chẳng hạn như cưng chiều một đứa trẻ, hôn vợ hoặc chồng, chiêm ngắm một phong cảnh đẹp. Cầu nguyện có vẻ vô ích, nhưng thực ra đó là điều tuyệt đối không thể thiếu.
Bẫy số 2: “Bạn không biết cầu nguyện”
Kẻ thù tăng thêm nhiều lý lẽ để cho chúng ta thấy rằng cầu nguyện quá khó đối với chúng ta, rằng chúng ta cần được đào tạo trước khi bắt đầu cầu nguyện… Ngay cả trong trường hợp này, quả thực, chúng ta không biết cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta đầy lơ đãng, đầy những tìm kiếm lợi lộc cho riêng mình, đầy những bất trung và hàng nghìn những cái bất toàn khác. Rồi sao? Có người cha nào khi bồng đứa trẻ sơ sinh trên tay, đứa bé bắt đầu bập bẹ và tươi cười, đặt nó ngay ngắn lại rồi ông nói với nó : “Khi nào con biết nói thì hãy nói chuyện với cha?”. Tất nhiên là không! Trái lại, ông sẽ cảm động và ngạc nhiên trước những lời nói bập bẹ đầu tiên này. Điều đó thật giá trị đối với những bậc cha mẹ trên trần gian, thậm chí còn giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa của chúng ta.
Bẫy số 3: “Bạn sẽ cầu nguyện khi có thời gian”
Nếu chúng ta đợi đến khi có thời giờ để cầu nguyện, chắc chắn một điều chúng ta sẽ không bao giờ cầu nguyện, bởi vì chúng ta sẽ có muôn nghìn việc rất khẩn thiết để làm. Nếu hôm nay chúng ta có ý cầu nguyện, nhưng không biết thiết đặt thời gian cụ thể, nguy cơ chúng ta sẽ đi ngủ vào buổi tối mà không tìm thấy dù chỉ một phút để tự mình xắp xếp.
Người cầu nguyện thường xuyên không nhất thiết là người có nhiều thời giờ rảnh rỗi, mà là người quyết định dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Đó là một chọn lựa. Vậy ưu tiên của chúng ta là gì? Chúng ta muốn đặt việc cầu nguyện làm trung tâm của đời sống không hay chúng ta coi đó như là điều xa xỉ, không bắt buộc? Nếu đó là điều cần thiết thì nó phải được xếp vào hàng đầu tiên trong lịch trình hằng ngày của chúng ta.
Bẫy số 4: “Công việc của tôi đã là cầu nguyện”
Ma quỷ thì thầm vào tai chúng ta: “Nếu bạn làm việc hết lòng, dâng công việc của bạn cho Chúa, vì vậy bạn sẽ được miễn cầu nguyện”. Thực may mắn cầu nguyện không phải là cách duy nhất để đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, để được ở gần và phục vụ Chúa. Nếu không chúng ta sẽ chỉ dành một phần nhỏ trong ngày của chúng ta cho Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cầu nguyện thật lòng, không biết dừng lại trong ngày, chúng ta sẽ khó mà cầu nguyện trong mọi lúc. Chúng ta có thể thành công cầu nguyện trong khi làm việc, nếu từng ngày chúng ta biết học cách cầu nguyện ngay cả khi không làm gì cả.
2023
Một thoáng Thần học trong mục vụ
Một thoáng Thần học trong mục vụ
Trong Giáo hội có hai khoa chính: Khoa Thần học Tín lý, gồm những điều phải tin và khoa Thần học Mục vụ gồm những việc phải làm. Gọi tắt là khoa Tín lý và khoa Mục vụ. Mục vụ và thần học luôn gắn bó với nhau trở thành một thể thống nhất. Công đồng Vatican II là Công đồng mục vụ. Nhưng trong các văn kiện của Công đồng, có hai Hiến chế về Tín lý: Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum); Giáo hội (Lumen Gentium) và về mục vụ, có: Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay; Hiến chế về Phụng Vụ thánh. Còn lại là 19 sắc lệnh, ba tuyên ngôn và hai thư. Sau đây, tôi xin chia sẻ về Một thoáng thần học mục vụ.
Thần học là học về Thiên Chúa – những điều phải tin. Mục vụ là những việc phải làm – việc của mục tử chăm sóc Dân Chúa. Cụ thể là người đầy tớ, phục vụ con người toàn diện. Và toàn thể mọi người, cùng với môi trường tự nhiên, xã hội và sáng tạo.
Để đạt tới mục đích trên, Công đồng Vatican II đã đề ra:
Những nguyên tắc mục vụ
1. “Cả… Cả…”. Ví dụ: Cả hồn cả tinh thần cả xác; cả Đông cả Tây.
2. “Ân sủng và thực tại”. Cả ân sủng cả thực tại. Ví dụ: Đức tin là ân sủng và thực tại là khoa học.
3. Hiệp nhất trong dị biệt, trong đa dạng. Ví dụ: Hiệp nhất nhưng không đồng nhất, không hòa tan.
4. Thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ và bác ái trong hết mọi sự. Ví dụ. Điều chính có liên quan tới cốt lõi của Đạo, như Đức tin, luân lý và phong hóa; điều phụ: phong cách thể hiện, tùy thuộc cách diễn tả trong các nền văn hóa; và trong mọi trường hợp, bao giờ cũng phải lấy đức yêu thương trong sự thật làm trọng.
Đào luyện thần học mục vụ (theo văn kiện Công đồng Vatican II)
Về Thần học
1. Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, cho thấy Thánh Kinh, có thể nói là linh hồn của thần học. Thánh Kinh và Thánh Truyền làm nên một nền tảng Đức tin duy nhất.
2. Hiến chế Tín lý về Giáo hội. “Ánh sáng muôn dân” chỉ dẫn về chỗ đứng của Giáo hội trong thế giới. Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, mục đích đặc trưng và cơ bản nhất của các giáo huấn của Công đồng là lời kêu gọi nên thánh toàn cầu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “khía cạnh vốn có và thiết yếu của lời dạy về Giáo hội”, là nơi “mọi Kitô hữu bất kể cấp bậc địa vị đều được kêu gọi đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn hảo của lòng bác ái”. Trong Tông thư Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: sẽ lấy Ánh sáng muôn dân làm cơ sở thảo luận để toàn thể Dân Chúa truyền đạo, tiếp cận truyền giáo, việc hòa nhập người nghèo vào xã hội, và hòa bình với đối thoại trong xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bắt đầu lãnh đạo một cách tập thể hơn theo lời gọi của Công đồng, thông qua các Hội đồng Giám mục và một Hội đồng cố vấn toàn cầu gồm một số hồng y.
Về Mục vụ, Công đồng đã đưa ra các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn, gồm:
1. Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay – “Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng” – xác định Giáo hội là “dân hành hương của Chúa” và là “sự hiệp thông” của Ánh sáng muôn dân, dựa trên lịch sử của Giáo hội và “các dấu chỉ thời đại”. Văn kiện giáo huấn mọi tín hữu được rửa tội có cùng nhiệm vụ Chúa Kitô giao cho Giáo hội: truyền đạo khắp thế giới một cách thức thời trong lúc hợp tác cùng Chúa Thánh Thần.
2. Hiến chế về Phụng vụ thánh – Sacrosanctum Concilium. Văn kiện đầu tiên được Công đồng thông qua về phụng vụ của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích rằng một ý tưởng cơ bản của Công đồng là “đặt sự thần bí của Phục Sinh làm trung tâm của thân phận Kitô hữu, đời sống Kitô hữu, năm Kitô giáo, mùa Kitô giáo, tỏ ra trong lễ Phục sinh và Chúa nhật, luôn luôn là ngày Phục Sinh”. Vì thế phụng vụ, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, “vừa là đỉnh cao Giáo hội nhắm tới, vừa là nguồn gốc tất cả quyền lực của Giáo hội”.
3. Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội – Inter Mirifica. Sắc lệnh đề cập “Về tính quan trọng của phương tiện truyền thông” với sự tiến bộ của loài người và những đóng góp tín hữu Công giáo có thể làm.
4. Sắc lệnh về Hợp nhất – Unitatis Redintegratio. Sắc lệnh quan tâm đến việc “Tái lập sự hợp nhất”: Mọi bên, đều có lỗi trong tranh chấp gây nên ly giáo và tìm cách đối thoại hợp nhất “những anh em đã chia lìa”.
5. Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông phương khen ngợi “Các Giáo hội Đông Phương”, về phụng vụ và thần học, tuy ở xa nhưng vẫn hiệp thông với Rôma.
6. Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội – “Ad Gentes – Đến với muôn dân”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo bên ngoài Giáo hội, nhất là qua việc hình thành các cộng đoàn ở giáo hội địa phương.
7. Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân – “Apostolicam Actuositatem – Hoạt động tông đồ”, khuyến khích giáo dân sống đạo và loan truyền Phúc Âm trong gia đình, nơi sở làm, và hoạt động xã hội.
8. Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục – “Christus dominus – Chúa Kitô”, xác định thẩm quyền và nhiệm vụ của các giám mục trong giáo phận, trong cuộc họp cấp miền, và trong giáo hội nói chung.
9. Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục. “Presbyterorum Ordinis – Chức vụ Linh mục”, làm sáng tỏ nhiệm vụ của linh mục và sự tương giao giữa linh mục với giám mục và giáo dân.
10. Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục. “Optatam Totius – Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục”, kêu gọi huấn luyện các linh mục một cách nghiêm chỉnh, kể cả việc chú trọng đến các tiêu chuẩn cao, trong việc học, đời sống tâm linh và huấn luyện mục vụ.
11. Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu. “Perfectae Caritatis – Đức ái hoàn hảo”, kêu gọi canh tân cơ cấu tổ chức và quy luật, nhưng coi yếu tố then chốt để canh tân là thể hiện các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
12.Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo. “Dignitatis Humanae – Phẩm giá con người”, xác định phẩm giá căn bản của con người đòi hỏi quyền tự do về vấn đề tôn giáo. Mọi người phải được tự do thờ phượng theo lương tâm.
13. Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. “Nostra Aetate – Thời đại chúng ta”, kêu gọi cởi mở và cộng tác với các tôn giáo lớn trên thế giới.
14. Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo. “Gravissimum Educationis – Vai trò rất quan trọng của giáo dục”, xác nhận sự quan trọng của việc giáo dục Kitô hữu ở nhà, ở trường, và ở nhà thờ và kêu gọi cập nhật phương pháp giáo dục cho phù hợp các ngành khoa học xã hội.
15. Hai sứ điệp gởi thế giới: Nhân dịp khai mạc: Nhấn mạnh tới công bằng và hòa bình. Và nhân dịp bế mạc: Công đồng gởi bảy thư tới các thành phần đặc biệt Dân Chúa và nhà cầm quyền.
Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)