2023
Bánh ban sự sống đời đời
26.4
Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mùa Phục Sinh
Cv 8:1-8; Tv 66:1-3,4-5,6-7; Ga 6:35-40
Bánh ban sự sống đời đời
Chúa Giêsu quả quyết lợi ích của Phép Thánh thể như sau: “Ta là bánh sự sống… Ai đến với Ta sẽ không hề đói và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (c. 35). “Và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (c. 39).
Chúa giải thích ý nghĩa của việc được Chúa Cha nuôi dưỡng, việc chúng ta có được sự sống của Người. Thiên Chúa đã cam kết đến với chúng ta và cho chúng ta dấu chỉ của lời cam kết đó, ấy là Chúa Giêsu, hầu dẫn đưa chúng ta đến phục sinh: ai nhìn thấy Con và tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời, và Tôi sẽ phục sinh người ấy vào ngày sau hết.
Tóm lại, ai chấp nhận liên hệ với bản thân Chúa Kitô đều hưởng được sự sống, đều chịu tác động của sức mạnh cứu độ, đều mở rộng cuộc sống nhân loại của mình vào trong một tương lai bất tận cho đến khi được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Bài Phúc âm hôm nay tỏ lộ rằng sự tiếp xúc với Chúa Giêsu Kitô là một sức mạnh phục sinh; điều này phải khiến chúng ta dâng lên Thiên Chúa lòng cảm tạ của mình. Chúng ta cần nhận biết rằng Chúa Giêsu là ân huệ tuyệt vời mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta hầu tái tạo sự hiệp nhất của bản thân chúng ta và của toàn thể nhân loại, hầu xóa tan cái chết và thể hiện sự phục sinh.
Việc tạ ơn cũng có thể đượm nét chiêm ngưỡng khi ta ý thức về lòng trung tín, về đức vâng phục và tinh thần sẵn sàng của Chúa Giêsu Kitô đối với Cha mình. Đấng đã sai Ngài đến thực hiện chương trình ban sự sống đời đời cho nhân loại.
Chúng ta đã từng biết phép Thánh Thể mang lại những kết quả gì. Việc rước Chúa không tha trọng tội nhưng gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng. Thánh Công Đồng Trentô gọi việc rước Chúa là “một liều thuốc gìn giữ chúng ta khỏi sa ngã phạm tội trọng” (13,12). Kinh Thánh gọi Chúa là “Bánh bởi Trời ban xuống để ai ăn không hề chết” (Gio 6,50). Đó là Mình Thánh Chúa gìn giữ linh hồn khỏi sa ngã phạm tội.
Mình Thánh Chúa còn được gọi là bánh các thiên thần nghĩa là việc rước lễ làm cho chúng ta nên tinh tuyền trong trắng như các thiên thần. Thánh Chysostôm nói: “các tín hữu khi ra khỏi bàn tiệc thánh giống như những sư tử dũng mãnh làm ma quỉ khiếp sợ ít dám tấn công họ. Cho nên việc rước Chúa làm suy giảm những dục vọng lăng loàn quấy phá. Hơn nữa, việc rước Chúa gia tăng đời sống ơn thánh (Ds 16,38). Cũng như mục đích của ăn, của uống là nuôi sống, thì việc rước Chúa là của ăn của linh hồn, là thứ của ăn đưa họ từ trần gian về vĩnh cửu. Việc rước Chúa còn bảo đảm chắc chắn được tha tội nhẹ và các hình phạt tạm thời hằng ngày chúng ta mắc phải. Hiệu quả này được Đức Piô X (Ds 3375/1981) và công đồng Trentô xác nhận (Ds 1638). Việc rước lễ còn kết hợp chúng ta với chính Chúa Kitô và với anh em (1C 10,16). Sau nữa việc rước Mình Chúa chuẩn bị cho thân xác một cuộc Phục sinh vinh hiển. Điều này được đức Kitô bảo đảm “và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (c.40).
Phép Thánh thể, sự phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu có tương quan với nhau. Xưa kia, tại vườn địa đàng, con người nhờ đặc ân mà có đời sống bất tử, bất tử ngay cả đối với thân xác, nhưng vì tội lỗi xâm nhập nên mất đặc ân đó và phải chết đời đời nữa. Nhưng Chúa Kitô đã tái lập lại ơn lộc ban đầu một cách dần dần, tịnh tiến, nghĩa là bây giờ nhờ rước lễ, chúng ta có đời sống ơn sủng, sau khi chết chúng ta được hạnh phúc trường cửu và ngày tận thế xác chúng ta sẽ được vĩnh cửu nước trời.
Một thánh phụ nói: “Khi rước lễ, Chúa Kitô đặt trong chúng ta mầm sống và vinh hiển. Đó là tàn lửa âm ỷ dưới lớp tro mà một ngày kia sẽ hủy diệt tất cả những gì là ô uế bởi tội lỗi. Nó chỉ còn chờ kèn chung thẩm để trong chớp nhoáng biến thân xác ta nên giống như thân xác vinh hiển của Chúa Kitô” (Irenê). Thánh Bernard nói: “Chúa Kitô chiến thắng sự chết nơi chúng ta, thân xác bất tử của Người biến chúng ta thành bất tử, tựa hồ mầm sống ở trong hạt giống làm cho hạt giống mọc lên, tựa hồ sức nóng ở trong nước làm cho nước sôi lên, tựa hồ như lửa rơi vào đống rơm làm bùng lên…” Thánh Ignatiô Ant. gọi rước lễ là “liều thuốc trừơng sinh”.
Ở đời này, ai ai cũng muốn cho mình có công danh gì với núi sông. “Không công danh thời nát với cỏ cây”. Ai cũng muốn tên tuổi mình được tồn tại nơi hậu thế. Có những vị vua xưa đã từng bắt chư dân đi tìm một loại thảo tiên để được sống mãi. Nhưng rồi cũng chết và chết sớm nữa. Chúng ta hôm nay muốn được sống vĩnh cửu trong hạnh phúc, khỏi cần đi đâu xa, hãy đến với phép Thánh Thể mỗi ngày. “Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết” (c.40).
Sống đức tin có nghĩa là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Đó là đức tin mà Giáo Hội mời gọi chúng ta củng cố khi cho chúng ta lắng nghe đoạn Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính Ta là Bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Duy chỉ mình Ngài mới cho chúng ta sự sống đích thực.
Những người Do Thái đã thấy Chúa Giêsu nhưng họ không tin, thật ra họ đã không thấy gì. Cái nhìn của họ dừng lại nơi những cái chóng qua, họ tìm kiếm Chúa không phải vì đã tin nhận Ngài, mà chỉ vì chờ đợi đượcNgài cho ăn no nê bằng của ăn hư nát. Muốn được thấy Chúa Giêsu, muốn tin nhận Ngài, trước tiên con người cần ra khỏi cái vỏ ích kỷ tham lam của mình. Có sẵn sàng ra khỏi thế giới hẹp hòi của mình, con người mới có thể thấy được Đức Kitô và đi vào thế giới của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Quả thật, chỉ những tâm hồn trong sạch, nghĩa là biết quên đi cái thế giới ích kỷ, phàm trần mới nhìn thấy Thiên Chúa.
Ước gì chúng ta luôn sông kết hiệp với Ngài và nhận ra Ngài trong mọi biến cố cuộc sống, và khi cuộc lữ hành trần gian chấm dứt Ngài thế nào, chúng ta sẽ được thấy như vậy.
2023
Thứ tư sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Thứ tư sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Ca nhập lễ
Miệng tôi đầy lời ca ngợi Chúa, để tôi có thể ca hát: môi tôi sẽ hoan hỷ khi tôi ca mừng Chúa – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin trợ giúp chúng con là con cái trong gia đình, Chúa đã thương ban niềm vui cho chúng con, thì xin cho chúng con cũng được chia sẻ đời sống mới cùng với Ðức Kitô phục sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 8, 1-8
“Ðến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.
Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa.
Xướng: Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!
Xướng: Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 35-40
“Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ, và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi người tín hữu. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa đã phục sinh, và đã chiếu soi, chúng ta là những kẻ Người đã dùng máu mình mà cứu chuộc – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng, nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn mà nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…
2023
Bánh Trường Sinh
25.4
Thánh Máccô, Thánh Sử
Cv 7:518; Tv 31:3-4,6-7,8,17,21; Ga 6:30-35
Bánh Trường Sinh
Thánh Marcô có thể thuộc dòng tộc Arong, sinh tại Galilê. Là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Trong công cuộc truyền giáo, ngài là đệ tử trung kiên của thánh Phêrô. Chính nhờ sự giúp đỡ và lời yêu cầu nguyện của vị thủ lãnh các tông đồ mà thánh nhân đã viết cuốn Tin Mừng thứ hai, gọi là Tin Mừng theo thánh Marcô.
Tin Mừng của ngài vắn gọn. Lời văn không chải chuốt như thánh Matthêo hoặc Luca, nhưng rất chân thành và thực tế. Ngài không giấu diếm sự chậm hiểu, kém tin của các tông đồ: “Các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội” (Mc 5, 52 ); ngài cũng chẳng che đậy tham vọng của các ông: “Khi di đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ” (Mc 9. 34 ).
Theo nhiều nguồn tài liệu, mẹ ngài là bà Maria, một bà góa giàu có ở Giêrusalem, có nhà rộng rãi, có thể làm nơi hội họp của các tín hữu được và thánh Phêrô cũng thường trú ngụ ở nơi này.
Thánh nhân theo người bà con là Barnabê và tông đồ Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Nhưng khi đến Pergê thì ngài trở về Giêrusalem, có lẽ vì lý do sức khỏe. Sau đó, ngài đã tháp tùng theo thánh Phêrô giảng đạo ở Rôma. Ngài đã chứng kiến “khoảng ba ngàn người theo đạo ” nhờ bài giảng của thánh Phêrô; ngài thấy tận mắt thánh Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ” tại cửa Đền thờ; ngài cũng bị “các tư tế viên lãnh binh Đền thờ và các người thuộc nhóm Sađôc” bắt giam…
Chính thánh Phêrô đã trao cho ngài sứ mạng phúc âm hoá Alexandia. Ngài đã thành lập giáo đoàn này, và hướng đẫn mọi người sống hoàn thiện đạo đức không kém giáo đoàn Giêrusalem. Toàn thể giáo đoàn đều hiệp nhất trong một niềm tin, cậy, mến, chuyên cần phụng sự Chúa và phục vụ nhau.
Chính vì thế mà ma quỷ ganh tị. Chúng xúi dục những người ngoại giáo quá khích chống đối bách hại thánh nhân. Họ bắt ngài; cột cổ kéo lôi trên sỏi đá làm cho da thịt ngài bị xé rách nát ra. Máu chảy đầm đìa. Rồi đem bỏ vào ngục. Sáng hôm sau, họ lại dắt ngài ra và hành hạ y như hôm trước. Đau đớn quá, ngài kiệt sức dần và tắt thở..
“Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực”. Đó là câu trả lời của Đức Giê-su, khi dân chúng đang nhớ đến và hỏi Ngài về man-na, một thứ lương thực nuôi thân xác mà cha ông họ đã được Thiên Chúa ban.
Trước những dấu lạ mà Đức Giê-su đã làm trong dân chúng, có hai thái độ đón nhận: một số thì tin theo với niềm xác tín “Ông này là Đấng Mê-si-a”, nhưng còn số đông còn lại thì dè chừng, họ luôn đòi một dấu chỉ rõ ràng, khả giác để thuyết phục lý trí và tâm hồn họ. Họ chính là những người chúng ta bắt gặp trong bài tin mừng hôm nay.
Trước những lời giảng báo bạo của Đức Giê-su, kèm với phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã lũ luọt đi theo Ngài. Họ theo ngài vì tính hiếu kỳ, về phép lạ điềm thiêng mà Ngài đã làm trước mắt họ. Thế nhưng, nhiêu đó vẫn chưa đủ với họ, họ đòi hỏi ở Đức Giê-su một điều gì đó cụ thể hơn nữa, để họ có thể minh nhiên xác tín Đức Giê-su chính là Đấng phải đến thế gian.
Với phép lạ hóa bánh ra nhiều, họ nhớ tới thứ bánh man-na ngày xưa cha ông họ đã được hưởng dùng mà không phải vất vả làm ra. Họ cũng khát khao được thứ bánh như thế, điều này Đức Giê-su đã nói vơi họ “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (c. 26). Họ muốn Đức Giê-su cũng làm cho họ như Thiên Chúa đã làm cho cha ông họ, nói theo rõ hơn, họ tìm đến với Đức Giê-su là vì “cái bụng đói” chứ không hoàn toàn vì Ngài là Đấng Mê-si-a. Chúng ta ngày nay cũng vậy, ta hay đến với Chúa để xin Ngài thỏa mãn cho ta những nhu cầu vật chất, nhưng lại quên mất ân sủng mà Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người.
Chính thái độ này của dân chúng, Đức Giê-su lại lần nữa phải xác quyết với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Ông Mô-sê chỉ là thừa lệnh của Thiên Chúa, là lợi khí mà Thiên Chúa đã dùng để nói và làm cho dân chúng. Chính Thiên Chúa mới là ân sủng thật, mới là bánh thật cho con người. Man-na chỉ là một cách cụ thể để diễn tả ân sủng thâm sâu qua nó, chứ bản thân man-na không phải là ân sủng, nó chỉ là vật chất mà ân sủng, tình yêu của Thiên Chúa mang lại. Quả vậy, những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Bánh hóa nhiều, chỉ là cách mà qua đó Đức Giê-su muốn nói về một thứ thần lương khác chính là “Bánh sự sông”, chính là thân thể của chính Ngài. “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.
Dân chúng chỉ có thể đón nhận thần lương ấy khi và chỉ khi bản thân họ có một niềm xác tín, phép lạ chẳng thể xáy ra, nếu người “đói khát” ấy không có một lòng tin mạnh mẽ vào thiên chúa. Ngày nay chúng ta cũng vậy, thường hay để ý đến những sự kiện, những dấu chỉ là thường mà ân sủng Chúa mang lại như được khỏi bệnh, được tai qua nạn khỏi các tỏ tường mà ít khi nhớ đến chiều kích thánh thiêng bên trong ngang qua những dấu chỉ lạ thường ấy. Thay vì ta tín thác hơn nơi Chúa, qua các dấu lạ từ anh chị em được Thiên Chúa ban, thì chính ta lại bị mê hoặc bởi những dấu chỉ bề ngoài ấy và tôn sùng “người” được Thiên Chúa sử dụng để thông ban ân sủng.
Mỗi khi ăn, ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn, bởi linh hồn ta cần được nuôi dưỡng bằng thần lương như thế, chứ không phải là thứ thực phẩm như thể xác. Đức Giêsu đã khẳng định với chúng ta: “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”. Chúng ta hãy tin như vậy, vì chỉ khi tin sự nhiệm mầu mới nên hữu ích cho chính mình.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều.
Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người.
Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban.
Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.
2023
“Bánh ăn hằng ngày”: sự vật hay dấu lạ?
24.4 Thứ Hai trong tuần thứ Ba Mùa Phục Sinh
Cv 6:8-15; Tv 119:23-24,26-27,29-30; Ga 6:22-29
“Bánh ăn hằng ngày”: sự vật hay dấu lạ?
Sau kinh nghiệm được ăn bánh thỏa thuê, đám đông vất vả ngược xuôi đi tìm Đức Giê-su. Họ đi tìm Người, đó có vẻ là một chuyển động của hành trình đức tin. Khi gặp được Đức Giêsu, họ hỏi Người như là để bắt chuyện: “Thưa thầy, thầy đến đây bao giờ vậy?” (c. 25) Nhưng thay vì khen ngợi và tiếp tục đáp ứng nhu cầu “ăn uống” của họ, Đức Giêsu đã nói cho họ rõ chuyển động sâu kín của con tim; chuyển động mà chính họ có thể không ý thức:
Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”! (c. 26)
Danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, nhất là sau cuộc hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Tuy nhiên, vì tình thương, nên Ngài đã làm phép lạ này chứ không phải vì muốn nổi danh! Nhưng đối với người Dothái, họ có lối suy nghĩ khác! Thay vì họ tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài, thì ngược lại, họ chỉ nghĩ đến cái bụng và khao khát được thỏa cơm đói. Vì thế, dân chúng nghĩ rằng: có Đức Giêsu hiện diện ở giữa họ thì có lẽ sẽ không phải đói khát và có khi chẳng cần làm lụng vất vả cũng có ăn! Thế nên, họ tìm cách để tôn vinh Ngài lên làm vua. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lánh đi để sang bờ bên kia trước họ.
Vì biết được lộ trình của Đức Giêsu, nên họ đã tìm mọi cách để gặp Đức Giêsu. Khi gặp Ngài, họ cất tiếng hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”, Đức Giêsu thừa biết mục đích của họ, vì thế Ngài nói ngay: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26 ). Khi nói như thế, Đức Giêsu mời gọi họ hướng tới một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn, đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh (x. Ga 6, 27 ).
Chúng ta cũng hãy để cho câu nói này của Đức Giê-su chất vấn con tim chúng ta, chất vấn chốn thẳm sâu nhất trong nội tâm chúng ta: chúng ta tin Chúa, tìm Chúa và theo Chúa vì điều gì? Phải chăng là để được “ăn bánh no nê”? Và “ăn bánh no nê” đối với chúng ta đã là gì và hiện nay đang là gì? Ngài biết rõ hướng đi sâu kín của cõi lòng chúng ta. Nhưng điều làm cho chúng ta yên tâm, đó là, dù biết rõ như thế, Ngài vẫn tiếp tục đối thoại, mời gọi, thậm chí mặc khải những điều sâu kín nhất nơi ngôi vị của Ngài. Chúng ta nên nhớ rằng, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi và có kẻ sẽ nộp Ngài; và Đức Giê-su biết như thế ngay từ đầu (c. 64). Biết là việc của trí năng, nhưng con tim của Ngài vẫn cứ muốn đặt trọn lòng tin nơi con người, dù người đó là ai. Bởi vì Ngài đến để cho con người được sống, và sống dồi dào, và bởi vì Thiên Chúa yêu mến Ngài như thế nào, Ngài cũng yêu mến con người như thế.
Vì thế, ngay trong lời trách đám đông, Đức Giê-su cũng đã chỉ ra con đường mà chúng ta phải đi: đón nhận lương thực hằng ngày, sự sống hàng ngày không như một “sự vật” để thỏa mãn nhu cầu và nhất là lòng ham muốn, nhưng như “dấu lạ”, dấu lạ Thiên Chúa ban để hướng chúng ta đến những gì cao quí, đến với “lương thực trường tồn”, đến với chính Chúa. Thực vậy, Ngài mời gọi:
Các ông hãy ra công làm việc
không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực trường tồn
đem lại phúc trường sinh,
là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông. (c. 27)
Khao khát hạnh phúc đích thực, nhưng lại chạy theo ảo ảnh; muốn sống sung mãn, nhưng lại chạy theo những phù phiếm chóng qua, có thể đó là bài học muốn ngỏ với chúng ta.
Tin mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thoả thích là hình ảnh của một nhân loại đang lạc hướng. Đám đông những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là những người đã từng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, thế nhưng họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì đã tin nhận Ngài hoặc để lắng nghe giáo huấn của Ngài, mà chỉ mong được Ngài cho ăn uống no thoả.
Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.
Mùa Phục Sinh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta ý thức về sự sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn người tín hữu. Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình anh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không cha đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Ngày nay, trong đời sống đạo, nhiều người vẫn còn thói quen tin Chúa như những người Dothái. Tức là tin Chúa khi vui, lúc thành công, nhất là tin khi được lợi. Vì thế, chúng ta vẫn thấy có chuyện như: thích thì đi lễ, đi chầu, đọc kinh… không thích thì thôi!
Trong tâm tình cầu nguyện, mấy ai nghĩ đến chuyện chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những điều kỳ diệu cũng như ơn lành Ngài đã làm cho! Hoặc liệu có ai xin Chúa cho được đạo đức, thánh thiện, sám hối, khiêm nhường, nhất là yêu mến Lời Chúa … Nhưng mỗi khi đến nhà thờ là lâm râm xin cho được cái này, được cái kia, nhất là xin cho được ăn ra làm nên… Mỗi khi như thế, chúng ta cũng không hơn gì người Dothái muốn tôn Chúa làm vua và đi tìm Ngài chỉ vì cái bụng chứ không phải vì lòng mến!