2023
Thứ sáu sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Thứ sáu sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Ca nhập lễ
Con chiên đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, khôn ngoan, sức mạnh và danh dự – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con đã được phúc đón nhận Tin Mừng Ðức Kitô sống lại; xin Chúa ban Thánh Thần tình yêu dẫn chúng con bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 9, 1-20
“Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Ðang khi đi đường lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”. Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần”. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người.
Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.
Alleluia: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! – Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 53-60
“Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?”
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.
Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thánh hoá và chấp nhận của lễ này là biểu hiệu lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!.
Ca hiệp lễ
Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá đã phục sinh, và đã cứu chuộc chúng ta – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…
2023
Tin Vào Lời Chúa
27.4 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mùa Phục Sinh
Cv 8:26-40; Tv 66:8-9,16-17,20; Ga 6:44-51
Tin Vào Lời Chúa
Rất nhiều khi chúng ta cũng có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta thường quan niệm theo mẫu mực và lối suy tưởng riêng của chúng ta, do đó Thiên Chúa mà chúng ta muốn chối bỏ không phải là Thiên Chúa thật: chúng ta chối bỏ vị Thiên Chúa theo quan niệm của chúng ta chứ không phải vị Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta, và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã quả quyết: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”. Chúa Giêsu là mạc khải hữu hình của Thiên Chúa vô hình, và Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà chúng ta thường quan niệm hoặc tự vẽ ra cho chính mình.
Phần tiếp theo trong diễn từ của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống khiến chúng ta xem xét một chiều kích trong hành động của Chúa Cứu Thế. Hãy tóm lược những giai đoạn khác nhau của diễn từ này và sự tiến triển vào chiều sâu trong diễn từ đó.
Giai đoạn đầu tiên là hóa bánh ra nhiều, một phép lạ để cho đám đông ăn và khiến họ đi tìm người làm phép lạ đó. Sau đó, Chúa Giêsu ra nơi thanh vắng, Ngài rút lui lúc đêm về và gặp lại các môn đệ ngày hôm sau ở bờ bên kia. Thực ra, có nhiều hơn là một cái hồ giữa phần này với phần còn lại của diễn từ Chúa Giêsu, có một khoảng cách về chiều sâu và ý nghĩa. Sự thay đổi được gợi lên qua việc thay bờ được thục hiện trước hết trong sự thay đổi về ý nghĩa.
Chúa Giêsu đồng hóa bánh mới với bản thân Ngài : ai thiết lập quan hệ với Ngài thì sẽ được sống. Sau đó, Chúa Giêsu bày tỏ mục đích của quan hệ đó: cho phép con người sống trong sự phục sinh. Hôm nay, Ngài nói với chúng ta cách thức mà con người của Ngài trở thành nguồn mạch phục sinh: Ngài ban máu thịt mình.
Cho đến khi Ngài phán: Này là Mình Thầy phó nộp vì anh em, trong buổi tiệc ly, và kể từ ngày Ngàị khẳng định: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống, có một động lực sống trong Chúa Kitô. Đó là tính chất ân huệ của toàn bộ hoạt động của Ngài, của tất cả những gì liên quan đến xác thịt Ngài, qua những mệt mỏi, những chống đối, những đêm canh thức, những chuyến đi, cho đến chết.
Chúa Kitô là một con người sống cho tha nhân, không phải chỉ trong lý tưởng hay trong suy nghĩ mà thôi: Ngài đã sống sự trao ban này trong thân xác Ngài. Như thế, hơn ai hết. Ngài có thể kết hợp sự sống với những biểu hiện của thân xác và khẳng định rằng trao ban mạng sống là trao ban máu thịt mình.
“Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời” (c.51).
Tất cả chúng ta đều đang sống. Nhưng chúng ta hiểu rất lờ mờ về sự sống. Sự sống đến với chúng ta lúc nào… Không ai biết được, nhưng nếu có nó thì chứng tỏ phải có một nguồn. Cũng như bất cứ cái gì có ở đời này đều có một nguồn gốc, một người làm ra. Vậy sự sống bởi đâu ? Kinh Thánh trả lời bởi Thiên Chúa.
Thiên Chúa tự mạc khải “Ta là sự sống” (Ga 11,25). Trong Cựu ước đã nói đến việc Thiên Chúa tạo nên sự sống của thực vật, động vật và con người (Stk 1,10-30). Điều này chứng minh Thiên Chúa hằng sống. Không ai cho cái gì không có. Thiên Chúa là sự sống nên Ngài mới trao ban cho chúng ta được. Sách Quan án gọi “Giavê là Đấng sống” (1Sa 14,39. 2Sm 12,5). Chính Thiên Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa hằng sống” (Ds 14,21. Đnl 32,40). Dân Israel thường thề bởi chữ “Thiên Chúa hằng sống” (2Sm 12,5). Thiên Chúa là nguồn sự sống (Tv 36).
Trong Tân ước, Chúa Giêsu quả quyết “Ta là sự sống và là sự sống lại” (Ga 51,25), “Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống” (Mt 22,32), “Ngài là Đấng bất tử (1Tm 1,17). Chính Chúa Giêsu đã làm 4 phép lạ cho kẻ chết sống lại (Lc 8.49.7,11; Ga 11,1).
Những dữ kiện đó đủ làm bằng chứng nền tảng cho câu Chúa phán hôm nay: “Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống” (c.51). Và Chúa quả quyết “Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời” (c.51). Giuda là người đầu tiên nghe câu đó lấy làm chói tai và bỏ đi, ra đi trong hư mất đời đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc thấy lời mạc khải của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo Hội đã trải qua bao thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin vào Lời Chúa và hàng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.
Lời Chúa như sương sa, đã rơi xuống thì không trở lên trời nữa, nhưng phát sinh hoa trái. Lời Chúa là lời sinh hiệu quả, không phải do trí tưởng tượng, mà do đức tin. Muốn gặp Thiên Chúa, con người phải đến với Chúa Giêsu như chính lời Chúa Giêsu đã nói: Không ai đã thấy Chúa Cha, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha
Ước gì chúng ta cũng biết lắng nghe và đón nhận lời Chúa, để chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa chân thật, Đấng hằng yêu thương và muốn cho chúng ta được ơn cứu độ
2023
Thứ năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Thứ năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Ca nhập lễ
Chúng ta hãy chúc tụng Chúa, vì Người đáng chúc tụng ngợi khen. Chúa là sức mạnh và là khúc ca của tôi, chính Người đã cho tôi được ơn cứu độ – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong mùa Vượt Qua này, Chúa đã biểu dương lòng nhân hậu vô biên là giải thoát chúng con khỏi bóng đêm lầm lạc; xin cho chúng con được tận hưởng ơn cứu độ Chúa ban và ngày càng gắn bó với lời chân lý của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40
“Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: “Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ”. Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: “Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia”. Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: “Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?” Nhà quan trả lời: “Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi”. Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: “Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian”. Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: “Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?” Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: “Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?” Philipphê nói: “Nếu ông tin hết lòng thì được”. Nhà quan đáp lại: “Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”. Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 65, 8-9. 16-17. 20
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té.
Xướng: Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài.
Xướng: Chúc tụng Chúa là Ðấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.
Alleluia: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
(Hoặc: Alleluia, alleluia! – Chúa nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” – – Alleluia.)
PHÚC ÂM: Ga 6, 44-51
“Ta là bánh từ trời xuống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo”. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con tin Chúa sẽ thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi thật kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!.
Ca hiệp lễ
Chúa Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa, Chúa đã lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới, nhờ kết hợp với Ðức Kitô phục sinh, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
2023
Alleluia có nghĩa là gì?
Đặc trưng của mùa Phục sinh là các lời chúc tụng Alleluia vang lên trong các bài ca. Alleluia có nghĩa là gì? Tại sao trong mùa Chay, phụng vụ không cho phép hát Alleluia?
Alleluia là một thành ngữ gốc Do thái, ghép bởi hai từ “hallelu” (hãy ngợi khen, động từ hillel) và “jah” (Giavê, Thiên Chúa). Như vậy, alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Nên biết là bản dịch Kinh thánh sang tiếng Hy-lạp và tiếng La-tinh đã để nguyên văn Do thái chứ không dịch nghĩa ( aineite ton Kyrion; laudate Dominum) cũng tựa như đối với từ ngữ Amen. Cả hai tiếng “Amen” và “Alleluia” đều là công thức phụng vụ. Amen khẳng định niềm xác tín, chấp nhận lời Chúa; Alleluia mang tính cách tôn vinh chúc tụng.
Người Do thái hát Alleluia vào dịp nào?
Thật khó biết được công thức Alleluia được sử dụng từ hồi nào. Điều đáng ghi nhận hơn cả là Alleluia gặp thấy trong một số thánh vịnh, được đặt tên là những “thánh vịnh Hallel” (từ 113-118, theo lối đánh số của bản Do thái). Một nhận xét khác là nói chung alleluia thường được đặt ở đầu các thánh vịnh vừa nói, nhưng có khi ở cuối thánh vịnh (các tv 115; 117), có khi cả ở đầu cả ở cuối (thí dụ 113). Ngoài ra, alleluia cũng gặp thấy kể cả bên ngoài loạt các thánh vịnh Hallel (chẳng hạn các thánh vịnh 105-106; 111-112; 135- 136; và nhất là sáu thánh vịnh cuối cùng, từ 146 đến 150). Có lẽ người Do thái còn hát Alleluia vào các dịp khác nữa chứ không hẳn là lúc đọc thánh vịnh, như ta thấy nói đến ở sách Tôbia (13,18): “Các cửa thành vang tiếng ca hoan hỷ, mọi nhà sẽ cùng hát: ‘alleluia, chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Israel tôn thờ’!”.
Như vậy khi hát Alleluia, các Kitô hữu chỉ lặp lại một tập tục của người Do thái thôi hay sao?
Thiết tưởng cần phân biệt nhiều chặng: trước tiên, trong đời đức Giêsu; kế đến, trong Hội thánh tiên khởi; và chặng thứ ba trong phụng vụ. Trước hết, nếu xét trong cuộc đời của đức Giêsu thì chắc rằng Người đã hát alleluia nhiều lần khi tham dự phụng vụ với đồng bào của mình. Các sử gia đã lưu ý đặc biệt tới trình thuật thiết lập bí tích Thánh thể dựa theo Phúc âm nhất lãm, trong khung cảnh của một bữa tiệc Vượt qua, trong đó Phụng vụ Do thái hát các thánh vịnh Hallel đã nói trên đây (113-118 và 135).
Sang giai đoạn hai (nghĩa là Hội thánh tiên khởi), rất có thể các tín đồ gốc Do thái cũng hát các thánh vịnh Hallel vào lúc cử hành Thánh thể, vì muốn lặp lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Dù sao, trong Tân ước, ta thấy lời chúc tụng Alleluia xuất hiện trong một bối cảnh khác, đó là bài ca khải hoàn trên thiên quốc được ghi lại trong sách Khải huyền chương
19. Lời Alleluia được vang lên 4 lần như điệp khúc (câu 1.3.4.6). Thật khó mà xác định được đây chỉ là một thị kiến của thánh Gioan, hay là phản ánh của một buổi cử hành phụng vụ Kitô giáo. Dù sao thì ngày nay, đoạn văn này trở thành thánh ca giờ kinh chiều Chúa nhật ngoài mùa Chay.
Từ hồi nào alleluia được đưa vào phụng vụ Kitô giáo?
Chúng ta không nên quan niệm phụng vụ Kitô giáo hoàn toàn bắt đầu từ con số không. Như đã nói trên, Chúa Giêsu và các tông đồ đã nhiều lần đọc các thánh vịnh dựa theo truyền thống Do thái, trong đó có nhiều thánh vịnh alleluia. Do đó, ta có thể suy ra là ngay từ đầu các lời chúc tụng alleluia đã đi vào phụng vụ Kitô giáo qua ngỏ các thánh vịnh. Điều này càng rõ hơn khi đọc tác phẩm các giáo phụ viết từ thế kỷ IV. Thánh Athanasiô, Basiliô, Grêgôriô Nyssa bắt đầu viết những khảo luận về ý nghĩa alleluia khi chú giải các thánh vịnh Hallel. Đến khi đời đan tu thịnh hành, người ta thấy nhiều khoản luật ấn định việc sử dụng alleluia trong các thánh vịnh, nghĩa là alleluia được thêm vào hết mọi thánh vịnh cho dù trong nguyên bản Do thái không có. Một thí dụ điển hình là luật thánh Biển đức dành hẳn một chương 15 để ấn định khi nào đọc alleluia: trong mùa Phục sinh, alleluia được thêm vào hết các thánh vịnh và đáp ca; ngoài mùa Phục sinh, thì thêm alleluia vào 6 thánh vịnh chót của giờ Kinh Đêm, và nếu là Chúa nhật thì thêm vào các thánh vịnh giờ kinh Sáng.
Alleluia được gắn liền với các thánh vịnh trong phụng vụ các giờ kinh. Còn trong Thánh lễ thì sao?
Dựa theo sự nghiên cứu của cha Martimort, từ thế kỷ IV, alleluia đã được hát trong thánh lễ ở nghi thức rước sách Phúc âm. Việc công bố Phúc âm tượng trưng Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn để giảng dạy. Vì thế mọi người đứng lên chăm chú lắng nghe. Do đó, việc rước sách Phúc âm được kèm theo nhiều nghi thức long trọng, với các giúp lễ cầm đèn, xông hương, đang khi cộng đoàn tung hô alleluia. Ra như phụng vụ muốn diễn tả lại nghi thức nhân dân thành phố Giêrusalem đón rước đức Giêsu vào thành, và nhất là đoàn rước trên thiên quốc được mô tả trong sách Khải huyền. Lời chúc tụng Alleluia được đệm thêm với những câu thánh vịnh hoặc những đoạn Kinh thánh, tạo nên một bài ca. Tập tục này còn được lưu giữ trong phụng vụ ngày nay, bên Tây phương cũng như bên Đông phương. Dần dần, ngoài lời chúc tụng trước khi đọc Phúc âm, alleluia cũng được thêm vào các bài ca nhập lễ, ca hiệp lễ nữa.
Nếu alleluia là lời chúc tụng Chúa, thì tại sao lại không được sử dụng trong mùa Chay? Đâu phải là mùa Chay thì miễn chúc tụng Chúa đâu?
Đúng vậy, ta phải chúc tụng Chúa luôn luôn, mọi nơi mọi lúc. Đó cũng là quan niệm của Phụng vụ bên các Giáo hội Đông phương: họ hát alleluia quanh năm. Nhưng bên Tây phương thì lại khác. Tại sao vậy? Các sử gia đưa ra giả thuyết như sau. Mặc dù trong nguyên ngữ Do thái “alleluia” chỉ có nghĩa là “hãy chúc tụng Chúa”, nhưng khi được chuyển sang văn hóa La-tinh thì nó mang một sắc thái khác, đó là nó biểu lộ sự vui mừng. Tại Rôma cho đến thế kỷ V, alleluia chỉ được hát vào lễ Phục sinh hoặc tối đa là cho đến hết mùa Phục sinh. Tập tục này cũng được áp dụng ở Bắc Phi, như ta thấy ở các bài giảng của thánh Augustinô. Mùa Chay là thời đền tội, và các tín hữu quỳ gối khi cầu nguyện; còn mùa Phục sinh là thời kỳ hoan hỉ, và các tín hữu đứng khi đọc kinh, miệng hát alleluia. Đang khi đó, các nơi khác bên Tây phương không biết đến tập tục đó, và họ hát alleluia quanh năm cũng y như bên Đông phương. Nhưng khoảng cuối thế kỷ VIII, tập tục Rôma thắng thế, alleluia được dành cho mùa Phục sinh, và tuyệt đối cấm hát trong mùa chay. Và phụng vụ Rôma trước đây có nghi thức tiễn biệt và đón rước Alleluia. Trước khi ngưng hát alleluia (kể từ Chúa nhật 70) ca đoàn hát một điệp ca đệm nhiều lời alleluia. Và đêm Vọng Phục sinh, thì phó tế lên giảng đài trịnh trọng xướng ba lần ca khúc alleluia loan báo cho toàn dân tin mừng Alleluia: “Adnuntio vobis, reverendissime Pater, gaudium magnum quod est Alleluia”. Cũng vì Alleluia tượng trưng cho niềm vui, cho nên trước đây, người ta không hát trong lễ an táng hoặc cầu cho người chết.
Trên thực tế, ngày nay phụng vụ chỉ hát alleluia trong mùa phục sinh mà thôi hay sao?
Không phải thế. Trong Thánh lễ, alleluia được xướng lên như bài ca chúc tụng trước khi đọc Phúc âm suốt năm, chỉ trừ mùa Chay. Trong mùa Phục sinh, thì alleluia được thêm vào các đáp ca, điệp xướng, ca nhập lễ vân vân. Đó là nói đến các bản văn phụng vụ chứ không thể kể hết những thánh ca bình dân hoặc các bản trường ca (tựa như Messiah của Handel viết năm 1741). Dù sao đi nữa, khía cạnh vui tươi khi hát alleluia không chỉ tùy thuộc cung điệu của các nhạc sĩ hoặc tài nghệ của ca đoàn, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào tâm hồn của ta. Khi tâm hồn ta đang buồn rười rượi, thì có tham dự cả chục đại nhạc hội, ta vẫn buồn như thường, phương chi là hát alleluia! Đây là một nhận xét rất tinh tế của thánh Augustinô trong nhiều bài giảng Phục sinh. Phụng vụ Phục sinh biểu lộ niềm tưng bừng hoan hỉ của biến cố Chúa Phục sinh. Nhưng thử hỏi: trên cõi đời này làm gì có niềm vui trọn vẹn, bởi vì tâm hồn chúng ta luôn bị ám ảnh bởi bao nỗi lo âu buồn phiền. Liệu tiếng hát alleluia có trở thành giả dối không? Thánh nhân trả lời thế này. Nói cho đúng, chỉ có các thiên thần và các thánh nhân trên trời mới có thể hát alleluia cách trọn vẹn, bởi vì các ngài có thể ca ngợi Thiên Chúa suốt ngày đêm và nhất là các ngài không còn bận tâm lo lắng gì nữa. Chúng ta hát alleluia với niềm khao khát sẽ cùng được thông phần hoan hỉ với các ngài (sermo 252,9). Alleluia trở nên bài ca hy vọng tin tưởng, khi biết rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta, và hứa ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu (sermo 254,5). Dù sao đi nữa, chúng ta không phải chỉ hát bằng lời ca nhưng còn bằng cuộc đời. Alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Chúng ta hãy ngợi khen bằng cuộc sống và miệng lưỡi, bằng con tim và bằng đôi môi, bằng tiếng hát và bằng nếp sống. Chúa muốn chúng ta hát alleluia cho thật hoà điệu chứ đừng hát ngang cung. Vì thế hãy để cho lưỡi hợp điệu với nếp sống, môi miệng hợp với lương tâm. Như đã nói, chỉ có trên trời mới có hợp điệu tuyệt đối, chứ ở dưới trần này, lương tâm ta áy náy đủ chuyện: nào là sai lỗi, nào là chước cám dỗ, và vì thế ta phải cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Dù vậy, thưa anh em, dù giữa bao sự dữ, ta hãy cứ hát alleluia đi, bởi vì Thiên Chúa tốt lành và tha thứ tội lỗi chúng ta, và cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Sự dữ nào? Bệnh tật ư? Tù ngục ư? Không phải thế đâu. Bạn nghĩ cho kỹ đi: sự dữ gì làm bạn sợ nhất? Có phải là cái chết không? Nhưng anh em có biết rằng Chúa đã cứu thân xác anh em khỏi chết hay không? Sự dữ đáng sợ nhất mà ta không còn lo nữa, thì phải sợ cái gì? Các chước cám dỗ ư? Lo gì, Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài không để cho anh em bị thử thách quá sức của mình đâu; trái lại, Ngài còn ban cho anh em sức mạnh để vượt qua cơn thử thách nữa. Vì thế anh em hãy hát alleluia đi, hát giống như những người lữ hành, vừa đi vừa hát, hát để an ủi nhau giữa lúc lao nhọc, hát để khích lệ nhau nuôi dưỡng niềm hy vọng có ngày sẽ tới nơi an nghỉ. Nhưng vừa hát vừa lên đường, chứ đừng dừng lại, trở lui, hay rẽ ngang (Sermo 256,3).