2023
Sự Thật Cứu Rỗi
2.5. Thánh Anathasiô, Gmtsht
Cv 11:19-26; Tv 87:1-3,4-5,6-7; Ga 10:22-30
Sự Thật Cứu Rỗi
Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria vào cuối thế kỷ thứ ba, và ngay từ thời niên thiếu, ngài có lòng đạo dức, học thức, và nắm bắt sâu xa lời sách Kinh Thánh. Ngài rời nhà cha mẹ, và được Đức Giám mục Alexandria nuôi dạy giống như Samuen ở trong đền thờ của Chúa, xứng với con người được Thiên Chúa chọn để làm nhà quán quân bảo vệ Hội Thánh của ngài chống lại bè rối Ariô chối bỏ thần tính của Đức Kitô.
Ngay khi còn là một thầy phó tế trẻ, ngài đã được Đức Giám mục Alexandria, Giám mục của ngài, chọn tháp tùng đi dự công đồng Nicêa, vào năm 325 CN. Các nghị phụ chú ý đến ngài bởi tầm học thức và tài khéo léo qua đó ngài bảo vệ đức tin. Năm tháng sau, Đức cha Alexander khi sắp qua đời, đã dặn dò lại Hội Thánh Alandria chọn ngài làm người kế vị ngôi vị Thượng phụ Giáo chủ Alxandria. Ở lại trong nhiệm vụ này 46 năm, vị Thượng phụ Giáo chủ mới đứng mũi chịu sào mọi cuộc tấn công của những người theo Ariô, và thường là trong cảnh cô thân và không được bảo vệ.
Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Khi con người bất khuất Athanasiô từ chối cho Ariô trở lại trong sự hiệp thông Công giáo, thì hoàng đế Constantinô đã triệu tập Công Ðồng Tyre và vì một vài lý do không rõ ràng, ông đã trục xuất Ðức Athanasiô đến miền Bắc nước Pháp (Gaul). Sau đó hoàng đế ra lệnh cho vị Thượng phụ Giáo chủ Công giáo tại Constantinôpôli tiếp nhận lại ông tổ ly giáo này. Cái chết của con người lâm lạc đạo thật ý vị. Ông ta đã thề là ông luôn luôn tin như Hội Thánh tin, cho dù ông đã dạy rằng có một thời buổi khi Ngôi Lời đã không hiện hữu.
Chính từ sự kiện này mà vị Thượng phụ Giáo chủ Công giáo tại Constantinôpôli, cùng với thánh Giacôbê thành Nisibê khi ấy có mặt tại Constantinôpôli, và thánh Athanasiô tại Pháp cùng các người Công giáo khắp mọi nơi, đã nại tới chay tịnh và cầu nguyện, để Thiên Chúa tách xa khỏi Hội Thánh sự phạm thượng ghê gớm này. Vào ngày tên lạc đạo này vào lại trong nhà thờ lớn của Đức Khôn Ngoan, nhóm của hắn tinh thần phơi phới trong chiến thắng. Nhưng trước khi tới nhà thờ, thì cái chết đã giáng xuống trên tên lạc đạo một cách nhanh chóng và khủng khiếp, và cái tội phạm thánh ghê gớm này đã được đánh bạt đi.
Thánh Athanasiô đứng vững không lay chuyển chống lại cả bốn hoàng đế Rôma, là những người phát vãng ngài năm lần, và ngài là mục tiêu cho những sỉ nhục, vu khống và xuyên tạc mà những người theo Ariô đã có thể nghĩ ra. Ngài sống liên tục trong nguy hiểm phải chết. Dù ngài cứng rắn, mạnh mẽ như kim cương trong việc bảo vể đức tin, nhưng lại hiền lành và khiêm nhường, dễ thương và lưu loát trong ăn nói, và không ai vượt qua được trong lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Từ các nơi lưu đày, ngài đã viết những công trình lớn để dạy dỗ và củng cố đàn chiên; đấy là những tác phẩm phong phú trong tư tưởng và uyên bác, rõ ràng, sắc sảo và vững bền trong cách diễn tả.
Trong hai bộ sách “Chống lại những người ngoại đạo” và
”Việc Nhập thể của Ngôi Lời”, ngài trình bày về ơn Cứu chuộc, nêu rõ niềm tin Con Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng hữu, qua Ngài Thiên Chúa đã tạo thành vũ trụ, đã đi vào thế giới dưới hình thể con người để dẫn đưa con người trở lại với sự hài hòa nguyên thủy họ đã được hưởng, nhưng đã sa ngã và đánh mất. Công trình này hiển nhiên thách thức học thuyết của Ariô nêu ra rằng Chúa Con là một hữu thể kém Chúa Cha. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Antôn được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô giáo Tây phương.
Những người ngưỡng mộ ngài kể lại câu chuyện về câu trả lời cho nhóm tìm bắt ngài khi họ đuổi theo ngài dọc theo con suối, khi ngài đang tẩu thoát bằng thuyền. Khi biết họ sắp lại gần, ngài đã ra lệnh cho người chủ thuyền quay ngược thuyền lại để đi. Khi thuyền của những kẻ đi lùng kiếm ngài tới gần, họ hỏi sang thuyền ngài “có thấy Giám mục Alexandria đi qua không”. Ngài trả lời, “cứ tiếp tục tìm đi; ông ấy không ở xa đây đâu”. Khi hoàng đế Valens trả ngài về lại Alexandria vì sợ dân chúng nổi loạn, cuộc đời đầy bão tố của thánh nhân khép lại trong an bình ngày 2-5-373.
Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện. Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.
Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: “Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?”. Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: “Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin”. Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: “Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta”.
Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi “Ông là ai?” như thế nào rồi. “Ta và Cha Ta, chúng ta là một”. Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả”. Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Ước chi mỗi người đồ đệ của Chúa trong ngày hôm nay cũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi nhân loại.
2023
Thứ ba sau Chúa Nhật IV Phục Sinh
Thứ ba sau Chúa Nhật IV Phục Sinh
Ca nhập lễ
Chúng ta hãy hân hoan và vui mừng, hãy tôn vinh Thiên Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng của chúng ta đã thông trị – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đang họp mừng mầu nhiệm Ðức Kitô phục sinh; xin cho chúng con biết hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26
“Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi.
Xướng: Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: “Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này”.
Xướng: Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: “Những người này đã sinh ra tại đó”. Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: “Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi”.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúa Kitô, Ðấng tác tạo mọi loài, đã sống lại và đã xót thương nhân loại. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 22-30
“Tôi và Cha Tôi là một”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi tín hữu. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!.
Ca hiệp lễ
Chúa Kitô đã phải chịu khổ hình và từ cõi chết sống lại, và như vậy Người được vinh quang – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng, nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn, mà nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại, và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…
2023
Lắng nghe mục tử
1.5 Thứ Hai trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 11:1-18; Tv 42:2-3; Ga 10:1-10; Ga 10:11-18
Lắng nghe mục tử
Chúa Giêsu tự xưng Ngài là cửa chuồng chiên. Vậy những ai qua cửa ấy mà vào là mục tử đích thực. Người mục tử chăn chiên chỉ vì yêu, anh ta dành trọn tấm lòng cho đoàn chiên và thí mạng sống mình vì đoàn chiên. Người mục tử thì dịu dàng, chân thành, gần gũi và yêu thương. Anh ta hướng dẫn, sửa dạy, bảo vệ và chăm sóc đoàn chiên cách chu đáo và ân cần.
Quả tim của người mục tử tốt là quả tim triển nở trong tình yêu và họa lại trái tim nhân lành của Thiên Chúa. Một người mục tử nhân lành đúng nghĩa phải lấy Chúa Giêsu làm tấm gương mẫu mực của mình, và chỉ khi đi theo tư tưởng, đường hướng của Ngài, khi đó, người mục tử mới trở nên một mục tử đúng nghĩa.
Phần chúng ta, là những Kitô hữu nhờ phép rửa và được bửu huyết Đức Kitô đổ ra trên thập tự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, cho ta trở nên con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu là cửa mà cũng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14,6). Vì vậy, đã là con cái Chúa, chúng ta phải bước theo Ngài, bước đến cánh cửa mà vào
Đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết những đặc tính cần phải có của người mục tử nhân lành:
Dám hy sinh mạng sống mình:Đoàn chiên không phải là của người chăn thuê, nên anh ta không thiết tha gì để bảo vệ đàn chiên. Mục tiêu của người chăn thuê thường là vì lợi ích của bản thân. Vì thế khi có sói dữ tấn công, anh ta sẽ dễ dàng bỏ mặt chiên cho sói dữ ăn thịt, còn anh ta thì sẽ tìm cách thoát thân. Còn mục tử chân chính thì sẵn sàng đứng ra chống lại sói dữ để bảo vệ đàn chiên mình, dù phải đối mặt với hiểm nguy, cho dù phải hy sinh mạng sống.
Biết chiên của mình:Cái biết của người mục tử không chỉ là cái biết chung chung về số lượng, hời hợt về tên gọi. Nhưng mục tử đích thực phải biết chất lượng: tình trạng, nhu cầu, ước muốn sâu xa của chiên mình. Cái biết đến độ đồng thân, đồng phận, đồng cảm và đồng tử với chiên mình.
Quan tâm và đưa những chiên xa lạc về đàn:Vì chiên cần có chủ chiên nên chủ chiên phải quy tụ chiên vào cùng một đàn để chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng cho chúng được sống và sống dồi dào. Do đó chủ chiên không chỉ quan tâm đến chiên trong đàn mà còn tìm cách để đem các chiên ngoài đàn về, để chúng được hiệp nhất trong cùng một đàn dưới sự hướng dẫn của cùng một chủ chiên.
Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Dothái; đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống du mục, nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại.
Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành, được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Mục Tử Nhân Lành này sẵn lòng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Ngài tự ví mình là “Cửa Chuồng Chiên”, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Vì thế, ai qua “Cửa” mà vào thì sẽ được sống.
Người Mục Tử Nhân Lành này sẵn sàng dùng mọi cách để giữ gìn chiên, ngay cả cái chết. Ngài yêu thương chiên bằng tình yêu mục tử, nên Ngài “biết” từng con chiên và từng con chiên “biết” Ngài. Vì thế, sự sống của chiên là của Ngài và sự sống của Ngài luôn dành cho chiên.
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Chúa “biết” chúng ta và Ngài “biết” cách thấu đáo. Còn chúng ta, chúng ta có “biết” Ngài không, hay có “biết” nhưng “biết” cách vu vơ, lúc biết lúc không?
Hình ảnh người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau thật đẹp. Điều đó nói lên sự hiệp nhất giữa chủ chăn và đàn chiên, chiên nghe theo chủ chăn và do đó, chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên.
Hiệp nhất vốn là dấu chỉ của tình yêu. Chúa Giêsu mượn hình ảnh người mục tử không ngừng đi tìm kiếm những con chiên lạc, để nói lên mối quan tâm của Ngài đối với Giáo hội. Đó chính là chúc thư Ngài để lại trong những giây phút cuối đời.”Xin cho chúng nên một”, “một đàn chiên và một chủ chiên”: đó là hình ảnh của sự hiệp nhất mà Đức Giêsu luôn quan tâm đến. Hình ảnh người mục tử đi tìm kiếm những con chiên lạc cũng nói lên tất cả mối tương quan của Thiên Chúa đối với con người: không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Mọi cố gắng của con người xét cho cùng cũng đều là những lôi kéo của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc đặt lại câu hỏi ấy cho chính mình, ngõ hầu mỗi người làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa để được đi trong đường lối của Ngài. Đồng thời luôn sẵn sàng làm chứng về những gì mình “biết” về Thiên Chúa cho con người và cuộc sống hôm nay, ngang qua hành vi được biểu lộ nơi lòng mến và niềm tin.
2023
Thứ hai sau Chúa Nhật IV Phục Sinh
Thứ hai sau Chúa Nhật IV Phục Sinh
Ca nhập lễ
Chúa Kitô một khi từ cõi chết sống lại, thì không còn chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên; xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 11, 1-18
“Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các tông đồ và anh em ở Giuđêa nghe tin rằng cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: “Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?” Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: “Tôi đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến, tôi thấy một vật gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên tôi. Tôi chăm chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết và chim trời. Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: “Phêrô, hãy chỗi dậy giết mà ăn”. Tôi thưa: “Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng con những đồ dơ nhớp hay bẩn thỉu”. Tiếng từ trời nói lần thứ hai: “Vật gì Thiên Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp”. Ba lần xảy ra như thế, và mọi sự lại được kéo lên trời.
“Và ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: “Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ”. Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: “Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần”. Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?”
Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3; 42, 3. 4
Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi.
Xướng: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống; ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời!
Xướng: Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.
Xướng: Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ, con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúng con biết rằng Ðức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết: Lạy Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 1-10
“Ta là cửa chuồng chiên”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”.
Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả: giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên, và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!.
Ca hiệp lễ
Chúa Giêsu đứng giữa các môn đệ mà phán rằng: Bình an cho các con – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển, và hưởng phúc trường sinh. chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!.