Sự Thật Cứu Rỗi
2.5. Thánh Anathasiô, Gmtsht
Cv 11:19-26; Tv 87:1-3,4-5,6-7; Ga 10:22-30
Sự Thật Cứu Rỗi
Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria vào cuối thế kỷ thứ ba, và ngay từ thời niên thiếu, ngài có lòng đạo dức, học thức, và nắm bắt sâu xa lời sách Kinh Thánh. Ngài rời nhà cha mẹ, và được Đức Giám mục Alexandria nuôi dạy giống như Samuen ở trong đền thờ của Chúa, xứng với con người được Thiên Chúa chọn để làm nhà quán quân bảo vệ Hội Thánh của ngài chống lại bè rối Ariô chối bỏ thần tính của Đức Kitô.
Ngay khi còn là một thầy phó tế trẻ, ngài đã được Đức Giám mục Alexandria, Giám mục của ngài, chọn tháp tùng đi dự công đồng Nicêa, vào năm 325 CN. Các nghị phụ chú ý đến ngài bởi tầm học thức và tài khéo léo qua đó ngài bảo vệ đức tin. Năm tháng sau, Đức cha Alexander khi sắp qua đời, đã dặn dò lại Hội Thánh Alandria chọn ngài làm người kế vị ngôi vị Thượng phụ Giáo chủ Alxandria. Ở lại trong nhiệm vụ này 46 năm, vị Thượng phụ Giáo chủ mới đứng mũi chịu sào mọi cuộc tấn công của những người theo Ariô, và thường là trong cảnh cô thân và không được bảo vệ.
Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Khi con người bất khuất Athanasiô từ chối cho Ariô trở lại trong sự hiệp thông Công giáo, thì hoàng đế Constantinô đã triệu tập Công Ðồng Tyre và vì một vài lý do không rõ ràng, ông đã trục xuất Ðức Athanasiô đến miền Bắc nước Pháp (Gaul). Sau đó hoàng đế ra lệnh cho vị Thượng phụ Giáo chủ Công giáo tại Constantinôpôli tiếp nhận lại ông tổ ly giáo này. Cái chết của con người lâm lạc đạo thật ý vị. Ông ta đã thề là ông luôn luôn tin như Hội Thánh tin, cho dù ông đã dạy rằng có một thời buổi khi Ngôi Lời đã không hiện hữu.
Chính từ sự kiện này mà vị Thượng phụ Giáo chủ Công giáo tại Constantinôpôli, cùng với thánh Giacôbê thành Nisibê khi ấy có mặt tại Constantinôpôli, và thánh Athanasiô tại Pháp cùng các người Công giáo khắp mọi nơi, đã nại tới chay tịnh và cầu nguyện, để Thiên Chúa tách xa khỏi Hội Thánh sự phạm thượng ghê gớm này. Vào ngày tên lạc đạo này vào lại trong nhà thờ lớn của Đức Khôn Ngoan, nhóm của hắn tinh thần phơi phới trong chiến thắng. Nhưng trước khi tới nhà thờ, thì cái chết đã giáng xuống trên tên lạc đạo một cách nhanh chóng và khủng khiếp, và cái tội phạm thánh ghê gớm này đã được đánh bạt đi.
Thánh Athanasiô đứng vững không lay chuyển chống lại cả bốn hoàng đế Rôma, là những người phát vãng ngài năm lần, và ngài là mục tiêu cho những sỉ nhục, vu khống và xuyên tạc mà những người theo Ariô đã có thể nghĩ ra. Ngài sống liên tục trong nguy hiểm phải chết. Dù ngài cứng rắn, mạnh mẽ như kim cương trong việc bảo vể đức tin, nhưng lại hiền lành và khiêm nhường, dễ thương và lưu loát trong ăn nói, và không ai vượt qua được trong lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Từ các nơi lưu đày, ngài đã viết những công trình lớn để dạy dỗ và củng cố đàn chiên; đấy là những tác phẩm phong phú trong tư tưởng và uyên bác, rõ ràng, sắc sảo và vững bền trong cách diễn tả.
Trong hai bộ sách “Chống lại những người ngoại đạo” và
”Việc Nhập thể của Ngôi Lời”, ngài trình bày về ơn Cứu chuộc, nêu rõ niềm tin Con Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng hữu, qua Ngài Thiên Chúa đã tạo thành vũ trụ, đã đi vào thế giới dưới hình thể con người để dẫn đưa con người trở lại với sự hài hòa nguyên thủy họ đã được hưởng, nhưng đã sa ngã và đánh mất. Công trình này hiển nhiên thách thức học thuyết của Ariô nêu ra rằng Chúa Con là một hữu thể kém Chúa Cha. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Antôn được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô giáo Tây phương.
Những người ngưỡng mộ ngài kể lại câu chuyện về câu trả lời cho nhóm tìm bắt ngài khi họ đuổi theo ngài dọc theo con suối, khi ngài đang tẩu thoát bằng thuyền. Khi biết họ sắp lại gần, ngài đã ra lệnh cho người chủ thuyền quay ngược thuyền lại để đi. Khi thuyền của những kẻ đi lùng kiếm ngài tới gần, họ hỏi sang thuyền ngài “có thấy Giám mục Alexandria đi qua không”. Ngài trả lời, “cứ tiếp tục tìm đi; ông ấy không ở xa đây đâu”. Khi hoàng đế Valens trả ngài về lại Alexandria vì sợ dân chúng nổi loạn, cuộc đời đầy bão tố của thánh nhân khép lại trong an bình ngày 2-5-373.
Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện. Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.
Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: “Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?”. Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: “Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin”. Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: “Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta”.
Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi “Ông là ai?” như thế nào rồi. “Ta và Cha Ta, chúng ta là một”. Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả”. Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Ước chi mỗi người đồ đệ của Chúa trong ngày hôm nay cũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi nhân loại.