2020
Đồng hành với giới trẻ hướng tới sự trưởng thành…
“Tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134).
Giáo hội dành cho giới trẻ một chỗ quan trọng, một sự ưu ái đặc biệt. Vì thế trong Thư Chung 10/2019, HĐGMVN đã bày tỏ: “Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”… Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.”
Cùng chung những thao thức ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong kỳ họp tháng 10/2019 vừa qua đã quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 – 2022). Các giám mục đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành. Và chủ đề năm nay là: “Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Thật ra, nói đến trưởng thành, một đề tài quá lớn và có lẽ suốt đời tập luyện mà không biết sẽ đi đến đâu vì thế mà nhà thơ Minh Đức đã nói lên thao thức của mình “Chữ nhân viết mãi vẫn run tay”. Khi đang bước vào tuổi hoàng hôn cuộc đời, tôi thấy điều này khá đúng. Đó là chỉ nói đến khía cạnh thành nhân thôi chưa nói đến sự trưởng thành tâm linh hay sự “trưởng thành toàn diện” như HĐGMVN mong muốn. Một con đường dài cần sự chung tay của nhiều giới, nhất là sự cố gắng tối đa của chính bản thân các bạn trẻ là đối tượng đang được Giáo hội và các vị chủ chăn quan tâm, thao thức…
Giáo hội làm sao không lo lắng cho giới trẻ con cái mình chứ? khi mà tuổi trẻ là giai đoạn có nhiều thách đố và khủng hoảng cũng như là ngưỡng của cuộc đời. Tương lai mỗi người tùy thuộc chính yếu vào cái “buổi ban đầu” này. Hơn nữa, ngày nay “người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới”
Phẩm chất và chuẩn mực của người trưởng thành
Xã hội ngày nay chờ đợi gì nơi người trẻ? Chắc chắn là rất nhiều và 3 điểm nổi bật đó là: Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn . Còn Giáo hội lại mong giới trẻ “lớn lên và trưởng thành theo năm khía cạnh: thể lý, tâm lý, tâm linh, văn hoá và phân định ơn gọi (Thư Chung HĐGMVN 10/2019).
Giá trị của một người hay một cuộc đời tùy thuộc vào PHẨM CHẤT của CON NGƯỜI ấy, vì chính họ sống cuộc đời của mình. Nên để có một cuộc đời thành tựu và có giá trị, căn bản vẫn là xây dựng con người. Một con người trưởng thành, và theo thiển ý, điều cơ bản của người trưởng thành là người biết làm chủ bản thân, làm chủ tư tưởng, tình cảm và hành vi của mình. Xây dựng con người không phải chỉ thành công mà quan trọng hơn là thành nhân và với người Kitô hữu chúng ta phải cố gắng để thành thánh nữa.
Những người khôn ngoan nói rằng: “Tuổi trẻ không lo. Tuổi già những ngậm ngùi nuối tiếc.” Quả thật, điều này khá đúng trong nhiều trường hợp. Vậy tuổi trẻ cần “lo” gì? Thật ra cái lo không phải chỉ đến từ phía người trẻ, mà còn đến từ gia đình, cha mẹ, từ xã hội và giới trẻ còn là thao thức, ưu tư của Giáo hội nữa. Vì nói đến tuổi trẻ là nói đến hiện tại, và hiện tại chính là nền móng cho TƯƠNG LAI của họ. Giáo hội luôn xác tín rằng: “người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới” (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).
Nói cách khác, sự nghiệp, tình yêu, gia đình, lý tưởng… lệ thuộc khá nhiều vào: cách sống, thái độ sống, và cách ứng xử, nhân cách của mình, cách học, cách yêu và xử lý tình huống… Cuộc đời mỗi người được xây dựng bằng BÀN TAY, KHỐI ÓC và sự kiên trì, hết mình trong mọi việc, mọi sự và có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn… Thật ra, tiêu chuẩn của một người trưởng thành nhiều vô kể. Trong khuôn khổ của bài này, xin chỉ nêu lên một số điểm mà theo thiển ý là điều cơ bản của một người trưởng thành. Đó là: Làm chủ bản thân, điều khiển và là tác giả đời mình – Tự trọng, trách nhiệm, sáng tạo, nắm vận mệnh đời mình…
Làm chủ bản thân là một đặc nét của người trưởng thành, biết lèo lái đời mình theo ý muốn và hướng về CHÂN THIỆN MỸ. Và đây là điểm nhấn của bài này.
- Làm chủ bản thân
“Chiến thắng là một bông hoa khắt khe không dành cho tất cả các mảnh đất, nó chỉ nở dưới ánh nắng mặt trời của ý chí”.
Raymond de Saint-Laurent
Ngựa có cương. Thuyền có lái. Xe có thắng. Chúng ta có gì? Biết làm chủ bản thân mới có thể điều khiển đời mình theo ý muốn được.
Mỗi người đều cần biết mình muốn gì, đâu là thế mạnh, thế yếu của mình và cần luôn tự chất vấn bản thân xem đời mình sẽ đi về đâu. Ước muốn vẫn luôn tốt lành và cao đẹp, nhưng không phải cứ muốn là có thể làm được mọi sự, vì chính trong bản thân mình, chúng ta còn có nhiều lực đối kháng.
Tự bản chất, thân phận làm người chúng ta vừa là “con” vừa là “người”. Lực của nhân tính luôn đôi co với luật của thú tính. Chúng ta vừa là thánh nhân vừa là tội nhân. Cái xấu, cái tốt hay điều thiện, điều ác vẫn luôn tranh chấp từ bên trong mỗi người. Thánh Phaolô, một vị tông đồ siêu quần bạt chúng như thế mà vẫn phải trăn trở chiến đấu với bản thân và Ngài đã nói lên một điều mà ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm:
“Điều tôi muốn, tôi lại không làm, mà tôi lại làm điều tôi không muốn…” (Rm 7,15).
Thật vậy, con người có thể làm chủ phần nào thiên nhiên, thống trị người khác, nhưng thắng bản thân mình, làm chủ và điều khiển nó có lẽ là điều cần nhiều quyết tâm và nỗ lực nhất.
- Làm chủ bản thân là biết điều khiển đời mình, biết điều tiết mọi sự cho quân bình, đúng mức, biết khi nào cần tiến hay lúc nào nên lùi, biếtdừng đúng lúc hay khi nào khoan, khi nào nhặt, khi nào cần chậm lại. Làm chủ bản thân là đôi khi tạm dừng nhưng nhiều phen chạy nước rút hay trở lui và bắt đầu lại…
- Làm chủ bản thân là một đặc nét của người trưởng thành, biết lèo lái đời mình theo ý muốn và hướng về CHÂN THIỆN MỸ. Nếu không làm chủ bản thân, chúng ta có thể hành động theo bản năng và vì thế, dễ trở nên một kẻ bốc đồng, sống vô định hướng và sống như những con rối, bị điều khiển bởi nhiều lực nội tại hay ngoại giới tạo nên nhiều mâu thuẫnnơi chính bản thân.
- Làm chủ bản thân là làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành vi; làm sao cho có sự hoà hợp cân đối giữa tiếng nói của lý trí và con tim. Cảm xúc được ví như nguồn nước. Một khi dùng đúng nó sẽ đem lại nhiệt điện, sự tươi mát cho con người và hoa màu cây trái. Nếu không điều khiển được, nước sẽ là lực tàn phá, gây lũ lụt hủy hoại sự sống con người và thiên nhiên, công lao vất vả của con người.
- Người biết làm chủ mình là người có thể chọn cho mình cảm xúc mình muốn, siêu thăng và chuyển hoá cái tầm thường trở nên những điều giá trị cho cuộc sống. Những áng thơ hay, những khúc nhạc tuyệt vời, hay những tác phẩm nghệ thuật lừng danh,há chẳng phải là thành quả của những phút cảm xúc dâng trào đó sao?
- Làm chủ bản thân sẽ giúp chúng ta sử dụng tối đa những tiềm năng của mình để đem lại lợi ích trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, những khả năng mà trời đã phú cho con người một cách hào phóng, mà cho đến nay chúng ta có thể còn đang để nó ngủ yên.
- Làm chủ bản thân là có thể chế ngự được các sự kiện trong cuộc sống thay vì để cho hoàn cảnh và các sự kiện chế ngự mình.
Lắm lúc trong đời chúng ta có những cơ may, hay hoàn cảnh thuận lợi. Những người bản lãnh thường nắm bắt ngay được nó, còn những người yếu đuối thì để cho nó qua đi. Những người không làm chủ bản thân thì cũng sẽ không làm chủ được số phận, trái lại đôi khi còn tự biến mình thành nạn nhân của chính mình. Những người biết làm chủ bản thân thường sống với ý chí, nghị lực, họ đấu tranh với những khó khăn và vượt qua trở ngại, nhờ làm chủ chính mình.
Nếu tỉnh thức và suy ngẫm chúng ta có thể nhận ra rằng trong nhiều tình huống, chúng ta có thể làm tốt hơn, nhưng vì thiếu sức mạnh của ý chí, vì bị sự kìm hãm của bản năng, của tự ái, của lười biếng cộng với áp lực bên ngoài, chúng ta gặp khó khăn, thất bại. Lắm phen chúng ta không thắng được tính nhút nhát, mặc cảm hoặc những nỗi sợ hãi do định kiến, do kinh nghiệm thất bại trước đó làm ta tê liệt và yếu mềm. Chúng ta không tự chủ được mình và để cho những lực tiêu cực ấy cuốn hút mình theo.
Trở về với tuổi trẻ. Biết bao nhiêu người đã đánh mất, bán rẻ hay làm hỏng đời mình vì:
- Lao vào con đường nghiện hút chỉ vì không thắng nổi bản tính tìm sự dễ dãi, nhất là những lời mời mọc, khích bác, thách thức của bạn bè.
- Lao vào tình dục vì không thắng nổi những sự tò mò hay cảm xúc dâng trào hoặc những ham muốn nhất thời.
- Bỏ bê việc học vì không thắng nổi tính ươn lười, sự mời mọc của các trò giải trí khác và sự chán nản mệt mỏi khi phải cố gắng.
- Không làm việc hay học hành, bỏ cuộc trước những thách đố của trách nhiệm vì không thắng nổi những tháng ngày kham khổ hoặc sự đơn điệu và độ dài của thời gian.
- Dễ dàng buông xuôi trước những khó khăn, nghịch cảnh hay thất bại, hoặc những đòi hỏi của bổn phận, của chữ nhân, chữ tín…
Chúng ta cần bắt đầu sớm tiến trình giáo dục chính mình, càng sớm càng tốt. Chúng ta cần chuẩn bị cho mình một đời sống kỷ luật và điều độ. Một sự tập luyện bền bỉ sẽ tạo những nếp sống, nếp nghĩ và hành động vững chắc và tích cực. Làm chủ bản thân bắt đầu bằng làm chủ những cách nghĩ của mình, là tạo cho mình một cái “thắng” hay cái “phanh”, đồng thời tập:
- Biết suy nghĩ trước mỗi chọn lựa lớn nhỏ trong ngày và trong đời, biết dừng khi thấy mình lạc lối.
- Biết thôi không nói thêm một lời, không hút thêm một điếu thuốc hay uống một ly bia.
- Biết từ chối một cuộc hẹn hò hay một lời mời mọc mà chúng ta cảm thấy bất an.
- Có thể ngưng một cuộc trò chuyện vô bổ hay dừng xem truyền hình đang đến hồi gay cấn để học bài hay làm một bổn phận cần thiết.
- Suy nghĩ, hình thành thói quen phân tích lợi – hại khi làm hay nói một điều gì.
Làm chủ bản thân là tập ý thức và điều khiển những cảm xúc đang tràn ngập trí lòng:
– Trước những cơn xúc động mạnh mẽ, đừng nói gì hết, đừng viết gì hết, đừng quyết định điều gì. Nói cách khác, tạm thời ngưng lại những hành vi cụ thể đang bị ảnh hưởng tai hại của những cơn xúc động…
– Sự thinh lặng giúp ổn định, thăng bằng nội tâm, làm cho trí phán đoán sẽ khách quan hơn. Khi đó, tâm trí chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn.
– Vận dụng năng khiếu và tâm lý, chịu khó suy nghĩ, ta sẽ tìm được cho mình một cảm giác tự tin.
Làm chủ bản thân đòi buộc mỗi người
“Cần phải suy nghĩ, và đừng vội gặt lúa non, để phải cầm chắc sự thất bại. Đối với những người không làm chủ được bản thân, họ dễ thất bại, và rồi sự thất bại ấy sẽ dìm họ vào sự suy sụp tinh thần.”
(Raymond de St-Laurent)
Tập làm chủ bản thân là tập sự trầm tĩnh vì trong trầm tĩnh chúng ta có thể dễ nhận thấy bản thân và kiểm soát mình hơn. Sự trầm tĩnh chính là một sức mạnh lớn lao đủ để ngăn không cho nguồn nghị lực của chúng ta bị phân tán và tiêu hao một cách vô ích.
“Kẻ nào có sự trầm tĩnh và sự suy nghĩ, kẻ ấy luôn chiến thắng”
Hãy làm chủ bản thân qua việc tập luyện cho mình thói quen như R de St-Laurent nhắc nhở: “Luôn chuẩn bị sẵn cho mình những điều kiện để đối phó với những khó khăn có thể gặp phải, vạch cho mình thái độ ứng xử phù hợp với mỗi tình thế .” Tập làm chủ bản thân là tập cho mình sự chịu đựng những trái ý, những thiếu thốn; chấp nhận những điều không thuận lợi; kiên trì làm việc đến cùng với tinh thần trách nhiệm dù sự việc xảy ra không như dự tính hay lòng mong muốn.
Những gương sống sau đây và biết bao gương sống khác từ những người thân, từ những người mà ta yêu mến, kính phục, có thể là một động lực giúp chúng ta xoay chuyển và thắng được những áp lực nặng nề của bản thân.
- Garcia Morenođã đến ngồi trên những tảng đá nhô ra thẳng đứng trên cao có nguy cơ bị sụp đổ để rèn luyện lòng can đảm.
- Gueslinkiên trì khổ luyện xoá bỏ những cơn bộc phát của cảm tính.
- Desmostheneđến bên bờ biển, ngậm những hòn sỏi trong miệng để sửa chữa cách nói năng tồi tệ của mình.
- …
Còn các bạn trẻ, bạn đang cần tập luyện gì đây để có thể trở nên những người biết làm chủ bản thân? Biết mình muốn gì và đi đâu có nghĩa là chủ động về đời mình chứ không như câu chuyện “Lúng túng của Alice” sau đây:
“Trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên” của Lewis Carroll, có một đoạn kể về cô bé Alice khi bị lạc vào xứ sở thần tiên, cô sợ hãi bỏ chạy, chạy mãi cho đến khi gặp một con mèo. Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ?
Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ? Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.
– Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!
Sự lúng túng của Alice có làm ta phải suy nghĩ: mình sống để làm gì, ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở nơi đâu?
Tôi phải làm chủ cuộc đời tôi chứ, tôi biết mình đang đi đâu!
- Làm chủ bản thân là Vượt thắng thói quen xấu bằng liên lỉ tập luyện
“Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động.”
Aristotle
“Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Nỗi nặng lòng vì những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hiện đại đè lên giới trẻ quả không ít. Có lẽ một trong những điều giới trẻ cần là xây dựng cho mình một nhân cách lành mạnh. Để có được nó, con đường cần phải đi qua chính là thói quen tập luyện, liên lỉ tập luyện cách bền bỉ và kiên trì. Các nhà tâm lý đã chẳng nói: “thói quen lâu ngày tạo nên tính cách” đó sao?
“Loài người đúng là những sinh vật làm việc theo thói quen.” Qua sóng điện thoại di động, một nhóm nghiên cứu đã theo dõi chuyển động của 100.000 người và họ đã rút ra kết luận như thế. Nhóm này còn cho biết là “đa số chúng ta đều tuân theo những mô hình định sẵn mỗi khi đi làm, đến trường, hoặc trở về nhà.” Ngoài ra, Cesar Hidalgo, Đại học Northeastern ở Boston, Mỹ, nói:
“Cho dù lịch sử di chuyển phong phú từ trước tới nay nhưng con người vẫn tuân theo những mô hình hoạt động vô cùng đơn giản”. Hơn nữa, “là những sinh vật của thói quen, hầu hết mọi người thường xuyên di chuyển đến một số điểm quen thuộc nhất định, thi thoảng mới làm cuộc nhảy vọt đến những nơi xa hơn.” (Nguồn vnexpress.net)
Những khám phá khoa học này giúp chúng ta xác tín hơn sự quan trọng của tập luyện. Nếu những việc thường làm, những nơi chúng ta thường đến đều lành mạnh, thì tương lai cuộc đời chúng ta không phải lo vì “thói quen -> tính cách, và tính cách -> định mệnh” mà! Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc lại nguyên tắc sống này như sau:
Hãy suy tư cẩn thận, vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói.
Hãy ăn nói cẩn thận, vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động.
Hãy hành xử cẩn thận, vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen.
Hãy chú trọng Thói Quen, vì chúng hình thành Nhân Cách.
Hãy chú trọng Nhân Cách, vì nó hình thành Số Mệnh.
Đó là tiến trình cuộc sống, tiến trình của thành bại. Thật ra ý nghĩa của những câu nói trên chúng ta đã biết từ lâu. Riêng tôi đã quan sát nhiều người và chú ý đến diễn tiến của đời họ, và cả đời mình nữa, thì thấy rằng Tính cách và định mệnh dường như song hành rất mật thiết với nhau. Vì thế chúng ta cần thận trọng, phải rất thận trọng với những thói quen. Mỗi ngày mở báo hay vào mạng, chúng ta thấy bao nhiêu án mạng, bao nhiêu chuyện đau lòng như cha nóng nảy đánh con đến chết. Chỉ một chút va quẹt nhẹ hay một chút lỡ tay, lỡ miệng cũng đủ tạo nên những cuộc xung đột gây thương tích hoặc án mạng. Nhất là những thói quen ăn nhậu tạo nên biết bao cảnh tang thương. Phải, hiện tại là kết quả của những hành vi chúng ta đã thực hiện trong quá khứ. Những gì cao cả, tốt đẹp chúng ta đang có chính là do những nỗ lực tập luyện lâu ngày, chứ không phải là những hành động mang tính ngẫu nhiên. Vì vậy, cần phát triển những thói quen tốt mới mong cuộc đời chúng ta khởi sắc lên được. Thực tế thật đáng tiếc là phần lớn những thói quen của chúng ta đều do các phản ứng từ những kinh nghiệm bản thân. Những thói quen xấu hình thành từ những xu hướng, những phản ứng tiêu cực của chúng ta. Trái lại, những người có tư duy tích cực sẽ có động lực sống lành mạnh và họ sẽ biết nắm bắt mọi cơ hội để thăng tiến đời mình.
“Một thói quen bắt đầu giống như một sợi chỉ vô hình, nhưng mỗi lần chúng ta lặp lại hành động là chúng ta làm cho sợi chỉ dày lên, thêm một sợi vào trước, rồi thành một cuộn dây thừng cột chặt tư tưởng và hành động của chúng ta mà không thể nào tháo gỡ”. (Orison Swett Marden)
- Phương pháp giúp vượt qua thói quen tiêu cực
- Trước hết cần ý thức thói quen nào đang gây trở ngại cho mình.
- Niềm ước mong đạt mục tiêu sẽ trở thành nguồn động lực thúc đẩy giúp chúng ta cố gắng.
- Khi đã đề ra những mục tiêu, cần đưa ra kế hoạch để thực hiện một bước mỗi ngày, dù lớn hay nhỏ.
- Chia ra nhiều bước nhỏ để dễ áp dụng. Mỗi bước nhỏ này sẽ đưa chúng ta đến gần mục tiêu của bản thân hơn, thúc đẩy vươn lên cao hơn.
- Một việc nếu được hành động đều đặn mỗi ngày sẽ hình thành một thói quen.
- Kết quả là chúng ta sẽ hành động một cách tự nhiên mà không cần phải suy nghĩ nữa.
- Thói quen và cảm xúc
Cố gắng tạo ra những cảm giác vui, thích, hài lòng, phấn khích… vì cảm xúc tích cực sẽ giúp chúng ta hành động mau mắn và hiệu quả hơn.
- Chúng ta là những tạo vật của lý trí và có tình cảm. Nếu lý trí giúp chúng ta đưa ra kế hoạch công việc thì chính tình cảm ao ước thực hiện kế hoạch đó.
- Mỗi khi đạt được thành công, dù lớn hay nhỏ, hãy cảm nhận cảm giác mình đang tiến gần hơn đến mục tiêu đề ra.
- Ghi ra những lý do tích cực tại sao chúng ta muốn đạt được mục tiêu cụ thể nào đó.
- Ghi ra những việc mà chính mình sẽ bỏ qua hay buộc phải làm nếu không đạt được mục tiêu đó.
- Luôn nhớ rằng cả hai loại cảm xúc khao khát và sợ hãi mà chúng ta có đều có ích, cần vận dụng chúng tối đa.
- Trách nhiệm về những gì mình làm
- Tránh tối đa thói quen tự bào chữa hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, người thân hay tuổi thơ, nền kinh tế, thủ trưởng hay bất kỳ ai hoặc sự việc nào khác.
- Sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ. Tránh nói những điều tiêu cực, nhưng dùng những lời tích cực để tự động viên mình như: “tôi có thể và tôi sẽ làm,” “tôi sẽ cố gắng” thay vì nói “không được, không thể.”
Chúng ta thường viện cớ để chần chừ. Hãy coi chừng bản thân mình!
Cùng một ý nghĩa với lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Oprah Winfrey lại cho rằng: “Triết lý sống của tôi là bạn không chỉ chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, mà cố gắng hết sức trong giây phút hiện tại sẽ giúp bạn đứng ở vị trí tốt nhất trong giây phút kế tiếp”.
“Xiềng xích của thói quen thường quá yếu khiến ta không cảm nhận được, cho tới khi chúng quá mạnh khiến ta không thể thoát ra.”
Samuel Johnson
III. Làm chủ bản thân bằng cách vượt thắng cám dỗ
“Có những sự quyến rũ chỉ nên đứng từ xa mà ngắm.”
Samuel Johnson
“Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Những phương tiện kỹ thuật và truyền thông hiện đại là phương tiện giúp ta thăng tiến, nhưng đồng thời là một cạm bẫy có thể làm lệch lạc hay chôn vùi biết bao người trẻ. Mong người trẻ tỉnh thức và cố gắng vượt qua bản thân, hay nói cách khác là vượt qua những CÁM DỖ của bản năng, của con người tự nhiên dễ nghiêng chiều về những gì tầm thường, vật chất, dễ dãi, xác thịt… Nếu sống theo những xu hướng tự nhiên này, chúng ta chỉ có thể có một cuộc đời tầm thường, có khi còn chôn vùi trong những tệ nạn xã hội hay ngụp lặn trong tội lỗi, làm mất phẩm giá “làm người” vốn có của mình nữa.
Cám dỗ nói nôm na là cái gì đó thôi thúc bên trong gợi lòng ham muốn, dẫn đến những việc làm không hay.
Muốn vượt qua bản thân, chúng ta phải tỉnh thức để có thể nhận ra những khuôn mặt của cám dỗ. Dường như cám dỗ là một trong những đặc nét của kiếp người. Trước hết nó rất thích hợp với xu hướng của con người, nó vuốt ve lòng tự ái và ham thích nổi trội, thích cho mình là quan trọng, thích thoải mái và dễ dãi. Phải, cám dỗ mang nhiều bộ mặt khác nhau và hiện ra dưới những chủ đích khá hấp dẫn như: Triển nở, thăng tiến, tự do, nhu cầu, trọng nể, thành đạt, hạnh phúc, tình yêu… Đúng, cám dỗ là một kẻ dối gạt dưới những chiêu bài hoa mỹ và ăn khớp với khát vọng của chúng ta. Có thể nói rằng cám dỗ là vị khách thường xuyên trong cuộc sống, chực sẵn trước thềm để bước vào nhà, vào con người chúng ta ngay bất cứ khi nào chúng ta mất cảnh giác. Đó là một vị khách không mời mà đến, và đặc biệt nó có đặc nét là sẽ thăm viếng thường xuyên hơn những người có tính tự mãn, đam mê và cả những ai quá tự tin nữa. Nhưng may thay, chúng sẽ bớt ảnh hưởng, bớt hiệu lực đối với những tâm hồn khiêm tốn, trong suốt và có nội lực.
Vì những lý do trên, chúng ta đừng quên rằng cám dỗ vào dễ, ra khó, và nó không dành cho riêng ai. Kẻ sang, người hèn; kẻ giàu, người nghèo; người có học thức hay không; địa vị cao hay thấp trong xã hội, kể cả tuổi tác, già trẻ lớn bé đều khó lòng tránh nó. Vì thế, có người còn hài hước cho rằng “Cám dỗ chỉ rời chúng ta mười lăm phút sau khi chết!”. Thực tế là có người trong phút hấp hối vẫn còn ôm một bọc tiền. Người khác còn trợn mắt nguyền rủa kẻ thù. Lại có kẻ ra đi trong tâm trạng nuối tiếc địa vị giàu sang. Vì thế, nếu không vượt qua bản thân được mà rơi vào cạm bẫy của cám dỗ, sự băng hoại và mất mát là con đường khó tránh!
- Cám dỗ tìm kiếm con đường dễ dãi
Trong xã hội ngày nay, con đường dễ dãi được giăng ra và mời mọc người ta đi vào. Nhan nhản nạn mua bán chức tước, chỗ làm, thậm chí cả công chức nhà nước cũng vậy. Báo chí vẫn đang bàn tán nhiều về vấn đề chạy chức. Để được vào công chức nhà nước phải mất hàng trăm triệu? Có lẽ cái giá có thay đổi chút ít tùy địa phương và chỗ làm. Bao nhiêu người học giả, bằng giả nhưng cũng không ít người học giả nhưng bằng thật vì bản thân không hy vọng vượt qua các kỳ thi hoặc ngồi nhầm lớp nên lo lắng chạy chọt. Sự kiện này gây đau lòng không ít vì việc học là con đường giúp mỗi người cũng như đất nước tiến lên vững chắc an toàn, giúp cho lớp trẻ lớn lên có thể đứng thẳng, nhìn thẳng vào tương lai với lòng tự trọng thì ngày nay lại có đầy rẫy những “đường tắt”. Học ít, bằng cao, làm ít, lương nhiều. Nhưng may thay, còn một số các bạn trẻ đã chiến đấu với bản thân để có thể giữ lương tâm mình trong sáng, và tự tin bước vào đời. Báo Người Lao Động đã đăng tải bức thư của em Hồ thị Phương Mai, lớp Báo chí 2 trường Đại học KHXH&NV, viết cho mẹ. Một bức thư trải lòng với mẹ thật cảm động, và chắc chắn đây cũng là sự chiến đấu của nhiều bạn trẻ khác. Có chăng điểm khác biệt là bản thân người đó có vượt qua được cám dỗ hay không thôi. Ngoài ra, xin được chia vui và chúc mừng với mẹ của em Phương Mai, về thành quả của những năm tháng chăm lo giáo dục con của bà.
“Sau những tháng ngày miệt mài học tập, cuối cùng, con đã cầm được trên tay tấm bằng C Anh văn. Nó không quan trọng bằng bằng đại học, cao học. Nhưng đối với con, nó mang một ý nghĩa đặc biệt.
Tấm bằng ấy là cả quá trình con học tập và đấu tranh giành giật giữa phần “con” với phần “người” để chống lại những cám dỗ của cuộc đời.
Trước kỳ thi, người ta bảo con hãy đưa cho họ vài trăm ngàn để biết đề thi hay nói một cách khác: mua đề! Vài trăm ngàn không phải là số tiền lớn. Vả lại con nghe nói đề thi rất khó, con sợ với trình độ của mình thì cố gắng mấy cũng không đậu. Con không đủ tự tin. Và con… con đã có ý định đó. Con thật là xấu, phải không mẹ?
Con nghĩ ra đủ lý do để biện hộ cho ý định tồi tệ của mình. Con nghĩ thật là bất công nếu mình phải vất vả học bài trong khi người ta chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn – cái giá quá rẻ để có được tấm bằng. Nếu có được bằng C con sẽ yên tâm học những cái khác hoặc học cao hơn nữa… Cứ như thế, suy nghĩ của con chìm dần trong những cám dỗ và con đã chuẩn bị tiền đi nộp.
Đột nhiên, con nghĩ đến mẹ, con nghĩ đến nụ cười hiền từ của mẹ. Rồi con ghê tởm chính bản thân mình. Phải, mẹ cho con ăn học, nhưng mẹ đâu dạy con làm những điều tồi tệ như thế? Bây giờ, chỉ là số tiền nhỏ, nhưng thói quen ấy, tính ỷ lại vào đồng tiền ấy mai sau sẽ ngấm dần vào con, 1 lần… 2 lần… Cứ thế, con trượt sâu vào lối mòn mà không hay biết. Cầm cái bằng trên tay, đó đâu phải là công sức của con? Bằng cấp, tri thức được đánh đổi bằng đồng tiền, con cũng sẽ bị xã hội đào thải.
Rồi con sẽ ra sao đây khi tất cả mọi người đều nhìn con bằng ánh mắt khinh bỉ: “Nó có giỏi giang gì đâu, chỉ giỏi đi mua đề!” Lúc ấy, chắc con chẳng còn mặt mũi nào để quay về nhìn mẹ nữa. Nghĩ đến đấy, con chợt rùng mình vì hổ thẹn. Thà thi rớt nhưng lòng thanh thản còn hơn là đậu mà bạn bè xa lánh mình. Và con tìm mọi cách để quên đi cái ý nghĩ đen tối.
Cho đến hôm nay, bằng chính sức lực bản thân, con đã làm được điều mà con mong muốn, mẹ ạ! Tấm bằng con cầm trên tay là minh chứng cho sự trưởng thành của con gái mẹ. Là cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt trong con. Phải, mẹ ơi, con gái mẹ đã vượt qua chính mình, vượt qua được khoảnh khắc mà con thấy lòng mình yếu đuối nhất. Điều quan trọng hơn cả là con đã vượt qua được những cám dỗ đầu tiên trong đời rồi đấy…
Những người con thắng vượt được cám dỗ nhờ nghĩ đến tình cha, nghĩa mẹ. Còn chúng ta những Kitô hữu thì sao? Tình yêu Chúa dành cho ta, niềm tin vào Ngài có đủ để chúng ta vượt thắng cám dỗ chăng?
Cám dỗ có nhiều hình thức, nhiều thể loại và nhiều mức độ. Ở đây chỉ xin nêu một số loại mà giới trẻ thường vấp phải nhất.
- Cám dỗ của thời hiện đại – lướt Facebook, games, tình dục…
Những cám dỗ thường tình muôn đời của con người, không phân biệt văn hóa hay màu da, giai cấp hoặc cơ chế xã hội, là tiền, quyền, danh, lợi… và cám dỗ do những yếu đuối của phận người. Bên cạnh đó, ngày nay, với sự bùng nổ của khoa học, con người của thế kỷ 21 còn phải đối đầu với những cám dỗ của nền “văn minh mạng”. Đây là con dao hai lưỡi. Nó phục vụ rất tuyệt vời cho những ai biết cách dùng nó đúng mực nhưng lại chôn vùi nhiều cuộc đời của những con nghiện mới. Ngày trước chỉ có người lớn mới nghiện: “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.” (Trần Tế Xương). Nhưng ngày nay, một học sinh tiểu học cũng có thể sa vào cơn nghiện games, nói gì đến người lớn. Và những cơn nghiện khác phát sinh từ việc vào mạng cũng không ít.
Theo cuộc thăm dò trực tuyến với 250 tình nguyện viên tại Đức, người ta thấy: Lướt mạng xã hội, cập nhật các thông tin, ảnh, lời bình, Tweet trên Facebook và Twitter còn gây nghiện hơn cả sex và thuốc lá. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy Facebook, Twitter và các mạng xã hội được xếp vào nhóm “nhu cầu khó cưỡng lại nhất”.
Chuyên gia Wilhelm Hofmann, tác giả nghiên cứu, giải thích rằng: chính vì truyền thông xã hội luôn sẵn sàng và dễ truy cập nên càng khó từ chối nó hơn. Hơn nữa, so với thuốc lá và rượu thì mạng xã hội rất rẻ, thậm chí miễn phí. Người dùng có thể thỏa mãn ham muốn của họ mà không phải chịu sức ép gì. Hofmann còn chia sẻ trên Telegraph: “Rất khó để cưỡng lại sức hút của mạng xã hội vì chúng luôn vận hành 24/24 giờ và lại chẳng đòi hỏi gì nhiều khi tham gia. Theo thói thường, các tình nguyện viên càng cố cưỡng lại việc truy cập mạng xã hội thì họ lại càng bị cuốn hút vào nó nhiều hơn.”
- Vượt thắng cám dỗ của tình dục
“Người ta khổ vì yêu không phải chỗ,
Mơ sai duyên và mến đã lầm người…
Và rồi:
“…Vì thả lòng không kềm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa…”
Xuân Diệu
Đặc biệt trong khi yêu đương, người ta thường bị cảm xúc dẫn dụ làm cho mình bay bổng nên dễ mất đề cao cảnh giác.
Trong quá trình dạy học và làm tư vấn, tôi nhận thấy biết bao nhiêu người đã không cưỡng nổi cơn cám dỗ tình dục làm cho đời mình lỡ làng và nuối tiếc khổ đau… Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là chúng ta cần chú ý cám dỗ về tình dục thật ra không chỉ đơn thuần là vấn đề của xác thịt mà là vấn đề của con tim. Nếu thật sự chúng ta yêu thích cuộc sống của mình, hay đam mê một công việc, thương yêu tha thiết một người, hay toàn tâm toàn ý vào thực thi hay tìm kiếm một điều có ý nghĩa và giá trị, sức mạnh của cám dỗ về tình dục sẽ yếu đi. Thật ra, thứ chúng ta cần tìm là thỏa mãn của con tim hơn là nhu cầu sinh lý. Khi chữa trị cho những người bị cám dỗ thiên về tình dục, tôi đã thử áp dụng liệu pháp này không ít: Khuyến khích người bị cám dỗ dồn sức, tập trung cao độ vào một điều gì và làm điều đó với lòng say mê, thích thú như học hay nghiên cứu về một chủ đề mình thích hay thấy có ích, tập trung tìm ra giải pháp cho một vấn đề qua sáng tạo hoặc dấn thân sâu vào nghệ thuật như mê vẽ, mê sáng tác nhạc hay điêu khắc, mê thơ, mê viết hoặc mê đọc… mê phục vụ…
Thật ra “sex” cho chúng ta những sảng khoái, hưng phấn và thỏa mãn, nhưng không bền vững. Mặt khác nó có thể cuốn hút, thúc đẩy chúng ta phải liên tục tìm kiếm nó, đưa đến tâm chẳng an, xác chẳng lành. Dần dà chúng ta có thể trở thành những con nghiện. Mà đã nghiện rồi thì rất khó để thoát ra. Cám dỗ nào ngay từ đầu cũng khó chối từ, nhưng khi vượt qua được nó, chúng ta sẽ sống trong bình an và mạnh khỏe hơn về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Ngoài ra, để giúp vượt thắng cám dỗ, chúng ta cũng cần nghĩ nhiều đến hậu quả. Cường điệu hậu quả lên một chút cũng làm cho chúng ta sợ, và e ngại, giúp dễ làm chủ bản thân hơn.
Như đã đề cập ở trên, không hẳn tình dục làm chúng ta thỏa mãn, mà là những cảm xúc yêu thương. Quan tâm và được quan tâm, hiểu và được hiểu, yêu và được yêu là những cảm nhận khiến con người gần gũi nhau hơn, hài lòng cũng như cảm thấy tâm hồn được nâng cao hơn. Khi lòng khát khao mong chờ những cuộc gặp gỡ thâm sâu được thỏa lòng thì những nhu cầu khác sẽ trở nên thứ yếu.
- Làm chủ bản thân qua việc vượt thắng ham muốn và lòng tham
“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.”
Erich Fromm
“Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm.”
“Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Có thể nói rằng lòng ham muốn là một trong những bản năng của con người. Ham muốn có thể hiểu theo nghĩa: thèm, muốn, ham… Cũng có thể hiểu rộng ra là tham lam và tham vọng. Tham lam có tính chiếm hữu, là vơ vét về cho mình, còn tham vọng là lòng ham muốn quá lớn, nhiều lúc vượt quá khả năng, khó có thể thực hiện được.
Không ai có thể vỗ ngực tự hào “tôi không có chút ham muốn, tham lam nào”. Trong ba điều huý kỵ “tham – sân – si”, chữ “tham” được đặt ở vị trí đầu tiên. Ngoài ra, con người chúng ta thường hay chìm đắm trong ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Có thể tóm như sau:
- Người ham muốn về tiền của thì mong sao có thật nhiều tiền càng nhiều lại càng muốn thêm.
- Người ham muốn về sắc đẹp, suốt đời rong ruổi đi “tìm hoa”. Thấy ai có sắc đẹp là “chân đi không rời”
- Người ham muốn về danh vọng thì suốt đời mãi đi tìm kiếm quyền cao, chức trọng.
- Người ham muốn ăn ngon thì suốt đời lân la bên những cao lương mỹ vị, quanh quẩn bên những bàn tiệc.
- Người ham muốn ngủ nghỉ thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên những chiếc giường, mất thì giờ và không làm được gì khác.
- Nguyên nhân của ham muốn
Ham muốn có nhiều mức độ khác nhau, từ một mơ ước tầm thường, một khao khát nồng nàn cho đến sự đam mê nghiện ngập, tất cả đều là những biểu hiện của lòng ham muốn.
Ai trong chúng ta cũng có những ham muốn và khát khao cho riêng mình. Khát khao nếu quá mạnh, quá cao, quá khó so với thực chất của mình, chúng ta gọi là tham vọng. Vấn đề là tham vọng đó tích cực hay tiêu cực mà thôi. Có người muốn kiếm thật nhiều tiền, có người khát khao thành công, có người đam mê quyền lực, có người muốn có vốn tri thức hơn người…
Lòng ham muốn sẽ đưa đến hành động để đạt được cái mà mình muốn sở hữu. Bản chất của ham muốn không mang tính tốt hay xấu mà chính cái đối tượng mà nó ham muốn, cái hành động để thỏa lòng ham có chính đáng hay không mới định tốt hay xấu. Ví dụ ham giàu là điều thường tình nhưng hành vi tham nhũng, gian xảo để giàu thì đó là điều xấu. Và khi ham muốn quá độ thì có thể nói đó là tham. Tham sẽ đưa đến dục. Khi đó trí tuệ và lương tâm bị che mờ và người đó có thể làm bất cứ điều gì để thỏa mãn. Có thể nói tham là khởi điểm của những điều tệ hại xấu xa. Tuy vậy, nếu con người còn biết làm chủ bản thân, trí tuệ và lương tâm còn sáng suốt để hướng dẫn lòng tham thì sẽ chuyển hướng cái tham đó theo con đường tốt. Khi đó nó biến thành năng lực giúp chúng ta đạt được mục tiêu chính đáng. Điều đáng nói là khi thỏa mãn được rồi thì chúng ta có thấy hạnh phúc và hết tham không? Dân gian thường nói “lòng tham vô đáy”. Đó là một thực tế dựa trên kinh nghiệm của bao đời người. Tục ngữ có câu “tham thì thâm”. Quá tham có nghĩa là kết cuộc sẽ đưa đến sự hư hại. Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta suy nghĩ thêm về vấn đề này.
“Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán: “Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi”.
Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, lả đi gần chết ở trong rừng. Ông ta lẩm bẩm: “Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai. Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!”
Trông người mà ngẫm đến ta. Bao phen chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta đã quên sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên những cảnh đẹp thiên nhiên, quên bạn bè, có khi quên cả danh dự và những giá trị đạo đức… Nhiều người khi tỉnh giấc thì không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa. Tiếc nuối và mất mát!!!
Ngay từ khi vừa ra khỏi lòng mẹ, chúng ta đã có những ham muốn, chúng đơn giản tự nhiên theo bản năng để tồn tại. Lớn lên, chúng ta ngày càng có nhiều nhu cầu hơn, và ham muốn cũng tăng theo. Có thể nói lòng ham muốn không giới hạn. Chúng ta cứ “đứng núi này trông núi nọ”. Thật ra, ham muốn là lẽ thường tình. Điều quan trọng là bản năng của chúng ta sẽ không phân biệt được đâu là ham muốn lành mạnh và thiếu lành mạnh, tích cực hay tiêu cực. Vì thế, chúng ta cần lý trí hỗ trợ, cần học hỏi, nhất là các bạn trẻ cần được dẫn dắt để có một nhận thức đúng đắn mới có thể phân biệt được chúng. Chúng ta biết rằng về khía cạnh tích cực, ham muốn là một động lực giúp chúng ta phấn đấu để vươn lên, nhưng nó lại trở thành tiêu cực nếu chúng ta không biết dừng mà để mình vượt qua khỏi giới hạn của đạo đức, luân lý xã hội, tôn giáo, và của tình thương nữa. Thánh Phaolô nói “Mọi sự đều có thể, nhưng không phải cái nào cũng đem lại lợi ích. Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng” 1Cr 10,23. Như vậy, chúng ta cần học chế ngự được lòng ham muốn của mình sao cho chúng ở một mức độ quân bình, thích hợp.
Trong hành trình cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng nên dừng lại, quay về với bản thân và tự hỏi điều đáng sợ nhất trong đời là gì, là ma quỷ, chiến tranh hay là ốm đau bệnh tật? là mất người yêu, là nghèo đói…? Không hẳn là những thứ đó đâu. Điều đáng sợ nhất đối với con người chính là lòng tham, là tham vọng. Tham vọng rất nhẫn tâm, nó có thể đưa con người đến những hành vi mất nhân tính. Nó biến một người bình thường thành một kẻ đầy thủ đoạn và âm mưu. Nó khiến cho cuộc sống yên ấm của một gia đình tan vỡ. Có những người, không kiềm chế được tham vọng của bản thân, để lòng tham chế ngự và điều khiển bản thân, bị người đời lên án, phỉ báng. Trên báo chí hằng ngày chúng ta đều thấy nhan nhản những hành vi vô nhân, biến chất như thế. Rõ nét nhất là trường hợp của Lê văn Luyện. Thật đáng lo cho giới trẻ nói riêng và xã hội chúng ta đang sống. Nỗi lòng chúng ta sẽ được đồng cảm hơn qua lời chia sẻ của luật sư Võ Thị Kim Nga (SGTT.VN) sau đây:
“Hơn 20 năm đứng trước tòa bào chữa, tôi từng gặp nhiều người là con ngoan, hiếu thảo, từng là những mẫu mực để người khác ngưỡng mộ nhưng rồi chỉ vì lòng tham, họ biến mình thành người khác hẳn: mưu mô, gian xảo và tìm mọi cách để đoạt được điều mình muốn dù phải giẫm đạp lên người khác. Họ đánh mất lòng nhân, sự trắc ẩn bởi sức mạnh đồng tiền. Tàn nhẫn và lạnh lùng…”
Ngay đến cha mẹ, bạn bè và anh em ruột thịt, họ cũng không buông tay. Kết quả họ nhận được là những gì? “Giết người đi thì ta ở với ai ?” Rốt cuộc họ sống với ai? Có lẽ chung quanh những người chạy theo lòng tham chỉ là những tên ton hót, nịnh bợ, là những người thích lợi dụng và dựa dẫm vào họ mà thôi. Sự nhẫn tâm đã giết chết tình yêu thương mà người thân và xã hội dành cho mình. Cái giá đó không gì có thể bù đắp được.
Làm gì có được điều mình muốn dễ dàng nếu không phải trả một cái giá nào đó. Một khi lòng tham không có điểm dừng, thì chúng ta khó mà rút chân ra được. Người tham biến mình thành kẻ đáng sợ, là hung thần trong mắt người khác.
Nếu như tham vọng không có điểm dừng, chúng ta sẽ như những con thiêu thân sẵn sàng lao vào ánh sáng dù bỏ mạng cũng không hối tiếc. Với hai tay trắng chúng ta đến với đời, cuối đời cũng ra đi với hai bàn tay không. Hãy nhớ rằng, dù chúng ta có làm gì, bí mật đến đâu rồi cũng có lúc sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Hậu quả không chỉ mình gánh chịu mà còn cả cha mẹ, vợ/chồng cùng những đứa con thơ vô tội, những người mà chúng ta yêu thương bị vạ lây. Đừng đánh mất cuộc đời bởi tham vọng không có điểm dừng. Chuyện ngụ ngôn sau đây thật ý vị, đáng cho chúng ta suy nghĩ:
“Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào giậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.
Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập nên không thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.
Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng.”
Lòng tham muốn quá độ làm cho người ta xao xuyến, nô lệ, mất hết tự chủ. Một khi đã bị lòng tham điều khiển thì con người sẽ gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Lòng tham muốn quá độ còn làm cho con người tối mắt với những sự phải trái. Ðã tham muốn, thì không bao giờ thấy mình đầy đủ cả. Ngạn ngữ có câu: “Biển kia dễ lấp, túi tham khó đầy”. Thật đúng như thế, khi lòng tham, sự ham muốn là cái thùng không đáy thì làm sao có thể lấp đầy được.
“Trái tim thật nhỏ, nhưng lại khao khát những điều to lớn. Nó chẳng đủ để làm bữa tối của một chú diều hâu, thế nhưng toàn bộ thế giới đều không đủ đối với nó.”
Francis Quarles
“Tham lam” là tâm lý chung của phận người. Số người kiềm chế được lòng tham trong cuộc sống rất hiếm. Tính tham cũng sản sinh ra nhiều đàn con có bộ mặt bủn xỉn, keo kiệt, hà tiện, “trùm sò”… và rồi dễ trở nên người bần tiện. Hệ quả của lòng tham chính là sự bất an, lo sợ. Dù là quan hay dân, tham thì lúc nào cũng lo sợ bị tố cáo, bị trị tội vì vậy phải che đậy bằng mọi cách như chối quanh, đổ thừa… rồi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ cái họa nhỏ đến cái họa lớn hơn.
- Khắc phục lòng tham lam, ham muốn
2.1. Chế ngự ham muốn
Chế ngự lòng ham muốn đồng nghĩa với việc thắng được chính mình! Nếu như có những ham muốn có thể thúc đẩy chúng ta sống vươn lên thì cũng có những ham muốn lệch lạc, vô bổ là nguyên nhân của hầu hết những tai ương, khổ đau, mất mát trong cuộc đời. Nói đến khổ đau chắc không ai thoát được cái gánh ấy. Nhưng nếu biết chế ngự những ham muốn của mình, chúng ta có thể giảm thiểu được phần lớn những khổ đau đó. Cần phải từ bỏ, loại đi những ham muốn không lành mạnh như người làm vườn tiêu diệt cỏ dại. Điều quan trọng và khó khăn đó là liệu chúng ta có đủ sức mạnh, ý chí để từ bỏ nó không. Thông thường bác sĩ khuyên bệnh nhân đừng hút thuốc, nhưng mấy ai từ bỏ được ham muốn này. Những người không biết dừng những ham muốn quá độ của mình, cũng sớm muộn gì họ sẽ rơi vào những cơn nghiện, mà đã nghiện thì thật sự rất khó bỏ. Nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện cá độ, nghiện ma túy, nghiện games online, nghiện lướt Web, nghiện tình dục và ngay cả nghiện việc nữa có dễ gì từ bỏ đâu. Đời nào thì cũng bấy nhiêu cám dỗ: tình, tiền, quyền… và dẫu biết, biết rất rõ nữa là đàng khác rằng “Chừa được thứ nào hay thứ đó” nhưng rồi thì “Có chăng chừa rượu với chừa trà.” Điều này cho thấy, tự thắng được những ham muốn của chính mình thật không đơn giản. Tuy nhiên, không gì là không thể làm được nếu có quyết tâm cao, nghị lực và ý chí lớn, bền bỉ… Khó nhưng mọi sự đều có thể nếu chúng ta có đủ quyết tâm và kiên trì.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta không cần sức mạnh bên ngoài trợ giúp, nhất là các bạn trẻ. Một môi trường lành mạnh, những người chung quanh động viên, hỗ trợ và thừa nhận những nỗ lực của mình thật đáng quý. Bên cạnh đó, chúng ta đừng quên hệ lụy của những ham muốn quá độ. Khi có được điều mình muốn rồi, điều còn lại trong lòng chúng ta là gì? Có lẽ là sự dằn vặt, hối hận và nuối tiếc. Nếu cứ buông mình theo những ham muốn quá độ như thế thì ta thật vô trách nhiệm với bản thân, làm mất đi những phẩm chất tốt đẹp của mình, cũng như mất đi điều kiện để phát triển. Về một phương diện nào đó chúng ta có thể nói người không chế ngự được ham muốn của mình là đang phản bội lại chính mình!
Trong Khế Kinh có nói: “Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý”. Vì thế các vị thánh hiền có khuyên chúng ta bốn chữ thật là quý giá: “Thiểu dục và tri túc”. Thiểu Dục là muốn ít; tri túc là biết đủ. Nếu lòng tham làm cho chúng ta khổ sở, bất an bao nhiêu thì thiểu dục tri túc lại đem lại an bình bấy nhiêu. Nhờ thiểu dục tri túc mà chúng ta biết chia sẻ, giúp đỡ những ai cần khi có thể, biết trải lòng mình ra để cho và đón nhận tình yêu thương. Nhờ thiểu dục tri túc mà con quỷ dục vọng và tham lam mất hết quyền hành. Chúng không điều khiển, sai khiến được mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất tham muốn nữa thì lòng người bắt đầu được tự do giải thoát.
2.2. Biết dừng là biết sống
Trong cuộc sống, đừng để công việc và những ham muốn cuốn mình đi. Dừng là thượng sách! Cố tìm những niềm vui bình dị. Quanh chúng ta không thiếu đâu! Chỉ khi biết tiết chế lòng tham, hoá giải sự cố chấp trong lòng và vơi bớt đi niềm si mê của bản thân, cuộc sống mới nhẹ nhàng hơn. Những người có lửa tham nung nấu trong đầu thì lúc nào cũng luôn thấy mình thiếu thốn, thiếu món này lại thấy thiếu món khác, thèm khát mãi không lúc nào được toại ý cả, không toại ý lại càng thêm đau khổ. Vì vậy chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Điều này được chứng nghiệm qua cuộc đổi đời của nghệ sĩ Tô Thanh Tùng khi ông đối diện trước bịnh nan y. Sau đây là trích đoạn những nhận định và cuộc phỏng vấn của PGS TS Nguyễn Hoài Nam mà báo Tuổi Trẻ đã ghi lại:
“Hơn một năm tôi mới gặp lại nhạc sĩ Tô Thanh Tùng – tác giả của những ca khúc Xót xa, Tình cây và đất, Đi giăng câu… Trông ông khỏe, nhanh nhẹn hơn lần gặp trước rất nhiều và trẻ hơn cái tuổi gần 70.”
PGS Nguyễn Hoài Nam: Tôi ngạc nhiên về sự thay đổi này, ông có bí quyết gì mà thay đổi ngoạn mục vậy?
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng: Muốn được khỏe mạnh chúng ta phải bỏ bớt lo âu, suy nghĩ tính toán của đời thường, giảm bớt stress, những ham muốn tham vọng… để cuộc sống thêm phần an lành, giấc ngủ không còn mộng mị trằn trọc. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, tùy thuộc rất nhiều vào cái tôi của mỗi người và tùy thuộc hoàn cảnh. Nhưng nếu chúng ta làm được như vậy thì cuộc sống là thần tiên và sức khỏe sẽ được viên mãn.
Tôi từng có tiền tài, danh vọng và nhiều thứ khác nữa, nhưng vì quá đam mê những chuyện phù du đó mà tôi cũng mất hết tất cả, kể cả sức khỏe. Lang thang mãi trên đường đời, nuối tiếc thời oanh liệt nên làm đủ mọi chuyện để níu kéo nó. Nhưng rồi cả sức khỏe cũng đội nón ra đi. Bây giờ mình ngộ ra rồi, mọi chuyện cũng ổn từ khi ngộ ra.”
May mà nhạc sĩ Thanh Tùng còn có cơ hội “ngộ ra”: Càng ít tham vọng, cuộc sống càng hạnh phúc!
Hạnh phúc là trạng thái thỏa mãn tâm lý bắt nguồn từ mảnh đất nhu cầu của con người. Platon đã từng nói rằng dục vọng được chia làm 3 loại:
- Có loại dục vọng là tất yếu, là tự nhiên
- Có loại dục vọng là tự nhiên nhưng không tất yếu
- Có loại dục vọng không tự nhiên cũng không tất yếu.
Ông còn cho thấy rằng chỉ có dục vọng tự nhiên và cần thiết mới có liên quan tương ứng với hạnh phúc. Hay nói cách khác nhu cầu của con người ngày càng nhỏ thì càng dễ được thỏa mãn.” Trích sách: “Làm thế nào khi lựa chọn sai”.
“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức, con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.”
Erich Fromm
Tóm lại, những ai bị lửa tham muốn nung nấu trong đầu, thì lúc nào cũng thấy mình thiếu thốn, thèm khát mãi không lúc nào được toại ý cả. Vì vậy mà chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bằng lòng với những gì mình đang có, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào ta cũng luôn làm chủ mình để không bị nô lệ dục vọng, Thực tế cho thấy lòng ham muốn nhiều không mang lại hạnh phúc chân thật mà chỉ là khổ đau. Cần sống thiểu dục tri túc mới mang lại cho chúng ta niềm vui chân thật và đích thực.
- Làm chủ bản thân, không chỉ sống cho riêng mình
“Chúng ta không thể chỉ sống cho bản thân. Có hàng ngàn sợi dây buộc ta với đồng loại.”
Herman Melville
Giáo hội luôn thừa nhận: “Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách”
“Trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50).
“Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội.”
“Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa” (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).
Mạnh Tử đã cho chúng ta lời nhận định về triết lý nhân sinh của mình như sau: “Trọn hết cái tâm của mình thì biết cái tính của mình. Biết được cái tính của mình thì biết đến Trời vậy. Giữ được cái tâm của mình, nuôi được tính của mình là để phụng sự Trời vậy.”
Nếu “cái Tâm” của chúng ta không được hun đúc tu luyện và làm trong sáng, nhạy bén theo thời gian, thì con người chúng ta dần trở nên tối tăm, khô cằn, què quặt. Thật ra, giữ được cái tâm, nuôi được cái tính là chuyện không dễ dàng chút nào giữa cảnh đời muôn mặt đổi thay nhất là giữa các thế lực của “bóng tối” là dục vọng nằm sâu bên trong mỗi người. “Cái tâm” của chúng ta có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không có nhận thức đúng đắn về mình.
Truyện cổ Ấn Độ kể rằng có một chú chuột nhắt bị trầm uất thê thảm vì lúc nào cũng phập phồng lo sợ các chú mèo. Một pháp sư thấy vậy nên thương tình biến nó thành mèo. Thế nhưng chú mèo đó lại sợ chó.
Pháp sư lại hóa phép cho nó thành chó. Sau khi đã thành chó, nó đâm ra sợ con báo. Thế là pháp sư phải biến nó thành một con báo.
Bấy giờ nó lại sợ đám thợ săn. Tới như vậy rồi thì vị pháp sư cũng đành bó tay. Ông suy nghĩ và biến nó trở lại thành chú chuột nhắt như trước kia, và nói: “Tao có biến mày thành giống gì đi nữa thì cũng vô ích thôi, bởi vì cái tâm của mày vẫn là cái tâm con chuột”.
Cuộc sống của chúng ta cũng không khác gì. Thay đổi hình thức hay tính cách bên ngoài cũng chẳng đi đến đâu. Điều quan trọng là trở nên chính mình như mình đã được sinh ra với “tính bản thiện” .
Giữ vững và phát sáng cái chân tâm của mình giữa cuộc sống “ba chìm bảy nổi” này đó mới là làm nên chính mình. Biết tận dụng mọi cảnh đời mà chúng ta đã, đang và sẽ trải qua như những chất liệu để xây dựng bản thân mình, để trở nên chính mình. Đó mới là con đường chúng ta phải đi, cái đích chúng ta nhắm đến!
Không phải những thay đổi bên ngoài làm cho chúng ta đạt tới phẩm chất làm người mà là những thay đổi bên trong từ chính thâm tâm của mình, một cái tâm được khơi trong gạn đục để trở nên sáng và nên cao quý giữa cuộc đời tục lụy này. Để làm được như thế, mỗi ngày chúng ta cần đối diện với chính mình. Điều này đòi hỏi chúng ta biết nhận định về bản thân và làm sáng tỏ cái tâm thiện của mình, cái tâm nhạy bén với nỗi đau của đồng loại và với cả muông thú, cỏ cây nữa, và dám sống là chính mình với một tâm hồn đơn sơ, hồn nhiên trong sáng và an bình.
Có lẽ trong con người, điều quý giá nhất chính là Lòng nhân. Lòng nhân ái là sự thể hiện của “tính bản thiện” nơi mỗi người. Lòng nhân chính là gốc rễ của các hành vi khác. Hãy để những gì chúng ta làm đều phát xuất từ lòng trắc ẩn, từ lòng yêu thương người khác, từ cái tâm. Cái tâm trong mỗi người cần được nuôi dưỡng, phát huy, giữ cho sáng, và cần phải được xem lại thường xuyên để giữ độ nhạy bén, trong sáng trước cám dỗ và bụi bặm của bên ngoài xã hội. Những thế lực đen tối, xu hướng quay về những điều dễ dãi, lòng tham và dục vọng… đang chực sẵn trong lòng mỗi người.
Kinh nghiệm sau đây nói lên bài học về lòng nhân ái tuyệt diệu của sư thầy Sri Yukteswar. Có lẽ dư âm của nó khó phai trong cuộc đời của nhà sư trẻ Mukunda. Một gương sống cụ thể, tốt lành của thầy đã lay động lòng người môn đệ còn hơn nhiều năm đèn sách, tu luyện. Chính người môn đệ ấy đã ghi lại như sau:
Chỉ những ai biết cống hiến chân tình và vị tha, biết từ bỏ và cho đi mới trải nghiệm niềm vui sâu xa của cuộc sống và sự sung mãn thật sự. Theo Lưu Dung, “Xã hội này thật có nhiều điều, nhiều nơi để cống hiến. Ngoài những vật hữu hình, chúng ta còn cung cấp cho mọi người sự cổ vũ, khích lệ tinh thần khiến cho thế giới này đâu đâu cũng tràn đầy niềm vui.”
Hiện nay, đời sống vật chất ở thành thị hay thôn quê, ít nhiều đều được cải thiện, nhưng đời sống tinh thần lắm khi lại bị tụt hậu. Bao nhiêu người nhận xét về sự băng hoại trong thực tế về mặt đạo đức và giá trị tinh thần. Một tác giả vô danh đã đề nghị chúng ta “nên suy nghĩ lại” vì:
- Chúng ta ngày càng có nhiều cao ốc hơn, và nhiều xa lộ rộng hơn, nhưng lòng khoan dung lại thấp đi và tinh thần hẹp hòi hơn…
- Chúng ta nói năng nhiều hơn, nhưng yêu mến ít và lòng thù ghét quá nhiều…
- Chúng ta có của cải tăng nhiều lần, nhưng giá trị mình giảm lại…
- Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng luân lý đạo đức kém đi…
- Chúng ta đã lên mặt trăng và trở về trái đất, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi băng qua đường để thăm người hàng xóm…
Niềm vui thanh nhã và sâu lắng chính là những lúc quên mình và sống cho người khác. Chúng ta rất cần giúp nhau mở lòng, mở hầu bao, mở cửa nhà mình để chia sẻ, và để làm sao cho:
- “Hương thơm trong nhà nho nhỏ của mình lan tỏa đến nhà bên cạnh và đến nhiều người càng tốt;
- Niềm vui chật hẹp của mình lan rộng tới mọi ngõ ngách của xã hội;
- Lò lửa trong nhà chúng ta sưởi ấm mọi trái tim lạnh giá;
- Ngọn đèn trước thềm nhà chiếu sáng đường đi cho người về khuya…”
Sống cho người khác lại làm cho cuộc sống chúng ta trở nên sung mãn hơn, nhẹ nhàng hơn, ý nghĩa và phong phú hơn.
“Chính lúc hiến thân là lúc nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”
Francis Assisi
Chúng ta cần chia, cần cho, cần cống hiến những gì mình có, và rồi chúng ta sẽ nhận lại niềm vui tinh thần. Người ta thường nói rằng: Khi xức nước hoa cho người khác, chúng ta cũng được thơm lây. Thật ra, đây không phải là điều chúng ta tìm kiếm, không phải vì lợi lộc cho chính mình, nhưng thực tế đã cho thấy, người đầu tiên nhận hoa trái của sự tốt lành, quảng đại chính lại là bản thân người đã cho đi vì thường khi: “Từ nụ cười của người khác, ta nhìn thấy nụ cười của chính ta.” (Lưu Dung)
Trong Đạo Đức Kinh, Thầy Khổng Tử đã nhắc nhở chúng ta: “Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì chúng không sống cho riêng mình, mà sống cho vạn vật nên mới trường cửu.” Các thánh hiền xưa cũng đã răn dạy chúng ta luôn để ý đến cái ích lợi cho người khác. Cụ Nguyễn Công Trứ đã thao thức và căn dặn hậu thế:
“Làm quan cốt để giúp đời,
phải đâu riêng hưởng một đời ấm no.”
Những người sống cho người khác đều đáng kính, và nhất là đáng tin. Sách Luận Ngữ đã nhắc nhở: “Người nào coi trọng sự hy sinh cho thiên hạ, thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào đem thân mình vui vẻ phục vụ thiên hạ, thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.”
Tinh thần vì người khác, vì ích chung luôn được các tôn giáo chú trọng. Trong bất cứ xã hội nào, các nhà hiền triết và thánh hiền cũng như hàng lê thứ đều giáo dục thế hệ trẻ biết sống và thực thi tinh thần “mình vì mọi người”. Tuy thế, dường như trong xã hội ngày nay, điểm son của tính vị tha và hướng tha bị phai mờ vì chủ trương lợi nhuận của kinh tế thị trường. Chủ nghĩa cá nhân đã và đang ảnh hưởng lên cách sống, cách ứng xử của nhiều người, nhất là giới trẻ. Ước mong những người lớn tìm cách chuyển tải và duy trì những giá trị truyền thống cao cả này cho thế hệ mai sau.
Tuổi trẻ chưa có bạc vàng hay của cải gì, nhưng có tấm lòng. Lòng tốt luôn có phản hồi, vì những gì đã gieo, chúng ta sẽ gặt lại. Hoa quả đầu tiên là sự kính trọng, niềm vui sâu xa và an bình nội tâm của kẻ không chỉ sống cho riêng mình. Dân gian thường nói:
“Người ta kính trọng bạn
không phải vì những gì bạn đã nhận được,
sự kính trọng là phần thưởng
dành cho những gì bạn đã cho đi.”
Dòng đời luôn chảy theo hướng: Cho là nhận – và nhận là để cho đi như:
“Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những dòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.”
Hương Bình
Chính khi chúng ta tạo cho người khác cơ hội thì đừng cho rằng đó chỉ là đem lại lợi ích cho người khác, mà kỳ thực cũng là đem lại một cơ hội cho bản thân ta. Về phương diện này, Anthony de Mello có kể câu chuyện rằng:
“Một nông gia trồng bắp có thói quen đem giống bắp tốt nhất của mình biếu không cho bà con lối xóm, nhưng năm nào ông cũng giựt giải nhất ở hội chợ nông sản của toàn tiểu bang.
Khi có người hỏi nguyên do, ông giải thích, “Thật ra cũng vì lợi ích của mình thôi. Gió thường thổi phấn hoa bay tứ tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Vì vậy, nếu hàng xóm trồng giống xấu, thì hiện tượng thụ phấn hỗn hợp sẽ làm giảm phẩm chất thứ bắp của tôi. Do đó, tôi cũng phải liệu cho họ trồng giống bắp hảo hạng như tôi”.
Những gì chúng ta tặng cho tha nhân là tặng cho chính mình vậy! Thường thì không mấy ai nghĩ đến những gì sẽ xảy ra khi mình chia sẻ, hay làm gì cho người khác. Chúng ta làm theo sự mách bảo của con tim, theo những gì mình cảm thấy cần làm, vì nhu cầu của người anh em đồng loại. Nhưng chuyện đời thường cho chúng ta thấy: những gì mình gieo vãi, mình sẽ gặt được, và được gấp bội. Chính lúc không chờ, nhiều chuyện bất ngờ có lợi cho chúng ta xảy đến.
Những người có lòng cảm thương, con tim nhạy bén trước nỗi đau của người khác thường có những phản xạ rất chính xác. Trực giác sẽ mách bảo cho chúng ta những gì cần làm. Chúng ta cần tỉnh thức và lắng nghe tiếng lòng mình. Đó là những lời mách bảo đầy tình và ý nghĩa. Xin đừng bỏ qua. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều này.
“Chị tôi dành dụm vốn liếng định mua một mảnh đất ở ngoại thành. Hẹn được với người ta mang tiền đến đặt cọc, chị vội vã gọi taxi. Dọc đường, chị bắt gặp một đoàn nam phụ lão ấu hớt hơ hớt hải bồng một cô bé bị trâu húc vẫy xe xin đi nhờ lên Hà Nội cấp cứu. Chị tôi lập tức bảo anh lái xe quay xe, đưa cô bé con, người mẹ, và cả chị thẳng về Hà Nội. Mẹ cô bé tê liệt vì sợ hãi, chỉ biết ôm con khóc ròng. Một mình chị lo toan cho cô bé vào phòng cấp cứu, nhập viện, thậm chí đóng luôn cả tiền viện phí khi biết người mẹ không có nổi 100 nghìn trong túi. Khi chắc chắn là cô bé an toàn, chị mới trở về nhà, không bao giờ nhắc đến chuyến xe ấy tốn kém bao nhiêu, tiền viện phí thế nào, hay buồn vì mảnh đất ưng ý kia không kịp đặt cọc đã qua tay người khác. Và cứ đến Tết, nhà chị lại có thêm những người khách từ quê ra.
Sự bình an, những quyết định đơn giản mà quyết liệt, đó là dấu hiệu của những người có trái tim to trong lồng ngực nhỏ, những người luôn ý thức những gì nhận được là để sẻ chia!
Có khi nào trên đường đời tấp nập,
Ta vô tình đi lướt qua nhau,
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất,
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu!
“Vô Tình” – Bùi Minh Quốc
Có lẽ “Một tâm hồn đang đợi đã từ lâu” để được giúp đỡ là chú bé Lula sau đây. Ai ngờ được cái duyên giữa chú bé đánh giày Lula và ông chủ tiệm giặt ủi thuở nào đã làm nên một sự kiện đáng nhớ cho cuộc đời Lula và đất nước Ba Tây được khởi đầu với 2 đồng bạc chia đôi.
“Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại một gia đình nông dân ở Ba-Tây (Brazil). Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đậu phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách, thì coi như là nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố. Ba đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: “Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng”.
Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. 3 cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!“ Đứa khác nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn.”
Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đứa đó mỗi đứa 1 đồng!”
Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên.
Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”
Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, ông chủ tiệm đã trả cho hắn 2 đồng bạc, sau khi được hắn đánh bóng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.
Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.
Thằng bé hiểu rằng: Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên Trời mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.
Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình.
Sau Lula nghỉ học đi làm thợ trong một nhà máy. Để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công đoàn. Năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao Công.
Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng thống, khẩu hiệu của Lula là: Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và ông đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 ông đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới . Trong 8 năm tại chức, ông ta đã thực hiện đúng lời mình đã hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Ông đã thực hành đúng tâm niệm: giúp đời!!
Và nước Ba-Tây dưới sự lãnh đạo của ông đã không còn là “con khủng long nhai cỏ” mà đã trở nên “Con mãnh sư Mỹ Châu” và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới. Luiz Inácio Lula da Silva đó là tên của vị tổng thống vừa giải nhiệm vào 31.12.2010.”
Sống cho người khác không phải chỉ là giúp đỡ vật chất, chăm sóc tận tình khi cần nhưng có khi chỉ là lắng nghe chân thành, hay dành một chút thì giờ cho ai đó. Thậm chí một nụ cười cũng làm thay đổi nhiều chuyện như câu chuyện thật đơn giản và ý vị sau đây:
“Có một cô gái cười với một người xa lạ rầu rĩ. Nụ cười làm cho anh ta cảm thấy phấn chấn hơn. Anh nhớ đến sự tử tế của một người bạn cũ và viết cho người ấy một lá thư cảm ơn.
Người bạn này vui sướng vì nhận được thư của người bạn cũ lâu ngày không gặp đến nỗi, sau bữa trưa anh boa một món tiền lớn cho chị hầu bàn.
Chị hầu bàn ngạc nhiên vì món tiền boa quá lớn, đã quyết định mang tất cả đi mua xổ số và trúng số. Ngày hôm sau chị đi nhận giải và cho một người ăn mày trên phố một ít tiền lẻ.
Người ăn mày rất biết ơn vì đã hai ngày nay anh ta chẳng được ăn gì. Sau bữa tối anh ta trở về căn phòng tối tăm của mình. Trên đường về, anh ta thấy một chú chó con đang rét run cầm cập, anh mang nó về để sưởi ấm cho nó.
Chú chó rất vui mừng vì được cứu khỏi cơn bão tuyết sắp đến gần. Ðêm ấy, trong khi mọi người đang ngủ say thì ngôi nhà bốc cháy, chú chó con sủa róng riết. Chú sủa cho đến khi đánh thức tất cả mọi người trong nhà dậy và cứu tất cả mọi người thoát chết.
Một trong những chú bé được cứu thoát đêm ấy sau này trở thành bác sĩ tìm ra một loại vắc-xin chữa khỏi một căn bệnh vô cùng nguy hiểm cho loài người. Tất cả là nhờ một nụ cười.”
Cuộc sống của chúng ta ngày nay quá vội vàng, tất bật, ngắn ngủi. Tình người thường mong manh, dễ vỡ. Giữa vòng xoáy cuộc sống bon chen, ồn ào này, nhiều lúc chúng ta quên đi người bên cạnh, có khi cả người thân yêu nhất. Có lẽ thỉnh thoảng chúng ta cần dừng lại để yêu thương hay để cảm nhận sự yêu thương; dừng lại để soi lòng, để nhìn lại xem có phải chúng ta đã quá vô cảm, quá lạnh lùng; dừng lại để xem từ bao lâu rồi chúng ta đã không còn rung cảm, nhói đau vì vết thương của một ai đó, bao lâu rồi chúng ta chỉ biết yêu mình! Bao nhiêu lần chúng ta đã không sẵn sàng đưa tay cho người đang chìm nắm lấy hoặc lờ đi trước nhu cầu của một ai trong lúc chúng ta có thể giúp họ? Thật vậy, “Tình yêu và lòng tốt không hề bị lãng phí. Chúng luôn tạo nên một ý nghĩa nào đó. Chúng ban phước cho người nhận được, và chúng cũng ban phước cho bạn, người trao tặng” (Barbara De Angelis).
Nếu nói đến những câu chuyện đầy tình, ấm lòng, hay những hành vi vô tâm vô cảm của con người thì vô số kể. Chúng ta chỉ cùng nhau nhìn lại như một cách hâm nóng trái tim mình, để đừng quên rằng “Khi tôi nằm xuống, tôi chỉ đem theo những gì tôi đã cho đi” thôi!
“Không sống cho riêng mình” hay sống cho người khác đã được nhà thơ Tố Hữu thi vị hóa bằng những lối ví von duyên dáng như sau:
“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình?
Khi một người sống hết mình vì người khác, thì cũng đồng nghĩa với việc người đó đã đi qua chính bản thân mình. Đây là một trong những dấu hiệu chắc chắn của người trưởng thành rồi vậy!
- Làm chủ bản thân và tạo một cuộc sống đầy ý nghĩa
“Chỉ khi nào chúng ta hiểu được giá trị và ý nghĩa cuộc sống, thì ta mới thực sự có được niềm vui sống”
Lưu Dung
“Giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm… Tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.” (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Cuộc đời mỗi người hàm chứa biết bao giá trị tiềm ẩn, bao ý nghĩa cao đẹp. Điều quan trọng vẫn là nghệ thuật khám phá những “viên ngọc quý chôn giấu, trong thửa ruộng” đời mình. Có người biết tìm cách để tậu cho được nó. Có người hời hợt, chỉ thấy những vẻ sần sùi, hay bùn đất bao quanh viên ngọc mà thôi!
Có lẽ một trong những thao thức lớn của mỗi người, đặc biệt các phụ huynh và các bạn trẻ là làm sao nhận ra những giá trị thật trong cuộc đời, và có đủ nghị lực để tìm kiếm, để theo đuổi và để dựng xây. Giá trị cuộc sống muôn mặt, nhưng có những điều thật cơ bản, đem lại chất lượng cho đời sống chúng ta: Ý nghĩa. Phải, một cuộc đời có ý nghĩa khác với một cuộc đời hạnh phúc.
Hạnh phúc, có người xem đó chỉ là một cánh hoa nở, là kết quả của một tiến trình dài vun quén, làm chủ bản thân và vượt qua bản thân… Nếu hạnh phúc chỉ như một cánh hoa nở rộ thì nó mong manh và ngắn ngủi lắm vì hoa đâu có nở mãi trong đời mình hoặc có hoa nào nở mà không tàn? Nếu có, đó chỉ là hoa giả mà thôi.
Cuộc đời có ý nghĩa thì khác. Cuộc đời có ý nghĩa đem lại những “lý do” cho những hành động. Như người trồng hoa cảm thấy vui với cái ý nghĩ tại sao mình trồng hoa, tại sao lại là loại hoa này, tại sao lại trồng nơi này và lúc này, trả lời được hai chữ TẠI SAO giúp chúng ta phần nào sống ý nghĩa của những việc mình làm. Niềm vui đã khởi sự từ lúc manh nha trồng hoa, niềm vui còn tiếp tục trong việc tại sao tôi phải chăm bón cho cây tươi tốt, tại sao tôi phải tỉa cành cắt ngọn. Niềm vui còn ở trong sự khám phá mỗi ngày hoa, lá lớn lên, thay sắc đổi màu. Ý nghĩa cuộc đời là tìm lời giải thích về những việc mình làm, làm với ý thức, với tự do và làm với hết sức mình vì mình đã chọn, đã biết cái lý của những chọn lựa và hành động của mình.
Mỗi người đặt ý nghĩa đời mình trên nhiều lãnh vực khác nhau: Tình yêu, sự nghiệp, gia đình, khám phá, phục vụ, thực hiện ước mơ, đạt đến một giá trị… Thật ra, những điều có lẽ vô nghĩa hay thường tình đối với người này lại có thể rất có giá trị đối với người khác. Ví dụ một thanh niên có thể thích làm một quân nhân để bảo vệ tổ quốc, nhưng có thanh niên khác tìm cách chạy chọt để khỏi vào quân ngũ. Có người xem việc sống ngay thẳng, trung thực là một giá trị, trái lại có kẻ thấy rằng thẳng ngay chẳng có nghĩa gì, miễn sao đạt được điều mình muốn!
Khi thực hiện được ước mơ hay sống theo giá trị mình muốn, người trẻ sẽ thấy đời mình có ý nghĩa. Những gì có giá trị thường mang tính tích cực. Nó nâng tinh thần lên cao, đem đến cho con người sự hài lòng, thanh thản, và niềm vui; một thứ niềm vui thanh tao, nhẹ nhàng, tiềm tàng và sâu lắng, không xáo động nhưng dai dẳng không để lại di chứng hoặc có “phản ứng phụ”. Tuy nhiên, những gì có giá trị thường không dễ có được. Nó đòi hỏi trả giá bằng cố gắng, kiên tâm, bằng hy sinh và tự chủ…
Không phải hạnh phúc nào cũng phát xuất từ những gì có giá trị. Hạnh phúc có thể làm cho lòng phấn khởi và bay bổng nhưng cũng không thiếu những điều có thể đem lại hạnh phúc tạm bợ. Như cái vỏ ngọt của một quả đắng, như một liều á phiện, hạnh phúc có thể đưa người dùng lên cao, ngất ngây trong giây lát nhưng cái vị mà nó đem lại về sau thì khó mà nuốt nổi.
Ví dụ: một người rất hạnh phúc vì đã có một việc làm sau bao năm vất vả học hành. Có người cảm thấy hạnh phúc khi mua được một chiếc xe gắn máy sau nhiều năm tháng tiết kiệm. Cũng có những người hạnh phúc vì vừa trả được một mối thù hoặc vừa kiếm được một số tiền lớn do mánh mung đem lại. Có những đôi bạn trẻ chưa có đủ thời gian tìm hiểu hay chỉ mới biết nhau đã trao gởi thân xác để rồi nếm những quả đắng không thể nào quên. Hạnh phúc mong manh, chóng qua. Hạnh phúc đích thật thường “chắt lọc từ nỗi đau…” nghĩa là hạnh phúc thật chỉ đạt được từ nỗ lực, từ cố gắng và phải trả giá bằng thời gian, bằng khổ nhọc và hy sinh… Nhưng có bạn trẻ không đủ kiên nhẫn để chờ, để đợi, để xây đắp, mà chỉ thích ăn quả non, vậy làm sao tránh được vị chua, vị chát…
Thử hỏi với một người lương tâm còn nhạy bén, sau khi trả được thù rồi hay kiếm được nhiều tiền rồi, lòng mình sẽ cảm thấy như thế nào? Đôi bạn trẻ kia rồi sẽ ra sao nếu sau đó không được cưới nhau hay có một “nhóc con” không chờ, không đợi mà lại ra đời hay bị vướng một thứ bệnh truyền nhiễm? Nhiều người cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc sau những ngụm rượu hay khói thuốc, sau những ngày lang thang làm theo ý muốn riêng… Hạnh phúc có thật đấy, nhưng khó mà tránh khỏi những hệ quả đau lòng và mất mát.
Còn sống có ý nghĩa thì khác. Có người tìm ý nghĩa đời mình trong một phát minh hữu ích cho đời như một số nông dân đã tự sáng chế ra máy tuốt lúa hay cải tiến cây ăn trái thêm ngon, thêm ngọt và thêm quả… Những gì góp ích lớn, nhỏ cho đời đã là có ý nghĩa rồi. Không cần phải lớn lao như phát minh của các nhà bác học, hy sinh của các vị anh hùng hay các tác phẩm của những nhà đại trí thức đâu!
Bạn trẻ đầy nhiệt huyết, dấn thân vào những việc giúp đỡ người khác trong nhiều lãnh vực và nhiều mức độ khác nhau, không quản ngại công lao, khó nhọc để góp phần cho người khác bớt khổ hoặc thêm vui, đó là sống có ý nghĩa. Tận tụy lo cho mẹ cha hay cho những ai không cửa không nhà, đau khổ thể xác hoặc tinh thần, hiến máu nhân đạo, tình nguyện tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” làm công tác xoá mù chữ, góp phần xây dựng cộng đồng… là đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình và bao cuộc đời khác nữa.
Cuộc đời đầy ý nghĩa không vì có đầy đủ về vật chất hay tình cảm, thành đạt hay giàu sang, lành mạnh hay tài năng. Cuộc đời đầy ý nghĩa chỉ khi ta tìm ra một giá trị, một lý giải cho những gì ta làm, ta sống hay đang trải qua.
Những bạn trẻ thao thức về ý nghĩa đời mình thân mến, ý nghĩa không khó tìm, không đắt tiền hay đòi hỏi một sự trả giá khá cao. Ý nghĩa có thể tìm thấy trên nhiều lãnh vực, trong nhiều thời điểm và nơi nhiều cảnh đời khác nhau. Hãy tìm, bạn sẽ gặp.
Trong thực tế, thanh thiếu niên nhận ra niềm vui khi học hành, chơi banh, ca hát… và hàng chục điều thích thú khác. Điều cần chú ý đó là làm thế nào để sống hòa hợp giữa nhiều lãnh vực khác nhau, giữa các mục tiêu, tư tưởng, cảm xúc và hoạt động cũng như những năng lực nội tại. Quan trọng là dùng mọi sự như thế nào để có hiệu quả hay làm cho bản thân “LỚN LÊN” và phát triển.
Khả năng yêu thích và thưởng thức những kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày là cần thiết nhưng cũng cần tránh những hao mòn tinh thần về lâu về dài. Nhiều bạn trẻ tìm thấy niềm vui trong hoạt động nhưng lại không tiết độ, sống thiếu kỷ luật nên tiêu hao năng lực vào quá nhiều sinh hoạt gây mất sức hoặc những sinh hoạt vô bổ và tiêu cực.
Người trẻ không chỉ cần phải học để vui sống mà còn tìm cách kiểm soát những gì tạo sự nhàm chán, thất vọng… Làm thế nào để chuyển bại thành thắng, làm cho những gì vô nghĩa thành ý nghĩa và có ích?
Con người luôn có nhu cầu đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống. Con người vượt xa các thụ tạo khác nhờ có đời sống tâm linh. Chính đời sống tâm linh và tinh thần giúp chúng ta vượt qua hoàn cảnh và tạo ý nghĩa cho hoàn cảnh. Chúng ta có thể gán cho sự vật một ý tưởng để tạo ra những điều hữu ích hay gây hứng thú cho cuộc sống. Ta có khả năng biến điều tầm thường thành những gì có giá trị.
Những gì dệt nên cuộc đời chúng ta hôm nay và ngày mai không phải là hoàn cảnh, mà chính là ý nghĩa mà chúng ta gán cho những hoàn cảnh mình đã trải qua. Ý nghĩa do niềm tin của chúng ta gán cho hoàn cảnh sẽ tạo ra sự khác biệt giữa thái độ và quan điểm sống – lạc quan hay bi quan, buồn khổ hay vui sống. Chính niềm tin ảnh hưởng đến hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ và định hướng cho hành vi. Niềm tin tích cực vào bản thân giúp chúng ta sử dụng hết năng lực tiềm ẩn.
Khi tìm cách mở mang trí tuệ, chúng ta cũng mở tâm hồn. Hai yếu tố này phải hài hoà. Cuộc đời sẽ có ý nghĩa biết bao khi tâm hồn luôn tìm hướng về những điều thiện hảo và các giá trị như: Khoan dung, cam đảm, kiên trì, trung thực… với bản thân và người khác. Điều này giúp chúng ta sống và làm việc chung với những người có lối suy tư, hành động khác với mình hay những người mình không thích.
Tự tìm ra một ý nghĩa cho đời mình đó là hành trang vào đời. Một cuộc đời thành công hay thành nhân cũng cần phải có ý nghĩa nữa, đó là yếu tố giúp cho cuộc đời thêm sung mãn và ý vị.
Nỗi lo cho tương lai, cho ngày mai sẽ không còn là nỗi bận tâm với những ai sống có định hướng, có mục tiêu và nhất là có ý nghĩa. Trái lại, dù sống thọ và giàu có sung túc mấy đi nữa mà thiếu vắng ý nghĩa và mục tiêu sống trong đời thì cuộc đời vẫn trống rỗng, bồn chồn không yên. Họa sĩ phim hoạt hình Ralph Barton đã trao lại cho chúng ta một kinh nghiệm sống qua bức thư được tìm thấy trên gối của ông trước khi ông lìa đời:
“Tôi đã gặp một ít khó khăn, có nhiều bạn bè, những thành công lớn; tôi đã cưới hết người vợ này đến người vợ khác, dọn hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác, đã từng đến nhiều quốc gia vĩ đại trên thế giới. Nhưng tôi chán ngán việc phải bày ra những thứ giúp ta lấp đầy hai mươi bốn giờ trong ngày.”
Người họa sĩ đó đã cố lấp đầy bằng vật chất, bằng tình cảm, bằng quan hệ, bằng công việc… Ông có những thành công nhưng lòng vẫn luôn thấy trống vắng vì cuộc đời thiếu ý nghĩa.
Trong tác phẩm của mình Mitch Albom đã kể lại câu chuyện về Morrie, một nhà giáo dục cuối đời mắc một căn bệnh gây đau đớn nhưng vẫn luôn tìm được ý nghĩa cuộc sống. Morrie đã từng nói:
“Có nhiều người trên đời này sống cuộc đời vô nghĩa. Họ dường như bị mê hoặc bởi những điều mà họ cho là quan trọng. Cách duy nhất để làm cho cuộc sống có ý nghĩa là dành cuộc đời mình để yêu thương những người chung quanh, để tạo ra một điều gì đó có thể mang lại hạnh phúc và sự bình an trong tim”
Thật ra, ai cũng biết rằng cuộc sống không phải luôn luôn hoàn hảo nhưng nó là kết quả của những gì chúng ta tạo ra. Vì thế hãy cố gắng làm nó có giá trị, có ý nghĩa, đáng nhớ và đừng bao giờ để ai đó đánh cắp hạnh phúc mà mình đã nhọc công tạo ra.
Để trở thành một ngôi sao,
bạn phải tự tỏa ánh sáng của riêng mình,
đi theo con đường của riêng mình,
và đừng lo lắng về bóng tối, bởi đó là khi sao sáng nhất.
Khuyết danh
Với người Kitô hữu, chúng ta cần phải trở nên một ánh sao. Các bạn an tâm vì chúng ta luôn có một ánh sao dẫn đường, một gương mẫu để noi theo đó là Đức Kitô. Ngài sẽ đồng hành và dẫn dắt các bạn tìm ra ý nghĩa của đời mình. Hãy chọn Ngài, tìm Ngài và nắm lấy tay Ngài mà bước vào tương lai. Vững tin mà tiến bước vì:
“Đời có Chúa êm trôi êm trôi,
Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi,
Có Chúa cùng đi con không đơn côi…”
Lời bài hát: Bao la tình Chúa
Kết luận
“Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221).
“Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó.“
“Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206).
Ngoài những gì mà Đức Thánh Cha bày tỏ qua Tông huấn Chúa Kitô đang sống, xin được chia sẻ một chút kinh nghiệm sống cũng như 25 năm làm việc với các bạn trẻ ở một số đại học và các lớp Liên Dòng về sự trưởng thành. Thật sự nói đến trưởng thành là một con đường dài, và dường như không mấy ai đạt được, riêng bản thân mình vẫn còn chiến đấu và vẫn “chưa thuộc bài”. Đó là chỉ nói về mặt nhân bản chứ còn trưởng thành về mặt tâm linh lại còn là con đường muôn phần gay go hơn nữa.
Ngoài những gì đã chia sẻ ở trên, và để đơn giản hóa giúp các bạn trẻ dễ nhớ, xin được đưa ra ba chữ K nói lên ba điều cốt lõi giúp tiến tới sự trưởng thành hay là một cuộc đời có giá trị mà mỗi người trẻ tự đáy lòng vẫn ước mơ. Đó là:
K – Kiên nhẫn
K – Khiêm tốn
K – Kitô
K – Kiên nhẫn. Tại sao lại kiên nhẫn? Thật sự không có gì thành tựu và có giá trị mà không kinh qua nỗ lực, nhưng quan trọng là vấn đề lâu dài. Có lẽ giới trẻ chưa cảm nhận được sự quan trọng của nó, nhưng các bạn lại cần nó hơn cả đấy. Nếu muốn trưởng thành, yếu tố đầu tiên là phải xây dựng CON NGƯỜI của các bạn. Trước khi nói đến trưởng thành, làm sao để các bạn có một nhân cách LÀNH MẠNH. Nhân cách là yếu tố nói lên giá trị của mỗi người. Các nhà tâm lý luôn cho rằng: “…Những thói quen được tập luyện lâu ngày sẽ trở nên tính cách, và tính cách sẽ tạo nên định mệnh của mỗi người”. Thật sự chỉ những người có ý chí, có sức mạnh nội lực, nội tâm mới có được sự kiên trì. Vì sống được chữ NHẪN không phải dễ. Nhẫn thường đi với nhục. Điều này đi ngược với bản chất của con người luôn quan trọng hóa bản thân hay CÁI TÔI. Đây là yếu tố khó thắng nhất của chúng ta, vì thế việc kiên trì tập luyện là yếu tố then chốt. Người xưa đề cao chữ Nhẫn và cho rằng “nhất tự thiên kim” một chữ đáng ngàn vàng. Thực tế cho thấy mọi khía cạnh cuộc đời cần phải kiên trì mới đạt kết quả. Đó là nói đến chuyện công việc… còn việc xây dựng một con người, một cuộc đời trưởng thành lại còn cần sự kiên nhẫn biết bao?
Thật ra, Kiên nhẫn và khiêm tốn thường song hành mật thiết với nhau. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm qua chữ K thứ hai sau đây.
- Khiêm tốn.Đây là đức tính ngược với xu hướng xem cái TÔI là quan trọng mà mỗi người ít nhiều đều vướng phải, đặc biệt đối với người trẻ chưa kinh qua những kinh nghiệm sống và hiểu biết rõ về bản thân. Để có thể làm chủ bản thân, để có thể tránh những tranh chấp không cần thiết, để cảm xúc không dâng lên tạo nên những hành vi thiếu kiểm soát gây ra những rạn nứt hay đổ vỡ các mối liên hệ hoặc những hành vi làm hạ giá chính mình hay phương hại đến người khác. Nhịn nhục một chút có thể tránh những xung đột không cần thiết. Tiếng Việt chúng ta thật có ý nghĩa khi nói “một sự nhịn bằng chín sự lành” hay khi ghép chữ nhịn với chữ nhục. Phải, nhịn chắc chắn phải chịu nhục, chịu thua một chút, chịu lùi một bước… Còn chữ nhẫn vẫn thường đi đôi với chữ nhục.Nhẫn hay nhịn cũng đều đi với nhục. Đây là một thực tế cho thấy để giữ an hòa, để làm chủ bản thân điều này thật khó khi quá quan trọng hóa cái tôi, khi thiếu sự khiêm tốn. Riêng với kinh nghiệm bản thân, tôi rất xác tín về điều này.
“Chịu thua mà được, mất – còn, biết đâu?”
(Thơ Hoa Dại)
Tại sao chịu thua mà được, chịu mất mà còn? Đó là sự nghịch lý của đức khiêm tốn. Có thể là khi chịu thua tức là chịu nhịn, và đồng thời chấp nhận chịu mất mặt, chịu lùi bước, chịu mất quyền lợi… Nhưng cái được ở đây chính là giữ được sự an hòa, duy trì được mối quan hệ, tránh được sự căng thẳng, đổ vỡ… không bị cảm xúc trấn áp, lôi cuốn hay chi phối hành động và tư duy của mình. Cái được lớn hơn cả là có được tâm an và nhất là làm chủ được bản thân. Để minh họa thêm xin được kể câu chuyện sau đây:
“Một ngày nọ có vị vua kéo quân đi xâm chiếm nước láng giềng. Khi Vua kéo quân đi xâm lấn thì có một chàng thanh niên trẻ bất mãn với vua nước mình nên đến tình nguyện tiếp tay với vua địch. Anh ta tự giới thiệu mình có tài bắn cung rất siêu đẳng rằng “Tôi có thể bắn trúng một con chim sẻ đang bay”. Vua bèn trả lời: “khi nào đi đánh giặc với se sẻ tôi sẽ mời anh.”. Thay vì dùng hay từ chối người ta. Vua đã nói lên một câu thật sự mang tính ngạo nghễ và đã làm tổn thương đến cái tôi của anh ấy. Anh trở về với một cảm xúc dâng trào, một nỗi tức giận và nỗi hận sâu xa. Thế là anh bèn lấy cung tên để chứng tỏ cái tôi và đồng thời giải tỏa nỗi hận, kèm với mũi tên là tấm giấy với lời ghi chú: “xin con mắt phải của vua” anh chờ lúc vua đi và đã bắn mũi tên đúng vào con mắt là cái đích mà anh muốn. Vua đau đớn, nhưng cơn tức giận còn đau hơn nỗi đau thể xác. Thế là vua tuyên bố: “Nếu lấy được thành này, mày là người đầu tiên tao xử trảm” và sự thể đã xảy ra như thế. Không ai chịu thua ai và kết quả là cả hai đều mất: Vua mất một con mắt và người trai trẻ mất mạng.
Kết quả của việc thiếu làm chủ cảm xúc, và làm chủ chính mình. Trên đời không thiếu những hoàn cảnh tương tự. Sự mất mát trên nhiều lãnh vực khác nhau và có những lúc hủy hoại cả một tương lai hay cả cuộc đời. Trong câu chuyện này xin được nhắc cho những bạn trẻ là người nhỏ, người yếu, nghèo… thì mất mát nhiều hơn. Vua chỉ mất một con mắt còn anh ấy mất cả mạng sống đấy! Các bạn trẻ đừng quên rằng thái độ thường để lộ bản chất thật của mình. Giống như những bông lúa lép thường kiêu ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất. Thật ra, trên thế gian này, có những người có chút tiền, chút quyền hay chút học vấn… nhưng đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất. Các người khôn ngoan chân chính, càng tu luyện đến cảnh giới cao thâm, họ càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân mình, càng thấy mình vô cùng nhỏ bé. Tả Tông Đường nhận ra rằng:
“Cao nhân thực sự là người có tấm lòng khoan dung, biết khiêm nhường, không xem trọng được – mất hay thắng – thua. Sự khôn ngoan của trí tuệ nằm ở chỗ tỉnh táo, nhìn nhận được thiệt – hơn để từ đó dũng cảm buông bỏ và vượt qua, có thể thắng nhưng lại không nhất định phải thắng.”
Theo lẽ thường ai cũng thừa nhận người trưởng thành thực sự chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người. Người xưa có câu rằng: “Trời trên cao không nói mình cao nhưng thực rất cao. Đất ở dưới không nói mình sâu nhưng thực rất sâu”. Người quân tử cư xử khiêm nhường nhưng luôn được người khác kính trọng, nể phục.
Có thể ví: Khiêm nhường như dòng nước, không ngại hạ mình chảy xuống chỗ thấp để dung nạp mọi thứ như biển dung nạp trăm sông. Còn chúng ta, hạ thấp bản thân là để vượt qua sự kiêu ngạo trong tâm.
Người tu tâm dưỡng tính phải khiêm tốn, vì khiêm tốn cho phép người ta chấp nhận ý kiến và phê bình của người khác, và chỉ khi đó ta mới có thể quay về bên trong, suy xét lại bản thân mình và thay đổi nếu cần. Khiêm tốn không có nghĩa là không biết đến những giá trị của mình mà biết nhận chân những giá trị ấy. Người khiêm nhường cũng như người trưởng thành, thường chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác.
Khiêm tốn giúp cho tâm trí của con người được thanh tỉnh, an bình, đồng thời cũng tăng cường ý thức, vượt qua tính kiêu ngạo bằng ý chí mạnh mẽ. Khiêm tốn thể hiện qua sự tử tế và khoan dung, là biểu hiện của sự tôn trọng thực sự đối với người khác. Đây chính là mẫu người mà Thánh Phaolô mong ước và dạy dỗ chúng ta:
“Anh em hãy hết lòng khiêm tốn, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái;hãy lo bảo vệ sự hợp nhất do Thần khí mang lại, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.” (Ep 4, 2-3)
Có chuyện ở Việt Nam ta mà ít ai ngờ đó là: không có nơi nào mà chúng ta bắt gặp chữ “Khiêm” nhiều cho bằng ở lăng vua Tự Đức. Từ nhà cửa, ao hồ, cầu thuyền… đều có chữ “Khiêm”. (Nếu muốn ta có thể nghiên cứu thêm vì bài này có hạn).
Cúi đầu không phải là không có năng lực, khoan dung không phải là yếu đuối. Tô Đông Pha cho rằng, khoan dung độ lượng, chí hướng đặt ở nơi xa, lặng lẽ tu luyện bản thân là đạo xử thế cao minh nhất. Người khiêm tốn luôn có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu. Họ luôn thành kính, biết tôn trọng lẫn nhau, để có thể học hỏi được từ người khác.
Bây giờ xin được nói đến chữ K thứ ba:
- Kitô. Một Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô nên làm sao mà cuộc đời chúng ta không liên quan đến Chúa? Các bạn trẻ thường có những câu hát rất ý nghĩa nói lên vai trò của Chúa trong đời mình. Đức Kitô là Đấng mà chúng ta đã Tin, Yêu mến và đời chúng ta chỉ có ý nghĩa khi kết hợp, khi sống với Ngài. Thánh vịnh sau đây đã nói lên ý nghĩa của cuộc đời chúng ta:
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2).
Kinh nghiệm của thánh Augustinô sau những năm tháng đi hoang, chạy theo danh vọng, chạy theo đam mê xác thịt, cuối cùng ngài cũng nhận ra một thực tế đời người: “Tâm hồn con khắc khoải ưu tư cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.
Sau đây là những gì các vị mục tử của chúng ta đã nhắc nhở giới trẻ. Chúng ta cùng lắng nghe.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” Ngài mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: “Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, “lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52)… Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy”. (số 26-27),
Ngoài ra, cũng qua tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), Đức Thánh Cha còn nhắc nhở giới trẻ rằng: “Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.” (Trích Thư Chung HĐGMVN 10/2019).
Còn các vị chủ chăn của chúng ta thì sao? Các ngài đã cùng với Đức Thánh Cha trong Tông huấn Christus Vivit “mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người.”
Thật sự, trong bối cảnh xã hội và đất nước chúng ta, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Các giám mục đã hướng các bạn trẻ luôn hướng nhìn về Đức Kitô: Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng:
- Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn,
- Chúa Kitô đã cứu độ các bạn,
- ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết.
- Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí,
- Hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện. (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Kết thúc Thư Chung, các giám mục Việt Nam ngỏ lời với các bạn trẻ Công giáo với hình ảnh của hai người trẻ trên đường Emmaus như những lời dạy dỗ, dặn dò, đồng thời nói lên sự quan tâm và lòng ưu ái của các ngài đối với những bạn trẻ, những đứa con đầy sức sống nhưng còn rất mong manh…
Các con rất thân mến,
“Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu,
- tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
- các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn.
- hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
- các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con.
- các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc. (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Các Giám mục của chúng ta còn nhắc nhở các bạn trẻ quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi: như Đức Mẹ một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta. (Thư Chung HĐGMVN 10/2019)
Nếu các bạn trẻ muốn tiến đến sự trưởng thành, xin đừng quên bền tâm kiên trì tập luyện với thái độ và tâm hồn luôn khiêm tốn mở lòng học hỏi từ những biến cố cuộc sống, từ những người xa, kẻ gần, người thân cũng như người không thiện cảm với ta… Và điều quan trọng nhất vẫn luôn nhìn lên Đức Kitô, Ngài vừa là CHA, là ANH cả, là BẠN và là THẦY…
Ngài bên ta, Ngài trong ta, Ngài luôn “có đó”!
2020
Giáo dục sinh thái trong Laudato Si’
Laudato Si’, thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về chăm sóc ngôi nhà chung, được chào đón như là một tài liệu tiên phong. Trong thông điệp này, Đức thánh cha Phanxicô đã thúc giục Giáo hội Công giáo, các cộng đoàn Kitô giáo khắp thế giới, thành viên các truyền thống tôn giáo khác, và tất cả những người thiện chí, hãy ngay lập tức chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đã bắt đầu vỡ nát. Một trong những đóng góp có ý nghĩa của thông điệp là lời mời gọi của Giáo hoàng Phanxicô về một nền giáo dục hướng đến trách nhiệm sinh thái của công dân. Theo Đức thánh cha, việc chăm sóc ngôi nhà hành tinh chung hư hoại của chúng ta đòi hỏi một sự thay đổi lối sống. Ngài viết: “Thách đố lớn về văn hóa, thiêng liêng và giáo dục vẫn đang ở phía trước và đòi hỏi chúng ta một con đường canh tân dài lâu” (202).[1] Đức thánh cha đề nghị một nền giáo dục công dân hướng về sinh thái để làm tái sinh và sống có trách nhiệm hơn trong ngôi nhà của chúng ta.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về nền giáo dục công dân hướng về sinh thái trong Laudato Si’. Trong thông điệp, Đức thánh cha Phanxicô mời gọi suy nghĩ lại về giáo dục môi trường để tạo ra một giao ước mới giữa nhân loại với thế giới tự nhiên. Giáo dục sinh thái bao gồm việc phê bình tận căn mô hình văn hóa thống trị đang dẫn dắt xã hội đương thời của chúng ta, cụ thể là cá nhân chủ nghĩa và nhãn quan cơ giới thuyết về thế giới tự nhiên (xem thiên nhiên như một bộ máy). Chúng ta cần một nền giáo dục tổng thể có thể tái lập sự hài hòa với thiên nhiên, con người chúng ta và Đấng Siêu Việt. Đức thánh cha cũng nói về những hệ thống khác nhau trong nền giáo dục sinh thái: trường học, gia đình, truyền thông, giáo lý, cơ sở đào tạo tôn giáo, v.v… Chúng ta sẽ kết luận với một ghi chú về tầm quan trọng của giáo dục công dân về sinh thái trong thời điểm khẩn cấp này.
- Thách thức của lối sống mới chống lại chủ nghĩa tiêu thụ đang cao trào.
Đức thánh cha Phanxicô khẳng định trong thông điệp rằng: “Tình trạng bấp bênh của ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi ta phải can đảm lựa chọn lối sống “chống lại văn hóa”(108). Xét vì tính nghiêm trọng của cơn khủng hoảng, những giải pháp đơn giản như tái chế hay đạp xe đạp tùy hứng thì không hề hấn gì. Như Mark Dowd đã viết: “Chúng ta không nên khờ khạo nghĩ rằng những hoạt động kém hiệu quả như từ bỏ bao bì plastic và thay bóng đèn đủ để đưa con tàu suy thoái môi trường ra khỏi dòng nước cuốn”.[2] Chúng ta không cần gì cả ngoại trừ một lối sống mới tận căn nếu muốn cứu ngôi nhà hành tinh chung của chúng ta cho chính chúng ta và các thế hệ tương lai.
Để cứu ngôi nhà chung, đặc biệt cần phải thắng vượt thói nghiện tiêu thụ hoang phí, phổ biến ở các xã hội phát triển kinh tế và lan rộng như đám cháy rừng đến phần còn lại của thế giới với sự toàn cầu hóa của mô hình kinh tế tân tự do hiện hành. Lối sống tiêu thụ thái quá, đặc biệt nơi người giàu và những bộ phận có ảnh hưởng của xã hội, đang hút cạn những tài nguyên thiên nhiên của ngôi nhà chung của chúng ta. Như Đức thánh cha lưu ý trong thông điệp, chúng ta là những nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ không cưỡng lại được, là nguồn gốc chính của sự bất an cho nhân loại hậu hiện đại. Ngài viết:
Vì thị trường có xu hướng cổ võ tiêu thụ cực độ để bán sản phẩm, nên người ta dễ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và tiêu xài không cần thiết. Kiểu tiêu thụ không cưỡng lại được là một trong những ví dụ về ảnh hưởng của mô hình kinh tế – kĩ thuật lên các cá nhân. Romano Guardini đã thấy trước điều này: “Công chúng dễ dàng chấp nhận những điều tầm thường và hình thức sống do máy móc kĩ thuật áp đặt, họ cho rằng sự tương đồng vừa hợp lý vừa công bằng”. Mô hình này làm cho người ta tin rằng họ thực sự tự do bao lâu họ được tự do tiêu thụ, nhưng thực tế cho thấy điều này chỉ có nơi một số ít người đang nắm giữ quyền lực kinh tế và tài chính. Ngay khi rối loạn như thế, nhân loại hậu hiện đại vẫn chưa đạt được nhận thức mới về bản thân, một nhận thức có khả năng hướng dẫn và định hướng, và sự thiếu căn tính này gây ra tình trạng bất an. Chúng ta có quá nhiều phương tiện nhưng mục đích lại quá hạn chế và còi cọc. (203)
Những mức độ tiêu thụ tiêu thụ tham lam của chúng ta quả thực đã tàn phá ngôi nhà hành tinh chung. Sự tiêu thụ những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng rõ ràng đã vượt xa mức độ phục hồi của chúng. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên như ngư trường, rừng, đa dạng sinh học, và đặc biệt là nước ngọt, chúng ta đang tiến đến ngưỡng cuối cùng. Trong thế toàn tân (epoch of the Holocene, một thời kỳ địa chất) và trong suốt 6.000 năm qua từ khi nền văn minh bắt đầu, chúng ta sống nhờ vào sản lượng bền vững của các hệ thống tự nhiên của Trái đất. Nhưng trong những thập niên gần đây, dường như chúng ta đi quá xa khả năng những nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh nhà chúng ta. Đây là điều rõ ràng trong “phân tích dấu chân sinh thái” (Ecological Footprint Analysis, EFA), một phương pháp tính toán được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Dấu chân sinh thái là một chỉ số dự báo về áp lực của con người trên thế giới vật lý trong giới hạn tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người, sử dụng sinh thái, tạo ra ô nhiễm và chất thải. Phân tích dấu chân sinh thái rõ ràng đã nói đến khuynh hướng tiêu thụ quá mức. Hiện thời, toàn thể nhân loại đã tiêu thụ hay tiêu thụ quá mức ở tỷ lệ 1.5 hằng năm và tình trạng được cho là ngày càng tệ hơi khi nhìn vào mức độ tiêu thụ và thải ra hiện nay.[3]
Ngày nay, hình mẫu tiêu thụ của chúng ta đã đạt tới những mức độ không kiểm soát được, ra ngoài mức độ bền vững. Đồng thời, chúng ta cũng bị dụ dỗ bởi truyền thông quảng cáo – nhân vật đại diện chính cho chủ nghĩa tiêu thụ hiện đại. Khoản chi cho quảng cáo đã chạm mức 643 tỷ đô vào năm 2008, và trong những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ thì hằng năm tăng thêm 10 phần trăm hay hơn nữa.[4] Giống như cơn sóng thần, chủ nghĩa tiêu thụ đang nhận chìm các nền văn hóa nhân loại và những hệ sinh thái của Quả đất. Lối sống tiêu thụ hiện đại của thế giới phát triển, ngày càng ảnh hưởng đến dân số tầng lớp cao và trung của các quốc gia đang phát triển, là một lối sống hoang phí đến điên cuồng. Số lượng rác thải do nền kinh tế hiện đại và lối sống tiêu thụ của chúng ta đáng báo động. Như Đức Phanxicô đã nói đến trong Laudato Si’, nếu chúng ta không can thiệp, “mô hình của chủ nghĩa tiêu thụ sẽ tiếp tục lấn át với sự hỗ trợ của truyền thông và những cơ chế hữu hiệu của thị trường.” (215)
Sự cạn kiệt nhanh chóng những nguồn tài nguyên của hành tinh nhà chúng ta bất kể bối cảnh sinh thái sẽ là công thức chế biến cho thảm toàn cầu. Như Seán McDonagh ghi chú: “Cuốn sổ cái của Trái đất nói với chúng ta rằng Trái đất là có hạn và đang bị tổn thương, và các hệ thống tự nhiên sẽ suy yếu nghiêm trọng cũng như có thể sụp đổ trừ phi nhân loại bắt đầu hình thành lối sống của mình trong ánh sáng của thực tại tính toán về sinh thái”.[5] Không thế hệ nào trước đây sống còn vì đã phá hủy liên tục những nguồn hỗ trợ tự nhiên của mình. Thế hệ chúng ta cũng không.
Như Đức Phanxicô đã chỉ ra trong thông điệp, trích dẫn vị tiền nhiệm của mình là Đức Gioan Phaolô II, tình trạng toàn cầu như thế có thể thúc đẩy “tình trạng ích kỷ tập thể”[6] (204). Căn nguyên của việc tiêu thụ ham hố và đổ rác hoang phí có thể được tìm thấy trong chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm (anthropocentrism) và cá nhân chủ nghĩa đang thịnh hành. Trong nhãn quan tự quy hoàn toàn này, bất kỳ sự xem xét nào về những giới hạn bền vững của hành tinh hoặc công ích đều bị xem như không thích đáng. Tiêu thụ quá mức về phía thiểu số giàu có có thể dẫn đến sự bất ổn và bạo lực xã hội vì khả năng có hạn của hành tinh giới hạn của chúng ta. Có thể trích ra đây chẩn đoán của Đức Phanxicô về nguồn gốc của những mô hình tiêu thụ thiếu thận trọng của chúng ta:
Khi con người tự cô lập và khép kín, lòng tham của họ sẽ gia tăng. Tâm hồn của con người càng trống rỗng bao nhiêu thì họ càng cần nhiều thứ để mua, sở hữu và tiêu thụ bấy nhiêu. Họ dường như không thể chấp nhận những giới hạn do thực tại áp đặt. Theo hướng này, cảm thức đích thực về thiện ích chung cũng sẽ biến mất. Khi những thái độ như thế lan rộng thì các chuẩn mực xã hội sẽ chỉ được tôn trọng khi chúng không mâu thuẫn với nhu cầu cá nhân. Vì thế mối bận tâm của chúng ta không thể chỉ giới hạn ở những biến cố thời tiết khắc nghiệt, nhưng phải mở rộng đến những hậu quả tàn khốc của tình trạng mất trật tự xã hội. Ám ảnh với lối sống tiêu thụ, nhất là khi chỉ có một số ít người có khả năng duy trì lối sống ấy, sẽ dẫn tới bạo lực và hủy diệt lẫn nhau. (204)
Chống lại những hình mẫu tiêu thụ không lành mạnh đang làm sụp đổ những cột chống xã hội và tự nhiên của ngôi nhà chung chúng ta, Đức Phanxicô mời gọi “sự thay đổi lối sống tận căn”, điều này “có thể gây áp lực lành mạnh trên những người đang nắm giữ quyền lực chính trị, kinh tế và xã hội” (206). Ngài nhắc lại những mẫu gương của các phong trào người tiêu dùng đã tẩy chay những sản phẩm nào đó hầu buộc các doanh nghiệp phải “thay đổi cách vận hành, xem lại những dấu ấn trên môi trường và khuôn mẫu sản xuất” (206). Theo Đức thánh cha, “có nhu cầu lớn về cảm thức trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng” (206). Đức Phanxicô nhắc lại một khẳng định quan trọng của Đức Bênêđictô: “Việc mua sắm luôn luôn là một hành vi luân lý – chứ không thuần tuý là hành vi kinh tế”.[7] Vẫn trích dẫn Đức Bênêđictô, ngài kết luận rằng “vấn đề suy thoái môi trường đang thách đố chúng ta suy xét lại lối sống của chúng ta”[8] (206). Một sự thay đổi lối sống tận căn như thế quả thật cần thiết để chăm sóc ngôi nhà hành tinh của chúng ta cũng như những anh chị em ít có vận may của chúng ta. Đức Phanxicô viết:
“Nhất thiết phải có sự quan tâm vô vị lợi dành cho người khác, loại trừ mọi hình thức quy ngã và cô lập nếu chúng ta thực sự mong muốn chăm sóc anh chị em và môi trường thiên nhiên. Nó làm nảy sinh phản ứng luân lý buộc chúng ta xem xét những hành vi và chọn lựa cá nhân tác động ra sao đến môi trường xung quanh. Nếu chúng ta vượt thắng được chủ nghĩa cá nhân, chúng ta có thể thực sự phát huy một lối sống khác và đem lại những thay đổi ý nghĩa trong xã hội.” (208)
Làm thế nào để chúng ta vượt thắng chủ nghĩa cá nhân và phát triển một lối sống khác để đem lại những thay đổi có ý nghĩa trong xã hội và cứu ngôi nhà hành tinh chúng ta? Trong Laudato Si’, Đức Phanxicô đề nghị giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ quan trọng này. Chúng ta hướng đến vai trò của giáo dục đưa đến mối tương quan mới mẻ và hài hòa với ngôi nhà chung chúng ta.
2. Suy nghĩ lại về giáo dục sinh thái hướng đến một giao ước mới với ngôi nhà hành tinh chúng ta.
Theo Đức Phanxicô, trong bối cảnh sự sụp đổ sắp xảy ra của ngôi nhà chung và sự xuống cấp của những tương quan xã hội. “Chúng ta đang phải đối diện với một thách đố về giáo dục” (209). Giáo dục là con đường đồng hành với mọi người, đặc biệt là những người trẻ, để trở thành những người quản lý có trách nhiệm ngôi nhà chung của chúng ta. Với niềm hy vọng, Đức Phanxicô viết về các thế hệ trẻ và sự thay đổi về giáo dục mà họ đối mặt. Trong thời điểm quan trọng này của nền văn minh hành tinh chúng ta, tia chớp trong đám mây là những người trẻ đang trở nên những người bênh vực thật sự cho những nỗ lực bảo vệ và bảo tồn ngôi nhà hành tinh chung. Tuy nhiên, vì họ sống trong một môi trường tiêu thụ quá mức nên họ cần được giúp đỡ để sống một lối sống bền vững. Đức thánh cha viết:
“Trong những quốc gia cần thay đổi thói quen tiêu dùng, các bạn trẻ có một sự nhạy cảm sinh thái mới và một tinh thần quảng đại, một số bạn trẻ đang thực hiện những nỗ lực đáng nể phục để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, họ đã trưởng thành trong một bối cảnh xã hội tiêu thụ cực độ và sung túc làm cho họ khó phát huy những thói quen khác biệt. Chúng ta đang phải đối diện với một thách đố về giáo dục.” (209)
Người trẻ dễ tổn thương nhất trước nền văn hóa tiêu thụ hiện đại, nhưng họ cũng có thể được hướng dẫn để lựa chọn một lối sống sinh thái có trách nhiệm. Vì thế, chúng ta đối mặt với thách thức cũng như cơ hội trong lãnh vực giáo dục về sinh thái. Đức Phanxicô ghi nhận: “Giáo dục môi trường đã mở rộng các mục tiêu” (210). Ngài đề cập đến vài khuynh hướng mới trong giáo dục môi trường: “ban đầu tập trung chủ yếu vào các thông tin khoa học, nâng cao ý thức và phòng ngừa rủi ro môi trường, còn bây giờ nó bao gồm cả việc phê bình về “những huyền thoại” của cái hiện đại dựa trên não trạng thực dụng (chủ nghĩa cá nhân, sự tiến bộ vô hạn, sự cạnh tranh, chủ nghĩa tiêu thụ, thị trường bất quy tắc)” (210).
Cội nguồn sâu xa của tâm thức vị lợi mang đặc tính cá nhân chủ nghĩa và chủ nghĩa tiêu thụ là chủ trương lấy con người làm trung tâm và nhãn quan cơ giới của thế giới tự nhiên. Đức Phanxicô đã xác định những điều này trong chương ba của thông điệp như là những cội rễ do con người của cơn khủng hoảng sinh thái hiện nay. Chủ trương lấy con người làm trung tâm đã đưa đến sự đề cao của chủ nghĩa cá nhân trong khi nhận thức cơ giới về thế giới tự nhiên chỉ như là một nhà kho các nguồn tài nguyên đã đưa đến chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng là thương hiệu của nền kinh tế thị trường tự do. Thật đáng suy tư ngắn gọn về điều này trong bối cảnh giáo dục sinh thái.
Các nhà giáo dục nổi tiếng như C.A. Bowers, David Orr, và những người khác đã chỉ ra rằng hầu hết những hệ thống giáo dục của chúng ta đều dựa trên những giả định thừa hưởng từ tinh thần Hiện đại, chủ trương lấy con người làm trung tâm và đặc biệt là quan niệm cơ giới về thiên nhiên. Nhân trung thuyết hiện đại (Modern anthropocentrism) thấm nhập cách tinh tế vào chương trình giáo dục trong hầu hết các phần của thế giới.[9] Theo Bowers, sứ điệp văn hóa chính yếu được hệ thống giáo dục hiện đại quảng bá là huyền thoại của phương Tây gán cho con người tình trạng độc lập và tính trung tâm tuyệt đối trong tương quan với các hình thức sống khác trong cộng đồng sự sống. Ông viết: “Trong tất cả nền giáo dục công, học sinh gặp thấy trong sách giáo khoa một hình ảnh về cá nhân như là một tác nhân độc lập trong các hoạt động xã hội và kỹ thuật. Đại từ “bạn” (you) hiện diện khắp từ lớp 1 cho đến lớp 12”.[10] Một phần lớn chương trình giảng dạy trung và đại học tiếp tục gợi ý cách gian xảo rằng sự độc lập của chính mình được xem như là lý tưởng hoàn hảo và được gán cho vai trò trung tâm trong cơ bản nhận thức của chương trình giảng dạy. Những hình thức hiện đại và đương đại của các lý thuyết và thực tiễn giáo dục được tập trung chung quanh nhận thức giản lược của cái tôi được thừa hưởng từ tính Hiện đại.
Chương trình giảng dạy hiện đại cũng tiếp tục truyền bá quan niệm cơ giới về thế giới tự nhiên thừa hưởng từ tinh thần hiện đại và gián tiếp phục vụ cho tính hợp lý của nền kinh tế hiện đại. Trong hầu hết các sách giáo khoa, Trái đất được trình bày là một nguồn tài nguyên thiên nhiên để con người tiêu thụ hơn là một ngôi nhà tiếp đón và dung dưỡng nhân loại cùng với vô số những hình thức sự sống khác. Chương trình và hệ thống giảng dạy hầu như tiếp tục hoạt động trong Weltbild (thế giới quan) hay cái khung sườn của sự phát triển kinh tế không giới hạn dựa trên huyền thoại về một sự phong phú đến vô hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người như là những người tiêu thụ.[11] Vài trung tâm giáo dục cao tiếp tục sản sinh ra những kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà quản lý đong đo sự nghiệp của họ dưới dạng sản lượng kinh tế tăng trưởng, dù phải hy sinh phúc lợi của hành tinh, và lạm dụng số lượng dự trữ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm suy yếu đi những nguồn tài nguyên duy trì sự sống của ngôi nhà hành tinh chúng ta cũng như các hệ sinh thái chung. Như David W. Orr đã chỉ ra rằng cơn khủng hoảng sinh thái xảy ra chủ yếu không phải do những người dân kém hiểu biết mà là những người có học thức (những người với các bằng cấp BA, BS, LLB, MBA và PhD), những người trí thức cao trong xã hội.[12]
Theo Orr, trọng tâm chính của chương trình giảng dạy hiện hành dường như chỉ là chuẩn bị cho sinh viên cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới khi sự tăng trưởng kinh tế được trình bày như là mục tiêu cao nhất.[13] Cái nhìn như thế cũng cổ vũ cho mantra (câu thần chú) của quyền làm chủ hành tinh về kỹ thuật hơn là kinh tin kính của sự sống bền vững trên Trái đất. Điều đáng nói là, ngay cả những chương trình giáo dục “sinh thái” trong chương trình giảng dạy cũng lẩn quẩn trong cái nhìn cơ giới về thế giới tự nhiên và giấc mơ làm chủ hành tinh và các nguồn tài nguyên của nó về kỹ thuật. Giả định của hầu hết chương trình giảng dạy về môi trường chỉ là một chút tái chế rác thải, nông trại hữu cơ, sử dụng thi thoảng các hình thức năng lượng tái tạo, etc. đó là tất cả điều phải làm để tránh cơn khủng hoảng sinh thái, mà không đặt vấn đề về tư duy hiện hành của chúng ta và thay đổi tận căn lối sống tiêu thụ hoang phí. Như John Hilcoat và Eureta Janse van Rensburg đã nói, “có một sự thinh lặng đáng chú ý về sự tiêu thụ lệch lạc trong giáo dục môi trường”.[14]
Theo Đức Phanxicô, nền văn hóa sinh thái mới cần để chăm sóc ngôi nhà chung chúng ta “không thể bị đúc kết vào một chuỗi giải đáp khẩn cấp và manh mún cho các vấn đề nổi cộm như hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm”. (111) Những thay đổi thiết yếu phải rộng và xa hơn. “Chúng ta cần triển khai một tổng đề mới có thể lướt thắng những lý luận sai lệch của các thế kỷ gần đây” (121). “Chúng ta cần phải có một thuyết nhân bản có thể hội tụ nhiều lãnh vực kiến thức khác nhau” (141). Điều cần thiết là một nhãn quan mới về thực tại, một cách nhận thức mới mối liên hệ của chúng ta với ngôi nhà chung. Những phương chữa trị về kỹ thuật sẽ không tác dụng gì.
“Phải tạo một cái nhìn khác thôi, một suy tư, một chính trị, một chương trình giáo dục, một cách sống và một tinh thần chống lại sự tấn công của thực dụng kỹ thuật. Nói một cách khác, ngay cả những ý tưởng tốt đẹp về môi sinh cũng có thể chấm dứt qua việc đóng kín mình trong lý luận toàn cầu. Chỉ tìm phương cách kỹ thuật cho mỗi vấn đề môi trường mới xuất hiện, thì chỉ là tách biệt các sự vật, trong thực tế các sự vật này phải nối kết với tất cả thực tại, và che đậy những vấn đề sâu xa của hệ thống toàn cầu.”(111)
Mục tiêu tối thượng của giáo dục sinh thái phải là “đem lại sự thay đổi sâu xa” khi “phải biết rằng não trạng thực sự ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta” (215). Theo Đức Phanxicô, “Những nỗ lực giáo dục của chúng ta vẫn không đủ và không hiệu quả nếu chúng ta không cổ võ một cách nghĩ mới về con người, sự sống, xã hội và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên” (215). Chúng ta cần một tiếp cận toàn diện về giáo dục chăm sóc ngôi nhà và người nhà chung của chúng ta.
3. Sự hiểu biết toàn diện về giáo dục sinh thái
Trong Laudato Si’, Đức Phanxicô đề nghị một hình mẫu toàn diện của giáo dục sinh thái, có thể tái lập sự hài hòa với thiên nhiên, với tha nhân và với Thiên Chúa. Ngài viết: “(Giáo dục sinh thái) tìm cách khôi phục các cấp độ khác nhau của sự cân bằng sinh thái: trong nội tâm với chính mình, liên đới với người khác, với thiên nhiên và các loài sinh vật khác, và ở mức độ tâm linh là với Thiên Chúa” (210).
Thật quan trọng để suy tư về hình mẫu giáo dục toàn diện được Đức Phanxicô đề nghị trong Laudato Si’, đi đôi với sinh thái học toàn diện của thông điệp. Theo Đức Phanxicô, giáo dục toàn diện dẫn đưa đến sự chung sống hòa bình với thế giới tự nhiên, với bạn bè nhân loại của chúng ta, và trên hết là với Đấng Tạo Dựng của chúng ta. Hãy suy tư ngắn gọn về từng chiều kích này trong nền giáo dục sinh thái.
Trước hết, giáo dục sinh thái có thể giúp thiết lập một mối dây liên kết mật thiết với thế giới tự nhiên, ngôi nhà chung chúng ta. Rủi thay, đào tạo giáo dục trong các trường trung cấp và đại học thường tiếp tục cổ xúy cho mối tương quan nhị nguyên giữa nhân loại và phần còn lại của thế giới. Sự phân chia nhị nguyên này bắt nguồn trong sự phân tách nhận thức luận giữa cái tôi và đối tượng được thừa hưởng từ tinh thần Hiện đại. Bowers nói rằng hầu hết các sách giáo khoa đều duy trì nhận thức luận nhị nguyên này:
Giới từ “on” (“Trái đất mà bạn sống trên đó” trong chương dẫn nhập) diễn tả hình thức liên hệ phù hợp với động từ “see” (thấy) như là cách hiểu biết về những mối liên hệ. Khi nhắc đến cái nhìn, điều có liên quan đến mối liên hệ người nhìn, nơi mà thế giới “outside” (bên ngoài) được nhìn như một bức hình, càng củng cố thêm ý nghĩa của cái tôi như là một cái gì đó tách biệt và độc lập.[15]
Như vậy, chương trình giảng dạy sinh thái càng làm mạnh thêm quan điểm thế giới hiện đại rằng nhân loại hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới tự nhiên và không tùy thuộc vào mạng lưới của các hệ thống sinh học và sinh thái duy trì mọi sự sống trên Trái đất, bao gồm cả con người. Như F. Berkes và những người khác đã ghi chú rằng, sự vong thân của chúng ta khỏi thiên nhiên là yếu tố quyết định cho sự phá hủy môi trường.[16] Giáo dục hướng về tính bền vững đòi hỏi một sự sửa sai tận căn của “hệ nhị phân ‘nhân loại đối chọi với thiên nhiên’ có vấn đề và dai dẳng như vậy”,[17] nếu chúng ta muốn vượt thắng mối nguy hiểm sinh thái hiện thời của chúng ta.[18]
Chương trình giảng dạy toàn diện giáo dục cho sinh viên trở thành những thành viên của cộng đồng nhân loại rộng lớn hơn và là công dân của một cộng đồng sinh thái. Như Đức Phanxicô viết: “Có một sự cao quý trong nghĩa vụ chăm sóc công trình tạo dựng thông qua những việc nhỏ hằng ngày, và thật tuyệt vời biết bao khi việc giáo dục có thể mang lại những thay đổi thực sự trong lối sống” (211). Giáo dục sinh thái đòi phải có những biện pháp cụ thể và đơn giản để chăm sóc thế giới tự nhiên. Một lần nữa Đức Phanxicô viết:
“Giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với môi trường có thể khích lệ những hành động ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến thế giới xung quanh, như tránh sử dụng nhựa và giấy, giảm bớt sử dụng nước, phân loại rác, chỉ nấu những gì thực sự cần thiết, quan tâm đến những sinh vật khác, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay đi xe chung, trồng cây, tắt đèn khi không cần thiết, và vô số hành động khác.” (211)
Thứ đến, giáo dục sinh thái toàn diện cũng đưa đến ý thức đoàn kết rộng lớn hơn trong gia đình nhân loại, đặc biệt với những thành viên dễ tổn thương hơn trong số những thành viên của gia đình chung chúng ta. Đức Phanxicô viết: “Cần những nhà giáo dục có khả năng phát triển nền đạo đức sinh thái, giúp mọi người trưởng thành trong tình liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn” (210).
Cơn khủng hoảng sinh thái đương thời không chỉ hướng vào tình trạng vật lý không bền vững của ngôi nhà chung mà còn những con người trong gia đình đó. Nhiều thế kỷ thuộc địa hóa và thế lực tư bản chủ nghĩa tân tự do trong vài thập kỷ gần đây đã đưa đến sự thống trị tàn độc và khai thác quá mức các hệ sinh thái và những cộng đồng nhân loại khắp thế giới. Giáo dục hướng đến tính bền vững cần phải in sâu các nhân đức tử tế và liên đới trong các học sinh trẻ nếu chúng ta muốn gầy dựng một thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Kịch bản giáo dục hiện hành dường như bị dẫn dắt bởi chương trình hành động tân tự do của thị trường tự do, điều đang gây thiệt hại cho các cộng đồng nhân loại và các hệ sinh thái. Để chống lại tình trạng này, chúng ta cần tạo nên một nền văn minh tình yêu và tử tế, hằng ngày thực hiện những hành động liên đới nhỏ, trong một thế giới mà quyền lực và của cải có khuynh hướng ngự trị và giữ độc quyền.[19] Tính liên đới có thể là thuốc giải độc hoàn hảo cho chủ nghĩa đế quốc về kinh tế đang tàn phá ngôi nhà hành tinh chúng ta. Lòng thương cảm và tính liên đới thật sự cần cho tương lai của hành tinh và những ai sống trong đó.
Thứ ba, giáo dục sinh thái toàn diện “phải chuẩn bị cho chúng ta một bước tiến vào mầu nhiệm, từ đó đạt được ý nghĩa sâu xa của luân lý môi sinh” (210), như Đức Phanxicô đã nói trong thông điệp. Giáo dục chỉ hoàn tất khi nó tiếp nối công việc in sâu một nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới tự nhiên và trong đời sống của con người.
Như chúng tôi đã nói về nhãn quan thần học của Laudato Si’, cơn khủng hoảng sinh thái đương thời hướng đến sự quên lãng một chân lý thâm sâu, cụ thể là thế giới vật lý này là sự sáng tạo của Thiên Chúa và thấm đẫm sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật sự, cơn khủng hoảng sinh thái là triệu chứng của cơn khủng hoảng tôn giáo và tinh thần.[20] Tình trạng không bền vững của ngôi nhà chung chúng ta, và của cả những người trong gia đình đó, có nguyên do là sự đổ vỡ sâu xa trong tương quan của chúng ta với Đấng Tạo Hóa, nền tảng của mọi hiện hữu, Đấng đã làm hiện hữu toàn thể vũ trụ vật chất và duy trì nó cách yêu thương cùng với mọi hình thức của sự sống. Nhân loại không thể sống hài hòa với thụ tạo nếu không ở trong hòa bình của Đấng Tạo Hóa. Đức Bênêđictô XVI đã suy tư sâu sắc về điều này:
Sự tiêu thụ thô bạo của thụ tạo bắt đầu ở nơi Thiên Chúa bị quên lãng, nơi mà vật chất chỉ trở thành vật chất đối với chúng ta, nơi mà chính chúng ta là thước đo tối thượng, nơi mà mọi sự đơn giản chỉ là tài sản của chúng ta… Sự phung phí thụ tạo bắt đầu ở nơi chúng ta không còn nhận ra bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ngoài chúng ta, khi chỉ nhìn thấy có mỗi chúng ta.[21]
Cơn khủng hoảng sinh thái cho thấy rằng các thần thánh của lý trí thế tục, kỹ năng kỹ thuật và lợi nhuận kinh tế đã thay thế cho đức tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa và sự tôn trọng thánh thiêng dành cho trật tự của thụ tạo. Như Michael S. Northcott đã viết: “Khí nhà kính phát sinh do tư bản kỹ nghệ là sản phẩm của lòng sùng kính hiện đại dành cho các thánh thần của lý trí thế tục, quyền năng kỹ thuật và tích lũy tiền tệ, và gạt bỏ sự hiểu biết truyền thống của cộng đồng, công bình và sự thánh thiêng”.[22] Khủng hoảng sinh thái phát sinh chính xác từ sự thiếu khả năng nhận thức của chúng ta về thế giới vật chất như là thụ tạo của Thiên Chúa, không tôn trọng tính toàn thể của nó cũng như không đánh giá cao sự tốt lành và vẻ đẹp nội tại của nó mà chỉ có sử dụng và tiêu thụ. Giáo dục hướng đến tính bền vững cần phải được neo đậu trong cảm thức tôn giáo sâu xa về lòng tốt của Thiên Chúa và sự hiện diện yêu thương của Ngài trong thế giới tự nhiên và trong lịch sử loài người.
Laudato Si’ nhằm đến chiều hướng của giáo dục sinh thái ngày nay như là sự hài hòa được tái lập với thế giới tự nhiên, con người và Đấng Tạo Hóa. Một hướng tiếp cận giáo dục toàn diện như thế thật sự là điều sống còn để bảo vệ ngôi nhà hành tinh chung của chúng ta trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái đương thời.
4. Bối cảnh cho giáo dục sinh thái
Trong thông điệp, Đức Phanxicô nói về những môi trường khác nhau cho việc giáo dục sinh thái: trường học, gia đình, phương tiện truyền thông, lớp giáo lý, cơ sở đào tạo tôn giáo, etc. Ngài nhấn mạnh đến việc phổ biến một nền giáo dục như thế ngay từ tuổi nhỏ. Ngài viết: “Nền giáo dục tốt khi còn trẻ sẽ gieo những hạt giống và tiếp tục sinh hoa trái trong suốt cuộc đời”. (213) Vì thế, giáo dục sinh thái sẽ bao phủ toàn đời sống chúng ta.
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong lãnh vực giáo dục sinh thái. Ngài chỉ ra rằng cái nôi gia đình là nơi một người nhận lãnh sự giáo dục toàn vẹn. Đây là những suy tư hay của Đức Phanxicô về vấn đề này:
“Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng lớn lao của gia đình, là “nơi sự sống – quà tặng của Thiên Chúa – được đón nhận trọn vẹn, được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công, và có thể phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người. Trái ngược với cái gọi là nền văn hoá sự chết, gia đình là trái tim của nền văn hoá sự sống”.[23] Trong gia đình, trước hết chúng ta học cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống; chúng ta học biết sử dụng đúng mọi thứ, ngăn nắp và sạch sẽ, tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài thụ tạo. Trong gia đình, chúng ta lãnh nhận nền giáo dục toàn diện, giúp chúng ta lớn lên cách hài hòa với sự trưởng thành cá nhân. Trong gia đình, chúng ta học cách xin mà không đòi hỏi, biết nói “cảm ơn” để diễn tả lòng biết ơn đích thực vì những điều chúng ta được lãnh nhận, biết tự chủ tính nóng giận và lòng tham, biết xin lỗi khi làm điều sai trái. Những nghĩa cử đơn giản của phép lịch sự chân thành tạo nên văn hoá của đời sống chung và tôn trọng môi trường xung quanh.” (213)
Theo Đức Phanxicô, “Các thể chế chính trị và nhiều nhóm xã hội khác nhau được uỷ thác nhiệm vụ gia tăng ý thức của người dân” (214) về sự cần thiết phải chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà hành tinh chung của chúng ta. Vì tầm quan trọng của vấn đề, Đức thánh cha đề nghị các thể chế chính trị phải mạnh mẽ “xử phạt những vụ tấn công vào môi trường” (214). Ngài biết rằng những biện pháp này không đủ mạnh. Cuối cùng, “chúng ta cũng cần những phẩm tính cá nhân như tự kiểm soát và sự sẵn lòng học hỏi lẫn nhau” (214).
Đức Phanxicô chú trọng đến tầm quan trọng của giáo dục hướng đến việc quản lý có trách nhiệm công trình sáng tạo trong Giáo hội Công giáo và các cộng đồng Kitô giáo. Ngài viết: “Tất cả các cộng đồng Kitô giáo đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục sinh thái” (214). Đối với Giáo hội Công giáo, lời mời gọi của Đức Phanxicô về giáo dục sinh thái thật rõ ràng và thách thức các thành viên trong giáo hội. Chúng tôi trích dẫn lời Ban biên tập tạp chí “The Tablet” nhân dịp phát hành Laudato Si’:
Giáo hội hoàn vũ sẽ đáp ứng như thế nào trước hành động lãnh đạo đúng lúc và gây tiếng vang này của Đức thánh cha đã chạm tới mọi cấp độ sự sống, từ tắt đèn và tái chế giấy cho đến những quyết định lớn lao hơn liên quan đến đầu tư quốc tế, vận động hành lang các chính trị gia và quyết định bỏ phiếu như thế nào? Các giáo hội quốc gia và địa phương cần nhìn vào lối sống của mình, các giám mục nhìn vào chương trình nghị sự, các linh mục nhìn vào bài giảng hàng tuần, các trường học nhìn vào sách giáo khoa, các gia đình nhìn vào việc họ tiêu pha như thế nào và tận hưởng những gì.[24]
Đáng chú ý là Đức thánh cha rõ ràng đã nâng tầm quan trọng của các chủng viện và các cơ sở đào tạo tôn giáo trong việc giáo dục sinh thái.[25] Cần phải biết rằng những vấn đề sinh thái không nhận được sự quan tâm đúng mực trong việc đào tạo hàng giáo sĩ và các lãnh đạo tôn giáo khắp thế giới với những hệ quả bất lợi trong công việc mục vụ khi chạm đến vấn đề quản lý công trình sáng tạo. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu tôn giáo công (Public Religion Research Institute) và Hàn lâm viện tôn giáo Hoa Kỳ (American Academy of Religion) khẳng định: “Hầu hết người Mỹ tham dự các lễ nghi tôn giáo ít nhất một hai lần mỗi tháng ít khi nghe hàng giáo sĩ của mình nói về vấn đề biến đổi khí hậu. Chỉ trên một phần ba người Mỹ nói rằng hàng giáo sĩ của mình thường nói (11%) hay đôi khi nói (25%). Hơn 6 trên 10 người Mỹ nói rằng giáo sĩ lãnh đạo của mình hiếm khi (29%) hay không bao giờ (33%) đề cập đến thay đổi khí hậu”.[26] Những khám phá này dường như có ích cho hàng giáo sĩ và tu sĩ hầu hết các quốc gia và vùng miền khác. Trước bối cảnh này, Đức Phanxicô viết trong Laudato Si’:
Tôi hy vọng các chủng viện và các nhà đào luyện của chúng ta sẽ giáo dục một đời sống giản dị đầy trách nhiệm, sự chiêm niệm với lòng biết ơn về thế giới Chúa tặng ban, quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường. (214)
Nới rộng tầm nhìn của giáo dục sinh thái, Đức Phanxicô nói về tầm quan trọng của giáo dục mỹ học, ngài trích dẫn Đức Gioan Phaolô II: “Không thể bỏ qua mối liên hệ giữa giáo dục mỹ học và duy trì môi trường khỏe mạnh”.[27] Đức Phanxicô sáng suốt nhận xét: “Nếu một người không biết dừng lại và thán phục cái đẹp, thì sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu người ấy đối xử với mọi thứ như thể đối tượng để sử dụng và lạm dụng không chút đắn đo” (215). Theo ngài: “Học biết nhận ra và trân trọng vẻ đẹp, chúng ta sẽ thoát ra khỏi chủ nghĩa thực dụng tiện ích cá nhân” (215). Chúng ta nhớ lại câu thường được trích dẫn của Fëdor Dostoevskij rằng “chỉ có cái đẹp mới cứu được thế giới”. Chúng ta cần phải tự đào tạo để đánh giá cao vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên quanh ta nếu muốn cứu nó cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Trong thông điệp, Đức Phanxicô khuyến khích chúng ta nên có những đóng góp dù nhỏ nhưng quý giá trong những bối cảnh vụ thể của chúng ta để bảo vệ ngôi nhà chung. Ngài viết:
Chúng ta không được nghĩ rằng những nỗ lực này không thể thay đổi thế giới. Chúng đang sinh lợi ích cho xã hội, dù chúng ta không biết, vì những điều tốt đẹp chắc chắn có xu hướng lan rộng, ngay cả khi chúng ta không thấy. Hơn nữa, những hành động như thế có thể khôi phục cảm thức về lòng tự trọng của chúng ta; dẫn chúng ta đến bản chất sâu xa của hữu thể, sống trọn vẹn hơn và cảm nhận sự sống trên trái đất có giá trị. (212)
5. Tầm quan trọng của giáo dục công dân sinh thái.
Cơn khủng hoảng sinh thái đương thời đã đặt nhân loại ở ngã tư đường trước tương lai của chính mình trong ngôi nhà chung, Trái đất. Những năm tháng sắp đến sẽ rất quan trọng khi chúng ta còn lại ít thời gian quý giá để cùng nhau thu góp lại những nguồn tài nguyên và năng lượng để bảo vệ và cứu chữa ngôi nhà chúng ta. Giáo dục tính bền vững quả thật là một trong những nhu cầu khẩn cấp nhất trong thời chúng ta. Như Stephen Mulkey cảnh báo:
Chừng như chúng ta chỉ có khoảng một thập kỷ để lấy lại tính bền vững hoặc sẽ mất cơ hội cứu hành tinh đáng sống này dành cho con cháu chúng ta. Nhân loại đối diện với sự lựa chọn căn cơ: sống cách bền vững hơn trên hành tinh này, hoặc đối mặt với những hệ quả không thích hợp với nền văn minh. Sự lựa chọn thật khắc nghiệt.[28]
Tính bền vững chắc hẳn đã trở nên mối bận tâm lớn hơn trong lãnh vực giáo dục ngày nay. Giáo dục về sự phát triển bền vững đã di chuyển từ ngoại vi vào cốt lõi của giáo dục chất lượng và khích động những tiếp cận mới với khoa sư phạm.[29] Tuy nhiên, tình trạng báo động hiện nay là chúng ta đang xa cách với việc sống bền vững trên Trái đất và thật sự ta có một quãng đường dài để đi về hướng này. Như Prithi Nambiar đã viết trong Journal of Education for Sustainable Development, “Giáo dục chưa được nhìn nhận như là tác nhân mạnh mẽ nhất của tính bền vững”.[30] Giáo dục bền vững tính vẫn còn bị mắc kẹt và theo khuôn mẫu môi trường xưa cũ, và vẫn còn bị xem như là “môn phụ thêm”, một thứ phụ lục, và như vậy không thể nào dẫn đưa đến một xã hội bền vững hơn.[31] Một tường trình mới đây về giáo dục bền vững tính trong các trung tâm cao học đã thừa nhận:
… hệ thống giáo dục cao vẫn thiếu thích ứng với các điều kiện mà chúng ta đối mặt … ngay từ Hội nghị về Môi trường Con người của Liên hiệp quốc năm 1972, giáo dục được quyết định là tác nhân thay đổi chính trong các tuyên bố và thỏa thuận cấp cao … nhưng nay vẫn còn là một phần lớn của vấn đề.[32]
Một trong những đáp ứng sớm nhất với thông điệp Laudato Si’ là việc ký kết một bản tuyên bố của các lãnh đạo giáo dục cao Công giáo, gồm gần một trăm Hiệu trưởng đại học của Mỹ và những người khác có vị trí quan trọng trong các viện hàn lâm trên thế giới. Bản tuyên bố của các Lãnh đạo giáo dục cao Công giáo đã ca ngợi thông điệp là văn bản “đúng lúc, dễ hiểu và truyền cảm hứng”, đồng thời hân hoan chào đón “lời kêu gọi khẩn thiết phải hành động để giải quyết các cơn khủng hoảng khí hậu và công bằng đang đe dọa hành tinh”.[33] Bản văn cũng cám ơn Đức Phanxicô “vì sự lãnh đạo mạnh mẽ và can đảm của ngài trong việc giải quyết những cơn khủng hoảng có liên quan với nhau và những lối sống đang đe dọa Trái đất trong thời đại chúng ta”.[34] Chúng tôi trích dẫn một ít đoạn trong Lời nói đầu của Bản tuyên bố nói trên, đặc biệt liên quan đến giáo dục sinh thái.
Các học viện giáo dục phải tìm kiếm để cung cấp sự lãnh đạo có ảnh hưởng trong việc khám phá những con đường mới và đem lại sự sống để giải quyết tình trạng cấp thiết của thay đổi khí hậu, loại trừ xã hội và sự nghèo đói cùng cực cũng như tìm con đường mới để đạt đến hoàn bình, công bình và môi trường bền vững cho toàn gia đình nhân loại và toàn thể gia đình thụ tạo.
Là các lãnh đạo của Giáo dục Công giáo cao cấp, chúng tôi cam kết cùng nhau làm việc theo miền và toàn cầu, qua tất cả các phương tiện sẵn có và thích hợp cho các trường và đại học, cũng như các học viện cao cấp của chúng tôi, để nghiên cứu, cổ vũ và hành động về cách đối xử cũng như tầm nhìn sinh thái của Đức Phanxicô.
Đặc biệt hơn nữa, là các lãnh đạo của Giáo dục Công giáo cao cấp, chúng tôi cam kết hợp tác để chăm sóc hành tinh, phát triển con người toàn diện, và quan tâm đến người nghèo trong các dự án nghiên cứu của chúng tôi, các chương trình giảng dạy, các hoạt động liên quan đến xã hội và chính trị như là các trường cao đẳng và đại học của chúng tôi.[35]
Thật phấn khởi khi thấy rằng lời kêu gọi giáo dục sinh thái của Đức Phanxicô trong Laudato Si’ đang nhận được sự xác nhận nhiệt tình ở cấp cao như vậy giống như bản văn mà chúng tôi trích dẫn ở trên. Chúng tôi tiên đoán sẽ có nhiều đáp ứng như vậy từ các viện hàn lâm, các giáo hội và các tôn giáo, cũng như xã hội dân sự rộng lớn hơn khắp thế giới trong lãnh vực giáo dục sinh thái. Trong việc chăm sóc ngôi nhà chung đang lâm nguy ở mức độ gia tăng, vai trò giáo dục thật sống còn và cần thiết. Trong những năm sắp tới, các nhà giáo dục người trẻ khắp thế giới không chỉ phải vạch ra một chương trình dạy thích hợp để phổ biến giáo dục sinh thái nhưng còn phải cách mạng hóa toàn tiến trình giáo dục để chăm sóc có trách nhiệm ngôi nhà chung của chúng ta. Giáo dục hướng về trách nhiệm sinh thái của công dân quả thật là điều cần thiết vào lúc này.
__________
[1] Các số trong ngoặc là số đoạn trong Thông điệp Laudato si.
[2] M. Dowd, For Every Living Creature on Earth, The Tablet (13 June 2015), tr. 4.
[3] Xem Global Footprint Network, Living Planet Report 2014: Species and Spaces, People and Places (Gland: WWF, 2014), tr. 9.
[4] Xem E. Assadourian, “The Rise and Fall of Consumer Cultures”, trong The World Watch Institute, State of the World 2010: Transforming Cultures. From Consumerism to Sustainability, W.W. Norton, New York – London 2010, tr. 11.
[5] S. McDonagh, To Care for the Earth: A Call to a New Theology, Geoffrey Chapman, London 1986, tr. 45.
[6] John Paul II, “Peace with God the Creator, Peace with All of Creation”. Message for the World Day of Peace (1 January 1990), số 1.
[7] Benedict XVI, Encyclical Letter “Caritas in Veritate” (29 June 2009), số 66.
[8] Benedict XVI, “If You Want to Cultivate Peace, Protect Creation”. Message for the 2010 World Day of Peace (1 January 2010), no. 11.
[9] C.A. Bowers đã cung cấp một cái nhìn về nhân trung thuyết thấm nhập trong chương trình giảng dạy trong trường hợp sách giáo khoa học đường. Xem C.A. Bowers, Education, Cultural Myths and the Ecological Crisis: Toward Deep Changes, State University of New York Press, Albany, N.Y. 1993, p. 117-153.
[10] Ibidem, tr. 125.
[11] ibidem, tr. 3, 127-30.
[12] Xem D.W. Orr, Earth in Mind: On Education, Environment and the Human Prospect, Island Press, Washington, DC 1994, tr. 7. Orr có một sự so sánh đáng suy ngẫm, được gợi ý từ Elie Wiesel, so sánh giữa cơn khủng hoảng sinh thái với Holocaust (lò hỏa thiêu người Do Thái của Đức quốc xã) mà những người thiết kế và thực hiện nó là những người kế thừa của Kant và Goethe, thường được cho là những người có giáo dục nhất trên quả đất. Xem ibidem, tr. 7, 18-20.
[13] Xem ibidem, tr. 16
[14] J. Hilcoat, E. Janse van Rensburg, Consuming Passions: Educating the Empty Self, Australian Journal of Environmental Education 30(2014)1, tr. 88.
[15] C.A. Bowers, Education, Cultural Myths and the Ecological Crisis, tr. 126.
[16] Xem F. Berkes, Sacred Ecology: Traditional Ecological Knowledge and Resource Management, Taylor & Francis, Philadelphia 1999.
[17] G. Di Chiro, Response: Reengaging Environmental Education in the Anthropocene, Australian Journal of Environmental Education 30(2014)1, tr. 17.
[18] Xem vấn đề này trong A. Cachelin, J. Rose, D. Dustin, Sustainability in Outdoor Education: Rethinking Root Metaphors, Journal of Sustainability Education 2(2011). Cũng xem W. Cronon, Uncommon Ground: Rethinking the Human Place in Nature, .W. Norton & Company, New York 1996.
[19] Xem Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (24 November 2013), số 188
[20] Xem A. Cohen-Kiener, Claiming Earth as A Common Ground: The Ecological Crisis through the Lens of Faith, Skylight Paths Publishing, Woodstock, Vermont 2009, tr. 2; D. Bookless, Planet Wise: Dare to Care for God’s World, Inter-Varsity Press, Nottingham 2008, tr. 41.
[21] Benedict XVI, Meeting with Priests, Deacons, and Seminarians of the Diocese of Bolzano Bressanone (6 August 2008).
[22] M. S. Northcott, A Moral Climate: The Ethics of Global Warming, Darton, Longman, and Todd/Christian Aid, London 2007, tr. 14.
[23] Gioan Phaolô II, Tông thư “Centesimus Annus” (1 May 1991), số 39.
[24] Editorial: “Laudato Si’: World’s Eyes are Opened to Creation”, The Tablet (20 June 2015), tr. 2.
[25] Xem Y. Neril, J. Auciello, Report on Faith and Ecology Courses in North American Seminaries, The Interfaith Centre for Sustainable Development, Jerusalem 2015, tr. 3.
[26] R. P. Jones, D. Cox, J. Navarro-Rivera, Believers, Sympathizers, & Skeptics: Why Americans are Conflicted about Climate Change, Environmental Policy, and Science. Findings from the PRRI/AAR Religion, Values, and Climate Change Survey, Public Religion Research Institute, Washington, DC 2014, tr. 4.
[27] John Paul II, Peace with God the Creator, Peace with All of Creation, số 14.
[28] S. Mulkey, Sustainability Science as a Foundation for Higher Education in the Environmental Century, Sustainability (December 2012), DOI: 10.1089/sus.2012.9918.
[29] Xem Ch. Hopkins, Scope and Impact of Global Actions under UNDESD, Journal of Education for Sustainable Development 8(2014), tr. 113-19; F. Lenglet, Can ESD Reach the Year 2020?, Journal of Education for Sustainable Development 8(2014), tr. 121-25; D. Tilbury, Are We Learning to Change? Mapping Global Progress in Education for Sustainable Development in the Lead Up to ‘Rio Plus 20’, Global Environmental Research 14(2010), tr. 102.
[30] P. Nambiar, Developing Learning Opportunities for Sustainability, Journal of Education for Sustainable Development 8(2014), tr. 87.
[31] Xem S. Strife, Reflecting on Environmental Education: Where Is Our Place in the Green Movement, The Journal of Environmental Education 41(2010), tr. 179-80.
[32] The Sustainable University: Progress and Prospects, eds. S. Sterling, L. Maxey, H. Luna, Routledge Taylor & Francis Group, Abingdon, Oxon – New York 2012, tr. xxii.
[33] Laudato Si’: On Care for Our Common Home. Statement of Leaders in Catholic Higher Education Globally. For the statement and list of signatories, xem http://ignatiansolidarity.net/catholichigher-ed-encyclical-sign-on/.
[34] Ibidem.
[35] Ibidem.
Lm. Joshtrom Isaac Kureethadam, SDB
Giáo sư Triết học các khoa học tại Giáo hoàng Đại học Salesian và Giám đốc Viện các khoa học xã hội và chính trị. Các lãnh vực nghiên cứu: Vũ trụ học, Sinh thái học, Triết học môi trường, Giáo dục sinh thái và Thần học sáng tạo.
Seminare, vol. 37, 2016, no. 4, tr. 83-96
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
2020
Bốn phạm trù lãnh đạo như Giê-su
Bốn phạm trù lãnh đạo như Giê-su:
“…để họ được phấn khởi trong tâm hồn, và nhờ được liên kết chặt chẽ với nhau trong tình thương, họ đạt tới sự thông hiểu phong phú và đầy đủ, khiến họ nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Ki-tô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết.”
Col 2: 2-3
Khía cạnh đầu tiên của Lãnh Đạo Như Giêsu là hiểu rằng lãnh đạo là một hành trình biến đổi. Khía cạnh thứ hai của Lãnh Đạo Như Giêsu là sự kết hợp hài hòa giữa: con tim (heart), tư duy (head), hành động (hands) và thói quen (habits) của chúng ta. Khi mà những phạm trù lãnh đạo này được kết hợp hài hòa, thì cái nhìn của chúng ta thay đổi, chúng ta tạo được niềm tin nơi người khác, các cộng đoàn/cộng đồng được phát triển, và văn hóa của tổ chức được biến đổi. Khi những phạm trù này không kết hợp hài hòa với nhau thì công việc của chúng ta thiếu định hướng, tương quan đổ vỡ, cộng đoàn/cộng đồng tan rã, và văn hóa của tổ chức trở nên không lành mạnh và kém năng suất. Tất cả các sách Phúc Âm Matthêu, Marcô, Luca, Gioan và Công Vụ Tông Đồ đều chia sẻ những ví dụ đậm nét về việc Chúa Giêsu đã sống và nêu gương về sự kết hợp hài hòa bốn phạm trù này.
CON TIM (HEART)
Lãnh đạo trước hết là vấn đề tinh thần thuộc con tim. Bất cứ khi nào bạn có một cơ hội để ảnh hưởng đến suy nghĩ và hàng vi của những người khác, thì trước hết bạn cần quyết định là sẽ hành động vì lợi ích bản thân hay vì quyền lợi của những người bạn đang lãnh đạo. Một cách đơn giản, câu hỏi về con tim cần đặt ra là: Bạn là nhà lãnh đạo phục vụ hay là nhà lãnh đạo phục vụ bản thân?
Cho dù Ngài dạy bằng lời nói (mời gọi các môn đệ phục vụ như trong Mt 20: 25-28) hay qua hành động (rữa chân cho các môn đệ như trong Ga 13:3-5), thì Chúa Giêsu luôn nêu gương vai trò lãnh đạo phục vụ. Việc xác định sự nhạy bén nơi con tim và sự biện minh cho những động cơ lãnh đạo phục vụ bản thân đã bị che đậy đòi hỏi tính trung thực rất cao.
TƯ DUY (HEAD)
Hành trình Lãnh Đạo Như Giêsu khởi đầu từ con tim khi bạn xem xét động cơ. Sau đó ý định này sẽ được chuyển đến phạm trù nội tâm khác là tư duy, nơi mà bạn sẽ kiểm chứng niềm tin và những lý thuyết về việc lãnh đạo và động viên người khác. Tất cả các nhà lãnh đạo tầm cỡ đều có một triết lý lãnh đạo cụ thể, triết lý đó xác định việc họ nhìn nhận không chỉ vai trò của họ mà còn tương quan của họ với những người họ mưu cầu ảnh hưởng đến như thế nào nữa. Trong suốt quá trình lãnh đạo nơi trần thế, Chúa Giê-su luôn dạy và nhấn mạnh quan điểm của Ngài. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người”. (Mc 10:45).
HÀNH ĐỘNG (HAND)
Bạn thể hiện những gì nơi con tim và tư duy ra bên ngoài bằng những gì bạn làm qua hành động: động cơ và niềm tin về vai trò lãnh đạo tác động đến hành động của bạn. Nếu bạn có một con tim phục vụ thì bạn sẽ giúp người khác phát huy tối đa tiềm năng của họ qua việc thiết lập các mục tiêu rõ ràng, quan sát quá trình họ làm việc, và đồng hành qua việc tán dương những tiến triển tốt và điều chỉnh những hành vi chưa phù hợp. Chúa Giê-su đã mặc khải chính Ngài cho các môn đệ trong ba năm để khi Ngài hoàn tất sứ vụ nơi trần thế và về trời thì họ có đủ khả năng tiếp tục thực thi viễn cảnh của Ngài. Nguyên lý thiết lập mục tiêu rõ ràng, đo lường kết quả là những khái niệm bình thường của tất cả các tổ chức – và cũng liên quan và hiệu quả trong tương quan lãnh đạo trong đời sống. Trong gia đình, những nguyên lý này cũng được ứng dụng trong mọi khía cạnh từ việc thiết lập các giá trị và xác định những chỉ dẫn cho hành vi đến việc mô tả cho con nhỏ trước tuổi thành niên thế nào là một căn phòng ngăn nắp.
THÓI QUEN (HABIT)
Thói quen là những gì bạn làm để giữ mình đi đúng hướng trong tương quan với Chúa và tha nhân. Chúa Giêsu nêu gương hai loại thói quen cho chúng ta: Thói Quen Sống và Thói Quen Hành Động. Là nhà lãnh đạo cam kết Lãnh Đạo Như Giêsu, bạn cần phải dành thời gian để kiến múc nơi quyền năng của Thiêng Chúa và tái định hướng quan điểm của mình. Chúa Giêsu đã thực hiện điều này qua năm Thói Quen Sống: Lắng Động, Cầu Nguyện, Học Hỏi Lời Chúa, Ứng Dụng Kinh Thánh Trong Đời Sống và Duy Trì Tương Quna Hỗ Trợ – tất cả những thói quen này đều bám rễ và được thêm sức bởi việc đón nhận và sống trong Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thể hiện sự vâng phục Thiên Chúa Cha và chia sẻ tình yêu của Chúa Cha cho các môn đệ của mình qua những Thói Quen Hành Động, đó là Trao Tặng, Tha Thứ, Khích Lệ và Xây Dựng Cộng Đoàn.
2020
3 cách để dâng mình cho Chúa
3 cách để dâng mình cho Chúa
Những lời của Thánh Phaolô trong sách Phúc âm có nghĩa là gì?
Thánh Phaolô mạnh mẽ thúc dục chúng ta : “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).
Nhưng ý nghĩa dâng hiến bản thân như như một hy lễ thực sự là gì?
Trong tiếng Do thái từ “hy lễ” là korbán, nó có nghĩa là “tiến lại gần hơn”. Mục đích của hy lễ là đến gần Chúa hơn; đó là một lời mời gọi sống trong sự hiệp thông mãnh liệt với Chúa. Vì vậy, cần phải thực hiện “teshuvá”, nghĩa là hoán cải. “Teshuvá” bao gồm việc đổi mới cách nhìn và suy nghĩ về thực tại “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Điều đó có nghĩa là xem xét cuộc sống và thế giới của chúng ta “từ trên cao” qua cặp mắt xót thương của Thiên Chúa. Dưới đây là ba chiều kích của hành động dâng hiến.
Thánh Gioan Tẩy giả de la Salle đã nói: “Hãy hiến dâng chính mình và tất cả những gì thuộc về chúng ta đều dâng cho Chúa, nghĩa là dâng lên Ngài mọi tư tưởng, lời nói và việc làm, tất cả mọi tài sản của chúng ta, dù đó là thiêng liêng hay trần tục, tắt một lời, dâng tất cả những gì chúng ta đang sở hữu trên thế gian này”.
- DÂNG HIẾN BẢN THÂN
Phạm vi cuộc sống của chúng ta đã là một “món quà” đến từ Thiên Chúa, chúng ta cần phải xem lại tất cả những gì là tốt đẹp nơi hữu thể và sự hiện hữu của mình: linh hồn, thể xác, tài năng, di sản văn hóa, gia đình của chúng ta…. như thánh Phaolô đã viết : “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cor 4,7). Thực hiện teshuvá nghĩa là nhận biết Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điều thiện hảo. Và do đó, điều đòi hỏi nơi chúng ta là cần phải thích ứng cuộc sống của mình với Lời Chân Lý của Chúa.
Dâng hiến bản thân được thực hiện bằng cách tạ ơn và ca ngợi vì những ân huệ mà bạn đã lãnh nhận. Nó được thể hiện qua việc luôn mong muốn phục vụ Thiên Chúa và đồng loại của mình; hoàn toàn đặt mình tuân theo ý Chúa, phù hợp với từng giai đoạn của cuộc đời, để xây dựng Nước Trời; đặt mọi tư tưởng của chúng ta, lời nói và hành động của chúng ta trong sự gắn kết với cuộc sống.
- DÂNG CHÚA MỌI TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA
Dưới đây là một giai thoại về cuộc đời của thánh Jerome. Một ngày kia Chúa hỏi Jerome: “Hôm nay con có gì cho Ta không?”. Thánh nhân trả lời: “Lạy Chúa, con dâng cho Chúa lời cầu nguyện của con” – “Tốt, nhưng còn gì nữa không”, Chúa nói. Và thánh Jerome đã kể ra hàng loạt những kỷ luật bản thân, nào là sự tỉnh thức, tình yêu dành cho những ai đến thăm mình… Rồi Chúa lại hỏi Jerome: “Còn gì nữa không?”. Jerome thưa : “Con không biết có còn gì để dâng Chúa nữa!”. Cuối cùng Chúa nói với thánh nhân : “Có một điều mà con chưa dâng cho Ta đó là tội lỗi của con!”.
- DÂNG CHÚA NỖI KHỔ CỦA CHÚNG TA
Và sau cùng, có những điều chúng ta phải “chịu đựng” : đó là những thử thách lớn lao của cuộc sống, cũng như những điều nhỏ nhặt thường ngày làm chúng ta khó chịu. Chúng ta dâng lên Chúa những khoảnh khắc đau khổ này để “lồng chúng vào bên trong lòng trắc ẩn vô biên của Chúa Kitô”, để những khổ đau “trở thành một phần trong kho tàng thương xót mà con người đang cần” để sống yêu thương, để lãnh nhận và rao truyền ơn cứu rỗi (Benedict XVI).
Mẹ Têrêsa đã cầu nguyện:
Lạy Cha nhân từ, xin giúp chúng con,
để chúng con biết chấp nhận mọi điều Cha ban cho chúng con,
và biết cho đi mọi thứ mà Cha đòi hỏi chúng con với một nụ cười thật to.
Nụ cười bên trong và bên ngoài là dấu chỉ của việc dâng hiến một cách tự do trong mọi hoàn cảnh. Nụ cười đó chống lại mọi nỗi buồn vì đã từ bỏ, hay giận giữ sau những lời phàn nàn của chúng ta.
Nicolas Buttet/Aleteia
Võ Tá Hoàng chuyển ngữ