2021
Kinh Mân côi – Nguồn gốc và sự phát triển
NHẬP ĐỀ
Bài chia sẻ này không phải là một suy niệm theo nghĩa chặt (mặc dù ở phần kết, chúng ta sẽ thấy rằng bản chất của kinh Mân Côi là việc suy niệm hoặc chiêm niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô), nhưng chỉ trình bày lịch sử kinh Mân Côi theo những nghiên cứu trong thế kỷ XX. Năm nay chúng ta mừng hai kỷ niệm lịch sử quan trọng.
1/ Thứ nhất là kỷ niệm 800 năm ngày tạ thế của thánh Đa Minh. Nếu không phải tất cả các bức họa vẽ thánh Đa Minh đều gắn liền với kinh Mân Côi, thì ngược lại, có đến 80 phần trăm các bức học về Đức Mẹ Mân Côi đều có sự hiện diện của thánh Đa Minh; 20 phần trăm còn lại thì sao? Thưa rằng 10 phần trăm dành cho Đức Mẹ Lộ Đức và 10 phần trăm dành cho Đức Mẹ Fatima. Trong cả hai lần hiện ra này, Đức Mẹ đều mang tràng chuỗi và khuyến khích đọc kinh Mân Côi nhưng không có thánh Đa Minh đi kèm; nhưng mỗi khi đề cập đến nguồn gốc kinh Mân Côi thì không thể nào vắng bóng thánh Đa Minh. Theo tục truyền, chính Đức Mẹ đã hiện ra trao tràng hạt cho thánh Đa Minh, và thậm chí người ta còn xác định thời gian và nơi chốn nữa: đó là vào năm 1208, tại Prouilhe (miền Nam nước Pháp). Lúc ấy thánh Đa Minh đang giảng đạo cho lạc giáo Albigeois, và không được thành công cho lắm; thế nhưng nhờ chuỗi Mân Côi từ trời ban, ngài đã thu được kết quả phi thường.
2/ Kỷ niệm thứ hai đáng nhớ trong năm nay là chiến thắng của đội quân Kitô giáo ở Lepanto, ngày 7/10/1571 (nghĩa là cách đây 450 năm), đưa đến việc thiết lập lễ Mân Côi trong lịch phụng vụ. Ngoài ra, còn một kỷ niệm nho nhỏ nữa, như sẽ nói sau, là năm nay kỷ niệm 600 năm ấn định hình thức đọc kinh Mân Côi (năm 1421).
Thế nhưng, từ cuối thế kỷ XIX, kỷ niệm thứ nhất đã bị khoa lịch sử xét lại, theo đó thánh Đa Minh chẳng có dính dáng gì đến kinh Mân Côi hết! Vấn nạn dựa trên hai luận cứ chính: thứ nhất, các tài liệu cổ điển không hề nhắc đến việc thánh Đa Minh rao giảng Kinh Mân Côi; thứ hai, kinh Mân Côi được thành hình qua một tiến trình kéo dài nhiều thế kỷ: một đàng nó bắt đầu trước khi thánh Đa Minh xuất hiện, đàng khác nó hoàn tất gần 300 năm sau khi thánh nhân qua đời. Phần lớn bài nói chuyện hôm nay được dành cho luận cứ thứ hai, ôn lại nguồn gốc và sự tiến triển của kinh Mân Côi, bởi vì luận cứ thứ nhất đơn giản, khỏi cần dài dòng. Thực vậy, các nguồn sử liệu đầu tiên kể lại cuộc đời của thánh nhân và việc thành lập Dòng Giảng thuyết (thế kỷ XIII) [1], không hề đả động đến kinh Mân Côi, mặc dù nói rất nhiều về lòng hiếu thảo của ngài cũng như của thế hệ tiên khởi của Dòng đối với Đức Thiên Chúa Thánh Mẫu, mà dấu chỉ độc đáo nhất là các anh em khấn vâng lời Người[2]. Bài này gồm hai phần. Trước hết, chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển của Kinh Mân Côi dưới hai khía cạnh: hình thức và nội dung (hay nói kiểu kinh viện: chất thể và mô hình). Kế đó, xin đưa ra vài suy nghĩ về bản chất kinh Mân Côi, thêm vào vài nhận xét liên quan đến bối cảnh Việt Nam, cách riêng là chuyện từ ngữ. Tạm thời, chúng ta tạm dùng hạn từ “Mân Côi” vì đã quen thuộc, mặc dù trên thực tế, có khi còn được gọi là Mai khôi, Môi khôi, Văn côi; thời xưa gọi là kinh Rosa (mà ta có thể dịch là “hoa hồng” hay “bông hường”).
- LỊCH SỬ TIẾN TRIỂN KINH MÂN CÔI
Như vừa nói, kinh Mân Côi có một tiến trình hình thành kéo dài nhiều thế kỷ trước và sau cuộc đời ngắn ngủi của thánh Đa Minh (k.1172-1221). Thực ra, nói đến sự tiến triển của kinh Mân Côi không phải là chuyện đơn giản. Để có thể nói đến sự tiến triển, trước phải xác định căn tính của nó: cái gì làm nên kinh Mân Côi? phải chăng đó là đọc 150 (hay là 50, hay là 200) kinh Kính Mừng? Việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng đã đủ để cấu thành Kinh Mân Côi chưa, hay còn phải kèm theo việc suy gẫm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu nữa? Ta tạm coi đây là khía cạnh hình thức; còn phần nội dung thì phải thêm vài câu hỏi nữa: đây là kinh nguyện dâng kính Đức Mẹ hay là kính nguyện hướng về Chúa Giêsu? Nên xếp vào khẩu nguyện hay tâm nguyện, suy niệm hay chiêm ngắm? Xin thưa trước rằng những câu hỏi vừa nói chỉ tìm được giải đáp vào giai đoạn cuối, chứ không phải vào lúc khởi đầu công trình, tựa như một ngôi nhà chỉ mặc hình thù nhất định sau khi đã hoàn thành, chứ vào lúc khởi công thì chỉ thấy một đống gạch và bao xi-măng. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với việc thu gom chất liệu, rồi dần dần cất lên ngôi nhà.
- Tiến triển về hình thức
Về hình thức cấu thành kinh Mân Côi, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu lịch sử của các yếu tố sau đây: 1) tràng chuỗi đọc kinh; 2) bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ; 3) liên kết với cuộc đời Chúa Cứu thế.
1/ Chuỗi đọc kinh
Lối tiếp cận đơn giản nhất là xâu chuỗi (“lần chuỗi Mân Côi”). Trong lịch sử các tôn giáo, việc sử dụng xâu chuỗi để đọc kinh không phải là cái gì độc đáo của Kitô giáo. Chung quanh ta, Phật giáo cũng có tràng chuỗi, với nhiều loại khác nhau, từ 16,18 cho đến 108 hạt. Tôi còn nhớ bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh được học thuộc lòng khi còn ở cấp hai: “Lần tràng hạt, niệm Nam mô Phật”. Đi xa hơn một chút về phía Tây, các tín đồ Islam cũng có tràng chuỗi 99 hạt kính các danh hiệu của Thượng Đế. Chúng ta cũng biết là các tràng chuỗi được dùng bằng các chất liệu khác nhau (xương, đá, ngà voi, thủy tinh, vân vân). Các đan sĩ Đông phương Kitô giáo cũng sử dụng các xâu chuỗi khi niệm danh Chúa Giêsu (Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi). và lặp đi lặp lại cả ngàn lần mỗi ngày[3]. Không hiểu tục lệ này là do sáng kiến của các đan sĩ, hay là chịu ảnh hưởng của các Ấn giáo và Phật giáo. Cần nói thêm là bởi vì các đan sĩ nghèo cho nên họ không chế ra những chuỗi hạt đắt tiền, mà chỉ dùng những sợi dây thắt nút[4].
2/ Tràng chuỗi 150 kinh Kính Mừng
Như vừa nói, tràng chuỗi chỉ là một dụng cụ để đếm, và cụ thể là đếm các kinh đọc vắn tắt. Từ đó ta có thể mường tượng nhiều loại chuỗi khác nhau, tùy theo chúng được sử dụng để đọc kinh gì. Đến đây, chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa, đó là tràng chuỗi 150 hạt. Chúng ta hãy để các tôn giáo khác ra ngoài và chỉ tập trung vào đạo Công giáo. Tràng chuỗi 150 hạt dùng để đọc kinh gì? Thưa để đọc 150 thánh vịnh. Nên biết là cho đến công đồng Vaticanô II, các tu sĩ mỗi tuần phải đọc trọn bộ thánh vịnh (cuộc cải tổ dưới thời ĐTC Phaolô VI năm 1970 kéo dài ra chu kỳ 4 tuần như hiện nay). Các tu sĩ nào không đọc tiếng Latinh thì thay thế 150 thánh vịnh bằng 150 kinh Lạy Cha. Tục lệ này được ghi nhận nơi các tu sĩ Cluny (dòng Biển Đức) vào thế kỷ X.
Sang thế kỷ XI, nhờ việc cổ động lòng kính mến Đức Mẹ của thánh Bênađô (1090-1153), ngoài tràng chuỗi 150 kinh Lạy Cha, các đan sĩ Xitô còn thêm tràng chuỗi 150 hạt để đọc kinh Kinh Mừng. Tràng chuỗi được gọi là bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ (Psalterium Beatae Mariae Virginis). Nên lưu ý là đang khi kinh “Lạy Cha” đã có hình thức cố định trong Tân Ước (với hai mẫu thức theo Tin Mừng Matthêu 6,9-13 và Luca 11,9-13, tuy mẫu thức của Matthêu phổ biến hơn), thì kinh “Kính Mừng” phải chờ 16 thế kỷ mới mang hình thức cố định. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, có người đã sử dụng lời chào của sứ thần và của bà Elizabeth để chào Đức Maria (Lc 1,28.42), nhưng mãi đến thế kỷ XI, người ta mới dùng như lời cầu nguyện, và kết thúc tại đó (Ave Maria gratia plena, Dominus tecum, / benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui). Thánh danh “Giêsu” được thêm vào giữa thế kỷ XII. Phần thứ hai của kinh Kính Mừng xuất hiện từ thế kỷ XIV (nghĩa là sau thánh Đa Minh), lúc đầu ngắn ngủi (“Sancta Maria, ora pro nobis”), rồi dần dần, mỗi nơi mỗi thời kèm thêm một vài lời khẩn nài (chẳng hạn: “xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi”). Mãi đến khi đức thánh Piô V công bố sách nguyện cải tổ theo ý định công đồng Trentô (năm 1568), kinh Kính Mừng mới mang một hình thức cố định trong toàn thể Hội thánh.
3/ Việc đọc kinh Kính Mừng gắn liền với cuộc đời Chúa Cứu thế
Việc đọc bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ chưa đủ để tạo nên căn tính của Kinh Mân Côi. Cần phải đi thêm bước thứ ba nữa, đó là gắn liền kinh Kính Mừng với các mầu nhiệm của Chúa Cứu thế. Giai đoạn này diễn ra vào thế kỷ XV với nhiều sáng kiến khác nhau, trở thành nguyên nhân cho nhiều cuộc tranh luận giữa các sử gia. Có hai sáng kiến nổi bật nhất, một của Dòng Chartreux, một của Dòng Đa Minh.
- a) Sáng kiến thứ nhất củaDòng Chartreux[5]do hai tu sĩ sống hầu như đồng thời nhưng có lẽ không quen biết nhau. Một là cha Henricus Egher Kalcar (1328-1408) ở Koln, chia bộ thánh vịnh Đức Mẹ ra thành 15 chục (có lẽ dễ đếm trên các ngón tay), và đầu mỗi chục thì thêm một kinh Lạy Cha. Hai là cha Dominicus Prussia (1384-1460)[6]: vào cuối mỗi kinh Kính Mừng (lúc đó chỉ có phần thứ nhất, sau thánh danh Giêsu, thêm một câu ngắn liên quan đến cuộc đời Chúa Cứu thế. Tất cả là 50 câu: 14 câu về thời thơ ấu, 6 câu về thời hoạt động công khai, 23 câu về cuộc tử nạn, 7 câu về cuộc Khải hoàn. Thí dụ Ave Maria, gratia plena, Dominus tecum. Benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui Jesus Christus, quem Angelo nuntiante de Spiritu Sancto concepisti. Amen… (và Giêsu, Đấng mà Bà thụ thai do Chúa Thánh Thần khi sứ thần truyền tin. Amen)
- b) Sáng kiến thứ hai củaDòng Đa Minh, do chaAlain de la Roche O.P.[7] quảng bá. Sự đóng góp của cha Alain vào sự phát triển kinh Mân Côi thật lớn: cha đã phân chia bộ thánh vịnh Đức Mẹ ra làm ba phần để kính nhớ cuộc Nhập thể, Tử nạn, Vinh hiển của Chúa Kitô. Vào mỗi kinh Kính Mừng, cha thêm một tư tưởng suy niệm các chân lý đức tin. Như vậy ngoài việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, cha Alain còn thêm việc suy ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô. Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm để giải thích ý nghĩa của kinh Mân Côi (Tractatus de Rosario B. Mariae Virginis, Koln 1472 ; Quodlibet de veritate fraternitatis Rosarii seu Psalterii beatae Mariae Virginis, Koln 1476). Từ nay, “thánh vịnh đức Mẹ” được đổi tên thành “vòng hoa hường trinh nữ Maria”.
Ngoài việc rao giảng Kinh Mân Côi, cha Alain còn thành lập “Hiệp hội thánh vịnh Mẹ Maria” (Confrérie du psautier de Notre Dame), bắt đầu tại Douai (1470). Các hội viên cam kết đọc hết 150 kinh Kính Mừng mỗi ngày[8], cũng như cam kết xưng tội rước lễ vào lúc ghi danh và mỗi năm ba lần (lễ Hiện xuống, lễ thánh Đa Minh, lễ Giáng sinh). Như vậy qua việc đọc kinh Mân Côi, các hội viên được thúc giục đào sâu các mầu nhiệm đức tin và tham gia các bí tích nữa.
Phong trào của cha Alain tiến triển mau lẹ, một phần cũng nhờ sự hợp tác của anh em cùng Dòng. Năm 1474, một bàn thờ dành cho Hội Mân Côi đã được thành lập tại tu viện Frankfurt. Năm 1475 (năm mà cha qua đời), cha bá cáo cho biết rằng số hội viên lên tới hơn 50 ngàn. Cũng vào năm ấy, Huynh đoàn Mân Côi (Fraternitas Rosarii) được thành lập tại Koln (do bề trên Giacôbê Sprenger). Tuy gặp vài chống đối đây đó nhưng cả hai hiệp hội tại Lille và Koln đã được giáo quyền địa phương châu phê. Sang năm 1479, chính Đức Giáo hoàng Sixtô IV đã châu phê hiệp hội, với bulla Ea quae ex fidelium (8/5/1479), mở màn cho các văn kiện Toà thánh về kinh Mân Côi.
Trước sự bành trướng mạnh mẽ của kinh Mân Côi như vậy, cha Alain nghĩ rằng chắc là phải có sự can thiệp từ trời cao. Trong bối cảnh ấy, cha đã gán việc thành lập kinh Mân Côi cho một “thị kiến” trông thấy Đức Mẹ đã trao tràng hạt cho thánh Đa Minh như khí cụ bài trừ lạc giáo[9]. Đây là một “lý luận” rất thông thường vào thời đó. Cha Dominico de Prussia cũng cho rằng mình đã nhận sáng kiến từ một “thị kiến”. Không thiếu sử gia cho rằng cha Alain đã lẫn lộn cha Dominico de Prussia với thánh Đa Minh (Dominico de Guzman). Nhưng có ý kiến phản biện rằng Cha Alain không lẫn lộn đâu, vì cha có quen biết cha Dominico de Prussia, nhưng không đồng ý với sáng kiến của dòng Chartreux muốn rút gọn kinh Mân Côi xuống còn 50 kinh Kính Mừng, đang khi nguồn gốc của bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ phải gồm đủ 150 kinh.
Một chặng nữa trên đường tiến triển của kinh Mân Côi là trong một cuốn sách xuất bản tại Venezia vào năm 1521 (năm nay kỷ niệm 500 năm), cha Alberto da Castello O.P. đã phân chia ba mầu nhiệm lớn của bộ thánh vịnh kinh Đức Mẹ (Nhập thể, Tử nạn, Vinh hiển của Chúa Kitô) thành 15 mầu nhiệm nhỏ.
Văn kiện quan trọng nhất của Toà thánh về kinh Mân Côi là bulla Consueverunt Romani Pontifices (17/9/1569) của Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V (OP), trong đó ngài kể lại nguồn gốc, mô tả bản chất, và những mục tiêu của việc đọc kinh Mân Côi. Việc đọc kinh Mân Côi đã được phổ biến rộng rãi trong toàn thể Hội Thánh nhất là từ khi đức Piô V nhìn nhận sự chiến thắng của đạo quân Công giáo chống lại sự tấn công của quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lêpantô (5/10/1571) là do lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria. Trong công hội (consistorium) ngày 17/3/1572 ngài quyết định thiết lập lễ Mân Côi để kính nhớ biến cố này. Tiếc rằng ngài đã qua đời (1/5/1572) trước khi thực hiện ý định. Theo lời thỉnh nguyện của cha Serafino Cavalli (tổng quyền Dòng Đa Minh), Đức Grêgôriô XIII đã thiết lập lễ Mân Côi (bulla Monet Apostolus, 1/4/1573) và cho phép cử hành vào chúa nhựt đầu tháng 10 tại bất cứ thánh đường nào có bàn thờ kính Đức Mẹ Mân Côi. Ngày 3/10/1716, đức Clêmentê XI nới rộng lễ này ra toàn thể Hội thánh để ghi nhớ một cuộc chiến thắng khác của lực lượng công giáo đẩy lui quân Thổ-nhĩ-kỳ tại Peterwarodine (gần Vienna, ngày 5/8/1716).
Dù sao, kinh Mân Côi từ thời thánh Piô V đã được ấn định là 150 kinh Kính Mừng được phân ra làm 15 chục. Cầu trúc này được duy trì cho đến ngày này. Duy có điều là với tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002), ĐTC Gioan Phaolô II đã thêm 50 chục kinh mầu nhiệm Ánh sáng. Như vậy, tràng chuỗi Mân Côi ngày nay gồm 200 hạt, nhưng có lẽ ít người muốn “cập nhật” bởi vì dài quá! Chúng ta thường chỉ mang chuỗi 50 kinh.
- Tiến triển về nội dung
Việc mô tả sự tiến triển hình thức vừa rồi đã cho thấy phần nào sự tiến triển về nội dung, từ chỗ đọc 150 kinh Kính Mừng đến việc gắn với việc suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu thế. Ở đây, khi bàn về sự tiến triển về nội dung, chúng tôi chỉ muốn nêu bật sự chuyển hướng từ kinh nguyện kính Đức Mẹ sang kinh nguyện kính Chúa Giêsu, và điều này xảy ra sau công đồng Vaticano II.
Kinh Mân Côi dịch từ Rosarium tiếng Latinh. Cha Alain tránh dùng tên ấy, và muốn gọi kinh này là Psalterium B.M.V., bởi vì vào thời ấy từ Rosarium mang ý nghĩa hàm hồ. Rosarium đôi khi được hiểu là một hợp tuyển những bài ca hay các danh ngôn. Rosarium cũng có nghĩa là vòng hoa hường mà các công tử mang biếu người đẹp. Rosarium cũng có nghĩa vòng hoa hường mà các cô bé đội trên đầu. Vết tích của ý nghĩa này còn được lưu lại trong tiếng Pháp chapelet (cái nón nhỏ: petit chapeau). Dù nói thế nào đi nữa, đây là một lời kinh kính Đức Mẹ, muốn dâng lên Mẹ những tràng hoa hồng để tỏ lòng thảo hiếu.
Sang thế kỷ XX, trong bối cảnh canh tân phụng vụ cũng như đối thoại đại kết, trọng tâm của kinh này đã được di chuyển từ Đức Maria sang Chúa Kitô. Trong số những văn kiện Toà thánh sau công đồng Vaticanô II bàn về kinh Mân Côi, cần phải nhắc đến tông huấn Marialis cultus của Đức Phaolô VI (2/2/1974) và tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002). Hai văn kiện này không chỉ khuyến khích tăng gia việc lần hạt nhưng nhất là vạch cho thấy giá trị thần học của Kinh Mân Côi, theo đó kinh Mân Côi không phải là kinh kính Đức Mẹ cho bằng kinh kính Chúa Giêsu ; hay nói cách chính xác hơn : đây là kinh nguyện chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu nhờ cặp mắt và trái tim của Mẹ Maria[10]. Trong tông huấn Marialis cultus (số 42 ; 46), Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gọi kinh Mân Côi là “toát yếu Tin Mừng” totius Evangelii breviarium[11]; và “kinh nguyện Tin Mừng” (oratio evangelica) bởi vì nhắm đến trung tâm là mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc của Chúa Kitô (xc. GLCG số 971).
Tông thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một đàng lặp lại giáo huấn của vị tiền nhiệm, đàng khác đã mở ra nhiều hướng mới về đạo lý cũng như về thực hành. Xét về nội dung, tông thư giới thiệu kinh Mân Côi như kết hiệp với Đức Maria để chiêm ngắm Chúa Kitô : từ chỗ nhớ lại cuộc đời của Chúa, đến chỗ bắt chước, khẩn cầu cũng như loan báo. Những chiều kích này trùng hợp với kinh nguyện phụng vụ, xoay quanh các biến cố Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô (số 18-25). Xét về thực hành, có thể ví buổi đọc kinh Mân Côi như một buổi Lectio divina (số 26-38) với bốn bước cổ điển: công bố Lời Chúa (lectio), thinh lặng (meditatio), cầu nguyện (oratio, đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng), chiêm ngắm (contemplatio kinh Sáng danh).
- VÀI SUY TƯ
Vì thời giờ ngắn ngủi, tôi chỉ xin đưa vài suy tư ngắn ngủi, xoay quanh hai mục: 1/ bản chất Kinh Mân Côi. 2/ Kinh Mân Côi trong bối cảnh Việt Nam
- Bản chất Kinh Mân Côi
Chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở hai điểm: 1/ hình thức cầu nguyện, 2/ đối tượng cầu nguyện
1/ Hình thức cầu nguyện
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo kê ra ba hình thức cầu nguyện: khẩu nguyện (số 2700-2703); suy niệm (số 2705-2708); chiêm ngắm (số 2709-2719). Kinh Mân Côi bao gồm cả ba hình thức ấy. Quả là tuyệt vời! Tông thư Rosarium Virginis Mariae của ĐTC Gioan Phaolô II đã vạch ra 5 chiều kích của việc chiêm ngắm Kitô giáo như sau (số 13-17): a) Hồi tưởng công trình của Thiên Chúa; b) Học hỏi Chúa Kitô; c) Họa theo Chúa Kitô; d) Khẩn cầu Chúa Kitô; e) Loan báo Chúa Kitô.
2/ Đối tượng cầu nguyện
Đối tượng của việc chiêm ngắm là mầu nhiệm Đức Kitô. Như đã nói trên đây, có một sự chuyển hướng quan trọng trong việc xác định bản chất của kinh Mân Côi. Vào lúc đầu, kinh này được quan niệm như là một tràng hoa hồng dâng kính Mẹ Maria (bộ thánh vịnh 150 kinh Kính Mừng); nhưng ĐTC Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng đây là một việc chiêm ngắm các mầu nhiệm Đức Kitô, với cặp mắt và trái tim của Mẹ Maria. Lối giải thích này hợp lý hơn bởi vì trong khi năm mầu nhiệm mùa Vui, ta thấy có sự hiện diện của Mẹ, nhưng qua các mầu nhiệm mùa Sáng (ngoại trừ tiệc cưới Cana) và mùa Thương thì Mẹ rút vào bóng tối.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã dành các số 512-560 để bàn về đề tài “Các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô”: các biến cố cuộc đời Đức Kitô mặc khải Thiên Chúa và thực hiện ơn cứu độ nhân loại. Chúng tôi chỉ muốn ghi nhận bốn điểm
- a) Trước đây, nhiều khi chúng ta chú trọng đến chi tiết của 15 mầu nhiệm (mùa Vui – Thương – Mừng) mà quên rằng tất cả xoay quanh ba trục chính của công trình Đức Kitô, đó là: mầu nhiệm Nhập thể, Thập giá và Phục sinh (hay Vượt qua).
- b) Trong lịch sử thần học, ngay từ thời các giáo phụ, có hai điểm nhấn khác nhau về ý nghĩa ơn cứu độ. Bên Đông phương, ơn cứu độ hệ tại việc “Con Thiên Chúa làm người ngõ hầu con người được làm con Thiên Chúa”; do đó ơn cứu độ được thực hiện kể từ lúc Nhập thể. Bên Tây phương, ơn cứu độ hệ tại con người tội lỗi được hòa giải với Thiên Chúa; và điều này được thực hiện nơi thập giá của Đức Kitô (cuộc phục sinh không được nhấn mạnh lắm)[12].
- c) Có một khoảng trống giữa việc nhập thể và vượt qua của Đức Kitô. Cuộc đời ẩn dật tại Nazareth và cuộc đời công khai giảng đạo có góp phần vào công trình cứu độ không? Lấy lại tư tưởng của thánh Tôma Aquinô, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo coi cuộc đời ẩn dật, các lời giảng, các việc thương xót chữa lành cũng mang tính cách cứu độ (số 517; 535-560). Đó là lý do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chen thêm “Năm sự sáng” vào kinh Mân Côi.
- d) Dựa theo tiêu chuẩn nào để “chọn lọc” 5 mầu nhiệm cuộc đời công khai của Chúa Kitô? Thật là khó nói. Người ta nhận thấy rằng ngay từ năm 1957, thánh Georges Preca, một linh mục hăng say với công cuộc huấn giáo ở Malta (1880-1962), đã viết một cuốn sách về Năm mầu nhiệm ánh sáng: (1) Đức Giêsu lãnh phép rửa tại sông Giordan và được đưa vào hoang địa; (2) Đức Giêsu tự mặc khải là Thiên Chúa bằng lời nói và phép lạ; (3) Đức Giêsu giảng dạy các mối phúc trên núi; (4) Đức Giêsu biến hình trên núi; (5) Đức Giêsu dùng bữa tiệc lý với các tông đồ[13]. Phải chăng Đức Gioan Phaolo II đã được gợi hứng từ đây?
- Trong bối cảnh Việt Nam
Chúng tôi muốn thêm bốn nhận xét về việc chuyển dịch các từ ngữ liên quan đến kinh Mân Côi, các mầu nhiệm, các hoa trái và cuối cùng Kinh Kính Mừng.
1/ Tên gọi của kinh
Theo ông Nguyễn Cung Thông[14], lúc đầu, ở nước ta, kinh này được gọi là kinh Rosa (hoặc Rosario). Mãi đến từ điển Taberd (1838) mới thấy tên gọi “Hoa Môi khôi”. Dù sao nên biết ở miền Trung và Nam, từ “Môi khôi” thông dụng hơn, còn miền Bắc thì quen gọi là “Mân Côi, hay Văn côi” từ thế kỷ XIX. Những từ này gốc Hán Việt và có thể đọc theo nhiều cách khác nhau: Mai (hoặc Mân, Môi) là hoa hồng, bông hường; Côi (Khôi) là đá quý.
2/ Tên gọi ba mùa
Chúng ta quen gọi năm sự Vui -Thương – Mừng. Nhưng thử hỏi: có cái vui nào mà chẳng mừng, và có cái mừng nào mà chẳng vui? Thực ra nếu muốn dịch sát nghĩa, thì phải gọi là các mầu nhiệm “Vui mừng” (gaudiosa, joyful) – “Đau thương” (sầu khổ, dolorosa, sorrowful) – “Vinh hiển” (vinh quang: gloriosa, glorious).
3/ Các hoa trái
Nếu ai có dịp tham dự buổi đọc kinh Mân Côi ở nước ngoài, thì sẽ thấy người ta chỉ xướng lên mầu nhiệm (thí dụ Truyền tin cho Đức Mẹ); ở Việt nam còn thêm “ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”. Tục lệ này bắt nguồn từ đâu vậy? Sau khi đi tra cứu, tôi thấy rằng đây không phải là sáng kiến của dân ta, nhưng là do thánh Louis Marie Grigion de Montfort, (Le Secret Admirable du Très Saint Rosaire)[15]. Sau khi suy niệm một mầu nhiệm, ngài thêm ý nguyện xin bắt chước bằng việc thực hành một nhân đức, được gọi là “hoa trái” (fruits). Thực ra danh sách các hoa trái trong nguyên bản rộng hơn là tập tục của Việt Nam. Xin trưng dẫn để đối chiếu[16].
- a)Các mầu nhiệm vui mừng: Khiêm nhường; Bác ái với tha nhân; Thoát ly khỏi của cái thế gian, yêu mến đức thanh bần và những người nghèo; Vâng lời (hoặc: Thanh tịnh xác hồn); Sự khôn ngoan của Thiên Chúa (hoặc: niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu).
- b)Các mầu nhiệm đau thương: Thống hối tội lỗi (hoặc: vâng theo ý Chúa); Khổ chế giác quan; Khinh chê thế gian (hoặc lòng can đảm); Kiên nhẫn vác các thánh giá của mình; Cầu xin cho các tội nhân được hoán cải, người lành được bền tâm; Các linh hồn trong luyện tội được nâng đỡ (hoặc: tha thứ; chết lành).
- c)Các mầu nhiệm hiển vinh: Lòng yêu mến Thiên Chúa và nhiệt tâm phụng sự Ngài (hoặc: đức tin); Ước mong quê thật trên trời (hoặc: đức hy vọng); Chúa Thánh Linh ngự xuống tâm hồn chúng ta (hoặc: đức mến, ơn thâm hiểu); Lòng thảo hiếu với Đức Mẹ; Bền đỗ trong ân sủng và xin được hạnh phúc trên thiên đàng (hoặc: tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Mẹ).
Dĩ nhiên, không ai cấm chúng ta thay đổi các ý chỉ này. Chẳng hạn như khi chiêm ngắm mầu nhiệm truyền tin chúng ta có thể xin cho biết đáp lại lời Fiat như Đức Mẹ, hoặc sống sự tự hủy (kenosis) của Đức Kitô.
4/ Kinh Kính Mừng
Kinh Kính Mừng đã mất hơn 15 thế kỷ mới có hình thức nhất định. Sang nước Việt Nam, cũng cần ba thế kỷ mới đạt được bản dịch như ngày nay[17]. Chúng tôi chỉ trưng dẫn vài mẫu tượng trưng.
- a) Tiền bán thế kỷ XVII: “A Ve Ma Ri A, đầy ga ra sa, Chúa Dêu ở cùng Bà, nữ trung Bà có phúc lạ, Bà thai tử Giê Su , Người là Mẹ Đức Chúa Trời, thì xin cầu cho chúng tôi vì là kẻ có tội, lại xin phù hộ khi còn sống và khi rình qua đời”.
- b) Năm 1869: “A Ve Ma Ri A đầy ga ra sa, Chúa Deo ở cùng bà, nữ trung bà có phúc lạ, bà thai tử Giê Su gồm phúc lạ. Sang Ta Ma Ri A đức mẹ chúa Deo, cầu cho chúng tôi kẻ có tội khi nay cập thần đẳng tử hầu”.
- c) Đầu thế kỷ XX: “Ave Maria, đầy ga-la-ti-a, Chúa Dêu ở cùng bà, nữ trung bà có phước lạ, thai tử Giê-su gồm phước lạ. Xăng-ta Maria, Đức Mẹ Chúa Dêu, cầu cho chúng tôi, khi nay và cập thần đẳng tử hậu. Amen”.
- d) Giữa thế kỷ XX (sau công đồng Đông Dương):“Kính Mừng Maria đầy ơn phúc (phước), Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ, hơn mọi người Nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này (nay) và trong giờ lâm tử. Amen”.
Điều chúng tôi muốn lưu ý là “benedictus” và “benedicta” trong lời chào của bà Elizabeth (Lc 2,42) được dịch là “có phúc lạ”. Nhóm Các Giờ kinh phụng vụ dịch sát nghĩa hơn là “được chúc phúc” (Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc). Theo nghĩa này, người ta có thể xen thêm “và Giêsu, Đấng (Bà đã cưu mang, Đấng Bà mang đến viếng thăm bà Ysave, Đấng Bà đã sinh ra, Đấng được dân hiến cho Chúa Cha, Đấng dạy dỗ trong đền thờ, vv.) được chúc phúc”.
KẾT LUẬN: KINH MÂN CÔI VỚI DÒNG ĐA MINH
Như đã nói ở đầu, mỗi khi nói đến nguồn gốc Kinh Mân Côi, người ta không thể nào bỏ qua thánh Đa Minh. Liệu những nghiên cứu lịch sử gần đây có làm lung lay mối tương quan ấy không?
Xin thưa rằng kinh Mân Côi không do Đức Mẹ trao cho thánh Đa Minh, nhưng nó trở thành gia sản của Dòng. Ta có thể chứng tỏ điều này qua nỗ lực truyền bá kinh Mân Côi kể từ cha Alain de la Roche, xuyên qua các Hiệp Hội Mân Côi[18]. Trong cuốn “Tìm hiểu Dòng Đa Minh”, tôi cũng đã trình bày những sáng kiến khác trong thế kỷ XX nhằm cổ vũ kinh này: hội Mân Côi sống (do chị Pauline Jaricot sáng lập), hội Mân Côi liên lỉ (do cha Augustin Chardon), Equipes du Rosaire, vv.[19]. Về mặt cơ chế, tại Trung ương của Dòng có một vị Tổng đặc trách Kinh Mân Côi, và mỗi tỉnh dòng cũng có một đặc trách cổ võ kinh Mân Côi[20].
Dù sao, với hướng đi của Huấn quyền ngày nay, kinh Mân Côi không chỉ là một việc đạo đức nội bộ, nhưng được gắn liền với trung tâm của Kitô giáo, tức là các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Rao giảng kinh Mân Côi cũng là rao giảng Tin Mừng, bằng ngôn ngữ sát với đời sống thường ngày. Cầu nguyện kinh Mân Côi cũng mang một hình thức tương tự như cử hành phụng vụ và lectio divina. Thật là một gia sản đáng cho chúng ta cần trân trọng, đặc biệt khi những cổ động viện của kinh Mân Côi không chỉ là các giáo hoàng nhưng nhất là chính Đức Mẹ Maria khi hiện ra ở Lourdes và Fatima.
Thư mục
(Những tác phẩm bàn về nguồn gốc kinh Mân Côi)
Thomas Esser, Unserer lieben Frauen Rosenkranz, Schöningh, Paderbon, 1889.
Franz Michel Willam, Die Geschichte und Gebetsschule des Rosenkranzes, Herder, Wien 1948.
Stefano Orlandi (a cura di), Libro del Rosario della Gloriosa Vergine Maria, Centro Internazionale Domenicano Rosariano, Roma, 1965.
Gilles Gérard Meersseman, Ordo Fraternitatis. Confraternite e pietà dei laici nel Medioevo, 3 voll., Herder, Roma 1977
Riccardo Barile, Il Rosario della Vergine, ESD Bologna 1990.
Anne Winston-Allen, Stories of the Rose. The Making of the Rosary in the Middle Ages, Penn State University Press, University Park (Pennsylvania) 1997.
Boguslaw Kochaniewicz, The contribution of the Dominicans in the development of the Rosary, in: Angelicum 81 (2004), 377-403.
2021
NGƯỜI TRẺ VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
NGƯỜI TRẺ VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Dẫn nhập:
Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (AG 2). Điều này Kitô hữu nào cũng biết, nhưng vẫn cứ phải nhắc đi nhắc lại hoài để mỗi người có thể loan báo và làm chứng về Chúa Kitô trong vai trò của mình, theo những cách thế riêng và tại môi trường sống của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề cho Sứ điệp ngày Truyền giáo năm nay là: “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20). Theo Ðức Thánh Cha, chủ đề Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021 là một lời mời gọi mỗi người chúng ta lãnh trách nhiệm và loan báo điều chúng ta mang trong tâm hồn. Sứ vụ này luôn là căn tính của Giáo hội: Giáo hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng.
Trong Thư Mục vụ năm 2020, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi mọi Kitô hữu noi gương Mẹ Maria để “trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng cho người khác, bằng đời sống chan chứa yêu thương và dấn thân phục vụ” (số 6).
Hoà chung theo đường hướng của Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam, Giáo phận Cần Thơ chúng ta đã đưa ra những quyết định thực hành Mục vụ rất cụ thể trong Năm “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình” này. Và đề tài được đề nghị để tìm hiểu và áp dụng trong tháng 10.2021 là: Cần mạnh dạn phân công cho người trẻ làm một số công tác trong gia đình Giáo xứ, cách riêng là công tác Loan báo Tin Mừng.
Chúng ta hãy cùng nhau nhìn về vai trò của người trẻ trong việc loan báo Tin Mừng hiện nay, soi rọi nó dưới ánh sáng Lời Chúa và Giáo huấn của Giáo hội – nhất là theo gương mẫu của Mẹ Maria, từ đó có thể nêu lên một vài gợi ý thực hành cụ thể, để sứ mạng Loan báo Tin Mừng đạt được hiệu quả thiết thực hơn.
1. Người trẻ và sứ mạng loan báo Tin Mừng
1.1. Nội dung của công tác Truyền giáo theo Tin Mừng
Dựa vào Lời Chúa trong Tin Mừng, chúng ta có thể khẳng định rằng, nội dung Truyền giáo gồm 4 việc quan trọng sau:
– Truyền giáo là “loan báo Tin Mừng” (Mc 16,14) của Chúa Giêsu Kitô. Rao giảng về Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người giống như ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, đã ở cùng, đã loan báo Tin Mừng Nước Trời, đã chấp nhận chịu chết và đã phục sinh để cứu độ nhân loại.
– Truyền giáo là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), nghĩa là thiết lập cộng đoàn Giáo Hội, quy tụ muôn dân theo Chúa Kitô.
– Truyền giáo là “làm phép rửa cho họ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19), nghĩa là cử hành Phụng vụ và các Bí tích, để qua đó Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho con người.
– Truyền giáo là “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,20), nghĩa là dạy Giáo lý, là Huấn giáo để cho người ta biết Chúa, tin Chúa, yêu Chúa và gặp gỡ Chúa trong đời sống cầu nguyện, cũng như trong đời sống hằng ngày.
1.2. Người trẻ đảm nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng
1.2.1. Từ thực trạng ngày nay của Giới trẻ Công giáo dưới lăng kính “loan báo Tin Mừng”:
– Tông huấn Christus Vivit đã nhận định: “một số lớn giới trẻ, với nhiều lý do khác nhau, không đòi hỏi gì ở Hội Thánh vì họ cho rằng Hội Thánh chẳng có liên can gì đến cuộc đời họ. Một số còn minh nhiên yêu cầu Hội Thánh để họ yên thân, vì họ cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là bực bội, khi Hội Thánh hiện diện (…)”. Mà một trong những “lý do nghiêm trọng và đáng trân trọng” là: “vai trò thụ động dành cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu”. (số 40).
– Sự “thụ động” mà Tông huấn đề cập đến, chúng ta có thể thấy được xuyên qua những hiện tượng sau đây:
+ Người trẻ không hoặc ít nhận được sự tín nhiệm trong gia đình Giáo xứ: rất ít người trẻ được giao việc trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, hoặc làm trưởng các Hội đoàn… Có lẽ là do“tâm lý chung” coi các bạn trẻ còn đang trong tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới!”.
+ Người trẻ không hoặc ít quan tâm đến các công tác chung trong gia đình Giáo xứ, vì sống trong một xã hội kim tiền và hưởng thụ, nên người trẻ thường bị cuốn vào vòng lẩn quẩn tiền tài danh vọng để rồi đắm mình trong những “con dao hai lưỡi” có tên “công nghệ”.
+ Trong thời buổi di dân, nhiều người trẻ phải rời quê hương xứ sở để “tha hương cầu thực” nên trở nên “xa lạ” với chính cộng đoàn “quê nhà” lẫn cộng đoàn “quê người”, nên dễ dẫn đến tình trạng lơ là trong đời sống đức tin, thì làm sao có thể hăng say loan báo Tin mừng.
1.2.2. Đến những lời nhắn nhủ của vị Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ:
– Đức Thánh Cha Phanxicô đặt vấn đề để các bạn trẻ tự vấn lương tâm: “Tại sao lại không nói về Chúa Giêsu chứ, tại sao không kể cho người khác rằng Người ban cho chúng ta sức sống, rằng chúng ta thích thú trò chuyện với Người, rằng chúng ta sống rất tốt với việc suy niệm Lời Người?” (CV 176).
– Ngài mời gọi các bạn trẻ biết “đi vô” và “đi ra”:
+ Biết “đi vô”: “đừng sợ Đức Kitô và Hội thánh của Người! Vì trong Hội thánh chúng ta tìm được kho tàng làm cho cuộc sống chúng ta dạt dào niềm vui”. Bởi lẽ, “nhờ Phép Rửa các con đã trở thành những thành viên sống động của Hội thánh: cùng nhau chúng ta đã nhận lãnh sứ mạng đem Tin Mừng đến cho mọi người (…). Việc lớn lên trong ơn đức tin mà các bí tích của Hội thánh ban cho chúng ta, làm cho chúng ta được hòa vào dòng chảy hùng vĩ của các chứng nhân, là những người từ thế hệ này sang thế hệ khác giúp cho sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những bậc tiền bối trở thành chứng tá và mối khích lệ cho những ai đang nhìn về tương lai” (Sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo năm 2018).
+ Biết “đi ra”: “Đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn!”. Đi ra đến “chỗ tận cùng của trái đất hôm nay (…) là các mạng xã hội (…). Thế nhưng vì thiếu sự trao hiến cuộc đời một cách chân thành, chúng ta có thể có vô số các mối tiếp xúc, nhưng không bao giờ có sự chia sẻ đời sống hiệp thông. Chia sẻ sứ mạng đi đến tận cùng trái đất, đòi hỏi sự trao hiến bản thân trong ơn gọi mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta (x. Lc 9,23-25)” (Sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo năm 2018).
1.2.3. Đức Maria là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Hội Thánh trẻ trung Truyền giáo:
– Lời thưa của cô gái trẻ Maria: “xin hãy làm cho tôi như thế!”
+ Đó là lời “xin vâng” dứt khoát, chủ động, không hề do dự (x. CV 45)
+ Đó là lời “xin vâng” của một người mang một cam kết dấn thân (x. CV 45).
+ Đó là lời “xin vâng” với sự nhẫn nại bền chí (x. CV 45)
+ Đó là lời “xin vâng” ân cần và chẳng hề bận tâm đến các kế hoạch của mình (x. CV 46).
– Thực vậy, “Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh truyền giáo, và không có Mẹ, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu rõ tinh thần của cuộc tân phúc âm hoá” (EG 284). Bởi vì Mẹ “là người phụ nữ đầy đức tin, sống và tiến bước trong đức tin, và ‘cuộc lữ hành đức tin phi thường của Mẹ biểu thị một điểm qui chiếu cho Hội Thánh’” (EG 287).
– Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị một công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh theo phong cách Maria:
+ của tình thương và sự dịu dàng
+ của lòng khiêm nhường và suy đi nghĩ lại trong lòng
+ của cầu nguyện và lao động để phục vụ người khác (x. EG 288).
2. Những gợi ý thực hành cụ thể
2.1. Cầu nguyện để “tái loan báo Tin mừng” cho chính mình
– Cầu nguyện là nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu. Nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô dịu dàng và giàu lòng thương xót trong lời cầu nguyện, người trẻ dễ trở nên sẵn sàng hơn, để gặp gỡ và trợ giúp cùng một Chúa Kitô ấy, trong đời sống thường ngày của mình.
– Với tư cách là những người truyền giáo, người trẻ được mời gọi trở thành những người cầu nguyện trong hành động. Tất cả các hoạt động của người trẻ phải tuôn chảy từ một đời sống cầu nguyện, bao gồm cả cầu nguyện cá nhân và cộng đồng: Thánh lễ, các Bí tích, viếng Thánh Thể, kính lòng thương xót Chúa, Lần Chuỗi Mân Côi…
2.2. Tích cực tham gia vào việc tông đồ của cộng đoàn
Vượt qua những trở ngại và những pháo đài, bản thân người trẻ cần quảng đại dấn thân tiến những bước đầu tiên, thay vì sống mòn trong sự chờ đợi.
– Người trẻ cần luôn ý thức mình là tông đồ đã cam kết với chính Chúa Giêsu Kitô để sẵn sàng tham gia với một nhóm nhỏ, với những cộng đoàn cơ bản, với cộng đoàn Giáo xứ nơi mình đang sống, để mở rộng cánh cửa của cuộc sống, để thời gian và không gian của người trẻ tràn ngập những mối liên hệ có ý nghĩa, và cụ thể trong cuộc sống hàng ngày (x. Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2018, số 1).
– Vì thế, người trẻ hãy tìm kiếm mọi cơ hội để phục vụ và tỏ bày tình yêu thương. Trước hết cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình, cho hàng xóm láng giềng, Giáo xứ, cho bạn bè đồng nghiệp và cho tất cả những người khác qua khả năng và kỹ năng của mình. Các việc phục vụ ấy sẽ trở nên một lời giới thiệu sống động về Chúa Giêsu cho người khác.
2.3. Tin tưởng trao cho người trẻ những công tác trong Giáo xứ, cách riêng là công tác Loan báo Tin Mừng
– Các Giáo xứ hãy chú ý đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ Điệp Truyền Giáo 2018: “Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo”; và trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống: “Các bạn hỡi, đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc biến đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một “thời gian chuyển tiếp”. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Ngài muốn các con trổ sinh hoa trái” CV 178), để “mạnh dạn phân công cho người trẻ làm một số công tác trong gia đình Giáo xứ, cách riêng là công tác Loan báo Tin Mừng”.
– Những công tác mà người trẻ có thể đảm nhận và tham gia rất năng động và hiệu quả:
+ Mục vụ Truyền thông
+ Văn hoá – Văn nghệ – Thể thao
+ Tham gia vào Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, đặc biệt trong các vai trò chuyên trách như: Đội mai táng, Caritas, Phụng vụ, Giáo lý, Ca đoàn…
+ Đặc biệt, các Giáo xứ nên mời gọi và tổ chức cho các bạn trẻ thành những “cán bộ truyền giáo” hay “thừa tác viên loan báo Tin mừng”.
– Đồng hành với các bạn trẻ:
+ Quy tụ, lắng nghe người trẻ: để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, để người trẻ bộc lộ những khát vọng cống hiến – những thao thức trăn trở – những sáng kiến mới mẻ…
+ Khích lệ, đồng hành, nâng đỡ những sáng kiến của người trẻ, ví dụ như “Người trẻ giới thiệu Chúa Giêsu cho người trẻ”, hay “Chương trình hành động Laudato sí”…
+ Dành nhiều ưu tiên để tạo “sân chơi” cho các bạn trẻ về tinh thần lẫn thể chất, mở rộng đến các bạn trẻ lương dân theo nguyên tắc “một kèm một”: hát thánh ca, câu lạc bộ thể thao – âm nhạc – kỹ năng sống…
Kết luận:
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Evangelii nuntiandi đã nhận định thật chí lý: “Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là thầy dạy, và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (EN 41). Quả vậy, khi chúng ta dám tin tưởng trao trách nhiệm cho người trẻ, chính là lúc chúng ta trở thành những “chứng nhân” chứ không chỉ là những “thầy dạy” lý thuyết suông.
* Thảo luận:
Đâu là những công tác cụ thể của Giáo xứ, cách riêng là trong việc loan báo Tin Mừng, mà Giáo xứ có thể mạnh dạn phân công cho các bạn trẻ ? |
Và trong một cộng đoàn vững vàng niềm tin vào Thiên Chúa và tín nhiệm nhau cách chân thành như thế, thì chắc chắn cả cộng đoàn sẽ trở nên “lời loan báo Tin Mừng” sắc nét và hiệu quả, như lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Tông huấn Ecclesia In Asia: “Cộng đoàn Kitô hữu mà càng bén rễ sâu vào kinh nghiệm nơi Thiên Chúa, được xuất phát từ một niềm tin sống động, thì cộng đoàn ấy càng có thể loan báo một cách đáng tin cậy cho tha nhân để họ nhận biết trọn vẹn về Nước Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô” (EiA 23).
Lm. Phêrô Vũ Văn Hài, GP Cần Thơ
2021
Chúng tôi cùng đi với anh: Tìm hiểu khái quát về ý nghĩa “hiệp hành – synodality”
CHÚNG TÔI CÙNG ĐI VỚI ANH
(Tìm hiểu khái quát về ý nghĩa “HIỆP HÀNH – SYNODALITY)[1]
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Ngày 30.9.2021
DẪN NHẬP: Cùng nhau về đích
Trong cuộc sống đời thường, đặc biệt, trong lãnh vực thể thao, thể dục, cứ sự thường, đã nói đến thi đấu, cuộc đua, là phải nói đến chiến thắng, về đích, đoạt huy chương…
Nhưng đôi khi cũng xảy ra “những chuyện không như thế”! Trong lịch sử thi đấu của các đại hội Olympic thế giới cũng như khu vực, đặc biệt, thế vận hội dành cho những người khuyết tật, có một kỳ “thế vận hội đặc biệt” được tổ chức tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ năm 2018[2], đã để lại trong lòng khán giả thế giới một ấn tượng sâu sắc, cảm động và đầy tính nhân văn. Và đây là câu chuyện cảm động đó:
“Tại Thế Vận Hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc thi chạy đua 100m. Khi cờ hiệu phất lên, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục ngay sát vạch xuất phát. Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường, da của cậu bị trầy xước, rớm máu. Và cậu bật khóc. Khi tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi, họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: “Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn”. Cả 7 người còn lại cùng ngồi xuống quanh cậu bé, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Một lúc, cô gái cất tiếng hỏi tiếp: “Em đã thấy đỡ hơn chưa?”. Cậu bé đưa tay lau nước mắt, mỉm cười gật đầu. Cả chín người cùng đứng dậy, họ khoác tay nhau cùng sánh bước về vạch đích.”[3].
Vâng, không để ai bị bỏ lại đằng sau, tất cả cùng dìu nhau để cùng về đích, đó lại không phải là thể hiện sự “đồng hành” đúng nghĩa sao !
Và đó lại chính là ý nghĩa, trọng tâm, và là chủ đề được chọn cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới của Giáo Hội Công Giáo sắp sửa khai mạc vào Chúa Nhật 10 tháng 10 tới đây: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham dự và sứ vụ”[4].
Như một chút sẻ chia góp vào nhịp sống đức tin của Dân Chúa Việt Nam, hay như một gợi ý để cùng nhau “Sentire cum Ecclesia”, qua tài liệu “Tính Hiệp Hành trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội” (Synodality in the Life and Mission of the Church) của “Uỷ Ban Thần học Quốc tế”[5], xin khái quát đôi nét về ý nghĩa “Hiệp Hành” (Synodality), một chiều kích sống đạo hay hoạt động tông đồ mang tính thời sự của Giáo Hội Công Giáo hôm nay.
I. DANH TỪ MỚI TRONG KHÁI NIỆM CŨ
1. Đã có một “tên gọi” như thế:
Không kể văn bản ngoại ngữ, “HIỆP HÀNH”[6], một từ rất mới trong ngôn ngữ giáo lý, thần học, mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam. Thật vậy, đây là một từ ghép gốc Hán lần đầu tiên xuất hiện trong một văn kiện Huấn quyền (Christus Vivit) tiếng Việt. Cũng cần ghi nhận rằng: có một số dịch giả khi chuyển ngữ từ “SYNODALITÉ, SYNODALITY” sang tiếng Việt thì dùng từ “Đồng Nghị”: Vũ Văn An trong “Tính Đồng Nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo Hội “[7], hay “tính Hội Đồng” như dịch giả của bài viết “Un Moment MEP sur la “mission de l’Eglise” – La synodalité missionnaire: un style pour la mission en Asie của tác giả BRUNO LEPEU: Một thoáng MEP về “sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội” – Tính hội đồng trong truyền giáo: một phong cách truyền giáo tại châu Á?[8]. Cũng có chỗ dịch là “tính Đồng Bộ”[9] hoặc “tính Liên Hợp”[10]…
Riêng Tự Điển Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong mục từ “HIỆP”, có 5 từ ghép với “Hiệp” (HIỆP ĐẠO, HIỆP LỄ, HIỆP SĨ, HIỆP THÔNG, HIỆP ƯỚC)[11], nhưng không có “Hiệp Hành”. Chỉ có mục từ có liên quan xa là “THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC” (Synodus Episcoporum…)[12].
Không chỉ trong “làng văn hoá đức tin”, từ “Hiệp Hành”[13] cũng không thấy xuất hiện trong các tự điển Hán Việt, Hán Nôm, ít nhất là 2 cuốn: HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN của Đào Duy Anh, và HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN của giáo sư Nguyễn Lân.
2. Tìm lại một “khái niệm” bị lãng quên:
Nếu trong Kinh Thánh, trong các văn kiện Huấn Quyền, trong văn chương thần học, tu đức và nhiều lãnh vực khác trong nhịp sống đức tin, chúng ta thường xuyên gặp các hạn từ với các nội dung ý nghĩa hàm chứa trong đó như “xuất hành”, “lữ hành”, “đồng hành”… thì trong những ngày này, Dân Chúa được nhắc nhở “tập chú” tới chiều kích “hiệp hành” (synodality), một khái niệm không phải là mới, nhưng hình như đã có một thời bị lãng quên (ít ra cho tới trước Công Đồng Vatican II), như nhận xét sau đây của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế: “những thập kỷ gần đây, người ta thấy xuất hiện một hạn từ mới, “tính hiệp hành – synodality”… Kiểu nói “lạ tai” này, một khi được thần học làm sáng tỏ cách nghiêm túc, sẽ là dấu chỉ của một điều mới mẻ đang chín mùi trong ý thức Giáo hội, (một chiều kích) đã được khơi mào từ Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II…”[14].
Theo nhận định của tác giả Bruno LEPEU, khái niệm “HIỆP HÀNH” là một tầm nhìn quan trọng của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, được phản ảnh qua nhiều phát biểu quan trọng (từ khi ngài còn làm Giám mục ở Argentina cho tới những sự kiện gần đây trên Ngai toà thánh Phêrô)[15]. Trong khi đó, tác giả Christopher R. Altieri thì nhận xét rằng: Đức Phanxicô “khăng khăng kêu gọi cần phải có một Giáo hội mang tính hiệp hành. “Hiệp hành” là một từ ‘thời thượng’ – thậm chí là một ‘từ khóa’ – thuộc triều đại giáo hoàng của ngài[16].
Xin đan cử, ít ra hai lần có thể được coi như “điểm nhấn tiêu biểu”, Đức Phanxicô đã trân trọng nhắc đến “chiều kích hiệp hành” (synodality, synodalité) trong các giáo huấn của ngài trong những năm đầu thực thi sứ vụ:
– Trong diễn từ ngày 17.10.2015, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Đức Phaolô VI thiết lập cơ cấu “Thượng Hội Đồng Giám Mục” (Synode des Évêques): Hiệp hành là “căn tính” của Giáo Hội và là “con đường Giáo Hội phải đi trong thiên niên kỷ ba:
“Là một chiều kích tạo nên Giáo Hội, tính “hiệp hành” (synodalité) cung cấp cho ta một cái khung giải thích rất phù hợp để thấu đáo về chính thừa tác vụ phẩm trật. Nếu đồng quan niệm như Thánh Gioan Kim Khẩu đó là “Giáo Hội và thượng hội đồng (synode) luôn đồng nghĩa với nhau”, vì Giáo Hội chính là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì ta sẽ hiểu được rằng ở giữa lòng Giáo Hội, không ai tự cho mình vượt trội những người khác. Trái lại, trong Giáo Hội, mỗi người cần phải “hạ mình xuống” để phục vụ anh chị em trên nẻo đường hành lữ.”[17].
Uỷ Ban Thần học Quốc tế đã nhắc lại những lời tuyên bố nầy: “Hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa muốn Giáo hội bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba: Đây là chương trình đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô xác nhận nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập cơ cấu Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, thực ra, tính hiệp hành là “một chiều kích thiết yếu của Giáo hội”[18].
– Trong tông huấn Christus Vivit về “Mục vụ Giới trẻ”: một nền mục vụ mang tính hiệp hành:
“Mục vụ giới trẻ phải “mang tính hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm…” (CV số 206).
II. “HIỆP HÀNH” TRONG CÁI NHÌN TỔNG QUAN (GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT)
Để biết Giáo Hội quan niệm thế nào về “chiều kích Hiệp Hành” và đề xuất những “áp dụng mục vụ cụ thể”, thiết tưởng chúng ta phải căn cứ vào một tác phẩm “có thẩm quyền” về chuyên đề nầy: Synodality in the Life and Mission of the Church[19] của Uỷ Ban Thần học Quốc tế vừa được “trình làng” vào tháng 3 năm 2018, dưới sự chuẩn nhận của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như “ghi chú sơ khởi” của tác phẩm đã hé mở cho biết: “Bản văn hiện tại được đa số các thành viên bỏ phiếu tán thành và được Ủy ban phê chuẩn trong Phiên họp toàn thể năm 2017. Sau cùng, đã được chuẩn nhận bởi Đức Hồng y Luis F. Ladaria S.J, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, người đã cho phép phổ biến công khai vào ngày 2 tháng 3 năm 2018, sau khi nhận được sự đáp ứng thuận lợi từ Đức Giáo hoàng Phanxicô”[20].
Sau đây, xin nêu lên cách khái quát “một số” nội dung chính (mang tính “tiếp cận khái niệm”) được trình bày trong tác phẩm nầy[21]:
– Giới thiệu tổng quan về ngữ nghĩa.
– Một thoáng Thánh Kinh, Thánh Truyền và lịch sử liên quan đến khái niệm “hiệp hành”.
– Các điểm nhấn của thần học về “tính hiệp hành”.
1. Giới thiệu tổng quan về từ ngữ và ý nghĩa.
Uỷ Ban Thần học quốc tế dùng nguyên Phần Dẫn Nhập để “xác định các dữ kiện có tính tầm nguyên và khái niệm cần thiết cho việc minh giải sơ khởi nội dung và việc sử dụng hạn từ “Hiệp Hành” (Synodality); sau đó, đặt ý nghĩa nầy vào ngữ cảnh của một giáo lý mới và quan trọng mà Huấn Quyền đề nghị để tiếp nối giáo huấn của Công Đồng Vatican II”[22].
Xin lược tóm các nội dung trên qua các điểm chính như sau:
1.1. Tương quan của 3 hạn từ: Công Nghị, Công Đồng, Hiệp Hành
1.1.1. Công nghị (Synod): từ cội nguồn Mạc khải: Trên con đường của Chúa Giêsu:
“Synod” là một từ cổ xưa và đáng kính trong Truyền thống của Giáo hội, mà ý nghĩa của nó được căn cứ trên các chủ đề sâu sắc nhất của Mặc Khải. Bao gồm một giới từ συν (sun – với) và danh từ όδός (odos – đường), từ nầy diễn tả con đường mà Dân Chúa cùng đi. Cũng vậy, từ đó cũng ám chỉ Chúa Giêsu, Đấng đã tự tỏ mình là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), và liên quan đến các Kitô hữu, những kẻ theo Ngài, mà ngay từ thuở ban đầu, vẫn được gọi là “người theo Đạo (Đường)” (xem Công vụ 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).
Trong ngôn ngữ Hy Lạp của Giáo Hội, từ σύνοδος -Sunodos diễn tả việc các môn đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi quy tụ thành một cộng đoàn, và trong một số trường hợp, từ nầy cũng được hiểu là “cộng đoàn Giáo hội”. Chẳng hạn, Thánh Gioan Kim Khẩu viết rằng Giáo Hội là ‘tên viết tắt’ (name standing) của ‘cùng đi với nhau’ (walking together – σύνοδος)”. Ngài giải thích rằng Giáo hội thực sự là cộng đồng được triệu tập như một ca đoàn để tạ ơn và tôn vinh Chúa, một thực tại hài hòa liên kết với nhau (σύστημα – systima), vì thế, bằng các mối quan hệ hỗ tương và phẩm trật, những người làm nên cộng đoàn đó quy tụ trong “tâm đầu (αγάπη – agape) ý hợp (όμονοία – ómonoía)” (tâm trí hoà hợp)[23].
1.1.2. Từ “Công nghị” (Synod) tới “Công Đồng” (Council) qua dấu chỉ “Hiệp hành” (Synodality):
– Công nghị (Synode): Một sinh hoạt đã hiện hữu từ lâu trong đời sống Giáo Hội: “Từ những thế kỷ đầu tiên, từ “synod”, với một ý nghĩa cụ thể, được áp dụng cho các cuộc triệu tập công nghị của Giáo Hội ở nhiều cấp độ khác nhau (giáo phận, giáo tỉnh, giáo miền, đại giáo khu (Thượng phụ) hoặc toàn thế giới) để nhờ ánh sáng Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần, biện phân các vấn đề về giáo lý, phụng vụ, giáo luật và mục vụ đang hiện diện giữa dòng thời gian”[24].
– Công nghị (Synode), Công đồng (Concilium) trong viễn tượng “Cuộc triệu tập Dân Chúa”: “Chữ Hy Lạp σύνοδος (sunodos) được dịch sang tiếng Latin là synodus hoặc concilium. Concilium, trong ngôn ngữ thế tục, đó là một hội đồng được triệu tập bởi một thẩm quyền hợp pháp. Mặc dù hai từ “công nghị – synod” và “công đồng – council” khác nhau về ngữ nguyên, nhưng lại đồng quy về ý nghĩa. Thực ra, từ “công đồng – council” đã làm phong phú thêm nội dung ngữ nghĩa của từ “công nghị – synod” khi tham chiếu một từ Do Thái là קָהָל (qahal), có nghĩa là “cộng đoàn được Chúa triệu tập” mà Tân Ước dịch sang tiếng Hy Lạp là έκκλησία (ekklesia), một thực tại chỉ về cuộc tập hợp cánh chung của Dân Chúa trong Chúa Kitô”[25].
– Công nghị, Công đồng và sự phân biệt ý nghĩa của Giáo Luật (1983): “Trong Giáo hội Công giáo, sự phân biệt trong cách dùng các từ ngữ “công đồng – council” và “công nghị – synod” chỉ mới xuất hiện gần đây. Tại Công Đồng Vatican II, hai từ nầy đồng nghĩa với nhau, cả hai đều đề cập đến phiên họp của công đồng. Chính Bộ Giáo Luật của Giáo Hội (1983) đã chỉ ra sự phân biệt các hạn từ: Một đàng là phân biệt giữa các Công đồng địa phương (Công Đồng miền hoặc Công đồng giáo tỉnh) và Công đồng Chung; đàng khác, phân biệt giữa Hội nghị Giám mục và Công nghị giáo phận.”[26].
– Công nghị, Công đồng” và chiều kích Giáo Hội của Vatican II: “Hiệp hành” (Synodality): “Trong văn chương thần học, giáo luật và mục vụ của những thập kỷ gần đây, người ta thấy xuất hiện một hạn từ mới, “tính hiệp hành – synodality”, danh từ nầy tương hợp với tính từ “mang tính hiệp hành- synodal”, cả hai xuất phát bởi từ “synod”. Do đó, người ta nói “tính hiệp hành – synodality” là chiều kích cấu thành Giáo hội hay nói ngắn gọn, Giáo Hội chính là “Hội Thánh hiệp hành”. Kiểu nói “lạ tai” này, một khi được thần học làm sáng tỏ cách nghiêm túc, sẽ chính là dấu chỉ của một điều mới mẻ đang chín mùi trong ý thức Giáo hội, (một chiều kích) đã được khơi mào từ Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II, trải qua kinh nghiệm sống động của các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ kể từ ngày kết thúc Công Đồng cho đến ngày hôm nay”[27].
1.2. Tương quan giữa Hiệp thông, Hiệp hành, Tập đoàn tính (Giám Mục đoàn).
1.2.1. Từ “Hiệp thông” tới “Hiệp hành” trên nền tảng “Bí tích”:
“Mặc dù “tính hiệp hành” không được tìm thấy cách minh nhiên như một thuật ngữ hoặc một khái niệm trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II, nhưng phải công nhận rằng, tính hiệp hành là cốt lõi của công việc canh tân mà Công đồng đã khuyến khích.
Khoa giáo hội học về Dân Chúa nhấn mạnh đến phẩm giá và sứ mệnh chung của tất cả những người được rửa tội, những kẻ đang thực hiện sự phong phú đa dạng mang tính phẩm trật của các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ của họ. Trong bối cảnh này, khái niệm hiệp thông thể hiện bản chất sâu xa của mầu nhiệm và sứ mệnh của Giáo hội, mà nguồn cội và đỉnh điểm của nó là cộng đoàn Thánh Thể (Eucharistic synaxis). Đây chính là thực tại (res) của Bí tích Hội Thánh (Sacramentum Ecclesiae): kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp nhất muôn người, được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu Kitô.
Trong ngữ cảnh mang tính giáo hội này, hiệp hành chính là tính đặc thù của “kiểu thức sống và hoạt động” (modus vivendi et operandi) của Giáo hội, đoàn Dân Chúa. Chính tính hiệp hành nầy sẽ làm cho người ta nhận rõ hơn chiều kích hiệp thông của Giáo Hội, khi tất cả các thành viên của Giáo Hội cùng nhịp bước, quy tụ và tham gia tích cực vào sứ mệnh truyền giáo”[28].
1.2.2. Từ “Hiệp hành” đến “Tập đoàn tính”: trên nền tảng Hội Thánh Chúa Kitô:
“Trong khi khái niệm về tính hiệp hành đề cập đến sự dấn thân và tham gia của toàn thể Dân Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, thì khái niệm về “tập đoàn tính (Giám Mục đoàn – collegiality) xác định ý nghĩa thần học với hai chiều kích sau:
– Việc thực hành thừa tác vụ của các Giám mục tại Giáo hội địa phương được giao phó cho các ngài chăm sóc.
– Sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ của Chúa Kitô, được thể hiện qua sự hiệp thông phẩm trật giữa tập thể Giám mục với Giám mục Rôma.
Do đó, “tập đoàn tính” (hay Giám Mục đoàn) chính là hình thức cụ thể để nhờ đó tính hiệp hành (synodality) của Giáo hội được biểu lộ và làm cho hiện thực qua thừa tác vụ của các Giám mục, trên bình diện hiệp thông của các Giáo hội địa phương trong một khu vực, cũng như hướng đến sự hiệp thông của tất cả các Giáo hội trong Giáo hội hoàn vũ. Dấu chỉ đích thực của tính hiệp hành (synodality) đương nhiên đòi hỏi việc thực thi thừa tác vụ tập đoàn tính của các Giám mục”[29]. (x. BRUNO CHENU)[30].
1.3. Hiệp hành trong viễn tượng của Công Đồng Vatican II:
1.3.1. Giáo Hội cần tiếp tục con đường khai mở của Vatican II: “Cuộc canh tân của Công đồng Vatican II đã mang lại nhiều hứa hẹn phong phú và quý giá, đó là: thúc đẩy sự hiệp thông giáo hội, tập đoàn tính của Giám mục, tư duy và hành động mang tính ‘hiệp hành’. Tuy nhiên, con đường mà Công đồng vạch ra để Giáo Hội thực hiện vẫn còn dài thăm thẳm. Trên thực tế, ngày nay, nỗ lực tìm kiếm một hình thức thích hợp cho một Giáo hội hiệp hành – mặc dù nó được chia sẻ rộng rãi và được đưa vào thực hành theo những cách tích cực – dường như đang cần các nguyên tắc thần học rõ ràng và các định hướng mục vụ dứt khoát”[31].
1.3.2. Hiệp hành chính là sự “lựa chọn về nguồn” thích hợp nhất của Hội Thánh hôm nay: “Do đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta vượt qua đoạn đường mới. Kế thừa di sản của Công Đồng Vatican II, tiếp bước những người tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng tính hiệp hành diễn tả hình ảnh của Giáo hội đến từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, một Giáo Hội vừa hội nhập trong dòng lịch sử, vừa trung thành cách sáng tạo với Truyền thống”[32].
1.3.3. Hiệp hành: điều kiện tiên quyết trong mục vụ truyền giáo: “Phù hợp với giáo huấn của Lumen Gentium, Đức Giáo hoàng Phanxicô đặc biệt nhận xét rằng tính hiệp hành “cung cấp cho chúng ta khuôn khổ phù hợp nhất để hiểu chính chức vụ theo phẩm trật của mình và, dựa trên học thuyết “cảm quan đức tin của tín hữu” (Sensus fidei fidelium), tất cả các thành viên của Giáo hội là tác nhân của việc truyền giáo. Do đó, việc biến một Giáo hội mang tính hiệp hành thành hiện thực là một điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với một năng lực truyền giáo mới liên quan đến toàn thể Dân Chúa”[33].
1.3.4. Hiệp hành: con đường dẫn đến đại kết: “Bên cạnh đó, tính hiệp hành là cốt lõi của quyết tâm đại kết của các Kitô hữu, là tiếng gọi mời đồng hành trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn; và – khi được hiểu chính xác – chiều kích nầy sẽ cung cấp kiến thức và kinh nghiệm về Giáo hội, là nơi những khác biệt chính đáng tìm thấy chỗ đứng trên căn bản tương giao quà tặng và trong ánh sáng của chân lý.”[34].
2. Các chiều kích hiệp hành trong Giáo Hội hôm nay:
2.1. Chiều kích hiệp hành theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô:
Ngoài những ý nghĩa mà Uỷ Ban Thần Học vừa quảng diễn, chúng ta có thể lắng nghe chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cắt nghĩa, đặc biệt, qua hai diễn từ quan trọng: diễn từ ngày 17.10.2015, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Đức Phaolô VI thiết lập cơ cấu “Thượng Hội Đồng Giám Mục”; và mới đây nhất, diễn từ hôm thứ Bảy 18/9 vừa qua, khi nói với giáo phận Roma.
Linh mục Trần Đức Anh đã tóm tắt mấy ý như sau:
2.2: Hiệp hành: Giáo Hội “lắng nghe, quan tâm mục vụ” thay vì duy giáo sĩ và cứng nhắc:
“trong diễn văn dài 40 phút với 4 ngàn đại biểu của Giáo phận Roma hôm 18/9/2021, Đức Thánh Cha giải thích “sinodalità”, sự hiệp hành, như một lối sống và hành động của Giáo Hội: lắng nghe nhau và có thái độ mục vụ, đặc biệt đứng trước cám dỗ của chủ nghĩa duy giáo sĩ và thái độ cứng nhắc. Đức Thánh Cha nói: “đề tài hiệp hành, sinodalità, không phải là một chương trong khảo luận Giáo hội học, và càng không phải là một kiểu thời trang, một khẩu hiệu hay một từ ngữ mới cần sử dụng hoặc lèo lái trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Không phải vậy, sinodalità biểu lộ bản chất của Giáo Hội, hình thể, kiểu sống và sứ mạng của Giáo Hội.” Và Đức Thánh Cha dựa vào sách Tông Đồ công vụ, với nhiều giai thoại để chứng tỏ Giáo Hội là hiệp hành”[35].
2.3. Hiệp hành: Vai trò của cộng đoàn (giáo phận, giáo xứ):
“Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Trong tiến trình hiệp hành, giai đoạn giáo phận rất quan trọng, vì thực hiện sự lắng nghe toàn thể các tín hữu đã chịu phép rửa. Ngài nhận xét: có nhiều đối kháng chống lại việc vượt qua hình ảnh một Giáo Hội được phân biệt cứng nhắc giữa các thủ lãnh và những người bề dưới, giữa người giảng dạy và người phải học hỏi, mà quên rằng Thiên Chúa muốn đảo lộn các vị trí: “Ngài lật đổ những người cường quyền khỏi tòa cao, và nâng cao những người hèn mọn” (Lc 1,52)”[36].
2.4. Hiệp hành: Một Giáo Hội “hàng ngang”, ở giữa nhau và cùng nhau:
“Việc hiệp hành khám phá chiều ngang của Giáo Hội hơn là chiều dọc. Giáo Hội hiệp hành tái lập chân trời từ đó mặt trời của Chúa Kitô mọc lên: dựng lên những đền đài phẩm trật có nghĩa là che phủ mặt trời Chúa Kitô. Các mục tử bước đi với dân, khi thì đi trước, khi thì đi giữa, lúc thì đi sau. Đi trước để hướng dẫn, đi giữa để khuyến khích và không quên mùi của đoàn chiên, đi sau vì dân có “mũi”, có khứu giác trong việc tìm ra những con đường mới để đi, hoặc để tìm lại con đường đã lạc mất”[37].
2.5. Ý nghĩa “Synodus” nơi các Hội Thánh khác:
“Nơi các Giáo Hội Chính Thống hoặc Công Giáo Đông phương, “Santo Sinodo”, Thánh Hội Đồng, là cơ quan cai quản Giáo Hội gồm vị Thượng Phụ hoặc tương đương, cùng với các Giám Mục thành viên được bầu lên. Trong Hội đồng này, Đức Thượng Phụ cũng chỉ có 1 phiếu như các giám mục thành viên khác. Đối với nhiều Giáo Hội Tin Lành khác, như Giáo Hội Valdese ở Ý, Sinodo là khóa họp lập pháp thường niên của tất cả các mục sư với các thành viên giáo dân được bầu, để ban hành các qui luật, cũng như điều hành Giáo Hội”[38].
2.6. Ý nghĩa hiệp hành trong “ngôn ngữ cụ thể của dân Chúa”:
Hôm 16/9 vừa qua, Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, nữ tu Nathalie Becquart, giải thích một cách đơn sơ cho các phụ nữ Công Giáo và tín hữu Ba Lan về từ “tính hiệp hành”, Sinodalità, là chuyển tiếp từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”. Nữ tu Becquart đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu tính hiệp hành mà Đức Thánh Cha muốn Giáo Hội thi hành: ví dụ trong một giáo phận, tính hiệp hành hệ tại luôn đồng hành với nhau, và một người không thể tự mình quyết định mà không tham khảo ý kiến người khác, các Linh Mục phải tham khảo ý kiến giáo dân. Hiệp hành là đi từ chữ “tôi” đến chữ “chúng ta”. “Chúng ta” ở đây là mọi tín hữu đã chịu phép rửa. Đây là định nghĩa ngắn nhất về “Tính hiệp hành”[39].
III. HIỆP HÀNH TRONG VIỄN TƯỢNG THÁNH KINH, TRUYỀN THỐNG VÀ LỊCH SỬ
1. Một thoáng Thánh Kinh liên quan đến khái niệm hiệp hành.
1.1. Cựu ước và cuộc “Triệu tập dân Chúa” (qahal /‘edah – Ekklesia):
1.1.1. Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn quy tụ nhân loại sau biến cố sa ngã để cứu độ:
“Tuy nhiên, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không ngừng canh tân giao ước của Ngài để mang tất cả những gì đã bị phân tán trở lại con đường hiệp nhất, chữa lành tự do của con người và hướng nó đến để chào đón và sống món quà kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp nhất với anh chị em của chúng ta trong công trình sáng tạo, như trong một gia đình” (St 9,8-17; 15; 17; Xh 19-24; 2 Sm 7,11)[40].
1.1.2. Cuộc “triệu tập dân Chúa” (קָחַל/עֵדה (qahal /‘edah) qua ơn gọi Abraham, được củng cố với Giao ước Sinai, tiên báo “đoàn dân của Giao ước mới là Giáo Hội (έκκλησία – Ecclesia):
“Khi thực hiện kế hoạch của Ngài, Thiên Chúa kêu gọi Áp-ra-ham và con cháu của Ngài (St 12,1-3; 17,1-5; 22,16-18). Cuộc triệu tập này (קָחַל/עֵדה – qahal /‘edah – thuật ngữ đầu tiên thường được dịch sang tiếng Hy Lạp là έκκλησία – ekklesia), được củng cố trong giao ước Sinai (Xh 24,6-8; 34,20tt), làm cho Dân được giải thoát khỏi kiếp nô lệ và xứng đáng đối thoại với Thiên Chúa; trong cuộc xuất hành, họ tập hợp để tôn thờ Thiên Chúa và sống theo luật pháp của Ngài, và để họ nhận ra rằng họ thuộc về một mình Ngài (Đnl 5,1-22; Gs 8; Nkm 8.1-18).
קָחַל / (qahal / edah) là hình thức đầu tiên trong đó ơn gọi mang tính hiệp hành (synodal vocation) của Thiên Chúa được biểu lộ. Trong sa mạc, Thiên Chúa ra lệnh điều tra dân số của các chi tộc Israel, theo từng đơn vị (Ds 1-2). Tâm điểm của cuộc tập họp (dân Chúa), với tư cách là người hướng đạo và mục tử duy nhất, là Chúa, người hiện diện qua chức vụ của Mô-sê (Ds 12; 15-16; Gs 8,30-35), …. Công hội của Thiên Chúa không chỉ bao gồm đàn ông (Xh 24,7-8) mà còn cả phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả người ngoại kiều (Gs 8,33,35)…”[41].
1.1.3. Các ngôn sứ loan báo sứ điệp hoán cải để trung thành với Giao ước khi thiết lập những mối tương quan bác ái với anh em đồng loại:
“Các ngôn sứ loan báo cho Dân Chúa sứ điệp về sự cần thiết của những khó khăn trong lịch sử để trung thành với giao ước. Đó cũng là lý do các ngôn sứ mời gọi hoán cải cõi lòng trở về với Thiên Chúa và thực thi công chính trong tương quan với những người xung quanh, nhất là những người nghèo, những người bị áp bức, khách kiều cư…, hoán cải nên nhân chứng hữu hình cho lòng thương xót của Thiên Chúa (Gr 37,21; 38, 1)[42].
1.2. Tân ước và cuộc “quy tụ xung quanh Đức Kitô”:
1.2.1. Một đoàn dân của Giao ước mới quy tụ chung quanh Đức Kitô nhờ mầu nhiệm Vượt Qua:
“Thiên Chúa hoàn tất giao ước mới mà Ngài đã hứa trong Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng Cứu Thế và Ngôi Lời. Bằng chính cuộc sống và con người, Tin mừng của Ngài (kérygma) đã mặc khải rằng Thiên Chúa chính là một hiệp thông của tình yêu; trong ân sủng và lòng thương xót, Ngài muốn ôm ấp toàn thể nhân loại trong sự hiệp nhất. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, từ cõi vĩnh hằng đã hiện hữu nơi cung lòng Chúa Cha (Ga 1,1.18), đã làm người khi tới thời viên mãn (Ga 1,14; Gl 4) để hoàn thành chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa (Ga 8,29; 6,39; 5,22.27). Ngài không bao giờ tự ý hành động một mình, nhưng trong mọi việc, Ngài thi hành ý muốn của Chúa Cha: Chúa Cha ngự trong Ngài và thực hiện công việc qua Người Con mà Chúa Cha đã ban cho thế gian (Ga 14,10).(…). Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu là cuộc xuất hành mới, quy tụ trong sự hiệp nhất tất cả những ai tin vào Ngài (Ga 11,52), và Ngài biến đổi họ qua Bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Công trình cứu rỗi chính là sự hiệp nhất trong lời nguyện tế hiến trước cuộc Khổ nạn của Ngài: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)[43].
1.2.2. Một Giáo Hội đang lữ hành trên đường cùng nhau nhờ Lời và Bánh Hằng sống của Đấng Phục Sinh đang đồng hành:
“Chúa Giêsu là người lữ hành loan báo tin mừng về Nước Thiên Chúa (Lc 4,14-15; 8,1; 9,57; 13,22; 19,11), dạy “con đường của Thiên Chúa” (Lc 20,21) và dẫn lối đưa đường (Lc 9,51-19,28). Thật ra, chính Ngài là “con đường” (Ga 14,6) dẫn đến Chúa Cha; trong Chúa Thánh Thần (Ga 16,13) Ngài chia sẻ với mọi người sự thật và tình yêu hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta. Sự hiệp thông sống động theo tiêu chuẩn của điều răn mới của Chúa Giêsu có nghĩa là cùng nhau bước đi trong lịch sử như là đoàn Dân của giao ước mới, theo cách phù hợp với hồng ân đã lãnh nhận (Ga 15,12-15). Thánh sử Luca cho chúng ta một biểu tượng sống về Giáo hội là Dân Chúa được Chúa phục sinh dẫn dắt trên đường qua trình thuật hai môn đệ trên đường Emmaus, người đã thắp sáng họ bằng Lời và nuôi dưỡng họ bằng Bánh Sự Sống (Lc 24,13-35)[44].
1.2.3. Mô hình đầu tiên của một “Giáo Hội hiệp hành”: Công nghị các Tông Đồ:
“Công vụ Tông đồ ghi lại một số thời khắc quan trọng trên con đường của Giáo hội Tông truyền khi Dân Chúa được gọi là cộng đồng để biện phân ý muốn của Đấng phục sinh. Nhân vật hàng đầu dẫn đường và đưa ra phương hướng là Chúa Thánh Thần, tuôn tràn trên Giáo hội vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,2-3). Các môn đệ, khi thực hiện các vai trò khác nhau của mình, phải lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh và biện phân đường nào phải đi (Cv 5,19-21; 8,26,29,39; 12,6-17; 13,1-3 ; 16,6-7,9-10; 20,22). Đây là những ví dụ điển hình: sự lựa chọn “bảy người có tiếng tăm, tràn đầy Thánh Linh và khôn ngoan”, được các Tông đồ giao phó với nhiệm vụ “phân phát thực phẩm” (Cv 6,1-6); và biện phân các vấn nạn quan trọng trong sứ mạng dành cho dân ngoại (Cv 10). Vấn nạn này được giải quyết theo truyền thống được gọi là “Công nghị các tông đồ tại Giê-ru-sa-lem” (Cv 15, và cả Gl 2,1-10). Ở đó, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của tính hiệp hành, trong đó, Giáo hội tông truyền, trong một thời điểm quyết định của sự phát triển, thực hiện ơn gọi trong viễn tượng truyền giáo, được giác ngộ bởi sự hiện diện của Chúa phục sinh. Trải qua nhiều thế kỷ, sự kiện này đã được coi như là mô hình mẫu cho các Công nghị được Giáo hội cử hành.”[45].
1.2.4. Giáo Hội hiệp hành qua các đoàn sủng và chức vụ:
“Quyền năng của Chúa Kitô được thể hiện trong Giáo hội thông qua nhiều linh ân hay các đặc sủng khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban phát cho Dân Chúa để xây dựng một Thân thể Chúa Kitô. Khi thực hiện đặc sủng, chúng ta cần tôn trọng mỗi cá nhân, để đặc sủng có thể phát triển hài hòa và sinh hoa trái mưu ích cho tất cả mọi người (1 Cr 12,28-30; Êp 4,11-13). Các Tông đồ chiếm vị trí ưu tiên trong số họ – cùng với vai trò đặc biệt và ưu việt được Chúa Giêsu dành cho Thánh Phêrô (Mt 16,18…, Ga 21,15…): Thật ra, họ được giao phó sứ mệnh hướng dẫn Giáo hội trung thành với kho tàng đức tin (1 Tm 6,20; 2 Tm 1,12,14). Nhưng thuật ngữ Charisma cũng gợi lên tính cách nhưng không và đa dạng trong sáng kiến tự do của Chúa Thánh Thần, Người ban cho mỗi người ân huệ riêng để hướng đến lợi ích chung (x. 1 Cr 12,4-11; 29-30; Ep 4,7), để tùng phục và nâng đỡ nhau (1 Cr 12,25): vì ơn cao trọng nhất chi phối tất cả chính là tình yêu” (1 Cr 12,31)[46].
2. Truyền Thống và lịch sử liên quan đến khái niệm hiệp hành:
2.1. Giáo huấn về hiệp hành nơi các Giáo Phụ trong ba thế kỷ đầu
– Giáo phụ Ignatiô thành Antiokia: Nhấn mạnh tính “hiệp hành” qua “Cộng đoàn Thánh Thể”: “Vào đầu thế kỷ thứ hai, thánh Ignatiô thành Antiokia cho thấy rằng nhận thức mang tính hiệp hành của các Giáo hội địa phương đó là tự coi mình là hiện thân của một Giáo hội. Trong bức thư gửi cho giáo đoàn Êphêsô, ngài nói rằng tất cả các thành viên của giáo đoàn đều là ‘bạn đồng hành’, nhờ chính phẩm giá của phép Rửa và tình bạn với Chúa Kitô. Hơn nữa, ngài đề cao trật tự thiêng liêng là yếu tố làm cho Giáo hội trở nên một thân thể duy nhất, được kêu gọi ca ngợi sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô: linh mục đoàn là nghị viện của Giám mục và các thành viên khác của cộng đoàn, dù vai trò có khác nhau, tất cả đều được kêu gọi chung tay xây dựng. Tính hiệp thông của giáo hội được thể hiện cách rõ ràng nhất qua cộng đoàn Thánh thể do Đức Giám mục chủ trì; cộng đoàn nầy nuôi dưỡng niềm tin và niềm hy vọng cánh chung, lúc Thiên Chúa tập hợp trong Vương quốc của Ngài tất cả các cộng đoàn đang sống và cử hành Thánh Thể trong đức tin.”[47].
– Giáo phụ Cypryano thành Carthage: Nhấn mạnh tính “hiệp hành” qua vai trò của “Tông Đồ đoàn”, và “Giám mục đoàn”: “Các đặc điểm để nhận Giáo hội thật đó là: trung thành với giáo huấn của các Tông đồ và cử hành Bí tích Thánh Thể dưới sự hướng dẫn của Đức Giám mục, người kế vị các Tông đồ; việc truyền chức; ưu tiên xây dựng hiệp thông trong việc phục vụ lẫn nhau để ca ngợi và tôn vinh Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần. Thánh Cyprianô thành Carthage, người kế thừa và giải thích truyền thống vào giữa thế kỷ thứ ba, đã xây dựng nguyên tắc liên quan đến giám mục và tính hiệp hành đó là phải điều hợp cuộc sống và sứ vụ vừa mang tính địa phương vừa trên phạm vi phổ quát: Giáo hội địa phương không làm gì được nếu không có Giám mục – nihil sine episcopo – cũng vậy, không làm gì được nếu không có công đồng (Bao gồm cả linh mục và Phó tế) – nihil sine consilio vestro – hoặc không có sự đồng thuận của mọi người – et sine consensu plebis – luôn luôn giữ theo quy tắc nầy: Hàng Giám mục là một, trong đó mỗi thành viên đều có chỗ – episcopatus unus est cuius a singulis in solidum pars tenetur.”[48].
2.2. Tính “hiệp hành” qua vai trò của các “Toà Thượng Phụ” và “Toà Thánh Rôma”
“Từ thế kỷ thứ tư trở đi, các giáo tỉnh được thành lập; các giáo tỉnh nầy đã minh chứng và cổ vũ sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương và được lãnh đạo bởi một Thượng phụ Giáo chủ. Theo quan điểm của công luận, bấy giờ đã có các công nghị giáo tỉnh, như những công cụ chuyên biệt nhằm thực hiện tính hiệp hành của Hội Thánh. Khoản luật thứ 6 của Công đồng Nicea (325) đã xác nhận tính ưu tiên và trổi vượt của các toà Rôma, Alexandria và Antiokia. Toà Constantinople đã được thêm vào danh sách các toà chính khi diễn ra Công đồng Constantinople I (381): Riêng khoản luật 3 đã trao chức chủ tịch danh dự cho vị Giám mục Rôma, Công đồng Chalcedon (451) đã xác nhận tước hiệu nầy, khi toà Giêrusalem được thêm vào danh sách. Ở phương Đông, chế độ “ngũ toà” này được coi là mô hình bảo đảm việc thực thi mối giây hiệp thông và tính hiệp hành giữa năm Toà Thượng phụ này. Trong khi công nhận vai trò của các Thượng phụ phương Đông, thì Hội Thánh phương Tây không coi Giáo hội Rôma như là một trong các tòa thượng phụ khác, mà trao cho toà Rôma vị thế đặc biệt là trung tâm của Giáo hội hoàn vũ.”[49].
2.3. Tính hiệp hành được biểu lộ qua cơ cấu “Công đồng”:
“Vào cuối thế kỷ thứ ba và nổi tiếng ở phương Đông, Tông Tắc 34 đã xác định rằng bất kỳ quyết định nào vượt quá năng quyền của Giám mục địa phương phải được xử lý bởi Công nghị: “Các Giám mục của mỗi quốc gia phải xác nhận một người trong số họ là vị đứng đầu, và không làm gì đáng kể nếu không được vị nầy đồng ý… nhưng vị đứng đầu cũng không được làm gì nếu không có sự đồng thuận của tất cả.”[50].
“Từ thế kỷ thứ ba trở đi, mặc dù các Công nghị được thực hiện định kỳ ở cấp giáo phận và giáo tỉnh liên quan đến các vấn đề kỷ luật, phụng tự và giáo lý tại địa phương, vẫn có một xác tín rằng các quyết định được đưa ra là sự thể hiện sự hiệp thông các Giáo hội. Cảm quan mang tính giáo hội này là một dấu chỉ cho thấy rằng mỗi Giáo hội địa phương là biểu hiện một Hội Thánh Công giáo duy nhất; ….”[51].
“Về cách tiến hành thực hiện, các Công nghị địa phương trong Thiên niên kỷ thứ nhất, một mặt, theo Truyền thống Tông đồ và, mặt khác, theo các diễn trình thực tế, chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa của nơi tổ chức. Trong trường hợp Công nghị diễn ra tại một Giáo hội địa phương, về nguyên tắc, cả cộng đồng tham gia, mỗi nhóm theo vai trò tương ứng của mình. Trong các Công nghị cấp tỉnh, những người tham gia là các Giám mục của các Giáo hội khác nhau, mặc dù các giáo sĩ và tu sĩ có thể được mời đóng góp. Chỉ có các Giám mục tham gia các Công đồng Chung được cử hành trong Thiên niên kỷ thứ nhất. Chủ yếu chính các Công nghị Giáo phận và giáo tỉnh đã định hình thủ tục mang tính “thượng hội đồng” được chấp nhận trong Thiên niên kỷ thứ nhất.”[52].
2.4. “Dáng đứng hiệp hành” thời Trung cổ:
– Cách vận dụng giữa Đông và Tây: “Kể từ đầu thiên niên kỷ thứ hai, tiến trình Công nghị dần dần mang những hình thức khác nhau giữa Đông phương và Tây phương, đặc biệt là sau biến cố phân ly giữa Giáo hội Constantinople và Giáo hội Rôma (thế kỷ 11), và khi các lãnh địa giáo hội thuộc các toà Thượng phụ Alexandria, Antiokia và Giêrusalem nằm dưới quyền kiểm soát chính trị của Hồi giáo. Trong các Giáo hội Đông phương, thủ tục của Công nghị vẫn theo truyền thống của các Giáo phụ, đặc biệt Công nghị cấp Toà Thượng phụ và Tổng Giáo phận, nhưng cũng có các Công nghị đặc biệt, trong đó các Thượng phụ Giáo chủ và Tổng Giám Mục tham gia. Ở Constantinople, sinh hoạt của một Công nghị thường trực được củng cố mạnh mẽ; sinh hoạt nầy cũng đã từng được biết đến từ thế kỷ thứ tư ở Alexandria và Antiokia, qua các công nghị thường trực để xem xét các vấn đề phụng vụ, giáo luật và thực hành với các hình thức khác nhau trong thời kỳ Byzantine và, sau năm 1454, trong thời kỳ Ottoman. Công nghị thường trực còn tồn tại cho tới ngày hôm nay nơi các Giáo Hội Chính thống.”[53].
– Áp dụng nguyên tắc hiệp hành giữa hai thẩm quyền: Giáo Hoàng và Công Đồng: “Vào cuối thời Trung cổ, một tình huống duy nhất đã xảy ra trong cuộc ly giáo ở Phương Tây (1378-1417)[54], vào thời điểm một lúc có hai, thậm chí sau đó tới ba vị xưng danh là Giáo Hoàng. Công đồng Konstanz (Constance) (1414-1418) đã giải quyết vấn đề phức tạp này bằng cách áp dụng giáo luật khẩn cấp dự kiến trong tư duy giáo luật thời trung cổ, và tiếp tục bầu Giáo hoàng hợp pháp. Tuy nhiên, trong tình huống này, ý tưởng “duy công đồng” (conciliarist) đã phát triển, đi tới chỗ đặt Công đồng thường trực trên uy quyền nguyên thủy của Đức Giáo hoàng. Biện minh thần học và ứng dụng thực tế của chủ nghĩa duy công đồng được đánh giá là không phù hợp với Truyền thống. Tuy nhiên, nó để lại một bài học cho lịch sử Giáo hội: luôn có nguy cơ ly giáo nằm chờ, một điều không thể xem thường, và việc thường xuyên canh tân Giáo hội từ đầu cho tới chi thể (in capite et membris) sẽ không khả thi nếu không sử dụng đúng tiến trình hiệp hành, một cơ chế gắn kết với Truyền thống và truy nhận thẩm quyền tối thượng của Giáo hoàng như một bảo đảm cần thiết.”[55].
2.5. Hiệp hành trong thời cận đại và hiện đại
– Công đồng Trentô và các cơ cấu chuẩn về các loại hình Công đồng, Công nghị: “Một thế kỷ sau, để đáp ứng với cuộc khủng hoảng Cải cách Tin lành, Giáo hội Công giáo đã triệu tập Công Đồng Trentô. Đó là Công đồng đầu tiên trong thời hiện đại với những đặc điểm nhất định: nó không còn là Công đồng Kitô giáo như thời Trung cổ; những người tham gia là các Giám mục cũng như Bề trên các Dòng tu và các Đan viện, trong khi các khâm sứ của các ông hoàng được tham dự nhưng không có quyền bỏ phiếu. Công đồng đã thiết lập một cơ cấu chuẩn là các Công nghị giáo phận nên diễn ra hàng năm, các Công nghị giáo tỉnh cứ ba năm một lần, như một cách truyền lại động lực canh tân của Công đồng Trento cho toàn Giáo hội. Một ví dụ điển hình là những gì Thánh Charles Bôrômêo đã thực hiện với tư cách là Tổng Giám mục của Milan. Trong chức vụ lâu dài của mình, ngài đã triệu tập năm Công nghị Giáo tỉnh và mười một công nghị giáo phận. Ở Mỹ, thánh Turibius của Mogrovejo đã thực hiện một điều tương tự: ông đã triệu tập ba Công nghị giáo tỉnh và mười ba giáo phận. Cũng có ba công nghị giáo tỉnh ở Mexico trong cùng thế kỷ. Để phù hợp với văn hóa của thời đại, các công nghị giáo phận và giáo tỉnh được cử hành theo mô hình Công đồng Trento, không nhằm đến sự tham gia tích cực của toàn thể Dân Chúa – đoàn thể giáo dân (Congregatio fidelium) – nhưng để thông qua, ban hành các quy tắc và quyết định của Công đồng…”[56].
– Chiều kích “hiệp hành” và sự đóng góp của các Giáo Hội Cải cách: “Các cộng đồng giáo hội được sinh ra từ cuộc Cải cách Tin lành thúc đẩy một cách tiếp cận nhất định mang tính hiệp hành, dựa trên giáo thuyết và thực hành mang chiều kích giáo hội, bí tích và truyền giáo theo Truyền thống Công giáo…”[57].
– Công đồng Vatican II và “định hướng mục vụ mang tính hiệp hành”: “Công đồng Vatican II tiếp tục đường hướng của Vatican I và biến nó thành một phần của chương trình “cập nhật hoá” (aggiornamento), thu lượm những lợi ích của những năm bản lề rồi tổng hợp lại cách phong phú dưới ánh sáng của Truyền thống….”[58].
– Hiện thực hoá tinh thần hiệp hành của Vatican II với định chế “Thượng Hội đồng Giám Mục”: “Về phương diện tái thực thi “chiều kích hiệp hành” trên tầm mức Giáo hội hoàn vũ, Chân phước Phaolô VI đã thiết lập Thượng hội đồng Giám mục. Đó là một “Công nghị Giám mục thường trực cho Giáo hội hoàn vũ”, trực tiếp và tức thời chịu quyền lực của Đức Giáo hoàng, “cung cấp thông tin và đề xuất ý kiến tư vấn”, “cũng có thể được quyền quyết định khi được Đức Giáo Hoàng uỷ quyền”[59].
IV. HIỆP HÀNH VÀ CÁC “ĐIỂM NHẤN THẦN HỌC”
1. Hiệp hành và các “nền tảng thần học”:
1.1. Hiệp hành trên nền tảng “mầu nhiệm Ba Ngôi”
“Giáo hội là Đoàn dân hiệp nhất từ Chúa Ba Ngôi (de Trinitate plebs adunata), được gọi và đủ tư cách là Dân Chúa để ra đi thực hiện sứ mệnh của mình “đến với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần”. Cũng vậy, trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội chia sẻ đời sống hiệp thông Ba Ngôi, một đời sống muốn ôm lấy toàn thể nhân loại. Trong ân huệ và sự cam kết hiệp thông, có thể được tìm thấy cội nguồn, mô thức và phạm vi của tính hiệp hành, vì nó thể hiện phương thức sống và hoạt động (modus vivendi et operandi) loại biệt của Dân Chúa trong sự tham gia có trách nhiệm và trật tự của tất cả các thành viên vào việc phân định và thực hành để hoàn thành sứ vụ của mình. Thực hiện tính hiệp hành sẽ giúp con người thực sự sống hiệp thông, điều này xuất phát từ sự tự hiến chân thành, kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp nhất với anh chị em trong Chúa Kitô.”[60].
1.2. Hiệp hành trên nền tảng “Nhiệm cục cứu độ” (trong Đức Kitô cùng với Chúa Thánh Thần)
“Để thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu phục sinh đã ban tặng ân huệ Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ (Ga 20,22). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí Chúa đã tuôn đổ trên mọi người, bất kể đến từ đâu, để nghe và đón nhận Tin Mừng (kérygma), tiên báo việc tập họp tất cả các dân tộc trong một Dân Chúa (Cv 2,11). Trong sâu thẳm trái tim của họ, Chúa Thánh Thần đã làm phát sinh và định hình sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô và Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần (Ga 2,21; 1 Cr 2.1-11)[61]…
1.3. Hiệp hành trên nền tảng của “mầu nhiệm Giáo Hội”:
“Giáo Hội Duy Nhất vì nguồn cội, mẫu mực và mục tiêu của Hội Thánh chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi chí thánh (Ga 17,21-22). Hội Thánh là Dân Chúa lữ hành trên trái đất để hòa giải mọi người trong sự hiệp nhất của Thân mình Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần (1 Cr 12,4).
Giáo hội Thánh thiện bởi vì Giáo Hội chính là hoạt động của Ba Ngôi chí thánh (2 Cr 13,13): Giáo Hội nên thánh nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình mình cho Giáo Hội như hôn phu hiến mình cho hôn thê (Ep 5, 23), và được sống nhờ tình yêu của Chúa Cha đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần (Rm 5,5). Mầu nhiệm “Các Thánh hiệp thông” trở thành hiện thực trong cả hai chiều kích: hiệp thông với sự thánh thiện (Sancta) và hiệp thông với các thánh (Sancti). Theo cách này, Dân thánh của Thiên Chúa đang hành trình hướng đến sự hoàn thiện – ơn gọi của mọi tín hữu – nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ, các Thánh Tử đạo và các Thánh, Hội Thánh đã được xây dựng và sai đi như là bí tích của hiệp nhất và cứu rỗi.
Giáo hội Công giáo vì Giáo Hội bảo tồn sự toàn vẹn và toàn bộ đức tin (Mt 16,16) và Giáo Hội đã được sai đi để quy tụ các dân tộc trên trái đất thành một Dân thánh. (Mt 28,19). Giáo Hội Tông Truyền vì Giáo Hội đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ (Ep 2,20), tuyên xưng đức tin của các ngài, được dạy dỗ, thánh hóa và cai quản bởi những người kế vị các ngài”. (Cv 20,19)[62].
1.4. Hiệp hành trên nền tảng “mầu nhiệm Thánh Thể”:
“Con đường hiệp hành của Giáo hội được hình thành và nuôi dưỡng bởi Bí tích Thánh Thể. Đó là “trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô hữu cho Giáo hội phổ quát và địa phương, cũng như cho mỗi tín hữu riêng lẻ. Cội nguồn và chóp đỉnh của hiệp hành chính là việc cử hành phụng vụ – nhất là khi tham dự cử hành Thánh Thể cách duy nhất, trọn vẹn, ý thức và sinh động. Vì sự thông hiệp của chúng ta với Mình và Máu Chúa Kitô, “nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng một tấm bánh” (1 Cr 10,17)[63]…
2. Hiệp hành trong chiều kích “lữ hành-thừa sai”:
2.1. Đức Kitô là “con đường” để Dân Chúa hiệp hành:
“Chiều kích hiệp hành thể hiện tính cách ‘hành hương’ của Giáo hội. Hình ảnh của Dân Chúa, được tập hợp từ giữa các quốc gia (Cv 2,1-9; 15,14), thể hiện tính cách xã hội, lịch sử và truyền giáo của Giáo Hội, tương ứng với điều kiện và ơn gọi của mỗi người là một khách lữ hành (homo viator). Con đường là hình ảnh làm sáng tỏ mầu nhiệm Chúa Kitô là Con đường dẫn đến Chúa Cha. Chúa Giêsu là con đường từ Thiên Chúa đến con người và từ con người đến Thiên Chúa. Để ân sủng tuôn tràn, Ngài tự biến mình thành một người hành hương bằng cách cắm lều cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14); sự kiện đó đang diễn ra trên nẻo đường hiệp hành của Giáo hội.”[64].
2.2. Giáo Hội hiệp hành trong cuộc lữ hành với Đức Kitô:
“Giáo hội đang lữ hành với Chúa Kitô, qua Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Ngài, người dẫn đường, Con đường và quê hương của chúng ta, ban cho chúng ta Thánh Thần tình yêu của Ngài (Rm 5,5) để trong Ngài, chúng ta bước đi trên “con đường hoàn hảo nhất” (1 Cr 12,31). Giáo hội được mời gọi tiếp nối bước chân của Chúa cho đến khi Ngài trở lại (1 Cr 11,26). Giáo Hội là Dân lữ hành (Cv 9,2; 18,25; 19,9) hướng về Nước trời (Pl 3,20). Hiệp hành là mô thức lịch sử của cuộc hành trình hiệp thông hướng tới sự sau cùng (Hr 3,6;4,14). Đức tin, Đức Cậy và Đức Mến hướng dẫn và thông báo cho cuộc hành hương về sự tập hợp của Chúa “trong viễn cảnh của đô thành tương lai” (Hr 11,10). Kitô hữu là “lữ hành và khách lạ” trên thế giới (1 Pr 2,11), được vinh dự với ân huệ và trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Nước Trời cho mọi người.”[65].
3. Hiệp hành với một Giáo Hội hiệp thông mang hình “Kim tự tháp ngược”:
3.1. Hiệp hành khi tất cả đều là “chủ thể”:
“Hiệp hành có nghĩa là toàn thể Giáo hội là một chủ thể và mọi người trong Giáo hội cũng là một chủ thể. Các tín hữu là những người đồng hành, cùng tiến bước trên đường. Họ được kêu gọi đóng vai trò tích cực khi cùng chia sẻ chức vụ tư tế của Chúa Kitô, điều đó cũng có nghĩa họ được Chúa Thánh Thần ban các đặc sủng khác nhau tuỳ theo thiện ích chung. Đời sống mang tính hiệp hành cho thấy một Giáo hội bao gồm các chủ thể tự do và khác nhau, liên kết trong mối giây hiệp thông, được thể hiện như một chủ thể hợp đoàn linh động được xây dựng trên Chúa Kitô, hòn đá góc và trên các Tông đồ, những trụ cột, như những viên đá sống làm nên “ngôi nhà thiêng liêng” (1 Pr 2,5), “nơi Thiên Chúa ngự trong Chúa Thánh Thần” (Ê-phê-sô 2,22)[66].
3.2. Hiệp hành khi Giáo Hội mang hình “Kim tự tháp ngược”:
“Mang quan điểm giáo hội của Vatican II, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phác họa hình ảnh của một Giáo hội hiệp hành là “một kim tự tháp ngược” bao gồm Dân Chúa và Thượng Hội Đồng Giám mục; Người kế vị Thánh Phêrô cũng là một thành viên trong số đó, có sứ mệnh kiến tạo sự hiệp nhất cách đặc biệt. Ở đây, chóp đỉnh trở thành bệ đáy…. Tính Hiệp Hành, với tư cách là một yếu tố cấu thành của Giáo hội, mang đến cho chúng ta khuôn khổ diễn giải phù hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ phẩm trật. Chúa Giêsu đã thành lập Giáo hội bằng cách đặt cộng đoàn Tông đồ làm đầu, trong đó Tông đồ Phêrô là ‘tảng đá’ (Mt 16,18), người có trách nhiệm kiên vững đức tin cho anh em (Lc 22,32). Nhưng trong Giáo Hội này, như trong một kim tự tháp ngược, đỉnh nằm dưới chân đế, những người thực thi quyền lực lại được gọi là “người phục vụ”, bởi vì, theo nghĩa gốc của từ này, họ là người nhỏ nhất “[67].
4. Một kết hợp hài hoà trên nền tảng “cảm thức đức tin” của Dân Chúa:
4.1. Hiệp hành khi kết hợp hài hoà 3 nhân tố: “mọi người”, “một số người” và “một người”
“Có thể đào sâu chiều kích thần học của tính hiệp hành trên nền tảng học thuyết về “cảm thức đức tin” (sensus fidei) của Dân Chúa và tính bí tích của Giám Mục đoàn trong mối giây hiệp thông phẩm trật với Giám Mục Rôma. Nhãn quan Hội Thánh này mời gọi chúng ta thể hiện sự hiệp thông mang tính hiệp hành giữa “mọi người”, “một số người” và “một người”. Giữa mọi người là khi ám chỉ việc thực thi cảm thức đức tin của toàn thể tín hữu nơi các Hội Thánh địa phương với các cấp độ và mô hình khác nhau, hoặc các miền của Hội thánh địa phương với Hội Thánh hoàn vũ; giữa “một số người” khi nhắm đến thừa tác vụ hướng dẫn của Giám Mục Đoàn, hoặc của mỗi vị với linh mục đoàn; và “một người” khi nhắm đến tác vụ hiệp nhất của Giám Mục Rôma. Do đó, tính hiệp hành sẽ cho thấy sự năng động của chiều kích hiệp thông của toàn thể Dân Chúa, của Giám mục đoàn khi thi hành tác vụ Giám Mục và của tác vụ tối cao của Giám Mục Rôma. Mối tương quan này thăng tiến sự hiệp nhất giữa tín hữu và Mục Tử, hình ảnh của hiệp nhất vĩnh cửu trong Chúa Ba Ngôi”. Vì thế “Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý thần linh, cho đến khi các lời của Thiên Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội”[68].
Có một vấn đề thời sự khá “nóng” của Giáo Hội hoàn vũ liên quan đến nguyên tắc hiệp hành cơ bản, đó là Hội Đồng Giám Mục Đức đang chuẩn bị một “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” bất chấp “ý kiến chỉ đạo” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là công nghị, theo Hội Đồng Giám Mục Đức, nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề nảy sinh từ khủng hoảng lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ như: luật độc thân linh mục, vấn đề phong chức linh mục cho phụ nữ, giáo lý về đạo đức tình dục, các kết hiệp đồng tính, và chủ nghĩa giáo sĩ trị[69]. Chúng ta cầu nguyện cho sự kiện đặc biệt nầy.
4.2. Hiệp hành khi thể hiện vai trò “tham gia”:
“Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm. Trong khi thực hiện chiều kích hiệp hành, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người cùng tham gia, theo ơn gọi riêng của mỗi người, cùng với thẩm quyền được Đức Kitô trao cho Giám mục đoàn có Giáo hoàng đứng đầu. Sự tham gia hệ tại việc tất cả các tín hữu đều có đủ điều kiện và được kêu gọi phục vụ lẫn nhau nhờ những ân huệ của Chúa Thánh Thần. Thẩm quyền của các vị Mục tử là một món quà cụ thể của Thần Linh Đức Kitô, với tư cách là Đầu để xây dựng toàn bộ Cơ thể, chứ không phải là một chức năng được ủy thác và mang tính đại diện…”[70].
KẾT LUẬN: “Chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21,3)
Đã nói tới “hiệp hành” thì không thể nói ngắn và đứt đoạn, vì “đi chung” và “chỉ trên một con đường” cho tới đích, chắc chắn phải “dài đường”.
Quả thật câu chuyện “hiệp hành” là “câu chuyện dài” của lịch sử “lữ hành” của Giáo Hội muôn nơi muôn thuở, ít ra, là câu chuyện đã diễn ra như một “xuất phát điểm” sau ngày Chúa Phục Sinh tại bờ biển Ti-bê-ri-a của hai ngàn năm trước: Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền…” (Ga 21,3).
Trên “con thuyền của Thánh Phêrô” hôm nay, mọi người chúng ta, không trừ ai, đều được gọi mời “cùng đi với nhau và với Thánh Phêrô”. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là công việc khởi đầu, nhưng là bước căn bản, để “tấm lưới Nước Trời” được buông trên biển đời dương thế; nếu không có sự “hiệp hành” nầy, thì “người khách lạ đứng trên bờ” có đợi chờ thâu đêm suốt sáng cũng chẳng có “cơ hội” để thể hiện quyền năng “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, sẽ bắt được cá” (Ga 21,6).
Vì thế cho nên, như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của các dân tộc Phi Châu mà Đức Phanxicô đã lấy lại để ân cần nhắc nhở các bạn trẻ trong tông huấn Christus Vivit: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”[71], công cuộc tông đồ của cho người trẻ hôm nay nói riêng, hay cuộc sống và sứ vụ của Hội Thánh nói chung, phải mang tính “hiệp hành”. Bởi vì, đúng như cách định nghĩa của Thánh Giáo phụ Gioan Kim Khẩu: “Hiệp hành (Sunodos) chính là danh hiệu đặc trưng của hội thánh”[72].
[1] Bài viết nầy được rút ra và nhuận chính lại từ bài “Muốn đi xa phải đi cùng nhau” trong TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, Suy tư, bình luận, nghiên cứu về Mẹ Giáo Hội, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2019, tr. 365-424.
[2] Thế vận hội đặc biệt Hoa Kỳ (The Special Olympics USA Games): Thế vận hội đặc biệt Hoa Kỳ là một sự kiện Thế vận hội đặc biệt quốc gia được tổ chức bốn năm một lần tại Hoa Kỳ. Đây là một tổ chức thể thao dành cho trẻ em và người lớn bị thiểu năng trí tuệ ở Hoa Kỳ. Nó là một phần của phong trào Thế vận hội đặc biệt toàn cầu. Thế vận hội đặc biệt được thành lập vào năm 1968 với mục tiêu chính là chấp nhận và chào đón các cá nhân như chính hiện hữu của riêng mình. Thế vận hội đặc biệt còn cung cấp chương trình đào tạo thường niên các môn thể thao Olympic và có trụ sở tại 170 quốc gia. Thế vận hội Hoa Kỳ đặc biệt 2018 được tổ chức tại Seattle, Washington từ ngày 1-6 / 7 / 2018. Hơn 4.000 vận động viên và huấn luyện viên đại diện cho 50 tiểu bang và Quận Columbia, cùng với sự hỗ trợ của hàng chục ngàn tình nguyện viên và khán giả, sẽ thi đấu trong 14 môn đồng đội và các môn thể thao cá nhân. Tất cả các sự kiện thể thao đều miễn phí và mở cửa cho công chúng.
Website https://en.wikipedia.org/wiki/Special_Olympics_USA#cite_note-2010USANationalGames-2,
https://www.specialolympicsusagames.org/
[3] THU PHẠM, Hãy cùng nhau chiến thắng, Blog của Thu Phạm: https://aba.edu.vn/hay-cung-nhau-chien-thang.html
[4] G. TRẦN ĐỨC ANH, O.P, Hướng đến tiến trình hiệp hành Đức Thánh Cha đề xướng, Vatican News (26/9/2021).
[5] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (International Theological Commission): “Ủy ban Thần học Quốc tế gồm một nhóm thần học gia Công Giáo tiếng tăm trên thế giới, được thành lập năm 1969 và được đặt dưới sự chủ tọa của vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin nhằm mục đích nghiên cứu những vấn đề tín lý quan trọng để trợ giúp cho Đức Giáo Hoàng và Bộ Giáo lý Đức tin”, website http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/129896. (x. Những văn kiện của Uỷ Ban Thần học Quốc tế, website https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-uy-ban-than-hoc-quoc-te/ )
[6] Ngược lại với “HIỆP HÀNH” thì từ “HÀNH HIỆP” (làm việc nghĩa) lại được dùng nhiều, nhất là trong văn chương tiểu thuyết kiếm hiệp, võ hiệp: “hành hiệp giang hồ”, “hành hiệp trượng nghĩa”…(Chú thích của người viết).
[7] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), Vũ Văn An dịch, Tính Đồng Nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo Hội (Synodality in the Life and Mission of the Church), website http://ghhv.quetroi.net/60VUVANAN/TinhDongNghiTrongDoiSongVaSuMenhCuaGiaoHoi.pdf , đăng tháng 11.2019.
[8] BRUNO LEPEU, Un Moment Mep, Để tỏ lòng tri ân, ôn lại kỷ niệm, hướng về tương lai. Sài Gòn, 25-26.6.2019, Tính Hội Đồng trong truyền giáo: một phong cách truyền giáo tại Châu Á, tr. 92.
[9] TÀI LIỆU LÀM VIỆC (INSTRUMENTUM LABORIS) của THĐGM XV, Vũ Văn An dịch, website http://www.giaoly.org/vn/tai-lie%cc%a3u-lam-vie%cc%a3c-thuo%cc%a3ng-ho%cc%a3i-dong-ve-gioi-tre%cc%89/, đăng ngày 02.01.2019, Số 140: “Hành trình đồng bộ, vốn là một “con đường chúng ta cùng đi với nhau”, bao gồm một lời mời khẩn cấp để tái khám phá sự phong phú trong căn tính “dân Chúa”, vốn là thuật ngữ để định nghĩa Giáo Hội như dấu chỉ có tính tiên tri về sự hiệp thông trong một thế giới thường bị chia rẽ và bất hòa xé nát”.
[10] ĐGH PHANXICÔ, Đức Kitô Hằng Sống (Christus Vivit), Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng, Bản dịch của lm. Lê Công Đức, pss, nxb Đồng Nai 2019, tr. 136.
[11] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, Tự điển Công giáo, nxb Tôn Giáo 2016, tr. 391-393.
[12] Sđd., mục từ Thượng Hội đồng Giám mục, tr. 875: Thượng: đi; hội: họp; đồng: cùng; giám: coi sóc; mục: chăm sóc. Thượng hội đồng, có gốc tiếng Hy Lạp là σύνοδος (sunodos)- được ghép bởi σύν (sun – cùng nhau) và οδος (odos – đường) -, nghĩa là cùng nhau đi chung con đường.
[13] Để thống nhất theo cách dùng chính thức của HĐGMVN (qua tông huấn Christus Vivit), chúng ta sẽ sử dụng từ “HIỆP HÀNH” xuyên suốt trong bài khảo luận nầy (ngay cả những tư liệu được trích dẫn. Riêng bản dịch Việt ngữ tài liệu “Synodality in the Life and Mission of the Church” của tác giả Vũ Văn An, xin được chỉnh sửa đôi từ cho phù hợp với ngữ cảnh toàn văn).
[14] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Vũ Văn An dịch, Tính đồng nghị …, sđd, số 5.
[15] BRUNO LEPEU, ibid., tr. 92-93. (Đặc biệt xem phần Ghi chú số 34. Trong nguyên bản tiếng Pháp (tr. 57-58) với Ghi chú “2”, tr. 93: “Điều nầy được đề cập trong văn kiện Aparecida (tháng 5 năm 2007) về Hoán cải mục vụ và đổi mới truyền giáo của các cộng đồng (số 369). Từ “tính hiệp hành” (synodalité)” đã xuất hiện trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại Vương cung thánh đường Vatican, ngày thứ bảy 29 tháng 6 năm 2013, nhân Thánh lễ và nghi thức trao dây Pallium cho các tân tổng giám mục giáo chủ. Sau đó, ngài đã nhắc lại từ nầy trong chương trình phỏng vấn với Antonio Spadaro ngày 26 tháng 9 năm 2013: với ý nghĩa là “cùng đi: giáo dân (dân chúng), các giám mục và giáo hoàng”, ngài gắn liền khái niệm nầy với việc đối thoại cùng người chính thông giáo trong văn kiện Ravena năm 2007. Một lần nữa trong Evangelii Gaudium 246, Đức Phanxicô lại đề cập đến tinh thần hiệp hành như một trong những hoa trái có thể trổ sinh từ việc đối thoại đại kết…”
[16] CHRISTOPHER R. ALTIERI, Synodality vs. Synodality, The Catholic world REPORT: “Pope Francis has been vocal and insistent in his calls for a more synodal Church. “Synodality” is a buzzword — even a keyword — of his pontificate.”. Nguồn: https://www.catholicworldreport.com/2018/06/17/synodality-vs-synodality/
[17] PAPE FRANÇOIS, Commémoration du 50e anniversaire de l’institution du synode des évêques: “La synodalité, comme dimension constitutive de l’Église, nous offre le cadre d’interprétation le plus adapté pour comprendre le ministère hiérarchique lui-même. Si nous comprenons que, comme dit Saint Jean Chrysostome, “Église et Synode sont synonymes” – parce que l’Église n’est autre que le “marcher ensemble» du troupeau de Dieu sur les sentiers de l’histoire à la rencontre du Christ Seigneur – nous comprenons aussi qu’en son sein personne ne peut être «élevé» au-dessus des autres. Au contraire, il est nécessaire dans l’Église que chacun s’«abaisse» pour se mettre au service des frères tout au long du chemin.”, website
[18] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Vũ Văn An dịch, Tính đồng nghị …,, sđd, số 1.
[19] Tác phẩm Synodality in the Life and Mission of the Church (tính Hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh): Ngoài hai phần DẪN NHẬP (THỜI SỰ CỦA TÍNH HIỆP HÀNH) và KẾT THÚC (ĐỒNG HÀNH TRONG SỰ BẠO DẠN CỦA THẦN KHÍ), tác phẩm trên gồm có 4 Chương:
– Chương 1: TÍNH HIỆP HÀNH TRONG THÁNH KINH, THÁNH TRUYỀN VÀ LỊCH SỬ.
– Chương 2: THẦN HỌC CỦA TÍNH HIỆP HÀNH.
– Chương 3: THỰC THI HIỆP HÀNH: ĐỐI TƯỢNG, CẤU TRÚC, QUY TRÌNH VÀ SỰ KIỆN.
– Chương 4: HOÁN CẢI ĐỂ CANH TÂN TÍNH HIỆP HÀNH.
[20] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính Đồng Nghị…, sđd, ghi chú sơ khởi.
[21] Bản văn tài liệu được sử dụng ở đây có tham khảo bản dịch Việt ngữ của tác giả Vũ Văn An cùng với một vài thay đổi cách dùng từ cho phù hợp với bối cảnh hiện tại.
[22] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính Đồng Nghị…, sđd, Phần Dẫn Nhập, số 2.
[23] Sđd, số 3.
[24] Sđd, số 4
[25] Sđd, số 4
[26] Sđd, số 4.
[27] Sđd, số 5.
[28] Sđd, số 6.
[29] Sđd, số 7.
[30] BRUNO CHENU, Disciples d’Emmaüs, Bayard, Paris, 2003, p. 147: “Khái niệm “HIỆP HÀNH” (SYNODALITÉ), trong cái nhìn bao gồm nhiều ý nghĩa, gần như ít được chú trọng nơi Giáo Hội Phương Tây trong suốt thiên niên kỷ hai. Ngày nay, thuật ngữ này được nhiều người sử dụng, nhưng thường lẫn lộn giữa hai khái niệm “công đồng tính” (conciliarité) và “tập thể tính” (collégialité). “Một đàng cho rằng: “tính hiệp hành” (synodalité) ám chỉ kế hoạch của Giáo hội địa phương trong khi “tính công đồng” (conciliarité) nhằm đến chương trình của Giáo Hội hoàn vũ… Đàng khác lại hiểu rằng: ‘tính hiệp hành’ (synodalité) hướng đến tương quan tín hữu thuộc tập thể tính (collégialité) của hàng Giám Mục” (Giám Mục đoàn). Như vậy, hạn từ “hiệp hành” vừa mang ý nghĩa “công đồng tính” khi nói đến mối tương quan giữa các cộng đoàn Giáo Hội, vừa mang ý nghĩa “tập thể tính” khi quy chiếu về những liên hệ giữa các Giám Mục. Như thế, “hiệp hành” (synodalité) chính là “thực tại mang tính hiệp thông của Giáo hội đang được thể hiện.” Vì thế, việc áp dụng thực hành (nguyên tắc) “hiệp hành” luôn dành ưu tiên hướng đến giáo phận và giáo xứ.”, website https://fr.wiktionary.org/wiki/synodalit%C3%A9.
[31] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính Đồng Nghị…, sđd, Phần Dẫn Nhập, số 8.
[32] Sđd, số 9.
[33] Sđd, số 9.
[34] Sđd, số 9.
[35] G. TRẦN ĐỨC ANH, O.P, Hướng đến tiến trình hiệp hành Đức Thánh Cha đề xướng, sđd.
[36] Sđd.
[37] Sđd.
[38] Sđd.
[39] G. TRẦN ĐỨC ANH, O.P, Hướng đến tiến trình hiệp hành Đức Thánh Cha đề xướng, sđd.
[40] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính Đồng Nghị…, sđd, Chương 1, số 12.
[41] Sđd, số 13.
[42] Sđd, số 14.
[43] Sđd, số 15.
[44] Sđd, số 16.
[45] Sđd, số 19-20.
[46] Sđd, số 18.
[47] Sđd, số 25.
[48] Sđd, số 25.
[49] Sđd, số 26.
[50] Sđd, số 27.
[51] Sđd, số 28.
[52] Sđd, số 30.
[53] Sđd, số 31.
[54] Đây là cuộc ly giáo thuộc nội bộ Giáo Hội phương tây, chủ yếu đến từ hai Giáo Hội Pháp và Ý kể từ cuộc bầu cử tân Giáo Hoàng Urbano VI (năm 1378), kế nhiệm Giáo hoàng Gregorio XI, người vừa dời toà Thánh từ Avignon (Pháp) về lại Rôma (1376) sau gần 70 năm đặt tại Avignon (1309-1377). Sau đó ít lâu, một số lớn hồng y (Pháp) không chấp nhận Giáo hoàng Urbano VI và đã bầu chọn một Giáo hoàng là Clêmentê VII; vị nầy tái lập toà Avignon để đối lập với Giáo hoàng Urbano VI ở Rôma. Cho tới năm 1409, một Công đồng không chính thức họp tại Pisa đã bầu chọn thêm một Giáo hoàng là Alexandre V. Kể từ đó, Giáo Hội phương Tây có 3 Giáo hoàng. Mãi cho đến năm 1414, 3 Giáo hoàng đương nhiệm khi ấy là: Toà Rôma: Đức Gregorio XII; Toà Avignon: Đức Bênêđictô XIII, và Toà Pisa: Đức Gioan XXIII. Vào năm 1414, Đức Gioan XXIII triệu tập Công Đồng tại Konstanz (Đức) nhờ uy tín của vua Sigismund với sự đồng thuận của Đức Grêgôriô XII (Rôma) nhưng Đức Bênêđictô XIII (Avignon) không chấp nhận. Công Đồng diễn ra hơn 4 năm (1414-1418) và đã quyết nghị: cả 3 Giáo hoàng phải từ chức và bầu ra một tân giáo hoàng. Đức Gioan XXIII (Pisa) bỏ trốn và bị kết án (di giáo, ly giáo, mại thánh, phản luân lý…), Grêgôriô XII chấp nhận từ nhiệm. Đức Bênêđictô XIII (Avignon) bất tuân và bị rút phép thông công. Đức Giáo Hoàng mới được Công Đồng Constance bầu lên là Martino V, chấm dứt 40 năm phân ly, rạn nứt (1378-1418), tái lập sự hiệp nhất cho Giáo Hội Tây phương. (Nguồn tổng hợp).
[55] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính Đồng Nghị…, sđd, Chương 1, số 34.
[56] Sđd, số 35.
[57] Sđd, số 36: “Trong cơ cấu vận hành mang tính “hiệp hành” của cộng đồng giáo hội, các tín hữu, nhờ chức tư tế cộng đồng của bí tích rửa tội, được tham gia nhiều hơn; và cơ cấu nầy được coi là cấu trúc phù hợp nhất với đời sống của cộng đồng Kitô giáo theo Lutheran. Tất cả các tín hữu không những được mời gọi tham gia vào cuộc tuyển chọn các thừa tác viên mà còn có trách nhiệm củng cố sự trung thành với giáo lý Tin Mừng và trật tự Hội thánh… Các cộng đồng giáo hội cải cách theo học thuyết “4 tác vụ” của Jean Calvin (Mục sư, giảng viên, linh mục và phó tế), theo đó, linh mục chỉ là đại diện cho phẩm giá và uy quyền được trao cho mọi tín hữu nhờ phép Rửa tội. Do đó, các linh mục, cùng với các Mục sư, chịu trách nhiệm về cộng đoàn địa phương, và trong tiến trình công nghị, luôn dự kiến sự có mặt của hội đồng giảng viên và các thừa tác viên khác, với một đại đa số tín hữu trung kiên.
Các công đồng (công nghị) luôn là một phần trong cuộc sống của Cộng đồng Anh giáo ở tất cả các cấp – địa phương, quốc gia và quốc tế. Điều đó có thể được diễn tả bằng nguyên tắc sau: Giáo Hội được điều hành với công đồng nhưng được hướng dẫn bởi Giám mục (synodically governed, but episcopally led); điều đó không đơn giản chỉ là sự phân quyền giữa lập pháp (thuộc về các Công đồng, trong đó Dân Chúa được tham gia tất cả các lĩnh vực) và hành pháp (cụ thể là Các giám mục), nhưng đúng hơn, một mặt chính là sự hiệp lực giữa đặc sủng và uy quyền cá nhân của Đức Giám mục, và mặt khác, đó là chính ân huệ Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên toàn thể cộng đồng.”
[58] Sđd, số 40: Hiến chế tín lý Lumen Gentium đưa ra một tầm nhìn về bản chất và sứ mệnh của Giáo hội chính là sự hiệp thông, với các tiền đề thần học làm sống lại chiều kích hiệp hành: Giáo hội trong cái nhìn thần bí và bí tích; bản chất của Giáo Hội là Dân Chúa lữ hành qua lịch sử tiến về quê trời, đó là đoàn dân bao gồm tất cả các thành viên nhờ phép Rửa tội, có chung phẩm giá con Chúa và được sai đi cùng một sứ vụ; học thuyết mang chiều kích bí tích về chức giám mục và Giám mục đoàn trong sự hiệp thông phẩm trật với Giám mục Rôma.
Sắc lệnh Christus Dominus nhấn mạnh Giáo hội địa phương là một chủ thể, khuyến khích các Giám mục thực hiện việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội được ủy thác cho họ trong sự hiệp thông với hàng giáo sĩ, tận dụng sự hỗ trợ của ban tư vấn hoặc hội đồng linh mục để thành lập một Hội đồng mục vụ trong mỗi Giáo phận, có sự tham gia của các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Sắc lệnh nầy cũng mong muốn rằng, tuỳ theo mức độ hiệp thông giữa các Giáo hội trong khu vực, cần phục hồi định chế đáng kính Thượng hội đồng và Công đồng, và đẩy mạnh các Hội nghị Giám mục. Trong Sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum, thể chế của Toà Thượng phụ và mô hình thượng hội đồng của thể chế nầy cũng được đề xuất trong mối tương quan với các Giáo hội Công giáo Đông phương.”
[59] Sđd, số 41: “Cơ cấu Thượng Hội Đồng nhằm mục đích để Dân Chúa tiếp tục hưởng những lợi ích từ mối hiệp thông mà Công đồng mang lại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhân dịp Năm Thánh 2000, đã đưa ra một đánh giá về con đường Hội Thánh trải qua – vừa thích nghi với giáo huấn của Vatican II – vừa trung thành với căn tính cốt lõi của mầu nhiệm Hội Thánh với nhiều cấu trúc của sự hiệp thông. Trong số nhiều vấn đề – ngài nhấn mạnh – “nhưng chắc chắn còn nhiều việc phải làm, để nhận ra tất cả tiềm năng của những công cụ hiệp thông này (và) để đáp ứng kịp thời và hiệu quả những vấn đề mà Giáo hội phải đối mặt khi thời gian thay đổi nhanh chóng “.
Trong hơn năm mươi năm trôi qua kể từ Công đồng cho đến ngày hôm nay, nhận thức về Giáo hội như sự hiệp thông đã phát triển trong các lĩnh vực rộng lớn của Dân Chúa và đã có những kinh nghiệm tích cực về hiệp hành ở cấp giáo phận, khu vực và toàn cầu. Cụ thể, đã có 14 cuộc họp thông thường của Thượng hội đồng Giám mục; kinh nghiệm và hoạt động của các Hội nghị Giám mục đã phát triển; ở khắp mọi nơi đã có các đại hội mang tính Thượng Hội Đồng. Các Công đồng cũng đã ra đời để thúc đẩy sự hiệp thông và hợp tác giữa các Giáo hội và Giám mục địa phương để phát triển các đường hướng mục vụ tại các vùng miền, lục địa.”
[60] Sđd, Chương 2, số 43.
[61] Sđd, số 44.
[62] Sđd, số 45.
[63] Sđd, số 47.
[64] Sđd, số 49
[65] Sđd, số 49-50.
[66] Sđd, số 55.
[67] Sđd, số 57.
[68] Sđd, số 64.
[69] Đọc thêm các bài viết liên quan với các đường link sau:
– http://www.vietcatholicnews.org/News/Html/252216.htm
– http://www.vietcatholicnews.org/News/Html/252217.htm
– http://www.vietcatholicnews.org/News/Html/252218.htm
[70] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính Đồng Nghị…, sđd, số 67.
[71] CV số 167, tr. 106.
[72] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính Đồng Nghị…, sđd, số 3.
2021
Đức Giê-su Ki-tô – Đường vâng phục
Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (22)
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 10 năm 2021
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG VÂNG PHỤC
+ Pet. Nguyễn Văn Viên
Các bạn trẻ thân mến,
Tháng 9 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Tha Thứ Tội Lỗi. Tháng 10 này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Vâng Phục. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng vì Nguyên Tổ bất tuân phục, con người trở thành nô lệ tội lỗi và sự chết. Nhờ Đức Giê-su vâng phục, con người được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ đó. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su luôn vâng phục Đức Chúa Cha, vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập giá. Đặc biệt, Người dạy các môn đệ luôn biết vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh để minh chứng cho tình yêu của Người giữa dòng đời.
Tiếng Do-thái cổ không có động từ ‘vâng phục’ hay ‘vâng lời’ như trong các ngôn ngữ hiện đại. Động từ ‘שמע’ (shama) của Do-thái tương đương với ‘vâng phục’ trong tiếng Việt hay ‘obey’ trong tiếng Anh. Động từ ‘שמע’ có các nghĩa chính yếu như nghe (St 27,6; Lv 26,14; Is 1,2); lắng nghe (St 27,5; 2 Sm 11,26; Ed 3,7; Tv 132,6); lắng nghe và đón nhận (Is 46,3); nghe đồng nghĩa với hiểu (St 11,7; 1 V 3,6); vâng lời (St 22,18; Xh 24,7; 1 Sm 15,22; 2 V 14,11). Động từ tương đương với ‘שמע’ trong tiếng Hy-lạp là ‘ὑπακούω’/hupakouo (obey), danh từ là ‘ὑπακοή’/hupakoe (obedience) và tính từ là ‘ὑπήκοος’/hupḗkoos (obedient). ‘Vâng phục’ có nghĩa là ‘nghe’ hay ‘lắng nghe’ lời của người có thẩm quyền, người bề trên, người quan trọng trong các hình thái xã hội loài người. Đặc biệt, đối với dân Do-thái, lắng nghe, tin tưởng và thực thi lời của Thiên Chúa cách tự nguyện là trung tâm của đời sống họ. Bởi vì, những gì thuộc thánh ý Thiên Chúa đều chân thực, lành thánh và sinh hoa trái dồi dào cho mọi người. Trong Kinh Thánh, vâng phục được diễn tả dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như vâng phục Đức Chúa (Đnl 28,1), vâng phục lề luật của Thiên Chúa (2 Mcb 7,30), vâng phục sự thật (Gl 5,7), vâng phục Tin Mừng (Rm 1,5), vâng phục đạo lý (Rm 6,17), vâng phục Đức Ki-tô (2 Cr 10,5), vâng phục đức tin (Ep 2,8-10), vâng phục quyền bính dân sự (Rm 13,1-7), vâng phục trong gia đình (Ep 5,21-33).
Chủ đề vâng phục được trình bày ngay từ buổi đầu của gia đình nhân loại, gắn liền với giao ước giữa Thiên Chúa và Nguyên Tổ (A-đam và E-và), được diễn tả qua ngôn ngữ biểu tượng: A-đam và E-và được ăn mọi trái cây trong vườn, ngoại trừ cây giữa vườn. Tuy nhiên, A-đam và E-và đã ‘nghe lời con rắn’, đã sa chước cám dỗ. Như vậy, Tội Nguyên Tổ là tội bất tuân phục, tội không nghe lời của Thiên Chúa (St 3,1-7). Quả thực, A-đam và E-và đã được Thiên Chúa phú ban những điều kiện cần thiết hầu có thể sống xứng đáng với phẩm giá của mình, nhưng họ đã bất tuân phục thánh ý Người. Vì A-đam và E-và, tội lỗi xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết và sự chết lan tràn đến mọi người (Rm 5,12). Dưới nhãn quan Kinh Thánh Cựu Ước, khi con người bất tuân phục Thiên Chúa cũng là khi con người sống xa tình yêu của Người và hậu quả là con người trở thành nô lệ của các thế lực sự dữ đang hoành hành trong thế giới thụ tạo.
Chương trình Thiên Chúa đối với con người không kết thúc với việc bất tùng phục của Nguyên Tổ và hậu quả của tội này. Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với con người trong mọi biến cố của lịch sử. Đặc biệt, Thiên Chúa đã kêu gọi Áp-ra-ham, để từ đây, Người diễn tả chương trình cứu độ của Người đối với toàn thể nhân loại. Áp-ra-ham ban đầu có tên là Áp-ram, Thiên Chúa phán với ông như sau: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Quả thực, kêu gọi một người từ bỏ xứ sở quen thuộc của mình để đến nơi khác luôn là việc rất khó khăn. Tuy nhiên, Áp-ra-ham hằng vâng phục Thiên Chúa và diễn tả tinh thần vâng phục trong mọi hoàn cảnh cuộc sống của mình, ngay cả việc sẵn sàng hiến tế đứa con trai yêu dấu của mình cho Thiên Chúa (St 22,1-19). Áp-ra-ham trở thành mẫu gương vâng phục cho các tín hữu Do-thái Giáo, Ki-tô Giáo và Hồi Giáo cũng như những ai thành tâm thiện chí trong gia đình nhân loại.
Hành trình của dân Do-thái bắt đầu với Áp-ra-ham trong dòng lịch sử cũng là hành trình diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa và sự bất tuân phục của dân này. Chẳng hạn, trên đường về với Đất Hứa, dân Do-thái đã lắm phen phản nghịch thánh ý Thiên Chúa. Tương tự như thế, thời các vua, không chỉ dân chúng bất tuân phục mà những người lãnh đạo dân cũng vậy. Chẳng hạn, vì sự bất tuân của vua Sa-un đối với Đức Chúa, Sa-mu-en đã nói với vua: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1 Sm 15,22). Thời các ngôn sứ, dân Do-thái vẫn chứng nào tật ấy với não trạng bất tuân phục. Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a minh chứng điều đó: “Hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc. Nhưng chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ không tiến” (Gr 7,23-24). Sự vâng phục, lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su trong hành trình trần thế của Người.
Tân Ước cho chúng ta biết rằng với sự vâng phục và cộng tác của Đức Ma-ri-a, Đức Giê-su đã ‘trở nên người phàm’ của gia đình nhân loại. Trong hành trình trần thế, Người hằng vâng phục cha mẹ Người. Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình thuật rằng sau khi tìm được Đức Giê-su ở đền thờ Giê-ru-sa-lem, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Chúng ta nhận ra điều kỳ diệu của gia đình Na-da-rét bởi vì trong gia đình này ‘Trời ở với người’, ‘Đấng Sáng Tạo chung nhà với thụ tạo’, ‘Thiên Chúa vâng phục con người’. Chúng ta biết rằng con người vâng phục Thiên Chúa là chuyện thường tình, phải lẽ. Tuy nhiên ở đây, Đức Giê-su là Thiên Chúa lại vâng phục Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Quả thực, điều này vượt quá tâm thức tôn giáo của các dân tộc qua muôn thế hệ.
Trong biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa, khi Người vừa lên khỏi nước thì các tầng trời mở ra, Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Người và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Sau này, trong biến cố Đức Giê-su Hiển Dung cũng có tiếng từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Khởi đầu sứ mệnh công khai, Đức Giê-su kêu gọi mọi người diễn tả tâm tình vâng phục bằng việc sám hối và tin vào Tin Mừng mà Người loan báo (Mc 1,14-15). Như vậy, vâng phục trở thành lời kêu gọi đầu tiên của Đức Giê-su. Đây không phải là lời kêu gọi chung chung giữa những lời kêu gọi khác mà là lời kêu gọi chính yếu trong sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện.
Trong bài giảng về Giáo Hội là Nước Thiên Chúa ở trần gian, thánh Mát-thêu trình thuật rằng khi các môn đệ hỏi Đức Giê-su ai là người lớn nhất trong Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đem một em nhỏ đặt giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,3-4). Nói đến trẻ em là nói đến tính đơn sơ, vâng phục, chẳng hạn như vâng phục cha mẹ hay vâng phục những người lớn tuổi hơn mình. Điều Đức Giê-su muốn nhấn mạnh ở đây là những ai muốn theo Người thì lắng nghe và thực thi lời Người truyền dạy với tâm tình đơn sơ, phó thác. Quả thực, khi con người không biết lắng nghe, không biết cúi đầu, không biết nhìn nhận những giới hạn của bản thân mình thì khó có thể làm môn đệ Đức Giê-su được. Chúng ta biết rằng, trong đời sống xã hội, trẻ em sẽ không thể hòa nhập cộng đồng cách đầy đủ nếu bỏ ngoài tai những chỉ dạy của cha mẹ hay những người hữu trách. Tương tự như vậy, trong đời sống tâm linh, các môn đệ Đức Giê-su sẽ không thể trưởng thành khi bỏ qua nhân đức vâng phục, hay không quan tâm nhân đức này cách phù hợp.
Thánh Mác-cô trình thuật rằng khi Đức Giê-su đang nói chuyện với đám đông thì có người báo tin Mẹ của Người là Đức Ma-ri-a và những người thân muốn gặp Người. Đức Giê-su đáp: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,33-35). Đức Giê-su không nói rằng Đức Ma-ri-a không phải là Mẹ của Người hay những người đang đứng ngoài kia không phải là thân nhân của Người. Điều Người muốn diễn tả là gia đình Người không chỉ bao gồm những ai cùng huyết tộc gần gũi mà là bất cứ ai lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. ‘Lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa’ là diễn nghĩa của ‘vâng phục’. Lời của Đức Giê-su cho thấy sứ mệnh của Người nhằm thiết lập Gia Đình Thiên Chúa trên trần gian để những ai vâng phục, gắn bó với Gia Đình này thì được chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Gia Đình Thiên Chúa viên mãn.
Khi Đức Giê-su đánh đuổi những người mua bán trong đền thờ, các thượng tế và kỳ mục thách thức thẩm quyền của Người: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21,23). Đức Giê-su kể cho họ dụ ngôn rằng một người kia có hai con trai, ông đến nói với đứa thứ nhất hãy đi làm vườn nho. Ban đầu nó không đi nhưng sau đó hối hận và đi. Ông đến gặp đứa thứ hai và nó đồng ý đi, nhưng cuối cùng lại không đi. Đức Giê-su hỏi họ: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21,31). Họ đã trả lời: Người thứ nhất. Đức Giê-su liền nói với họ rằng những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước họ. Người dùng dụ ngôn này để cho các thượng tế và kỳ lão biết những người tội lỗi vâng phục, hối cải thì hơn những người cho mình là công chính không chịu hối cải ăn năn. Trong bối cảnh Bài Giảng Trên Núi, Người nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Như vậy, vâng phục đồng nghĩa với thực thi thánh ý Thiên Chúa là điều kiện cần thiết của tất cả những ai thuộc về Nước Thiên Chúa.
Vâng phục Đức Chúa Cha là tâm tình căn bản của Đức Giê-su trong hành trình dương thế. Chẳng hạn, sau cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, các môn đệ mời Đức Giê-su dùng bữa. Người nói với họ rằng: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết… Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,32-34). Khi các môn đệ xin Đức Giê-su dạy họ cách thức cầu nguyện, Người đã dạy họ Kinh Lạy Cha, trong đó có câu: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11). Lương thực ở đây không chỉ là lương thực cho đời sống thể xác mà còn cho đời sống tâm linh nữa, nghĩa là lương thực theo thánh ý Thiên Chúa. Sau dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn và đi trên mặt Biển Hồ mà đến với các môn đệ, tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su nói với dân Do-thái: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Đức Giê-su diễn tả sự vâng phục trong yêu thương và căn dặn các môn đệ phải thực thi như vậy: “Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31); “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).
Là con người, Đức Giê-su cũng đương đầu với nhiều cơn cám dỗ. Người không chỉ bị cám dỗ trong thời gian ở sa mạc bốn mươi đêm ngày mà còn nhiều dịp khác nữa. Tuy nhiên, Đức Giê-su chưa bao giờ sa chước cám dỗ. Tại sao vậy? Thưa, tại vì Người luôn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha. Chẳng hạn, Thánh Mát-thêu trình thuật: “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi. Đức Giê-su liền nói: Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,8-10). Bái lạy hay cúi đầu diễn tả sự vâng phục bằng cử chỉ. Đức Giê-su đã không bái lạy, không cúi đầu trước ma quỷ. Câu trả lời của Người cho chúng ta biết cần phải vâng phục ai trong hành trình trần thế này. Đức Giê-su bị cám dỗ thể hiện quyền năng tại quê hương Người là Na-da-rét, thể hiện quyền năng trước những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, thể hiện quyền năng trước Hê-rô-đê hay Phi-la-tô. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức Giê-su cầu nguyện với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26,42). Khi Đức Giê-su bị treo trên thập giá, các thượng tế, kinh sư, kỳ mục nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,42-43). Đức Giê-su đã ‘không vâng phục’, không thể hiện quyền năng đối với bất cứ ai thách thức Người.
Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng từ thuở đời đời, Đức Giê-su là ‘Con Đức Chúa Cha’, do đó, Người hằng vâng phục Đức Chúa Cha. Trong chương trình cứu độ nhân loại, Đức Giê-su vâng phục Đức Chúa Cha để nhập thể, sống thân phận con người, đồng lao cộng khổ với tất cả mọi người, chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá. Như vậy, thập giá là đỉnh cao diễn tả sự vâng phục của Người hầu đền bù tội bất tuân phục của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Trên thập giá, Đức Giê-su cầu xin cho ý của Đức Chúa Cha được thực hiện. Đây là sự vâng phục cao quý nhất và câu nói cuối cùng của Đức Giê-su trước khi tắt thở (trao ban Thần Khí) là câu nói diễn tả sự vâng phục sâu thẳm: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23,46). Qua Đường Vâng Phục, Đức Giê-su đã đánh bại các hình thức sự dữ cũng như kẻ thù cuối cùng của con người là sự chết, hầu ban ơn cứu độ và giải thoát tất cả mọi người.
Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su không chỉ vâng phục thánh ý Thiên Chúa, Người còn diễn tả thẩm quyền của Người trên thế giới thụ tạo nữa. Chẳng hạn, sau khi hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé, các môn đệ xuống thuyền đi về Ca-phác-na-um. Khi thuyền rời bến khoảng năm hoặc sáu cây số, Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (Ga 6,16-21). Theo mặc khải Kinh Thánh, quy luật tự nhiên được Thiên Chúa thiết định. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Đức Giê-su biến đổi quy luật tự nhiên. Điều này giúp chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Chủ của thế giới thụ tạo, của quy luật tự nhiên: Chủ có thẩm quyền trên quy luật tự nhiên cũng như muôn vật muôn loài. Chúng ta cần quan tâm hai điểm quan trọng liên quan đến việc Đức Giê-su biến đổi quy luật tự nhiên (chẳng hạn như đi trên mặt nước hay làm cho sóng yên biển lặng): (1) Đức Giê-su không làm cho quy luật tự nhiên ‘xuống cấp’ và (2) Người biến đổi quy luật tự nhiên nhằm gia tăng những gì lành thánh, tốt đẹp cho con người.
Nhờ sự vâng phục Đức Chúa Cha và trở nên người phàm, Đức Giê-su giống con cháu A-đam và E-và trong mọi sự, nghĩa là Người cũng bị giới hạn bởi không gian, thời gian cũng như lệ thuộc những gì trong đó. Người bị cám dỗ nhưng không sa chước cám dỗ, nghĩa là không phạm tội, bởi vì Người luôn hướng về Đức Chúa Cha và vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha trong mọi sự. Thánh Phao-lô viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Khi so sánh Đức Giê-su với A-đam, thánh nhân viết: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,18-19). Thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự đối nghịch giữa A-đam cũ bất tuân phục và A-đam Mới là Đức Giê-su luôn vâng phục.
Bởi vâng phục Đức Chúa Cha, Đức Giê-su đã đi ngược lại con đường của A-đam. Đường của A-đam là đường bất tuân, đường dẫn tới tội lỗi và sự chết; đường của Đức Giê-su là Đường Vâng Phục, đường dẫn tới ân sủng và sự sống. Con người vừa mang hình ảnh A-đam vừa mang hình ảnh Đức Giê-su, nghĩa là vừa mang hình ảnh của người bất tuân phục vừa mang hình ảnh của Đấng Vâng Phục; vừa mang hình ảnh của người phải chết vừa mang hình ảnh của Đấng Hằng Sống; vừa mang hình ảnh của người muốn định đoạt số phận mình vừa mang hình ảnh của Đấng luôn phó thác mọi sự trong tay Đức Chúa Cha. Nhờ Đức Giê-su, Đấng Vâng Phục, con người được giải thoát khỏi Tội Nguyên Tổ và những hậu quả của Tội này, đồng thời, được Đức Giê-su hướng dẫn về với cõi phúc đích thực. Do vậy, mọi người được mời gọi luôn hướng về Đức Giê-su, Đấng Vâng Phục để kín múc từ Người nguồn sinh lực cho cuộc sống hiện tại và tương lai vĩnh cửu.
Kinh nghiệm về sự gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh giúp thánh Phao-lô minh định rõ ràng và khúc chiết về ‘nguồn gốc’ và ‘sự vâng phục’ của Người trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê. Điều đáng để chúng ta quan tâm là trong các thư của ngài, thánh Phao-lô thường diễn tả việc Thiên Chúa gửi Con của Người xuống trần gian, nhưng ở đây thánh Phao-lô nhấn mạnh sự tự do dâng hiến của Đức Giê-su: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Chúng ta ngạc nhiên trước cách diễn tả của thánh Phao-lô: Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa (ἐν μορφῇ Θεοῦ/ in very nature God), nhưng Người trút bỏ vinh quang, hay ‘làm cho mình trở nên trống rỗng’ (ἑαυτὸν ἐκένωσεν/ emptied himself). Chúng ta nhận thức ‘hai tình trạng nên một’ cách huyền nhiệm nơi Đức Giê-su: (1) là Thiên Chúa và (2) là con người; chúng ta cũng nhận thức được ‘hai chuyển động nối kết’ vượt quá sự hiểu biết của chúng ta: (1) Thiên Chúa trở thành con người và (2) Người không phạm tội. Hơn nữa, theo thánh Phao-lô, Đức Giê-su không chỉ vâng phục Thiên Chúa và trở nên người phàm như nhiều người bình thường khác, Người còn trở thành nô lệ (δούλος), nghĩa là trở thành thành phần của những người rốt hết trong xã hội loài người. Đặc biệt, Đức Giê-su còn vâng phục chịu chết trên cây thập giá.
Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái giúp chúng ta hiểu thêm về sự vâng phục của Đức Giê-su và hiệu quả của sự vâng phục này như sau: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5,8-10). Phẩm vị của Đức Giê-su thật cao cả, Người là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn thiện. Tuy nhiên, trong thân phận con người, Đức Giê-su đã vâng phục để học hỏi hầu có thể trưởng thành như bao người khác. Vị Thiên Chúa ‘phải học cho biết thế nào là vâng phục’ quả là khó hiểu đối với chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta nhận thức rằng tình yêu của Người đối với chúng ta là vô ngần vô hạn thì chúng ta có thể lãnh hội được (Rm 5,8-9; Ep 2,4-5; 1 Ga 4,10). Là con người, Đức Giê-su cần học để được lớn lên như chúng ta, để cảm nghiệm được đau khổ, cảm nghiệm được tình trạng bi đát của con người dưới mãnh lực của sự dữ trong môi trường thế giới thụ tạo. Người học vâng phục bằng ngôn ngữ và kinh nghiệm của con người để dạy con người cách thức vâng phục xứng hợp với thánh ý Thiên Chúa. Người vâng phục đến chết để có được cảm nghiệm đau khổ tột cùng của con người và đem lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho con người. Nơi Đức Giê-su, chúng ta thấy rõ hệ quả của vâng phục: Không chỉ bản thân được tôn vinh mà còn đem lại ơn lành cho người khác.
Nhìn lại lịch sử Mặc khải Ki-tô Giáo, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa diễn tả quyền năng của Người theo nhiều cách thức khác nhau và Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Biến Cố có tính quyết định. Trong Biến Cố này, quyền năng lớn lao nhất mà Đức Giê-su thực hiện không phải là thực thi các điềm thiêng dấu lạ mà là quyền năng vâng phục. Quyền năng đó giúp con người thoát khỏi vũng bùn kiêu căng, tội lỗi và sự chết. Quyền năng đó đánh bại sự tự cao tự đại của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Nhờ quyền năng của Đức Giê-su, con người và tất cả vạn vật được biến đổi, được tiến triển và thành toàn cách mỹ mãn theo ý định từ muôn thuở của Thiên Chúa. Như vậy, quyền năng vâng phục mãi mãi là quyền năng con người cần phải suy gẫm, học hỏi, khám phá và thực thi trong đời sống mình.
Dưới nhãn quan của một số người, vâng phục là tâm trạng của kẻ yếu, của người không có năng lực hay thẩm quyền gì đáng kể giữa bao người khác. Trong thực tế, người vâng phục không phải là người yếu thế, nhưng là người ý thức về những giới hạn của mình. Người vâng phục ý thức sự cần thiết để kín múc năng lượng từ người khác hầu có thể điều chỉnh tư cách, đời sống và sứ mệnh của bản thân trong khi không đánh mất những gì chân thật và lành thánh của mình. Người vâng phục xác tín rằng con người không thể tự mình biến đổi cách xứng hợp. Họ cần sự hướng dẫn của những người có thẩm quyền đáng tin cậy, những người thực thi thẩm quyền mà không thiên kiến, không vì lợi ích cá nhân hay hình thức vị kỷ nào đó. Như vậy, càng đề cao sự vâng phục, con người càng nhận ra tình trạng thực thụ của bản thân mình và sự cần thiết để biến đổi sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa qua các trung gian của Người.
Thông thường, theo bước chân Nguyên Tổ, con người hay quy hướng về mình, quan tâm đến những gì phát xuất từ bản thân hầu thỏa mãn ‘cái tôi’ chứ không phải vâng phục. Người vâng phục là người bị động, người đón nhận, người lĩnh hội, trong khi đó, người có thẩm quyền là người chủ động, người ra lệnh, người thẩm định. Do đó, nhân đức vâng phục khó thực thi hơn các nhân đức khác bởi vì người thực thi nhân đức này phải từ bỏ ý riêng của mình để lắng nghe, tin tưởng và làm theo ý của người khác. Trong một số trường hợp, người vâng phục nhận thức được những sai sót nhất định của người có thẩm quyền, nhưng vì ‘đức vâng phục’ nên vui lòng chấp nhận. Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, vâng phục là hiến tế rất cao quý. Chúng ta có thể nói rằng người vâng phục Thiên Chúa cách trọn hảo cũng là người tử đạo theo nghĩa rộng với tên gọi là ‘tử đạo vâng phục’. Các vị tử đạo trong lịch sử Giáo Hội có điểm chung là vâng phục Thiên Chúa theo gương Đức Giê-su, thà chịu chết hơn là làm những điều ngược lại với giáo huấn của Người.
Có những người cho rằng vâng phục và tự do như nước với lửa, mặt trăng với mặt trời, bóng tối với ánh sáng hay vâng phục là thù địch của tự do. Trong thực tế, vâng phục đích thực cũng là tự do đích thực và ngược lại. Vâng phục làm cho tự do đúng hướng và tự do làm cho vâng phục được viên mãn. Điều này có nghĩa là con người không mất tự do của mình khi vâng phục Thiên Chúa. Con người vâng phục Thiên Chúa không giống máy móc làm việc theo chỉ thị của người điều khiển. Trái lại, khi con người vâng phục Thiên Chúa cũng là khi con người diễn tả sự tự do của mình cách đúng đắn và đầy đủ nhất. Như vậy, ở đây không có sự xung khắc giữa tự do và vâng phục đích thực trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Xung khắc nếu có là về phía con người khi lạm dụng tự do của mình, chiều theo cạm bẫy của thế giới bóng đêm, thế giới sự dữ. Con người chỉ có thể trưởng thành thực sự khi vâng phục thánh ý Thiên Chúa và làm cho thánh ý Người được thẩm thấu và lan rộng trong mọi chiều kích của cuộc sống mình. Người ta có thể ghép tự do và vâng phục với nhau và khẳng định rằng tự do đích thực là ‘tự do vâng phục’. Điều này có nghĩa rằng người vâng phục hiểu được giá trị của những gì mình tuân giữ bởi vì những giá trị này giúp mình ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
Một trong những đặc tính của người vâng phục là thinh lặng. Người vâng phục là người biết suy gẫm, biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Người vâng phục là người đơn sơ, đồng thời cũng là người chú tâm nhiều hơn về sự thiêng thánh của phẩm giá con người trong cõi thinh lặng. Người vâng phục biết chấp nhận những gì Thiên Chúa gửi đến cho mình, đồng thời biết sẵn sàng chịu đựng muôn hình thức đau khổ trong cuộc sống với tâm tình hiền hòa, kiên nhẫn, phó thác. Người vâng phục biết tìm bình an giữa những gian nan khốn khó; tìm thinh lặng giữa những ồn ào náo động; tìm thánh ý Thiên Chúa giữa những cám dỗ giăng đầy; tìm sự thật giữa những gian dối bội bạc; tìm tình yêu giữa những oán thù ghen ghét. Nói cách khác, người vâng phục biết thinh lặng sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa giữa biển đời đầy giông tố bão bùng này.
Như đã được đề cập ở trên, theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, “Đức Giê-su đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Tất cả chúng ta được mời gọi học nơi Đức Giê-su cách thức vâng phục. Chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Người, do đó, chúng ta hãy noi gương Người trong việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Nhiều lúc chúng ta ý thức được sự cần thiết của vâng phục, nhưng lại dị ứng với những gì giúp chúng ta thực thi điều đó. Chẳng hạn, nói đến vâng phục là nói đến hy sinh, nói đến quên mình, nói đến đau khổ, nhưng chúng ta lại dị ứng với những điều này. Dưới nhãn quan của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, vâng phục mà vắng bóng đau khổ không phải là hình thức vâng phục mà Đức Giê-su đã học hỏi và diễn tả trong hành trình trần thế của Người. Chúng ta chỉ có thể vâng phục thực sự khi chúng ta trải qua quá trình học hỏi từ những đau khổ, sai lầm của bản thân cũng như của người khác. Tác giả Thánh Vịnh viết: “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 119,71). Qua đau khổ, chúng ta học biết cách lắng nghe, cách cảm nhận, cách đồng hóa lời của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.
Quả thực, vâng phục phải là trọng tâm của đời sống con người trong hành trình trần thế này. Bởi vì, vâng phục tạo điều kiện cho chúng ta đắm mình trong mầu nhiệm của chương trình Thiên Chúa đối với con người cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Vâng phục cho phép chúng ta vượt qua những yếu đuối và tầm nhìn hạn hẹp của bản thân về các sự kiện, biến cố hay tương quan trong cuộc sống. Vâng phục giúp chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn cũng như tâm hồn luôn biết cởi mở và hướng về Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Gốc và Đích Đến của chúng ta cũng như muôn vật muôn loài. Vâng phục khuyến khích chúng ta biết làm chứng cho Thiên Chúa giữa những khó khăn, bấp bênh của cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, vâng phục gia tăng niềm tin, tình yêu và hy vọng của chúng ta đối với Thiên Chúa. Vâng phục mở đường cho chúng ta vào đời sống công chính, thánh thiện giữa thế giới đầy cạm bẫy của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Vâng phục thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình vào việc xây dựng trật tự và hòa hợp trong gia đình cơ bản và các hình thức gia đình khác trong xã hội.
Theo một nghĩa nào đó, vâng phục chính là nhân đức của các nhân đức trong đời sống con người. Các Ki-tô hữu được mời gọi sống và thực hành nhân đức này cách trung tín nhất. Đặc biệt, những người sống đời độc thân dâng hiến cần phải quan tâm nhiều hơn đến nhân đức vâng phục. Các nhân đức khác, chẳng hạn như khiết tịnh hay nghèo khó không thể thực hiện được nếu thiếu nhân đức vâng phục. Nhân đức này thường được diễn tả qua việc lắng nghe và thực thi ý định của những người có thẩm quyền với lòng thâm tín rằng, ý của người có thẩm quyền diễn tả thánh ý Thiên Chúa. Chẳng hạn, sự vâng phục của một tu sĩ đối với bề trên của mình không theo nghĩa ‘cá nhân với cá nhân’, nhưng theo nghĩa ‘cá nhân với thẩm quyền hợp pháp’ của Giáo Hội nhằm mục đích xây dựng trật tự, hòa hợp và phát triển của cộng đoàn. Theo Công Đồng Vatican II: “Đức vâng lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa” (Perfectae Caritatis 14) hay “Việc noi theo và làm chứng đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng; nên Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người. Họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: Hơn cả mức đòi buộc của giới luật, họ tự nguyện tùng phục một con người, tùng phục vì Chúa, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, hầu nên giống Chúa Kitô vâng lời cách hoàn toàn hơn” (Lumen Gentium 42). Như vậy, người vâng phục là người thâm tín rằng mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa khi biết phục tùng những người được Thiên Chúa chọn gọi để đồng hành và hướng dẫn mình. Vì thế, trong đời sống thánh hiến, nhân đức vâng phục được xem như ‘nhân đức cả’, bao trùm hai nhân đức còn lại là nghèo khó và khiết tịnh.
Đức vâng phục được diễn tả trong gia đình là tế bào của xã hội. Theo thánh Phao-lô, trong đời sống gia đình, người vợ cần vâng phục người chồng: “Tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người nam là Đức Ki-tô, thủ lãnh của người nữ là người nam, và thủ lãnh của Đức Ki-tô là Thiên Chúa” (1 Cr 11,3). Thánh nhân cũng viết: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25). Như vậy, sự vâng phục trong gia đình không phải là sự ‘vâng phục một chiều’, mà là sự ‘vâng phục hỗ tương’ nhằm đem lại bình an, hòa thuận trong gia đình. Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng trong đời sống gia đình, vợ và chồng vâng phục lẫn nhau cũng có nghĩa là yêu thương nhau. Giao ước tình yêu giữa vợ và chồng sẽ bị lung lay thậm chí tan vỡ nếu thiếu vắng nhân đức vâng phục. Thánh Phao-lô cũng đề cập đến sự vâng phục của con cái đối với cha mẹ: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). Đến lượt mình, cha mẹ cần quan tâm con cái cách phù hợp và đúng đắn nhất: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21).
Đức vâng phục cần được diễn tả trong đời sống xã hội bởi vì mỗi người không phải là hữu thể độc lập nhưng là hữu thể tương quan với nhiều người khác. Trong bất cứ hình thức xã hội nào, tất cả mọi người đều được mời gọi vâng phục thẩm quyền chính đáng và hợp pháp, vâng phục lề luật vì lợi ích chung. Một xã hội mà các thành phần không vâng phục thẩm quyền hợp pháp hay lề luật thì xã hội đó sẽ hỗn loạn, thậm chí tan rã. Lời Thiên Chúa trong sách Khôn Ngoan đối với những người có thẩm quyền là: “Hỡi những người cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Đức Chúa và thành tâm kiếm tìm Người. Ai không thách thức Người, thì được Người cho gặp. Ai tin tưởng vào Người, sẽ được Người tỏ mình cho thấy” (Kn 1,1-2). Thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu: “Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Ki-tô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa. Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta” (Ep 6,6-7). Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su không bao giờ xem thường thẩm quyền hay lề luật xã hội dân sự. Chẳng hạn, những người Pha-ri-sêu sai các thuộc hạ của họ cùng đi với những người thuộc phe Hê-rô-đê đến hỏi Đức Giê-su: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (Mt 22,17). Sau khi xem quan tiền và biết được hình ảnh và danh hiệu là của Xê-da, Đức Giê-su nói: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Dưới nhãn quan nội dung đức tin Ki-tô Giáo, trong các hình thức vâng phục lề luật, thì vâng phục lề luật Thiên Chúa phải đứng hàng đầu. Đây là hình thức ‘vâng phục tiêu chuẩn’ của các hình thức vâng phục khác (Cv 5,27-32). Thánh Phê-rô khẳng định: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Điều đáng để chúng ta quan tâm là tất cả các hình thức lề luật giúp con người phát triển toàn diện và phù hợp với phẩm giá con người trong thế giới thụ tạo đều đến từ Thiên Chúa và phản ánh tình thương của Người.
Những ai theo Đường Vâng Phục của Đức Giê-su thì được mời gọi loan báo Tin Mừng của Người. Tân Ước cho chúng ta nhận thức rằng trong buổi đầu loan báo Tin Mừng, sau khi các môn đệ gặp gỡ Đức Giê-su, nhất là lắng nghe và chứng kiến những việc Người làm, họ đã vâng phục theo lời mời gọi của Người, từ bỏ tất cả, để trở thành những môn đệ của Người. Chẳng hạn, thánh Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Trước mẻ cá lạ, thánh nhân sấp mặt xuống đất và nói với Người: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Đức Giê-su căn dặn thánh Phê-rô: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10). Sự trở lại của thánh Mát-thêu và các môn đệ khác cũng cho chúng ta thấy được sự vâng phục của các ngài đối với Thầy mình là Đức Giê-su. Như vậy, ai muốn trở thành môn đệ và tông đồ trung tín của Đức Giê-su, người đó phải là chứng nhân cho Đường Vâng Phục của Người bằng chính cuộc sống mình.
Chúng ta có thể kết luận rằng vâng phục có nghĩa là lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa và Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Vâng Phục. Người đã kiện toàn thánh ý Đức Chúa Cha với tâm hồn vâng phục: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7; Tv 40,8-9). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Người nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Với Đức Giê-su, vâng phục phải là chủ đề quán xuyến tâm hồn con người. ‘Vâng phục hơn của lễ’, sứ điệp ngắn nhưng rất dồi dào ý nghĩa. Đức Giê-su đã kiện toàn sứ điệp đó bằng đời sống vâng phục, hy sinh, dâng hiến. Suy niệm về Biến Cố Đức Giê-su giữa dòng đời, chúng ta nhận thức rằng vâng phục là điều kiện tiên quyết diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của người Ki-tô hữu. Hơn nữa, vâng phục Thiên Chúa là khuôn mẫu và nền tảng vững chắc cho các hình thức vâng phục khác của con người. Chúng ta hãy thành tâm học hỏi Đường Vâng Phục của Đức Giê-su và loan báo Đường này cho anh chị em đồng loại. Đặc biệt, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy đi theo Đường Vâng Phục của Người hầu diễn tả cách tốt đẹp nhất tương quan giữa mình với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này.