2020
Người có giáo dục
Sau khi thảo luận về tri thức và kỹ năng, một sinh viên hỏi tôi: “Người sở hữu bằng đại học có được coi là người có giáo dục không?”.
Tôi nói với cả lớp rằng đây là chủ đề thú vị. Chúng ta hãy tranh luận theo câu hỏi: “Người có bằng đại học liệu có thể bị coi là vô giáo dục không?”.
.
Nếu nhìn lại quá khứ, ta thấy rằng yếu tố chính trong việc thiết lập ra xã hội ngày nay đã dựa trên nền tảng của hệ thống giáo dục. Trước thế kỷ 17, giáo dục bị giới hạn cho những người ưu tú – tu sĩ và người trong hoàng tộc. Số đông còn lại phần lớn là “vô giáo dục” theo đúng nghĩa đen.
Từ cuối thế kỷ 17, có một phong trào trong các trí thức đòi hỏi giáo dục tốt hơn cho mọi người. Các sử gia gọi là “Kỷ nguyên Khai sáng” vì cách nhìn mới dùng khoa học và triết học để thách thức cách nghĩ truyền thống rằng “chỉ tu sĩ và người trong hoàng tộc được giáo dục”. Hai triết gia lớn John Locke và Jean Jacques Rousseau đã viết các bài báo đòi hỏi rằng giáo dục phải được dạy cho mọi người về cách đọc và viết, để họ có thể nghĩ cho bản thân, phản biện lại “thiên kiến tôn giáo” được những người ưu tú đặt ra.
Phong trào này lan rộng nhanh chóng khắp châu Âu khi nhiều người bắt đầu nhận ra quyền lợi của họ đối với giáo dục và hoài nghi cách nghĩ truyền thống. Trước đó, mọi trường học đều bị kiểm soát và vận hành bởi các tu sĩ, nhưng nhiều trí thức đã mở trường riêng của họ để lan toả niềm tin rằng hệ thống giáo dục mới – tập trung vào khoa học và triết học – có thể giúp hiện đại hoá chuẩn sống cho mọi người. Rồi nhiều người hơn có thể đọc, nhiều sách hơn được in ra. Và nhiều tiểu thuyết văn chương, thơ ca được tạo ra. Chúng làm nảy sinh thời đại mới có tên “Thời đại Lãng mạn.”
Sau thảo luận ngắn giữa các sinh viên, một người nói: “Tất nhiên những người có bằng đại học nhưng cư xử như ai đó không có giáo dục có thể bị gọi là ‘vô giáo dục’”. Tôi hỏi: “Đó là tất cả sao?”. Sinh viên khác đáp: “Đôi khi mọi người lẫn lộn có giáo dục với giáo dục ở nhà trường cho nên họ liên hệ những người có bằng cấp cao là người có giáo dục”. Sinh viên khác nói thêm: “Có người có bằng cấp cao nhưng vẫn không biết cái gì. Họ đỗ các kỳ thi, có được bằng nhưng không có kỹ năng, như thầy đã dạy chúng em về khác biệt giữa tri thức và kỹ năng”.
Tôi giải thích: “Mặc dầu các em đã biết về tri thức và kỹ năng. Tuy nhiên, ‘người có giáo dục’ là nhiều hơn việc có tri thức và kỹ năng. Theo định nghĩa, giáo dục là quá trình khơi gợi tiềm năng của một người, làm nảy sinh trong anh hay cô ta hiểu biết về tiềm năng của mình (tức là biết bản thân họ) và căn cứ trên điều đó mà hành động một cách có trách nhiệm. Điều đó nghĩa là họ chịu trách nhiệm cho bất kỳ cái gì họ làm, với gia đình, xã hội và đất nước của họ. Người có giáo dục là người “biết” và “hành động” tương ứng với sự biết đó”.
Vấn đề là qua thời gian, hệ thống giáo dục đã được “chuẩn hoá” dựa trên tri thức hàn lâm nào đó, nhưng ít hướng về tiềm năng làm người tốt. Học sinh nếu học tri thức nhưng không “hành động”, họ không thể là người có giáo dục được. Trong hệ thống giáo dục nào đó, bằng cấp dựa trên việc đỗ những kỳ thi. Nhưng nhiều kỳ thi chỉ là “việc ợ ra” điều họ ghi nhớ cho nên những người có trí nhớ tốt có thể thu được bằng cấp. Ta đã thấy những người tốt nghiệp đại học với đủ loại lý thuyết nhưng không thể làm được bất kỳ cái gì. Và vì mọi người được đánh giá phần lớn theo bằng cấp, một số học sinh chỉ tập trung vào việc giành giật chúng bằng bất kỳ phương tiện nào, kể cả gian lận. Chừng nào họ chưa hiểu người có giáo dục là gì, sẽ khó thay đổi thái độ của họ nhắm tới bằng cấp.
Ngày nay, nhiều sinh viên vào trường mà không có định hướng và mục đích. Một số người chỉ muốn qua được các bài kiểm tra và có được tấm bằng. Một số người thậm chí còn tin rằng bố mẹ sẽ chăm nom cho họ sau khi lấy được bằng đại học.
Hai mươi lăm năm trước, khi bắt đầu đi dạy, tôi đã tin rằng phần lớn sinh viên đều biết chủ đích giáo dục của họ và có mục đích nghề nghiệp. Tôi đã sai. Vì nhiều người đã không có điều đó nên tôi phải dành thời gian để thảo luận với họ về chủ đích của giáo dục đại học. Tôi bắt đầu bằng việc yêu cầu sinh viên viết một bài luận ngắn giải thích tại sao họ vào đại học, họ muốn làm gì. Sau khi xem các bài luận này, tôi bắt đầu thảo luận với họ về kế hoạch nghề nghiệp.
Tôi giải thích rằng, giáo dục không phải là về việc đi tới lớp, đọc sách, ghi nhớ sự kiện, đỗ kỳ thi và có việc làm, mà còn là học về thế giới xung quanh. Các em phải biết cái gì đang xảy ra trong ngành, trong xã hội của các em rồi xác định vai trò của mình ở đó. Hãy tự hỏi bản thân mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp cũng như trách nhiệm của mình với chính bản thân, gia đình, xã hội.
Là sinh viên, các em tới trường để học cái gì đó hữu dụng cho cuộc đời các em, không phải chỉ là thi đỗ và thu được mảnh giấy có tên là “bằng cấp”. Việc “có giáo dục” sẽ chuẩn bị cho các em dẫn dắt cuộc sống hữu ích, trở thành công dân tốt cho đất nước các em, và là người tốt hơn. Để làm điều đó, em cần lập kế hoạch nghề nghiệp sớm nhất có thể, đặt mục đích giáo dục mà em có thể đạt tới. Một số sinh viên có thể nghĩ “sao phải vội?”. Nhưng không có mục đích giáo dục, làm sao em biết đích đến của đời mình? Nếu em du hành mà không có đích đến, bất kì cái gì cũng có thể là đích. Và em sẽ phạm nhiều sai lầm, sẽ nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, hay học một lớp ở đây và một lớp ở kia mà không có chiều hướng nào. Đó là lý do tại sao chúng ta có nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp.
Trong quá khứ, thầy cô giáo là “người có quyền” và “vâng lời” là qui tắc. Ngày nay, thầy cô giáo không còn là người có quyền mà chỉ là ai đó hỗ trợ cho học sinh. Ý niệm rằng thầy cô là “người trao tri thức” bằng việc đọc bài giảng là lỗi thời. Thầy giáo ngày nay phải được chuẩn bị để chấp nhận đa vai trò trong lớp học, gồm: thầy giáo, người tạo điều kiện, người hướng dẫn, người tư vấn, người cố vấn và thầy kèm.
Là thầy cô, ta có thể trải qua những ngày mà học sinh không như ta kỳ vọng. Vậy, nếu chúng ta không thích cái gì đó thì thay đổi nó đi, mang ý tưởng mới và đam mê vào lớp học để giúp học sinh học tốt hơn. Khi có nhiều ngày học sinh chú ý bài học, nêu ra nhiều câu hỏi hơn trước đây tức là việc học có nghĩa đang xảy ra. Việc học không bao giờ nên dừng lại. Cho dù chúng ta đã làm tốt, vẫn có nhiều điều cần làm.
Việc dạy luôn là thách thức vì giáo viên phải giải quyết nhiều vấn đề, từ chương trình đào tạo nặng nề mà cấp quản lý chỉ đạo họ phải làm cho tới thời gian được yêu cầu hoàn tất chấm bài. Nhiều giáo viên còn cảm thấy không được xã hội, phụ huynh và học sinh ca ngợi. Một số thầy cô chán nản và băn khoăn liệu họ có quyết định đúng khi chọn nghề không.
Tuy nhiên, tôi tin khi đã chọn nghề dạy học, tất cả chúng ta đều được dẫn đường bởi mong muốn phát triển thế hệ kế tiếp tốt hơn cho đất nước. Chúng ta biết rằng tương lai và việc bảo vệ đất nước của mình tuỳ thuộc vào việc thế hệ tiếp theo được giáo dục như thế nào. Phần lớn chúng ta thực ra đã không coi giáo dục học sinh như một “việc làm” mà như một “sứ mệnh”. Và nếu ai đó nói gì tiêu cực về nghề giáo, tôi thường trả lời: “Nếu bạn có thể đọc và viết, tốt hơn bạn nên cám ơn các thầy cô giáo. Không có họ, bạn chỉ là người dốt nát”.
2020
Thành phố quê hương của Mẹ Têrêsa được chúc lành với thánh tích của Mẹ
Hôm 20/03 vừa qua, tại núi Vodno, nơi có cây Thánh giá cao 66 mét, thuộc thành phố Skopje, Cộng hòa Bắc Macedonia, Đức cha Kiro Stojanov đã dùng thánh tích của Mẹ Têrêsa Calcutta để chúc lành cho thành phố này.
Trên núi Vodno có một cây Thánh giá, được gọi là Thánh giá Thiên niên kỷ, cao 66 mét, một trong những Thánh giá cao nhất trên thế giới, được xây dựng nhân kỷ niệm 2000 năm Kitô giáo được rao giảng đến thành phố này và để ghi nhớ việc thánh Phaolô đến vùng đất này. Trên ngọn đồi có cây Thánh giá đó, Đức cha Stojanov đã chúc lành cho thành phố và nước Cộng hòa Bắc Macedonia.
Đức cha chúc lành cho Cộng hòa Bắc Macedonia nhân dịp nước này nhận được những tín hiệu tích cực về việc gia nhập Liên hiệp Âu châu, nhưng cũng là lúc quốc gia nhỏ bé này bắt đầu bị virus corona tấn công. Cho đến ngày 27/03, nước này đã có 114 trường hợp nhiễm Covid-19 và phần lớn là ở thủ đô Skopje.
Trong tình cảnh này, Đức cha Stojanov muốn phó thác thành phố Skopje và quốc gia cho Mẹ Têrêsa. Trước hết, Đức cha đã cử hành Thánh lễ trước thánh tích của Mẹ Têrêsa, cầu xin cho Giáo hội và nhân dân Macedonia được bảo vệ khỏi đại dịch virus corona. Sau đó Đức cha đã đi lên núi Vodno; từ nơi có thể nhìn thấy toàn thành phố, ngài đọc kinh xin bảo vệ thành phố và quốc gia. Sau đó, với thánh tích của Mẹ Têrêsa, Đức cha chúc lành cho thành phố Skopje và nước Macedonia, xin Mẹ thánh bảo vệ miền đất quê hương của Mẹ.
Skopje chính là nơi chào đời của Mẹ Têrêsa; ngôi nhà của Mẹ đã bị hủy hoại trong trận động đất năm 1963. Tại nơi này hiện có một đài tưởng niệm và một nhà thờ nơi Mẹ đã được rửa tội. (ACI 27/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Chuẩn bị sống Tuần Thánh đặc biệt
Các tín hữu xác tín ấy xác tín rằng nếu Con Thiên Chúa đã chọn con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, thì chắc chắn hành động ấy phải có lý do, tuy rằng con người không luôn luôn muốn hiểu và chấp nhận.
Làm sao sống và cử hành Tuần Thánh ”đau thương” sắp tới? Hôm 27-3-2020, Ban Phụng Vụ của ĐTC đã công bố lịch trình các lễ nghi Tuần Thánh sắp tới do ĐTC cử hành:
Các lễ nghi không có dân Chúa tham dự
Chúa nhật Lễ Lá 5-4 mở đầu một Tuần Thánh chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội: lần đầu tiên các lễ nghi Tuần Thánh tại Vatican không có giáo dân trực tiếp tham dự, nhưng chỉ dự các phương tiện truyền thông. Những Chúa Nhật Lễ Lá bình thường ĐTC chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô có nghi thức rước lá thật cảm động trước sự tham dự của 3, 4 chục ngàn người, nay chỉ diễn ra trong đơn sơ tột cùng tại bàn thờ cuối thánh đường thánh Phêrô. Cũng vậy với lễ nghi khác trong Tam Nhật Thánh. Không có lễ Dầu sáng thứ năm Tuần Thánh với hàng ngàn giáo sĩ các cấp đồng tế với ĐTC; buổi cử hành thương khó chiều Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô, và buổi đi dàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo. Rồi tới đêm vọng Phục Sinh, thánh lễ tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô được trang trí bằng hàng chục ngàn hoa từ Hòa Lan, và buổi công bố sứ điệp của ĐTC trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng nay, những lễ nghi ấy đơn giản tối đa, trước sự hiện diện của một vài người, trong thái độ thận trọng hết sức để tránh lây nhiễm.
Nhiều nơi trên thế giới, kể cả tại Việt Nam, Tuần Thánh cũng diễn ra với bầu đau thương như thế.
Nhìn thực trạng dưới đôi mắt đức tin
Nhưng ”Mọi hoàn cảnh đều góp phần mưu ích cho những người mến Chúa” như thánh Phaolô đã dạy trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 8,28). Với xác tín này, Kitô hữu không đòi Chúa làm phép lạ chữa nhân loại khỏi đại dịch coronavirus, không thắc mắc: tại sao Chúa không ra tay biểu dương uy quyền để mọi người tin vào Chúa? Họ không đặt câu hỏi: tại sao ĐGH và chúng con cầu hoài mà Chúa không lắng nghe, phá tan trận dịch Covid-19 này?
Các tín hữu xác tín ấy xác tín rằng nếu Con Thiên Chúa đã chọn con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, thì chắc chắn hành động ấy phải có lý do, tuy rằng con người không luôn luôn muốn hiểu và chấp nhận.
Nhìn nhận giá trị của đau khổ và nghịch cảnh
Trong thực tế, qua dòng lịch sử, không thiếu những người nhận thức giá trị cứu độ của đau khổ, qua tấm gương của Chúa Cứu Thế.
Khi không có đức tin, người ta sẽ thấy những đau khổ và nghịch cảnh chỉ là điều vô nghĩa lý và hoàn toàn vô ích. Nhưng đối với những người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dùng chính đau khổ và cái chết để cứu chuộc nhân loại, thì đau khổ không còn là một bất hạnh hoàn toàn tiêu cực nữa. Một đàng các tín hữu vẫn tìm cách chữa trị bệnh tật và giải trừ đau khổ, nhưng đàng khác, họ cũng tìm cách thăng hoa giá trị của đau khổ. ĐTC Gioan Phaolô 2 đã viết trong Tông Thư ”Salvifici doloris” (Khổ đau cứu độ), rằng: ”Chúa Kitô đã dạy cho con người cách biến đổi đau khổ thành điều có lợi, và đồng thời cũng giúp đỡ những ai đang phải chịu đau khổ. Trong cả hai khía cạnh đó, Chúa tỏ lọ ý nghĩa sâu xa của đau khổ” (S.D, 30).
Gương Cha Christensen vượt thắng đau khổ
Hồi đầu tháng 3 này, trang mạng LifeSite ở Mỹ, có đăng một bài về Cha Dana Christensen Wendy Royston, 42 tuổi, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Từ Bi (St Mary of Mercy) ở thành phố Alexandria, bang South Dakota, thuộc giáo phận Sioux Falls ở Mỹ.
Cha Christensen vốn là một LM trẻ trung, khỏe mạnh, đang hăng say hoạt động tại các giáo xứ ở Alexandria, Emery và Bridgewater, nhưng tháng 7 năm 2019, cha bắt đầu nhận thấy có gì không ổn, bắp cơ giật và đổi giọng nói. Ban đầu cha đi bác sĩ toàn khoa, rồi được bác sĩ gửi đến bác sĩ chuyên về thần kinh, với một loạt các thử nghiệm phải trải qua. Sau cùng, cuối tháng 10-2019, cha Christensen nhận được cú điện thoại của bác sĩ cho biết cha bị bệnh Xơ cứng teo cơ một bên, cũng gọi là bệnh Lou Gherig, làm cho các thần kinh điều khiển cơ xương chết đi, dần dần bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói, nuốt và thở. Bệnh này chưa có phương thức trị liệu. Thời gian sống trung bình từ khi mắc bệnh đến lúc chết là từ hai tới 4 năm, hầu hết là do suy hô hấp.
Xác tín Chúa quan phòng
Lúc đó cha Christensen mới đi hành hương ở Fatima trở về. Cha kể: ”Tôi coi cú điện thoại xác nhận tôi bị bệnh Lou Gherig là điều diễn ra trong sự phù hộ của Mẹ Maria, một cú điện thoại trong sự quan phòng của Chúa.”
Nhưng sự chấp nhận thực tế căn bệnh của cha đòi nhiều chiến đấu. Cha kể tiếp: ”Sau lần chẩn đoán xác nhận bệnh ấy, tôi trải qua một thời kỳ kinh hãi, kể cả tình trạng xuống tinh thần trầm trọng, tôi hết sức lo sợ. Nhưng với thời gian và cầu nguyện thật nhiều, tôi đã tìm lại được an bình về căn bệnh của tôi. Tôi biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã để cho điều đó xảy ra để tôi được tăng trưởng trong sự thánh thiện và là cơ hội để tôi giúp tha nhân cũng được tăng trưởng. Tôi tin Chúa muốn và đang dùng tình trạng bệnh tật của tôi để mưu sự thiện và tôi tín thác nơi Chúa”.
Nghịch cảnh như một lời mời gọi của Chúa
Cha Christensen xác tín rằng căn bệnh của Cha cũng là một lời Chúa mời gọi tôi hãy thực hành điều mà tôi rao giảng: ”Tôi thường giảng dạy về sự tín thác nơi lòng thương xót của Chúa và kế hoạch của Chúa về đời sống chúng ta. Nay là lúc tôi phải mang ra thực hành”.
Ngày 10 tháng giêng năm nay (2020), lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cha Christensen giải thích cho các giáo dân về hàng chữ bằng tiếng Hy lạp ghi ở cửa thánh đường: ”Nếu bạn chết trước khi bạn chết, thì khi bạn chết, bạn sẽ không chết”, câu này muốn nói rằng: trong bí tích rửa tội, các tín hữu Kitô được chôn táng trong nước và được sống lại để sống cuộc sống mới.
Với giọng run run vì hậu quả của bệnh Lou Gherig, cha Christensen diễn giải cho giáo dân: ”Nếu trong cuộc sống, chúng ta vác thánh giá mình và hằng ngày chết đi cho chính mình, nếu chúng ta chọn thánh ý Chúa thay vì ý riêng của chúng ta, nếu chúng ta hằng ngày chấp nhận những ”cái chết” đến với chúng ta, dù đó là sầu muộn hay bệnh tật, hoặc bao nhiêu cái chết hằng ngày xảy ra cho chúng ta, nếu chúng ta sống những điều đó như Chúa Giêsu đã sống, nếu chúng ta để Chúa chết trong chúng ta, thì chúng ta chẳng còn điều gì phải sợ. Vì khi cái chết của chúng ta đến, thì chúng ta đã chết rồi, và tất cả những gì còn lại cho chúng ta là sống vĩnh cửu”.
Sau bài giảng đó, cha Christensen chia sẻ trên Facebook rằng ”một linh mục phải luôn luôn giảng trước tiên cho chính mình, và điều đó cũng giúp tôi không sợ cái chết, vì nếu tôi đã chết với Chúa Kitô rồi, thì có gì mà tôi phải sợ nữa?
Trong Facebook, cha Christensen cũng viết rằng “Trong mọi sự, xin tuân theo ý Cha, chứ đừng theo ý con”. Và cha cũng viết: ”Tôi chấp nhận tất cả những gì Chúa định cho tôi và tôi dâng những sự ấy cho Chúa Giêsu nhờ tay Mẹ Maria, để đền bù tội lỗi tôi và tội lỗi của thế giới, để cứu vớt các tội nhân”. (LifeSite News 3-3-2020)
G. Trần Đức Anh OP
2020
ĐTC Phanxicô: Hãy bỏ tảng đá trong trái tim để sống cuộc đời mới
Trong buổi đọc kinh truyền tin hôm Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu bỏ tảng đá trong trái tim mình, và để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc.
Khởi đi từ đoạn Tin Mừng thánh Gioan, tường thuật về việc Chúa Giêsu làm Lazarô sống lại, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tin Mừng của Chúa nhật thứ năm Mùa Chay là Tin Mừng về sự phục sinh của anh Lazarô (x. Ga 11: 1-45). Lazarô là anh em trai của Marta và Maria; họ rất thân với Chúa Giêsu. Khi ngài đến Bêtania, Lazarô đã chết được bốn ngày; Marta chạy đến gặp Người và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” (câu 21). Và Chúa Giêsu trả lời: “Anh ấy sẽ sống lại” (câu 23); và Người thêm rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (câu 25).
Khi Maria cùng những người khác đến, tất cả đã khóc. Còn Chúa Giêsu, Người “thổn thức trong lòng, … và Người đã khóc.” (câu 33,35). Với sự thổn thức xao xuyến ấy, Người đi tới mộ, dâng lời tạ ơn Chúa Cha – Đấng hằng nghe lời Người cầu khẩn. Người cho mở ngôi mộ ra và kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” (c.43). Và Lazarô bước ra, “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (c.44).
Chúa Giêsu là sự sống và là Đấng ban sự sống
Ở đây, chúng ta có thể chạm tay tới thực tại rằng Thiên Chúa là sự sống và là Đấng ban sự sống, nhưng Người vẫn muốn mang lấy bi kịch của cái chết.
Chúa Giêsu đã có thể tránh cho Lazarô, bạn của mình khỏi chết, nhưng Người muốn chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta khi mất đi những người thân yêu. Và trên tất cả, Người muốn tỏ cho thấy sự thắng vượt của Thiên Chúa đối với cái chết.
Giữa đau buồn, hãy tiếp tục vững tin
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng đức tin của con người và sự toàn năng của tình yêu Thiên Chúa tìm nhau và cuối cùng cũng gặp nhau. Chúng ta thấy điều ấy trong tiếng khóc của Marta và Maria, và của tất cả chúng ta cùng với họ: “Nếu Thầy ở đây, thì…!” Và câu trả lời của Chúa không phải là một bài phát biểu, không phải là một bài diễn văn, nhưng là chính Người: “Thầy là sự sống lại và là sự sống.”
Hãy có niềm tin! Giữa lúc đau buồn than van, hãy tiếp tục vững tin, ngay cả khi cái chết dường như đã chiến thắng. Hãy bỏ tảng đá khỏi trái tim của anh chị em! Hãy để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc.”
Hãy bỏ tảng đá khỏi trái tim mình
Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc lại với mỗi chúng ta: “Hãy bỏ tảng đá ra.” Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta để dành cho huyệt mộ, nhưng Người tạo dựng chúng ta vì sự sống, vẻ đẹp, tốt lành và niềm vui. Nhưng như sách Khôn Ngoan đã nói: “sự chết xâm nhập vào thế gian vì ma quỷ ganh tị, và những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.” (Kn 2,24). Còn Chúa Giêsu Kitô, Người đã đến để giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi.
Vì thế, chúng ta được mời gọi gỡ bỏ tảng đá của tất cả những thứ có mùi của cái chết: sống đức tin cách giả hình là cái chết; chỉ trích phá hoại người khác là cái chết; vu khống là cái chết; loại bỏ người nghèo là cái chết. Chúa yêu cầu chúng ta loại bỏ những viên đá này khỏi trái tim mình, và Người sẽ làm cho sự sống đâm hoa kết trái nơi chúng ta.
Chúa Kitô sự sống đích thực
Cũng như buổi cầu nguyện vào thứ sáu vừa qua tại quảng trường thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha một lần nữa nhấn mạnh: chỉ nơi Chúa Giêsu, người Kitô hữu tìm thấy sự sống.
Chúa Kitô hằng sống, và những ai đón nhận Người, những ai vâng lời Người, những ai bước theo Người sẽ bước vào tương quan với sự sống. Không có Chúa Kitô, hoặc những gì ngoài Chúa Kitô, sẽ không chỉ không có sự hiện diện của sự sống, mà thậm chí, còn rơi vào cái chết.
Sống trắc ẩn như Chúa Giêsu
Sự phục sinh của Lazarô cũng là một dấu chứng của sự tái sinh diễn ra nơi những người tin ngang qua Bí tích Rửa tội, cùng với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nhờ hoạt động và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu là người bước đi trong sự sống như một thụ tạo mới: một thụ tạo dành cho sự sống.
Và Đức Thánh Cha kết thúc với lời nguyện:
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở nên những người biết trắc ẩn như Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha. Người đã mang lấy nơi mình, đã chia sẻ nỗi đau của chúng ta. Mỗi chúng ta hãy gần gũi với những ai đang gặp thử thách, hãy trở nên một phản ảnh của tình yêu và sự ân cần dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự chết, và làm cho sự sống giành chiến thắng.
Trần Đỉnh, SJ – Vatican