2020
Đại dịch Corona và thông điệp ‘lằn ranh đỏ’ từ Mẹ Thiên Nhiên
Con người đang sống trong một thế giới thật tốt đẹp nhưng cũng đầy giới hạn. Mọi sự trong thế giới này đều có ranh giới nhất định. Chúng ta có thể dùng ví dụ về chiếc xe để hình dung điều này: muốn chiếc xe chạy thật nhanh, một trong những điều kiện thiết yếu là nó phải gọn nhẹ ở mức tối giản. Sở dĩ như vậy là vì có hai nguyên do. Thứ nhất, như nhà bác học Einstein chỉ ra, giữa khối lượng và năng lượng có sự ràng buộc lẫn nhau, tỉ lệ thuận với nhau; nghĩa là, xe càng nặng thì càng cần nhiều năng lượng để di chuyển. Thứ hai, do lực cản ma-sát, thể tích tỉ lệ nghịch với vận tốc. Nếu người ta đi ngược lại quy luật đó, ví dụ, tìm mọi cách tăng tốc bất chấp điểm giới hạn về vận tốc do thiết kế cồng kềnh của một chiếc xe, nó sẽ lập tức bị hư hỏng, vỡ vụn. Mọi thứ trong phạm vi thụ tạo đều có những quy luật chứa các điểm dừng như thế; và chúng ta tạm gọi đó là ‘lằn ranh đó’.
Cả thế giới hiện nay đang đương đầu với đại dịch Corona. Cuộc khủng hoảng này có thể được diễn giải theo các hướng khác nhau, từ góc độ xã hội cho tới góc độ tâm linh; và tất cả đều có thể tạo nên những bài học có ý nghĩa. Ở đây, chúng ta thử tìm kiếm một thông điệp chung cho mọi người từ dịch bệnh này, bất kể thuộc văn hoá hay tôn giáo nào, bằng cách đặt cơn đại dịch trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng môi sinh trong thời gian gần đây.
Không cần phải lục lại trí nhớ, chắc hẳn những hình ảnh kinh hoàng của các thảm hoạ thiên nhiên gần đây vẫn chưa phai nhoà trong ý thức chúng ta: cháy rừng lớn ở Hy Lạp năm 2018, sóng nhiệt ở nhiều nơi năm 2018, lũ lụt ở Nigeria và Ấn Độ năm 2018, và đặc biệt là hai trận cháy rừng kinh hoàng năm 2019 tại Amazon và Úc Châu. Đó là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng đang diễn ra tại nhiều nước, cũng như những hiện tượng đang ngày càng rõ của vấn đề biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng, nước biển dâng.
Xét theo logic, đại dịch Corona không nhất thiết được gắn với các vấn đề trên, vì người ta vẫn có quyền xem đại dịch này như một trong vô số các đại dịch khác diễn ra trong lịch sử con người mà thôi. Tương tự, người ta cũng có thể nói rằng việc các thảm hoạ diễn ra gần nhau như thế chỉ là do ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên chân thành với trực giác của mình và cảm quan chung của nhân loại để nhìn nhận rằng: Mẹ Thiên Nhiên đang cho thấy sự quá tải. Khi đặt trong tổng thể chung với nhau, những thảm hoạ nói trên đang là một dấu hiệu chung của điều đó. Chúng ta nên nhìn nó như một thông điệp mà Mẹ Thiên Nhiên đang đưa ra cho con cái mình, rằng chúng ta đã tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ rồi!
Nguyên nhân chính của hiện trạng này không gì khác hơn là chính lối sống ích kỷ và tiêu thụ bấy lâu nay của chúng ta. Lối sống này đang khai thác tận cùng nguồn lực của thiên nhiên, đồng thời biến đổi cấu trúc hài hoà của nó với những thứ phá huỷ và độc hại do con người tạo ra. Chúng ta vừa rút cạn sinh lực và vừa chất lên vai Mẹ Thiên Nhiên của mình một gánh nặng sắp vượt sức chịu đựng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, sẽ đến lúc Mẹ Thiên Nhiên không còn đủ khả năng duy trì sức sống và sự hài hoà tốt lành để bảo vệ con cái mình nữa, và đó là điểm kết thúc cho tất cả chúng ta.
Vì vậy, nếu theo góc nhìn đó, đại dịch Corona thực sự là cơ hội cho nhân loại cứu lấy vận mệnh chung của thế giới nếu chúng ta biết rút tỉa và thực hành những bài học quý giá từ nó.
Bài học đầu tiên là chúng ta phải ‘nghe’ và ‘nhìn’ để thấy những gì là phi lý, thừa thãi và nguy hại mà lối sống hiện hành đang có. Cơn dịch này đang nói cho chúng ta nhiều điều. Nói như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, nó “vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta; cho ta thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi mà chúng ta đã dày công xây dựng từ các hoạt động, các dự án, các tập quán và các ưu tiên.”[1] Có lẽ hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để chúng ta nhận ra đâu là những điều thực sự hữu ích và cần thiết cho cuộc sống con người, và đâu là những điều phù phiếm mà ta vẫn thường theo đuổi. Điển hình như, trong đại dịch, người ta thấy giấy vệ sinh còn giá trị hơn cả cái túi hàng hiệu; hay chút thực phẩm để ăn và chút không khí trong lành để thở quan trọng hơn mọi thứ quyền lực và tiền bạc.
Bài học thứ hai mà chúng ta có thể nghiệm ra từ cơn dịch này là số phận mọi con người gắn chặt với nhau. Trong bài giảng nói trên, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chia sẻ rằng, “trong đại dịch, chúng ta thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền.” Chúng ta vẫn thường đinh ninh một cách sai lầm rằng mình có thể tao ra một đời sống riêng cho cá nhân hay cho dân tộc; đời sống đó biệt lập và không lệ thuộc vào những nhóm người khác; hay rằng có thể tạo lập ra những cộng đồng an toàn và thịnh vượng cho riêng mình, bất chấp những đau khổ của những người khác. Những con virut nhỏ bé kia đang chế nhạo thứ suy nghĩ sai lầm đó. Nó đang thách đố mọi thứ ranh giới quốc gia của con người. Chẳng nơi đâu có thể đảm bảo được an toàn trước nó. Tất cả chúng ta đều thực sự liên đới với nhau, ít nhất theo nghĩa là mọi người đang sống chung trong một môi trường tự nhiên, đang hít thở cùng một bầu không khí. Vì thế, bất cứ một hành vi cả nhân nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những người khác, và ngược lại. Ví dụ, như một nhà báo đã phân tích, việc ăn một miếng thịt bit-tết ở Việt Nam cũng có thể liên quan đến nạn cháy rừng ở Úc.[2] Do đó, chúng ta không chỉ gần nhau, mà còn gắn chặt số phận với nhau. Đây cũng là lời nhắc nhở cách đặc biệt tới những người có não trạng tính toán tham lam và ích kỷ; đơn cử như nhiều người ở Việt Nam, nhất là giới quan chức, thường có suy nghĩ kiểu ‘bất chấp mọi thứ miễn là có thể đảm bảo cho mình một tương lai an toàn ở Trời Tây’.
Bài học thứ ba là chúng ta đang có cơ hội truy vấn lại hệ thống vận hành của xã hội hiện đại ở mọi khía cạnh, từ chính trị cho tới kinh tế, văn hoá. Trong cơn đại dịch này, hầu như cả thế giới đang phải sống chậm lại, đồng thời nó khiến ta liên tục đặt ra các câu hỏi nghi ngờ. Chúng ta thấy mọi thứ đều mịt mù: khi nào thì dịch bệnh có thể kết thúc? Liệu hệ thống chính phủ này có đủ sức kiểm soát? Liệu có những che dấu gian trá về mặt thông tin? Thế giới sẽ thế nào sau dịch bệnh? Liệu nền kinh tế có bị sụp đổ? vv. Tất cả các hệ thống và lề lối quen thuộc mà ta từng mặc định chấp nhận thì nay đều bị đặt vào dấu hỏi.
Nhưng việc truy vấn đó là điều rất quý giá. Chúng ta cần cùng nhau xét lại xem những hệ thống nào còn thật sự cần thiết; và trong mỗi hệ thống, những yếu tố nào còn mang lại ích lợi thiết thực cho con người. Ví dụ, xét về mặt kinh tế, hệ thống hiện đại dường như đã và đang mang lại quá nhiều thứ bất cập. Cuộc cách mạng công nghiệp đã dần dà tạo nên một lối sống tiêu thụ, hoang phí, đi kèm với một não trạng kệch cỡm, phù vân; cùng với đó, hệ thống phân phối kiểu thương mại dịch vụ không chỉ tha hoá bản chất của lao động, mà còn gây nên sự bất công và khoảng cách đói nghèo ngày càng tăng. Vì vậy, dù điều này khó xảy ra, nhưng nếu toàn nhân loại cùng đặt vấn đề về hệ thống hiện tại, chúng ta có cơ may tìm cách xây dựng một hệ thống kinh tế mới tốt lành hơn, trong đó tài nguyên thiên nhiên được trân trọng và gìn giữ hơn, sức lao động được trả lại giá trị đúng mức hơn, và các hình thức lao động thủ công có cơ hội được thúc đẩy nhiều hơn.
Ở khía cạnh tương quan xã hội, nhịp sống chậm trong thời gian cách ly có thể là cơ hội tuyệt vời để ta tìm lại những giá trị đích thực của con người, trong tư cách là những hữu thể mang bản chất xã hội. Nói như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong bài giảng đã đề cập, “cơn đại dịch tỏ cho con người thấy cách chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cho cộng đoàn. Nó vạch trần những tư tưởng khép kín cũng như sự quên lãng đối với những gì nuôi dưỡng hồn cốt của dân tộc chúng ta.” Vâng, khi chúng ta sống chậm lại, chúng ta có đủ thời gian để quan sát, để lắng nghe, để hướng đến những mỗi bận tâm và tương quan cần thiết. Đó có thể lời hỏi thăm dành cho bố mẹ, lời động viên đối với bạn bè, hay phút suy nghĩ đến những nạn nhân đang đau khổ. Đó là một chút chăm sóc cây cối và các con vật, hay niềm vui thưởng lãm vẻ đẹp tự nhiên của tạo hoá. Và đặc biệt, đó có thể là những giờ phút nối lại mối thân tình với Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện và chờ đợi con người. Nhịp sống hối hả thời hiện đại, với lượng thông tin khổng lồ và những thứ bận tâm hoàn toàn vô nghĩa, đã từng khiến chúng ta đánh mất tất cả những điều đó. Nó đã làm tê liệt nền văn hoá sống động, và biến ta thành những ‘sinh thể robot’. Vì vậy, một cơ hội đang mở ra cho chúng ta trở về với lối sống khiến chúng ta thật sự là người hơn.
Nói tóm lại, nếu đặt cơn đại dịch Corona trong bối cảnh chung của cuộc khủng hoảng sinh thái, chúng ta như có thể nghe thấy tiếng kêu than của Mẹ Thiên Nhiên khi con cái mình đang tiệm cần đến ‘lằn ranh đỏ’ của sự huỷ diệt. Mẹ chung của chúng ta đang như một cỗ máy bị quá tải bởi bao gánh nặng vô ích và phi lý do lối sống con người chồng chất lên. Giữa thông điệp đó, chúng ta đang có rất nhiều bài học thức tỉnh được mở ra; tất cả đều tựu trung ở lời mời gọi thay đổi lối sống. Điều quan trọng là chúng ta có thật sự chịu lắng nghe, ý thức và can đảm thực hiện hay không.
Cả thế giới đang nói nhiều đến tinh thần liên đới với các nạn nhân của đại dịch Corona. Nhưng thiết tưởng, một trong những cách thiết thực và ý nghĩa nhất để thể hiện tinh thần này chính là thực hiện lời mời gọi nói trên. Chúng ta có thể chứng tỏ rằng cái chết của các nạn nhân không trở nên vô nghĩa khi nó đã góp phần vào việc thể hiện thông điệp chung của Mẹ Thiên Nhiên để thức tỉnh lương tâm con người! Thậm chí có thể nói, nếu chúng ta thay đổi lối sống, họ sẽ đóng vai người hùng, vì cái chết của họ đã góp phần vào tiến trình phục hồi lương tri và sự tồn vong của nhân loại. Ước gì một viễn tượng mới về một thế giới tốt lành và nhân bản đang dần được hình thành ngay trong lòng hoàn cảnh đau thương của cơn dịch bệnh này!
[1] Bài Giảng trong buổi ban phép lành Urbi et Orbi, ngày 27/03/2020.
[2] https://vnexpress.net/goc-nhin/chay-rung-va-mon-beefsteak-4040720.html.
2020
Tổng thống Argentina kêu gọi các linh mục giúp các khu ổ chuột đối phó với Covid-19
Các linh mục “ổ chuột” ở Argentina đang cộng tác với chính quyền quốc gia để giúp ngăn chặn sự gia tăng lây nhiễm của virus corona, đặc biệt là tại 4500 thị trấn tồi tàn và các khu định cư bất hợp pháp ở nước này.
Hôm thứ Tư 24/03 vừa qua, sáu linh mục và Đức cha Gustavo Carrara, những người sống và làm mục vụ tại các khu ổ chuột ở thủ đô Argentina, đã gặp Tổng thống Alberto Fernandez tại dinh Tổng thống. Tổng thống muốn gặp nhóm linh mục này vì các ngài hiểu tình hình tại các khu ổ chuột, cũng như tâm trạng chung của dân chúng.
Tổng thống và các linh mục đã quay một video, với lời kêu gọi người dân ở trong nhà, ngay cả ở trong các khu ổ chuột. Trong video được chia sẻ trên tài khoản Twitter của Tổng thống, một linh mục nói: “Có thể cách ly trong các khu ổ chuột. Chúng tôi biết rằng không gian xung quanh anh chị em chật chội, nên nếu anh chị em thấy ai đó ở trên đường, cần giúp đỡ để cách ly, xin hãy cho chúng tôi biết; đừng để người ông bà lớn tuổi nào của chúng ta phải ở trên đường phố, hãy mang họ đến các giáo xứ của chúng ta. Các giáo xứ trong các khu ổ chuột luôn mở rộng cửa cho bất cứ điều gì cần thiết.”
Trong cuộc gặp gỡ, Tổng thống và các linh mục đánh giá những thách đố đối với các khu ổ chuột, bao gồm vấn đề nhiều dịch vụ phải đóng cửa vì các quy định an toàn. Để giúp đỡ bảo vệ những người có nguy cơ nhiễm virus nhất, 40 linh mục sống tại các khu ổ chuột đang dựng các lều tại các khu đất trong các giáo xứ để những người già không phải sống trên đường phố, các trường học được dùng để chăm sóc người vô gia cư và người nghiện ma túy trong thời gian này. Sau cuộc gặp gỡ, các linh mục và Tổng thống đã cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi, để cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt.
Khoảng 7% dân số tại thủ đô Buenos Aires của Argentina sống trong các khu ổ chuột ở xung quanh thành phố và cả ở trung tâm. Phần lớn trong hàng trăm ngàn người này sống ngày qua ngày với việc thu nhặt và tái chế các tấm bìa giấy hoặc là lao động theo công nhật trong ngành xây dựng.
Cha Nicolas Angelotti nói: “Nếu người dân bị đói, họ sẽ đi ra ngoài để tìm việc làm.” Theo cha, ở khu vực của cha, vấn đề xã hội nổi cộm hơn vấn đề sức khỏe, dù rằng chúng đi đôi với nhau. Nếu không giải quyết vấn đề xã hội, thì các cha không thể giúp chăm sóc vấn đề sức khỏe cho người dân ở đây. Theo cha Pepe di Paola, yêu cầu người dân ở trong nhà là không thể chịu nổi với người dân sống trong các “ổ chuột” làm từ các mảnh gỗ và bao nhựa. Thay vào đó, mời gọi họ sống trong khu vực của mình nhưng tránh tụ tập tiếp xúc gần và uống chung trà maté.
Hồng Thủy – Vatican
2020
ĐTC Phanxicô: Giữa đại dịch Covid-19, hãy ngừng chiến
Sau khi đọc kinh truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres kêu gọi ‘ngừng bắn ngay lập tức ở mọi nơi trên toàn thế giới’, giữa tình trạng đại dịch Covid -19 hiện nay.
Hãy ngừng chiến
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: ”Ngài cũng tham gia với tất cả những ai thực hiện lời kêu gọi này, và ngài mời gọi mọi người sống điều ấy bằng việc ngừng mọi hình thức thù địch, khuyến khích tạo ra các hành lang viện trợ nhân đạo, cởi mở với ngoại giao, và biết quan tâm đến những người ai đang gặp những hoàn cảnh dễ bị tổn thương.”
Đoàn kết và liên đới
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: “Ước gì việc chúng ta cùng nhau chiến đấu chống lại đại dịch giúp chúng ta nhận ra việc cần phải củng cố mối tương quan huynh đệ như những thành viên trong một gia đình nhân loại.
Đặc biệt, nó có thể gợi hứng để hướng tới một cam kết đổi mới giúp vượt thắng sự cạnh tranh giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia và các bên liên quan. Xung đột không thể được giải quyết bằng chiến tranh.
Sự đối nghịch và khác biệt chỉ có thể thắng vượt nhờ đối thoại và tìm kiếm giải pháp kiến tạo hòa bình.”
Hãy quan tâm đến các tù nhân
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh phải quan tâm tới những ai đang sống trong các nhóm vào thời điểm này, như trong các nhà dưỡng lão và trại lính.
Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến các tù nhân. Ngài nói: “Tôi muốn đề cập đến những ai đang phải sống trong các nhà tù. Tôi đã đọc một bản ghi nhớ chính thức từ Ủy ban Nhân quyền nói về vấn đề nếu các tù nhân quá đông, thì điều đó có thể trở thành thảm kịch. Tôi kêu gọi các chính quyền hãy nhạy cảm với vấn đề nghiêm trọng này và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những thảm kịch trong tương lai.”
Trần Đỉnh, SJ – Vatican
2020
Sống đẹp, sống dại, và sống tạp
Cứ tin đi, cái gì có giá trị là có giá trị. Còn cái gì không có giá trị là không có giá trị. Chẳng có sự biện hộ nào vượt qua điều này đâu, cho những cái không có giá trị. Vì giá trị là sự thật, chân lý, bởi lẽ thế giới loài người khác thế giới cầm thú, hoang dã, hỗn mang…
Như trong chuyện yêu đương vậy, sự chung thủy là điều đẹp đẽ, cao cả. Người ta có thể chấp nhận, cảm thông, hoặc sẻ chia, đồng cảm với những cuộc ly hôn của cặp vợ chồng nào đó bởi những bất công, bất nghĩa, bất mỹ, bất trắc, bất thuận, bất đồng… nội tại của họ mà dẫn đến cắt đứt đường tình, nhưng không bao giờ thừa nhận nó là đẹp được.
“Cái tôi” của ai cũng to ngút trời. Sự tha thiết, chân thành và sẻ chia “ly biệt” trước. Sự ích kỷ và hẹp hòi lên ngôi. Ly hôn như ngóe, dễ như trò chơi, như bỡn cợt, tràn lan bây giờ không bao giờ là “hiện đại” mà là một thực tế đời sống đang như, về một thế gian suy tàn về giá trị cao cả và ý nghĩa tình yêu.
“Văn minh” là cái được xây dựng trên nền tảng của đạo đức, đạo lý, cái đẹp, giá trị cốt lõi, chứ không phải theo xu hướng, xê dịch ra xa, kiểu sống dễ dãi, bừa bãi, bất chấp, thoát ra điều đó, và ngụy biện đủ hướng dưới lớp vỏ là “hiện đại”.
***
Xã hội biến đổi quá nhanh, nhiều thứ biến đổi mà hẳn nếu có Thượng đế thật, thì vị ấy cũng ngỡ ngàng, bàng hoàng, sốc não. Cái gì chân chính cứ như luôn bị lép vế. Những người thật thà bỗng thành kẻ ngốc. Những người trung thực, ngay chính, đạo đức như bỗng sống lạc thời, bên lề. Họ bị cô độc trong cộng đồng, công ty, công sở… Họ luôn thua thiệt, và đau thương hơn là họ rất dễ “không còn đất sống”. Đau thương hơn là cho xã hội, khi giá trị chân chính và tinh hoa không còn là hấp lực và vai trò dẫn đạo cho túi khôn, hiểu biết, trí tuệ xã hội.
Dẫu biết, nước trong thường chảy trong dòng tĩnh lặng, nước đục thường chảy theo dòng ngâu lũ. Dẫu biết, thần thánh thường đi đơn lẻ còn quỷ sứ thường đi thành bầy. Nhưng trong xã hội loài người thời hiện đại này mà “trò chơi làm người” như thế thì uổng phí cho loài người quá, xót cho động vật thượng đẳng quá. Những cô, thầy nịnh nọt, dối xảo trong trường học lại đứng ở bục giảng chắc vững hơn những cô thầy hiền từ, tận tâm, giỏi nghề. Những bác nông dân không dám phun thuốc sâu có hàm lượng độc tính cao vào vườn rau mình thì khó sống hơn những bác nông dân không nghĩ đến điều đó ở vườn rau của họ. Những anh chị công chức không sách nhiễu, vòi vĩnh bá tánh thì cơ hội thăng tiến chật hẹp hơn những người ngược lại.
Giá trị “thật” và “ảo” mù mờ quá. Sự ngay chính, lương tâm, công bình, cái đẹp, và lòng từ ái bị thách thức nghiêm trọng quá!
***
Trên Internet, bỗng một ngày khi vào mạng nghe nhạc, người Việt Nam chỉ còn thấy phổ biến ở các bài hát là tên ca sĩ hát những bài hát đó, còn tên người tạo ra tác phẩm nhạc ấy phai mờ, biến mất. Ca sĩ làm nên sự ồn ào, ưu thế, chiếm được phương tiện, diễn đàn, còn nhạc sĩ thì không thể, đặc biệt nhạc hay là nhạc của những người đã khuất núi rồi. Con người đã không để ý đến giá trị chân chính, sống đẹp, trách nhiệm với “sinh thái xã hội”, mà chỉ cần làm những gì hiệu quả, nhanh thu lợi, vị kỷ, vun vén cho mình.
Mạng xã hội thì khỏi nói, thiên hạ biến ngàn tỉ cái của người ta thành của mình. Thời buổi như rừng rậm, hoang mạc. Khủng khiếp nhất là ai nấy đều thấy bình thường, tỉnh bơ, như chuyện nịnh nọt, bợ đỡ, dối gian và nữa là luồn cúi, lừa gạt, mánh khóe, kinh doanh vô đạo, chiêu trò, chụp giựt, trí trá. Trí thức đó đây, cũng đầy chiêu mẹo, ranh xảo. Truyền thông, báo chí cũng không thiếu cảnh trạng “đạo” và “cắp”, “cướp” tác phẩm của nhau. Ngay các công trình khoa học mà đó đây chuyện “đạo” qua, “đạo” lại nhau cũng ngày càng nhỡn tiền, tá lả. Nhà khoa học “thật” và nhà khoa học “giả” loạn xạ, loạn chuẩn. Trí thức tinh hoa bị lép vế trước trí thức cơ hội, nửa mùa và giả cầy. Nghệ sĩ cũng thế. Ca sĩ xoàng cũng nổi tiếng nhanh, sống khỏe, nhờ Internet, thủ thuật và chiêu thức gây “bão”. Ca sĩ tử tế, nhạc sĩ tử tế, trí thức tử tế, sững sờ và chết đứng.
***
Ai cũng khoe giàu, khoe sang, khoe danh vọng, khoe quan hệ, nhưng không thấy ai khoe và chứng minh đức hạnh cùng sự thật thà, tử tế, đàng hoàng của mình cả. Đang cùng nhau sống tạp. Sống tạp mà vẫn nghênh ngang, huênh hoang, ngã mạn, tự hào, tự đắc. Quái lạ là, cùng đồng thanh, ủng hộ, cổ vũ, theo lối phường hội.
Từ khi nào những quan niệm sống ẩu tả, bừa bãi được xem là “hiện đại” thế. Tội nghiệp cho khái niệm “hiện đại” quá. Họ không hiểu gì về sự nền nã, tinh tế, sâu sắc, nhân bản, hướng thiện, tự trọng của phương Tây nên cóp nhặt hoặc “lẩy” ra ấy vài mảnh vỡ lớp mặt hư hỏng của thế giới đó để sống, rồi cho mình cũng “hiện đại” như họ.
Khi khoe khoang và nói dối trở nên phổ biến và thành hành vi bình thường trong mỗi con người và xã hội thì không còn có chân thắng nào về chân giá trị nữa. Không phải đơn giản mà các tôn giáo đều đưa việc nói dối trở thành vấn đề cốt lõi của tư cách con người, làm người, và cấm nó. Nhiều trăm năm trước, lúc xã hội ta còn nghèo, hiếm người biết chữ, nhưng thiện lành vẫn còn là “giá trị phải thế” thì ông cha đã nhận chân và coi rẻ người “nói dối thành thần”, và “nói dối như cuội!”.
Giá trị “thật” và “ảo” mù mờ quá. Sự ngay chính, lương tâm, công bình, cái đẹp, và lòng từ ái bị thách thức nghiêm trọng quá.
***
Không ít người sống ở Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… bây giờ vẫn nhìn người bản địa miền thượng Tây Nguyên là “lạc hậu”. Thế mà tôi đi đến đó, nhìn – thấy – nghe mỗi khi có một cành điều của rẫy vườn kế bên rụng trái bên đất rẫy mình thì họ nhặt những trái điều đó bỏ lại vườn bên kia, thay vì gom thu luôn thì chẳng ai mà biết. Họ không nói thì thôi, đã nói là chỉ nói thật. Họ “dại”, nếu theo cách sống và nhận thức sống của một số người ở các đô thị lớn ở Việt Nam tự cho là “văn minh”, “hiện đại”? Không, họ vẫn đang hiện đại, và văn minh, chỉ có điều chúng ta không có hiện đại thật và đang mất đi văn minh thôi.
Các giá trị cuộc đời cứ như đang trong một nồi lẩu.
Cuộc sống cứ đang như một gameshow truyền hình.
Cái có giá trị, như kim cương vậy, chịu áp lực và thử thách thì mới sáng chói, còn không cũng như bao đá cuội, giữa bất cứ không gian, hoàn cảnh, thời buổi, lịch sử nào. Dù thế gian đã có như thế nào thì là con người (khác con thú) cũng phải điềm tĩnh để nhận chân, cần phân biệt giữa các cực này: chọn cách sống, mục đích sống, xu thế sống, ý nghĩa sống, giá trị sống, và chân lý sống – tức giữa “tồn tại” và “làm người”. Đơn giản như người thượng Tây Nguyên nói, “Muốn ăn sim mọng thì gắng đi vào chỗ rừng xa có nhiều cây xanh tốt”.