2020
Thứ Ba tuần V MC
Thứ Ba Tuần V Mùa Cha
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn trung thành thực hiện ý Chúa, để nhờ đó, Giáo Hội trong thế giới hôm nay được phát triển không ngừng và thêm phần thánh thiện. Chúng con cầu xin …
BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9
“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, các người Do-thái rời bỏ núi Hor, theo con đường về phía Biển Đỏ, để vòng quanh xứ Eđom. Dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”.
Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”. Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 101, 2-3. 16-18. 19-21
Đáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa (c. 2).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa. Xin Chúa đừng ẩn giấu thánh nhan, trong ngày con phải phiền muộn. Xin Chúa lắng tai nghe con, khi con cầu nguyện, Chúa mau nhậm lời. – Đáp.
2) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.- Đáp.
3) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 94, 8ab
Hôm nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.
PHÚC ÂM: Ga 8, 21-30
“Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”.
Người Do-thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói ‘Nơi Ta đi các ông không thể tới được’?”
Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.
Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”.
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
Đó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa lễ tế giao hoà này; xin Chúa thương chấp nhận để tha thứ tội lỗi chúng con, và uốn nắn lòng dạ bất nhất của chúng con từ nay hướng về Chúa. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng thương khó I
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải tuyên xưng uy linh Chúa, và nhờ quyền lực khôn tả của thập giá, thế gian đã bị xét xử, và quyền năng của Ðấng chịu đóng đinh được toả sáng.
Vì thế lạy Chúa, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con tuyên xưng Chúa và hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin thúc đẩy chúng con năng tham dự bàn tiệc Nước Trời, để chúng con ngày càng gần gũi Chúa là phúc lộc duy nhất và chân thật của chúng con. Chúng con cầu xin …
2020
Thập giá và chọn lựa của người Kitô hữu
Thứ Ba tuần V MC
Ga 8, 21-30
THẬP GIÁ VÀ SỰ CHỌN LỰA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Trong sa mạc Dân Do thái đã nổi loạn chống lại Môsê và xúc phạm đến Thiên Chúa. Chẳng những họ đã vô ơn, không nhận biết ơn huệ Chúa cứu họ ra khỏi Ai cập mà còn phiền trách Người. Việc một số người phản loạn bị rắn độc cắn làm cho họ thức tỉnh về lỗi phạm của mình và nài xin lòng thương xót thứ tha của Chúa. Hình ảnh con rắn đồng được treo lên để cứu chữa những người phản loạn này tiên báo cái chết của Chúa trên thập giá mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Chúa Giêsu đã tự mạc khải Ngài là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài chỉ được người ta nhận biết như thế trong cuộc tử nạn: “khi các ông giương cao Con Người lên.” Con rắn bằng đồng được Mô-sê giương cao lên trong sa mạc là dấu hiệu chữa lành cho những người bị rắn cắn (Ds 21,4-9). Chúa Giêsu nhận hình ảnh đó ứng nghiệm vào mình để nói lên rằng Ngài nhất thiết phải chịu tử nạn mới thi triển được hết mức quyền năng cứu độ của Thiên Chúa và mới có thể triệt tận căn nọc độc của tội lỗi. Nếu như chỉ trên cây thập giá Chúa Giêsu mới tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, thì cũng chỉ khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người mới được ơn cứu độ.
Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu thật: không chỉ là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’, mà còn là ‘vô thủy vô chung’ và là nguồn tác sinh vạn vật. Nói tóm, Ngài thật là Thiên Chúa. Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của mọi người chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.
Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu nói việc ra đi của mình và nói rằng sẽ đi đến nơi mà người Biệt Phái không thể tới được. “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông”. Họ sẽ đi tìm Chúa Giêsu, nhưng sẽ không tìm thấy Người, bởi vì họ không biết Người và sẽ đi tìm Người với các tiêu chuẩn sai lệch. Họ sống trong tội lỗi và sẽ chết trong tội lỗi. Sống trong tội lỗi là sống xa rời Thiên Chúa. Họ tưởng tượng Thiên Chúa theo một cách nào đó, nhưng Thiên Chúa thì khác với những gì họ tưởng tượng. Đây là lý do mà họ không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.
Người Biệt Phái đã không hiểu rằng Chúa Giêsu, trong mọi điều Người nói và làm, là sự biểu hiện của Chúa Cha. Họ sẽ hiểu được điều ấy chỉ sau khi Con Người bị đưa lên cao. “Khi ấy các ông sẽ biết TA là ai”. Từ ngữ ‘được đưa lên’ có nghĩa kép, bị treo lên trên Thập Giá và được nâng lên bên hữu Chúa Cha. Tin Mừng về cái chết và sự sống lại mặc khải Chúa Giêsu là ai, và họ sẽ biết rằng Chúa Giêsu là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Nền tảng của điều chắc chắn này của đức tin chúng ta có hai mặt: một mặt, điều chắc chắn rằng Chúa Cha luôn ở với Chúa Giêsu và Người không bao giờ một mình, và mặt khác, sự vâng phục triệt để và hoàn toàn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trở thành một sự cởi mở hoàn toàn và minh bạch toàn diện của Chúa Cha đối với chúng ta.
Như vậy, khi mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ
Trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu, Thiên Chúa đã chọn cứu độ con người bằng con đường đau khổ. Cái chết đau thương của Con Thiên Chúa trên Thập giá mang lại ơn chữa lành và tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Để đón nhận ơn cứu độ, mỗi người cần khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và thành tâm xin lòng thương xót Chúa.
Thập giá của Chúa Giêsu mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống. Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá ấy là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ trong thế giới hưởng thụ, buông thả ngày nay. Liên kết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh, những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt!
2020
Thứ Hai tuần V MC A
Thứ Hai Tuần V Mùa Chay
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ tình thương tuyệt vời của Chúa, chú ng con được hưởng muôn phúc lộc chan hoà, xin giúp chúng con biết từ bỏ tội lỗi và trở nên người mới, để được vào quê trời hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin …
BÀI ĐỌC I: Đn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)
“Đây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi”.
Trích sách Tiên tri Đaniel.
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Babylon tên là Gioakim cưới bà vợ tên là Susanna, con của Helcia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Môsê. Lúc đó Gioakim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.
Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: “Sự gian ác phát sinh từ Babylon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng”. Các ông năng lui tới nhà ông Gioakim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Đến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Susanna vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.
Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Susanna vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: “Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm”.
Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Susanna và nói: “Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn”.
Bà Susanna thở dài và nói: “Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!” Đoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Susanna.
Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gioakim, chồng bà Susanna, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Susanna cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: “Các người hãy đi tìm bà Susanna, con ông Helcia, vợ của ông Gioakim”. Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.
Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Susanna thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: “Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Đó là điều chúng tôi xin làm chứng”. Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.
Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Đấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Đaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Đứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Đaniel: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Đaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.
Khi hai ông đứng xa nhau, Đaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: ‘Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính’. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Đaniel liền nói: “Đúng là ông nói dối. Đây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Đaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Đaniel nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chớ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Đaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Đoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Đaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.
Đó là lời Chúa.
_______________________________________
Hoặc đọc bài vắn này: Đn 13, 41c-62
Trong những ngày ấy, dân chúng lên án tử hình bà Susanna. Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Đấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Đaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Đứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Đaniel: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Đaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.
Khi hai ông đứng xa nhau, Đaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm. Ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: ‘Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính’. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Đaniel liền nói: “Đúng là ông nói dối. Đây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Đaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Đaniel nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chứ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Đaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Đoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Đaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống; họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 5ab).
Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Đáp.
2) Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2b
Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.
PHÚC ÂM: Ga 8, 1-11
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Đó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con sắp cử hành mầu nhiệm lễ tế; xin cho chúng con được hân hoan dâng lên Chúa một tâm hồn thanh sạch, là kết quả của việc chúng con hy sinh hãm mình. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng thương khó I
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải tuyên xưng uy linh Chúa, và nhờ quyền lực khôn tả của thập giá, thế gian đã bị xét xử, và quyền năng của Ðấng chịu đóng đinh được toả sáng.
Vì thế lạy Chúa, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con tuyên xưng Chúa và hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng con; ước chi bí tích này giúp chúng con chừa mọi tính hư nết xấu và ngày ngày theo chân Ðức Ki-tô mà hăm hở tiến về nhà Chúa. Chúng con cầu xin …
2020
Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯ CHUNG NĂM 1980
Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước:
THÔNG TIN VỀ ĐẠI HỘI GIÁM MỤC TOÀN QUỐC
1. Trong tâm tình biết ơn
Anh chị em thân mến,
Anh chị em hãy cùng chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về Hội nghị các giám mục toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội, thủ đô Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta, từ 24-4 đến 1-5-1980.
Kể từ lúc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, và nhất là từ ngày nước nhà được thống nhất, chúng ta đều ước mong có cuộc họp này. Toà Thánh và riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mỗi khi có dịp cũng luôn bày tỏ một tâm tình như vậy, diễn tả ý muốn của chính Công đồng Vatican II.
Vì thế chúng ta thành thật biết ơn Chính Phủ đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Đại hội này. Chúng tôi cũng cám ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho Đại hội này được thành công tốt đẹp.
2. Một tuần lễ làm việc
Chúng tôi vui mừng được gặp nhau, và trong suốt một tuần lễ làm việc, chúng tôi được dịp hiểu biết tình hình giáo phận trong cả nước. Nhờ đó chúng tôi thấy rằng, mặc dù sống xa nhau, tâm hồn chúng tôi vẫn là một, và cùng chia sẻ những nỗi âu lo, niềm phấn khởi và nguyện vọng của toàn thể Dân Chúa trên đất nước thân yêu này.
Trong tinh thần hợp nhất ấy, chúng tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ của Giáo Hội chúng ta trong giai đoạn lịch sử này. Chúng tôi đã duyệt lại nội quy và đặt lại cơ cấu của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới khoá V về “các chức năng của gia đình Kitô giáo trong thế giới hôm nay”, và việc các giám mục Việt Nam đi viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tại Toà Thánh Roma năm nay theo quy định của Giáo luật.
Trước khi bế mạc Đại hội, chúng tôi đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã đến yết kiến Thủ tướng Chính phủ.
3. Ý nghĩa việc đi Roma
Việc đi viếng mộ các Tông đồ và việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tại Roma nói lên hai đặc tính của Hội Thánh Chúa Kitô là phổ quát và hợp nhất, đồng thời thể hiện tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm của các giám mục đối với Hội Thánh toàn cầu. Xin anh chị em cầu nguyện nhiều để chúng tôi hoàn thành tốt đẹp sứ mạng này.
4. Tổ chức Hội đồng Giám mục Việt Nam
Chúng tôi cũng phải cùng nhau gánh vác mọi trách nhiệm của chức vụ giám mục trong tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm. Bởi thế, việc thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam là để phục vụ anh chị em đắc lực hơn, vì như ý Công đồng Vatican II, Hội đồng Giám mục là nơi quy tụ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một quốc gia hay một lãnh thổ để hợp nhất với nhau thi hành mục vụ theo thể cách và phương thức thích hợp với hoàn cảnh (GM 30,1).
ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ
A. MỘT HỘI THÁNH VÌ LOÀI NGƯỜI
5. Ánh sáng từ một thông điệp
Anh chị em thân mến,
Bước vào giai đoạn mới này của dân tộc, chúng tôi muốn nhìn vào gương Đức Phaolô VI khi người mới làm giáo hoàng. Trong thông điệp đầu tiên của người nhan đề “Giáo Hội Chúa Kitô”, người đã suy nghĩ nhiều về sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới hôm nay. Mối bận tâm chính của người xoay quanh 3 tư tưởng lớn. Tư tưởng thứ nhất là đã đến lúc Giáo Hội phải có một nhận định sâu xa về chính mình, phải suy gẫm về mầu nhiệm của mình. Tư tưởng thứ hai là “đem bộ mặt thực của Giáo Hội ngày nay đối chiếu với hình ảnh lý tưởng của Giáo Hội như Đức Kitô đã thấy, đã muốn và đã yêu như bạn thánh thiện và tinh tuyền của mình” (Ep 5,27), từ đó “sinh ra một ước muốn quảng đại và bức thiết là phải canh tân”. Còn tư tưởng thứ ba như là kết luận của hai tư tưởng trên, nói về những quan hệ phải có giữa Giáo Hội và thế giới (GHCK 9-14).
Đức Thánh Cha nhận định thêm rằng, ba đề tài trên cũng là mối bận tâm của mọi thành phần Dân Chúa. Vậy chúng tôi giới thiệu những đề tài ấy với anh chị em để chúng ta tâm niệm hằng ngày.
6. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa
Công đồng dựa vào lịch sử cứu chuộc để tìm hiểu và trình bày bản chất của Hội Thánh. Trong chương trình cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã lấy giao ước quy tụ một dòng dõi làm dân riêng của Người. Và qua lịch sử dân ấy, Người đã mạc khải chính mình Người và ý định cứu chuộc của Người cho toàn thể nhân loại. Nhưng dân ấy chỉ là hình bóng và là công cuộc chuẩn bị cho dân mới của Thiên Chúa, sẽ được quy tụ bằng giao ước mới mà Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập bằng Máu Thánh Người.
Dân giao ước mới này chính là Hội Thánh Chúa Kitô, quy tụ mọi người từ khắp mọi nơi mọi nước trên trần gian, vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Chúa Thánh Thần nối kết họ nên một khi giải phóng họ khỏi tội lỗi và ban cho họ được làm con cái Thiên Chúa. Họ có giới răn mới là bác ái yêu thương (Ga 13,34) và ngay từ buổi đầu, họ đã là một cộng đoàn có tổ chức với những phận vụ khác nhau do chính Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập hầu mưu ích cho toàn Nhiệm Thể (GH 18). Mục đích của dân mới là “phát triển Nước Chúa cho tới khi hoàn tất” (GH 9,3).
7. Hội Thánh vì loài người
Dân cũ có sứ mạng đón nhận ơn cứu chuộc cho cả nhân loại. Dân mới có sứ mạng đem ơn cứu chuộc đến từng dân tộc và từng người qua mọi thời đại, như lời Công đồng Vatican II: “Dân mới được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được Người sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và như muối đất” (Mt 5,13-16; GH 9,2).
Người sử dụng họ làm khí cụ cứu rỗi, bởi vì “Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ và thiếu liên kết, nhưng muốn quy tụ họ thành một dân để họ nhận biết chính Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (GH 9,1). Do đó, mục tiêu cuối cùng trong mọi sinh hoạt của Hội Thánh là đưa loài người và tất cả thực tại của thế giới loài người đến thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý của Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, Công đồng gọi Hội Thánh là “Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (GH 1).
Bởi vậy, sứ mạng của Hội Thánh không những là đem Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế (TĐ 5). Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối với sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại không có sinh hoạt nào của Hội Thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người. Lời rao giảng Tin Mừng và các cử hành bí tích đem ân sủng của Thiên Chúa vào đời sống con người, còn sinh hoạt trần thế của tín hữu đem thực tại của con người đến với Thiên Chúa. Do đó đối với người tín hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe doạ (MV 43).
Tóm lại, sứ mạng của Hội Thánh là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” rằng: “Con người là con đường của Hội Thánh”. Nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người (ĐCCCN 14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, vì “dù tin hay không tin, con người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này” (MV 21,6).
B. HỘI THÁNH TRONG LÒNG DÂN TỘC
8. Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô
Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội Thánh như vừa nói ở trên, chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây: chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam.
Trước hết, chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô nghĩa là:
– Gắn bó với Chúa Kitô và hợp nhất với Hội Thánh toàn cầu.
– Gắn bó với Đức Giáo hoàng, vị đại diện Chúa Kitô, người được Chúa giao trách nhiệm “chăn dắt đoàn chiên của Người” (Ga 21,15-18), và “làm cho anh em vững mạnh” (Lc 22,32).
– Gắn bó với nhau trong tình huynh đệ theo kiểu mẫu Hội Thánh thời sơ khai: “Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, không một người nào nói là mình có của riêng nhưng đối với họ, mọi sự là của chung” (Cv 4,32; 2,42).
– Trung thành với tinh thần của Công đồng Vatican II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hoà mình với cộng đồng xã hội mình đang sống.
Để đạt mục đích ấy, trước hết chúng ta phải không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội Thánh ở Việt Nam sao cho phù hợp với Phúc Âm hơn. Công việc này chúng ta thực hiện nhờ lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, chuyên cần cầu nguyện và thành tâm kiểm điểm đời sống (LBTM 15).
9. Gắn bó với dân tộc và đất nước
Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.
Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:
– Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
– Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.
10. Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc
Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Công đồng nhắc nhở: “Các người Kitô giáo từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội Thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thật sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước” (TG 15).
Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.
Trong công cuộc phục vụ quê hương, Phúc Âm cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh để khắc phục các khó khăn và các xu hướng cá nhân ích kỷ, nêu cao tinh thần phục vụ của bác ái phổ quát, hướng tới cảnh “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1), trong đó tất cả đều hoà hợp hạnh phúc. Và khi phải phấn đấu xoá bỏ những điều tiêu cực, chúng ta có ơn của Chúa Kitô Phục Sinh để mặc lấy con người mới công chính và thánh thiện.
11. Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc
Về nhiệm vụ thứ hai là xây dựng trong Hội Thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc. Chúng tôi muốn thực hiện điều Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong lễ nghi và văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (GH 17,1). Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh Kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của đức tin, đàng khác, phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta vận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hoá và xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và trong cộng đồng Hội Thánh này.
NGỎ LỜI VỚI CÁC THÀNH PHẦN DÂN CHÚA
12. Ngỏ lời với giáo dân
Với anh chị em giáo dân, chúng tôi muốn nói lên lòng cảm phục tâm hồn đạo đức của anh chị em trong việc đọc kinh cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Chúng tôi cảm ơn anh chị em xưa nay vẫn một lòng kính yêu, vâng phục, giúp đỡ chúng tôi và các người làm việc tông đồ.
Chúng tôi xin dựa vào Công đồng để nói với anh chị em rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc Âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (GH 31; MV 43). Nhờ anh chị em, Giáo Hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội Thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của tổ quốc. Để giúp anh chị em chu toàn nghĩa vụ đó, chúng tôi đặc biệt nhắc nhở anh chị em vài điểm sau đây:
Anh chị em hãy tin vào ơn Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống trong lòng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của anh chị em: cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung trong gia đình và trong xứ đạo, và nhất là anh chị em hãy đào sâu đức tin bằng việc học và dạy giáo lý ngay trong gia đình của mình. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về việc dạy giáo lý, đã lưu ý chúng ta rằng: “Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, kèm theo và phong phú hoá mọi hình thức dạy giáo lý khác” (DGL). Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa (Cv 22, 42; 1, 8 GH 11; TĐ 11; LBTM 71).
Nhưng trước tiên gia đình của anh chị em phải được xây dựng theo phép đạo. Chúng tôi tha thiết kêu gọi anh chị em thanh niên quan tâm vun trồng tình yêu trong sạch, và khi lập gia đình, liệu cho hôn nhân của mình chan chứa phúc lành của Thiên Chúa.
Các nỗ lực để xây dựng gia đình Công giáo theo tinh thần Phúc Âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ Quốc. Nhờ hiện diện và sinh hoạt tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng đất nước.
13. Ngỏ lời với các tu sĩ
Đối với các tu sĩ nam nữ, chúng tôi đánh giá cao sự hiện diện và đóng góp của anh chị em trong đời sống của Dân Chúa. Giáo Hội qua mọi thời luôn quý trọng ơn gọi tu sĩ như một dấu hiệu chứng tỏ sự trưởng thành và sức sống phong phú của Hội Thánh tại các địa phương. Do đó chúng tôi muốn nói với anh chị em: hãy xác tín về ý nghĩa và giá trị cao quý của ơn gọi mình. Dầu sinh hoạt bên ngoài có thay đổi, sứ mạng đặc biệt của anh chị em vẫn luôn là “hiện thân của một Hội Thánh muốn hiến mình cho đường lối triệt để của các Mối Phúc Thật”, và anh chị em “dùng chính cuộc sống của mình làm dấu chỉ cho tinh thần sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và anh em đồng loại” (LBTM 60; GH 44).
Chính anh chị em sẽ tự thấy được rằng đường hướng mà chúng tôi vạch ra cho cả Hội Thánh ở Việt Nam: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với tinh thần sẵn sàng phục vụ, phù hợp cách riêng với ơn gọi của anh chị em. Do đó, anh chị em hãy nêu gương cho giáo dân bằng việc tích cực đi vào con đường ấy.
Chúng tôi đặc biệt kêu mời anh chị em hãy quan tâm tuân giữ Luật dòng, rồi cùng nhau tìm ra, qua suy nghĩ chung và đối thoại, một thế quân bình lành mạnh cho đời sống tận hiến của mình: làm sao dung hoà giữa lao động và cầu nguyện, giữa việc hoà mình vào các sinh hoạt xã hội – không chỉ vì kế sinh nhai, nhưng nhất là để làm chứng nhân cho Chúa – và sự trung thành với đời sống cộng đoàn, dung hoà giữa các tổ chức riêng của mỗi hội dòng và sự hội nhập vào đời sống của Giáo hội địa phương trong sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa và Hàng Giáo phẩm.
14. Ngỏ lời với các linh mục
Sau hết, đối với các linh mục, triều cũng như dòng, là những cộng sự viên gần gũi nhất của Hàng Giám mục, chúng tôi cám ơn anh em vẫn tận tuỵ phục vụ cộng đồng Dân Chúa. Anh em hãy lấy làm hãnh diện vì anh em đang được lòng tin tưởng, mến yêu của đoàn chiên. Chính Chúa Thánh Thần đã cùng với anh em trực tiếp hình thành nên đoàn chiên hiện nay. Anh em hãy tiếp tục làm công việc cao quý ấy trong sự hiệp thông mật thiết với Hàng Giám mục chúng tôi.
Thư Chung này vạch ra đường hướng rõ rệt: chúng ta hãy làm cho mọi tín hữu biết sống Phúc Âm trong tinh thần yêu mến và trung thành với Hội Thánh, trước hết bằng chính đời sống của chúng ta. Công đồng Vatican II lưu ý: “Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho chức vụ linh mục, phải kể đến tâm trạng này là bao giờ cũng sẵn sàng tìm ý muốn của Đấng đã sai mình chứ không phải tìm ý riêng” (LM 15). Anh em hãy áp dụng những lời này tiên vàn cho việc rao giảng Lời Chúa và cử hành Phụng vụ Thánh, là những phương tiện mà Chúa Giêsu Kitô muốn dùng, xuyên qua thừa tác vụ linh mục của anh em, để xây dựng Nhiệm Thể Người một cách đặc biệt. Trong những gì liên quan tới đường hướng mục vụ và đời sống phụng vụ của Giáo Hội, anh em hãy thống nhất hành động với nhau và với Hàng Giám mục vì lợi ích của Dân Chúa, bởi vì anh em là những “nhà giáo dục đức tin” (LM 6; DGL 64).
Anh em cũng hãy làm cho Chúa Giêsu Kitô hiện diện thật sự giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn (LM 15). Nhất là được nhìn nhận như là người đại diện chính thức của Hội Thánh tại địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường, để cống hiến ơn cứu độ cho mọi người. Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.
KẾT LUẬN
15. Quá khứ, hiện tại và tương lai
Anh chị em thân mến, hơn ai hết, các giám mục chúng tôi ý thức về giới hạn trong khả năng và tài đức của mình trước nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và Tổ Quốc. Anh chị em hãy cầu nguyện nhiều cho chúng tôi.
Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu, đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình. Đừng nhìn quá khứ với mặc cảm và phán đoán tiêu cực. Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống những người con của Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi. Nhưng dựa vào tình thương của Chúa Cha, dựa vào Lời ban sự sống của Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai.
Chúng ta có giáo lý của Công đồng Vatican II như luồng gió mát của Chúa Thánh Thần thổi trong Hội Thánh; chúng ta tự hào là công dân nước Việt Nam anh hùng độc lập thống nhất; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm và giúp đỡ trong khối đại kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình.
Rồi đây với ơn Chúa giúp và hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hy vọng sẽ có thể dần dần đề ra những công việc cụ thể để hết thảy chúng ta cùng làm, mỗi người tuỳ cương vị khả năng của mình, hầu góp phần xây dựng Tổ Quốc và Giáo hội Việt Nam.
Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse và các Thánh Bổn mạng của Hội Thánh Việt Nam, ban muôn phúc lành cho anh chị em.
Hà Nội, ngày 1 tháng 5 năm 1980
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM