2020
Đức tính cao cả của các cuộc chiến gay go với chính mình
Đức tính cao cả của các cuộc chiến gay go với chính mình
Một ảo tưởng cần tránh: đó là nghĩ mình có sức khỏe tâm hồn tốt, để tránh không làm nặng thêm và không rơi vào nguy cơ bị đắm.
Tôi biết một số người này, ngay cả một số người chung quanh tôi, họ không bao giờ dám đối diện với ánh sáng, mặt tối trong họ quá nổi bật, nó phát triển mạnh để cuối cùng như cây thường xuân không bao giờ cắt tỉa, che khuất luôn họ. Bên ngoài, chúng ta không thấy gì khác. Họ có vẻ giống như tất cả mọi người. Thậm chí tôi còn biết một số người có “khuôn mặt tốt”, họ lừa gạt được những người họ gặp. Trên thực tế, nếu có bộ máy đo bức xạ bóng tối Geiger dùng để đo các i-ông ác tính tâm hồn thì chúng ta thấy những người này sẽ có tỷ lệ bức xạ cao, chúng ta sẽ phải cách ly họ như trong trường hợp có dịch. Các tâm hồn này bị bóng tối che phủ. Trong ngôn ngữ tâm lý học hoặc tâm thần học, chúng xuất hiện với một tập hợp các quy định rõ ràng: tâm thần phân liệt, thích thao túng tinh thần, tự mê bệnh lý, tự mê đồi bại, thờ ơ với đau khổ của người khác và có một dịu dàng vô hạn đối với các tổn thương tâm lý của chính mình, phịa ra một thực tế sai lầm đến mức trở thành giả dối, xa vời với bất cứ một thực tế được chia sẻ nào, nhắc đi nhắc lại hoài các sự việc cũ, nhai đi nhai lại để trở thành không thể chữa khỏi, giống như vết thương đầy mũ không bao giờ thành sẹo.
Các tâm hồn đen tối này giống như những con ma cà rồng hút máu, cẩu thả đi giữa đám đông để kiếm các con mồi mới. Họ đánh hơi được. Sau khi tìm thấy, họ triển khai chiến lược, chiến lược nào cũng hấp dẫn để họ được thỏa thích hơn và cuối cùng là hút máu những người ngây thơ! Và nếu chúng ta nói rõ: chúng ta bị “ma cà rồng” vây bủa, ma cà rồng tâm hồn, ẩn nấp trong bóng tối, rình chực để tha hóa các tâm hồn ngây thơ. Chúng liên tục quan sát, rình rập và hành động đúng lúc để chống lại con mồi mong manh!
Vì thế chúng ta phải xem phần đen tối này. Làm thế nào để chiến đấu chống nó, chống nó đang ở trong chúng ta?
Chúng ta được tạo ra từ sáng-tối, từ đầy ắp và trống rỗng, từ kiến thức một phần và hố thẳm u minh. Các chứng cứ cho thấy vực thẳm là không đáy.
Càng lớn tuổi, tôi càng ghi nhận, đức tính cao cả và cần thiết của các cuộc chiến đấu với bản thân này. Tôi không còn mong muốn chiến đấu bằng mọi giá. Tôi sẽ không khiêu khích ai tranh đấu, tôi sẽ không uốn nắn ai. Ồ, không! Những người không thể thay đổi, những người không có một ý muốn nào thay đổi, những người ngay cả họ cũng không thấy đâu là vấn đề, những người này phải được để yên.
Tôi không muốn đi trước chuyện gì – như thử tôi nghĩ mình mang một sứ mệnh. Tôi chỉ cần chờ, tăng lòng tin tưởng chiến đấu và biết đấu thủ – họ đã ở đó.
Đúng! Họ ở đó, trong tôi, sâu thẳm, tận sâu thẳm, ẩn mình trong bóng tối. Không cần thiết phải đi tìm nó hoặc khiêu khích nó. Nó ở đó, làm việc trong âm thầm để gỡ ra những gì đã được làm, để thoa xà phòng lên sàn, để làm chúng ta trượt về phía sai.
Nó hy vọng gì? Hy vọng cuộc sống chúng ta thành trống rỗng. Bôi bẩn cảm nhận chúng ta. Làm nhiễm trùng cảm xúc chúng ta. Bôi đen mọi thứ có thể. Và một khi nội tâm đã làm cho trống rỗng, bạc nhược, ngập trong nỗi lo âu chết người, chúng ta sẽ phải xin nó cho chúng ta một ân huệ, mà nếu nó không cho, thì chúng ta chỉ còn xin nó một “ân xá cuối cùng” là chất đá đầy túi để giúp chúng ta đi tự tử ở một cái hồ nào đó gần nhất.
Bài tập nho nhỏ về vệ sinh thiêng liêng
Nếu kẻ thù ở đó, điều quan trọng là nhận ra nó. Vì hắn muốn gì? Muốn làm hại tôi, kéo tôi về “phía xấu” của thế giới và của chính tôi. Hận thù đánh thức hận thù. Cái ác đánh thức cái ác. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận với những người dữ. Chúng ta hãy để chúng cách ly khỏi quả tim. Chúng ta phải dám làm. Chúng ta sẽ dám không?
Nó là tiêu cực, phát ra các làn sóng độc hại, nó làm tôi kiệt sức và làm cho tôi thêm mệt mỏi. Vậy làm sao để giữ khoảng cách với nó? Làm sao bảo vệ mình khỏi các bức xạ có hại? Làm thế nào để tránh xa những người, cố ý hoặc ngoài ý muốn của họ, phát các “bức xạ đen tối, các i-ông ác tính?”
Làm sao chúng ta có thể tự bảo vệ mình khỏi những người muốn kéo chúng ta về “phía xấu.” – của chính họ và sau đó là của chính chúng ta? Làm thế nào để có thể cự lại với quyền lực thu hút đen tối của con người?
Đừng nghĩ mình có sức khỏe nội tâm tốt
Tự xem xét bản thân là nhận ra phần sức khỏe không tốt của mình. Không cần phải ở trong tư thế “bệnh tưởng tâm linh” nhưng phải xa các tư thế anh hùng và ý tưởng bắt buộc phải có sức khỏe tốt. Đâu là các bệnh tâm hồn cần phải canh chừng? Làm sao định lượng được sức khỏe quả tim tôi? Và sức khỏe tinh thần tôi? Và sức khỏe tâm hồn tôi? Tất cả đều liên hệ với nhau.
Thu mình lại đôi khi cũng là một cách để sống còn
Khi cuộc chiến chống những kẻ muốn làm hại mình dường như không thể, nếu tôi cần những lực vô nhân đạo mà tôi không có thì sao?
Tốt hơn là bỏ cuộc chiến, đi nơi khác, bỏ đi xa. Thà từ bỏ cuộc chiến còn hơn là đi từ xấu ít đến xấu nhiều, đi vào đầm lầy đen của nó. Có một màu đen khác trong bức tranh. Và màu đen này đẹp. Cũng có một màu đen trong nhân loại. Và nó độc hại. Làm thế nào để phát hiện nó? Làm sao tôi có thể tin tưởng vào “lý trí” của tôi? Phải làm gì với “cảm nhận” này khi một số người phát nhiều bóng tối hơn ánh sáng, phát hận thù nhiều hơn niềm vui?
Đừng quá tốt bụng cũng đừng ngây thơ
Những người là ma cà rồng tâm hồn vẫn luôn có đó, họ khi nào cũng còn. Phải biết dứt khoát cắt một số quan hệ nào đó – như người ta nói đôi khi phải cưa một cánh tay để cơ thể không bị ung hoại hoàn toàn. Sự thương hại, thói quen, lo duy trì các mối quan hệ đôi khi là các cố vấn tồi. Tôi có quá tốt với người này hay người kia không? Sự hiện diện này bên cạnh tôi có quá tiêu cực không?
Marta An Nguyễn dịch
2020
Các bác sĩ của Chân Phúc Carlo Acutis nhớ lại những ngày cuối đời của Ngài
Cậu bé Carlo Acutis đã qua đời trong vòng một tuần sau khi được chẩn đoán bệnh bạch cầu promyelocytic cấp, dâng nỗi khổ của cậu cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội. Sau Lễ Phong Chân Phúc của Ngài vào Thứ Bảy tuần trước, các bác sĩ của Ngài và tuyên uý bệnh viện đã kể lại những ký ức của họ về những ngày sau cùng của cậu.
Cha Sandro Villa là tuyên uý Bệnh Viện Thánh Gerald ngoại thành Milan là người đã ban Bí Tích Sức Dầu Bệnh Nhân và Mình Thánh cho cậu vào ngày 10/10/2006, một ngày trước khi Acutis đi vào trong hôn mê do bởi chảy máu não được tạo ra bởi loại bệnh bạch cầu.
Cha Villa đã chia sẻ trong một sự kiện tại Assisi vào ngày 13/10 là Ngài đã được đánh động bởi “sự điềm tĩnh và sự tôn kính” của Chân Phúc Acutis khi nhận các bí tích tại phòng bệnh viện của Ngài.
“Trong một căn phòng nhỏ, ở cuối hành lang, tôi thấy mình trước một cậu bé. Sự tái nhợt của cậu nhưng một diện mạo bình an đã khiến tôi kinh ngạc – không thể nghĩ ra nổi nơi một người đang bệnh trầm trọng, đặc biệt là một cậu bé vị thành niên”, Ngài nói.
“Tôi cũng kinh ngạc bởi sự điềm tĩnh và tâm tình dâng hiến mà qua đó, ngoài khó khăn, cậu đã nhận hai bí tích. Cậu dường như đã đợi chờ hai bí tích này và cảm thấy cần thiết”.
Trước khi chẩn đoán bệnh ung thư của cậu, Carlo Acutis đã có một lòng sùng kính Thánh Thể tuyệt vời. Từ một tuổi trẻ, Ngài đã thể hiện một lòng yêu mến đặc biệt đối với Thiên Chúa, ngay cả khi cha mẹ Công Giáo của Ngài dừng tham dự Thánh Lễ.
Khi Ngài lớn lên, Ngài bắt đầu dự Lễ hằng ngày, thường kéo theo các thành viên gia đình đi với Ngài. Ngài thực hiện các Giờ Thánh trước hoặc sau Thánh Lễ và đi xưng tội hằng tuần.
Với lòng yêu mến dành cho việc lập trình máy tính, Acutis đã xây dựng các website để thông báo cho người khác về các phép lạ Thánh Thể và những cuộc hiện ra của Mẹ Maria trên khắp thế giới. Trên trang của Ngài, Ngài nói với mọi người, “chúng ta càng nhận lãnh Thánh Thể, chúng ta càng trở nên giống như Chúa Giêsu, để trên trái đất này chúng ta sẽ có một sự nếm trải trước thiên đàng”.
Đối với Cha Villa, việc ban hành các bí tích này là một dịp duy nhất gặp gỡ của Ngài với Acutis, nhưng Ngài nói việc nhìn thấy sự thanh thản trên diện mạo của Acutis là một điều khiến Ngài nhớ mãi.
“Cuộc sống, dù vắn dù dài phải được sống cách mạnh mẽ cho bản thân, nhưng trên hết, còn cho cả người khác”.
“Sau một vài năm…Tôi đã hay biết Ngài được công bố ‘Bậc Đáng Kính’. Tôi đã kinh ngạc là Chúa đã cho tôi gặp gỡ Ngài, dù chỉ là vài phút giây”, Cha nói.
Cha Villa nói tiếp: “Tôi đã quyết định học về cuộc đời của cậu. Tôi đã khám phá ra rằng cậu yêu mến Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu nơi Thánh Thể, và do đó tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về những lời của cậu”.
Bác Sĩ Andrea Biondi và Bác Sĩ Mòmcilo Jankovic, những người điều trị cho Acutis tại bệnh viện nhi Thánh Gerald, đã khi lại những ký ức của họ với nhau trong một tờ giấy đã được đọc lớn tiếng trong sự kiện.
Họ nói: “Carlo giống như một ngôi sao băng với một thông điệp nhanh qua khu vực chúng tôi; bệnh bạch cầu đã cướp đi mạng sống của Ngài trước khi chúng tôi có thể biết Ngài dù chỉ một chút. Tuy nhiên, đôi mắt đẹp của Ngài vẫn còn in dấu [trong ký ức chúng tôi]. Cái nhìn của Ngài đầy chú ý…can đảm, tình yêu, và sự đồng cảm mạnh mẽ”.
“Niềm tin của cậu vào Thiên Chúa, điều mà cậu đã muốn và vẫn muốn truyền sang cho người khác, cho người thân cận của cậu, đã chiếu toả qua cậu…Đôi mắt dịu dàng của cậu…đã dạy cho chúng tôi thật nhiều: cuộc sống, dù vắn dù dài phải được sống cách mạnh mẽ cho bản thân, nhưng trên hết, còn cho cả người khác”.
Tim của Acutis dừng đập vào ngày 12/10 – một ngày mà hiện đang cử hành một lễ địa phương tại Giáo Phận Assisi và Tổng Giáo Phận Milan. Cha mẹ của Ngài đã mong muốn hiến hết nội tạng của Ngài, nhưng chúng cũng đã quá bị lấn loát bởi bệnh bạch cầu để có thể được hiến tặng.
Trái tim của Chân Phúc Carlo hôm nay được coi là một thánh tích và được chứa trong một chiếc hộp tại Assisi có in những lời của Ngài: “Thánh Thể là con đường lên thiên đàng của tôi”.
Joseph C. Pham
2020
Thứ Sáu Tuần XXIV – Mùa Thường Niên
Thứ Sáu Tuần XXIV – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Hc 36,18
Lạy Chúa, xin ban bình an
cho những người trông đợi Chúa.
Xin cho các ngôn sứ của Ngài
được luôn luôn trung thực.
Xin nghe tiếng nguyện cầu
của toàn thể dân Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
1 Cr 15,12-20
Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
12 Thưa anh em, nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói : không có chuyện kẻ chết sống lại ? 13 Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. 14 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. 15 Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. 16 Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. 17 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. 18 Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. 19 Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.
20 Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
Đáp ca
Tv 16,1.6-7.8 và 15 (Đ. c.15b)
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
1Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý ;
xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu
thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
6Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
7Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa,
Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài
khỏi quân thù xông đánh.
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
8Xin giữ gìn con như thể con ngươi,
dưới bóng Ngài, xin thương che chở.
15Về phần con, sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
Đ.Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
Tung hô Tin Mừng
- Mt 11,25
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Lc 8,1-3
Các bà cùng đi với Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai, đã lấy của cải mình mà giúp đỡ các ngài.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Trong Chúa, chúng con được thực hiện, được sống và hoạt động. Và khi được tạo dựng với thân xác này, hằng ngày chúng con không những cảm nghiện được hiệu quả của lòng Chúa xót thương mà còn được bảo đảm hưởng sự sống muôn đời.
Vì khi chúng con nhận lãnh Chúa Thánh Thần như ân huệ khởi đầu, nhờ Người, Chúa đã làm cho Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại, chúng con hy vọng được muôn đời hưởng Mầu nhiện Vượt Qua.
Bởi vậy, trong khi cử hành lễ hân hoan này, cùng với toàn thể các Thiên thần, chúng con ca ngợi tung hô Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 35,8
Lạy Thiên Chúa,
tình thương Ngài quý trọng biết bao,
phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin …
2020
Tự biết mình
11.9 Thứ Sáu
1Cr 9, 16-19. 22b-27; Lc 6, 39-42
TỰ BIẾT MÌNH
“Hãy tự biết mình” là lời khuyên có ý nghĩa rất sâu xa từ ngàn xưa của các bậc minh triết. Đức Lão Tử sinh khoảng thế kỷ thứ VI trước CN, từng viết trong Đạo Đức Kinh : ” Tri nhân giả trí; tự tri giả minh.” (Biết người là trí (khôn); biết mình là sáng suốt), nhằm đề cao đức tính tự biết bản thân, thành thật nhận định trung thực phẩm chất của chính con người mình, nên được gọi là “minh”.
Còn cái biết về kẻ khác là cái tri thức của giác quan hay kinh nghiệm, không cần có bản lãnh sáng suốt vượt trên tư ngã.. Triết gia Hy lạp Socrates (399 – 470 TCN) cũng nổi tiếng với phương ngôn “Hãy tự biết mình” và tự khẳng định rằng : ” Có một điều tôi biết chắc chắn là tôi không biết gì cả”, ý nói cái biết thế giới hiện tượng không phải là cái biết đích thật, tức không phải chân lý. Vậy tự biết mình có nghĩa là:
Biết bản thể thiêng liêng của mình:
“Con biết con là ai đó chăng?
Con ôi, lý đạo ráng tầm phăn;
Con là không phải tâm phàm xác,
Con vốn chơn thần Thượng Đế ban.”
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với nội tâm để có thể nhận ra những ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm, những đam mê, những ham muốn đang điều khiển con người mình hầu mỗi ngày biết “lấy cái xà ra khỏi mắt mình”, để cảm thông, tha thứ cho nhau và nhất là có thể “thấy rõ và lấy cái rác ra khỏi mắt của anh em” mình.
Chỉ là thụ tạo mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa, nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người: sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của mình cũng như của người khác.
Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình liên đới với tha nhân.
Thực tế, ta rất dễ dàng phê phán và nhìn thấy những khuyết điểm của người khác nhưng thật khó nhận ra những lầm lỗi thiếu sót của bản thân. Bởi vì, mang thân phận con người chúng ta rất dễ bị các yếu tố tình cảm chi phối, nên cái nhìn rất dễ lệch lạc. Khi vui ta nhìn mọi cái theo lăng kính màu hồng, khi buồn ta nhìn mọi thứ đều màu xám, khi hứng khởi thì mọi thứ đều màu xanh… Khi nhìn vào chính lòng mình ta lại bị lăng kính cái “tôi” chi phối. Do đó “cái tôi” càng lớn ta càng thấy mình tốt đẹp, trong sáng, hoàn hảo. Càng có địa vị, có uy tín ta càng khó nhìn ra và chấp nhận những lầm lỗi khuyết điểm của mình.
Để biết mình cần chúng ta đi sâu vào thinh lặng nội tâm để nhận ra sự hiện diện diện của Thiên Chúa, để lắng nghe sự dạy dỗ của Ngài, để được Ngài soi sáng tâm can hầu nhận ra những tội lỗi, những khuynh hướng xấu đang đè nặng tâm hồn, làm mờ mắt tâm linh, làm ta phải xa cách Thiên Chúa, xa cách tha nhân và xa lạ với chính mình. Biết mình giúp ta nhận ra những ưu điểm để phát huy và những nhược điểm để khắc phục. Biết những giới hạn của mình sẽ giúp ta bao dung, cảm thông trước những giới hạn của người khác, nhìn nhận và tôn trọng những tài năng và khác biệt của tha nhân để giúp nhau thăng tiến, cùng nhau kiến tạo cuộc sống tươi đẹp, tràn ngập yêu thương. Sự biết mình chân thực sẽ giúp ta đủ sáng để nhìn đúng những thiếu sót của tha nhân; giúp ta đủ chân thành, khiêm tốn và yêu thương giúp nhau hoán cải để trở nên hoàn thiện mỗi ngày.
“Hỡi người, hãy tự biết mình”, đó là khẩu hiệu mà nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh, có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. “Hãy sám hối” trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.