2022
Thánh lễ an táng cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP.
Thánh lễ an táng cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP.
Vào lúc 09g00’ sáng thứ hai, ngày 31 tháng 01 năm 2022, Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam đã dâng thánh lễ an táng cho Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP., tại Đền thánh Martin, Hố Nai.
Chủ tế thánh lễ là Cha Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, OP., Giám tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam. Đồng tế với cha Giám tỉnh là quý cha bề trên, quý cha quản hạt, đông đảo quý cha trong và ngoài Tỉnh Dòng. Bên cạnh đó, thánh lễ còn có sự tham dự của quý bề trên, quý tu sĩ nam nữ thuộc gia đình Đa Minh và nhiều Dòng tu khác, cùng quý vị thân nhân và bằng hữu của cha Giuse.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Matthêu Vũ Văn Lượng, OP., đã giới thiệu cho mọi người về cái “Họa” và “Phúc” trong cuộc đời. Nhìn từ bên ngoài, có lẽ ai cũng thấy việc cha Giuse ra đi đầy đau đớn và đột ngột như thế thì quả là một thảm họa và đáng buồn, vì cha còn quá trẻ mà trước lúc ra đi, cha không gặp được ông cố, anh chị em ruột của mình.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, việc cha Giuse ra đi khi đang cử hành Bí tích Giao hòa cho mọi người lại là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã yêu thương ban cho cha, vì chính lúc ấy là lúc cha đang thi hành tác vụ của một người mục tử nhân lành và một vị lương y của tâm hồn. Chính khi ấy, cha được hiệp thông với cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Vì thế, cái chết của cha là một cái chết anh hùng, thánh thiện và tràn đầy tình yêu: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người.
Trước khi kết thúc thánh lễ, cha Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, OP., đã thay mặt cho anh em trong Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và tang quyến của cha Giuse để gửi lời cảm tạ và tri ân đến Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kontum, đến quý cha bề trên, quý cha quản hạt, quý cha, quý bề trên các hội dòng, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn, vì mọi người đã thương mến, thăm hỏi, chia buồn, đọc kinh, cầu nguyện và dâng thánh lễ cho cha Giuse.
Trước đó, vào lúc 08g30’, tất cả anh em trong Tỉnh Dòng đã cử hành nghi thức tiễn biệt cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP. Thay mặt Tỉnh Dòng, Cha Giám tỉnh đã nói lên tâm tình bàng hoàng, xúc động và đầy xót xa trước cái chết đột ngột và đau thương của cha Giuse. Cha Giám tỉnh nói rằng cả Tỉnh Dòng không thể nào quên được gương mặt hiền lành, nụ cười dễ mến của Cha Giuse. Cha thật là một tấm gương sáng vì đã dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa, Giáo Hội, Tỉnh Dòng và mọi người.
Sau thánh lễ, tất cả anh em trong Tỉnh Dòng, tang quyến và cộng đoàn tiễn đưa cha Giuse đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Đa Minh, ban cho cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP., sớm hưởng Thánh Nhan Ngài. Amen.
2022
Can trường như Gioan Tẩy Giả
4.2 Thứ Sáu trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Hc 47:2-11; Tv 18:31,47,50,51; Mc 6:14-29
Can trường như Gioan Tẩy Giả
Trang Tin mừng thứ Sáu tuần IV thường niên hôm nay nhắc đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Có vẻ như thánh sử Máccô không lôgic lắm khi đang trình bày sứ vụ công khai của Chúa Giêsu cùng với việc Ngài tuyển chọn và sai các môn đệ đi loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, thì bất ngờ ở đây lại nhắc đến việc Gioan Tẩy Giả bị chém đầu.
Thực ra, việc đề cập đến cái chết của Gioan Tẩy Giả là có dụng ý của thánh sử. Số mạng củaGioan Tẩy Giả báo trước số mạng của Chúa Giêsu cũng như định mệnh các môn đệ của Ngài. Con đường làm chứng cho Tin mừng Nước Thiên Chúa là con đường chông gai, đau khổ, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Người ta thường nói sự thật thì mất lòng. Sự thật là chuyện rất khó nói bởi vì nó chỉ đem lại cho chúng ta những phiền toái, mích lòng nhau. Trong trường hợp của Gioan tẩy giả thì tệ hại hơn … Ông nói ra sự thật về tội loạn luân của nhà vua Hêrôđê : chiếm đoạt vợ của anh mình là Hêrôđiađê, nên ông Gioan tẩy giả đã bị thiệt thân. Lương tâm của vị ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi nhà vua hãy trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan tẩy giả đã bị vua chém đầu, bị chết vì công lý.
Khi ra lệnh chém đầu thánh Gioan Tẩy Giả, vua Hêrôđê lo buồn, vì ông biết rằng thánh Gioan Tẩy Giả là một người chính trực, một vị tiên tri được dân chúng kính trọng. Nhà vua biết đây là việc rất sai trái nhưng vẫn làm, vì vua sợ bị mất thể diện hơn là sự dằn vặt bởi tòa án lương tâm, đến nỗi sau này khi nghe danh Chúa Giêsu, vua giật mình tưởng thánh Gioan sống lại.
Thánh Gioan Tẩy Giả thì ngược lại, khi quở trách vua Hêrôđê trong việc cưới bà Hêrôđia, có lẽ thánh Gioan biết rằng, việc làm ấy coi như là ngài đã tự ký bản án tử hình cho mình. Nhưng không vì thế mà ngài không dám nói lên sự thật, ngài đã can đảm mạnh dạn lên án điều xấu, dù biết rằng, nói lên sự thật thì phải chết.
Dù biết ông Gioan là người công chính và muốn che chở cho Gioan, nhưng Hêrôđê đã mềm lòng trước quyến rũ của sắc đẹp, ông đã giết người vô tội. Hình ảnh Hêrôđê cũng chính là hình ảnh của những con người nhu nhược trước tiếng nói của lương tâm. Con người ấy rất dễ có trong chúng ta. Khi những đam mê sắc dục và danh vọng làm lu mờ lý trí và lương tâm, thì người ta bất cần những lời khuyên nhủ và sự cảnh giác của người khác. Từ đó sinh ra đố kỵ, ganh tị, oán thù và nhiều việc gian ác…
Gioan Tẩy giả đã biểu lộ vai trò làm ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật, bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.
Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu.
Càng ngày càng có nhiều người mang tính Hê-rô-đê. Vì bươn chải với đời, người ta đã đối xử bất công với nhau. Họ sẵn sàng đổi lấy danh vọng, tiền tài bằng những chèn ép, mánh lới, bằng những thủ đoạn gian dối xảo quyệt. Đứng trước thực trạng đó, đôi lúc con không đủ can đảm để làm chứng cho sự thật, không dám hành động theo sự nhận thức của lương tâm, không dám nói lên chân lý của Phúc Âm, không dám ngăn chặn sự dữ. Ta thấy nhiều người giả điếc làm ngơ, giả mù không thấy, vì bản thân họ sợ phiền hà, sợ bị làm khó dễ, sợ mất việc làm, sợ người đời chê bai, dè bỉu, ghen ghét, trả thù.
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đóng vai trò làm ngôn sứ, chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu.
Khi chúng ta dám nói lên sự thật thì khi đó chúng ta đang giới thiệu cho thiên hạ thấy dung mạo của Đức Giêsu Kitô bởi vì Ngài nói Ngài chính là “sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Khi nói lên sự thật, khi làm chứng cho sự thật thì chúng ta sẽ bị thiệt thòi, bị chống đối, bị hãm hại và có thể mất đầu giống như Gioan vậy. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã dạy rằng : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32).
Khi chúng ta dám nói lên sự thật, thì chúng ta đến cùng ánh sáng (Ga 3,21), và sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự dữ, sự xấu. Một khi chúng ta e ngại, sợ hãi, không đủ can đảm nói thật và sống thật, thì chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu và xin Ngài thêm sức mạnh, để can đảm sống theo sự thật, đi theo ánh sáng của Chúa, và làm chứng cho chân lý của Phúc âm.
Muốn làm chứng cho chân lý của Tin Mừng, thì chúng ta hãy đổi mới bản thân và cuộc sống của gia đình theo ánh sáng của Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày.
Hãy để cho chân lý của Tin Mừng đi sâu vào tâm hồn và đời sống gia đình. Gia đình chúng ta hãy siêng năng đọc sống và sống Lời Chúa dạy, sống hòa thuận yêu thương nhau, mọi người biết tôn trọng nhau, phục vụ nhau, sống chân thành với nhau, và biết từ bỏ những thái độ xấu của bản thân, chẳng hạn như sống giả dối, lường gạt, làm ăn phi pháp, …
Con người ngày nay quá say mê với danh vọng, vật chất thế gian mà sẵn sàng chà đạp lên sự thật, công lý. Chính lối sống đó đã đẩy người ta vào tình trạng sa đọa và chết chóc muôn đời. Ngược lại, nếu ta dân thấn vì Tin mừng cho đến độ có thể phải mất mạng sống mình như Gioan Tẩy Giả và các môn đệ xưa kia, thì ta sẽ được chỗi dậy với Chúa cho một đời sống mới. Nói như thánh Phanxicô Assisi: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!
Sống và làm chứng cho Tin Mừng không chỉ mang lại ơn ích cho gia đình, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các gia đình xung quanh, qua đời sống bác ái yêu thương của mỗi gia đình.
2022
Lời cầu nguyện xin ơn kiên nhẫn sau khi rước lễ
Lời cầu nguyện xin ơn kiên nhẫn sau khi rước lễ
Sau khi lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, hãy xin ơn kiên nhẫn trong đời sống hàng ngày của bạn.
Tất cả chúng ta đều có thể kiên nhẫn thêm một chút nữa trong cuộc sống của mình, mặc dù hầu hết chúng ta đều thật sự không “mong muốn” điều đó. Kiên nhẫn có nghĩa là đối mặt với những tình huống bất tiện và khoan dung với người khác, những người thường là nguyên nhân khiến chúng ta phải chờ đợi.
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn là chìa khóa trung tâm của đời sống thiêng liêng và đã được nêu gương nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng nhân từ và kiên nhẫn với chúng ta cũng như với nhiều lỗi lầm của chúng ta.
Dưới Đây là lời cầu nguyện xin ơn kiên nhẫn được phỏng theo Sách Lễ Hàng Ngày của Nhà xuất bản Thánh Anrê, một lời cầu nguyện thường được dâng lên sau khi rước lễ để cầu xin Thiên Chúa ban ơn và giúp chúng ta noi gương kiên nhẫn của Người.
Lạy Chúa, Đấng nhờ sự kiên nhẫn của Con Một Chúa
mà dẹp tan sự kiêu ngạo của kẻ thù xưa,
chúng con xin Chúa cho những mầu nhiệm thánh thiêng nhất,
mà chúng con đã được dự phần,
có thể một lần nữa mang lại cho chúng con ân sủng mà chúng con đã đánh mất,
và xin phòng giữ chúng con mọi lúc, mọi nơi,
để các mầu nhiệm đó thông truyền cho chúng con ơn kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh.
Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, Amen.
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
2022
ĐTC tiếp các tham dự viên đại hội toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin
ĐTC tiếp các tham dự viên đại hội toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin
Sáng 21/1/2022, Đức Thánh Cha đã tiếp các tham dự viên đại hội khoáng đại của Bộ Giáo lý Đức tin vừa kết thúc. Ngài nhắn nhủ các thành viên: “Chúng ta đừng hài lòng với một đức tin hờ hững và thói quen. Chúng ta hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần và với nhau để ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã đến để mang vào thế giới tiếp tục bùng cháy và thổi bùng tâm hồn mọi người.”
Sau khi cảm ơn sự phục vụ quý giá của Bộ Giáo lý Đức tin đối với Giáo hội hoàn vũ trong việc thúc đẩy và bảo vệ tính toàn vẹn của giáo lý Công giáo về đức tin và luân lý, Đức Thánh Cha chia sẻ với họ về 3 điểm:
Phẩm giá
Thứ nhất là phẩm giá. Đức Thánh Cha nhận xét rằng “trong thời đại của chúng ta, ghi dấu bởi rất nhiều căng thẳng về xã hội, chính trị và thậm chí về sức khỏe, ngày càng có nhiều cám dỗ coi người khác là người lạ hoặc kẻ thù, từ chối nhân phẩm thực sự của họ. Vì thế, đặc biệt là vào lúc này, chúng ta được mời gọi hãy nhớ lại, ‘trong mọi dịp thuận lợi chứ không phải tùy cơ hội’ (2 Tm 4,2), và trung thành tuân theo giáo huấn đã hai ngàn năm của Giáo Hội, rằng phẩm giá của mỗi con người đều có đặc tính nội tại và có giá trị từ thời điểm thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.”
Giá trị của nhân phẩm là điều Giáo hội luôn tuyên bố và đề cao, vì “con người là kiệt tác của Đấng Tạo hóa: con người được Thiên Chúa quý mến và yêu thương như một đối tác trong kế hoạch vĩnh cửu của Người”. Đức Thánh Cha cảm ơn Bộ Giáo lý Đức tin đã suy tư về giá trị của phẩm giá con người, và quan tâm đến những thách đố mà thực tế đặt ra đối với phẩm giá con người.
Phân định
Suy tư thứ hai được Đức Thánh Cha chia sẻ là phân định. Ngài nói rằng tín hữu ngày càng được yêu cầu biết nghệ thuật phân định trước những vấn đề mới và phức tạp, cũng như trước nhu cầu tâm linh gia tăng mà không phải lúc nào cũng tìm thấy điểm quy chiếu của nó trong Tin Mừng.
Và việc thực hành phân định còn được áp dụng trong cuộc chiến chống các loại lạm dụng. Đức Thánh Cha nói: “Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, Giáo hội kiên quyết theo đuổi cam kết thực thi công lý cho các nạn nhân bị các thành viên của mình lạm dụng, áp dụng giáo luật đã được đề ra với sự chú ý và nghiêm ngặt đặc biệt.”
Đức tin
Và suy tư cuối cùng của Đức Thánh Cha là về đức tin. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Bộ của anh chị em không chỉ được kêu gọi để bảo vệ mà còn để quảng bá đức tin. Nếu không có đức tin, sự hiện diện của các tín hữu trên thế giới sẽ chỉ còn là sự hiện diện của một cơ quan nhân đạo. Đức tin phải là trọng tâm của đời sống và hành động của mỗi người đã được rửa tội. Và không phải là một đức tin chung chung hay mơ hồ, giống như rượu bị pha nước, làm mất giá trị; nhưng đích thực, chân thành.”
Và Đức Thánh Cha nhắc các tham dự viên không bao giờ được quên rằng “một đức tin không đưa chúng ta vào khủng hoảng là một đức tin đang bị khủng hoảng; một đức tin không làm cho chúng ta lớn lên là một đức tin phải lớn lên; một đức tin không cật vấn chúng ta là một đức tin mà chúng ta phải tự vấn mình; một đức tin không làm chúng ta sống động là một đức tin phải được làm sống động; một đức tin không làm chúng ta hoang mang là một đức tin phải bị hoang mang” (Diễn văn trước Giáo triều Rôma, 21/12/2017). (CSR_212_2022)
Hồng Thủy