2022
Thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Chay
Thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Chay
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn để lòng suy nghĩ những điều hay lẽ phải mà mau mắn đem ra thực hành. Lại bởi vì chúng con không thể nào tồn tại nếu không có Chúa phù hộ chở che, xin giúp chúng con hằng biết thuận theo ý Chúa. Chúng con cầu xin…
BÀI ĐỌC I: Est 14, 1. 3-5. 12-14 (NV 4, 17k. 17lm. 17r-t)
“Lạy Chúa, con không có sự trợ giúp nào khác ngoài Chúa”.
Trích sách Esther.
Trong những ngày ấy, nữ hoàng Esther kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa. Bà nài xin Chúa là Thiên Chúa Israel rằng: “Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, xin cứu giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con. Con đang lâm cơn nguy biến. Lạy Chúa, con nghe cha con nói rằng Chúa ưu đãi Israel hơn mọi dân tộc, ưu đãi cha ông chúng con hơn bậc tiền bối của các ngài, đã nhận các ngài làm phần cơ nghiệp muôn đời và đã thực thi lời hứa với các ngài.
“Lạy Chúa, xin hãy nhớ (đến chúng con) và hãy tỏ mình ra cho chúng con trong cơn gian truân của chúng con. Lạy Chúa là Vua các thần minh và mọi bậc quyền bính, xin ban cho con lòng tin tưởng. Xin đặt trong miệng con những lời khôn khéo trước mặt sư tử, xin Chúa đổi lòng sư tử để nó ghét kẻ thù của chúng con, để kẻ thù ấy và những ai đồng loã với hắn sẽ phải chết. Nhưng phần chúng con, thì xin Chúa ra tay giải thoát chúng con và phù trợ con, vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, không ai giúp đỡ con”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8
Đáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. – Đáp.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. – Đáp.
3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.
PHÚC ÂM: Mt 7, 7-12
“Ai xin thì sẽ nhận được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!
“Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Đấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy”.
Đó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa rất nhân từ, đây là lời cầu khẩn cùng với của lễ chúng con kính dâng lên, xin Chúa vui nhận và hướng lòng chúng con quay về với Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã thương ấn định cho con cái Chúa một thời gian đặc biệt/ để phục hồi sự trong sạch các tâm hồn, để khi lòng trí được thoát khỏi những tâm tình bất chính, con cái Chúa sử dụng của cải chóng qua/ mà gắn bó hơn với những thực tại bền vững muôn đời.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con tôn thờ, Chúa dùng bí tích Thánh Thể làm cho chúng con đứng dậy hiên ngang. Xin cho bí tích này nâng đỡ chúng con mọi nơi mọi lúc. Chúng con cầu xin…
2022
Ảnh hưởng của Thánh nhạc và Thánh ca trong đời sống đức tin của giới trẻ
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng được nghe âm nhạc khi mới chào đời. Lời ca đầu tiên chúng ta nghe chắc chắn là của mẹ, người đã hát những bài hát ru êm đềm đưa chúng ta chìm vào giấc ngủ. Khi chúng ta lớn lên, âm nhạc trở thành người bạn mà chúng ta ưa thích nhất, bởi nó tiếp thêm năng lượng cho chúng ta. Và đối với nhiều người, không thể tưởng tượng được một cuộc sống không có âm nhạc. Âm nhạc ngày nay đã bước vào mọi sinh hoạt của cuộc sống con người, nó thực sự liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta: thể thao, chính trị, tình yêu, tôn giáo, quảng cáo, thương mại, chữa lành, tâm trí, trái tim, cơ thể và còn là một phương tiện giao tiếp toàn cầu.
Đối với Kitô giáo, âm nhạc là một phần không thể thiếu của Phụng vụ. Thật vậy, Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vatican II đã nhắc lại quan điểm của Đức Piô X rằng âm nhạc phục vụ cho việc thờ phượng và tạo nên “thành phần hoàn chỉnh của Phụng vụ trọng thể”, và “mục đích chung của nó là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu”.[1]
Lịch sử nguồn gốc của âm nhạc phụng vụ của Giáo hội khởi đi từ Thánh Kinh. Cụ thể, Cựu Ước đã cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn rất rõ ràng về việc dân Do Thái đã dùng âm nhạc trong mọi biến cố của cuộc sống, cách đặc biệt họ đã dùng âm nhạc để ca ngợi Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng và đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ.
Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu và các môn đệ đã hát Thánh vịnh sau khi thiết lập Bí tích Thánh Thể (x. Mt 26, 26-30). Thánh Phaolô đã mời gọi các tín hữu “cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng, đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19).
Đến lượt mình, tiếp tục truyền thống của dân tộc Do Thái, Giáo hội xem âm nhạc là một phần thiết yếu trong các buổi cầu nguyện và cử hành phụng vụ. Đồng thời Giáo hội không ngừng canh tân và thích ứng theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử loài người, cách riêng trong lĩnh vực âm nhạc. Cho đến nay, có thể nói âm nhạc phụng vụ đã có những bước đi vững vàng trong những thực hành của Giáo hội.
Tại Việt Nam, âm nhạc phụng vụ hay thánh ca đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống đức tin của người tín hữu, sau cuộc canh tân của Công đồng Vatican II, cho phép cử hành phụng vụ theo ngôn ngữ địa phương, kể từ đó môn nghệ thuật thánh này ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Trong những năm sau 1975, thánh ca được xem là “món ăn tinh thần” của nhiều người tín hữu. Giới trẻ thời đó sở hữu rất nhiều cái không: không tivi, không điện thoại, không xe máy, không computer, không có nhiều game shows để giải trí, thậm chí cũng không có những phương tiện tối thiểu dùng để đi lại… Tuy nhiên, có một điều mà họ không bao giờ thiếu đó là ham muốn được tham gia ca đoàn, góp phần thờ phượng Thiên Chúa, giữ cho căn nhà của Giáo hội lúc bấy giờ được vững vàng và sinh động, củng cố niềm tin của mọi người giữa những nghịch cảnh bằng lời ca tiếng hát của mình.
Rất nhiều bài thánh ca đóng vai trò chèo chống, chuyên chở, truyền tải đức tin từ thế hệ này cho đến thế hệ khác, mãi cho đến hôm nay nó vẫn như vậy và có lẽ sẽ còn tiếp tục cho đến khi nào “lưỡi dính vào cuống họng” không còn có thể ca hát được nữa. Vì vậy có thể nói rằng thánh ca đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng của người công giáo. Trong những khoảnh khắc vui tươi hay sầu buồn, những bài thánh ca công giáo vang lên mang theo hơi thở sẻ chia và an ủi. Trong những lúc cần phải củng cố niềm tin, thánh ca trở nên người bạn đồng hành, phủ lấp tâm hồn trống rỗng, thất vọng bằng niềm hy vọng, tiếp thêm sinh lực và gia tăng lòng nhiệt thành. Ngoài ra thánh ca cũng góp phần trong công cuộc rao giảng Tin mừng và duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội.
Để thấy rõ hơn lý do tại sao thánh ca có tầm ảnh hưởng đến đời sống đức tin của người tín hữu, đặc biệt là giới trẻ xưa và nay như đã nêu trong tựa đề, trước hết cần phải điểm lại vài khía cạnh riêng biệt của âm nhạc.
I. VÀI ĐẶC TÍNH CỦA ÂM NHẠC VÀ THÁNH CA
1. Quà tặng của Thiên Chúa
Thiên Chúa đã tặng cho con người một món quà thật lớn lao. Ngài đã cho chúng ta món quà đích thực là chính Ngài. Ngài còn ban cho chúng ta nhiều phương tiện và cách thức khác nhau để qua đó chúng ta có thể ca ngợi và đến gần Ngài với tâm tình cảm tạ và tri ân (x. Tv 149, 1-6a; 150, 1-6). Âm nhạc là một trong những cách thức đó. Vì âm nhạc là một trong những “phẩm chất tự nhiên mà Thiên Chúa, Đấng kết hợp tài tình ở nơi Người sự hài hòa tuyệt hảo và thuần nhất tuyệt vời, đã tô điểm cho nhân loại, khi tạo thành con người ‘giống hình ảnh Người’ (St 1, 26)” .[2] Từ cái nhìn này, Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Ca hát, chơi đàn, sáng tác, chỉ huy, làm nên âm nhạc trong Hội thánh là một trong những thứ tuyệt vời nhất để vinh danh Thiên Chúa. Đó là một đặc ân, quà tặng của Thiên Chúa được diễn tả qua nghệ thuật âm nhạc và giúp tham gia vào các mầu nhiệm thánh”,[3] Âm nhạc chính là một món quà đến từ Thiên Chúa, và chúng ta có nhiệm vụ trau dồi nó như một trong những thứ quý giá nhất.
2. Con đường dẫn đến Thiên Chúa
Mục tiêu đầu tiên mà con người muốn diễn tả qua những bài thánh ca đó là hướng tâm hồn lên tới Chúa vì Ngài là sự hòa hợp và là sự thiện tuyệt đối. Ngài đã ban cho con người khả năng diễn tả về chính mình và đặc biệt là về Thiên Chúa qua nghệ thuật, qua ngôn ngữ của âm nhạc. “Âm nhạc mà hay và đẹp là công cụ ưu biệt để đến gần với Đấng siêu việt”,[4] hoặc “khi nghe một bài thánh ca rung động con tim chúng ta, tâm hồn chúng ta mở rộng ra và dễ dàng quay hướng về Chúa”.[5]
Thực vậy âm nhạc là một nghệ thuật, như con đường dẫn đến Thiên Chúa. Nghệ thuật có khả năng diễn tả và bộc lộ nhu cầu của con người muốn vượt xa hơn điều họ trông thấy; nó biểu lộ lòng khao khát và tìm kiếm cái vô tận. Nó giống như cánh cửa mở ra cái vô hạn, hướng tới một vẻ đẹp và một sự thật vượt ra khỏi thói quen hằng ngày. Và một tác phẩm nghệ thuật có thể mở rộng tầm mắt của trí óc và con tim, thúc đẩy chúng ta hướng lên.[6] Những diễn tả nghệ thuật có thể là những cơ hội nhắc chúng ta nhớ đến Chúa, để giúp chúng ta cầu nguyện hoặc ngay cả giúp cải hóa con tim chúng ta trở lại cùng Chúa. Âm nhạc mời gọi chúng ta và nâng tâm trí chúng ta lên tới Thiên Chúa để rồi tìm ra nơi Ngài các lý do của niềm hy vọng của chúng ta và tìm được sự nâng đỡ cho các khó khăn trong cuộc đời. Trung thành với các giới răn của Ngài và kính cẩn trước chương trình cứu rỗi của Ngài, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thế giới trong đó vang lên các cung điệu hòa hợp đầy an ủi của một bản hòa tấu siêu việt của tình yêu.[7] Đức ông Andreatta đã nhận xét: “Thánh nhạc là công cụ và là ngôn ngữ giúp cho họ tìm lại nỗi nhớ mà mỗi một người có về nguồn gốc của mình, mục tiêu cuối cùng của mình, đó là nỗi nhớ về Thiên Chúa”.[8]
3. Một cách thức biểu lộ niềm tin
“Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145, 1-3).
Niềm tin của con người vào Thiên Chúa được biểu lộ không chỉ bằng những lời kinh nguyện, rao giảng hoặc bằng những hành động bác ái cụ thể, nó còn được biểu lộ bằng ngôn ngữ của thơ ca và âm nhạc. Trong âm nhạc, ca hát là biểu hiện cao nhất của lòng con người. Chỉ cần nghe những bài thánh ca của các nhạc sĩ nổi tiếng đủ để chúng ta bị thuyết phục về điều này. Bởi vì nó xuất phát từ những cảm nghiệm về một thứ nghệ thuật cao đẹp và một đức tin sâu xa của tác giả trước mặt Đấng Toàn Năng, được trình bày qua một tác phẩm. Bản hợp xướng Requiem của Mozart phát sinh từ niềm tin này, như lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, vị thẩm phán chí công và nhân từ, và chính điều này đánh động con tim của mọi người, giới thiệu cho mọi người như một diễn tả khát vọng phổ quát của nhân loại.[9]
Thánh Phanxicô Assisi đã không sáng tác “Bài ca anh mặt trời” trong thời điểm sáng tươi của cuộc đời; trái lại, ngài đã sáng tác nó trong hoàn cảnh thật khó khăn. Lúc đó, thánh nhân gần như bị mù, và ngài cảm thấy tâm hồn nặng trĩu trong sự cô đơn chưa từng có. Có thể đó là khoảnh khắc tuyệt vọng mà ngài nhận thấy được sự thất bại của mình: bởi thế giới đã không hề thay đổi kể từ khi ngài bắt đầu rao giảng, vẫn còn đâu đó những cuộc cãi vã và cấu xé lẫn nhau. Và rồi ngài đã cầu nguyện: “Lạy Chúa của con, mọi lời ngợi khen thuộc về Chúa”.[10] Âm nhạc được sinh ra từ đức tin và có khả năng diễn tả và thông truyền đức tin. Âm nhạc tường thuật lại đức tin sống động của chúng ta và đã trở thành lời chứng đích thực cho niềm tin của chúng ta.
4. Một phương tiện gìn giữ và nâng đỡ đức tin
Ngày nay đã qua cái thời nhà thờ là trung tâm của mọi sinh hoạt, nơi tụ tập đông người từ sáng đến chiều tối. Ngày xưa giới trẻ không có nơi nào để đến ngoài nhà thờ, đặc biệt ở những vùng quê, thiếu điện, thiếu mọi sinh hoạt mang tính cộng đồng. Nhà thờ là điểm đến số một. Có người cho rằng: “giới trẻ đến nhà thờ nhưng chưa hẳn vì lòng tin hay đạo đức, nhưng có lẽ vì vui, có đông người, có ca đoàn hát hay, có người mặc quần áo đẹp, hợp thời trang…” .[11] Dù thế nào đi nữa mọi sinh hoạt ở nhà thờ, đặc biệt về lĩnh vực phụng vụ, ca hát đã trở nên một phương tiện lôi kéo và gìn giữ đức tin của nhiều người tín hữu trong suốt một thời gian dài.
Trong thông điệp Musicae Sacrae Disciplina, Đức Giáo hoàng Piô XII khẳng định: “Về mặt Thánh nhạc, nghệ thuật này sẽ làm cho con cái Hội thánh mạnh mẽ hơn trong đức tin, vững chí hơn trong đức cậy, nhiệt tâm hơn trong đức mến, khi họ dâng lên một Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi, nhờ các bài hát đầy giá trị và những bản hợp xướng êm ái, những lời ca tụng để tôn vinh Thiên Chúa trong các nhà thờ”.[12] Và ngay ngoài nhà thờ, trong những gia đình công giáo, những buổi hội họp, đám tiệc, những khoảnh khắc riêng tư, bất cứ lúc nào người ta cũng có thể hát để ngợi ca, tạ ơn, làm chứng hoặc hát để giữ lòng thêm vững vàng trước những gian nan thử thách, lẻ bóng của cuộc đời. Chỉ một bản nhạc thôi đã làm rung động hàng triệu trái tim, chỉ một giai điệu thánh ca ngọt ngào có thể biến đổi, hay củng cố niềm tin cho hàng nghìn người.
5. Một phương pháp dạy và học giáo lý
Một tác vụ khác của âm nhạc và thơ ca là chuyển tải giáo lý của Giáo hội đến với mọi người, giống như các giáo phụ và các nhạc sĩ của chúng ta đã làm xưa nay. Âm nhạc phát xuất từ đức tin, cho nên những gì được trình bày qua âm nhạc cũng được các nhạc sĩ rút tỉa từ kinh nghiệm thiêng liêng, từ Thánh kinh và các Giáo huấn của Giáo hội. Công đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đòi hỏi các nhạc sĩ phải “thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy ý thức rằng mình được kêu gọi trau dồi thánh nhạc và phát triển kho tàng thánh nhạc… Lời ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn là rút ra từ Thánh kinh và các nguồn mạch phụng vụ”.[13]
Trong kho tàng thánh nhạc Việt Nam có rất nhiều bài thánh ca (dùng trong phụng vụ hay trong những buổi sinh hoạt giáo lý, cộng đồng) đã đáp ứng được vai trò quan trọng này. Khi một bài thánh ca được vang lên “những từ và ý thấm nhập vào tâm trí, được lặp lại thường xuyên, và mỗi ngày càng được hiểu sâu sắc hơn. Nhờ đó, ngay cả các thiếu nhi nam nữ, khi học những bài hát đó lúc còn bé cũng cảm thấy được giúp đỡ nhiều, để thấu hiểu, thưởng thức và ghi nhớ các chân lý đức tin, và như vậy rất tiện lợi cho mục vụ huấn giáo.
Những thanh thiếu niên và những người trưởng thành trong lúc vui đùa giải trí, hát những bài đó sẽ tìm được một niềm vui thú trong sáng, lành mạnh. Những buổi họp, những đại hội long trọng, nhờ các bài hát đó, sẽ đượm một vẻ tưng bừng tôn giáo. Cuối cùng, các gia đình Kitô hữu nhờ đó, sẽ gặp được một niềm vui chan chứa, một sự nâng đỡ dịu dàng và mọi lợi ích thiêng liêng đáng kể”.[14]
Thật vậy, những gì đã và đang xảy ra nơi các giáo xứ, trong quá khứ cũng như hiện tại là bằng chứng xác thực về điều đó. Hàng vạn bài ca với nội dung liên quan đến Thánh kinh, huấn giáo áp dụng cho các lớp giáo lý, không những đã gieo vào tâm trí các em nhỏ ở mọi lứa tuổi tâm tình sống đạo mà còn trở thành những hành trang cần thiết cho các em vào đời khi đến tuổi trưởng thành. “Các tín hữu đã học được rất nhiều từ đó, làm lợi cho kinh nghiệm cầu nguyện và sống đạo của mình. Thật vậy, khi chưa mấy ai biết đọc và biết viết, nhiều người đã coi những cách trình bày tượng hình [xin xem lại chữ này] của Thánh kinh là một phương thế cụ thể để học hỏi giáo lý”.[15]
6. Một phương thuốc chữa lành con người
Một số nhà nghiên cứu khoa học hiện nay cho rằng, âm nhạc không chỉ là một phương tiện giúp con người giải trí hoặc thư giãn, nhưng nó còn có tác động đến trạng thái tinh thần và sức khỏe của con người. Ngoài việc dùng âm nhạc như phương pháp chữa trị về mặt thể lý[16], hơn thế nữa, nó còn có khả năng hàn gắn những vết thương, khơi dậy những cảm xúc và những hoài niệm, tô màu cho bức tranh ký ức, điểm tô thêm trên những bức họa với đủ các gam màu cuộc sống. [17]
Đối với Kitô giáo, âm nhạc một mặt là phương tiện con người dùng để hướng lòng lên Chúa, qua những bài thánh ca, mặt khác nó còn là phương thuốc chữa lành đời sống thiêng liêng, xoa dịu những tổn thương của tâm hồn và tạo nên sức mạnh giúp người tín hữu sống cách kiên định niềm tin của mình.
Như đã nói âm nhạc khơi nguồn từ một đức tin được kết nối với Thiên Chúa, với các Mầu nhiệm, Thánh kinh, Truyền thống, kinh nguyện, từ những cảm nghiệm và suy tư và vì thế đã trở thành phương tiện hữu hiệu trợ giúp con người trong những trận chiến
thiêng liêng chống lại cô đơn và cám dỗ của sự dữ. Thật vậy, giữa cuộc chiến thiêng liêng trong cuộc sống đầy những xô đẩy cám dỗ, thất vọng và cô đơn, âm nhạc như đoàn quân tiên phong dọn đường cho những đoàn quân khác, giống như dân tộc Israel đã thúc trống, thổi kèn trước khi xuất trận, chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại quân thù. “Như một tác động của Thánh Thần, âm nhạc mang lại hoa trái là bình an, hoan lạc, sám hối. chữa lành những cản trở của hoạt động ân sủng, gieo rắc bình an vào linh hồn các tín hữu và sửa soạn họ cho việc thờ phượng hoặc làm sống lại lời ca ngợi của một cộng đoàn xem ra đã chết”.[18]
Trên đây là một số những đường nét chung của âm nhạc, thánh nhạc, tuy chưa phải là tất cả, nhưng đã góp phần tạo nên một sợi chỉ xuyên suốt trong hành trình phát triển đức tin và cách sống đạo của người công giáo.
Tại Việt Nam, tất cả những người Kitô hữu trưởng thành trong một gia đình truyền thống đều bắt đầu hành trình sống đạo của mình, với những ảnh hưởng của âm nhạc, từ khi có trí khôn hoặc sớm hơn. Từ nhỏ, các em được cha mẹ, anh chị, dạy cho cách làm dấu, đọc kinh, hát những đoạn thánh ca ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc. Đến tuổi đi học, các em được cha mẹ đưa đến nhà thờ, đến với các lớp giáo lý, từ mẫu giáo đến lớp vào đời, ở đó các em được hấp thụ một nền giáo dục Kitô giáo đi liền với âm nhạc. Bên cạnh đó, các em còn được tham dự vào các buổi cử hành phụng vụ như thánh lễ, các giờ kinh nguyện chung hoặc tại gia, và một điều chắc chắn đó là không có buổi cử hành nào mà yếu tố âm nhạc không được đưa vào. Đó chính là quá trình phát triển và hình thành một phong cách sống niềm tin, không những cho các bạn trẻ mà trong đó còn có rất nhiều thế hệ cha ông đã từng sống với kinh nghiệm như thế.
II. THÁNH NHẠC, THÁNH CA VÀ GIỚI TRẺ
1. Ảnh hưởng của âm nhạc đối với giới trẻ ngày nay
Trong vài chục năm trở lại đây, nền âm nhạc hiện đại du nhập vào Việt Nam tạo nên một sự thay đổi về cách sống, cách nhìn, cách cảm nhận và cách hưởng thụ của hầu hết mọi tầng lớp xã hội, rõ nét nhất là giới trẻ. Nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ, cuồng nhiệt đến nỗi khiến họ quên cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Những ca khúc mới, giai điệu mới, với những bản hòa âm điện tử hiện đại, lộng lẫy và đầy kích thích, ca từ dùng những ngôn ngữ nhạy cảm khiến giới trẻ say sưa, gật gù và các câu hát cứ thế vang vọng khắp mọi ngõ ngách, từ đường phố cho đến trường học, đa dạng và phong phú. Âm nhạc đạt đỉnh, có lúc được tôn vinh như một tôn giáo mới và đôi khi vượt trên cả khái niệm về tôn giáo. Dưới đây là chia sẻ của một fan yêu thích âm nhạc: “Âm nhạc, đối với tôi là một thứ gì đó thiêng liêng và đầy mê hoặc. Không đơn thuần là sở thích hay đam mê, âm nhạc vượt trên cả một lý tưởng nào đó mà tôi có thể hình dung ra nổi. Ngày xưa tôi vẫn mường tượng trong đầu có lẽ âm nhạc là thứ tôn giáo duy nhất mà mình tin và tôn thờ thông qua việc nó mang lại sự khai sáng và đức tin cho tâm hồn. Nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng: “Không, tôn giáo có vị thánh để tôn thờ, còn âm nhạc là một thứ gì đó không thể cụ thể hóa thông qua ai đó được. Có rất nhiều nghệ sĩ mang tầm vóc đỉnh cao với các trường phái âm nhạc khác nhau, và dù sao đi chăng nữa thì chúng ta vẫn đâu thể nào xem họ như những vị thánh được”. Âm nhạc là một thứ gì rất khác, nó đứng trên cả khái niệm tôn giáo, bởi vốn dĩ thanh âm là dấu hiệu của sự sống mà con người tôn thờ”.[19]
Thực vậy, âm thanh và hoạt động của nền âm nhạc hiện đại lấn át mọi sinh hoạt của đời sống con người, dù vậy, chúng không những không giải quyết được mọi vấn đề mà còn gây ra những tác hại đáng lo ngại như một tờ báo đã nhận định: “Nhạc thị trường hướng đến giới trẻ và nếu như hàng ngày cứ rót vào tai họ những ca khúc quẩn quanh với yêu đương sướt mướt, than vãn hay quá sòng phẳng với những mối quan hệ xung quanh thì e rằng chủ nghĩa cá nhân, sự vô cảm sẽ sinh sôi mạnh mẽ mà thiếu đi ý chí phấn đấu, bầu nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ”.[20]
2. Thánh nhạc và giới trẻ
Xét về mặt xã hội, như đã nói trên, âm nhạc đem lại nhiều điều tích cực cho con người, nhưng nó không phải là tất cả. Mọi thứ chỉ dừng lại một mức độ tiêu dùng và hưởng thụ, đáp ứng cho một nhu cầu giải trí đầy tính thực dụng mà không hướng lòng họ đến chiều kích siêu nhiên, đến Đấng có quyền ban phát và làm chủ tất cả mọi sự. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải khách quan để nhìn nhận rằng, thị trường âm nhạc của xã hội hôm nay cách nào đó có tác động rất lớn trên đời sống tinh thần của nhiều người trẻ; nó tạo nên một làn sóng thu hút người trẻ chạy theo một mô hình toàn cầu mà quên đi những nét đặc thù vốn có của âm nhạc truyền thống, kể cả tôn giáo. Vì thế nó khiến chúng ta cảm thấy giới trẻ ngày nay dường như không mặn mà lắm với thánh nhạc, thánh ca của Giáo hội. Điều này gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ: liệu người trẻ ngày nay có còn đam mê thánh nhạc, thánh ca nữa không? Thánh nhạc có còn là món ăn tinh thần, có còn đóng vai trò trong sự phát triển đức tin của người trẻ nữa không? Chúng ta sẽ làm gì để giúp các bạn trẻ tiếp tục yêu mến và nhận ra giá trị của thánh nhạc, thánh ca trong đời sống đức tin của họ, và coi đó là một kho tàng quý giá, không thể thay thế mà Thiên Chúa đã ban cho con người?
Những điểm tích cực
Trong nhiều năm qua, trong lĩnh vực thánh nhạc, Giáo hội Việt Nam đã có những tiến bộ thực sự: nhiều lớp huấn luyện thánh nhạc được tổ chức khắp nơi; nhiều nhạc sĩ trẻ được đào tạo bài bản theo trường lớp; nhiều bài thánh ca hay ra đời; nhiều buổi trình diễn thánh ca, thi thánh ca, được tổ chức tại các giáo phận, giáo xứ; nhiều diễn đàn, hội nghị được tổ chức giúp sức cho việc phát triển nền thánh nhạc thêm phong phú và đi đúng hướng. Những thời điểm như thế diễn ra giúp củng cố niềm tin, khơi dậy tinh thần yêu mến Chúa và phục vụ Giáo hội qua những cố gắng dấn thân của rất nhiều người cho lĩnh vực này. Rõ ràng, trong những hoạt động có liên quan đến thánh nhạc, thánh ca, không ít người trẻ, dù phải chạy đua với cuộc sống thường ngày, đã hy sinh thời gian tham gia các hoạt động chung của cộng đoàn giáo hội địa phương. Bởi vì ý thức xây dựng một cộng đoàn đức tin và liên đới cách nào đó đã được hình thành nơi họ qua dòng thời gian nhờ phụng vụ và các bí tích, tất nhiên thánh nhạc là một đóng góp tích cực. Và chúng ta tin chắc rằng giới trẻ hiện nay vẫn không hề quay lưng lại với thánh nhạc, thánh ca cho dù ngoài xã hội đang chào mời bằng những thứ hấp dẫn hơn.
Và may mắn hơn nền âm nhạc Kitô giáo hoàn toàn khác biệt với những thứ âm thanh đang diễn ra trong xã hội như đang thấy. Âm nhạc của xã hội hiện đại được phân phát theo thị trường, thị hiếu tiêu dùng, theo kiểu “mì ăn liền”, dùng một lần rồi bỏ; trái lại, đối với Kitô giáo âm nhạc luôn được liên kết chặt chẽ với phụng vụ thánh thiện. Qua vẻ đẹp của sự thánh thiện, thánh nhạc “không những như một phương thế có sức nâng cao tâm trí lên cùng Thiên Chúa, mà còn như một sự trợ giúp quý báu cho các tín hữu trong việc tham dự tích cực vào các mầu nhiệm rất thánh và lời cầu nguyện công cộng và trọng thể của Giáo hội” ,[21] đồng thời có khả năng “giúp các tín hữu sẵn sàng hơn để đón nhận hiệu quả của ân sủng vào lòng, vốn là những nét đặc trưng của việc cử hành các mầu nhiệm thánh”.[22]
Những điều trên cho chúng ta thấy thánh nhạc, thánh ca, bằng mọi cách vẫn là những phương tiện hữu hiệu nâng đỡ đời sống đức tin của mọi tín hữu. Vì chưng, khi con người không cầu nguyện bằng sự thinh lặng, suy niệm, bằng những lời kinh thường ngày quen thuộc thì thánh ca sẽ là phương tiện giúp họ vượt qua những gì là trần tục để hướng đến một chiều kích siêu nhiên hơn chính là Thiên Chúa.
3. Chăm sóc mục vụ thánh nhạc cho giới trẻ
Ảnh hưởng của thánh nhạc, thánh ca trong đời sống đức tin của mọi giới qua những gì đã nêu trên là một thành quả tốt đẹp rất đáng trân trọng. Tuy nhiên ngoài việc thánh ca được dùng trong những buổi cử hành phụng vụ, cầu nguyện, các sinh hoạt khác, vẫn chưa thấy một “sân chơi” thực sự nào dành cho hoạt động của giới trẻ. Có chăng là những buổi hát thánh ca được tổ chức riêng lẻ mỗi năm một lần trong các dịp lễ, qua những cuộc thi hát thánh ca hoặc các đại hội giới trẻ tại một vài giáo phận, rồi cuối cùng đâu cũng vào đó.
Hầu hết chúng ta đều mong muốn sao cho bóng dáng của Lời Chúa, thể hiện qua những bài thánh ca, như một lời chứng được phổ biến rộng rãi, giống như các thể loại âm nhạc khác, được cất lên khắp cùng ngõ hẻm, vượt mọi ranh giới mà không hề ái ngại. vẫn có đó, nhưng chưa đủ! Vì thế trong việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ, cách riêng trong lĩnh vực thánh nhạc, cần phải lưu tâm nhiều hơn đến những ưu tư và ước muốn của người trẻ, đồng thời thích ứng tốt hơn trong những hoạt động liên quan đến thánh nhạc.
3.1 Một thoáng nhìn về giới trẻ hiện nay
Trong những năm gần đây tại Châu Âu và cả Châu Á, tỷ lệ người trẻ không còn niềm tin vào Giáo hội ngày càng gia tăng. Ngày càng có nhiều người trẻ xa rời đức tin, không tham dự phụng vụ ngày Chúa nhật, không cảm thấy mình thuộc về Giáo hội nữa. Hoặc tệ hơn khi một số người trẻ cho rằng: “Giáo hội chẳng liên quan gì đến cuộc đời họ. Một số còn minh nhiên yêu cầu Giáo hội để họ yên thân, vì họ cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là bực bội khi Giáo hội hiện diện”.[23]
Mối quan hệ giữa những người trẻ và Giáo hội ngày càng trở nên khó khăn. Thật khó để liệt kê đầy đủ mọi lý do khiến cho người trẻ rời bỏ Giáo hội, không còn nhận mình là Kitô hữu. Người ta có thể đổ lỗi cho những tác động của môi trường xã hội toàn cầu, thế nhưng điều mà con người ít để ý đến đó là họ đang sống với một thứ ‘linh đạo không có Thiên Chúa’.[24]
Mặc dù không ít những người trẻ dửng dưng, nguội lạnh nhưng vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng dấn thân trong mọi hoạt động của Giáo hội. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng đó của họ trong mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo hội.[25] Những người trẻ không thể đứng yên trong môi trường mà họ không tìm thấy không gian của mình hay không nhận được sự khích lệ. Họ là nhân vật chính, năng động, không yên tĩnh. Vì trong mọi thời điểm, những người trẻ luôn nắm giữ vai trò quan trọng, là tác nhân chính của những thay đổi, là những người nắm giữ tương lai và qua họ tương lai bước vào thế giới.[26] Giới trẻ giờ đây kêu gọi chúng ta nhập cuộc cùng họ chống lại những rào cản ngăn cách cuộc sống của họ, giúp họ phát triển một cách đúng đắn. Họ yêu cầu chúng ta và đây cũng là yêu sách của chính chúng ta, đó là một sự cống hiến sáng tạo, một động lực thông suốt, nhiệt tâm và tràn đầy hy vọng.[27]
3.2 Việc cần làm
Như đã nói trên, vai trò của người trẻ thật sự quan trọng trong thế giới ngày nay. Họ là nhân vật chính. Chính vì thế Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với giới trẻ nơi Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống. Trong Tông huấn này ngài xem những diễn tả nghệ thuật như âm nhạc là “một loại văn hóa và ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính. Ngôn ngữ âm nhạc cũng là một lợi ích cho mục vụ, đặc biệt là cho phụng vụ và canh tân phụng vụ” .[28] Qua đó, ngài đòi hỏi Giáo hội luôn tỉnh thức và sẵn sàng vạch ra một lối đi mới mẻ, thích hợp và thực tế hơn trong hoàn cảnh của chúng ta.
3.2.1 Phụng vụ mới mẻ
Phụng vụ mới mẻ ở đây không có nghĩa là đổi mới hoàn toàn, lệch ra khỏi quy tắc của luật phụng vụ và thánh nhạc. Nhưng hơn bao giờ hết, làm sao để những gì chúng ta đang cử hành trong phụng vụ thích ứng hơn với giới trẻ trong thời đại mới, ngõ hầu giúp họ gắn bó mật thiết hơn với niềm tin, với nền âm nhạc thánh thiện mà họ được thừa hưởng từ bao thế hệ. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Ngày càng có nhiều nhóm tập họp để tôn thờ Thánh Thể và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa. Chúng ta không được xem thường khả năng của người trẻ trong việc cầu nguyện chiêm niệm […] Trong nhiều bối cảnh, giới trẻ công giáo mong muốn có được một đường lối phụng vụ mới mẻ, đích thực và vui tươi, đem đến cho họ những giờ phút cầu nguyện và những buổi cử hành bí tích có thể lay động đời sống thường ngày”.[29]
Liên quan đến thánh nhạc, trong bài diễn văn tham dự hội nghị quốc tế về thánh nhạc vào sáng 4/3/2017 do Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa, Bộ Giáo dục Công giáo, Giáo hoàng Học viện về Thánh nhạc và Giáo hoàng Học viện về Phụng vụ thuộc trường thánh Anselmo ở Roma tổ chức, Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Về thánh nhạc và thánh ca phụng vụ ‘nảy sinh hai nhiệm vụ đối với Giáo hội: một mặt, Giáo hội phải bảo vệ và phát huy giá trị các di sản phong phú, đa dạng được thừa hưởng từ quá khứ, bằng cách dùng nó với sự cân bằng trong hiện tại và tránh xa nguy cơ của việc hoài cổ hoặc khảo cổ’. Mặt khác, Giáo hội cần phải bảo đảm rằng ‘thánh nhạc và thánh ca phụng vụ phải được “hội nhập” hoàn toàn vào các ngôn ngữ nghệ thuật và âm nhạc đương thời’; tức là biết trình bày và đưa Lời Chúa vào trong các bài hát, âm thanh, hòa âm làm rung động tâm hồn của mọi người trong thời đại chúng ta; bằng cách kiến tạo một bầu khí cảm xúc thích hợp, chuẩn bị cho đức tin và làm sống lại sự đón nhận và tham dự đầy đủ vào mầu nhiệm được cử hành”.[30]
3.2.2. Nhiệm vụ của người làm âm nhạc
Để “có được một đường lối phụng vụ mới mẻ, đích thực và vui tươi”, để có thể “hội nhập hoàn toàn vào các ngôn ngữ nghệ thuật và âm nhạc đương thời”, “đưa Lời Chúa vào trong các bài hát, âm thanh, hòa âm làm rung động tâm hồn của mọi người”, “kiến tạo một bầu khí cảm xúc thích hợp, chuẩn bị cho đức tin”, đòi hỏi những người có trách nhiệm về thánh nhạc, các nhạc sĩ sáng tác và nhạc trưởng biết phân định, trau dồi kiến thức về âm nhạc và đặc biệt phải thủ đắc cho mình những cảm thức của Giáo hội về thánh nhạc;[31] để khi một tác phẩm mới ra đời, vừa đáp ứng được những nhu cầu mà Giáo hội và giới trẻ mong muốn, vừa gìn giữ được vẻ đẹp của thánh nhạc là sự thánh thiện. Việc chiều theo những thị hiếu có tính thị trường đôi khi có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong việc tiếp nối những hình thức diễn tả âm nhạc và phụng vụ truyền thống.
Ngoài ra, như chúng ta đã biết, âm nhạc không quy định tuổi. Tuy vậy, không phải tất cả các bài hát đều thích hợp với giới trẻ. Hiện nay trong kho tàng thánh ca Việt Nam, những bài hát dành cho giới trẻ thật sự rất ít. Vì vậy, để lôi kéo giới trẻ về với Giáo hội, với các bí tích, củng cố đời sống thiêng liêng, cần có nhiều bài hát thích hợp hơn cho giới trẻ.
Ca đoàn chiếm một vị trí quan trọng trong cử hành phụng vụ, là chỗ dựa và là công cụ để nuôi dưỡng lòng đạo đức của các tín hữu, giúp người khác cầu nguyện, mang lại sự mạch lạc cho phụng vụ. Vì thế, việc chọn dùng các bài hát đúng và hay về lời ca lẫn giai điệu trong mỗi cử hành phụng vụ là điều các ca trưởng cần phải quan tâm. Bên cạnh đó, các ca viên cũng cần phải được huấn luyện về kỹ năng hát xướng để có thể chuyển tải thật tốt sứ điệp Tin mừng cho các tín hữu qua giọng ca của mình.
3.3 Trường đào tạo nhân sự
Đào tạo nhân sự và nâng cao kiến thức về thánh nhạc là một trong những ưu tư hàng đầu của Giáo hội, được thể hiện qua lời kêu gọi của các triều đại Giáo hoàng trong các Tông thư, Huấn thị… Đặc biệt Huấn thị Musicam Sacram đề xuất “một nền huấn luyện vững chắc cho cả mục tử lẫn các tín hữu”. Công Đồng Vatican II cũng nhắc nhở: “Phải hết sức chú trọng đến việc giảng dạy và thực hành âm nhạc trong các chủng viện, các tập viện nam nữ tu sĩ, các học viện và cả trong các tổ chức cũng như học đường Công giáo khác”.[32] Công việc này đang được các giáo phận, chủng viện, dòng tu phát huy cách tốt đẹp. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn mang tính riêng lẻ: giáo phận nào biết giáo phận đó, cộng đoàn nào theo cộng đoàn đó mà vẫn chưa có một sự thống nhất rõ ràng, đôi khi dẫn đến việc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần tổ chức lại việc huấn luyện thánh nhạc mang tính chuyên nghiệp hơn, thống nhất hơn về mọi mặt để có thể phổ cập và nâng cao khả năng hiểu biết về thánh nhạc cho mọi thành phần dân Chúa. Ước mong một ngày không xa, một “học viện về thánh nhạc” sẽ xuất hiện trên quê hương Việt Nam để đảm nhận công việc đào tạo này. Giới trẻ là nhân vật chính. Bởi vậy chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào lòng nhiệt thành và tinh thần cầu tiến của họ khi tham gia vào công cuộc đào tạo này, điều đó sẽ đem lại cho toàn thể Giáo hội Việt Nam một mùa xuân tươi mới.
III. TẠM KẾT
Âm nhạc nói chung là món quà đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Nó có sức biến đổi bản thân và dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa. Âm nhạc là một nghệ thuật luôn luôn mới và không bao giờ cũ. Đó là một kho tàng vẫn còn giấu kín, đòi hỏi con người nỗ lực khám phá mỗi ngày hầu đem lại nét sinh động mới mẻ cho cuộc sống. Và để những khám phá đó tiếp tục là động lực, là phương tiện nâng đỡ, gìn giữ đức tin, dẫn đưa con người đến với Chân, Thiện, Mỹ, trước hết cần phải trân trọng và bảo vệ những gì Giáo hội đã gìn giữ qua dòng thời gian. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã xác quyết: “Điều mà các thế hệ trước coi là thiêng liêng, thì vẫn còn thiêng liêng và vĩ đại đối với chúng ta…”.[33] Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục phát huy truyền thống cao quý này, đưa nó “‘hội nhập vào các ngôn ngữ nghệ thuật và âm nhạc đương thời”, sao cho những thế hệ trẻ tiếp nối cảm nhận được sự quan tâm của Giáo hội, và đón nhận như một món quà thuộc về mình, xem nó là của mình, luôn có trách nhiệm phát huy và gìn giữ.
Cuối cùng, xin được mượn lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với các bạn trẻ và cũng là lời khích lệ cho tất cả mọi người chúng ta: “Hãy hát ca để công việc của bạn được nhẹ bớt, đừng lười biếng. Hãy hát, nhưng cũng hãy tiếp tục tiến bước. […] Khi tiến bước bạn sẽ tiếp tục hành trình; nhưng hãy tiến bước trong nhân đức, trong đức tin chính thực và những việc làm thiện lương. Hãy ca hát, và bước tới”.[34]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm 2021)
[1] CĐ VATICAN II, Hiến Chế Phụng Vụ, số 112.
[2] GIÁO HOÀNG PIÔ XII, Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina, số 4
[3] https://www.vaticannews.va/it/papa/news/2019-09/papa-francesco-musica-santa-cecilia-liturgia-catechismo.html
[4] Ibid
[5] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2011/documents/hf_ben-xvi_aud_20110831.html
[6] ibid
[7] ibid
[8] https://it.zenit.org/2011/04/04/la-musica-sacra-un-linguaggio-forte-e-immediato-per-i-giovani/
[9] x. https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2008/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20080507_concerto.html
[10] https://www.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210113_udienza-generale.html
[11] Nội San HƯƠNG TRẦM, số 3, trang 15
[12] GIÁO HOÀNG PIÔ XII, Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina, số 78
[13] CĐ VATICAN II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 121
[14] GIÁO HOÀNG PIÔ XII, Thông điệp Musicae Sacrae Disciplina, số 35-36
[15] GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi các nghệ sĩ, Hương Trầm 14, trang 26, Lm Đặng Xuân Thành chuyển ngữ.
[16] X. https://effectsofmusicinquiry.weebly.com/music-and-medicine.html
[17] http://fashionnet.vn/arti-am-nhac-la-giai-dieu-cho-tam-hon
[18] JOSEPH OTON, Âm nhạc và đời sống tinh thần, nguyệt san Feu et Lumière, số 186, tháng 7-8 năm 2000.
[19] https://www.facebook.com/256866808447991/posts/492307541570582/
[20] http://baovannghe.com.vn/lai-cau-chuyen-dinh-huong-am-nhac-22653.html
[21] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/it/letters/2003/documents/hf_jp-ii_let_20031203_musica-sacra.html
[22] ibid
[23] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit, số 40
[24] Ibid, số 185
[25] https://gpquinhon.org/q/thuong-huan/gioi-tre-va-giao-hoi-trong-mot-the-gioi- dang-doi-thay-2180.html
[26] Ibid; x. Tông huấn Christus Vivit, số 174
[27] Bài Khai mạc Thượng hội đồng về Giới trẻ Thế giới 2018 (http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/246924)
[28] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit, số 226
[29] Ibid, số 224
[30] https://gpquinhon.org/q/thanh-nhac/thanh-nhac-phai-hoi-nhap-trong-ngon-ngu-am-nhac-duong-dai-367.html; https://www.avvenire.it/papa/pagine/musica-sacra-doni-la-bellezza-di-dio
[31] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/am-nhac-theo-cam-thuc-cua-giao- hoi-40596
[32] CĐ VATICAN II, Hiến chế Phụng vụ thánh, số 115
[33] Thư gửi các Đức Giám mục nhân dịp công bố Tông thư dưới dạng Tự sắc SUMMORUMPONTIFICUM về việc sử dụng Phụng vụ Rôma trước cuộc cải tổ 1970”. (x. https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/it/letters/2007/documents/hf_ben-xvi_let_20070707_lettera-vescovi.html)
[34] GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit, số 226 Lm. Giuse Võ Tá Hoàng
2022
Tìm thấy nơi tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả – dinh thự của Vua Hêrôđê Antipa
Dự án kéo dài 20 năm được hướng dẫn bởi nhà khảo cổ Győző Vörös đã xác định và tái dựng lại nơi từng giam giữ cũng như nơi tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là dinh thự cổ thành của Vua Hêrôđê Antipas, nằm trên đồi Macheron ở phía đông Biển Chết của Jordan ngày nay.
Đối với giáo sư Vörös, việc phát hiện ra địa điểm Macheron, một chứng tích được gói gọn trong một thời đại lịch sử mà cho đến nay các dấu vết khác đã bị mất thật là kỳ tích không thể tin được. Macheron là món quà Thiên Chúa ban cho thế kỷ 21.
Trên thực tế, vị trí của cung điện đã biến mất sau cuộc tàn phá của đế quốc Roma vào cuối cuộc nổi dậy lần thứ nhất của người Do Thái vào năm 71/72 sau Công nguyên. Năm 1968, Học giả người Đức August Strobel phát hiện ra tàn tích của một bức tường do quân Roma dựng lên và từ đó đưa ra giả thuyết rằng: thành phố cổ của vua Hêrôđê tương ứng với những gì được tìm thấy.
Từ đó, các nghiên cứu quan trọng đã được bắt đầu. Các nghiên cứu của các nhà khảo cổ dòng Phanxicô là Virginio Canio Corbo và Michele Piccirillo đã không công bố bất cứ điều gì. Theo mong muốn được thể hiện trong chuyến tông du đến Jordan của Đức Biển Đức XVI, vào năm 2009, Bộ Cổ vật Hoàng gia Amman đã ủy thác cho Győző Vörös nghiên cứu 20 năm về địa điểm khảo cổ. Dự án được thực hiện với sự hợp tác khoa học chặt chẽ với Học viện Kinh Thánh dòng Phanxicô, Trường Kinh Thánh và Khảo cổ của dòng Đaminh ở Giêrusalem, và Viện Khảo cổ học Cobb của Đại học Mississippi.
Hơn 100.000 ngàn yếu tố kiến trúc được lắp ráp lại như trong một bức tranh khảm cho phép nhà khảo cổ khôi phục lại cho nhân loại bản tái tạo đồ họa của một địa điểm giàu ý nghĩa và hấp dẫn đối với lịch sử và đức tin.
Nhà khảo cổ Vörös cho biết: họ đã có thể tái tạo lại về mặt kiến trúc bên trong cung điện của Vua Hêrôđê, như được mô tả trong Phúc âm. Ông nói: “Ngày nay, chúng ta có thể cung cấp cho các thế hệ mới một hình ảnh trung thực về những gì các văn bản thánh nói với chúng ta: không phải là một minh họa Kinh Thánh, dựa trên trí tưởng tượng hay sự phóng tác, mà là một tài liệu lịch sử. Đây là trọng tâm và ý nghĩa của sứ mạng của ngành khảo cổ học.”
Sự kiện tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả được các thánh sử Máccô và Mátthêu thuật lại. Nó là một sự kiện lịch sử đã được xác nhận vào thế kỷ I trong tác phẩm Antiquitates Judaicae của nhà sử học Do Thái Josephus và 250 năm sau, trong cuốn Lịch sử Giáo hội của sử gia Eusebius Caesarea. Hồng Thủy
2022
Thứ Hai Tuần V – Mùa Thường Niên
Thứ Hai Tuần V – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 94,6-7
Hãy đến đây, ta cúi mình thờ lạy,
phủ phục trước tôn nhan Chúa,
Đấng dựng nên ta,
bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin …
Bài đọc
Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước vào trong cung Đơ-via của Đền Thờ ; có đám mây toả đầy đền thờ Đức Chúa.
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.
1 Bấy giờ vua Sa-lô-môn triệu tập bên mình, tại Giê-ru-sa-lem, các kỳ mục Ít-ra-en, gồm tất cả các người đứng đầu các chi tộc cùng các trưởng tộc con cái Ít-ra-en, để đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa lên, từ Thành vua Đa-vít tức là Xi-on. 2 Mọi người Ít-ra-en tập hợp lại bên vua Sa-lô-môn trong tháng Ê-ta-nim tức là tháng thứ bảy để mừng Lễ. 3 Tất cả các kỳ mục Ít-ra-en đều tới ; các tư tế thì khiêng Hòm Bia, 4 và đưa Hòm Bia của Đức Chúa cũng như Lều Hội Ngộ và tất cả các vật dụng thánh trong Lều lên. Các tư tế và các thầy Lê-vi đưa những thứ ấy lên. 5 Vua Sa-lô-môn và toàn thể cộng đồng Ít-ra-en tụ họp lại bên cạnh vua trước Hòm Bia, sát tế chiên bò nhiều vô kể, không sao đếm nổi. 6 Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong cung Đơ-via của Đền Thờ, tức là Nơi Cực Thánh, dưới cánh các Kê-ru-bim. 7 Quả vậy, các Kê-ru-bim xoè cánh ra bên trên Hòm Bia, che phía trên Hòm Bia và các đòn khiêng. 9 Trong Hòm Bia không có gì ngoài hai Bia đá ông Mô-sê đã đặt vào đó, trên núi Khô-rếp, khi Đức Chúa lập Giao Ước với con cái Ít-ra-en vào thời họ ra khỏi đất Ai-cập.
10 Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây toả đầy Đền Thờ Đức Chúa. 11 Các tư tế không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ được vì đám mây : quả thật, vinh quang Đức Chúa đã tràn ngập Đền Thờ Đức Chúa.
12 Bấy giờ vua Sa-lô-môn nói :
“Đức Chúa đã phán : Người sẽ ngự trong đám mây dày đặc. Vâng,
13 Con đã xây cho Ngài một ngôi nhà cao sang, một nơi để Ngài ngự muôn đời.”
Đáp ca
Tv 131,6-7.8-10 (Đ. c.8a)
Đ.Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi.
6Này đây khi ở Ép-ra-tha,
chúng tôi đã nghe nói đến hòm bia,
chúng tôi tìm thấy hòm bia đó tại cánh đồng Gia-a.
7Nào ta tiến vào nơi Chúa ngự,
phủ phục trước bệ rồng.
Đ.Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi.
8Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh Chúa
ngự về chốn nghỉ ngơi.
9Ước chi hàng tư tế của Ngài mặc lấy sự công chính,
kẻ hiếu trung với Ngài được cất tiếng hò reo.
10Vì vua Đa-vít, trung thần của Chúa,
xin đừng xua đuổi đấng Chúa đã xức dầu phong vương.
Đ.Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi.
Tung hô Tin Mừng
- Mt 4,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mc 6,53-56
Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
53 Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ, khi chịu khổ hình, đã tẩy xoá tội lỗi chúng con, khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh, và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở cửa Nước Trời.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 106,8-9
Nào ta cảm tạ Chúa,
vì lòng Chúa từ nhân
đã làm cho người trần
bao kỳ công tuyệt diệu :
Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình
bụng đói lả, Người cho ăn thoả thích.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin …