Chứng nhân Phục Sinh
CHỨNG NHÂN PHỤC SINH
Tin vào một sự việc nào đó mà người ta chưa kiểm chứng, chưa thấy quả là điều khó trong cuộc đời. Và để tin vào một con người nào đó nhất là tin người đó phục sinh từ cõi chết quả là điều bất khả. Thế nhưng rồi ngang qua hành động của các môn đệ, của những người chứng kiến Phục Sinh đã để lại cho ta suy nghĩ về Đức Kitô của chúng ta.
Thật thế ! Theo trình thuật Tin Mừng thì quả thật Chúa Giêsu đã bị treo trên thập giá và cuối cùng Ngài đã chết. Sau đòn roi cũng như sỉ vả, cuối cùng cái chết đã làm chủ Đức Kitô và Ngài không còn sống nữa.
Từ khi Thầy chịu treo trên thập giá hay nói đúng hơn là chưa kịp treo, nhiều môn đệ xem chừng như là thân tín lắm cũng đã bỏ Thầy. Và, rồi đúng như lời Thầy nói : 3 ngày Thầy sẽ sống lại.
Niềm tin vào Thầy Kitô Phục Sinh xem ra vẫn còn mù mờ, vẫn còn mờ nhạt trong các môn đệ. Dễ hiểu là vì Chúa hiện ra sớm nhất và chủ yếu nhất là cho các bà. Các bà được liệt vào công dân hạng 2 nên rồi lời của mấy bà nói xem chừng như không nặng ký lắm. Mãi cho đến khi 2 môn đệ làng Emmaus gặp Thầy hay như tin mừng thuật lại việc Chúa hiện ra cho các môn đệ khi các môn đệ quy tụ với nhau trong nhà Tiệc Ly thì niềm tin ấy mới được chuẩn y và xác tín. Đàng sau sự chuẩn y của các môn đệ là hành động, là lên đường làm chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh.
Người Kitô hữu của chúng ta, sau khi nhận phép Thanh Tẩy, chúng ta được mời gọi hay nói đúng hơn là tham dự vào chức vụ ngôn sứ cùng với Đức Kitô. Ngôn sứ Kitô đã loan Tin Mừng Nước Thiên Chúa, các môn đệ cũng loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa thì Kitô hữu cũng được mời gọi như các môn đệ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và nhất là loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Nếu như trước khi Thầy sống lại, các môn đệ còn sợ sệt, còn nhát đảm thì sau khi Thầy Phục Sinh, các môn đệ mạnh dạn loan báo Thầy sống lại. Qua các trang viết, đặc biệt ở các trang sách Công Vụ Tông Đồ, ta được thấy hình ảnh, cung cách và tâm tình của các môn đệ về Đức Kitô Phục Sinh.
Ngày xưa cũng vậy và ngày nay cũng thế, người đồ đệ của Đức Kitô phải là những chứng nhân về Đức Kitô Phục Sinh.
Xem chừng nếu như cuộc sống dễ dãi và thành công thì người đồ đệ của Chúa dễ ăn dễ nói với người khác về Chúa, về Thầy của mình. Thế nhưng rồi khi người đồ đệ đối diện với những bế tắt trong cuộc đời thì làm sao có thể nói về Đức Kitô Phục Sinh được.
Trong hoàn cảnh thực tế nhất ngày hôm nay, khi thế giới đối diện v với sự dữ, sự ác từ con Coronavirus thì xem chừng ra người Kitô hữu lại bị thử thách lòng tin hơn ai hết.
Mấy tháng qua chứ không phải chỉ 3 ngày qua, dường như cả thế giới đều thấy Chúa như im lặng.
Người Kitô hữu cũng như người ngoài Công Giáo đang trải nghiệm hay nói đúng hơn là inh nghiệm về sự buồn phiền, về sự phiền muộn, về sự chán nản. Cách thực tế và đặc biệt hơn là trong thời kỳ này, thời gian nhạy cảm, thời kỳ dễ khiến người ta trở nên quẩn trí, buồn phiền, chán nản, và đầy những lo lắng khi nạn dịch Covid-19 đang ngày trở nên trầm trọng và dường như không một lối thoát nào, và do đó, chúng ta không thấy những chân trời rộng mở ở tương lai, mà toàn những ngõ cụt không thể làm gì hơn thì làm sao có thể loan Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng nhân cho Thầy được.
Trước khi trao sứ vụ quan trọng và rộng lớn, Chúa Giêsu không quên cho các môn đệ cảm nghiệm được niềm vui hiện diện sống động của Chúa. Ngài cũng không quên trao cho họ nguồn bình an làm nền tảng. Ngài nhắc họ về đức tin kiên vững “rằng Ngài đã sống lại”. Sau khi các môn đệ đã xác tín chắc chắn về sự hiện diện, về nguồn bình an, về niềm tin vào Ngài, khi ấy Ngài mới trao cho họ sứ vụ. Sứ vụ Chúa trao cho các môn đệ trong lần hiện ra này rộng hơn sứ vụ đã trao cho vài người phụ nữ trước đó. Các môn đệ “phải nhân danh Ngài rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân” và hơn thế nữa các ông “sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
Thế nhưng rồi, trong niềm tin ta sẽ thấy Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, không đầu hàng trước nỗi buồn của từng người chúng ta, Ngài vẫn đến để đồng hành, vẫn đến để “làm ấm lòng chúng ta lên”, Ngài hiện diện và mang lại cho chúng ta niềm ủi an và sự chữa lành.
Hơn bao giờ hết, lòng tin của chúng ta được thử thách.
Chắc chán rằng đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi cảm nghiệm sự hiện diện sống động của Chúa, được mời gọi mở lòng để lãnh nhận ơn bình an, được mời gọi xây dựng nền tảng đức tin vào Chúa phục sinh, lúc ấy mới bắt tay vào việc thi hành sứ vụ. Khi thi hành sứ vụ người Kitô hữu chúng ta phải chọn lựa ưu tiên “nhân danh Thầy” mà “rao giảng”, và ở mức độ cao hơn Chúa phục sinh đòi chúng ta phải “sống chứng nhân”. Tất cả những điều ấy phải được thực hiện giữa “muôn dân”, muôn nước.
Và hết sức thực tế, ta thấy Đức Kitô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với các môn đệ ngày xưa qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Kitô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Kitô và Đức Kitô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Kitô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời ta như thế: Đời ta cũng “loan báo” Đức Kitô và Đức Kitô hoàn tất đời ta. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Kitô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui phục sinh, và sự sống phục sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay.
Xin Chúa cho ta qua tâm tình lắng đọng của những ngày đặc biệt này tái khám phá ra niềm vui Phục Sinh trong đời chúng ta qua những biến cố, nhất là qua những hồng ân mà chúng ta có được. Khi và chỉ khi chúng ta lắng đọng để khám phá và nhận ra thân phận ta chẳng là gì mà Chúa lại thương ta như thế thì ta mới mạnh mẽ lên đường loan tin mừng Phục Sinh được.