Đâu Là Nơi Tôi Thuộc Về?
Câu chuyện ngụ ngôn “Bình minh và Đêm tối“ sau đây của Hasidic phần nào diễn tả sự thay đổi trong đời sống thiêng liêng, một sự di chuyển từ cuộc sống cô tịch sang đời sống cộng đoàn hầu có thể tìm được mái ấm cộng đoàn nơi mình thực sự thuộc về:
Một đạo sư hỏi các môn sinh rằng: “Làm cách nào chúng ta xác định giờ nào thì bình minh bắt đầu ló rạng, giờ nào thì đêm kết thúc và ngày mới bắt đầu?”
Một môn sinh trả lời: “Bình minh bắt đầu khi chúng ta có thể phân biệt đâu là con chó và đâu là con cừu trong một khoảng cách nhất định.”
“Không đúng”, vị Đạo sư trả lời.
“Đó là khi chúng ta nhìn và nhận ra cây nào là vả và cây nào là nho,” môn sinh khác trả lời.
“Cũng không phải,” vị Đạo sư nói.
“Vậy xin thầy cho chúng con biết câu trả lời,” tất cả các môn sinh đồng thanh nói.
Vị đạo sư khôn ngoan trả lời “Đó là lúc các con đối diện với người khác và các con đủ ánh sáng để nhận ra người đó là anh, là chị của mình. Chỉ khi đó bình minh mới thực sự ló rạng, nếu không thì nó vẫn là đêm và chúng ta vẫn ở trong bóng tối.”[1]
Hành trình thiêng liêng là hành trình bước theo Đức Kitô, khởi đi từ sự cô tịch, rồi từ đó đưa chúng ta đến với cộng đoàn và ra đi thi hành sứ vụ. Hành trình này được minh họa trong câu chuyện thật dễ thương giữa Chúa Giêsu và các môn đệ được Thánh sử Luca kể lại trong Lc 6,12-19; mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ được khởi đi từ sự tĩnh mịch của đêm tối đến việc xây dựng cộng đoàn vào buổi sáng và kết thúc bằng việc hăng say trong sứ vụ vào ban chiều.
“Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ … Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ … đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.” (Lc 6, 12-19).
Tối đến, Chúa Giêsu lên núi, Người cầu nguyện trong cô tịch. Sáng ngày, Người xuống núi và thành lập cộng đoàn của Người. Và chiều đến, cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu ra đi rao giảng Tin mừng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho mọi người. Thật là một ngày sống đầy ý nghĩa của Đức Giêsu, buổi tối Người dành thời gian cô tịch để cầu nguyện với Chúa Cha, ban sáng cho cộng đoàn và buổi chiều cho sứ vụ. Chúng ta cần chú ý đến cách sắp xếp thứ tự ưu tiên – từ cô tịch đến cộng đoàn, tiếp đến là sứ vụ. Ban đêm dành cho sự cô tịch, ban sáng cho cộng đoàn và ban chiều cho sứ vụ. Tối, sáng, chiều tượng trưng cho vòng luân chuyển thời gian mà Đức Giêsu đã sống, từ đời sống cô tịch tới cộng đoàn rồi đến sứ vụ. Đó là ba nguyên tắc mà chúng ta được mời gọi tập luyện trên hành trình trở về nhà, nơi đó: (1) chúng ta bắt đầu bằng cuộc sống cô tịch hoặc kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện; (2) kế đó là đến với anh chị em và sống liên đới với nhau trong một cộng đoàn; và (3) cuối cùng là lên đường thi hành sứ vụ hoặc trao ban lòng thương xót, sự cảm thông cho thế giới.
ĐẶT NỀN MÓNG TRONG SỰ CÔ TỊCH
Chúng ta học để sống cô tịch với Chúa bằng cách nào? Trên bức tranh “Người con hoang đàng trở về,” Rembrandt đã phác họa hình ảnh của người cha ôm đứa con hoang đàng trở về bằng cái ôm ngập tràn tình thương. Hình ảnh đứa con nép mình an toàn trong vòng tay của người cha và cách biểu lộ đầy trìu mến của người cha như nói với chính tôi rằng: “Con là con yêu dấu của Cha. Cha sẽ không hỏi con bất cứ điều gì như: con đã đi đâu, con đã làm gì, hay người khác đã nói về con thế nào. Con được an toàn trong vòng tay của Cha. Cha ôm con vào lòng, Cha chở che con trong cánh tay của Cha. Con hãy về nhà với Cha.”
Chúa Giêsu nói, “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và ở lại với người ấy.” Tôi ở trong nhà của Chúa! Đúng vậy, Thiên Chúa ngự trong sâu thẳm lòng tôi, thế nhưng, bằng cách nào tôi có thể đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu “con hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong con.” Lời mời gọi thật rõ ràng, không mập mờ. Cắm lều và ở lại nơi Thiên Chúa ngự, quả là một thách đố lớn lao trong đời sống thiêng liêng.
Sống kết hiệp mật thiết với Chúa là một thực hành không dễ vì nó đòi hỏi phải có kỷ luật bản thân. Điều này nhắc nhở chúng ta về việc Chúa Giêsu thức suốt đêm để cầu nguyện. Đêm là thời gian của mầu nhiệm, của bóng tối, của cô tịch và đôi khi của cô đơn. Đêm tối làm cho chúng ta cảm thấy việc cầu nguyện rất khó khăn. Cầu nguyện không phải là một tiếng nói mà chúng ta có thể nghe được bằng đôi tai thể lý. Cầu nguyện cũng không thường xuyên cho chúng ta những tác động nội tâm đột nhiên xuất hiện trong trí óc chúng ta. Kết hợp với Chúa thường là một trực giác hoặc sự xác tín rằng tấm lòng của Chúa thì lớn hơn tấm lòng chúng ta, tư tưởng của Chúa cao hơn tư tưởng loài người và ánh sáng của Chúa thì sáng hơn nhiều so với ánh sáng của chúng ta, ánh sáng của Chúa sáng đến độ có thể làm cho đôi mắt của chúng ta mù lòa, khiến chúng ta có cảm giác như mình đang ở trong đêm tối.
Để thực hành đời sống cô tịch, chúng ta phải có kỷ luật bản thân, mỗi ngày dành một thời gian nhất định để tâm hồn và thân xác chúng ta được tĩnh lặng. Hãy bắt đầu bằng một vài phút mỗi ngày, có thể vào sáng sớm khi ánh sáng và sức nóng của ngày mới chưa xuất hiện, hoặc có thể dành ít phút vào cuối ngày khi mọi cảnh vật chìm trong giấc ngủ. Đây là thời gian cho thiền nguyện hoặc qua việc cầu nguyện tập trung bằng cách viết nhật ký hoặc đọc sách thiêng liêng và dành thời gian để lắng nghe tiếng Chúa hoặc cảm nhận sự hiện diện của Chúa hoặc lời mời gọi chúng ta chờ đợi. Vào lúc bình binh hay khi chập tối, là thời gian thật sự rất lý tưởng cho sự cô tịch và cầu nguyện hầu dẫn chúng ta đi vào tương quan thân mật với Chúa, đồng thời đây cũng là thời gian chuẩn bị cho chúng ta sống đời cộng đoàn và yêu thương tha nhân. Sống kết hợp với Chúa là khởi đầu cho việc hình thành cộng đoàn thiêng liêng.
YÊU MẾN VÀ TRÂN TRỌNG ĐỜI SỐNG CÔ TỊCH
Khi bình minh ló rạng, là lúc chúng ta được mời gọi đi vào đời sống cô tịch, dành thời gian tĩnh lặng trong cầu nguyện và từ chính những giây phút cô tịch, tĩnh lặng đó, cộng đoàn được thiết lập. Điều đáng ý ở đây là sự cô tịch luôn thúc đẩy chúng ta hướng đến cộng đoàn. Trong sự tĩnh lặng, chúng ta nhận ra mình là những người yếu đuối và dễ đổi thay nhưng được Thiên Chúa yêu thương. Trong cô tịch, chúng ta nhận ra mình thuộc về một gia đình nhân loại và muốn được chia sẻ cuộc sống của mình với người khác. Bình minh nhắc chúng ta ý thức rằng mỗi người chúng ta đều liên đới và lệ thuộc lẫn nhau. Như vị Đạo sư khôn ngoan trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây đã dạy các môn sinh của ông: cho đến khi “các con có đủ ánh sáng để nhìn vào khuôn mặt của người khác và nhận ra họ chính là anh, là chị em mình ,,, nếu không, đêm vẫn còn đó và các con vẫn ở trong bóng tối.”
Cộng đoàn mà tôi nói ở đây không phải là cộng đoàn được thiết lập chính thức theo luật với những đòi hỏi pháp lý của nó. Nhưng đó là nơi mỗi người cảm thấy mình được thuộc về trong tinh thần, nơi đó có thể là gia đình, bạn bè, Giáo hội, Giáo xứ, anh chị em trong Nhóm chương trình Mười Hai Bước hay một nhóm cầu nguyện nào đó. Cộng đoàn này không hệ lụy ở một cơ quan hay một tổ chức nào cả, nhưng đó là nơi giúp chúng ta sống tình liên đới: nơi mà chúng ta được quy tụ chung quanh những người mà chúng ta muốn nói với họ về một sự thật rằng chúng ta là những người con yêu dấu của Chúa. Chúa Giêsu đã nói, “mỗi khi có hai hoặc ba người hợp nhau lại vì danh Ta, thì Ta ở giữa họ” (Mt 18,20). Cộng đoàn thực sự đó là cộng đoàn Thánh Thể, đặc biệt đối với tôi, đó là cộng đoàn L’Arche Daybreak. Còn đối với bạn, cộng đoàn của bạn có thể là cộng đoàn Giáo xứ hoặc nhóm cầu nguyện. Bạn muốn chọn cộng đoàn nào thì tùy bạn, nhưng cộng đoàn đó phải trở nên nôi ấm thiêng liêng, nơi bạn muốn thuộc về.
Không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy thoải mái với gia đình mình, trong cộng đoàn cũng thế, nhiều lúc chúng ta phải đối mặt với những căng thẳng, những khó khăn và những hiểu lầm. Mỗi cộng đoàn đều có những vấn đề cần được chấp nhận, cần được hòa giải và chữa lành. Mỗi cộng đoàn đều mang những dáng dấp của sự phản bội, bất công. Là con người đầy giới hạn, chúng ta có những điểm sáng, những khoảnh khắc đầy niềm vui và sự lạc quan, nhưng bên cạnh đó, trong thâm tâm mỗi chúng ta cũng có những nỗi đau, những tổn thương và khi gặp cơ hội thuận tiện, những nỗi đau hoặc những tổn thương đó sẽ nổi lên, có khi chúng ta không thể kìm hãm được. Tin mừng Thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai bằng việc Ngài gọi tên từng người một, trong đó có cả “Giuda Iscariốt, kẻ phản bội” (Lc 6,16). Phản bội có nghĩa là phá vỡ niềm tin. Kẻ phản bội có nghĩa là “người trao nộp.” Trong cộng đoàn, luôn có một người nào đó phản bội lại lòng tin của chúng ta hoặc gây ra cho chúng ta những đau khổ, làm những điều trái với sự mong đợi của mình. Bao lâu còn cộng đoàn, bấy lâu còn có vấn đề. Ai đó đã từng nói, “cộng đoàn là nơi luôn xuất hiện những người mà bạn chẳng bao giờ muốn có họ.” Một điều rất nghịch lý là những người thường xuyên gây phiền phức cho chúng ta hoặc những người luôn đòi hỏi chúng ta quá mức lại luôn hiện diện tại mỗi cộng đoàn chúng ta ở.
Tuy nhiên, trong cộng đoàn không chỉ có người nào đó có vấn đề, mà có khi trong mắt của người khác, bản thân chúng ta lại chính là người có vấn đề, hoặc cũng có thể người khác có vấn đề. Mỗi người trong cộng đoàn đều có những vấn đề khác nhau và thường xuyên gây đau khổ cho nhau ngay cả khi bản thân người đó thực sự không muốn hoặc không ý thức điều họ làm. Trong cộng đoàn luôn có những người chẳng bao giờ làm thỏa mãn nhu cầu của chúng ta hoặc có những người làm chúng ta bực bội. Cộng đoàn không phải là nơi để sống duy cảm tính, cũng không chỉ là thời gian mà mọi người sống hòa hợp vui vẻ với nhau, yêu thương nhau và đồng tâm nhất trí với nhau. Đó là điều quá lý tưởng mà có lẽ không một cộng đoàn trần thế nào đạt được. Ngược lại, khi sống với nhau, mỗi người một tính cách, chúng ta cần ý thức rằng sự hòa hợp trong cộng đoàn không tự dưng có được, nhưng để có thể đạt được sự đồng tâm nhất trí, đòi hỏi mỗi người phải hy sinh từ bỏ ý riêng để tìm kiếm ý chung. Cộng đoàn cho chúng ta môi trường, nơi đó chúng ta có dịp để trao ban và đón nhận tình thương lẫn nhau, đồng thời giúp chúng ta học biết quan tâm và chăm sóc cho nhau.
Nhưng tại sao chúng ta lại phải chú trọng đến đời sống cô tịch, sự tĩnh lặng như một việc phải làm trước khi thiết lập cộng đoàn và tại sao cộng đoàn phải được sinh ra từ sự cô tịch? Bởi trong cô tịch, trong mối tương giao thân tình với Chúa, chúng ta nhận ra mình là con yêu dấu của Chúa. Vì nếu chúng ta không nhận ra mình là con yêu dấu của Chúa, chúng ta sẽ đòi hỏi một vài thành viên trong cộng đoàn phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta, phải làm cho chúng ta thấy mình là người đặc biệt và có giá trị. Hiển nhiên là họ không thể làm được điều đó. Nếu chúng ta đảo lộn thứ tự ưu tiên, chọn sống cộng đoàn trước khi sống cô tịch, chúng ta sẽ có nguy cơ đi tìm thỏa mãn nơi con người thay vì nơi Chúa. Chúng ta sẽ mong đợi người khác trao ban cho chúng ta một tình yêu hoàn hảo, vô điều kiện. Tuy nhiên, một cộng đoàn lý tưởng không phải là cộng đoàn nơi đó những người cảm thấy cô đơn tìm đến với nhau theo kiểu: “Tôi đang cô đơn và bạn cũng đang cô đơn, tại sao chúng ta không hợp lại với nhau. Rất nhiều mối tương quan được hình thành từ nỗi sợ cô đơn, họ mong muốn người khác lấp đầy nỗi cô đơn trống vắng của họ, thế nhưng, họ không thể thỏa mãn được những nhu cầu mà chỉ có Chúa mới lấp đầy cho chúng ta trong sự tĩnh lặng, cô tịch với Chúa. Cộng đoàn là nơi trân quý sự cô tịch: “Tôi là con yêu dấu; anh, chị, em cũng là con yêu dấu; chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một cộng đoàn, nơi đó mỗi người học biết đón nhận nhau và giúp nhau sống thực như mình là”. Có lúc chúng ta cảm thấy rất gần với cộng đoàn, đó là điều tuyệt vời. Nhưng đôi khi chúng ta cảm thấy thiếu vắng tình yêu trong cộng đoàn, cảm thấy cô đơn lạc lõng ngay giữa anh chị em, đó là những lúc rất khó khăn, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần trung thành với nhau, với cộng đoàn. Như thế, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một mái ấm và kiến tạo một không gian cho Chúa và cho nhau trong ngôi nhà chung của cộng đoàn.
Dù đó là điều không dễ, nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống với nhau như một gia đình đức tin và cam kết trung thành với nhau. Trong cộng đoàn chúng ta học để thừa nhận những yếu đuối của bản thân, đồng thời học biết tha thứ cho nhau. Trong cộng đoàn, chúng ta học biết sống khiêm tốn, thấy được ý nghĩa của việc từ bỏ ý riêng để sẵn sàng sống cho tha nhân. Để nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin, chúng ta cần cộng đoàn, vì nếu không có cộng đoàn, chúng ta sẽ dễ dàng quy chiếu tất cả về bản thân, đề cao cá nhân chủ nghĩa và dần dần hình thành nên một lối sống ích kỷ, chỉ biết đến mình.
Mặc dù đời sống cộng đoàn thực sự không dễ, tuy nhiên, để lớn lên trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cần có cộng đoàn như một tố bắt buộc chứ không phải là một lựa chọn giữa điều chúng ta muốn hay không muốn. Nếu không có cộng đoàn thì chúng ta cũng khó có thể có tương quan mật thiết với Chúa, vì cộng đoàn là kết quả của đời sống cô tịch. Không phải do sáng kiến hay sự chọn lựa của mình, nhưng tất cả chúng ta đều được Chúa mời gọi cùng nhau đến chia sẻ bàn tiệc của Chúa. Vì thế, sự huấn luyện thiêng liêng luôn đòi hỏi những hy sinh, kỷ luật bản thân để có thể sống hòa hợp với cộng đoàn. Tất cả chúng ta đều phải trở về nhà nơi đó chúng ta được sống kết hợp với Chúa trong cô tịch và chia sẻ với nhau trong tình huynh đệ cộng đoàn.
TRỞ VỀ BẰNG CÁCH NÀO
Lúc tôi bốn mươi tuổi, tôi được mời dạy ở trường đại học Yale. Đức cha Giáo phận bảo tôi có thể đến đó dạy một vài năm, thế nhưng tôi đã dạy ở đó hơn mười năm. Nhìn chung, tôi rất thành công trong sự nghiệp, cánh cửa sự nghiệp mở cho tôi rất nhiều tham vọng cùng với những thành quả tôi đạt được, tuy nhiên, tự thâm tâm, tôi thường xuyên bị cật vấn không biết mình có thực sự đang làm theo ý Chúa hay đang theo những tham vọng của bản thân. Phải chăng tôi đang làm việc này vì vâng lời? Tôi có thực sự sống đời linh mục mà tôi luôn mong ước hay không? Yale có thực sự là nhà của tôi hay không?
Và rồi tôi đã dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ điều gì con nên làm. Xin Chúa chỉ cho con biết điều đó và con sẽ làm theo. Con sẽ đi đến bất cứ nơi nào Ngài muốn. Nhưng Chúa phải chỉ rõ cho con về điều Ngài muốn.” Vào năm 1981, tôi đột nhiên cảm thấy muốn đi phục vụ ở Châu Mỹ La Tinh, được sống và làm việc với anh chị em nghèo khổ. Tôi nghỉ dạy ở trường đại học Yale và chuẩn bị cho cuộc hành hương đến Bolivia và Péru. Nhiều bạn bè và đồng nghiệp băn khoăn không biết đây có phải là lựa chọn khôn ngoan của tôi hay không. Thật sự, dường như chẳng có ai ủng hộ quyết định này của tôi cả.
Và sau một thời gian ngắn ở Châu Mỹ La Tinh, tôi sớm nhận ra rằng truyền giáo ở Châu Mỹ La Tinh không phải là ơn gọi của tôi. Chúa không gọi tôi phục vụ ở đó. Mặc dù mọi người ở đó rất thân thiện, hiếu khách và rất tốt với tôi nhưng tôi cảm thấy rất khó thích nghi với cuộc sống ở đó. Tôi cảm thấy tù túng và không thoải mái. Tôi hay chia sẻ với Gustavo Gutierrez, anh ấy chẳng bao giờ ủng hộ tôi ở lại Châu Mỹ La Tinh. Anh ấy nói với tôi, “Cha nên về lại chỗ thuộc về cha. Thiết nghĩ, sinh viên ở đại học muốn nghe cha chia sẻ với họ về Châu Mỹ La Tinh, như vậy sẽ tốt hơn là cha ở đây. Tại sao cha không thay đổi cách truyền giáo, cha có thể truyền giáo bằng cách chia sẻ cho những người thuộc thế giới thứ nhất về cuộc sống của những người thế giới thứ ba, đồng thời cha cũng có thể viết về họ nữa.” Nghĩ cũng buồn thật, ngay cả anh chị em nghèo ở Peru cũng không thể trở thành người thân của mình mà cả Châu Mỹ La Tinh cũng chẳng trở thành mái ấm, là nhà nơi mình có thể thuộc về.
Trong lúc đang băn khoăn giữa việc ở lại Châu Mỹ La Tinh hay trở về dạy học lại, tôi nhận được thư của trường Thần học Harvard mời tôi tham gia vào ban giảng huấn. Tôi đã đồng ý và đến dạy tại Harvard. Tôi đã cố gắng truyền đạt cho sinh viên về những đấu tranh tinh thần và nỗi khát vọng về công bằng xã hội của người Châu Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, các sinh viên lại khao khát mong muốn được nghe tôi chia sẻ về đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Họ hỏi tôi về đời sống nội tâm và sứ vụ. Tôi rất thích dạy ở trường Harvard và tôi cũng có những người bạn tri kỷ ở đó. Với cuộc sống mang đầy vẻ hào nhoáng, cạnh tranh danh vọng và thường xuyên xuất hiện trước công chúng khiến rất nhiều người đến để làm giàu kiến thức và sự hiểu biết duy lý trí hơn là việc đào sâu sự am hiểu về đời sống nội tâm thiêng liêng. Harvard là một nơi luôn có những cạnh tranh mạnh mẽ vả cũng là một chiến trường trí tuệ. Vì thế, Harvard không thể là nhà của tôi, tôi không cảm thấy thuộc về nơi đó. Tôi cần một mái nhà, ở nơi đó tôi có thể sống yên tĩnh hơn, cầu nguyện nhiều hơn. Tôi ước ao được sống trong một cộng đoàn nơi đó đời sống thiêng liêng của tôi được bén rễ sâu trong mối tương quan với người khác.
Quyết định rời Harvard đối với tôi quả là một quyết định rất khó khăn. Trong suốt thời gian dài tôi cứ bị giằng co, băn khoăn không biết việc mình nghỉ dạy ở Harvard có thật sự là một quyết định đúng đắn hay tôi đang đi ngược lại với ơn gọi của mình. Những lời từ bạn bè và những người thân thiết cứ tiếp tục văng vẳng bên tai “Cha đang làm việc rất tốt, mọi người ở đây đang rất cần cha.” Tuy nhiên, tự thâm tâm lại vọng lên những tiếng thì thầm, “Nếu miệt mài rao giảng Tin Mừng mà lại đánh mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?” Cuối cùng tôi nhận ra rằng mình đang lầm lũi trong đêm tối, cảm giác bị từ chối, nhu cầu cần được công nhận và ảnh hưởng, và cảm thấy lạc lõng, không thuộc về là dấu chỉ rõ ràng rằng tôi đang đi ngược với con đường Chúa muốn tôi đi. Vì hoa quả của Thần Khí không phải là sự buồn chán, cô đơn và chia rẽ, nhưng là niềm vui, sự tĩnh lặng, tình hiệp thông và lòng nhiệt thành với sứ vụ. Ngay khi tôi rời Harvard, tôi cảm thấy một sự tự do nội tâm sâu thẳm, trào tràn niềm vui và sức sống mới. Cảm giác này giúp tôi nhìn lại những ngày tháng qua, tôi đã giam hãm đời mình như một ngục tù.
Rời Harvard, ngoài mối liên hệ gần gũi với cha Jean Vanier và cộng đoàn L’Arche của cha ở Pháp, tôi chẳng biết mình sẽ đi đâu. Vì thế tôi đã tới ở tại cộng đoàn L’Arche một năm để phân định về ơn gọi của mình, đồng thời cũng nhận định xem đâu là nơi mà tôi thực sự thuộc về, là mái ấm cho tôi. Lần nữa, tôi lại cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Trước khi kết thúc năm phân định, tôi nhận được lá thư từ cộng đoàn Daybreak ở Canada – đây là một cộng đoàn trong hằng trăm cộng đoàn trên toàn thế giới nơi những người khuyết tật gồm trẻ em, đàn ông, đàn bà và những người phục vụ chung sống với nhau. Họ mời tôi gia nhập thành viên của cộng đoàn và làm tuyên úy cho họ. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình được gọi. Những tiếng gọi và sứ vụ trước đây, tôi luôn là người chủ động, đi bước trước. Nhưng lần này tôi cảm thấy Chúa đang gọi tôi. Tôi tự hỏi phải chăng lá thư này là sự đáp trả cho lời cầu nguyện của mình.
Vào cuối tháng 8 năm 1986, tôi chuyển đến Daybreak và gia nhập vào một gia đình mới, nơi có sáu anh chị em khuyết tật, Rosa, Adam, Bill, John, Trevor và Raymond cùng với bốn nhân viên phục vụ. Họ chào đón tôi cách nồng nhiệt và thân thiện. Tình bằng hữu mỗi ngày một lớn lên nơi mọi thành viên trong nhà. Tuy nhiên, để có được tình bằng hữu này đòi phải trả một giá rất đắt. Cái giá tôi phải trả đó là nhìn nhận những khuyết tật của chính mình! Mặc dù tôi vẫn biết mình có những khuyết tật, nhưng tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để che đậy, không dám công khai đối diện với chúng. Nhưng những ai can đảm đối diện với những khuyết tật của mình thì mới có thể cho phép những người phục vụ đón nhận những khuyết tật của chính họ. Những tháng đầu ở đây tôi được mọi người hướng dẫn và tận tình giúp tôi vượt qua những bất an, lạ lẫm và sợ hãi của mình. Với tôi, đối diện với sự thật về chính mình luôn là một cuộc chiến đầy cam go và khó khăn nhất.
Cộng đoàn L’Arch dần dần trở thành nhà của tôi. Từ trước đến giờ, chưa bao giờ tôi dám nghĩ rằng những anh chị em khuyết tật lại là những người đặt tay lên vai tôi để chúc phúc và cho tôi một mái ấm để tìm về. Rất nhiều năm dài tôi miệt mài tìm an toàn và bảo vệ giữa những người trí thức và khôn ngoan, chẳng bao giờ tôi ý thức được rằng nước Thiên Chúa được mặc khải cho “những người bé nhỏ,” và Thiên Chúa đã chọn “những người mà thế gian cho là điên dại để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ.” Cảm nhận được sự tiếp đón thật nồng hậu, đầy tình thương và sự chân thành của những người có thể nói được là họ không còn gì để mất và cảm được cái ôm nồng ấm yêu thương của những người đơn thuần chỉ biết yêu mà không đặt vấn đề vì sao, điều đó giúp tôi nhận ra rằng sự trở về thực sự trong đời sống tâm linh có nghĩa là trở về để có được một tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như họ. Tôi cảm nhận được cái ôm nồng nàn của Cha trong cái ôm tinh thần và thể xác của những anh chị em nghèo nơi đây.
Càng sống ở Daybreach, tôi càng cảm thấy đây quả là một cộng đoàn tràn đầy tình yêu, sự nâng đỡ và cũng là một cộng đoàn không dễ để hòa nhập. Cuộc sống trong cộng đoàn không bao giờ đẩy lui được hết mọi bóng tối. Ngược lại, ánh sáng soi lối dẫn tôi đến với cộng đoàn L’Arch cũng chính là ánh sáng giúp tôi ý thức về bóng tối trong chính mình. Cộng đoàn sẽ giúp bạn nhận biết sự thật về mình. Những thái độ ghen tương, giận hờn, cảm giác bị bỏ rơi hay loại trừ, cảm giác không thực sự thuộc về – tất cả những cảm giác và thái độ trên đây xảy ra trong bầu khí của một cộng đoàn cần sự tha thứ, hòa giải và chữa lành.
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
Đời sống cộng đoàn dẫn tôi vào một cuộc chiến thiêng liêng thật sự: cuộc chiến đấu để tiếp tục hướng về ánh sáng khi bóng tối vây bủa chung quanh. Ví dụ, một cách vô thức, đôi khi tôi đề cao một người nào đó trong cộng đoàn đến nỗi không một ai có thể ngang bằng với họ được. Tôi đặt quá nhiều kỳ vọng nơi họ và ao ước chiếm hữu được tình thương của họ. Tôi mong đợi một người nào đó có thể bù đắp nỗi cô đơn của mình, hoặc một người nào đó có thể trao tặng cho tôi cảm giác thuộc về. Tôi cứ ngỡ rằng đời sống cộng đoàn luôn đầy ắp niềm vui và luôn mang lại cho tôi sự thoải mái. Tôi mong chờ một cộng đoàn nơi đó mọi người được sống an nhàn, không phải vất vả làm việc hoặc không có một mâu thuẫn, hiểu lầm nào cả. Và khi những điều đó không xảy ra như tôi mong đợi, tôi tỏ ra bực bội, khó chịu, cảm thấy cô đơn và thất vọng. Tai sao tôi lại đặt kỳ vọng quá cao nơi người khác? Đâu là nhu cầu nơi bản thân tôi cần được giải quyết hay được thỏa mãn?
Những câu hỏi trên thúc đẩy tôi đến với đời sống cầu nguyện và tìm đến với nhu cầu được đồng hành trong đời sống tâm linh và trong các mối tương quan với cộng đoàn. Tôi được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đặt ưu tiên cho đời sống cô tịch. Đời sống cộng đoàn phải là hệ quả của đời sống cô tịch và cuộc sống chung chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, nếu một cộng đoàn biết trân trọng và dành thời gian cho đời sống cô tịch, cộng đoàn đó sẽ đầy tràn niềm vui sum họp và sự tha thứ. Đó là những đặc tính của một cộng đoàn đích thực ngay cả giữa những khó khăn và thách đố.
CỘNG ĐOÀN CẦN SỰ THA THỨ
Niềm vui và sự tha thứ là những ân ban cần thiết trong đời sống cộng đoàn. Ân ban này cần được thường xuyên đón nhận và trao ban để giúp mỗi thành viên trong cộng đoàn cảm nhận mình được yêu thương và được tha thứ để thăng tiến. Vậy tha thứ là gì? Tha thứ có nghĩa là tôi sẵn sàng tiếp tục tha thứ cho một ai đó vì người đó không đáp ứng mọi nhu cầu cũng như ước muốn của tôi. Khi tha thứ, chúng ta chân nhận một sự thật rằng “Tôi biết bạn yêu tôi, nhưng tôi cũng biết là bạn không thể yêu tôi một cách vô điều kiện, vì chỉ có Thiên Chúa mới ban cho tôi tình yêu đó.” Tôi cũng phải xin anh chị em tha thứ cho tôi vì tôi đã không thể đáp ứng tất cả những nhu cầu của họ, vì không một người nào có thể làm được như thế.
Tất cả chúng ta đều mang trong mình những vết thương và tiếp tục sống với những nỗi đau và sự thất vọng. Tất cả chúng ta đều có những cảm giác cô đơn ẩn dưới tất cả những thành công, danh vọng của mình; cảm giác vô dụng và bất lực được che đậy dưới bề mặt của những lời tán dương hay cảm giác mình có giá trị khi được người khác khen tặng. Chính cảm giác đó đôi khi khiến chúng ta cố bám lấy một ai đó và mong đợi nơi họ tình yêu, sự tán đồng và lời khen ngợi mà họ không thể cho. Nếu chúng ta mong muốn người khác cho mình những thứ mà chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta, đó là chúng ta đang tôn thờ ngẫu tượng. Chúng ta van xin một người nào đó bằng những lời như “hãy yêu tôi” và chẳng bao lâu sau đó, chúng ta bắt đầu áp đặt và thao túng họ, muốn họ đáp lại những gì mình mong muốn. Tuy nhiên, một sự thật rõ ràng là họ không thể đáp ứng được hết mọi điều mình mong đợi. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải tha thứ cho nhau, không phải chỉ tha thứ một lần nào đó nhưng là tha thứ luôn luôn, tha thứ trong mỗi mỗi giây mỗi phút của cuộc đời. Khi chúng ta quy tụ với nhau bằng sự tha thứ và không đòi hỏi người khác làm theo ý mình, đó chính là những chất tố cần thiết giúp nuôi dưỡng và duy trì đời sống huynh đệ cộng đoàn.
Chúng ta luôn khao khát tìm kiếm sự hoàn hảo và một sự hòa hợp trọn vẹn, nhưng là con người, dù người đó là chồng, vợ, cha, mẹ, anh, chị, hoặc con cái của mình, tất cả mọi người đều có những giới hạn trong việc trao ban tình yêu và sự đón nhận mà chúng ta khao khát. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận được quá ít so với điều chúng ta mong đợi, chúng ta cần tha thứ cho những người không thể trao ban cho chúng ta tất cả những gì mình muốn. Tôi tha thứ cho anh, cho chị vì anh, chị chỉ có thể yêu tôi một cách giới hạn. Con tha thứ cho mẹ vì mẹ không phải là tất cả như con muốn mẹ là. Con tha thứ cho ba vì ba đã cố gắng làm tốt những gì ba có thể. Điều cần chú ý ở đây là, thường những người luôn tìm đủ mọi lý do để phàn nàn về cha mẹ, bạn bè, hay Giáo hội vì cha mẹ, bạn bè hay Giáo hội không đáp ứng cho họ những thứ họ cần, họ trở nên giận dữ, bực bội khó chịu. Họ không thể tha thứ cho những ai đã không yêu thương họ hết lòng. Vì thế, chỉ có tình yêu Chúa mới hoàn hảo, vô điều kiện, còn tình yêu của chúng ta thì giới hạn và luôn đòi điều kiện. Trong mọi mối tương quan như tình hiệp thông, tình bằng hữu, vợ chồng, cộng đoàn hoặc Giáo xứ luôn chất chứa những căng thẳng, xung khắc và thất vọng. Do đó, sự tha thứ trở thành một từ để chỉ về tình yêu thần linh trong tương quan nhân loại.
Cộng đoàn sẽ khó mà tồn tại nếu mỗi thành viên không sẵn sàng tha thứ cho nhau “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Tha thứ chính là xi măng nối kết đời sống cộng đoàn. Tha thứ gắn kết chúng ta với nhau cả trong lúc vui cũng như khi buồn và cùng nhau lớn lên trong tình yêu hỗ tương.
Là những người luôn khao khát một tình yêu hoàn hảo, chúng ta cần phải tha thứ cho nhau vì thực tế trong đời sống hằng ngày, chúng ta không thể trao ban hoặc đón nhận tình yêu hoàn hảo đó. Những công việc, sứ vụ, nhu cầu của bản thân luôn ngăn cản tôi khiến tôi không thể dành trọn vẹn thời gian để hiện diện với người khác một cách vô điều kiện như tôi mong muốn. Tình yêu của chúng ta thường bị giới hạn bởi những tình cảnh khác nhau. Vậy chúng ta cần được tha thứ điều gì? Chúng ta cần tha thứ cho nhau vì chúng ta không phải là Chúa!
Tôi muốn kể câu chuyện của mình để minh họa cho những điều tôi nói trên đây. Ngay sau khi tôi đến cộng đoàn Daybreak, tôi cảm thấy dường như Chúa ban cho một một món quà tuyệt vời về tình yêu và một tình bạn rất đặc biệt. Giữa những người bạn cùng chung sống, tôi quý mến đặc biệt một người bạn trai. Tôi bị thu hút bởi sự gần gũi và tài gợi chuyện của anh ta. Và tình bạn của chúng tôi mỗi ngày một lớn lên và thân thiết hơn. Tôi dần dần trở nên quá lệ thuộc vào bạn ấy và đã để cho tình cảm ấy chi phối đến độ tôi phải dứt bỏ, tôi cần tha thứ cho anh ấy và cũng cần được anh ấy tha thứ. Tôi đã viết về kinh nghiệm này trong cuốn sách với tựa đề “Tiếng nói bên trong của tình yêu.”
Nathan, người bạn thân mà tôi nhắc đến trên đây, đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi ngưỡng mộ bởi tài khéo léo, tinh tế của anh ta. Anh giúp tôi mở những cánh cửa tâm hồn mà bấy lâu nay tôi đã khóa chặt. Tôi có thể chia sẻ với anh ấy mọi điều thầm kín mà từ lâu đã chôn dấu trong sâu thẳm lòng mình. Tôi đặt hết niềm tin tưởng vào anh ấy và tập trung mọi nhu cầu tình cảm vào anh ấy. Tôi bị lệ thuộc vào anh ấy đến độ khiến tôi không còn đặt Chúa và cộng đoàn làm trung tâm của đời sống mình nữa. Khi ở bên cạnh anh ấy, tôi cảm thấy cuộc đời đầy ắp tình yêu và đầy tràn sức sống. Tôi thật sự rất sợ và không muốn mất anh ta. Nhưng cuối cùng, Nathan không thể chịu đựng tình cảm của tôi lâu hơn được nữa nên đã thẳng thắn nói với tôi, “Henri, tôi không muốn ở với bạn thêm một giây phút nào nữa. Mỗi khi ở với bạn, tôi cảm thấy quá nhiều áp lực, vì bạn luôn muốn ở với tôi mọi nơi mọi lúc.”
Nathan là người bạn duy nhất thực sự hiểu tôi và cũng đã rất thương tôi. Nathan cũng là người đã giúp tôi chạm đến những bức tường kiên cố trong tâm hồn mình. Thế mà nay anh ấy lại đột nhiên muốn chấm dứt tình bạn với tôi. Tôi thật sự suy sụp, suy sụp hoàn toàn. Tôi bị khủng hoảng trầm trọng, cảm thấy bất lực và hầu như tê liệt hoàn toàn đến nỗi không thể tập trung làm công việc mục vụ. Tôi cảm giác mình như đang ở bên bờ tuyệt vọng. Tôi phải rời xa cộng đoàn vài tháng để đến ở tại một trung tâm trị liệu.
Tại đó, tôi gặp một chuyên viên tâm lý trị liệu. Khi nghe tôi chia sẻ, ông ấy tỏ ra rất bình thản đến độ nói với tôi một cách lạnh lùng rằng, “Vấn đề của cha thật đơn giản và hết sức bình thường: khi cha say mê một ai đó và người đó không đáp lại tình cảm của cha, tất nhiên cha sẽ buồn, sẽ suy sụp và trầm cảm. Để có thể thoát khỏi trầm cảm, cha cần phải mất ít là sáu tháng sống trong sự tiếc nuối và buồn khổ. Tuy nhiên, mọi sự sẽ ổn nếu cha quyết tâm dứt khoát không gặp lại người đó nữa. Theo kết quả của thang đo tâm lý, thần kinh của cha ở mức độ 2. Điều đó cho thấy sức khỏe thể lý cũng như tâm lý của cha bình thường.” Khi nghe bác sĩ phán quyết như thế, tôi cảm thấy vị bác sĩ này thật nhẫn tâm và thiếu tâm lý.
Tôi đã tỏ ra rất khó chịu khi nghe bác sĩ yêu cầu phải mất ít là sáu tháng để điều trị, đồng thời tôi phải rời khỏi cộng đoàn và không bao giờ được gặp lại bạn tôi nữa. Bác sĩ còn nói thêm, tôi không nên chọn đời sống độc thân vì tôi rõ ràng có khuynh hướng quyến luyến với người khác, điều đó sẽ rất khó sống độc thân. Tôi tỏ ra không đồng ý. Tôi nói với bác sĩ tâm lý ấy rằng, “Tôi sẽ chẳng bao giờ trở lại gặp ông nữa. Ông chẳng giúp ích gì cho tôi cả. Đối với ông, nỗi đau của tôi thật quá đơn giản, ông chẳng hiểu được tôi đang phải đau đớn khổ sở đến mức nào. Vì thế, tôi sẽ không trở lại gặp ông nữa.”
Tôi ý thức rất rõ là tôi phải tha thứ cho người bạn thân của mình vì anh ấy đã không đáp ứng cho tôi những gì tôi nghĩ là tôi cần. Tuy nhiên, con đường từ cái đầu đến con tim quả là một con đường dài. Tôi hiểu rất rõ là mình phải tha thứ cho Nathan và cũng có thể lặp đi lặp lại điều đó trong đầu nhiều lần, nhưng tình cảm của tôi thì lại không như thế, trái tim của tôi không muốn đập cùng nhịp với suy nghĩ của mình. Và tôi đã không thể tha thứ cho bạn tôi suốt một thời gian dài. Tôi cảm thấy rất tức giận, tôi mang trong mình một mặc cảm bị loại trừ, tôi bị trầm cảm nặng nề bởi vì người bạn thân nhất của tôi đã nghĩ rằng tôi là người rất khó để sống cùng và sống với.
Dần dần, tôi nhận ra rằng chỉ có Chúa mới có thể yêu tôi một cách vô điều kiện, còn con người thì không thể. Từ đó tôi bắt đầu tha thứ cho Nathan vì anh ấy không dành trọn vẹn tình yêu cho tôi, một tình yêu mà chỉ có nơi Chúa. Tôi tha thứ cho anh ấy vì đã không phải là Chúa! Đó không phải là chuyện của khối óc mà là vấn đề của con tim. Kinh nghiệm tình bạn giữa tôi và Nathan là một kinh nghiệm tuyệt vời giúp tôi lớn lên trong sự nhận biết rằng chỉ có Chúa mới có thể cho tôi những điều tôi mong chờ từ người khác.
Qua sự kiện này tôi nghiệm ra một điều rất quan trọng đó là tình bạn hay bất kỳ một mối tương quan thân thiết nào đó, chúng ta không tự mình có được, nhưng đó là món quà do Chúa ban và tình yêu thì rất thật. Tôi cũng biết rõ rằng tôi không phải rời xa cộng đoàn, tình bạn giữa tôi và Nathan sẽ được chữa lành và khôi phục lại, chúng tôi sẽ cùng giúp nhau vượt qua. Và tôi cũng ý thức rằng, tôi không cần từ bỏ ơn gọi độc thân linh mục để tìm kiếm sự hoàn thiện. Đây quả là một kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, ban đầu chúng ta rất khó đón nhận hoặc chúng ta cố tình không nhận ra và cũng không muốn bộc lộ hết tất cả một cách rõ ràng, nhưng với thời gian, khi nỗi đau vơi dần, tôi đã tìm lại chính mình và quay về nhà.
Tôi không phủ nhận sự lệch lạc và mù quáng trong mối tương quan này; tôi cũng không muốn làm cho vấn đề này trở nên một vấn đề thuần túy thiêng liêng, nhưng đó là cách Chúa gọi tôi để nhắc nhở tôi rằng tôi vừa là con yêu dấu của Chúa vừa là hiện thân của một con người hữu hạn, để tôi nghe được tiếng của Chúa “Ta đã yêu con bằng một tình yêu vô điều kiện. Cho dù có hay không có sự hiện diện của một người cụ thể nào đó trong cuộc đời con, thì Ta vẫn ở bên con và Ta là tất cả những gì con cần. Trong những lúc yếu đuối, thay vì con chạy đến với Ta, con lại đi tìm sự giúp đỡ của một ai đó, và người đó không thể cho con sự an ủi đích thực mà con đang cần.”
Điều quan trọng là trong thời gian tôi bị khủng hoảng, cộng đoàn đã không bỏ mặc tôi, nhưng luôn động viên, giúp đỡ tôi. Cộng đoàn đã gửi tôi đến trung tâm trị liệu và đã đến thăm trong thời gian tôi ở đó. Khi tôi cảm thấy mình vô dụng, tôi thường thốt lên rằng chẳng ai quan tâm đến tôi. Tuy nhiên, sự thật thì ngược lại. Những thành viên trong cộng đoàn động viên tôi, “cho dù bạn của cha không còn quan tâm đến cha nữa, thì cha cũng đừng nghĩ rằng chúng con không còn thương cha nữa. Chúng con yêu thương cha nhiều lắm. Cha rất quan trọng đối với chúng con.” Mới đầu tôi chẳng tin những lời họ nói và cho rằng tình yêu của họ chỉ là hời hợt, giả tạo bên ngoài. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ tôi sẽ không thể vượt qua được cơn khủng hoảng đó nếu không được anh chị em trong cộng đoàn yêu thương, giúp đỡ.
Sau tất cả những nỗi đau và sự chiến đấu để có thể tha thứ và buông bỏ, một phép lạ của sự hòa giải đã xảy ra trong cộng đoàn chúng tôi. Tôi không chỉ có thể nối lại mối tương quan với bạn tôi, nhưng qua thời gian, tình bạn của chúng tôi được chữa lành và hồi phục. Cuối cùng, Nathan nhận ra rằng tôi không còn lệ thuộc vào anh ấy như một sự bù đắp những nhu cầu của mình và từ khi đó, chúng tôi lại trở thành những người bạn tốt của nhau.
NIỀM VUI – QUÀ TẶNG CỦA SỰ THA THỨ
Điều lạ lùng là khi chúng ta tha thứ cho người khác vì họ không phải là Chúa, đó là lúc tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm vui vì nhận ra nơi tha nhân một sự phản chiếu của Chúa, sự phản chiếu về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Lúc đó chúng ta có thể nói với họ rằng, “tôi thương bạn vì bạn là họa ảnh của tình yêu Thiên Chúa,” hoặc, “tất cả những gì bạn có thể trao ban thì đáng để vui mừng vì bạn thật sự không thể cho những gì mà chỉ có Chúa mới cho được.” Bạn cũng có thể thốt lên, “Ôi, thật tuyệt vời!”
Bày tỏ niềm vui mừng về những món quà cuộc sống nơi người khác không có nghĩa là chúng ta cho họ một vài lời khen như “Bạn hát rất hay!” Không, không phải như thế, đó chẳng qua là một sự phô diễn tài năng. Khi chúng ta vui mừng, khen ngợi và cảm tạ về món quà của người khác có nghĩa là chấp nhận họ như họ là, họa ảnh của Chúa, với tất cả những độc đáo riêng mà Chúa đã ban nơi họ.
Niềm vui mà tôi muốn đề cập ở đây là sự tán dương, xác nhận, chứng thực và hân hoan về hồng ân và món quà của người khác như những phản chiếu về quà tặng tình yêu và ân sủng vô biên của Chúa. Một người chồng hay người vợ có thể cho chúng ta nhiều thứ, nhưng chúng ta vẫn cần đến cộng đoàn một cộng đoàn nhất định. Một cộng đoàn tựa như một bức tranh ghép hình: mỗi người là một mảnh khác nhau về màu sắc, và khi chúng ta ghép tất cả các mảnh đó lại với nhau, chúng ta sẽ làm nổi lên toàn bộ gương mặt của Chúa. Mỗi miếng ghép tự nó là một phản chiếu rất giới hạn về một góc độ nào đó của một tình yêu cao cả.
Niềm vui là một biểu hiện cụ thể của tình yêu. Ví dụ, khi chúng ta tổ chức tiệc sinh nhật của một người bạn là chúng ta muốn nói với họ rằng “tôi rất hạnh phúc về hồng ân sự sống của bạn, đặc biệt là sự có mặt của bạn trong cuộc đời tôi.” Ở đây không có ý để ca ngợi về khả năng của người đó như “Bạn là một tay piano tuyệt vời.” Bạn đánh đàn piano hay hơn tôi, đó chỉ là khả năng đánh đàn của bạn chứ không có nghĩa là bạn cao trọng hơn. Bạn cao trọng hơn tôi có thể vì bạn biết dung khả năng âm nhạc để đem niềm vui và sự bình an cho người nghe. Mở tiệc ăn mừng có nghĩa là biết ơn và trân trọng món quà của niềm vui, tình yêu, kiên trì, lòng tốt và sự hiền lành nơi người khác. Chúng ta trân trọng món quà Thánh Thần ban cho mỗi người vì đó là những phản chiếu của Chúa.
Từ ngày tôi đến với cộng đoàn Daybreak, tôi đã học được rất nhiều bài học, nhất là bài học về quà tặng đích thực của tôi không phải là khả năng viết sách hay khả năng dạy học tại các giảng đường đại học. Ngồi nhìn lại, tôi khám phá ra rằng ân ban đích thực mà tôi đã nhận được từ chính những thành viên trong cộng đoàn, những người biết tôi, hiểu tôi và yêu thương tôi. Thỉnh thoảng họ nói với tôi: “Henri, tại sao cha không đọc một vài cuốn sách do chính cha viết, vì trong đó, cha có những lời khuyên rất hay.” Rất nhiều lần tôi tìm được sự chữa lành qua sự khiêm tốn, vui vẻ đón nhận những khuyết điểm của mình, đồng thời dám chia sẻ cho người khác về những yếu đuối bất toàn của mình. Bỗng dưng tôi cảm thấy mình là người tốt trong mắt những ai chưa từng đọc sách của tôi và cũng không quan tâm đến những thành công của tôi. Những người này sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho những thái độ và cử chỉ quy ngã của mình.
Trong cộng đoàn Daybreak của chúng tôi, chúng tôi phải học để tha thứ luôn luôn. Tuy nhiên, chính trong sự tha thứ lại nảy mầm niềm vui mừng lễ. Với sự tha thứ và lễ mừng, cộng đoàn trở thành nơi giúp chúng ta trân trọng món quà của nhau, giúp nhau phát triển khả năng Chúa ban và nói cho nhau rằng “Con là con yêu dấu của Ta, làm vui thỏa lòng Ta mọi đàng.”
ĐƯỢC LIÊN KẾT TRONG TÌNH THƯƠNG
Quả thật, nếu trong cầu nguyện, chúng ta nhận ra mình là con yêu dấu của Chúa, chúng ta cũng sẽ nhìn những thành viên trong cộng đoàn như những người con yêu dấu của Chúa nữa. Và trong khi thi hành sứ vụ, chúng ta sẽ tôn trọng những người chúng ta phục vụ vì họ cũng mang trong mình phẩm vị của người con yêu dấu. Càng thấy mình được yêu thương bao nhiêu, chúng ta càng dễ dàng nhận ra anh chị em trong gia đình nhân loại cũng là những người được yêu thương. Đó là mầu nhiệm tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa. Càng yêu thương anh chị em cách vô điều kiện, chúng ta lại càng yêu thương bản thân mình theo cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta và anh chị em mình. Càng được người khác yêu thương bao nhiêu thì chúng ta lại càng nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương bấy nhiêu. Tìm đường trở về nhà là học để nhận ra tất cả mọi tình yêu đều được được diễn tả, được liên kết và được thể hiện trong cộng đoàn. Thánh Gioan Thánh Sử đã viết cách rất xác tín rằng: “Hỡi các con yêu dấu, các con hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).
NHỮNG THỰC HÀNH CHO ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Đời sống thiêng liêng chẳng bao giờ tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Cầu nguyện đích thực, ngay cả những giờ cầu nguyện mật thiết riêng tư nhất, cũng luôn hướng chúng ta đến tha nhân. Chung sống với nhau trong một cộng đoàn và cùng nhau tìm kiếm Thiên Chúa làm cho đời sống của chúng ta thêm sâu sắc và phong phú trong Thánh Thần hơn cả những bài giảng, bài chia sẻ hay những bài sách thiêng liêng. Hy vọng những quy tắc thực hành sau đây sẽ rất hữu ích trong việc xây dựng cộng đoàn và nhóm huấn luyện:
Quy tắc về việc xây dựng cộng đoàn
Trong các nhóm nhỏ hoặc những cộng đoàn đức tin lớn hơn thường hay gặp vấn đề về việc lãnh đạo. Đối với bạn, cách lãnh đạo nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất? Bạn thường gặp khó khăn với mô hình lãnh đạo nào?
Hãy nhớ rằng, mục đích chính yếu của đời sống cộng đoàn là cùng giúp nhau sống cuộc sống trong Thánh Thần qua cầu nguyện, qua việc nâng đỡ và chịu trách nhiệm lẫn nhau. Để giúp cộng đoàn vượt qua những khó khăn, những hiểu lầm và trở ngại, lựa chọn ưu tiên của một cộng đoàn đức tin không phải là dựa vào những lý lẽ đúng sai, hoặc những quan điểm cá nhân, cũng không phải dựa vào những tranh luận mang tính trí tuệ hay những cuộc đàm phán. Tuy nhiên, để có thể tìm được tần sóng phù hợp giúp các thành viên trong cộng đoàn có thể trao đổi được với nhau và cùng nhau tìm về một hướng, điều quan trọng là chúng ta phải lấy Lời Chúa làm chủ lực, làm định hướng cho những cuộc hội họp cộng đoàn. Nói một cách cụ thể là, sẽ không có cuộc họp cộng đoàn đúng nghĩa nếu trong cuộc họp không có phần cộng đoàn cùng nhau đọc Lời Chúa. Cách tốt nhất để làm điều đó là cử một vài thành viên đọc Lời Chúa một cách chậm rãi và lớn tiếng, những thành viên còn lại thì lắng nghe Lời với lòng kính trọng.
Ngoài việc cùng nhau lắng nghe lời Chúa, cộng đoàn cần dành ít phút thinh lặng sau khi nghe Lời Chúa. Đây là điều rất quan trọng, hữu ích và cần thiết. Cùng nhau dành thời gian thinh lặng để cho Lời Chúa thấm sâu vào tâm hồn mỗi người và để Lời Chúa trở thành động lực, thành ánh sáng và kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trong việc xây dựng cộng đoàn.
Một trong những vấn đề nan giải mà các nhóm nhỏ cũng như cộng đoàn lớn thường gặp đó là lời phát biểu, việc góp ý kiến. Trong những vấn đề chúng ta đồng ý hay không đồng ý, bàn cãi và tranh luận, chúng ta thường không để ý sử dụng ngôn ngữ phù hợp để xây dựng cộng đoàn và để nhận ra những tác động nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần đang hoạt động giữa chúng ta. Hãy để cuộc sống của chúng ta ngày càng chiếu sáng và lan tỏa rộng rãi đến những nơi chúng ta hiện diện.
Suy gẫm và viết nhật ký
Trong cộng đoàn đức tin của tôi, ai đang đóng vai trò trung tâm? Điều gì nối kết chúng ta lại với nhau? Điều gì gây trở ngại cho cộng đoàn của tôi?
Ai đang cần được bạn tha thứ vì họ không phải là Chúa?
Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà
Nguồn: Nouwen, Henri JM. Spiritual direction: Wisdom for the long walk of faith. HarperSanFrancisco, 2006, p. 109 – 127.
[1] Mặc dù cha Henri đã kể câu chuyện ngụ ngôn này rất nhiều lần, gần đây nhất, chúng ta đọc thấy câu chuyện này ở trong cuốn sách “Trên con đường trở về (2001), trg. 87.