Cha Flor María Rigoni, tiếng nói của những người di cư và tị nạn
Cha Flor María Rigoni, tiếng nói của những người di cư và tị nạn
Cha Flor Maria Rigoni, linh mục người Ý, thuộc dòng Giovanni Battista Scalabrini, tiếng nói của những người di cư và tị nạn.
Theo gương đấng sáng lập, thánh Giovanni Battista Scalabrini, dành cả cuộc đời phục vụ người di cư và tị nạn, vào năm 1985 cha Flor Maria đến Mexicô, và sau đó đi khắp nơi trên thế giới để giúp đỡ những người di cư. Hiện cha đang chỉ đạo các hoạt động xã hội của Liên đoàn Scalabrini ở Colombia.
Trong 53 năm linh mục, cha Flor Maria đã hiện diện ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn vị linh mục lớn tuổi chia sẽ về cuộc đời và ơn gọi phục những người di cư và tị nạn.
Cha Flor Maria sinh giữa thời chiến ở biên giới giữa ý và Thuỵ Sĩ. Mẹ cha mang thai và cho cha chào đời rất khó khăn nên sức khoẻ của cha không được tốt. Trong những năm truyền giáo ở châu Phi, cha thường xuyên bị sốt rét dẫn đến hôn mê đến nỗi mọi người tưởng cha đã qua đời, nhưng sau đó cha lại hồi sức và tiếp tục phục vụ. Nói về điều này, cha khẳng định về ơn gọi truyền giáo của mình, và xác tín rằng Chúa gửi cho cha một sự khó nào đó để cha đồng cảm với những người bé nhỏ.
Những ai gặp cha đều nhận xét, cha Flor Maria là một người luôn mỉm cười, biểu hiện của sự khôn ngoan xuất phát từ sự hiểu biết tuyệt vời về thân phận con người và lòng thương xót Chúa. Cha tự nhận mình là người di cư, nhưng tự nguyện, không giống những người di cư khác trong những thập kỷ qua, những người bị “kết án di cư”.
Nói về ơn gọi truyền giáo, cha Flor Maria chia sẻ rằng, cha được đánh động bởi hai bức ảnh do một linh mục tặng: một bức mô tả một linh mục truyền giáo trên lưng ngựa ở Brazil, và bức khác với hình ảnh một nhà truyền giáo đang ở trong hầm mỏ ở Bỉ.
Chuyến đi truyền giáo đầu tiên của cha trên biển với công việc là trợ lý điện trên một con tàu. Cha và đoàn thuỷ thủ đến Nhật Bản và trải qua cuộc chiến Yom Kippur, sau đó do không thể di qua Kênh Suez con thuyền phải đi vòng qua châu Phi. Tổng cộng 8 tháng.
Chuyến vượt biển là một trải nghiệm độc đáo đối với cha Flor Maria. Cha nói: “Các tu sĩ Dòng tên dạy tôi thần học và triết học, và biển đã dạy tôi tất cả linh đạo mà hôm nay tôi có được. Biển là chiếc nôi, trong đó người ta có thể chạm đến sự vô biên của Chúa. Trong biển khơi, nơi mặt đất biến mất khỏi chân trời, người ta thấy trời cao, một bầu trời biết nói. Biển giúp con người liên lạc với toàn thể nhân loại”.
Sau chuyến đi biển đó, cha Flor Maria tiếp tục đi những chuyến khác. Chuyến cuối cùng là chuyến cha rời Ý để đến Thái Bình Dương, rồi cảng Chile.
Cha ở Đức 10 năm, hầu hết thời gian dành cho người di cư đến từ lục địa châu Mỹ. Sau đó, cha đến châu Mỹ và ở lục địa này trong 39 năm. Lúc đầu cha đến Mexico, vùng biên giới với Hoa Kỳ. Cha nói người di cư Mexico dạy cha niềm hy vọng. Chính những hoạt động trợ giúp không mệt mỏi người di cư Mexico mà vào năm 2020 cha đã được Tổng thống Mexico trao Giải thưởng quốc gia về Nhân quyền, và được đưa vào danh sách của 150 người đã để lại dấu ấn quan trọng cho quốc gia.
Hành trình tiếp theo của cha là Colombia. Ở quốc gia này, ngoài trải nghiệm phục người di cư cha Flor Maria còn phải đối diện với nạn buôn người, mà theo cha thực sự là một bi kịch.
Cha cùng với các tu sĩ Scalabrini làm việc cho người di cư dựa theo ba yếu tố chính: đón tiếp, đào tạo và lãnh thổ. Các tu sĩ tiếp nhận tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo và màu da, cung cấp cho họ các khoá học nghể để họ có thể làm việc trong thời gian ngắn, sau đó là cung cấp cho họ các vật liệu cần thiết để họ có thể bắt đầu làm nơi trú ngụ đơn giản. Điều sau cùng là lãnh thổ, một nơi để người di cư có thể ổn định cuộc sống và cùng nhau xây dựng một tương lai chung. Trên vùng đất định cư này, cha Flor Maria cùng với các anh em trong dòng tiếp tục giúp họ xây dựng những lớp học. Theo cha, đây là một thực tế cần phải tiến hành để hướng đến tương lai.
Về những khó khăn trong các hoạt động hỗ trợ người di cư, cha Flor Maria chia sẻ: “Mệt mỏi, thất vọng có, nhất là khi việc mình làm không được nhìn nhận. Tuy nhiên chúng tôi tiếp tục làm việc cùng với một sự dấn thân. Chúng tôi, những tu sĩ Scalabrini, không phân biệt tôn giáo, giới tính, màu da hay hệ tư tưởng chính trị. Điều quan trọng đối với chúng ta là con người, và chúng tôi thêm Tin Mừng. Tôi sẽ tiếp tục miễn là Chúa ban cho tôi sức mạnh, và bất cứ nơi nào cũng được. Tôi hy vọng tôi không phải là gánh nặng cho bất cứ ai. Và như Thánh Phaolô nói, với tâm hồn là một nhà truyền giáo, tôi không biết nên ở lại với anh chị em hay nói lời tạm biệt và ra đi với Chúa thì tốt hơn”.
Ngọc Yến