Các lãnh đạo Giáo hội Công giáo Myanmar đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình
Các lãnh đạo Giáo hội Công giáo Myanmar đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình
Các lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình sau sự gia tăng bạo lực và các cuộc tấn công nhằm vào thường dân ở nước này trong những tuần gần đây.
Các Giám mục Myanmar đã gửi một lá thư kêu gọi đến “người dân Myanmar” và “các bên liên quan thuộc nhà nước và không thuộc nhà nước”. Thư được ký bởi Đức Hồng y Charles Bo của Yangon, Đức Tổng Giám mục Marco Tin Win của Mandalay, và Đức Tổng Giám mục Basilio Athai của Taunggyi.
Các Giám mục Myanmar nói rằng “Là những nhà lãnh đạo của các tôn giáo/tín ngưỡng lớn ở Myanmar, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ vì hòa bình, thúc giục tất cả chúng ta cần thực hiện cuộc hành hương vì hòa bình.”
Mối đe doạ với sự sống, trường học và nơi thờ phượng
Các ngài nêu lên “những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự thánh thiêng của sự sống con người, những sinh mạng bị cướp mất, những cuộc đời phải di tản và những mạng sống đang chết đói” trong những tháng gần đây. Các ngài cũng lưu ý rằng những nơi thờ phượng và tu viện, “nơi các cộng đồng tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã bị tấn công. “Với nỗi đau đớn và thống khổ, chúng tôi đặt câu hỏi tại sao những nơi linh thiêng này lại bị tấn công và phá hủy.” “Là một quốc gia, chúng ta cần phải hàn gắn. Sự chữa lành đến từ ý thức sâu sắc về sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta. ”
Tuyên bố của các giám mục tha thiết cầu xin các bên liên quan hãy chặn lại mọi tiếng súng, hãy tiếp cận với tất cả, như là các anh chị em và bắt đầu cuộc hành hương thiêng liêng của hòa bình – thống nhất với tư cách là một quốc gia và một dân tộc.”
Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22/1 Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi của ngài với người dân Myanmar, những người đã phải chịu “những thử thách nghiêm trọng” kể từ khi cuộc đảo chính quân sự bắt đầu vào năm 2021. Đặc biệt ngài đau lòng hướng đến nhà thờ Đức Mẹ Hồn xác lên trời ở làng Chan Thar, một trong những nơi thờ tự lâu đời nhất và quan trọng nhất của đất nước, đã bị phóng hỏa và phá hủy.”
Đức Thánh Cha yêu cầu các tín hữu hiện diện trong buổi đọc kinh Truyền Tin cùng nhau cầu nguyện một “Kinh Kính Mừng” với Đức Mẹ Myanmar để cầu xin cho cuộc xung đột sớm kết thúc và “một thời kỳ mới của sự tha thứ, tình yêu và hòa bình sẽ bắt đầu.” (Licas 23/01/2022)
Hồng Thủy