2020
Những câu hỏi cha mẹ nên dùng để hỏi thăm, trò chuyện với con
2020
Sống đẹp, sống dại, và sống tạp
Cứ tin đi, cái gì có giá trị là có giá trị. Còn cái gì không có giá trị là không có giá trị. Chẳng có sự biện hộ nào vượt qua điều này đâu, cho những cái không có giá trị. Vì giá trị là sự thật, chân lý, bởi lẽ thế giới loài người khác thế giới cầm thú, hoang dã, hỗn mang…
Như trong chuyện yêu đương vậy, sự chung thủy là điều đẹp đẽ, cao cả. Người ta có thể chấp nhận, cảm thông, hoặc sẻ chia, đồng cảm với những cuộc ly hôn của cặp vợ chồng nào đó bởi những bất công, bất nghĩa, bất mỹ, bất trắc, bất thuận, bất đồng… nội tại của họ mà dẫn đến cắt đứt đường tình, nhưng không bao giờ thừa nhận nó là đẹp được.
“Cái tôi” của ai cũng to ngút trời. Sự tha thiết, chân thành và sẻ chia “ly biệt” trước. Sự ích kỷ và hẹp hòi lên ngôi. Ly hôn như ngóe, dễ như trò chơi, như bỡn cợt, tràn lan bây giờ không bao giờ là “hiện đại” mà là một thực tế đời sống đang như, về một thế gian suy tàn về giá trị cao cả và ý nghĩa tình yêu.
“Văn minh” là cái được xây dựng trên nền tảng của đạo đức, đạo lý, cái đẹp, giá trị cốt lõi, chứ không phải theo xu hướng, xê dịch ra xa, kiểu sống dễ dãi, bừa bãi, bất chấp, thoát ra điều đó, và ngụy biện đủ hướng dưới lớp vỏ là “hiện đại”.
***
Xã hội biến đổi quá nhanh, nhiều thứ biến đổi mà hẳn nếu có Thượng đế thật, thì vị ấy cũng ngỡ ngàng, bàng hoàng, sốc não. Cái gì chân chính cứ như luôn bị lép vế. Những người thật thà bỗng thành kẻ ngốc. Những người trung thực, ngay chính, đạo đức như bỗng sống lạc thời, bên lề. Họ bị cô độc trong cộng đồng, công ty, công sở… Họ luôn thua thiệt, và đau thương hơn là họ rất dễ “không còn đất sống”. Đau thương hơn là cho xã hội, khi giá trị chân chính và tinh hoa không còn là hấp lực và vai trò dẫn đạo cho túi khôn, hiểu biết, trí tuệ xã hội.
Dẫu biết, nước trong thường chảy trong dòng tĩnh lặng, nước đục thường chảy theo dòng ngâu lũ. Dẫu biết, thần thánh thường đi đơn lẻ còn quỷ sứ thường đi thành bầy. Nhưng trong xã hội loài người thời hiện đại này mà “trò chơi làm người” như thế thì uổng phí cho loài người quá, xót cho động vật thượng đẳng quá. Những cô, thầy nịnh nọt, dối xảo trong trường học lại đứng ở bục giảng chắc vững hơn những cô thầy hiền từ, tận tâm, giỏi nghề. Những bác nông dân không dám phun thuốc sâu có hàm lượng độc tính cao vào vườn rau mình thì khó sống hơn những bác nông dân không nghĩ đến điều đó ở vườn rau của họ. Những anh chị công chức không sách nhiễu, vòi vĩnh bá tánh thì cơ hội thăng tiến chật hẹp hơn những người ngược lại.
Giá trị “thật” và “ảo” mù mờ quá. Sự ngay chính, lương tâm, công bình, cái đẹp, và lòng từ ái bị thách thức nghiêm trọng quá!
***
Trên Internet, bỗng một ngày khi vào mạng nghe nhạc, người Việt Nam chỉ còn thấy phổ biến ở các bài hát là tên ca sĩ hát những bài hát đó, còn tên người tạo ra tác phẩm nhạc ấy phai mờ, biến mất. Ca sĩ làm nên sự ồn ào, ưu thế, chiếm được phương tiện, diễn đàn, còn nhạc sĩ thì không thể, đặc biệt nhạc hay là nhạc của những người đã khuất núi rồi. Con người đã không để ý đến giá trị chân chính, sống đẹp, trách nhiệm với “sinh thái xã hội”, mà chỉ cần làm những gì hiệu quả, nhanh thu lợi, vị kỷ, vun vén cho mình.
Mạng xã hội thì khỏi nói, thiên hạ biến ngàn tỉ cái của người ta thành của mình. Thời buổi như rừng rậm, hoang mạc. Khủng khiếp nhất là ai nấy đều thấy bình thường, tỉnh bơ, như chuyện nịnh nọt, bợ đỡ, dối gian và nữa là luồn cúi, lừa gạt, mánh khóe, kinh doanh vô đạo, chiêu trò, chụp giựt, trí trá. Trí thức đó đây, cũng đầy chiêu mẹo, ranh xảo. Truyền thông, báo chí cũng không thiếu cảnh trạng “đạo” và “cắp”, “cướp” tác phẩm của nhau. Ngay các công trình khoa học mà đó đây chuyện “đạo” qua, “đạo” lại nhau cũng ngày càng nhỡn tiền, tá lả. Nhà khoa học “thật” và nhà khoa học “giả” loạn xạ, loạn chuẩn. Trí thức tinh hoa bị lép vế trước trí thức cơ hội, nửa mùa và giả cầy. Nghệ sĩ cũng thế. Ca sĩ xoàng cũng nổi tiếng nhanh, sống khỏe, nhờ Internet, thủ thuật và chiêu thức gây “bão”. Ca sĩ tử tế, nhạc sĩ tử tế, trí thức tử tế, sững sờ và chết đứng.
***
Ai cũng khoe giàu, khoe sang, khoe danh vọng, khoe quan hệ, nhưng không thấy ai khoe và chứng minh đức hạnh cùng sự thật thà, tử tế, đàng hoàng của mình cả. Đang cùng nhau sống tạp. Sống tạp mà vẫn nghênh ngang, huênh hoang, ngã mạn, tự hào, tự đắc. Quái lạ là, cùng đồng thanh, ủng hộ, cổ vũ, theo lối phường hội.
Từ khi nào những quan niệm sống ẩu tả, bừa bãi được xem là “hiện đại” thế. Tội nghiệp cho khái niệm “hiện đại” quá. Họ không hiểu gì về sự nền nã, tinh tế, sâu sắc, nhân bản, hướng thiện, tự trọng của phương Tây nên cóp nhặt hoặc “lẩy” ra ấy vài mảnh vỡ lớp mặt hư hỏng của thế giới đó để sống, rồi cho mình cũng “hiện đại” như họ.
Khi khoe khoang và nói dối trở nên phổ biến và thành hành vi bình thường trong mỗi con người và xã hội thì không còn có chân thắng nào về chân giá trị nữa. Không phải đơn giản mà các tôn giáo đều đưa việc nói dối trở thành vấn đề cốt lõi của tư cách con người, làm người, và cấm nó. Nhiều trăm năm trước, lúc xã hội ta còn nghèo, hiếm người biết chữ, nhưng thiện lành vẫn còn là “giá trị phải thế” thì ông cha đã nhận chân và coi rẻ người “nói dối thành thần”, và “nói dối như cuội!”.
Giá trị “thật” và “ảo” mù mờ quá. Sự ngay chính, lương tâm, công bình, cái đẹp, và lòng từ ái bị thách thức nghiêm trọng quá.
***
Không ít người sống ở Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… bây giờ vẫn nhìn người bản địa miền thượng Tây Nguyên là “lạc hậu”. Thế mà tôi đi đến đó, nhìn – thấy – nghe mỗi khi có một cành điều của rẫy vườn kế bên rụng trái bên đất rẫy mình thì họ nhặt những trái điều đó bỏ lại vườn bên kia, thay vì gom thu luôn thì chẳng ai mà biết. Họ không nói thì thôi, đã nói là chỉ nói thật. Họ “dại”, nếu theo cách sống và nhận thức sống của một số người ở các đô thị lớn ở Việt Nam tự cho là “văn minh”, “hiện đại”? Không, họ vẫn đang hiện đại, và văn minh, chỉ có điều chúng ta không có hiện đại thật và đang mất đi văn minh thôi.
Các giá trị cuộc đời cứ như đang trong một nồi lẩu.
Cuộc sống cứ đang như một gameshow truyền hình.
Cái có giá trị, như kim cương vậy, chịu áp lực và thử thách thì mới sáng chói, còn không cũng như bao đá cuội, giữa bất cứ không gian, hoàn cảnh, thời buổi, lịch sử nào. Dù thế gian đã có như thế nào thì là con người (khác con thú) cũng phải điềm tĩnh để nhận chân, cần phân biệt giữa các cực này: chọn cách sống, mục đích sống, xu thế sống, ý nghĩa sống, giá trị sống, và chân lý sống – tức giữa “tồn tại” và “làm người”. Đơn giản như người thượng Tây Nguyên nói, “Muốn ăn sim mọng thì gắng đi vào chỗ rừng xa có nhiều cây xanh tốt”.
2020
Người có giáo dục
Sau khi thảo luận về tri thức và kỹ năng, một sinh viên hỏi tôi: “Người sở hữu bằng đại học có được coi là người có giáo dục không?”.
Tôi nói với cả lớp rằng đây là chủ đề thú vị. Chúng ta hãy tranh luận theo câu hỏi: “Người có bằng đại học liệu có thể bị coi là vô giáo dục không?”.
.
Nếu nhìn lại quá khứ, ta thấy rằng yếu tố chính trong việc thiết lập ra xã hội ngày nay đã dựa trên nền tảng của hệ thống giáo dục. Trước thế kỷ 17, giáo dục bị giới hạn cho những người ưu tú – tu sĩ và người trong hoàng tộc. Số đông còn lại phần lớn là “vô giáo dục” theo đúng nghĩa đen.
Từ cuối thế kỷ 17, có một phong trào trong các trí thức đòi hỏi giáo dục tốt hơn cho mọi người. Các sử gia gọi là “Kỷ nguyên Khai sáng” vì cách nhìn mới dùng khoa học và triết học để thách thức cách nghĩ truyền thống rằng “chỉ tu sĩ và người trong hoàng tộc được giáo dục”. Hai triết gia lớn John Locke và Jean Jacques Rousseau đã viết các bài báo đòi hỏi rằng giáo dục phải được dạy cho mọi người về cách đọc và viết, để họ có thể nghĩ cho bản thân, phản biện lại “thiên kiến tôn giáo” được những người ưu tú đặt ra.
Phong trào này lan rộng nhanh chóng khắp châu Âu khi nhiều người bắt đầu nhận ra quyền lợi của họ đối với giáo dục và hoài nghi cách nghĩ truyền thống. Trước đó, mọi trường học đều bị kiểm soát và vận hành bởi các tu sĩ, nhưng nhiều trí thức đã mở trường riêng của họ để lan toả niềm tin rằng hệ thống giáo dục mới – tập trung vào khoa học và triết học – có thể giúp hiện đại hoá chuẩn sống cho mọi người. Rồi nhiều người hơn có thể đọc, nhiều sách hơn được in ra. Và nhiều tiểu thuyết văn chương, thơ ca được tạo ra. Chúng làm nảy sinh thời đại mới có tên “Thời đại Lãng mạn.”
Sau thảo luận ngắn giữa các sinh viên, một người nói: “Tất nhiên những người có bằng đại học nhưng cư xử như ai đó không có giáo dục có thể bị gọi là ‘vô giáo dục’”. Tôi hỏi: “Đó là tất cả sao?”. Sinh viên khác đáp: “Đôi khi mọi người lẫn lộn có giáo dục với giáo dục ở nhà trường cho nên họ liên hệ những người có bằng cấp cao là người có giáo dục”. Sinh viên khác nói thêm: “Có người có bằng cấp cao nhưng vẫn không biết cái gì. Họ đỗ các kỳ thi, có được bằng nhưng không có kỹ năng, như thầy đã dạy chúng em về khác biệt giữa tri thức và kỹ năng”.
Tôi giải thích: “Mặc dầu các em đã biết về tri thức và kỹ năng. Tuy nhiên, ‘người có giáo dục’ là nhiều hơn việc có tri thức và kỹ năng. Theo định nghĩa, giáo dục là quá trình khơi gợi tiềm năng của một người, làm nảy sinh trong anh hay cô ta hiểu biết về tiềm năng của mình (tức là biết bản thân họ) và căn cứ trên điều đó mà hành động một cách có trách nhiệm. Điều đó nghĩa là họ chịu trách nhiệm cho bất kỳ cái gì họ làm, với gia đình, xã hội và đất nước của họ. Người có giáo dục là người “biết” và “hành động” tương ứng với sự biết đó”.
Vấn đề là qua thời gian, hệ thống giáo dục đã được “chuẩn hoá” dựa trên tri thức hàn lâm nào đó, nhưng ít hướng về tiềm năng làm người tốt. Học sinh nếu học tri thức nhưng không “hành động”, họ không thể là người có giáo dục được. Trong hệ thống giáo dục nào đó, bằng cấp dựa trên việc đỗ những kỳ thi. Nhưng nhiều kỳ thi chỉ là “việc ợ ra” điều họ ghi nhớ cho nên những người có trí nhớ tốt có thể thu được bằng cấp. Ta đã thấy những người tốt nghiệp đại học với đủ loại lý thuyết nhưng không thể làm được bất kỳ cái gì. Và vì mọi người được đánh giá phần lớn theo bằng cấp, một số học sinh chỉ tập trung vào việc giành giật chúng bằng bất kỳ phương tiện nào, kể cả gian lận. Chừng nào họ chưa hiểu người có giáo dục là gì, sẽ khó thay đổi thái độ của họ nhắm tới bằng cấp.
Ngày nay, nhiều sinh viên vào trường mà không có định hướng và mục đích. Một số người chỉ muốn qua được các bài kiểm tra và có được tấm bằng. Một số người thậm chí còn tin rằng bố mẹ sẽ chăm nom cho họ sau khi lấy được bằng đại học.
Hai mươi lăm năm trước, khi bắt đầu đi dạy, tôi đã tin rằng phần lớn sinh viên đều biết chủ đích giáo dục của họ và có mục đích nghề nghiệp. Tôi đã sai. Vì nhiều người đã không có điều đó nên tôi phải dành thời gian để thảo luận với họ về chủ đích của giáo dục đại học. Tôi bắt đầu bằng việc yêu cầu sinh viên viết một bài luận ngắn giải thích tại sao họ vào đại học, họ muốn làm gì. Sau khi xem các bài luận này, tôi bắt đầu thảo luận với họ về kế hoạch nghề nghiệp.
Tôi giải thích rằng, giáo dục không phải là về việc đi tới lớp, đọc sách, ghi nhớ sự kiện, đỗ kỳ thi và có việc làm, mà còn là học về thế giới xung quanh. Các em phải biết cái gì đang xảy ra trong ngành, trong xã hội của các em rồi xác định vai trò của mình ở đó. Hãy tự hỏi bản thân mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp cũng như trách nhiệm của mình với chính bản thân, gia đình, xã hội.
Là sinh viên, các em tới trường để học cái gì đó hữu dụng cho cuộc đời các em, không phải chỉ là thi đỗ và thu được mảnh giấy có tên là “bằng cấp”. Việc “có giáo dục” sẽ chuẩn bị cho các em dẫn dắt cuộc sống hữu ích, trở thành công dân tốt cho đất nước các em, và là người tốt hơn. Để làm điều đó, em cần lập kế hoạch nghề nghiệp sớm nhất có thể, đặt mục đích giáo dục mà em có thể đạt tới. Một số sinh viên có thể nghĩ “sao phải vội?”. Nhưng không có mục đích giáo dục, làm sao em biết đích đến của đời mình? Nếu em du hành mà không có đích đến, bất kì cái gì cũng có thể là đích. Và em sẽ phạm nhiều sai lầm, sẽ nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, hay học một lớp ở đây và một lớp ở kia mà không có chiều hướng nào. Đó là lý do tại sao chúng ta có nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp.
Trong quá khứ, thầy cô giáo là “người có quyền” và “vâng lời” là qui tắc. Ngày nay, thầy cô giáo không còn là người có quyền mà chỉ là ai đó hỗ trợ cho học sinh. Ý niệm rằng thầy cô là “người trao tri thức” bằng việc đọc bài giảng là lỗi thời. Thầy giáo ngày nay phải được chuẩn bị để chấp nhận đa vai trò trong lớp học, gồm: thầy giáo, người tạo điều kiện, người hướng dẫn, người tư vấn, người cố vấn và thầy kèm.
Là thầy cô, ta có thể trải qua những ngày mà học sinh không như ta kỳ vọng. Vậy, nếu chúng ta không thích cái gì đó thì thay đổi nó đi, mang ý tưởng mới và đam mê vào lớp học để giúp học sinh học tốt hơn. Khi có nhiều ngày học sinh chú ý bài học, nêu ra nhiều câu hỏi hơn trước đây tức là việc học có nghĩa đang xảy ra. Việc học không bao giờ nên dừng lại. Cho dù chúng ta đã làm tốt, vẫn có nhiều điều cần làm.
Việc dạy luôn là thách thức vì giáo viên phải giải quyết nhiều vấn đề, từ chương trình đào tạo nặng nề mà cấp quản lý chỉ đạo họ phải làm cho tới thời gian được yêu cầu hoàn tất chấm bài. Nhiều giáo viên còn cảm thấy không được xã hội, phụ huynh và học sinh ca ngợi. Một số thầy cô chán nản và băn khoăn liệu họ có quyết định đúng khi chọn nghề không.
Tuy nhiên, tôi tin khi đã chọn nghề dạy học, tất cả chúng ta đều được dẫn đường bởi mong muốn phát triển thế hệ kế tiếp tốt hơn cho đất nước. Chúng ta biết rằng tương lai và việc bảo vệ đất nước của mình tuỳ thuộc vào việc thế hệ tiếp theo được giáo dục như thế nào. Phần lớn chúng ta thực ra đã không coi giáo dục học sinh như một “việc làm” mà như một “sứ mệnh”. Và nếu ai đó nói gì tiêu cực về nghề giáo, tôi thường trả lời: “Nếu bạn có thể đọc và viết, tốt hơn bạn nên cám ơn các thầy cô giáo. Không có họ, bạn chỉ là người dốt nát”.
2020
Nhà giáo dục người Mỹ chỉ ra 9 bước nói chuyện với con có thể thay đổi cả cuộc đời đứa trẻ
Nhà giáo dục người Mỹ chỉ ra 9 bước nói chuyện với con có thể thay đổi cả cuộc đời đứa trẻ
So với người lớn, trí não trẻ nhỏ chưa hoàn toàn phát triển. Vì vậy bố mẹ cần có những cách riêng biệt để truyền tải thông điệp tới trẻ…
Nhà giáo dục người Mỹ, Fred Rogers đã thành lập một chương trình truyền hình dành riêng cho trẻ em mẫu giáo, nói về các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống và cách giáo dục chúng.
Fred cho biết, trẻ thực sự lắng nghe mọi thứ người lớn nói, vì vậy cách chúng ta nói chuyện, truyền đạt thông điệp đến chúng vô cùng quan trọng. Theo Fred, có 9 bước để nói chuyện và 9 bước này hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống cả của con và của bố mẹ.
Không có đứa trẻ nào giống nhau cả. Nhưng tất cả chúng đều cần những lời khuyên từ bố mẹ. Đôi khi bạn phải giải thích cho con các quy tắc về sử dụng đồ chơi, những nơi được phép chơi đùa và những người được phép chơi cùng.
Nhà giáo dục Mỹ Fred Rogers đã minh họa, áp dụng 9 bước nói chuyện của mình để truyền tải thông điệp đến những đứa trẻ, thậm chí giúp chúng hiểu biết hơn về sự trưởng thành.
Bước 1: Hãy nói suy nghĩ của bố mẹ với con theo cách thật đơn giản
Não bộ của trẻ chưa phát triển đầy đủ như người lớn, đồng thời chúng cũng chưa có vốn từ vựng phong phú. Nếu bố mẹ nói chuyện với con mà sử dụng những từ ngữ quá cao siêu thì chúng sẽ không thể nào hiểu được.
Cách tốt nhất để truyền tải thông điệp đến con là bố mẹ hãy sử dụng những từ ngữ, câu nói thật đơn giản. Chẳng hạn như:
“Đi với người lạ là nguy hiểm”.
“Ném đồ chơi khắp mọi nơi là xấu”.
“Chơi ở ngoài đường nguy hiểm lắm”.
“Chơi game trên máy tính mà không xin phép bố mẹ là sai”.
Hãy nói suy nghĩ của bố mẹ với con theo cách thật đơn giản.
Bước 2: Hãy dùng những câu nói tích cực để truyền thông điệp đến con
Thay vì những câu đe dọa, quát nạt, bố mẹ hoàn toàn có thể uốn nắn, dạy dỗ con làm theo ý mình nhờ những câu nói mang tính tích cực:
“Sẽ thật tốt nếu con chỉ đi chung với những người quen biết”.
“Sẽ thật tốt nếu con đặt đồ chơi ở đúng nơi quy định”.
“Sẽ thật tốt nếu con chơi ở những nơi an toàn”.
“Sẽ thật tốt nếu con xin phép bố mẹ trước khi chơi game trên máy tính”.
Hãy dùng những câu nói tích cực để truyền thông điệp đến con.
.
Bước 3: Dạy cho trẻ cách hỏi thông tin
Trẻ nhỏ chưa đủ tư duy để phân biệt mọi sự đúng sai. Vì vậy, bố mẹ hãy dạy cho con việc hỏi những người mà chúng tin tưởng về những điều mà chúng muốn biết.
“Hãy hỏi bố mẹ xem con có thể đi cùng với ai”.
“Hãy hỏi bố mẹ nơi cất đồ chơi ở đâu”.
“Hỏi bố mẹ nên chơi ở đâu thì an toàn”.
“Hỏi bố mẹ khi nào thì được chơi game trên máy tính”.
Hãy dạy cho trẻ cách hỏi thông tin.
.
Bước 4: Loại bỏ những từ mang tính mệnh lệnh khi nói chuyện với con
Bố mẹ cần phải loại trừ tất cả những từ ngữ nghe giống như mệnh lệnh đối với con. Về cơ bản, bố mẹ có thể nói với con những câu hướng dẫn mang tính mềm mỏng, yêu thương như sau:
“Bố mẹ sẽ cho con biết, con có thể đi cùng với ai”.
“Bố mẹ sẽ cho con biết nơi cất đồ chơi”.
“Bố mẹ sẽ cho con biết nơi vui chơi an toàn”.
“Bố mẹ sẽ cho con biết khi nào có thể chơi game trên máy tính”.
Loại bỏ những từ mang tính mệnh lệnh khi nói chuyện với con.
.
Bước 5: Loại bỏ những từ mang ý nghĩa chắc chắn
Từ “sẽ” mang ý nghĩa chắc chắn và bố mẹ nên loại bỏ chúng ra khỏi cách truyền tải thông điệp của mình và thay bằng từ “có thể”:
“Bố mẹ có thể cho con biết con được đi cùng với ai”.
“Bố mẹ có thể cho con biết nơi cất đồ chơi”.
“Bố mẹ có thể cho con biết nơi vui chơi an toàn”.
“Bố mẹ có thể cho con biết khi nào được chơi game trên máy tính”.
Loại bỏ những từ mang ý nghĩa chắc chắn.
.
Bước 6: Loại bỏ những từ ngữ không hoàn toàn đúng với tất cả trẻ em
Hãy sắp xếp lại cách nói của bạn và loại trừ tất cả những từ ngữ không thể áp dụng hoàn toàn cho mọi đứa trẻ. Từ bị loại bỏ là từ “bố mẹ” vì không phải đứa trẻ nào cũng có đầy đủ bố mẹ cũng như nhận thức được bố mẹ chúng.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết, con được đi cùng với ai”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi cất đồ chơi”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi vui chơi an toàn”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết khi nào được chơi game trên máy tính”
.
Loại bỏ những từ ngữ không hoàn toàn đúng với tất cả trẻ em.
.
Bước 7: Thêm các từ ngữ mang tính động lực
Lần này hãy thêm các từ mang tính động lực vào trong lời nói với trẻ, để trẻ có lý do làm theo những điều bạn hướng dẫn:
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết, con được đi cùng với ai. Lắng nghe họ nói là điều tốt”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi cất đồ chơi. Lắng nghe điều họ nói là tốt”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi vui chơi an toàn. Lắng nghe điều họ nói là tốt”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết khi nào được chơi game trên máy tính. Lắng nghe điều họ nói là tốt”.
Hãy thêm các từ ngữ mang tính động lực.
.
Bước 8: Loại bỏ những từ ngữ mang tính đánh giá
Lần này vẫn hay thêm các từ mang tính động lực vào trong lời nói với trẻ nhưng thay từ “tốt” bằng một từ ngữ khác không mang tính chất đánh giá.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết con được đi cùng với ai. Lắng nghe họ nói là điều quan trọng”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi cất đồ chơi. Lắng nghe điều họ nói là quan trọng”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi vui chơi an toàn. Lắng nghe điều họ nói là quan trọng”.
“Người lớn mà con có thể cho con biết khi nào được chơi game trên máy tính. Lắng nghe điều họ nói là quan trọng”.
Hãy loại bỏ những từ ngữ mang tính đánh giá.
.
Bước 9: Gắn kết thông điệp với giai đoạn trưởng thành
Ở bước cuối cùng, bạn cần gắn kết thông điệp liên quan đến sự trưởng thành mà con bạn hiểu được:
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết con được đi cùng với ai. Lắng nghe họ nói là điều quan trọng. Và lắng nghe là một phần của quá trình trưởng thành”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi cất đồ chơi. Lắng nghe điều họ nói là quan trọng. Và lắng nghe là một phần của quá trình trưởng thành”.
“Người lớn mà con thích có thể cho con biết nơi vui chơi an toàn. Lắng nghe điều họ nói là quan trọng. Và lắng nghe là một phần của quá trình trưởng thành”.
“Người lớn mà con có thể cho con biết khi nào được chơi game trên máy tính. Lắng nghe điều họ nói là quan trọng. Và lắng nghe là một phần của quá trình trưởng thành”.
Hãy gắn kết thông điệp với giai đoạn trưởng thành.
.
Giờ hãy so sánh từ bước 1 đến bước 9, bạn có thể thấy rõ sự khác biệt giữa 2 bước đầu và cuối này. Trong mọi trường hợp, hãy cố gắng xây dựng ý tưởng và truyền tải thông điệp đến con theo các bước như trên. Điều này con bạn hiểu rõ thông điệp hơn.
Không chỉ vậy, chúng còn làm theo một cách tích cực, có động lực và tập trung vào việc phát triển bản thân.
Theo Brightside
Thanh Hương