2020
Cập nhật Thánh lễ trực tuyến tại các Giáo phận Việt Nam
Cập nhật Thánh lễ trực tuyến tại các Giáo phận Việt Nam
Đến nay, vì mức độ nguy hiểm của đại dịch covid-19, hầu hết Giáo phận tại Việt Nam đều đã tạm ngưng cử hành thánh lễ có đông giáo dân tham dự. Đây là điều vô cùng đáng tiếc, và khó có thể nào bù đắp được.
Tuy nhiên, để nâng đỡ phần nào đời sống đức tin của dân Chúa, nhiều Giáo phận cũng đã tổ chức thánh lễ trực tuyến trên các phương tiện truyền thông xã hội. Truyền thông Hội đồng Giám mục xin được thường xuyên cập nhật thời gian và đường link các thánh lễ trực tuyến của các giáo phận theo danh sách dưới đây:
- GIÁO TỈNH HÀ NỘI
- Tổng giáo phận Hà Nội:
– Lễ ngày thường: 05g30 và 18g30
– Lễ Chúa nhật: 07g00 và 18g00
https://www.youtube.com/channel/UCGyTVQ6ufNhSkeh7YKaaRpA
- Giáo phận Bắc Ninh:
- Giáo phận Bùi Chu:
- Giáo phận Hải Phòng:
– Thánh lễ ngày thường: 06h00 và 18h00.
– Thánh lễ Chúa nhật: 6h30 và 18h00.
https://www.youtube.com/channel/UCkdw5hcV9_kN35i5Gayem-w
- Giáo phận Phát Diệm:
– Thánh lễ Thứ Bảy: 19h30
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h30 và 19h30
https://www.youtube.com/user/gpphatdiem
- Giáo phận Thái Bình:
– Thánh lễ Chúa nhật: lúc 06h00 và 19h30
https://www.youtube.com/channel/UCIijYSUIv9vpF1dcFJeiPwQ
- Giáo phận Thanh Hoá:
– Thánh lễ Chúa nhật: lúc 05h00
https://www.youtube.com/channel/UC-B8RmqGT7mvescjqaOllLg
- Giáo phận Vinh:
– Thánh lễ Thứ Bảy: lúc 19h30
https://www.youtube.com/channel/UC9eYib-oy6lrDl-Ra6HLQmg
- Giáo Phận Hà Tĩnh:
- GIÁO TỈNH HUẾ
- Tổng giáo phận Huế:
– Thánh lễ ngày thường: 05h30
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h30 và 16h30.
https://www.youtube.com/channel/UCiJoqMrcjTopRd8daAV634Q
- Giáo phận Ban Mê Thuột:
- Giáo phận Đà Nẵng:
– Thánh lễ hàng ngày: lúc 17g15
https://www.youtube.com/channel/UCl2S1keGlkbhxTq_zhAqlIw
- Giáo phận Kon Tum:
– Thánh lễ ngày thường: 05h30 và 17h30
– Thánh lễ Chúa nhật: 06h30 và 17h30
https://www.youtube.com/channel/UCrElveLZ_Xplz14m1f8Bm3Q
- Giáo phận Nha Trang:
– Thánh lễ ngày thường: 04h45
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h00
https://www.youtube.com/channel/UC3-MNZYK4FZ2KHGVo593FfA
- Giáo phận Qui Nhơn:
– Thánh lễ ngày thường: 05h30
https://www.youtube.com/channel/UCz9W-QblL3Pmx5pm_V__b5w
III. GIÁO TỈNH SÀI GÒN
- Tổng giáo phận Sài Gòn:
– Thánh lễ ngày thường: 05h30 và 17h30
– Thánh lễ Thứ Bảy: 05h30, 17h30 và 19h00
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h30, 07h30 (Lễ Thiếu Nhi), 09h30 (lễ tiếng Anh, English mass), 10h30 (lễ tiếng Pháp, la messe en Français), 17h30
https://www.youtube.com/channel/UCtoQh7mQikZsztA1OQRSFvw
- Giáo phận Bà Rịa:
– Thánh lễ hàng ngày: 19h00
https://www.youtube.com/channel/UCVghYtE1Qwv0mxMWvmR8Z2w
- Giáo phận Cần Thơ:
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h00; 07h00; 17h00 và 19h00
https://www.youtube.com/channel/UCUtN9rPOxVzQBkaTJa1d2NQ
- Giáo phận Đà Lạt:
– Thánh lễ ngày thường: 05h15
– Thánh lễ Chúa nhật: 06h00 và 18h00
https://www.youtube.com/channel/UCIOdFnLichFisVftMHtMEvQ
- Giáo phận Long Xuyên:
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h00
https://www.youtube.com/channel/UC9vCVKplUk2GOhU2vUbBdwA
- Giáo phận Mỹ Tho:
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h30
https://www.youtube.com/channel/UCIFyZjZUwYxHoZTy8uIO7aA
- Giáo phận Phan Thiết:
- Giáo phận Phú Cường:
– Thánh lễ ngày thường: 05h00
– Thánh lễ Chúa nhật: 05h00 và 17h30
https://www.youtube.com/channel/UCXRaoVFcLvhmTbbSzwAzgAQ
- Giáo phận Vĩnh Long:
– Thánh lễ hàng ngày: 08h00
https://www.youtube.com/channel/UC4EdQK8F58P–495xpyFYfA
- Giáo phận Xuân Lộc:
– Thánh lễ hàng ngày: 05h30 và 19h15
Cập nhật lúc 09h40, ngày 29-03-2020. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, mong quý vị đón theo dõi.
2020
“Chúa ơi, xin Chúa thức dậy!”: Tiếng kêu của Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô
“Chúa ơi, xin Chúa thức dậy!”: Tiếng kêu của Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô
Trong bài suy niệm về phép lạ xin hạ cơn giông bão của Đức Phanxicô trong buổi cầu nguyện chiều thứ sáu 27 tháng 3, ngài nói: “Trong cơn giông bão của đại dịch coronavirus, Chúa mong chúng ta “thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
Một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô khen ngợi lòng dũng cảm của “những người bình thường” trong giai đoạn khủng hoảng này: “Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến, xin cầu bàu để cho tất cả mọi người được bình an!”
Được mái hiên che mưa, một mình ở sân trước của Đền thờ Thánh Phêrô và trước một quảng trường không bóng dáng tín hữu, Đức Phanxicô cử hành buổi cầu nguyện dài một giờ. Trong dịp ngoại thường cầu nguyện cho đại dịch, tượng Đức Mẹ Phần rỗi của thành phố Rôma ở Đền thờ Đức Bà Cả và cây Thánh giá Nhiệm mầu ở nhà thờ San Marcello được đem về để cầu nguyện bên cạnh các hàng đuốc thắp sáng dưới cơn mưa ở quảng trường rộng mênh mông.
Thắp lên hy vọng và đoàn kết
Đức Phanxicô nói: “Giữa cơn giông bão, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, mời chúng ta tỉnh thức và khơi dậy tình đoàn kết và hy vọng để mang lại ổn định, nâng đỡ trong lúc này, khi mọi sự tưởng như bị sụp đổ.” Trong khi chúng ta đang ở trong vùng biển sóng gió, sợ hãi và lạc lối, Chúa thức dậy “để thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới.” Đức Phanxicô suy niệm: “Chúng ta tiếp tục con đường của mình, không bị xáo trộn, nghĩ rằng mình lành mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Bây giờ chúng ta ở trong biển động, chúng ta kêu nài: “Lạy Chúa, xin Chúa thức dậy!”. Cơn bão vạch trần sự bấp bênh của con người và cho thấy các an toàn giả tạo và phù phiếm mà mỗi người chúng ta xây các dự án và thói quen của mình.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Đức Bà Cứu rỗi
Đức Phanxicô giải thích, “nhờ cơn bão này, các tô điểm của các khuôn mẫu bị rơi xuống, nó cho thấy không ai có thể tự đủ cho mình. Tín hữu kitô cần Chúa, vì một mình, họ đắm tàu. Với Chúa, chúng ta có neo: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu rỗi. Chúng ta có guồng lái: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được sửa mình, được ôm ấp để không có gì, không có ai tách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu chuộc của Ngài.”
Các diễn viên vô hình viết lịch sử
Trong giây phút cầu nguyện ngoại thường này, Đức Phanxicô ca ngợi “những người bình thường”, những người thường bị lãng quên nhưng lại nâng đỡ cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn: “Bác sĩ, y tá, nhân viên bán hàng, nhân viên bảo vệ, người chăm sóc tại gia, người vận chuyển, lực lượng an ninh, tình nguyện viên, linh mục, nữ tu và rất nhiều người khác.”
Ngài nhấn mạnh, các diễn viên vô hình này không ở trang Nhất các báo, cũng không xuất hiện trong các màn trình diễn thời trang mới nhất. Vậy mà, “ngày hôm nay họ đang viết các sự kiện quyết định cho lịch sử chúng ta.” Theo Đức Phanxicô, họ hiểu “không ai có thể tự mình cứu mình.”
“Xin phép lành Chúa tuôn xuống trên chúng con như một vòng ôm an ủi.”
Đức Phanxicô khen ngợi: “Có bao nhiêu người cha, người mẹ, người ông, người bà, các cô thầy giáo, bằng những cử chỉ đơn giản hàng ngày, đã biết đối diện, vượt qua cơn khủng hoảng, thích ứng với thói quen làm thế nào để đối phó và vượt qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, ngước mắt nhìn lên và khuyến khích cầu nguyện. Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến để cho tất cả mọi người được bình an!”
“Đức tin của chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi”
Đức Phanxicô kết thúc: “Từ nơi nói lên đức tin vững chắc như đá tảng này của Thánh Phêrô, chiều nay tôi muốn phó dâng tất cả anh chị em cho Chúa, qua lời cầu bàu của Đức Mẹ, phần rỗi của dân Mẹ, là sao biển trong cơn bão, xin các Đấng che chở Rôma và toàn thế giới, xin tuôn xuống trên chúng con như vòng ôm an ủi, như phép lành của Chúa”.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Thánh giá Nhiệm mầu
Đức Phanxicô nài xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban phép lành cho thế giới, ban sức khỏe cho cơ thể và an ủi tâm hồn. Chúa xin chúng con đừng sợ. Nhưng đức tin chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con bị cơn bão cuốn đi. Xin Chúa tiếp tục nói: ‘Các con đừng sợ’. Và chúng con cùng với Thánh Phêrô, chúng con dâng lên Chúa nỗi lo âu của chúng con, vì Chúa chăm sóc chúng con.”
Ban phép lành urbi et orbi
Sau bài suy niệm này, Đức Phanxicô lần lượt đến tượng Đức Mẹ và thánh giá cầu nguyện. Sau đó ngài cầu nguyện trước Thánh Thể ở trong Đền thờ Thánh Phêrô, ngài đọc kinh cầu bằng tiếng la-tinh để cầu nguyện cho thế giới bị nạn dịch hoành hành.
Tiếp theo ngài ban phép lành urbi et orbi bằng mặt nhật Thánh Thể trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô trong tiếng chuông vang ngần. Buổi cầu nguyện kết thúc với bài hát laudato si trong khi một linh mục đem Thánh Thể về nhà tạm đi qua Đền thờ Thánh Phêrô gần như trống, khi chiều rơi xuống thành phố Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Các hình ảnh buổi cầu nguyện chiều thứ sáu 27-3 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
2020
Những nhân đức đỡ nâng chúng ta trong thời khủng hoảng này
Thánh Carôlô Bôrômêô nhắc nhở chúng ta rằng, thời kỳ khủng hoảng là lúc để người Công giáo kết hợp thực sự với Chúa Kitô để chiếu sáng thế gian.
Trận đại dịch năm 1576 đã đe dọa thành phố Milan, phía bắc nước Ý, và cuối cùng cướp đi 25.000 sinh mạng. Chính quyền dân sự đã trốn khỏi thành phố vì sợ hãi. Tổng giám mục của Milan bấy giờ, thánh Carôlô Bôrômêô, đã tiếp quản và đảm bảo với dân thành rằng, ngài không bỏ rơi họ, và cùng với các linh mục từ các giáo xứ và dòng tu, bắt đầu quan tâm đến nhu cầu vật chất và tinh thần của dân chúng.
Ngài đã tổ chức các bệnh viện, chăm sóc trẻ mồ côi, và đem các bí tích cho những người bị cách ly trong nhà. Ngài đã nhờ các linh mục dâng thánh lễ tại các quảng trường công cộng và giữa đường phố, để mọi người có thể tham dự từ nhà của họ. Ngài đã bán đồ dùng cá nhân của mình và phần lớn ngân khố của giáo phận để nuôi người đói, lột bỏ những màn trướng để phủ che những người bất hạnh.
Là một mục tử nhân lành, ngài đã sẵn sàng liều mình để chăm sóc cả linh hồn và thể xác của những người được giao phó, và đã thuyết phục rất nhiều anh em linh mục cùng tham gia. Gợi lại cách Chúa Giêsu chết cho mỗi người trước, ngài nói với các anh em linh mục rằng: “Chúa Kitô không gửi tới, hay thậm chí là yêu cầu chúng ta sống cuộc sống đau thương này, nhưng chỉ vì chúng ta tự nguyện dâng hiến mạng sống mình trong sự hiểm nguy”. Ngài kêu mời anh em linh mục chú ý không chỉ vào những gì có thể giết chết cơ thể, như bệnh dịch hạch, mà còn cả những gì có thể gây hại cho linh hồn: “Những anh em chúng ta, với linh hồn sùng đạo, đang tiều tụy với khao khát về những điều thiêng liêng.”
Tuy nhiên, Ngài cũng lưu ý việc cung cấp những trợ thiêng liêng này không phải là việc dễ dàng: “Tôi cũng chắc rằng: nhiều người bệnh không cần sự trợ giúp thiêng liêng của chúng ta, sự giúp đỡ mà nếu không có, thì họ cũng sẽ không có niềm hy vọng của ơn cứu rỗi, nhưng thật sự các công việc phục vụ thiêng liêng của chúng ta là rất cần thiết… Bên cạnh đó, rõ ràng không thể chối cãi là tất cả chúng ta đều hiểu rằng [các bí tích] không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, mà còn cho người khỏe mạnh; và các bí tích không những mang lại sự ủi an phần xác, nhưng trên hết là cho phần rỗi linh hồn.”
Một hình ảnh tuyệt vời về thời điểm đó là cách ngài leo lên một ngọn núi xác chết, để giải tội và ban Của Ăn Đàng cho một người đàn ông đang thoi thóp, đã được người ta đặt trước ở trên đỉnh của đống xác chết ấy.
Lòng can đảm cùng với đức ái của ngài là mẫu gương cho Giáo hội và các nhà lãnh đạo Giáo hội trong mọi thời đại noi theo, đặc biệt là vào thời điểm khủng hoảng này. Khi tất cả chúng ta đang phải đối đầu với virus Corona, tất cả chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ cách mà thánh Carôlô Bôrômêô đưa đức tin Công giáo vào trong hành động, trong những lúc khó khăn và nguy hiểm nhất.
Để trở nên can đảm như ngài, chúng ta cần có những nhân đức nào?
Tin
Nhân đức đầu tiên là đức tin, để nhận ra rằng Chúa Kitô, Đấng đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Hơn nữa, đức tin giúp chúng ta phó thác vào sự chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa. Có một sự cám dỗ, trong thời kỳ khủng hoảng, đó là cố gắng làm chủ ngay cả những thứ mà con người không thể làm chủ. Điều này đến từ một lối sống của chủ nghĩa vô thần thực tiễn, từ việc sống như thể Thiên Chúa không tồn tại hay không cần quan tâm. Đức tin truyền cảm hứng cho chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, nhưng bên cạnh đó, thay vì tách rời khỏi Thiên Chúa, thì chúng ta luôn ý thức rằng cuộc sống của chúng ta nằm trong bàn tay Thiên Chúa.
Khôn ngoan
Nhân đức thứ hai là khôn ngoan, giúp chúng ta phân định điều gì là tốt, trong từng hoàn cảnh, giữa muôn vàn điều tốt khác – nhằm chọn lựa những phương thế phù hợp để đạt được điều tốt đó. Sự khôn ngoan giúp chúng ta đặt ra một quy tắc hoặc biện pháp phù hợp, một điều gì đó tối cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng, khi những điều tốt nhất định có thể được nhấn mạnh quá mức, còn những điều tốt khác có thể bị lãng quên. Ông Aristotle và thánh Tôma Aquinô đã dạy rằng, nhân đức là điểm trung dung giữa hai thái cực, bất cập và thái quá. Chẳng hạn, lòng trắc ẩn nghĩa là điểm trung dung giữa sự vô cảm và đa cảm. Sự can đảm được tìm thấy giữa hai thái cực của sự hèn nhát và liều lĩnh.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự khôn ngoan giúp chúng ta thấy rằng “một sự đề phòng quá mức” không phải là nhân đức mà là một tật xấu. Sự khôn ngoan tập trung vào các biện pháp đề phòng chính đáng. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể bỏ qua bổn phận nuôi dưỡng linh hồn chính mình và người khác. Sự khôn ngoan đỡ nâng lòng can đảm trong việc giúp mọi người biết cách chấp nhận những hiểm nguy cách chính đáng.
Bác ái
Nhân đức thứ ba là bác ái, giúp chúng ta hy sinh bản thân mình vì lợi ích của người khác. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đức ái thúc đẩy chúng ta dám chấp nhận rủi ro, thậm chí là những mối nguy hiểm, để bảo vệ và đem lại lợi ích cho những người chúng ta thương yêu. Các bậc cha mẹ, ngay cả những người có tính nhát đảm và những mâu thuẫn bất đồng, theo bản năng vẫn bảo vệ con cái của họ khi đối diện với các tay súng, bom đạn và bão tố. Tình yêu càng lớn, sự táo bạo càng lớn. Can đảm không có nghĩa là không sợ hãi, nhưng làm những gì chúng ta phải làm, cho dù sợ hãi, và tình yêu mang lại cho chúng ta sức mạnh, để vượt qua nỗi sợ hãi và làm những gì tình yêu đòi hỏi.
Kiên nhẫn
Nhân đức thứ tư là kiên nhẫn. Kiên nhẫn không có nghĩa là khả năng chờ đợi (theo nghĩa thụ động), nhưng là khả năng chịu đựng (theo nghĩa chủ động). Từ “kiên nhẫn – patience”, tiếng La Tinh là “patior”, nghĩa là “chịu đựng”. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi bệnh nhân trong các bệnh viện là “patients – những người chịu đựng”. Sự can đảm đòi hỏi chúng ta không sợ hãi quá mức trước nỗi đau, và cuối cùng làm phát sinh nỗi sợ hãi cái chết.
Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả chúng ta nên làm mọi thứ hợp lý để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta không nên gây ra dịch bệnh sợ hãi, như thể nhiễm phải COVID-19 là dính phải một bản án tử hình tự động.
Trong tác phẩm Gương Chúa Giêsu, tu sĩ Thomas à Kempis, đã khuyên chúng ta rằng, cách dễ nhất để vượt qua nỗi sợ hãi cái chết là: hãy suy ngẫm về cái chết mỗi ngày. “Trong mọi hành động và mọi tư tưởng, hãy thi hành như thể bạn sẽ chết vào ngày hôm nay”.
Khi chúng ta bắt đầu làm điều đó, chúng ta khởi đầu mỗi ngày cách nghiêm túc hơn: Chúng ta không trì hoãn để nói với các thành viên gia đình và bạn bè rằng, chúng ta yêu họ. Chúng ta xin Chúa và những người mà chúng ta đối xử bất công với họ tha thứ cho chúng ta, đang khi chúng ta vẫn còn thời gian. Chúng ta hãy loại bỏ những thứ mà xét cho cùng chẳng quan trọng gì nhiều, để bắt đầu hiểu đúng về những điều ưu tiên thực sự của mình.
Khi chúng ta cầu nguyện mỗi ngày với những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46), chúng ta trở nên dũng cảm, giống như Chúa Giêsu, không để cuộc sống của chúng ta bị lấy đi, nhưng là tự ý hy sinh mạng sống mình (Ga 10,18). Khi chúng ta không sợ chết vì đã chuẩn bị cho cái chết của chúng ta hằng ngày bằng lời cầu nguyện, thì chúng ta sẽ sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của chúng ta mà không sợ hãi bất cứ điều gì.
Những cuộc khủng hoảng, giống như hoàn cảnh hiện tại của virus Corona, là thời gian để người Công giáo kết hợp thực sự với Chúa Kitô để chiếu sáng thế gian. Như muối, ánh sáng và men, người Công giáo được kêu gọi để giúp người khác trở nên can đảm khi đối mặt với các mối đe dọa, sẵn sàng hành động để giúp đỡ người khác và cứu mạng sống họ, và chỉ cho mọi người cách kết hợp những hoàn cảnh đau khổ của họ với Thiên Chúa.
Đã đến lúc những người Công giáo chứng tỏ rằng chúng ta thực sự tin vào lời Chúa Giêsu: “Can đảm lên, Chính Thầy đây, đừng sợ! (Mc 6,50), và giống như hàng hàng lớp lớp các vị thánh tông đồ và các vị tử đạo qua bao thế hệ, như thánh Carôlô Bôrômêô, can đảm hướng dẫn mọi người, không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất, mà quan trọng hơn là quan tâm đến nhu cầu tinh thần của họ.
Lạy thánh Carôlô Bôrômêô, xin cầu cho chúng con và toàn thế giới!
Linh mục Roger Landry
Hướng Dương chuyển ngữ từ ncregister.com
2020
Đại dịch Corona và thông điệp ‘lằn ranh đỏ’ từ Mẹ Thiên Nhiên
Con người đang sống trong một thế giới thật tốt đẹp nhưng cũng đầy giới hạn. Mọi sự trong thế giới này đều có ranh giới nhất định. Chúng ta có thể dùng ví dụ về chiếc xe để hình dung điều này: muốn chiếc xe chạy thật nhanh, một trong những điều kiện thiết yếu là nó phải gọn nhẹ ở mức tối giản. Sở dĩ như vậy là vì có hai nguyên do. Thứ nhất, như nhà bác học Einstein chỉ ra, giữa khối lượng và năng lượng có sự ràng buộc lẫn nhau, tỉ lệ thuận với nhau; nghĩa là, xe càng nặng thì càng cần nhiều năng lượng để di chuyển. Thứ hai, do lực cản ma-sát, thể tích tỉ lệ nghịch với vận tốc. Nếu người ta đi ngược lại quy luật đó, ví dụ, tìm mọi cách tăng tốc bất chấp điểm giới hạn về vận tốc do thiết kế cồng kềnh của một chiếc xe, nó sẽ lập tức bị hư hỏng, vỡ vụn. Mọi thứ trong phạm vi thụ tạo đều có những quy luật chứa các điểm dừng như thế; và chúng ta tạm gọi đó là ‘lằn ranh đó’.
Cả thế giới hiện nay đang đương đầu với đại dịch Corona. Cuộc khủng hoảng này có thể được diễn giải theo các hướng khác nhau, từ góc độ xã hội cho tới góc độ tâm linh; và tất cả đều có thể tạo nên những bài học có ý nghĩa. Ở đây, chúng ta thử tìm kiếm một thông điệp chung cho mọi người từ dịch bệnh này, bất kể thuộc văn hoá hay tôn giáo nào, bằng cách đặt cơn đại dịch trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng môi sinh trong thời gian gần đây.
Không cần phải lục lại trí nhớ, chắc hẳn những hình ảnh kinh hoàng của các thảm hoạ thiên nhiên gần đây vẫn chưa phai nhoà trong ý thức chúng ta: cháy rừng lớn ở Hy Lạp năm 2018, sóng nhiệt ở nhiều nơi năm 2018, lũ lụt ở Nigeria và Ấn Độ năm 2018, và đặc biệt là hai trận cháy rừng kinh hoàng năm 2019 tại Amazon và Úc Châu. Đó là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng đang diễn ra tại nhiều nước, cũng như những hiện tượng đang ngày càng rõ của vấn đề biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng, nước biển dâng.
Xét theo logic, đại dịch Corona không nhất thiết được gắn với các vấn đề trên, vì người ta vẫn có quyền xem đại dịch này như một trong vô số các đại dịch khác diễn ra trong lịch sử con người mà thôi. Tương tự, người ta cũng có thể nói rằng việc các thảm hoạ diễn ra gần nhau như thế chỉ là do ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên chân thành với trực giác của mình và cảm quan chung của nhân loại để nhìn nhận rằng: Mẹ Thiên Nhiên đang cho thấy sự quá tải. Khi đặt trong tổng thể chung với nhau, những thảm hoạ nói trên đang là một dấu hiệu chung của điều đó. Chúng ta nên nhìn nó như một thông điệp mà Mẹ Thiên Nhiên đang đưa ra cho con cái mình, rằng chúng ta đã tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ rồi!
Nguyên nhân chính của hiện trạng này không gì khác hơn là chính lối sống ích kỷ và tiêu thụ bấy lâu nay của chúng ta. Lối sống này đang khai thác tận cùng nguồn lực của thiên nhiên, đồng thời biến đổi cấu trúc hài hoà của nó với những thứ phá huỷ và độc hại do con người tạo ra. Chúng ta vừa rút cạn sinh lực và vừa chất lên vai Mẹ Thiên Nhiên của mình một gánh nặng sắp vượt sức chịu đựng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, sẽ đến lúc Mẹ Thiên Nhiên không còn đủ khả năng duy trì sức sống và sự hài hoà tốt lành để bảo vệ con cái mình nữa, và đó là điểm kết thúc cho tất cả chúng ta.
Vì vậy, nếu theo góc nhìn đó, đại dịch Corona thực sự là cơ hội cho nhân loại cứu lấy vận mệnh chung của thế giới nếu chúng ta biết rút tỉa và thực hành những bài học quý giá từ nó.
Bài học đầu tiên là chúng ta phải ‘nghe’ và ‘nhìn’ để thấy những gì là phi lý, thừa thãi và nguy hại mà lối sống hiện hành đang có. Cơn dịch này đang nói cho chúng ta nhiều điều. Nói như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, nó “vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta; cho ta thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi mà chúng ta đã dày công xây dựng từ các hoạt động, các dự án, các tập quán và các ưu tiên.”[1] Có lẽ hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để chúng ta nhận ra đâu là những điều thực sự hữu ích và cần thiết cho cuộc sống con người, và đâu là những điều phù phiếm mà ta vẫn thường theo đuổi. Điển hình như, trong đại dịch, người ta thấy giấy vệ sinh còn giá trị hơn cả cái túi hàng hiệu; hay chút thực phẩm để ăn và chút không khí trong lành để thở quan trọng hơn mọi thứ quyền lực và tiền bạc.
Bài học thứ hai mà chúng ta có thể nghiệm ra từ cơn dịch này là số phận mọi con người gắn chặt với nhau. Trong bài giảng nói trên, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chia sẻ rằng, “trong đại dịch, chúng ta thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền.” Chúng ta vẫn thường đinh ninh một cách sai lầm rằng mình có thể tao ra một đời sống riêng cho cá nhân hay cho dân tộc; đời sống đó biệt lập và không lệ thuộc vào những nhóm người khác; hay rằng có thể tạo lập ra những cộng đồng an toàn và thịnh vượng cho riêng mình, bất chấp những đau khổ của những người khác. Những con virut nhỏ bé kia đang chế nhạo thứ suy nghĩ sai lầm đó. Nó đang thách đố mọi thứ ranh giới quốc gia của con người. Chẳng nơi đâu có thể đảm bảo được an toàn trước nó. Tất cả chúng ta đều thực sự liên đới với nhau, ít nhất theo nghĩa là mọi người đang sống chung trong một môi trường tự nhiên, đang hít thở cùng một bầu không khí. Vì thế, bất cứ một hành vi cả nhân nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những người khác, và ngược lại. Ví dụ, như một nhà báo đã phân tích, việc ăn một miếng thịt bit-tết ở Việt Nam cũng có thể liên quan đến nạn cháy rừng ở Úc.[2] Do đó, chúng ta không chỉ gần nhau, mà còn gắn chặt số phận với nhau. Đây cũng là lời nhắc nhở cách đặc biệt tới những người có não trạng tính toán tham lam và ích kỷ; đơn cử như nhiều người ở Việt Nam, nhất là giới quan chức, thường có suy nghĩ kiểu ‘bất chấp mọi thứ miễn là có thể đảm bảo cho mình một tương lai an toàn ở Trời Tây’.
Bài học thứ ba là chúng ta đang có cơ hội truy vấn lại hệ thống vận hành của xã hội hiện đại ở mọi khía cạnh, từ chính trị cho tới kinh tế, văn hoá. Trong cơn đại dịch này, hầu như cả thế giới đang phải sống chậm lại, đồng thời nó khiến ta liên tục đặt ra các câu hỏi nghi ngờ. Chúng ta thấy mọi thứ đều mịt mù: khi nào thì dịch bệnh có thể kết thúc? Liệu hệ thống chính phủ này có đủ sức kiểm soát? Liệu có những che dấu gian trá về mặt thông tin? Thế giới sẽ thế nào sau dịch bệnh? Liệu nền kinh tế có bị sụp đổ? vv. Tất cả các hệ thống và lề lối quen thuộc mà ta từng mặc định chấp nhận thì nay đều bị đặt vào dấu hỏi.
Nhưng việc truy vấn đó là điều rất quý giá. Chúng ta cần cùng nhau xét lại xem những hệ thống nào còn thật sự cần thiết; và trong mỗi hệ thống, những yếu tố nào còn mang lại ích lợi thiết thực cho con người. Ví dụ, xét về mặt kinh tế, hệ thống hiện đại dường như đã và đang mang lại quá nhiều thứ bất cập. Cuộc cách mạng công nghiệp đã dần dà tạo nên một lối sống tiêu thụ, hoang phí, đi kèm với một não trạng kệch cỡm, phù vân; cùng với đó, hệ thống phân phối kiểu thương mại dịch vụ không chỉ tha hoá bản chất của lao động, mà còn gây nên sự bất công và khoảng cách đói nghèo ngày càng tăng. Vì vậy, dù điều này khó xảy ra, nhưng nếu toàn nhân loại cùng đặt vấn đề về hệ thống hiện tại, chúng ta có cơ may tìm cách xây dựng một hệ thống kinh tế mới tốt lành hơn, trong đó tài nguyên thiên nhiên được trân trọng và gìn giữ hơn, sức lao động được trả lại giá trị đúng mức hơn, và các hình thức lao động thủ công có cơ hội được thúc đẩy nhiều hơn.
Ở khía cạnh tương quan xã hội, nhịp sống chậm trong thời gian cách ly có thể là cơ hội tuyệt vời để ta tìm lại những giá trị đích thực của con người, trong tư cách là những hữu thể mang bản chất xã hội. Nói như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong bài giảng đã đề cập, “cơn đại dịch tỏ cho con người thấy cách chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cho cộng đoàn. Nó vạch trần những tư tưởng khép kín cũng như sự quên lãng đối với những gì nuôi dưỡng hồn cốt của dân tộc chúng ta.” Vâng, khi chúng ta sống chậm lại, chúng ta có đủ thời gian để quan sát, để lắng nghe, để hướng đến những mỗi bận tâm và tương quan cần thiết. Đó có thể lời hỏi thăm dành cho bố mẹ, lời động viên đối với bạn bè, hay phút suy nghĩ đến những nạn nhân đang đau khổ. Đó là một chút chăm sóc cây cối và các con vật, hay niềm vui thưởng lãm vẻ đẹp tự nhiên của tạo hoá. Và đặc biệt, đó có thể là những giờ phút nối lại mối thân tình với Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện và chờ đợi con người. Nhịp sống hối hả thời hiện đại, với lượng thông tin khổng lồ và những thứ bận tâm hoàn toàn vô nghĩa, đã từng khiến chúng ta đánh mất tất cả những điều đó. Nó đã làm tê liệt nền văn hoá sống động, và biến ta thành những ‘sinh thể robot’. Vì vậy, một cơ hội đang mở ra cho chúng ta trở về với lối sống khiến chúng ta thật sự là người hơn.
Nói tóm lại, nếu đặt cơn đại dịch Corona trong bối cảnh chung của cuộc khủng hoảng sinh thái, chúng ta như có thể nghe thấy tiếng kêu than của Mẹ Thiên Nhiên khi con cái mình đang tiệm cần đến ‘lằn ranh đỏ’ của sự huỷ diệt. Mẹ chung của chúng ta đang như một cỗ máy bị quá tải bởi bao gánh nặng vô ích và phi lý do lối sống con người chồng chất lên. Giữa thông điệp đó, chúng ta đang có rất nhiều bài học thức tỉnh được mở ra; tất cả đều tựu trung ở lời mời gọi thay đổi lối sống. Điều quan trọng là chúng ta có thật sự chịu lắng nghe, ý thức và can đảm thực hiện hay không.
Cả thế giới đang nói nhiều đến tinh thần liên đới với các nạn nhân của đại dịch Corona. Nhưng thiết tưởng, một trong những cách thiết thực và ý nghĩa nhất để thể hiện tinh thần này chính là thực hiện lời mời gọi nói trên. Chúng ta có thể chứng tỏ rằng cái chết của các nạn nhân không trở nên vô nghĩa khi nó đã góp phần vào việc thể hiện thông điệp chung của Mẹ Thiên Nhiên để thức tỉnh lương tâm con người! Thậm chí có thể nói, nếu chúng ta thay đổi lối sống, họ sẽ đóng vai người hùng, vì cái chết của họ đã góp phần vào tiến trình phục hồi lương tri và sự tồn vong của nhân loại. Ước gì một viễn tượng mới về một thế giới tốt lành và nhân bản đang dần được hình thành ngay trong lòng hoàn cảnh đau thương của cơn dịch bệnh này!
[1] Bài Giảng trong buổi ban phép lành Urbi et Orbi, ngày 27/03/2020.
[2] https://vnexpress.net/goc-nhin/chay-rung-va-mon-beefsteak-4040720.html.