2020
Trả giá hay thánh giá?
Nhân loại đã trải qua một thập kỷ vẻ vang với hàng loạt những thành công rực rỡ trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên, ngay trong buổi bình mình của một thập kỷ mới, nhân loại ấy đang phải gồng mình chống trả với một “tên tử tù” Covid-19. Hơn nữa, chúng ta cũng đừng “cố tình” quên đi một thập kỷ đáng báo động về môi trường, chúng ta đang “ăn mòn” trái đất. Dường như trong chuyện Cô Vy, con người khó thoát khỏi phần trách nhiệm của mình. Phải chăng chính con người đang phải trả giá cho những đã diễn ra? Đó có phải là một giá quá đắt không?
Suốt những ngày tháng qua, dường như Mẹ Trái đất đang khóc thương những đứa con yêu dấu của mình vì chúng bất lực ra đi từng giờ từng phút vào cõi ngàn năm. Đồng thời, khi nhìn lại, người mẹ ấy cũng đã phải chịu quá nhiều những vết thương do chính con cái mình gây ra. Trái đất ngày càng nóng lên, hạn hán nhiều chỗ, cháy rừng “tưng bừng” khắp nơi, hiệu ứng nhà kính thì hình như không có đối thủ cạnh tranh, băng tan tràn lan như “tức nước vỡ bở” khiến nước biển dâng cao cứ muốn lao lên bờ, sinh vật biển tự nhiên thành vật hiến tế cho rác thải, ni-lông,.v.v. Tất cả những vết “trọng thương” ấy có phải là lỗi của tôi và của bạn chăng? Thế mà, giờ đây, hình như Cô Vy đang muốn “thay trời hành đạo”, đi dạo khắp ngõ ngách, gõ cửa từng nhà, rà từng con người.
Cô Vy xuất hiện, bao người phải hứng chịu, bao kẻ phải đợi trông. Người ta đâu dám ra ngoài chặt phá rừng trên từng cây cả bóng giày lâu năm. Thế là, cây cỏ có chỗ đứng, động vật có chỗ nằm. Người ta đâu được đi du lịch, nghỉ dưỡng ngoài bãi biển nữa. Hóa ra, bãi kia vắng bóng người, giảm chất thải, tự nhiên trả lại làn nước trong bầu khí lành cho các loài sinh vật tha hồ vui đùa mà không lo bị lừa vì ăn nhầm bao bì, ni-lông, rác thải nhựa. Công nhân đâu dám đi làm, các nhà máy gần như hết hoạt động, các KCN dần đóng cửa. Thành ra, điều ấy trả lại cho bầu trời vẻ trong lành, xanh mát vốn có của nó. Người dân hạn chế đi lại, tụ tập, đồng nghĩa với chuyện giảm khí thải bớt tiếng ồn, nhất là trên bầu trời không còn “vết chân” CO2 của những chuyến máy bay nữa. Đường phố bỗng trở nên tĩnh lặng lạ thường, nhường chỗ cho thiên nhiên mặc sức thể hiện, những làn gió chiều nhè nhẹ, tiếng chim ca thánh thót, từng đàn sóc lượn quanh…Giờ này, ta có thể nghe rõ tiếng thầm thì của thiên nhiên trong yên bình, lặng thinh. Hay chăng băng sẽ bớt tan, hiệu ứng nhà kính sẽ “im tiếng”, nước biển “biết điều” hơn. Thế ta mới hiểu:
Nắng mưa đâu chỉ chuyện trời
Đó còn là chuyện của người của ta.
Vì Cô Vy, phần lớn các sự kiện, hoạt động có sự hiện diện của đông người đều bị hoãn hay hủy bỏ. Cô Vy đặt ngay cái biển to tướng “GIẢM TỐC ĐỘ” ngay trước mặt mọi người, làm người ta tránh xa chỗ ồn ào, náo động, khiến họ chậm lại hơn với nhịp bước “PHÓNG NHANH VƯỢT ẨU” đã từng tước đi của họ bao cơ hội như vàng như ngọc. Cô Vy khiến bao người phải dẹp bỏ lợi ích của bản thân mình, sống tình liên đới với tha nhân. Cô Vy khiến họ phải dẹp cái tôi “chính hiệu to tướng” của mình, nhường chỗ cho tinh thần cộng tác yêu thương. Giờ đây, “tinh thần cộng đồng” vốn là nét đẹp của Văn hóa Việt xưa này được sống lại lần nữa.
Do Cô Vy, người ta “phải” ở nhà, vì nó an toàn hơn ra ngoài phố. Có thể “nhà” vốn chỉ là chốn dừng chân, nơi nghỉ trọ của không ít người, nay lại được trở về với vẻ nguyên vẹn thuở xưa của nó, một tổ ấm. Người bôn ba, kẻ tha hương nơi xứ người nay trở về với mái nhà thân yêu thuở nào. Kẻ có cơ hội đoàn viên “bất đắc dĩ”, hay là chuyện có một không hai. Người được ngủ đầy giấc, tận hưởng từng bữa cơm mà lâu nay vô tình quên ngoài đường quá, phố xá xa lạ. Kẻ đỡ cái gánh, cái áp lực nơi công sở, căn thẳng chốn thương trường…Trong chính thời “loạn lạc” này, thất nghiệp, lương thiếu khiến bao người cần hiểu triết lý tiết kiệm phải hiện diện trong nhà mình. Thế mới tránh phung phí nhu cầu hưởng thụ, lãng phí đồ ăn, thức uống theo thói quen “dư giả” của ta, vì kiếm đâu ra tiền để mua, tìm đâu ra chỗ để bán. Đúng là, “thà vô sự mà ăn cơm hẩm còn hơn đâu bệnh mà uống sâm nhung”. Cũng có người dành nhiều thời giờ hơn cho cha mẹ, người thân. Biết đâu những rạn nứt lâu nay lại được gắn hàn. Biết đâu lúc đã vương chút mùi đời, ta mới hiểu tình cha tình mẹ thương ta thế nào. Biết đâu lúc đã nếm vị nhớ nhà, ta lại tha hồ hưởng vị ngọt của công cha, hương thơm của nghĩa mẹ. Biết đâu khi đã xa mùi anh hương chị, ta được đi lại những kỷ niệm tháng năm thuở nào. Biết đâu khi đang thèm câu kinh gia đình, đang khát lời nguyện cùng mẹ cha, ta có dịp tìm về cội nguồn đức tin, cảm thức ngày nào dưỡng ta khôn lớn. Lẽ nào ta đang phải trả cái giá quá đắt vì “chẳng may” quên mái nhà thân yêu, lãng phí lời mẹ, phung phí sức cha. Giờ đây, có thể là cơ hội “vàng ngọc” để học lại bài biết ơn, ôn lại bài yêu thương ngày trước.
Có Cô Vy, ta không thể cùng nhau tham dự Thánh Lễ. Không Thánh Lễ, có thể nhiều người sẽ tiếc nuối một thời “bỏ lễ” vì dễ dãi với chính mình, có người thèm lời kinh điệu hát, khát bài giảng có lúc bỏ ngơ. Không Thánh Lễ, có người lỡ “đánh rơi” ân sủng của Lời Chúa, vô tình “làm rớt” tình yêu trong Thánh Thể dành cho riêng mình. Giờ đây, ta mới trân quý giá trị của Thánh Lễ, ta mới hiểu đỉnh cao của Phụng vụ Giáo Hội là thế nào.
Đúng là phải trả giá! Cái giá đáng giá bao nhiêu? Nhưng trong chuyện này, có lẽ nhân loại cũng đang vác thánh giá cùng với Đức Giê-su lên đồi Can vê năm xưa.
Chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giê-su:
Phải chăng nhân loại đang lãnh bản án “Covid-19” trong cuộc thương khó mùa chay 2020 này?
Thế ai là tên phản bội Giu-đa? Ai là những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay người dân Do thái kết án, buộc tội nhân loại? Nhân loại có đáng phải chịu bản án này?
Những vết thương của nhân loại như thế nào?
Những người môn đệ ở đâu trong giờ này?
Trong hành trình 14 chặng đàng thánh giá, nhân loại đang ở chặng thứ mấy?
Tôi và bạn ở đâu, là ai trong cuộc thương khó này của nhân loại?
Nhưng “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8)?
Lyeur Nguyễn
2020
Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus
Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus
‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’
Ngày 27 tháng Ba năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi toàn thế giới câu hỏi mà Chúa Giêsu đã đặt ra cho các tông đồ đang run sợ trên con thuyền bị phong ba vùi dập trong biển hồ Galilê: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
https://twitter.com/i/status/1243589939725512707Đức Thánh Cha nhắc đến câu chuyện trong chương bốn Tin mừng Thánh Máccô. Nhưng ngài giải thích rằng trận phong ba mà thế giới đang đối mặt hôm nay là đại dịch coronavirus, nó đã lây nhiễm cho hơn một nửa triệu người trên toàn thế giới và gây ra cái chết của hơn 25.000 người.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Rất dễ nhận ra chúng ta trong câu chuyện này. Điều khó hiểu hơn là thái độ của Chúa Giêsu. Trong khi các môn đệ của Ngài vô cùng hoảng sợ và tuyệt vọng, Ngài đứng ở phần đuôi thuyền, ở vị trí của con thuyền sẽ bị chìm trước. Và Ngài làm gì? Mặc kệ cơn phong ba gào thét, Ngài ngủ thật ngon, tin tưởng vào Chúa Cha; đây là lần duy nhất trong các Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ. Khi Ngài tỉnh giấc, sau khi làm gió im và biển lặng, Ngài quay sang các môn đệ với giọng quở trách: ‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’ (c. 40).
“Bão tố cho thấy sự mong manh của chúng ta và phơi bày những sự vững chắc giả tạo và vô dụng mà chúng ta dựa trên chúng để xây dựng các kế hoạch, các dự án, thói quen, và những ưu tiên cho mình. Nó cho chúng ta thấy là chúng ta đã để mình trở nên tối dạ và chậm chạp trước những điều thật sự nuôi dưỡng, giữ gìn và bồi bổ sức mạnh cho đời sống chúng ta và cộng đồng. Cơn phong ba phơi bày tất cả những ý tưởng được định hình trước của chúng ta và quên đi những điều vun đắp linh hồn con người; tất cả những sự cố gắng đó làm chúng ta tê liệt bằng những lối suy nghĩ và hành động cho rằng nó “cứu thoát” chúng ta, nhưng ngược lại nó cho thấy không có khả năng đưa chúng ta chạm đến được những cội nguồn của mình và giữ ký ức sống động về những người đã đi trước chúng ta. Chúng ta đã đánh mất các kháng thể chúng ta cần có để đương đầu với nghịch cảnh.”
Những lời dạy của Đức Thánh Cha đưa ra trong bối cảnh đặc biệt. Ngài cầu nguyện trước một Quảng trường trống không trên sagrato của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, đó là giảng đài trên đỉnh tam cấp ngay phía trước chính điện của nhà thờ. Linh ảnh “Salus Populi Romani” và Thánh giá của Nhà thờ Thánh Marcellus được đặt trước cửa chính của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.
Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ trong gian ngoài của Vương cung Thánh đường Vatican. Nghi thức bao gồm các bài đọc Thánh kinh, những lời khẩn nguyện, và tôn thờ Thánh Thể. Nghi thức kết thúc với Phép lành Urbi et orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và cơ hội nhận được ơn đại xá cho tất cả những người lắng nghe trực tiếp qua nhiều nền tảng truyền thông. Ơn đại xá cũng được mở rộng cho những người không thể tham dự cầu nguyện qua các phương tiện truyền thông do đau bệnh nhưng hiệp thông thiêng liêng trong lời cầu nguyện.
Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Giữa cơn phong ba cuộc đời, Chúa yêu cầu và mời gọi chúng ta hãy tỉnh ngộ và thực hành tình liên đới và cậy trông để có thể trao tặng sức mạnh, sự hỗ trợ, và ý nghĩa cho những giây phút này khi mọi sự dường như đều chao đảo. Chúa thức dậy để đánh thức và làm hồi sinh niềm tin Phục sinh của chúng ta.”
“Ôm lấy thập giá của Người có nghĩa là tìm sự can đảm để ôm lấy tất cả những khó khăn của thời gian hiện tại, từ bỏ đam mê quyền lực và những chiếm hữu để nhường không gian cho sự sáng tạo mà chỉ Thần Khí có khả năng truyền cảm hứng. Nó có nghĩa là tìm sự can đảm để tạo ra những không gian nơi mọi người có thể nhận biết rằng họ được kêu gọi, và cho phép những hình thức mới của lòng hiếu khách, của tình huynh đệ, và tình liên đới. Nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát để ôm lấy hy vọng và cho phép niềm hy vọng đó củng cố và duy trì tất cả các biện pháp và những con đường khả thi để giúp chúng ta bảo vệ chính bản thân và tha nhân. Ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và trao cho chúng ta niềm hy vọng.”
Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)
“Khi chiều đến” (Mc 4:35). Đó là câu mở đầu trong trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe. Những tuần lễ vừa qua dường như là chiều đến. Bóng tối dày đặc đã phủ bóng trên những quảng trường, những đường phố, và những đô thị của chúng ta; nó đã chế ngự cuộc sống chúng ta, nhận chìm mọi thứ trong sự im lặng lạnh lùng và một không gian lo âu, nó làm mọi thứ dừng lại khi nó đi qua; chúng ta cảm thấy nó trong không khí, chúng ta nhìn thấy trong những hành vi của con người, những ánh mắt nhìn xa lánh. Chúng ta cảm thấy sợ hãi và lạc lõng. Cũng như các môn đệ trong Tin mừng, chúng ta bị rơi vào một trận cuồng phong bất ngờ. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời lại rất quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi để cùng nhau chèo chống, mỗi chúng ta cần phải an ủi người khác. Tất cả chúng ta cùng ở trên con thuyền này. Cũng như các môn đệ khi xưa, họ cùng thốt lên một câu đầy lo âu rằng, “Chúng ta chết đến nơi rồi” (c. 38), cũng vậy, chúng ta nhận thấy chúng ta không thể tiếp tục nghĩ riêng cho bản thân, nhưng chỉ cùng chung sức với nhau chúng ta mới có thể làm được điều này.
Rất dễ nhận ra chúng ta trong câu chuyện này. Điều khó hiểu hơn là thái độ của Chúa Giê-su. Trong khi các môn đệ của Ngài vô cùng hoảng sợ và tuyệt vọng, Ngài đứng ở phần đuôi thuyền, ở vị trí của con thuyền sẽ bị chìm trước. Và Ngài làm gì? Mặc kệ cơn phong ba gào thét, Ngài ngủ thật ngon, tin tưởng vào Chúa Cha; đây là lần duy nhất trong các Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsungủ. Khi Ngài tỉnh giấc, sau khi làm gió im và biển lặng, Ngài quay sang các môn đệ với giọng quở trách: ‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’ (c. 40).
Chúng ta thử tìm hiểu. Có điều gì đó còn thiếu trong niềm tin của các môn đệ, trái ngược lại với sự tin tưởng của Chúa Giêsu? Các ông vẫn luôn tin vào Người; quả thật, họ kêu cầu Người. Nhưng chúng ta nhìn thấy cách họ gọi Người: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (c. 38). Thầy chẳng lo gì sao: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không để ý đến họ, không quan tâm đến họ. Một trong những điều làm tổn thương chúng ta và gia đình chúng ta nhất là khi chúng ta nghe câu trách móc: “Anh chẳng quan tâm gì đến tôi sao?” Đó là một câu làm thương tổn và gây nên bão tố trong lòng chúng ta. Câu đó chắc cũng đã làm Chúa Giêsu bàng hoàng. Vì Người quan tâm đến chúng ta hơn bất kỳ ai khác. Thật vậy, khi các ông kêu cầu Người, Người liền cứu các môn đệ của Người khỏi tuyệt vọng.
Bão tố cho thấy sự mong manh của chúng ta và phơi bày những sự vững chắc giả tạo và vô dụng mà chúng ta dựa trên chúng để xây dựng các kế hoạch, các dự án, thói quen, và những ưu tiên cho mình. Nó cho chúng ta thấy là chúng ta đã để mình trở nên tối dạ và chậm chạp trước những điều thật sự nuôi dưỡng, giữ gìn và bồi bổ sức mạnh cho đời sống chúng ta và cộng đồng. Cơn phong ba phơi bày tất cả những ý tưởng được định hình trước của chúng ta và quên đi những điều vun đắp linh hồn con người; tất cả những sự cố gắng đó làm chúng ta tê liệt bằng những lối suy nghĩ và hành động cho rằng nó “cứu thoát” chúng ta, nhưng ngược lại nó cho thấy không có khả năng đưa chúng ta chạm đến được những cội nguồn của mình và giữ ký ức sống động về những người đã đi trước chúng ta. Chúng ta đã đánh mất các kháng thể chúng ta cần có để đương đầu với nghịch cảnh.
Trong cơn bão tố này, hình thức bề ngoài của những khuôn mẫu mà chúng ta dùng để ngụy trang cho cái tôi của mình, chỉ chăm chút lo lắng về hình ảnh của chúng ta, đã biến đi, để một lần nữa cho thấy sự hệ thuộc phổ quát (đầy phúc lành) mà chúng ta không thể thiếu: sự hệ thuộc rằng chúng ta là anh em và chị em.
“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lạy Chúa, Người đang kêu gọi chúng con, kêu gọi chúng con tin tưởng. Đó không chỉ là tin vào Người hiện hữu, nhưng là chạy đến với Người và tín thác vào Người. Mùa Chay này tiếng gọi của Người lại vang lên một cách cấp bách: “Hãy sám hối!”, “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2:12). Người đang kêu gọi chúng con hãy nắm bắt lấy thời gian thử thách này như là thời gian để lựa chọn. Nó không phải là thời gian xét xử của Người, nhưng là thời gian xét xử của chúng con: thời gian để chọn điều gì là hệ trọng và điều gì là chóng qua, thời gian để tách bạch điều gì là cần thiết và điều gì là không. Lạy Chúa, nó là thời gian để đưa cuộc sống chúng con trở về con đường với Người, với tha nhân. Chúng con có thể nhìn đến rất nhiều người gương mẫu trên hành trình, là những người cho dù sợ hãi nhưng vẫn hành động bằng cách hy sinh đời sống của họ. Đây là sức mạnh của Thần Khí rót đổ và tạo nên qua sự hy sinh dũng cảm và quảng đại. Đó chính là sự sống trong Thần Khí để có thể chuộc lại, trao giá trị và cho thấy đời sống chúng ta được đan kết và gìn giữ bởi những con người bình thường như thế nào – thường là những người bị lãng quên – những con người không xuất hiện trên các trang nhất của báo và tạp chí, cũng không xuất hiện trên các sàn diễn thời trang lớn trong những buổi diễn mới nhất, nhưng chính là những con người trong những ngày này viết lên biến cố quyết định cho thời đại của chúng ta: những bác sĩ, y tá, nhân viên siêu thị, người lao công, người phụ chăm sóc y tế, những người chuyên chở, các lực lượng luật pháp và giữ trật tự, những thiện nguyện viên, các linh mục, nam nữ tu sĩ và rất nhiều người khác, tất cả họ hiểu rằng chẳng có ai đạt được ơn cứu độ bằng chính cá nhân mình. Trước quá nhiều đau khổ, sự phát triển đích thực của các dân tộc được đánh giá, chúng ta cảm nghiệm được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Không biết bao nhiêu người hàng ngày đang thực hành đức kiên nhẫn và trao tặng hy vọng, chăm chú gieo hạt giống trách nhiệm chung chứ không phải là sự hoảng loạn. Không biết bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, và các nhà giáo dục, bằng những cử chỉ nhỏ bé mỗi ngày, đang chỉ cho con cái của chúng ta thấy cách thức để đối mặt và đi qua khủng hoảng bằng sự điều chỉnh những thói quen của chúng, hướng ánh mắt của chúng nhìn lên và dâng lời cầu nguyện. Không biết bao nhiêu người đang cầu nguyện, dâng lên và cầu thay nguyện giúp vì sự tốt lành cho tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ thầm lặng: đây là những vũ khí khải hoàn của chúng ta.
“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Niềm tin bắt đầu khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần được cứu rỗi. Chúng ta không thể tự mình lo cho mình; chúng ta sẽ sụp đổ nếu chỉ dựa vào riêng bản thân: chúng ta cần Chúa như những nhà hàng hải xưa kia cần các ngôi sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu lên những con thuyền cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy chuyển những nỗi sợ hãi của chúng ta cho Người để Người chế ngự chúng. Cũng như các môn đệ, chúng ta sẽ có kinh nghiệm rằng có Người ở trên thuyền thì sẽ không lo bị đắm. Vì đây là sức mạnh của Chúa: biến đổi mọi điều xảy ra cho chúng ta trở nên tốt, ngay cả những điều xấu. Người mang đến sự yên bình trong những cơn bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa sự sống không bao giờ chết đi.
Giữa cơn phong ba cuộc đời, Chúa yêu cầu và mời gọi chúng ta hãy tỉnh ngộ và thực hành tình liên đới và cậy trông để có thể trao tặng sức mạnh, sự hỗ trợ, và ý nghĩa cho những giây phút này khi mọi sự dường như đều chao đảo. Chúa thức dậy để đánh thức và làm hồi sinh niềm tin Phục sinh của chúng ta. Chúng ta có một cái neo: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát. Chúng ta có một bánh lái: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được cứu độ. Chúng ta có niềm hy vọng: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được chữa lành và được ôm lấy để không điều gì và không ai có thể chia cách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Người. Trong hoàn cảnh cách ly khi chúng ta đang chịu đựng cảnh thiếu thốn sự sự dịu dàng và cơ hội gặp gỡ, và chúng ta đang nếm trải sự mất mát rất nhiều thứ, một lần nữa chúng ta hãy lắng nghe lời loan báo giải thoát chúng ta: Người đã trỗi dậy và đang ở bên chúng ta. Từ trên thập giá Chúa kêu gọi chúng ta hãy tái khám phá sự sống đang chờ đợi chúng ta, để nhìn đến những người đang trông chờ chúng ta, để củng cố, nhận biết và thúc đẩy ân sủng sống trong ta. Chúng ta đừng dập tắt ngọn lửa đang chập chờn (x. Is 42:3) để không bao giờ lùi bước, và chúng ta hãy cho phép niềm hy vọng được nhen nhóm trở lại.
Ôm lấy thập giá của Người có nghĩa là tìm sự can đảm để ôm lấy tất cả những khó khăn của thời gian hiện tại, từ bỏ đam mê quyền lực và những chiếm hữu để nhường không gian cho sự sáng tạo mà chỉ Thần Khí có khả năng truyền cảm hứng. Nó có nghĩa là tìm sự can đảm để tạo ra những không gian nơi mọi người có thể nhận biết rằng họ được kêu gọi, và cho phép những hình thức mới của lòng hiếu khách, của tình huynh đệ, và tình liên đới. Nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát để ôm lấy hy vọng và cho phép niềm hy vọng đó củng cố và duy trì tất cả các biện pháp và những con đường khả thi để giúp chúng ta bảo vệ chính bản thân và tha nhân. Ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và trao cho chúng ta niềm hy vọng.
“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Anh chị em thân mến, từ nơi thể hiện niềm tin vững như bàn thạch của Phêrô, tối nay cha xin phó dâng tất cả anh chị em lên Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria, là Sức khỏe của mọi người và là Vì Sao của Biển cả giông bão. Từ hàng cột trụ ôm lấy thành Roma và toàn thế giới, nguyện xin phúc lành của Chúa đổ xuống trên anh chị em như vòng tay ôm ấp vỗ về. Lạy Chúa, xin Người chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác chúng con và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa nói chúng con đừng sợ, nhưng đức tin của chúng con yếu kém và chúng con đang sợ hãi. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con ở lại với phong ba bão tố. Xin hãy nói với chúng con lần nữa: “Đừng sợ” (Mt 28:5). Và cùng với Thánh Phêrô, chúng con “trút cả mọi âu lo cho Người, vì Người chăm sóc chúng con” (x. 1 Pr 5:7).
© Libreria Editrice Vatican
[00417-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2020]
2020
Văn hoá mùa chay giữa cơn đại dịch
Chưa có khi nào Giáo Hội Công Giáo khắp thế giới phải trải qua một Mùa Chay đặc biệt như năm nay. Trước sự bùng phát và diễn tiến bất thường của cơn đại dịch virus Vũ Hán, nhịp sinh hoạt của thế giới và của cả Giáo Hội cũng bị đảo lộn. Giáo Hội nhiều nơi đã phải tuyên bố đình chỉ mọi Thánh Lễ vì lý do an toàn và sức khoẻ cộng đồng. Thế là rất nhiều tín hữu Công Giáo trong mùa Chay này không chỉ phải giữ chay trong việc ăn uống, mà còn phải “chay” cả Thánh Lễ, “chay” cả những cuộc tĩnh tâm và những buổi hội họp đông người.
Dưới ánh sáng của biến cố đại dịch mà cả nhân loại đang phải trải qua, chúng ta cùng đọc lại ba lời mời gọi chính yếu của Mùa Chay là ăn chay, làm việc bác ái, và cầu nguyện… Những lời khuyên này có vẻ đi ngược lại với xu hướng hiện đại và những ước muốn của lòng người. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cần suy niệm để thấy giá trị của những lời mời gọi ấy và tầm quan trọng của việc hình thành những nét văn hoá mới cho con người.
Ăn chay – hãm mình
Chay à? Nghe là đã thấy có vẻ nhạt nhạt rồi đấy! Có ai mà thích nhạt đâu! Phải có gì đó mằn mặn thì mới hấp dẫn, mới ngon lành, mới có vị chứ, phải không? Chả thế mà các MC nổi tiếng khi dẫn chương trình trước đám đông khán giả cứ phải xen vào đó những câu chuyện có cả “chay” cả “mặn” thì mới dễ hấp dẫn người nghe. Cũng vậy, trong nhiều gameshows ngày nay, các vị khách mời phải biết nói chuyện đủ mặn thì mới được gọi là những “vựa muối”, “siêu đáng yêu”, “siêu duyên dáng”… Chừng như con người càng ngày càng thích “mặn”, nên dễ trở nên xa lạ với những lời kêu gọi của chay tịnh.
Với người Công Giáo, “ăn chay” không chỉ đơn thuần được hiểu theo nghĩa đen, kiểu như được ăn món gì và không được ăn món gì, ngày nào thì phải ăn chay và ngày nào thì được ăn mặn… Ăn uống chỉ là một trong những cách biểu hiện bề ngoài của việc thực hành khổ chế và hãm mình. Tại sao phải hãm mình và khổ chế? Xin thưa: để giúp con người lớn lên trong khả năng làm chủ bản thân và làm chủ chính mình ngang qua việc làm chủ được những ham muốn, điều tiết được những đòi hỏi, hãm dẹp được những cái bất trị trong chính mình. Mùa Chay giúp con người là “người” hơn là “con”, nhờ đó có có thể ngày một nên thánh hơn nhờ biết hướng đời mình trên nẻo đường lành thánh.
Như thế, việc ăn chay của người Công Giáo không chỉ xoay quanh chuyện ăn uống, mà còn liên quan đến cách nói năng, cách suy nghĩ, cách sống. Mùa Chay giữa cơn đại dịch là cơn hội tốt để nhắc nhở mọi người trở về, tập lại và điều chỉnh lại từ những thói quen nhỏ nhặt của đời sống, nhất là thói quen nói năng. Ai cũng biết rằng nguồn lây nhiễm chính của Virus Vũ Hán là các hạt nước bọt mang virus. Những hạt nước bọt này văng ra từ những người hay nói. Càng có thói quen nói nhiều, nguy cơ lan truyền virus càng lớn. Như thế, virus Vũ Hán là một lời nhắc nhở và cảnh cáo cho những người mang nơi mình nhiều thói quen xấu trong việc ăn nói như ngồi lê đôi mách, thích chém gió, thích nổ, thích cà kê cà khịa, thích hội họp ồn ào, v.v… Mùa Chay năm nay mời gọi mọi người rút lui vào khoảng thinh lặng nhiều hơn. Thinh lặng đúng nghĩa là vàng. Sự thinh lặng đáng giá bằng cả sinh mạng của con người. Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, bớt giao du tiếp xúc bên ngoài khi không cần thiết, xây dựng văn hoá lịch sự và tôn trọng nhau ở những chốn đông người, bỏ qua những cuộc cãi vả và tranh luận không cần thiết, v.v… ấy là những nét đẹp cần có trong văn hoá Mùa Chay.
Làm việc bác ái và liên đới
Mùa Chay kêu gọi con người trở về, không chỉ theo nghĩa biết ngước nhìn lên Thiên Chúa, nhưng còn theo nghĩa biết nhìn sang chung quanh những người anh chị em của mình, nhất là những người nghèo khổ khốn khó. Mùa Chay dạy con người về đức bác ái ngang qua việc sống tình liên đới và trách nhiệm.
Thánh Phaolo từng suy niệm về sự liên đới thế này: “Vì một người mà tội lỗi đã thâm nhập vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết. Như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5,12). Đã từng có không ít người phản đối lối suy niệm ấy và tự hỏi: tại sao một người gây hoạ mà nhiều người phải gánh cùng? Tại sao một người làm sai mà nhiều người phải chịu tội?
Cơn đại dịch nổ ra, lây lan từ người này sang người khác, chỉ ra cho thấy quả thật con người liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau nhiều hơn những gì người ta từng tưởng nghĩ. Trong những ngày qua, đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười đến từ những người thiếu trách nhiệm và không có ý thức gì về sự liên đới giữa người với người. Vì sợ, có những người tìm cách trốn cách ly. Họ sợ cho mình, nhưng lại không nghĩ xa hơn được rằng trốn tránh và chỉ nghĩ cho riêng mình chính là nguyên nhân làm cho bệnh dịch lây lan nhanh chóng. Khi ích kỷ chỉ biết sống cho riêng mình, người ta có nguy cơ trở thành nguồn gây hoạ cho vô số người khác, khởi đầu từ những người thân yêu nhất của mình. Một người sai, nhưng nhiều người phải gánh hậu quả là thế!
Mùa Chay giữa cơn đại dịch là cơ hội để mỗi người Công Giáo sống đức bác ái Kitô giáo, theo nghĩa không chỉ nghĩ cho riêng mình, nhưng còn biết nghĩ đến những người khác nữa. Ai cũng sợ bị nhiễm bệnh, nhưng không vì chỉ sợ cho mình mà quên mất nghĩ đến người khác. Văn hoá Mùa Chay dạy chúng ta không dành giật để tích trữ cho riêng mình, khi sự tích trữ của mình là nguyên nhân làm cho những người bên cạnh mình trở nên thiếu thốn. Văn hoá Mùa Chay dạy chúng ta sống như một người có trách nhiệm, không giấu diếm khi thấy mình có vấn đề. Bởi vì cách thế tốt nhất để vượt qua là chấp nhận để cho mình được chăm sóc, để cho mình không trở thành nguồn cơn mang lại bệnh tật và đau khổ cho người khác.
Cầu nguyện
Quan trọng hơn hết trong văn hoá Mùa Chay là tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện là trở về đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Ấy là cơ hội cho con người nhìn lại chính mình. Đứng trước cơn dịch, ai cũng hoang mang và lo sợ. Thay vì chỉ là một phản ứng chóng qua, nỗi hoang mang và lo sợ ấy nên là lời cảnh tỉnh giúp con người suy nghiệm và phản tỉnh về chính thân phận của mình. Nhìn lại để thấy mình là ai trước một cơn đại dịch. Nhìn lại để thấy giá trị mỏng manh của kiếp người. Nhìn lại để sống và chiêm nghiệm lời mời gọi của Mùa Chay: Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro!
Cơn đại dịch làm cho mọi thứ bị đình trệ, mọi nhịp chuyển động đều bị ngừng lại. Nhiều cửa khẩu đã bị đóng chặt. Nhiều quốc gia đã tự cô lập để tập trung xử lý vấn đề của chính mình. Như có một nút chặn được đặt vào giữa nhịp sống quay cuồng vội vã của cả thế giới hiện đại… Chắc chắn việc đóng cửa như thế sẽ mang đến nhiều thiệt thòi và bất tiện cho mọi người. Nhưng chắc chắn sự chậm lại của nhịp sống cũng là cơ hội để mọi người quay trở về trong thinh lặng nội tâm và kín múc sức mạnh từ niềm tin của mình. Cần tĩnh và lặng nhiều hơn để có thể nghe được tiếng Chúa. Cần bình an và phó thác nhiều hơn để có thể học được điều Chúa muốn dạy dỗ. Thay vì hoang mang và phản ứng theo số đông, mỗi người Công Giáo đều được mời gọi trở nên một người chứng về lòng tin, về sự bình an nội tâm, về mẫu gương sống tốt và sống đẹp.
Khi có khả năng hướng về Thiên Chúa, con người cũng sẽ có khả năng hướng về nhau nhiều hơn. Rồi cơn đại dịch sẽ qua đi. Còn đọng lại sẽ là những thói quen tốt và những nét văn hoá đẹp được hình thành ngang qua biến cố này. Những lo lắng cố công chiến đấu với bệnh dịch sẽ không ra vô ích, nếu chúng ta học được nhiều bài học để lớn lên trong lối sống văn minh và trưởng thành hơn trong đời sống đức tin Kitô giáo của mình. Gia An, SJ – CTV Vatican News
2020
Thánh lễ trước giờ G
Thông tin Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng cử hành thánh lễ được lan đi nhanh chóng giữa sự tiếc nuối của giáo dân tại TP.HCM trong buổi chiều muộn. Tiếc nuối nhưng không ngỡ ngàng, bởi ai cũng đoán được điều này sẽ đến khi tình hình dịch bệnh trở nên khó lường.
Có buồn, có tiếc nhưng chúng ta luôn vâng lời. Bởi chúng ta, những người Kytô hữu, không chỉ giữ trọn giới luật “Mến Chúa – Yêu Người” mà còn là trách nhiệm của người công dân như lời chia sẻ của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng trong thông báo mới nhất: “Đây là một quyết định rất khó khăn đối với chúng ta, nhất là trong những ngày cao điểm của Tuần Thánh và Phục Sinh. Chưa bao giờ chúng ta phải ngưng thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung như thế này. Tuy nhiên, chúng ta cùng với người dân cả nước cần phải tranh thủ giai đoạn vàng này để khỏi bị vỡ trận trước dịch bệnh. Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại”.
Trước thông tin đó, không ít người tỏ ra khá hồn nhiên khi cho rằng: “Chúa hay Phật đều ở tại tâm, ở đâu đọc kinh, cầu nguyện cũng được hoặc đi lễ online càng tốt!”.
Đối với các tôn giáo khác, tôi không biết nhiều nên chẳng dám lạm bàn nhưng với Công Giáo, thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu. Trong thánh lễ, người tín hữu tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa. Đó cũng là nơi Thiên Chúa mặc khải cho con người hiểu hơn về tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Và nguợc lại, khi tham dự thánh lễ, người tín hữu biểu lộ, đáp trả tình yêu của mình cùng Thiên Chúa toàn năng.
Nói ngắn gọn, khi đã yêu, người ta luôn mong muốn tìm đến với nhau, để được ở bên nhau để được gắn bó mật thiết hơn chứ không ai cứ mãi yêu xa qua Facebook, Zalo, Viber hay truyền hình trực tuyến mà bảo là đủ rồi. Cũng vậy, dù có bận bịu trăm công nghìn việc thì con cái hiếu thảo vẫn có thể thu xếp để về thăm nom cha mẹ mình chứ đâu thể nói mỗi tháng chuyển tiền, mỗi ngày video call là đủ ?
Thật lòng mà nói, bản thân tôi, từ đó đến nay, từ xưa đến giờ cũng không siêng lắm với việc đi lễ ngày thường nhưng không hiểu sao nghe tin nhà thờ không có lễ lại thấy ưu tư. Ừ thì có ai đó từng nói, người ta thường chỉ biết quý những gì đã vuột khỏi tầm tay, khi không còn ở bên mình nữa. Chắc là do mình luôn sợ “…kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”, chứ có hề thánh thiện chi đâu…
Và hôm nay khi tham dự thánh lễ cuối trước giờ “tạm dừng” bất chợt bao cảm xúc như cứ đong đầy. Cũng ngôi nhà thờ đó, cùng những giáo dân thân quen ấy nhưng một bầu khí khá nặng nề. Bởi ai cũng có chiếc khẩu trang che gần kín mặt, thấy nhau mà chẳng dám tay bắt mặt mừng. Nhất là khi lời dẫn lễ của cha sở đã khiến không ít người xúc động thật sự “ …Sau thánh lễ hôm nay không biết đến bao giờ chúng ta lại được quây quần như thế này bởi tình hình dịch bệnh trở nên khó lường…”
Tuy nhiên như lời cha đã chia sẻ thì “ Đây là cơ hội để tất cả chúng ta thanh luyện tâm hồn và gắn bó với Chúa nhiều hơn qua việc đọc Tin Mừng mỗi ngày, lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện, làm việc đạo đức…”
Thánh lễ đã xong, giờ chầu Thánh Thể rồi cũng kết thúc, đem hết kinh kệ ra đọc ê a một hồi rồi cũng phải đến lúc chia tay nhưng hình như chẳng ai muốn về, chỉ cố níu kéo những giây phút còn được quây quần bên nhau.
Nhưng không sao, nhờ biến cố này mà ta mới chợt nhận ra mình quá hạnh phúc và may mắn khi vẫn còn có Chúa trong cuộc đời này như ai đó đã từng nói “Khi mất tất cả bạn vẫn còn có Chúa!”
Xin mạn phép mượn lời Đức Tổng Giuse để thay cho lời kết và cũng để động viên cho nhau, tất cả chúng ta: “Nạn dịch này có thể là một đại hồng thủy thanh luyện nhân loại nhưng cũng sẽ đổi mới thế giới. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và luôn hy vọng. Chúa nói: “Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6, 20). Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ và của các thánh, xin Chúa ban bình an cho anh chị em, cho dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại”.
Gx. Phanxico Đakao, 26.03.2020
C.T.H