YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ
04 01/11 Tm Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng.
(Tr) Thánh Gioan thành Đa-mát, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
Mt 9, 35 10,1.6-8
YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ
Lễ nhớ thánh Jean Damascène được mừng vào ngày Giáo Hội Byzantin cử hành lễ an táng ngài, diễn ra trong tu viện Thánh Sabas, gần Giêrusalem, có lẽ là ngày 4 tháng 12 năm 750. Lễ nhớ này được đưa vào lịch Rôma năm 1890. Trước cuộc cải cách phụng vụ, lễ này được mừng ngày 27 tháng 3, là ngày kỷ niệm Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên phong thánh Jean Damascène làm tiến sĩ Hội Thánh.
Ngài sinh ở Đamas khoảng năm 650, trong một gia đình Ả Rập theo Kitô giáo. Ngài còn có tên là Mansour giống như tên ông nội ngài, một viên chức cao cấp trong triều đình. Khi cha mất, ngài thay cha trông coi công việc tài chính của hoàng cung. Nhưng đến năm 710, ngài lui về sống đời đan tu trong tu viện Thánh Sabas, một loại tu viện – pháo đài nằm giữa Bethlehem và Giêrusalem.
Được thụ phong linh mục do giáo chủ Giêrusalem là Đức Gioan V, từ đó ngài chỉ chuyên chăm cầu nguyện, rao giảng và viết các tác phẩm thần học, cho tới khi ngài đột ngột qua đời tại tu viện Thánh Sabas khoảng năm 750, hưởng thọ khoảng một trăm tuổi. Ít năm sau, công đồng bài trừ ảnh tượng (iconoclaste) năm 754 ra vạ tuyệt thông cho ngài, nhưng về sau ngài sẽ được phục hồi ở Công đồng chung thứ bảy, năm 787.
Công lao to lớn của thánh Jean Damascène là đã bảo vệ việc tôn kính ảnh tượng chống lại hoàng đế Byzantin là Lêô III người Isaurien (717-740), là người đã liên minh với phe bài bác ảnh tượng thánh để phát động cuộc tranh luận về Ảnh tượng thánh (726). Ngài cũng đã anh dũng đối đầu với hoàng tử kế vị Lêô III là Constantinô V. Ba Luận văn Hộ giáo (726-730) của ngài là một sự biện hộ hùng hồn cho việc tôn kính ảnh tượng và chứng tỏ cho thế giới Kitô giáo thấy tài năng của một nhà thần học và nhà hộ giáo lỗi lạc.
Nhưng tác phẩm chính của thánh nhân là Ngọn Nguồn Tri Thức, một tổng luận thần học đầu tiên. Vào thời Trung cổ, tác phẩm này được dùng làm sách giáo khoa ở phương Đông, còn ở phương Tây, tác phẩm này được dịch sang tiếng la-tinh đã giúp ích rất nhiều cho công việc của thánh Thomas Aquin và các nhà thần học kinh viện.
Thánh Jean Damascène được mệnh danh là Chrysorrhoas (nghĩa là Giòng Sông vàng) vì những thiên khiếu phi thường của ngài về thần học và thi thơ, “óng ánh như vàng, rực chiếu trong lời giảng dạy cũng như trong đời sống của ngài.”
Khoa tranh ảnh thánh vẽ hình thánh nhân được Đức Mẹ chữa lành bàn tay phải mà hoàng đế bài bác ảnh thánh Lêô III – theo truyền thuyết – đã chặt đứt của ngài.
Suốt dọc dài theo năm tháng qua dòng thời gian, ngay từ thời Cựu ước các Ngôn sứ đã loan báo về Đấng Thiên sai sẽ xuất hiện và người ta hằng mong chờ Vị Cứu Chúa đến giải thoát dân. Khi Đấng Cứu Thế đến với muôn dân, Ngài đã giải thoát dân khỏi ách nô lệ tội lỗi, thiết lập triều đại Thiên Chúa và chuẩn bị cho nhóm Tông đồ thân cận tiếp tục cộng tác vào công cuộc Người đang thực hiện. Cứ thế Tin mừng được loan truyền khắp cùng cõi đất và cho đến ngày nay Tin mừng đó được lan rộng. Lời Chúa trong Tin mừng của Thánh Mattheu hôm nay thuật lại việc Chúa trao ban sứ vụ của Ngài cho các Tông đồ, để các ngài tiếp tục loan truyền tin vui cho nhân loại.
Sau khi rao giảng khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong khắp các hội đường và làm nhiều phép lạ, chữa nhiều người đau yếu, tật nguyền… Đức Giê-su thấy đám đông dân chúng vất vưởng, không người hướng dẫn, Ngài đã biểu lộ tình thương của mình đối với họ bằng việc ân cần giảng dạy và chữa lành cho họ ; đồng thời Ngài cũng nhận thấy họ cần có những mục tử tốt lành để hướng dẫn họ. Trước nhu cầu đó, Ngài gọi nhóm mười hai ban cho các ông quyền trừ quỷ, chữa bệnh và sai các ông đến với họ, đồng hành và hướng dẫn họ.
Đây cũng là lời mời gọi mà Chúa Giêsu muốn chúng ta tham dự vào sứ mạng đem Tin mừng đến cho mọi người.
Khi trao cho các Tông đồ sứ mạng chăm sóc đàn chiên thì chính Chúa Giê-su đã nêu gương trước trong việc làm này. Ngài không nề hà đến với từng người bằng việc giảng dạy, Ngài yêu thương cúi xuống trên họ để chữa lành, trừ quỷ cho họ. Sau đó, Ngài mời gọi các Tông đồ cộng tác với Ngài trong việc chăm sóc đàn chiên, giảng dạy cho họ cũng như chữa lành cho họ. Ngài trao cho các ông nhiệm vụ rao giảng Nước trời và để việc loan báo có hiệu quả thì Ngài cũng ban cho họ khả năng: “Được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”.
Lãnh nhận năng quyền từ Chúa Giêsu, các ông được sai đến với: “Các con chiên lạc nhà Ít-ra-el” đi đến với các dân ngoại, rao giảng về một Nước Trời đang đến gần. Hơn nữa, Chúa Giêsu hướng dẫn, chỉ bảo các ông khi tiếp nối công việc của Ngài, để việc rao giảng của các Tông đồ đạt hiệu quả thì khi làm việc cần có tấm lòng nhân hậu của người mục tử: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”.
Chúa Giêsu đã đến trần gian, khai mở triều đại Thiên Chúa, quy tụ mọi người vào trong vương quốc của ngài. Ngài muốn mọi người tiếp tục công việc này nên Ngài trao ban sứ vụ không chỉ cho riêng các Tông đồ mà ngài còn mời gọi tất cả chúng ta nỗ lực xây dựng vương quốc của triều đại này ngày càng lớn mạnh. Ngài mời gọi mọi người giới thiệu chân dung của một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương, để mọi người nhận biết sự hiện diện yêu thương và tốt lành của Thiên Chúa. Ngài ước mong không một ai bị loại ra khỏi Nước Trời là nơi vinh quang Chúa hiển trị. Ngài muốn chúng ta cùng chia sẻ sứ vụ rao giảng cho mọi người, quảng đại phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bị bỏ rơi. Chính Chúa Giêsu đã quảng đại và dành nhiều ưu ái cho những kẻ bé mọn thì chúng ta chẳng có lý do gì để từ chối nên giống Chúa trong việc phục vụ tha nhân.
Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố ngày 01/05/2011 giúp chúng ta nhìn ra phương thức mới, cũng như biên cương mới của sứ vụ thần linh này trong việc nên giống Chúa và cũng là lời đáp trả cho lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội tại Việt Nam cần quan tâm đặc biệt đến những dân tộc ít người là những anh chị em còn phải chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Các bệnh nhân, những người tàn tật, già yếu, neo đơn, mồ côi, những thiếu nữ lầm lỡ, các tù nhân… cũng là những thành phần cần được chăm sóc nhiều hơn trong các hoạt động mục vụ.
Các cộng đoàn Kitô hữu cần tìm cách thể hiện tình yêu thương phục vụ họ cách cụ thể, đồng hành với họ trong những khó khăn của đời sống, giúp họ nhận ra được niềm vui của đức …”. Chúng ta cũng được mời gọi: “Nhận ra những hình thức mới của sự nghèo khổ, bén nhạy trước những đổi thay của xã hội để kịp thời đáp ứng dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Việc đối thoại với người nghèo giúp cho Giáo Hội học được cách nhìn của Đức Kitô, khám phá nơi con người nhu cầu cần được yêu thương và tôn trọng chứ không chỉ là được ban phát của cải vật chất” (Số 41, Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2011)
Sứ mạng mà Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ xưa kia cũng chính là lời mời gọi mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Trước những nhu cầu của anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, những người ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày, xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức lời mời gọi của Chúa để luôn nhiệt thành với việc giới thiệu Chúa cho người khác bằng chính đời sống của mình.