Yêu thương là chu toàn Lề Luật
25 09 X CHÚA NHẬT 30 MÙA TN
Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
Yêu thương là đặc điểm của con người. Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là yêu thương. Chỉ có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người Pharisiêu hỏi Đức Giêsu, trong lề luật giới răn nào quan trọng nhất. Họ muốn Chúa Giêsu tóm tắt những điều luật bằng một câu giản đơn. Câu chuyện được thánh Matthêu kể lại hôm nay là giai thoại thứ ba trong bốn giai thoại được thánh ký ghi lại nơi chương 22. Những đầu mục Do Thái giáo đưa ra những cái bẫy nhằm bắt bẻ Chúa Giêsu. Trình thuật này khác với những câu chuyện mà Luca hay Marcô ghi lại (Mc 12, 28-34; Lc 10, 25-28). Trong Luca hay Marcô, những câu hỏi đưa ra phát xuất từ sự chân thành chứ không phải mang tính gian dối hay giảo quyệt, và Chúa Giêsu đã trả lời với những huấn dụ rất khẳng quyết.
Chúng ta dễ dàng nói yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, nhưng như thánh Gioan nói rằng, làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến những người anh em mà chúng ta thấy. đó luôn là thực tế của con người, chúng ta kinh nghiêm Thiên Chúa ngang qua tình yêu nhân loại. Đó là hai điều gắn kết chặt chẽ và thâm sâu. chúng ta cùng khẩn khoản nài xin Thiên Chúa hồng ân để sống hai giới răn trọng đại này hầu nên chứng nhân cho nhân loại về giới răn của Thiên Chúa cho một thế giới công bằng, hòa bình và hòa giải cho người nghèo khổ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tinh yêu tinh ròng đến nỗi “dám chết cho người mình yêu”. Ngài đã chọn thập tự giá làm biểu tượng cho tình yêu tự hiến của mình.
Với thanh dọc, Chúa chấp nhận cực hình để tôn vinh Chúa Cha. Với thanh ngang, Ngài muốn ôm trọn nhân loại trong tình thương của Chúa. Người Kitô cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu khi chúng ta sống tôn vinh Chúa Cha, và yêu mến anh em như chính mình.
Chính tình yêu đó sẽ giúp chúng ta vượt thắng những tham lam bất chính, những thói hại người hại đời để tìm tư lợi riêng cho bản thân mà người đời vẫn đang sống. Có thể là người, chúng ta cần địa vị, cần danh vọng nhưng vì lòng yêu mến Chúa chúng ta không thể bán rẻ lương tậm, không làm hại đồng loại. Có thể chúng ta cũng cần của cải để sinh sống, nhưng vì Chúa, chúng ta biết sống quảng đại để mua lấy hạnh phúc Nước Trời. Có thể đồng loại, vẫn mưu toan làm hại chúng ta, nhưng vì Chúa chúng ta nhịn nhục và nhẫn nại với nhau trong yêu thương và tha thứ.
Như vậy, chỉ có ở trong tình yêu Chúa, chúng ta mới dám sống yêu thương đồng loại như chính mình. Chính nhờ tình yêu Chúa, sẽ giúp chúng ta trao ban sự sống sung mãn cho nhân thế qua những nghĩa cử yêu thương, bác ái và vị tha. Chính tình yêu đối với Chúa, sẽ giúp chúng ta sống nhân ái và bao dung với tha nhân là hình ảnh của Ngài.
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Đạo. Đi Đạo, sống Đạo, giữ Đạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy”.
Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi “yêu mến là chu toàn cả Lề luật” (Rm 13, 10). Nhưng tình yêu có hai vế: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương kẻ khác… Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giêsu không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn; nhưng “yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa “là dũng lực, là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta” (Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết… mà còn trên hết mọi sự, hơn cả chính mình, vì theo lời Chúa Giêsu thì: “Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất” (Mt 22, 38).
Khi truyền dạy “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình”, Chúa Giêsu như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu “kẻ khác” hay không? Chúa Giêsu xem tình yêu ” kẻ khác ” như “mệnh lệnh của Người,” mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. “Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người.
Chúng ta cố gắng đi xa hơn một chút bề mặt của nsự việc. Khi nói về tình yêu kẻ khác, người ta nghĩ ngay tới những “việc làm” như bác ái, hay “phải làm” cho kẻ khác như: cho họ ăn, uống, thăm viếng họ, nói tóm tắt là giúp đỡ kẻ khác. Nhưng đó là hậu quả của tình yêu, chứ chưa phải là tình yêu. Lòng từ tâm tới trước sự làm phúc. Trước khi làm phúc, người ta phải muốn làm phúc.
Thánh Phaolô nói rõ: Đức bác ái phải là “không giả vờ,” tức là, phải chân thật, nghĩa đen, “không giả hình,” (Rm 12, 9); người ta phải yêu “với một con tim trong sạch” (1 Pr 1, 22). Trên thực tế, người ta có thể làm việc bác ái và bố thí vì nhiều lý do không dính dáp gì với tình yêu: tô điểm chính mình, để ra vẻ là một người làm điều thiện, được lên thiên đàng, và có khi để trấn an một lương tâm xấu.
Yêu người thân cận như chính mình cũng là điều rất khó. Có bao người làm chúng ta đau khổ và bị xúc phạm. Yêu thương và tôn trọng họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ. Nhưng chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình. Chúng ta lạnh lùng trước nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán, đôi khi dùng tha nhân như phương tiện lót đường để ta tiến thân. Nói chung, dù yêu Chúa hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình, trao đi chính mình và chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Hai điều răn trên không thể tách rời nhau. Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân. Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên Thiên Chúa. Người Kitô đi từ nhà thờ ra chợ rồi lại từ chợ vào nhà thờ. Ngoài chợ, họ gặp Chúa nơi anh em. Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.