YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
12.9 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Ba Mùa Quanh Năm
1 Cr 8:1-7,11-13; Tv 139:1-3,13-14,23-24; Lc 6:27-38
YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy ngay trong gia đình đã có những tranh chấp, cãi vã; hàng xóm cũng kiện tụng, đánh nhau; thế giới thì không ngừng chiến tranh, khủng bố…
Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.
Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Kinh thánh cho biết: từ khi nguyên tổ phạm tội thì sự dữ đã nhập vào thế gian. Sự ghen tương, thù hận, giết chóc đã xảy ra ngay sau đó giữa hai anh em Cain và Abel. Và cứ thế, lịch sử con người tiếp diễn với các cuộc tàn phá, và tàn sát. Sự thù hận không thể chấm dứt nếu con người muốn lấy máu trả nợ máu.
Trước Chúa Giêsu 6 thế kỷ, Đức Phật đã dạy ‘lấy oán báo oán, oán chất chồng; lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan’. Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta yêu thương, tha thứ cho kẻ thù không đơn thuần là một phương kế nhưng là một đòi hỏi bắt buộc đối với những ai muốn làm môn đệ của Ngài và làm con Cha trên trời. Với Chúa Giêsu, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha và những ai được mời gọi làm con Thiên Chúa phải yêu người như Thiên Chúa đã yêu.
Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha yêu thương ban mưa thuận gió hòa cho cả người công chính cũng như kẻ bất lương.
Ngài còn dạy các môn đệ phải biết yêu thương kẻ thù. Yêu kẻ thù là chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.
Chúa Giêsu đã dạy yêu thương và Ngài đã sống điều Ngài dạy. Trên thập giá, Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ…”
Yêu thương, tha thứ quả là điều vô cùng khó. Chỉ nguyên việc không tìm cách trả đũa kẻ gây ra những đau thương bất hạnh cho mình đã là khó, nói chi đến việc làm ơn, cầu nguyện cũng như chúc phúc cho những kẻ thù nghịch với mình.
Khó nhưng đó lại là tiêu chuẩn thực hành của người Kitô Hữu. Khó nhưng không phải là không làm được. Trong Giáo Hội đã từng có biết bao vị thánh làm được điều mà Chúa đã dạy. Đó là thày phó tế Stêphanô. Trước giờ chết, thày đã lớn tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu xin nhận lấy linh hồn con”; và “xin đừng chấp tội họ”. Thánh tử đạo Việt Nam Emmanuel Lê Văn Phụng đã nói với các con của mình rằng: Các con đừng tìm cách báo thù; quay sang các bạn hữu, ngài nói: “Các bạn hãy tha thứ vì chính tôi đã tha thứ”.
Sau các Mối Phúc ngỏ lời với những người bị đè bẹp trong cuộc sống và các Mối Họa được gởi đến cho những người chỉ coi sự giàu sang phú quý như cứu cánh cuộc đời mình, thì phần này mở ra và đóng lại với huấn lệnh “hãy yêu thương kẻ thù” (6: 27 và 6: 35). Những kẻ thù ở đây được nhận dạng qua những hành vi họ làm: “nguyền rủa anh em” và “vu khống anh em” (6: 28), đó là những kẻ bách hại các Ki-tô hữu đã được nói đến ở Mối Phúc thứ tư (6: 22).
Ở trung tâm của phân đoạn này là luật vàng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (6: 31). Luật này được giải thích bởi những huấn lệnh vây quanh, trước hết những huấn lệnh thuộc thể truyền lệnh ở ngôi thứ hai số ít: “Anh” (6: 29-30) và sau đó những mệnh lệnh thuộc thể điều kiện ở ngôi thứ hai số nhiều: “Anh em” (6: 32-34). Hình ảnh đưa cả má bên kia cho người ta tát và trao luôn cả áo trong cho kẻ khác, xin thì cho, lấy thì đừng đòi lại, đó là một thái độ bất bạo động không tìm cách chống cự lại kẻ ác. Để ý đến việc chuyển từ ngôi thứ hai số ít sang ngôi thứ hai số nhiều gợi lên sự vượt quá tương quan liên bản vị. Như thế luật vàng được trình bày một cách tích cực: tính hỗ tương mà luật này phải dựa vào: làm cho người khác điều thiện mà mình muốn người khác làm cho mình được xác định trong các câu 29-30, ngay cả vượt qua trong các câu 32-34. Thực vậy, ba câu hỏi nhắc lại rằng chỉ có việc không tính toán, không cho để được cho lại, hoàn toàn vô vị lợi mới phân biệt cách ăn nếp ở của người tín hữu với cách ăn nếp ở của những người tội lỗi, những người này cũng biết nhân ái đối với những ai đối xử với họ như vậy. Trong phân đoạn này, thính giả được mời gọi hằng ngày phải vượt qua chính mình, phải sáng tạo để “làm điều thiện”cho tha nhân, nhất là cho những kẻ không muốn làm điều thiện cho mình.
Tất cả những thực hành trên phải được hiểu theo quan điểm của cặp đóng khung (6: 27 và 35): lòng yêu thương đối với kẻ thù được đòi hỏi cách triệt để ở đây. Những thực hành như thế không mong được đền ơn đáp nghĩa nào trên bình diện con người; nếu có đó chỉ là phần được ban mà thôi. Người tín hữu chỉ trông chờ lời đáp của Thiên Chúa. Đáp lại ba hành vi phục vụ người khác (6: 35a) là phần thưởng đến từ Thiên Chúa (6: 35b). Ở đây cũng như Mt 5: 9, 45, chính trên cơ sở những tương quan liên vị mà người tín hữu được đồng hóa với Đấng là Con duy nhất của Thiên Chúa. “Ở nơi việc yêu thương kẻ thù chiếu sáng trong chúng ta họa ảnh của Thiên Chúa, Cha chúng ta, Ngài, qua cái chết của Con của Ngài, đã chuộc lại khỏi sự hư mất đời đời và hòa giải với Ngài nòi giống con người, trước đây vốn đã không thân thiện và thù ghét Ngài”
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.