YÊU THẦY NHƯ GIOAN YÊU
18.5 Thứ Bảy trong tuần thứ Bảy Mùa Phục Sinh
Cv 28:16-20,30-31; Tv 11:4,5,7; Ga 21:20-25
YÊU THẦY NHƯ GIOAN YÊU
Ngang qua Tin mừng hôm nay, thánh sử Gio-an đã khéo léo cho chúng ta biết chỗ đứng đặc biệt của ngài trong trái tim Thầy Giê-su; nhưng có vẻ như chỗ đứng này cũng là cớ vấp phạm cho các Tông đồ khác, khiến cho Phê-rô, hôm nay khi ngoảnh lại nhìn thấy ông, đã lập tức nêu thắc mắc về số phận của Gio-an: “Còn anh này thì sao?”.
Quả thực, nếu chúng ta đọc kỹ các sách Phúc âm, chúng ta cũng sẽ nhận thấy Chúa đã dành cho Gio-an một tình yêu đặc biệt và Gio-an cũng đã dành cho Chúa một tình yêu chân thật, tế nhị và vô vị lợi. Gio-an là người đã được Chúa cho tham dự vào các biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa, là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly, là người đã đứng dưới chân thập giá và được Chúa Giê-su chối Mẹ Ngài cho, là người đầu tiên đã nhận ra Chúa đã sống lại… Gio-an là Tông đồ và là thánh sử nổi tiếng về tình yêu Thiên Chúa.
Người ta đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại yêu thương Gio-an hơn các tông đồ khác? Thật ra, Chúa Giê-su cũng là con người giống như mọi người, chỉ trừ tội lỗi, nên Ngài cũng có những tâm tình của loài người, điều đó chẳng có gì ngược với tinh thần Tin mừng cứu độ. Một tình yêu thương cụ thể phải bắt đầu với những gì gần gũi với mình, từ trong gia đình ra đến bạn hữu và những người khác. Yêu thương mọi người là sẵn sàng yêu thương những người mình gặp gỡ, chấp nhận cái hay cái dở của họ, cả những phiền toái của họ nữa. Chính những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống giúp chúng ta học biết yêu thương và làm cho tình yêu triển nở.
Thánh Gioan tông đồ có nhiều nét đáng nêu gương cho chúng ta:
“Khi ấy Phêrô quay lại nhìn thấy người môn đệ mà Chúa Giêsu yếu mến đi theo sau.” Trong ngôn ngữ Tin Mừng “đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Ngay từ đầu Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Gioan còn tiếp tục đi theo Chúa Giêsu trên tất cả mọi nẻo đường Ngài đi, kể cả đường Thập Giá. Rồi khi Chúa Giêsu đã đặt Phêrô thay thế mình. Gioan lại tiếp tục đi theo Phêrô. Thánh Gioan chính là hình mẫu của Môn đệ trung thành.
“Ông là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi.” Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa Giêsu nhiều nhất và sâu nhất, vì Gioan “nghiêng mình vào ngực Chúa,” vì Gioan “hỏi” nghĩa là thường suy gẫm về Chúa.
“Nếu Thầy muốn, anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến…” Ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn nói Gioan “ở lại.” Phải hiểu chữ “ở lại” này theo ý nghĩa của Tin Mừng Thứ Tư: Ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ suy gẫm về Thầy tiếp tục tồn tại mãi trong Giáo Hội.
“Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó.” Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo Hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra.” Có lẽ không phải cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.
Trong lịch sử Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt, để sống mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh, để rao giảng Phúc âm và đem ánh sáng lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm mức quan trọng như nhau. Tất cả đều quy tụ vào cùng một mục đích duy nhất là làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Như vậy, trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay, trái tim, khả năng của chúng ta, để tiếp tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng sự dấn thân đổ mồ hôi, có người làm chứng bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện.
Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng ta.
Chúng ta hãy nói gương thánh Gioan trung thành “đi theo” Chúa Giêsu, biết “nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu,” biết “hỏi” Chúa Giêsu, để có như thế chúng ta mới có thể “làm chứng” về Ngài.