Xin hãy gia tăng lòng tin yếu kém nơi chúng con
13.8
Chúa Nhật thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm
1 V 19:9,11-13; Tv 85:9-10,11-12,13-14; Rm 9:1-5; Mt 14:22-33
Xin hãy gia tăng lòng tin yếu kém nơi chúng con
Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Tin Mừng, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Tin Mừng thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15).
Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.
Phải chăng đoạn Tin Mừng hôm nay phản ảnh cho một kinh nghiệm sống đức tin của Giáo Hội thời sơ khai? Thực vậy, như một con thuyền tròng trành giữa biển khơi dậy sóng, Giáo Hội chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé và yếu đuối giữa một thế gian đối nghịch và không ngừng áp đảo…
Phêrô xuất hiện, và ông đã đáp trả lời trấn an của Thầy mình. Ông tin rằng đây không phải là một bóng ma, một phantasma, nhưng là chính Chúa Giêsu Đấng đang gọi mời ông và các môn đệ. Phêrô bắt đầu bước xuống biển và đi trên mặt nước. Nhưng một lần nữa, ông lại sợ khi sóng to gió lớn nổi lên. Quyết tâm của ông bị chao đảo. Ông từ từ lún chìm trong dòng nước. Cho dù Chúa Giêsu có nói hay không nói với Phêrô “ Sao kém tin thế”, thì Phêrô cũng đã gào lên với Chúa “Thưa Thầy, xin cứu con”.
Đây là một động thái tổng hợp cả hai mặt: vừa nghi ngờ khiến ông bị chìm, vừa bày tỏ lòng tin như một phương sách cuối cùng. Lòng tin đó khởi dẫn ông tìm đến ơn cứu độ giữa lúc bị chìm dưới biển. Không phải chỉ Phêrô, nhưng tất cả những ai lúc đó đang ở trên thuyền, chứng kiến những sự kiện nói lên sự trọng thị đối với Chúa Giêsu – chính xác hơn là sự tôn phục Ngài, chúng ta cũng như các tông đồ sẽ phải thốt lên “ Đúng Ngài là con Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã mặc khải uy quyền của Ngài vượt trên sức mạnh thiên nhiên và khuất phục cả những mãnh lực làm chúng ta chảo đảo sợ hãi. Nhưng quan trọng hơn hết, Ngài khải thị cho chúng ta chính thần tính của Ngài và biểu tỏ sức mạnh có thể cứu lấy những gì đã hư mất.
Đa phần chúng ta chưa từng có kinh nghiệm về sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa sâu xa như các môn đệ, và trải nghiệm đức tin giống như các ngài đã kinh qua khi thắng vượt được sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi. Các ngài e rằng, mình có thể rơi vào những ảo giác bên ngoài nhằm đánh lừa , và cái họ thấy trước mắt chỉ là một bóng ma đầy kinh khiếp.
Vì thế, đây là mấu chốt khiến câu chuyện ma trong trình thuật Tin Mừng hôm nay trở nên khá thú vị. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng đến với chúng ta trong hình hài thân xác, hoặc giữa cơn bão tố, hay trong lúc chúng ta chao đảo đức tin. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta trong muôn vàn cách thái khác nhau. Ngôn sứ Elia đã đến một cái hang trên núi Horeb, ngọn núi của Chúa, để gặp Chúa. Nhưng Chúa không hiện diện trong cơn giông bão. Ngài không có mặt trong cơn động đất, trong núi lửa, nhưng Chúa đến trong “tiếng gió hiu hiu nhè nhẹ”. Sau khi Elia nghe những âm thanh nhẹ nhàng này, ông tiến ra đứng trước cửa hang để đón gặp Chúa. Trong sự thanh vắng sau cơn bão tố, Chúa đã xuất hiện , hoàn toàn tĩnh lặng giữa núi rừng. Thần khí của Chúa đã đến với Elia dưới một một dạng thức thiêng liêng. Người ta có thể sánh ví, Ngài đến giống hệt như một bóng ma vậy.
Trong cuốn chuyện Quo vadis, tác giả Sienkievich đã đặt Phêrô, người chài lưới già nua và dốt nát trong thế đối diện với Néron, một hoàng đế hùng mạnh, chủ tể của trần gian. Phêrô đã run rẩy, ngẩng mái đầu bạc trắng của mình lên trời cao mà thầm thĩ kêu xin: Lạy Chúa, con biết làm gì với thành phố mà Chúa sai con tới. Của y nào là biển cả và đất liền. Của y nào là muông thú trên mặt đất cũng như thuỷ tộc dưới lòng đại dương. Của y nào là những vương quốc, thành quách và 30 chiến đoàn đang canh giữ. Còn con, lạy Chúa, con chỉ là một tên ngư phủ, sống quanh quẩn trên các mặt sông hồ. Con biết làm gì đây. Làm sao con thắng được sự dữ mà y đã gieo rắc.
Quả là mong manh, bé bỏng và yếu đuối, thế nhưng Giáo Hội vẫn không ngừng đi tới vì tin rằng Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện như lời Ngài xác quyết: Thầy đây, đừng sợ. Cho dẫu đó chỉ là một sự hiện diện vô hình, tưởng chừng như ảo ảnh. Thế nhưng cộng đoàn nhỏ bé ấy đã làm đảo lộn cả lịch sử. Néron đã biến đi như một cơn mộng dữ đẫm máu. Còn Phêrô, người chài lưới già nua và dốt nát vẫn còn đấy, đã chiếm lĩnh đến muôn thuở cả trần gian.
Cũng chính vì thế mà câu chuyện của 2.000 năm về trước luôn là nguồn suy tư và sức mạnh cho Giáo Hội, đặc biệt trong những giai đoạn phải đối diện với những khó khăn và thử thách, với những phong ba và bão táp, để ở đó, Giáo Hội hâm nóng lại niềm tin của mình và can đảm tiến bước.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy thẳng thắn kiểm điểm lại đời sống của mình. Nếu lúc này, chúng ta không cảm nhận được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng thì chắc chắn đó là vì chúng ta đã lìa xa Chúa. Nếu như lúc này chúng ta đang chao đảo và như muốn chìm xuống đáy nước, thì chắc hẳn đó là vì chúng ta đã không còn tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Hãy quay trở về cùng Chúa và hãy kêu lên như thánh Phêrô: Lạy Chúa, xin cứu vớt con. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay phù trợ, bởi vì Ngài không phải chỉ là một Thiên Chúa quyền năng, có thể làm được những sự chúng ta kêu van, mà hơn thế nữa, Ngài còn là một người cha đầy lòng thương xót, luôn sẵn sàng cứu vớt và nâng đỡ chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc. Có Chúa cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước những phong ba và bão táp, chúng ta sẽ không còn lo lắng trước những gian nan và thử thách như lời thánh vịnh đã viết: Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công, thành trì Chúa chẳng giữ trông, hùng binh kiện tước cũng không ra gì.
Thiên Chúa luôn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống. Dấu chân của Ngài luôn in đậm nét trong mọi biến cố cuộc sống đời thường của mọi người, nhưng nhiều khi chúng ta chưa hoặc không nhận ra Ngài. Kinh nghiệm mà thánh Phêrô cũng như các tông đồ đã trải nghiệm năm xưa trên biển hồ Galilê cũng thường được lập lại trong cuộc sống hiện sinh của chúng ta ngày hôm nay. Cùng với Thánh Phêrô, chúng ta hãy thưa lên với Chúa: “Thưa thầy, xin hãy cứu con. Xin hãy gia tăng lòng tin yếu kém nơi chúng con”.