Xem quả biết cây
16.9 Thánh Cornelius, Ghtđ và Cyprian, Gmtđ
1 Tm 1:15-17; Tv 113:1-2,3-4,5,6-7; Lc 6:43-49
Xem quả biết cây
Thánh Giáo Hoàng Cornelius là vị Giáo Hoàng thứ 21 kế vị Thánh Phêrô nối ngôi Đức Thánh Giáo Hoàng Fabian qua đời năm 250.
Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời ấy không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Thánh Cyprian, một người bạn của Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng “bởi quyết định của Thiên Chúa và của Ðức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí.”
Vấn đề lớn nhất trong thời gian hai năm làm giáo hoàng của Thánh Cornelius có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là việc tái gia nhập của các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời bị bách hại. Cả hai thái cực của vấn đề đều bị lên án. Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác nhận lập trường của ngài là người bội giáo chỉ có thể hoà giải bởi quyết định của vị giám mục.
Tuy nhiên, ở Rôma, Cornelius lại gặp một quan điểm đối nghịch khác. Sau khi bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự tấn phong cho mình là Giám Mục Rôma—giáo hoàng đối lập đầu tiên. Vị này cho rằng Giáo Hội không có quyền hòa giải chẳng những người bội giáo, mà cả những người phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay ngay cả tái hôn! Ðức Cornelius được sự hỗ trợ của hầu hết mọi người trong Giáo Hội (nhất là Ðức Cyprian ở Phi Châu) để lên án chủ thuyết của Novatian, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ. Vào năm 251, Ðức Cornelius triệu tập thượng hội đồng ở Rôma và ra lệnh những người “sa ngã” được hòa giải với Giáo Hội qua “bí tích hoà giải” thông thường.
Một tài liệu từ thời Ðức Cornelius cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba: 46 linh mục, bảy phó tế, bảy phó trợ tế. Số Kitô Hữu được ước lượng khoảng 50,000 người.
Thánh Cornelius tử đạo năm 253 vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia. Ngài được mai táng tại nghĩa trang Thánh Callitus ở Rome.
Ở đất Palestine, có hai loại cây vốn đã trở nên phổ biến và hết sức gần gũi với cuộc sống người Do thái, đó là cây nho và cây vả. Hai loại cây này gắn bó thân thiết với đời sống con người đến mức chúng được hình tượng hóa và chất chứa những ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Chắc chắn, khi nói đến cây vả, quả vả thì người Do thái nghĩ ngay đến niềm bình an, hạnh phúc và sự thịnh đạt. Nói cách khác cây vả, quả vả tượng trưng cho sự thịnh đạt và bình an cho cuộc sống con người. Còn cây nho và quả nho thì biểu trưng cho niềm vui trong cuộc sống của họ.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê su nhắc cho những người theo Ngài biết rằng chẳng bao giờ người ta có thể tìm được trái vả, trái nho nơi bụi gai cả. Người ta muốn có trái vả, trái nho ngon ngọt trong đời, thì phải chịu khó vun xới, chăm sóc cho cây vả, cây nho trong khu vườn nhà người ta. Nếu không chịu khó chăm sóc vườn nhà mình, thì chỉ có bụi gai mọc um tùm mà thôi. Mà ở bụi gai thì làm gì tìm được trái vả và trái nho!
Ý Chúa muốn nói rằng người ta chẳng có được hoa trái của niềm vui, bình an và hạnh phúc khi trong lòng người ta có những bụi gai của sự chua cay, gắt gỏng, đố kỵ, tị hiềm. Ngược lại, nếu người ta chấp nhận dọn dẹp khu vườn của tâm hồn mình và vun tưới, chăm sóc cho cây nho, cây vả của sự hy sinh, vị tha, quảng đại thì chắc chắn người ta sẽ gặt hái được trái nho của niềm vui hay trái vả của sự bình an, thịnh đạt.
Nhưng khổ nỗi, với con người tự nhiên của chúng ta, chúng ta không thích dọn dẹp những bụi gai của sự đố kỵ, tị hiềm mọc um tùm trong lòng mình! Cụ thể, khi ai đó có những lời nhận xét chân thành, nhưng hơi cứng rắn một chút về ta, hoặc ai đó có những lời nói hay hành động do vô ý mà đã vô tình làm ta cảm thấy bị tổn thương, hoặc thậm chí tự nhiên ta gặp một người mà ta chẳng có cảm tình gì cả, thế là ta tìm cách gièm pha, ta chẳng để người ta yên. Mà giả như ta không tìm cách “chơi” người ta, thì ta cũng tìm cách làm ngơ hoặc tránh né, xem họ như không hề tồn tại trong tâm trí mình. Tất cả những thái độ đó chỉ tổ làm cho bụi gai của sự tị hiềm, ganh ghét dần dần mọc lên và phát triển ùm tùm trong khu vườn của tâm hồn ta. Và Chúa bảo rằng chẳng có trái nho, trái vả của niềm vui, của bình an, hạnh phúc trong lòng ta được.
Đã có người từng nhận định rằng: “khoảng cách xa nhất không phait từ Trái Đất đến Sao Hỏa, mà là từ miệng đến tay, hay đúng hơn là từ lời nói đến hành động”. Quả đúng như vậy, dân gian có câu “Nói dễ hơn làm”, những lời nói “phóng đại”, khoe mẽ chưa bao giờ khó bằng việc đưa nó vào hành động thực tiễn.
Nếu chỉ đánh giá con người qua lời nói, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng bị “dắt mũi” bởi những dời dối trá hoa mĩ. Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều cô gái bị lừa gạt bởi những gã nhân tình “sở khanh”, “quất mã truy phong”; hay có rất nhiều người bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những nhân viên “bán hàng đa cấp”… Lỗi một phần là do họ nhẹ dạ cả tin, dễ tin tưởng vào những lời nói đường mật. Tuy nhiên, cũng có thể là do những người lừa gạt ấy có một khả năng thuyết phục tuyệt hảo, chúng ta có thể thấy nơi họ một sự lôi cuốn khó cưỡng, từ đó khiến ta dễ dàng nghe theo lời họ nói mà chẳng cần quan tâm liệu họ có khả năng thực hiện những việc đó hay không.
Có người đã từng nói rằng: “đừng nghe những gì ‘người ta’ nói, mà hãy nhìn những gì ‘họ’ đã làm”. Một khi đã nhận thấy được những hành động của họ khác xa với lời nói, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thẳng vào tâm can chứa đầy sự dối trá, lừa phỉnh của những kẻ lừa gạt ấy. Từ đó, chúng ta có thể nhận ra rằng, chính việc nói được mà không là được đã đẩy con người vào đường tội lỗi, dối gạt lẫn nhau; và đương nhiên, đối với những người hết lòng tin tưởng vào chúng ta, hành động đó thật đáng lên án vì nó có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Về cơ bản, những người thích nói hơn làm cũng tương tự những người có thói quen “phóng đại” (hay thường gọi là “nổ”). Mục đích của họ thường là tự đề cao bản thân hoặc “dắt mũi” những “linh hồn trong sáng”. Họ muốn người khác nhìn mình với đôi mắt kính trọng, nể phục nhưng khả năng của họ chưa đủ; họ muốn tạc một tượng đài kì vĩ trong lòng người khác nhưng chính bản thân họ không xứng đáng với điều đó; họ muốn dùng những lời nói hoa mĩ của mình để lôi kéo sự ủng hộ của người khác trong khi khả năng thực hiện điều đó không cao…Thế nhưng, dù là mục đích nào đi chăng nữa, ít nhiều họ cũng đã dối gạt tha nhân, đó vẫn là tội nói dối và tuyệt đối không nên cổ súy.
Chúa Giêsu đã chất vấn các môn đệ rằng: “Tại sao anh em gọi thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà anh em không làm điều thầy dạy?”. Ta có thể thấy rằng, nói được làm được là chuyện nhỏ, có một chuyện còn quan trọng hơn muôn phần, đó là phải biết lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm kim chỉ nam của cuộc đời mình. Người đề cao hành động thực tế hơn những lời sáo rỗng, Người muốn chúng ta phải thực thi thánh ý của Ngài. Có như vậy, chúng ta mới được ví như “Người xây nhà trên đá” những kẻ khôn ngoan biết thi hành Lời Người. “Xem quả thì biết cây”, nếu chúng ta sống như Người dạy, người khác sẽ đánh giá tốt những người mang danh Kitô hữu; và đương nhiên, một khi danh Chúa tràn ngập khắp cả địa cầu, nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn thành.
Xã hội chúng ta đang sống chứa đầy những lời xảo trá, bịp bợm, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ là những con cừu non tội nghiệp bị mắc bẫy của những lão sói già ranh ma, xảo quyệt. Mỗi người chúng ta phải biết tỉnh táo, cảnh giác trước những lời nói đường mật, vì “mật ngọt chết ruồi”. Chỉ có một Lời có thể đem lại cho chúng ta sự sống đời đời, đó là Lời của chính Thiên Chúa được mặc khải qua Chúa Giêsu. Những lời Người đã nói ra, Người đều thực hiện, vì Chúa là Đấng Chân Thật và chính Người là Sự thật. Chúng ta phải biết học tập nơi Người, hãy để Chúa trở thành một “siêu người mẫu” – người mà tất cả chúng ta phải noi theo. Chúng ta hãy sống sao cho phải phép, để mai này Chúa sẽ không chất vấn chúng ta như đã chất vấn các môn đệ của Người, vì người không biết không có tội, còn kẻ “tri pháp phạm pháp” sẽ phải chịu phạt nặng hơn.