Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô được đặt theo tên của vị thánh nào?
Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô được đặt theo tên của vị thánh nào?
Vương cung Thánh đường Latêranô có nhiều tên gọi, đề cập đến Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Gioan Tác giả Tin Mừng và thậm chí là cả Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế.
Một trong những ngày lễ khó hiểu nhất trong năm là ngày 9 tháng 11, ngày lễ Cung hiến Thánh đường Thánh Gioan Lateranô. Ngày lễ này nhằm tôn vinh dịp cung hiến nhà thờ chánh toà chính thức của Đức Giáo hoàng, nơi các Giáo hoàng thời kỳ đầu đã sống trong nhiều thế kỷ trước khi thành phố Vatican được thành lập.
Điều khó hiểu nhất về ngày lễ này là Vương cung Thánh đường Latêranô lại có nhiều tên gọi, mỗi tên gọi đều có một lịch sử riêng.
Vương cung Thánh đường Đấng Cứu Thế Cực Thánh
Thánh Giáo Hoàng Sylvester lần đầu tiên cung hiến nhà thờ này vào ngày 9 tháng 11 năm 324, với danh hiệu Vương cung thánh đường Đấng Cứu Thế Cực Thánh. Tên gọi này cũng được đề cập đến theo một số cách, bao gồm cả Vương cung thánh đường Đấng Thánh Cứu Thế (Basilica of Saint Savior), có nghĩa đơn giản là, “Đấng Cứu Thế Chí Thánh” (Holy Savior).
Vương cung Thánh đường trước hết là dành riêng cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta.
Vương cung Thánh đường Latêranô
Theo Bách khoa toàn thư Công giáo, “Địa điểm này, vào thời cổ đại, bị chiếm đóng bởi cung điện của gia đình Laterani… Cuối cùng, cung điện đã rơi vào tay của Constantine, vị hoàng đế Kitô giáo đầu tiên, thông qua vợ của hoàng đế là Fausta, và cũng từ người vợ này mà sau đó nơi này được đổi tên để đôi khi còn được gọi là ‘Domus Faustæ’ (Nhà của Fausta).”
Để công nhận chi tiết lịch sử này, tên gọi Latêranô tiếp tục được gắn kết với Vương cung Thánh đường cổ kính này.
Vương cung Thánh đường Thánh Gioan
Tên “Gioan” sau đó được thêm vào Vương cung Thánh đường này do một tu viện Dòng Bênêđictô của Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tác giả Tin Mừng được thành lập gần đó.
Người ta cũng cho rằng nơi dùng để cử hành Bí tích Rửa Tội (baptistery) liền kề với nhà thờ này đã được định danh nhằm để tôn vinh Thánh Gioan Tẩy Giả.
Những cái tên thường được kết hợp theo một kiểu viết tắt, dẫn đến khó hiểu như “Thánh Gioan Latêranô ” – hoàn toàn không phải là một vị thánh.
Trên hết, mặc dù Vương cung Thánh đường này có nhiều nguồn gốc lịch sử, nhưng nơi này vẫn là “nhà thờ mẹ của các nhà thờ”, và là nhà thờ chánh toà chính thức của Đức Giáo hoàng.
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên