VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ LA VANG SỰ GIAO THOA GIỮA MỚI VÀ CŨ CÁCH NHAU GẦN 100 NĂM
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ LA VANG
SỰ GIAO THOA GIỮA MỚI VÀ CŨ CÁCH NHAU GẦN 100 NĂM
Có lẽ do một sự tình cờ nào đó mà hầu như mình thường đến La Vang vào cuối buổi chiều – thời điểm kết thúc của một ngày làm việc, hay di chuyển từ đâu đó đến nơi này.
Mình đến La Vang lần đầu tiên vào năm mình năm tuổi. Khung cảnh xung quanh, cơ sở vật chất, đường sá có khác hơn trước nhiều, nhưng không khí ở nơi này thì vẫn như xưa. Cũng như các trung tâm hành hương khác của Công Giáo, nơi này cũng toát lên được sự trang nghiêm, sốt sắng và trật tự.
Đức Mẹ La Vang là một danh xưng mà giáo dân Công giáo Việt Nam nhắc đến việc Đức Mẹ Maria hiện ra trong thời kỳ đạo Công Giáo bị bắt bớ ở Việt Nam.
Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang nằm ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Nơi này cách thị xã Quảng Trị khoảng 5km, cách thành phố Huế khoảng 60 km về phía bắc.
Cuối thế kỷ 18, dưới thời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn (vua Cảnh Thịnh – Nguyễn Quang Toản là con của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ) có chiếu chỉ cấm đạo Công Giáo vào ngày 17 tháng 8 năm 1798, nên các tín hữu Kitô giáo phải tìm nơi trốn ẩn. Nhiều giáo dân ở vùng đồi Dinh Cát (đời chúa Nguyễn Hoàng vào nam thế kỷ XVI vùng này gọi là Dinh Cát tức Dinh xây trên một vùng đất cát có khi gọi là Cát Dinh) đã tìm sự ẩn náu tại khu vực rừng rậm La Vang.
Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau. Đức Mẹ đã hiện ra và bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân.
Mẹ ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Sự kiện này đã lan rộng và trở thành điểm hành hương quan trọng đối với Công giáo Việt Nam.
Thánh đường La Vang cũ mà hiện tại chỉ còn mỗi tháp chuông được xây dựng vào ngày 11 tháng 2 năm 1924 và khánh thành vào ngày 20 tháng 8 năm 1928. Ngôi thánh đường này mang phong cách Gothic theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier. Với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát rộng lớn và núi rừng bao quanh. Nhà thờ được Giáo hoàng Gioan XXIII tôn phong là Vương cung thánh đường qua Sắc chỉ Magnonos ngày 22 tháng 8 năm 1961. Trong chiến dịch Xuân – Hè 1972 (Mùa hè đỏ lửa), bom đạn đã làm sập đổ hoàn toàn Vương cung thánh đường, chỉ còn lại di tích tháp chuông loang lổ vết bom đạn.
Ngày 15 tháng 8 năm 2012, nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường mới đã được long trọng cử hành trước sự chứng kiến của trên 200.000 tín hữu từ khắp nơi tụ về. Ngôi thánh đường đang trong quá trình xây dựng, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông truyền thống Việt Nam được rất nhiều kiến trúc sư, kỹ sư, điêu khắc gia, Họa sĩ, … đóng góp trực tiếp trong việc thiết kế, thi công, giám sát, thí nghiệm vật liệu xây dựng, quản lý dự án,… Phần đông thành phần trực tiếp là người Công giáo.
Công trình Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích 13.464 m2. Chiều dài công trình 140m theo hướng Bắc-Nam, ngang 104m theo hướng Đông- Tây. Thỏa sức chứa 5.000 chỗ (3.500 chỗ tầng trệt và 1.500 chỗ tầng lửng, sức chứa có thể tăng thêm do sử dụng hành lang chung quanh hoặc lễ đài mặt tiền) để phục vụ các cuộc hành hương đông đảo người dự, những hội nghị quốc tế, những cuộc tiếp đón các vị Mục Tử quan trọng đến thăm viếng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và những đại lễ của Giáo Hội.
La Vang đã trở thành thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo Việt Nam, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương. Việc tôn vinh Đức Mẹ La Vang cũng đã trở thành một phần trong đời sống đức tin của cộng đồng tín hữu Kitô giáo tại Việt Nam.
Hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại La Vang sẽ tổ chức lễ hội hành hương Đức Mẹ La Vang, gọi là “Kiệu” (cứ 3 năm lại có một “Kiệu” lớn, gọi là “Đại hội La Vang”).