Về việc kết thúc bài giảng lễ bằng từ ‘Amen’
Về việc kết thúc bài giảng lễ bằng từ ‘Amen’
Có người bảo « được », có người bảo « không được ». Chúng tôi xin trích lại số 4 trong « Chỉ nam về bài giảng lễ » của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, năm 2014, như sau :
« Với tính cách là một thành phần của Phụng vụ, bài giảng lễ không chỉ là một hướng dẫn, mà còn là một hành vi thờ phượng. Khi đọc các bài giảng của các Giáo Phụ, chúng ta khám phá ra rằng nhiều vị đã kết thúc bài giảng của mình bằng một vinh tụng ca và từ : « Amen » : các ngài đã hiểu rằng mục đích của bài giảng không chỉ là thánh hóa dân Thiên Chúa, mà còn để tôn vinh Thiên Chúa. Bài giảng là một thánh thi tạ ơn vì những kỳ công của Thiên Chúa : nó loan báo cho các thành viên của của cộng đoàn rằng Lời Chúa được thành tựu trong việc họ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, và, hơn thế nữa, họ ca ngợi Thiên Chúa về sự thành tựu này.
Vì bản chất phụng vụ của nó, bài giảng lễ cũng có một ý nghĩa bí tích : Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn tụ họp để lắng nghe Lời của Ngài, và do đó cũng trong lời rao giảng của thừa tác viên, nhờ đó chính Chúa, Đấng từng nói trong hội đường Nadarét xưa, đang giáo huấn dân Ngài. Đó là điều mà Tông huấn Verbum Domini diễn tả : « Tính bí tích của Lời Chúa do đó được hiểu bằng cách loại suy với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu được thánh hiến. Khi đến gần bàn thờ và tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thực sự hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô. Việc rao giảng Lời Chúa trong buổi cử hành ngụ ý việc nhìn nhận rằng chính Chúa Kitô đang hiện diện và nói với chúng ta để được lắng nghe » (VD, số 56) ».
Trích dẫn này cho thấy, việc kết thúc bài giảng lễ là “được”, vì nó diễn tả hành vi thờ phượng. Và nếu không muốn kết thúc bài giảng bằng “Amen” thì cũng “được”, vì không có luật nào buộc như thế. Nhưng nếu nói kết thúc bài giảng lễ bằng “Amen” là không đúng, là sai, là không được…, thì lời khẳng định như thế không có cơ sở vững chắc.
Tý Linh
Nguồn: xuanbichvietnam.net