Về việc gieo vần cho lời ca trong thánh ca
VỀ VIỆC GIEO VẦN CHO LỜI CA TRONG THÁNH CA
Nhạc sĩ Phanxicô
– Bài viết này mong được làm một bước song hành với các bạn trẻ hoạt động thánh nhạc trên đường tìm kiếm những tiếng nhạc lời ca xứng hợp với phụng vụ thánh. Việc tìm kiếm này là cần thiết, là hưởng ứng lời Thánh vịnh 47,8 “Hãy ngợi khen Người bằng bài ca tuyệt mỹ” mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trích dẫn khi bàn về thánh nhạc, sau đó ngài nhấn mạnh thêm: “Cần phải khám phá và sống liên lỉ với vẻ đẹp của cầu nguyện và phụng vụ. Chúng ta phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa bằng kinh nguyện chứa đựng thần học chính xác và bằng thể thức vừa đẹp vừa long trọng” và khuyến cáo: “Cộng đoàn Kitô hữu phải tự vấn lương tâm để vẻ đẹp của âm nhạc và thánh nhạc trở lại với phụng vụ. Các Kitô hữu phải thanh lọc phụng vụ cho khỏi những phong cách sáng tác tầm thường, những hình thức biểu đạt vô vị, những lời ca nhạt loãng, không xứng đáng với việc phụng vụ được cử hành” (Diễn từ Buổi tiếp kiến chung ngày 26-2-2003; xin xem thêm Thư đề ngày 22-11-2003 nhân dịp mừng kỷ niệm bách chu niên Tự sắc Tra le sollecitudini).
Trong những năm gần đây, có nhiều tác giả trẻ đến với thánh ca phụng vụ và đóng góp nhiều bài hát mới với những giai điệu và lời ca mang hơi thở và tâm tư của thế hệ mới. Tuy nhiên, cũng thấy có những giá trị truyền thống bị lãng quên, trong đó có giá trị thi ca trong ca từ. Xin được cùng với các nhạc sĩ Công giáo trẻ tìm về một trong những yếu tố quan trọng của thi ca là việc gieo vần thơ. Đây là một việc khó hơn cả việc làm thơ, bởi lẽ nhạc sĩ phải làm thơ để ca từ thích hợp với giai điệu âm nhạc, nhưng chúng ta sẽ ôn lại quá khứ để học xem các nhạc sĩ tiền bối đã thực hiện tốt đẹp việc gieo vần cho lời ca trong thánh ca như thế nào.
1. Việc gieo vần làm cho lời ca đẹp hơn
Lời ca trong ca khúc thánh ca, giống như lời thơ ở các bài thơ, luôn được ngắt thành nhiều câu, nhiều chi câu, và thường được gieo vần ở cuối, có khi ở giữa, các câu hoặc các chi câu. Việc gieo vần:
– Làm cho lời ca hoặc lời thơ mang tính nghệ thuật văn chương;
– Làm cho các câu hát hoặc các câu thơ liên kết chặt chẽ với nhau;
– Làm cho bài thơ hoặc bài hát dễ nhớ, dễ thuộc hơn.
Trong âm nhạc nói chung, các yếu tố (giai điệu, tiết tấu, hòa âm) là các công cụ để vẽ ra bức tranh. Riêng trong ca khúc, có thêm một công cụ “làm đẹp” nữa, đó là lời ca. Câu hát, tức câu nhạc có lời ca, luôn được hình thành nhờ giai điệu, tiết tấu và hòa âm, nhưng người nghe vẫn chờ đợi cái kết của nó là vần thơ. Khi diễn tiến, câu hát tạo ra một sức căng (tension) chuyển dần đến cái kết giải tỏa. Và rồi, ta nghe thấy câu hát dừng lại ở một từ được gieo vần, và ta reo lên trong lòng: “A, nó đến rồi đó, ý tưởng đi đến âm thanh kết thúc như thế và vần thơ đem lại sự giải tỏa kết thúc như thế thật là đẹp”.
Một tình yêu bao la
Tháng năm lần bước qua
Khúc ca thân ái còn trầm hòa (Kim Long)
Thờ lạy tin yêu Chúa từ nhân
vì quá yêu con lưu lạc thế trần
đã hy sinh nên Bánh Trường Sinh
giúp con đủ sức về thiên đình (Thiện Cẩm)
Silent night, holy night
All is calm, all is bright
Roundyon Virgin, mother and child
Holy infant, so tender and mild (Franz Gruber – Lời: Bettina Klein)
Hiến chế về Phụng vụ, số 112, dạy về sự biểu cảm của thánh nhạc: “Thánh nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng”. Vì thế, bài hát thánh ca không phải là bản văn khô khan được dệt nhạc, nhưng là bài hát diễn tả các chân lý đức tin trong thần khí (x. Ga 4,23) và bằng cảm xúc. Thánh Augustinô đã tâm sự: “Khi nghe thánh ca, tôi đã khóc vì tiếng hát ngọt ngào của Giáo Hội khiến lòng tôi xúc động thẳm sâu. Âm nhạc tràn vào tim tôi, chân lý thấm vào tim tôi, cảm xúc hòa cùng lòng sốt sắng trong tôi trào dâng, và nước mắt tôi tuôn rơi trong niềm hạnh phúc” (Tự thuật, Chương IX; x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, 1157).
Hiến chế về Phụng vụ cũng nhấn mạnh đến “sự đồng thanh nhất trí”, tức đề cao “việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn thể dân Chúa” (số 14). Chăm chút đến tính thẩm mỹ của lời ca trong bài thánh ca, trong đó có việc gieo vần thơ, là một trong những nỗ lực dùng âm nhạc nâng cao tâm tình cầu nguyện và khuyến khích cộng đoàn tham dự trọn vẹn và tích cực vào phụng vụ.
2. Có khi, người viết lời ca cố ý không gieo vần
2.1. Chưa thấy ai nói đến việc cố ý không gieo vần cho lời ca để tạo hiệu quả đặc biệt, bởi lẽ sẽ không tạo ra được hiệu quả đặc biệt nào, có chăng là hiệu quả ngược, để lại ấn tượng là lời ca thiếu chất thơ hoặc tác giả thiếu chăm chút khi viết lời ca.
2.2. Thông thường, nhạc sĩ cố ý không gieo vần ở những chỗ trong bài hát mà việc gieo vần cản trở việc diễn đạt ý tưởng của lời ca (xin xem mục 7.1).
Nhạc sĩ cũng có thể chọn không gieo vần khi dệt nhạc cho những trích dẫn từ Kinh Thánh hoặc từ bản văn phụng vụ hay từ bản văn nổi tiếng, và muốn giữ nguyên văn những trích dẫn ấy để bảo đảm điều quan trọng là diễn đạt trung thành các ý tưởng được trích dẫn.
Ví dụ, câu Ga 13,34 được dệt nhạc nguyên văn, không gieo vần:
Chúa phán rằng: “Ta cho các con một điều răn mới
là yêu thương nhau, như chính Ta đã yêu các con. (Hoàng Kim)
Nhưng với câu Mt 11,28: “Tất cả những ai đang vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”, tác giả dệt nhạc muốn gieo vần, nên chỉ dựa theo ý của câu Kinh Thánh chứ không dùng nguyên văn bản văn.
Hãy đến với Ta, hỡi ai nặng gánh u sầu,
ai lần bước trong đêm thâu,
ai từng phút giây lo âu
tìm về đâu (Kim Long)
Thật vui nếu câu Kinh Thánh đã có sẵn vần thơ hoặc dễ gieo vần:
Chúa chăn nuôi tôi,
tôi chẳng thiếu thốn chi,
trên đồng cỏ xanh rì
Người thả tôi nằm nghỉ. (Tv 22, 1)
Bên bờ sông Ba-by-lon,
ta ngồi khóc nhớ Si-on (Tv 137,1)
Ai đi trong chính lộ,
ta chỉ cho biết ơn cứu độ của Chúa. (Tv 50,23)
Người ta cứ dấu này
mà nhận biết các con là môn đệ Thầy.
Là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 35) – (Kim Long)
Nhưng lòng từ bi Chúa tồn tại đến muôn đời,
đối với những kẻ kính sợ Người; (Tv 102, 17) – (Mỹ Sơn)
2.3. Có ý kiến cho rằng nên viết lời ca tự do, không vần, để trí sáng tạo thơ không bị hạn chế vì việc tìm chữ gieo vần. Nhưng cũng có ý kiến khác rằng chính việc không tìm chữ gieo vần là một hạn chế lớn, ngăn trở đường đến với lời ca đẹp.
3. Có khi, việc gieo vần được thay thế bằng yếu tố liên kết khác
3.1. Như đã nói trên, việc gieo vần nhằm liên kết các câu thơ. Tuy nhiên, ngoài vần thơ ra, còn có những yếu tố khác có thể đảm nhiệm việc liên kết này thay cho vần thơ tuy hiệu quả không bằng vần thơ.
Xin chỉ cho con
đường đi của Chúa.
Xin dạy bảo con
nước bước của Ngài. (Hùng Lân)
Các câu thơ liên kết chặt chẽ với nhau nhờ sự liên kết có sẵn trong thành ngữ “đường đi, nước bước”.
Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông,
đẹp như mặt trăng,
rực rỡ như mặt trời,
uy hùng như đạo binh sắp hàng vào trận. (Dc 6,10) – (Hoàng Diệp)
Yếu tố liên kết là sự lặp đi lặp lại các so sánh. Lại có thêm sức liên kết ở cặp tiểu đối “như mặt trăng, như mặt trời”.
Sự lặp đi lặp lại và tiểu đối cũng tạo được sự liên kết trong đoạn thơ này:
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
đem an hòa vào nơi tranh chấp,
đem chân lý vào chốn lỗi lầm (Kim Long)
3.2. Còn một cách thức khác để liên kết hai câu thơ không gieo vần, đó là sử dụng các liên từ kép như: tuy /mặc dù / dẫu… nhưng, hay nếu. thì, hoặc không những. mà còn, trong khi. thì.
Hồng ân Chúa bao la tuôn đổ xuống chan hòa.
Tuy tay con nhỏ bé
(nhưng) bao nhiêu cũng không vừa (Thiện Cẩm)
Nếu Chúa là mặt trời, (thì) con mong làm trái đất.
Nếu Chúa là trái đất, (thì) con muốn làm vầng trăng.
Làm vầng trăng xoay quanh trái đất,
Làm trái đất xoay quanh mặt trời (Kim Long)
4. Có khi, việc gieo vần rất cần thiết
4.1. Người nghe rất muốn nghe lời ca có gieo vần thơ khi phần nhạc dùng kỹ thuật lặp lại (tức ý nhạc sau lặp lại nguyên vẹn ý nhạc trước) và kỹ thuật phỏng tạo (tức ý nhạc sau sau mô phỏng ý nhạc trước).
4.2. Nếu chọn đặt lời ca theo thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát, cần phải giữ đúng luật gieo vần của các thể thơ này.
Thương con thuở rất xa vời (là vời)
Từ khi chưa có (í a) mặt trời (mặt trời trăng) mặt trăng. (Hùng Lân)
Kìa ai dong duổi đường gió bụi.
Gánh sầu thương mệt mỏi hai vai.
Về đây nấp bóng Sao Mai.
Về đây quên lãng những ngày truân chuyên. (Vinh Hạnh)
Chỉ xin đọng giọt yêu thương
Chỉ xin tiếng hát làm đường Chúa đi (Viết Chung)
Chúa ôi, tình Chúa bao la
Cho con no thỏa hương hoa thiên đàng (Hải Triều – Hải Linh)
Trong bài hát sau đây, ở phần mở đầu phiên khúc 2 có lời thơ lục bát rất đúng luật thơ:
Đời con ước nguyện từ đây
Đem lòng bác ái dựng xây tình người (Lan Thanh)
Rất tiếc là đầu phiên khúc 1 có lạc vận (“con” không vần với “sao”):
Giờ đây Chúa ngự trong con
Ôi niềm vui sướng làm sao giãi bày
5. Lời thơ và lời ca có những khác biệt, trong đó có khác biệt về việc gieo vần
Chỉ xin nói đến những khác biệt về việc gieo vần.
5.1. Lời thơ để đọc, còn lời ca để hát lên. Lời thơ bày ra trước mắt như một bức tranh, và ánh mắt có thể nhìn toàn thể bài thơ (ngoại trừ những bài thơ quá dài). Lời ca thì vang lên cho tai nghe lần lượt từng câu theo chuyển động của thời gian, vì thế hai câu lời ca có vần với nhau nhưng cách xa nhau sẽ không đem lại hiệu quả.
Chúa là hạnh phúc, Chúa là mùa xuân
Chúa cho con nụ cười tươi thắm
Chúa cho con muôn hoa thơm ngát
Con biết lấy gì đền đáp hồng ân
Xin xem thêm về cấu trúc ABBA ở mục 9.5.
5.2. Lời thơ để đọc, thường để đọc thầm, còn lời ca vang lên có sự hỗ trợ của phần nhạc (giai điệu), và nhiều khi có thêm phần nhạc đệm (nhạc cụ). Vì thế, vần trong lời ca có tính biểu cảm nhiều hơn vần trong lời thơ.
Dù qua thung lũng mù sương
Tôi luôn vui sướng tựa nương bên Người. (Kim Long)
Hình ảnh “mù sương” được giai điệu hỗ trợ khắc họa hiệu quả bằng những quãng nhạc nửa cung mềm mại mà thi ca thuần túy không có được:
5.3. Vần thơ để đọc, nên không có khó khăn gì khi đọc, dù đọc vần mở hay vần đóng. Nhưng vần của lời ca thường được hát ngân dài, vì thế, khi có thể, nhạc sĩ chọn ưu tiên cho vần mở (không có phụ âm cuối), tránh vần đóng (tức có phụ âm cuối), để dễ hát hơn.
Trong ánh sáng của Chúa yêu thương
Con an tâm vững bước trên đường
Có thể đảo lại như sau để dễ hát hơn:
Trong ánh sáng của Chúa thương yêu
Con an tâm vững bước sớm chiều
Ca đoàn khéo hoặc ca sĩ giỏi có thể ca diễn mọi âm, mọi tiếng, nhưng sẽ tốt đẹp hơn nếu lời ca tạo cho họ sự dễ dàng bằng vần mở.
6. Việc tìm chữ gieo vần có thể giúp gợi ra ý tưởng cho lời ca
6.1. Đôi khi, một chữ tìm được để gieo vần cũng giúp nhạc sĩ có ý tưởng mới để viết lời ca hoặc để thay đổi phần giai điệu cho tốt đẹp hơn.
Trong sách “Mấy kinh nghiệm để viết thánh ca”, Cha Kim Long chia sẻ: “Theo kinh nghiệm, nhiều khi việc tìm một chữ để gieo vần giúp ý tưởng nảy sinh dễ dàng… Khi viết câu: Nhìn hương trầm bay trong ánh nến, tôi nghĩ tới hai chữ “sốt mến” và viết tiếp: Lòng nghe rộn lên bao sốt mến”.
6.2. Khi gặp chỗ có khó khăn về gieo vần, nhạc sĩ có thể thay đổi vài nốt nhạc hoặc thay đổi ít nhiều về lời ca đã viết; phần nhạc và lời mới có thể sẽ giúp gợi ý tìm vần dễ dàng hơn.
7. Ngược lại, việc cố sức gieo vần có thể gây hại cho lời ca
7.1. Đôi khi, vì tìm được cặp vần ưng ý nào đó, người viết thay đổi ý tưởng ban đầu bằng ý tưởng mới, kém hơn. Trong khi đó, còn hai hướng chọn lựa khác: một là, đi tìm cặp vần khác để giữ được ý tưởng hay đã có; hai là, không gieo vần để giữ lại ý tưởng ấy (xin xem mục 2.2). Thà rằng không gieo vần cho hai câu nào đó để trình bày rõ ý tưởng hơn là cố gieo vần để rồi có lời ca mơ hồ hoặc khập khiễng.
7.2. Trong khi người làm thơ được tự do với ngòi bút thì người viết lời ca phải cho lời ca song hành và phù hợp với phần nhạc, và sự phù hợp này nằm ở nhiều phương diện: chuyển động về cao độ, tiết tấu, hợp âm, hòa âm… Riêng với thánh ca, còn có thêm các phương diện: tín lý, phụng vụ, mục vụ. Các dấu giọng của tiếng Việt cũng là một yếu tố quan trọng chi phối lời ca. Vì thế, lắm khi, vì phải phụ thuộc vào giai điệu nên nhạc sĩ gieo vần khiên cưỡng, còn gọi là ép vần, khiến lời ca trở nên bất hợp lý, có khi đến nỗi sai tín lý.
Mỗi ngày Chúa cho con nhiều thêm
Mỗi ngày tháng năm thêm đềm êm
Việc ép vần tạo ra từ “đềm êm”, không có trong tiếng Việt.
Thánh Giuse phụng sự Thiên Chúa trọn tình
Giữ gìn và nuôi dưỡng Chúa Con hết mình
Việc ép vần dẫn đến từ “hết mình” vốn là khẩu ngữ, không thích hợp với lời thơ và lời ca.
Thánh Gioan là người đầu tiên
bên bờ sông giới thiệu Chúa Chiên
Việc ép vần dẫn đến sự nhầm lẫn giữa Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) và Chúa Chiên (Dominus Pastor).
Xin dẫn đưa tới thiên đàng
là nơi chúng con mơ màng
Việc ép vần dẫn đến sự nhầm lẫn giữa “mơ màng” và “ước mơ” / “ước mong” / “ngóng trông” và, vì thế, mô tả sai tín lý về thiên đàng.
7.3. Vần trùng (còn gọi là điệp vận, tức hai chữ để gieo vần lại giống hệt nhau cả về âm và về nghĩa) cũng có thể là một dạng ép vần, nghe không hay lắm.
Ôi Cha yêu con, yêu con thật hết tình
Này Mình Máu Thánh nuôi hồn con thêm thắm tình (Thu Lâm)
Nhưng lặp lại một chữ nào đó với ý nhấn mạnh lại có hiệu quả tốt đẹp.
Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa,
đến muôn đời con ngợi khen Danh Chúa,
muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa,
và mãi mãi con nhớ công ơn Người. (Đàm Ninh Hoa)
Hãy trông lại chỉ một giây thôi,
hãy ban lời chỉ một câu thôi (Hùng Lân)
8. Các loại vần trong lời ca
8.1. Về thanh điệu
- Vần bằng
Là vần giữa các tiếng (chữ / âm tiết) không dấu hoặc có dấu huyền, như ba với la, mơ với chờ, nhìn với tin, hà với nhà, thềm với êm.
Năm xưa trên cây sồi,
làng Fatima xa xôi (Lê Huy)
Lạy Mẹ, xin yên ủi chúng con luôn luôn,
Mẹ từ bi, xin phá những nỗi u buồn (Nguyễn Khắc Xuyên)
- Vần trắc
Là vần giữa các tiếng mang dấu sắc, hỏi, ngã, nặng, như lá với lạ, lá với má, lá với mạ, tội với vội, tội với lơi, biết với biệt, biết với thiết, ngã với đã, ngã với trả.
Chúa ngự trong Phép Thánh,
yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh (Hoài Chiên)
Bà là ai, như hào quang Thiên Chúa,
như mùa xuân không úa (Hoàng Diệp)
Trần gian là nơi khổ hải,
Hồn con tựa thuyền không lái (Thăng Ca)
Mẹ ơi, thế trần là nơi gian khổ,
Biển đời con gặp bao cơn giông tố (Triệu Hà)
Xin hướng dẫn con trong chân lý
xin dạy bảo con những điều cao quý (Hùng Lân)
- Vần bằng – trắc
Là vần giữa tiếng bằng với tiếng trắc hoặc tiếng trắc nới tiếng bằng, như kinh với kính, kinh với chính, thánh với thành, thánh với nhành.
Ngày xưa trên đồi Gôn-gô-ta
Mẹ đứng gần bên Thánh Giá (Huyền Linh)
Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la
Xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên (Vũ Đình Trác, Hải Linh)
Như vì sao mai rạng
như chính cửa thiên đàng (Hoàng Diệp)
Con dâng về Mẹ, một niềm tin yêu bao la,
một lòng cậy trông vàng đá (Kim Long)
Thương con tự ngàn xưa
một tình yêu chan chứa (Oanh Sông Lam)
8.2. Về âm
- Vần chính
Là vần giữa những tiếng cùng một khuôn âm như la với ca, vơi với ngời, vững với những, khát với mát, ngã với trả, sợ với đỡ, xiết với biệt, riêng với nghiêng.
Cất tiếng hòa ca
Kính mừng Ma-ri-a (Ngô Duy Linh)
Ngày xưa Thánh Giá là đền hy sinh,
Máu Chúa chan hòa ghi dấu ân tình (Hải Ánh)
Xin tiến dâng Cha trọn vẹn xác hồn,
nên như của lễ thay cho trần thế,
ca tụng yêu mến Người. (Kim Long)
Xin xem thêm các ví dụ ở mục 8.1 a) và b).
- Vần thông
Là vần giữa những tiếng có khuôn âm mang máng giống nhau, như -inh với -anh, -ăm với -âm, -ai với -ươi, -ươi với -oi, -ôi với -ươi, -ao với -au trong các ví dụ dưới đây.
Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen (Ca dao)
Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.
Tan sương đã thấy bóng người,
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ. (Nguyễn Du)
Dâng ngành Mân côi,
muôn màu hoa thắm tươi (Hải Linh)
Bà là ai, tay bồng Vua thơ bé,
tay tràn ơn cứu thế. (Hoàng Diệp)
Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên,
Chúng tôi vui mừng sung sướng triền miên. (Hùng Lân)
Trong đêm u tối, chúng con mong ngày mau tới
như nai đang khát ước mong mau tìm thấy suối (Duy Tân)
Xin cho con quên đi bao nhiêu gian truân ngày buồn đưa tới.
Xin cho con luôn luôn yêu thương bao dung người đời gian dối. (Thành Tâm)
Đêm nay Noel về
Hồn ơi, lắng tai nghe (Xuân Ly Băng)
Chiều hôm nao, tiếng hát bay cao
quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao (Thành Tâm)
Xin dâng lên của lễ đầu mùa
hoa thơm trái chín mong chờ bấy nay (Viết Chung)
8.3. Về vị trí
- Vần chân
Là vần (thông dụng nhất), được gieo giữa tiếng cuối của câu này với tiếng cuối của câu kia.
Đôi môi như hoa cười
Mẹ Ma-ri-a vui tươi (Lê Huy)
Lạy Chúa Giê-su vô cùng lân tuất,
vì công Chúa xưa đã lập trên đất (Hùng Lân)
- Vần lưng
Là vần (rất độc đáo trong thi ca Việt Nam) giữa tiếng ở cuối câu trước với tiếng ở giữa câu sau; thường cả hai tiếng đều là vần bằng hoặc đều là vần trắc.
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ngồi xệp xuống đây (Đồng dao)
Trên trời mây trắng như bông
Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây (Ca dao)
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quyện nhau đi (Ca dao)
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra (Ca dao)
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu (Đoàn Thị Điểm)
Đa tình là nợ
Đã mắc vào đố gỡ cho ra (Nguyễn Công Trứ)
Tình thổi gió, mầu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa (Xuân Diệu)
Kìa ai thiếu vỗ về người mẹ
Tháng ngày trôi lặng lẽ cô liêu (Vinh Hạnh)
Qua bao nhiêu dòng đời dưới thế
Qua bao nhiêu thế hệ dương gian (Nguyễn Khắc Tuần)
Mẹ nỉ non bao lần
Tôi gian trần để phiền cho trái tim Mẹ (Nguyễn Khắc Tuần)
Thánh Tâm Chúa Giêsu tràn lan niềm thương xót
Xin thương những người đã trót vô tình vấp phạm đến Chúa nhân từ (Huyền Linh)
Ôi lạy cha nuôi Chúa Cứu Thế,
Lạy quan thầy thần thế trên trời (Thăng Ca)
Từ bình minh con kêu lên Chúa
Và ban đêm con hướng đến Ngài
Khi hồn con u hoài thất vọng
Chúa nên nguồn an vui tuyệt đối (Nguyên Kha)
Cũng có khi vần được gieo cho tiếng ở giữa câu trước với tiếng ở giữa câu sau.
Dạt dào trên sóng con luôn vững tâm cậy trông
Đời con đang sổng xin cho hồn con trắng trong (Minh Đệ)
Bàn thạch Phê-rô trường tồn thay
Đồng trụ Phao-lô trường tồn thay (Hùng Lân, Hùng Thái Hoan)
Khi mưa nắng gian lao miệt mài
Khi thức trắng qua bao đêm dài
Hai câu này có thể không liền nhau:
Quỳ bên cung thánh, đoàn con thiết tha kêu cầu Chúa
Lời kinh thắm lệ nguyện xin Chúa thứ tha tội nhơ
Vượt qua năm tháng, tình yêu Chúa kiên trung bền vững
Ngàn muôn thế hệ cùng chung tiếng hát ca tôn thờ (Kim Long)
Vần lưng rất hữu ích vì có thể thay thế vần chân và làm cho hai câu thơ kết rất chặt với nhau. Trong ví dụ dưới đây, tác giả đã chọn để chữ “trời” vần với chữ thứ hai (“đời”) thay vì với chữ cuối của câu sau:
Đây bài ca vang hòa đất trời
ngàn đời tiến dâng (Kim Long)
- Vần trong
Là vần bằng hoặc vần trắc trong nội bộ một câu.
Người hỡi hãy kíp bước tới,
đến xem nơi hang Be-lem (Hải Linh – Minh Châu)
Thánh Giu-se, (nguyện xin) đoái thương nghe (Trần Hùng Dũng)
Để những lúc chiến đấu trời xa dãi dầu,
lòng Mẹ luôn dâng cao, sưởi ấm nỗi thương đau (Huyền Linh)
Trong bóng đêm thanh, tinh tú long lanh, mây gió đưa nhanh muôn khúc tân ca mau vang hòa (Kim Long)
Từ bây giờ cho đến ngàn thu, con hát ca và tán dương
tình Chúa thương như đại dương bao la (Oanh Sông Lam)
Vần trong rất hữu ích vì có thể thay thế vần chân. Trong ví dụ dưới đây, tác giả muốn chữ cuối của câu đi sau bắt vần với chữ cuối của câu đi trước (“bình”), nhưng nếu không tìm được chữ thích hợp thì có thể gieo vần trong nội bộ câu đi sau:
Muôn dân muôn nơi mong được nhịp sống thanh bình,
nguyện khắp gần xa đời mãi nở hoa an vui
9. Một số cấu trúc vần cho lời ca
Trong âm nhạc, sự sáng tạo đi tới thiên hình vạn trạng không có mẫu số chung hay khuôn khổ chung cho các câu nhạc. Vậy, chỉ xin giới thiệu một số cấu trúc vần thông dụng cho các câu có gieo vần được sắp đặt cân phương trong lời ca của những bài thánh ca Việt Nam quen thuộc.
9.1. AAAA (bốn câu, tất cả gieo một vần):
A: Muôn dân xum họp đây
A: nơi thánh điện hương ngát bay
A: Vạn lòng cùng vui say
A: ơn Chúa tràn ứ trong chốn này (Kim Long)
9.2. AABA (bốn câu, có ba câu gieo một vần như thể thơ tứ tuyệt):
A: Trước khi chịu khổ hình
A: Chúa lập lễ hy sinh
B: Cầm tay bánh và rượu
A: Âu yếm nhủ nhân sinh (Đỗ Xuân Quế – Tiến Dũng)
A: Giờ đây hạnh phúc độc nhất đời con
A: Êm đềm Chúa nhìn hạnh phúc nào hơn
B: Lòng con ngây ngất tin Chúa yêu Chúa
A: Trong tình Chúa yêu, con phó dâng tâm hồn (Tâm Bảo)
9.3. AABB (bốn câu, từng cặp lần lượt gieo vần):
A: Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn
A: Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn
B: vì đời con gieo rắc những nỗi đau thương
B: và tràn lan gai góc vướng trên con đường (Nguyễn Khắc Xuyên)
9.4. ABAB (bốn câu, từng cặp xen kẽ gieo vần):
A: Như cây trồng bên bờ suối
B: đúng mùa sinh trái đơm hoa
A: lo chi mùa đi mùa tới
B: suốt năm cành lá la đà (Hùng Lân)
A: Kìa trông huy hoàng vì sao
B: Chiếu soi gần xa khắp miền
A: Nào hỡi mục đồng dậy mau
B: Chớ lo chi, hãy bằng yên (Hoài Đức – Vĩnh Phước)
9.5. ABBA (bốn câu, từng cặp gieo vần, cặp AA ở đầu và cuối, ôm lấy cặp BB ở giữa):
A: Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình.
B: Con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối.
B: Xin giúp con đường thiêng liêng theo lối.
A: Quyết từ nay thờ Chúa hết tâm tình (Hoài Đức)
A: Nhưng lòng Chúa quá bao la,
B: dù cho bao phen con yếu đuối,
B: thành tâm xin ăn năn thống hối
A: là Ngài lại thứ tha (Kim Long)
Thi pháp Tây phương gọi đây là “vần bao” (enclosed rhyme / envelope rhyme), hoặc gọi vui là “vần bánh mì kẹp thịt” (“sandwich” rhyme).
A: There is a young cowboy, he lives on the range
B: His horse and his cattle are his only companions
B: He works in the saddle and he sleeps in the canyons
A: Waiting for summer his pastures to change (James Taylor)
9.6. ABAC (bốn câu, câu thứ nhất vần với câu thứ ba):
A: Lạy Mẹ Maria. Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh
B: Đoàn con chung tiếng hát chung tấm lòng dâng đời sống.
A: Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh,
C: Mẹ chính là Nữ Vương là trạng sư, là Mẹ con (Hoài Đức)
9.7. BACA (bốn câu, câu thứ hai vần với câu thứ tư):
B: Theo tiếng thiên thần xưa kính chào
A: Chúng con tha thiết mừng khen
C: Âu yếm trông Mẹ nhân ái
A: Mẹ hỡi, lắng nghe lời con hèn (Hoàng Diệp)
9.8. BCAA (bốn câu, câu thứ ba vần với câu thứ tư):
B: Dâng lên Chúa bánh miến và rượu nho khiết tinh
C: góp về từ muôn cánh đồng dân Chúa
A: Dâng lên Chúa lễ thánh là Con Cha chí nhân
A: như khi xưa Người dâng hiến cho nhân trần (Duy Thiên)
9.9. AAAB (bốn câu, câu cuối không gieo vần):
A: Ớ linh hồn xấu xa phạm tội nhiều
A: Chúa khoan dung chờ đợi mến yêu
A: Hãy thật lòng ăn năn chừa chớ liều
B: Gục đầu yên tựa bên lòng Chúa (Tâm Bảo)
9.10. ABAA (bốn câu, câu thứ hai không gieo vần):
A: Có Chúa là Đấng chăn dắt tôi,
B: tôi sẽ không còn sợ thiếu thốn chi
A: Có Chúa, Người dẫn tôi nghỉ ngơi
A: êm ái trong nơi đồng cỏ xanh tươi (Hoài Chiên)
Bên ngoài lãnh vực thánh ca có bài thơ nổi tiếng đã dùng cấu trúc vần ABAA hiếm gặp:
A: Lên xe tiễn em đi
B: Chưa bao giờ buồn thế
A: Trời mùa đông Paris
A: Suốt đời làm chia ly (Cung Trầm Tưởng)
9.11. AAA (3 câu vần với nhau):
A: Đây đời con buồn vui luôn nhớ ơn,
A: Vì thương, giờ đây Ngài ban cho chúng con,
A: Người Con Ngài yêu, bánh nuôi hồn (Thành Tâm)
9.12. AAB (3 câu, câu thứ nhất vần với câu thứ hai):
A: Mẹ đứng dưới chân thánh giá ngắm Con,
A: xác thân quý yêu nay đã hao mòn,
B: đang còn treo ở trên Thập Tự (Nguyên Hữu)
9.13. BAA (3 câu, câu thứ hai vần với câu thứ ba):
B: Nếm thử mà xem,
A: mà xem Chúa ngọt ngào,
A: ngọt ngào xiết bao (Cát Minh)
9.14. AA (2 câu, có gieo vần):
A: Ngàn lời ca vang mừng Chúa uy linh
A: Ngàn lời ca vang một khúc ca thanh bình (Nguyễn Văn Hòa – Tiến Dũng)
A: Dâng lên trước thiên tòa này bánh thơm với rượu ngon
A: Dâng lên trót tâm hồn và trót thân xác của con (Phạm Liên Hùng)
A: Hỡi triều thần từ trời cao xanh
A: Xin hòa ca theo lời chư thánh (Kim Long)
A: Đàn hát lên hỡi các dân ơi
A: Hát ca mừng Chúa ta một bài ca mới (Thiện Cẩm)
9.15. Với điệp khúc hoặc phiên khúc chỉ có hai câu:
- Nếu không thể gieo vần hoặc không muốn gieo vần, nên để hai câu có tiếng cuối khác nhau về bằng – trắc.
+ bằng trước, trắc sau:
Ai sẽ cho con đôi cánh chim bằng
Để con bay thẳng lên cùng Thiên Chúa (Kim Long)
+ trắc trước, bằng sau:
Tình yêu Chúa ôi cao vời vĩ đại
Con lấy gì báo đáp lại cho cân (Phạm Liên Hùng)
- Có thể gieo vần bằng một trong những cách sau:
+ bằng – bằng:
Con dâng lên Ngài niềm cảm mến vô biên
Con dâng lên Ngài ôi trái tim dịu hiền (Dao Kim – Trầm Hương)
+ trắc – trắc:
Với tâm tình kính tin, yêu mến
Con xin thưa: này con xin đến
+ bằng – trắc hoặc trắc – bằng:
Hỡi vạn vật từ ngàn sơn khê,
xin hòa ca theo lời nhân thế (Kim Long)
Xin xem mục 8.1.c.
- Có thể câu sau nhắc lại nguyên vẹn câu trước:
Ôi cao siêu, Chúa là lễ vật toàn thiêu
Ôi cao siêu, Chúa là lễ vật toàn thiêu (Gioan Minh)
Dân ta ơi tiến về Nhà Chúa
Dân ta ơi tiến về Nhà Chúa (Gioan Minh)
Lạy Chúa, con tìm Nhan Thánh Chúa
Lạy Chúa, con tìm Nhan Thánh Chúa (Cát Minh)
9.16. Ngoài cấu trúc gồm những câu đều nhau và cân phương, các nhạc sĩ còn tìm kiếm nhiều cách phong phú để thể hiện sự cân đối, có thể có gieo vần hoặc không gieo vần.
+ Câu giữa chia đôi, cân đối và có gieo vần. Hai câu hai bên đối xứng:
Chúa ở với tôi,
triều ánh sáng hy vọng /gieo sổng vui trong lòng
Chúa ở với tôi (Thiện Cẩm)
Chúa là tình yêu
cao vời trên ngàn mây xanh / ấm lòng cho người lữ hành, Chúa là tình yêu (Oanh Sông Lam)
+ Câu giữa biệt lập, làm nhịp cầu cho hai câu hai bên đối xứng:
Từ hừng sáng tôi đã khẩn cầu,
lạy Chúa Trời tôi, Thiên Chúa tôi,
này thần trí tôi những khao khát Người (Kim Long)
Chúa là hạnh phúc của con,
Chúa ơi,
Chúa là hoan lạc đời con (Thiện Cẩm)
+ Câu thứ nhất để khởi. Hai câu giữa cân đối với nhau. Câu cuối để kết:
Mẹ ơi,
đời con dõi bước theo Mẹ,
lòng con quyết noi gương Mẹ,
xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng (Mi Trầm)
10. Vần thơ trong lời ca của bài hát mang âm hưởng dân ca
10.1. Vần thơ luôn có mặt trong các bài dân ca Việt Nam.
Trèo lên quán Dốc,
ngồi gốc (ôi a) cây đa (Trèo lên quán Dốc)
Một mảnh trăng treo suốt canh thâu
Em ơi trăng đã ngả ngang đầu
Thương nhớ ai chim ơi cho nhắn một đôi lời
Người đi xa có nhớ là nhớ ai ngồi
Trông cánh chim trời sao chẳng thấy đâu (Bèo dạt mây trôi)
Vì thế, không thể không gieo vần trong lời ca của bài thánh ca mang âm hưởng dân ca.
Cánh tay con này vươn cao.
Như đất mong mưa rào,
hồn con mong Chúa dường bao. (Dao Kim)
Tình yêu Chúa cao vời biết bao,
nào con biết đáp đền thế nào (Duy Thiên)
Máng lừa chiên mãi đồng xa,
cũng đành dừng chân trú qua đêm không nhà (Hải Triều – Cát Minh)
10.2. Một yêu cầu nữa là lời ca nói chung và vần thơ nói riêng nên có màu sắc của văn chương Việt Nam. Đậm dân tộc tính nhất vẫn là vần thơ của thể thơ lục bát hay song thất lục bát.
Xin dâng lên của lễ đầu mùa
Hoa thơm trái chín mong chờ bấy nay (Viết Chung)
Giá băng đông tuyết đã tàn,
Mưa đà ráo hạt, xuân sang thắm ngời.
Muôn hồng nghìn tía đua tươi,
Chim câu đã gáy bên trời say sưa (Xuân Ly Băng – Kim Long)
* * *
Vẫn trong Diễn từ Buổi tiếp kiến chung ngày 26-2-2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng khi cầu nguyện, chúng ta vươn lên và cảm nghiệm được Thiên Chúa đang ghé thấp xuống để lắng nghe, gặp gỡ và cứu độ chúng ta; vì thế tác giả Thánh Vịnh khuyên chúng ta cố gắng làm cho lời ca ngợi nên xứng đáng hơn bằng cả sự hỗ trợ của tiếng kèn, nhịp trống, điệu sáo, thanh la, não bạt.
Mong sao tiếng nhạc lời ca cầu nguyện của chúng ta ngày nay có được trọn tấm lòng với hết mức nỗ lực như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở bằng lời của Thánh Phaolô: “Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Eph 5,19).