Vài nét nổi bật trong cuộc phỏng vấn của ông Herrera với Đức Thánh Cha
Gần 2 tháng sau cuộc phẫu thuật ruột già hồi đầu tháng 7/2021, Đức Thánh Cha đã chứng tỏ sự hồi phục của ngài qua cuộc trả lời phỏng vấn phổ biến ngày 1/9/2021 vừa qua, bác bỏ tin đồn những ngày trước đó cho rằng ngài sẽ từ nhiệm, đồng thời nói lên quyết tâm theo đuổi chương trình cải tổ đã đề ra.
Nội dung
Cuộc phỏng vấn dài một tiếng rưỡi dành cho Đài Phát thanh COPE của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha như một cuộc nói chuyện, trao đổi bộc phát, trả lời những thắc mắc do ký giả kỳ cựu Carlos Herrera nêu lên, xoay quanh nhiều vấn đề: từ tình trạng sức khỏe, cho đến cuộc tông du sắp tới của ngài tại Hungari và Slovakia với chương trình khá dầy đặc; từ những biến cố Mỹ và nhiều nước Âu Châu rút quân khỏi Afghanistan, cho đến cuộc xét xử các bị can liên quan đến ngôi nhà sang trọng ở Luân đôn được mua với tiền của Tòa Thánh, trong đó có Đức Hồng Y Angelo Becciu; từ tự sắc hạn chế việc cử hành thánh lễ Latinh theo nghi thức tiền Công đồng chung Vatican 2, tới những khó khăn trong cuộc đối thoại cần thiết với Trung Quốc, công trình cải tổ giáo triều, vấn đề “Con đường công nghị” của Công Giáo Đức đi ngược đạo lý Giáo Hội, việc bảo vệ môi trường, các cơ quan truyền thông Vatican, v.v. Dưới đây là vài đoạn nổi bật trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha.
Vấn đề sức khỏe
Đức Thánh Cha cho biết trong cuộc phẫu thuật cách đây 2 tháng, các bác sĩ đã cắt bỏ 33cm ruột già của ngài, bây giờ ngài khỏe mạnh, ăn được mọi thứ. Ngài ca ngợi một y tá 52 tuổi ở Vatican đã “cứu sống” ngài khi khuyên ngài chịu cuộc giải phẫu như vậy: “Đây là lần thứ hai một y tá đã cứu mạng của tôi. Lần đầu là một y tá hồi năm 1957, trong dịch cúm ở chủng viện. Y tá trong trường đã chữa tôi bằng thuốc Aspirine. Đối với người khác thì được, nhưng đối với tôi thì không, và họ đưa tôi vào nhà thương, rút nước trong phổi tôi ra. Bác sĩ đã ra toa cho tôi thuốc kháng sinh Peniciline. Và khi bác sĩ đi khỏi, cô y tá ấy đã cho tôi gấp đôi liều thuốc kháng sinh ấy và đã cứu sống tôi”!
Đối thoại với Trung Quốc
Ký giả Herrera nhận xét: trong Giáo Hội có nhiều người nói Đức Thánh Cha không nên gia hạn hiệp định mà Vatican đã ký với Trung Quốc về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục vì nó làm thương tổn uy tín tinh thần của Đức Thánh Cha. “Ngài có cảm thấy nhiều người muốn xếp đặt hành trình của Giáo Hoàng hay không?”
Đức Thánh Cha trả lời: “Cả tôi khi còn là một giáo dân và linh mục, tôi cũng thích chỉ đường cho Giám Mục; đó là một cám dỗ mà tôi coi là điều hợp pháp nếu được thực hiện với thiện ý. Vấn đề Trung Quốc không dễ dàng, nhưng tôi xác tín rằng chúng ta không được từ bỏ đối thoại. Ta có thể bị lừa dối trong khi đối thoại, có thể có những sai lầm, nhưng đó là con đường phải theo. Tinh thần khép kín không bao giờ là con đường. Những gì đạt được cho đến nay tại Trung Quốc ít ra là cuộc đối thoại. Một vài điều cụ thể như việc bổ nhiệm các Giám Mục đã đạt được, một cách từ từ. Nhưng đó là những bước tiến có thể bị đặt thành vấn đề từ phía này hay phía kia. Đối với tôi, những nhân vật chính trong tất cả những vấn đề này và người đã giúp tôi, gợi ý cho tôi là Đức Hồng Y Casaroli. Đức Hồng Y là người mà Đức Giáo Hoàng Gioan 23 giao nhiệm vụ bắc những cây cầu với Trung Âu…”.
Vấn đề “Con đường công nghị” của Công Giáo Đức
Công nghị này gồm 230 đại biểu các giới đang ở trong giai đoạn tiến hành ở Đức và trong dự án có nhiều đề nghị như dân chủ hóa Giáo Hội, biến luật độc thân giáo sĩ thành điều tùy chọn, truyền chức cho nữ giới và bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo Hội, đổi mới luân lý tính dục của Công Giáo cho “cởi mở” hơn… “Vậy Đức Thánh Cha có những đêm mất ngủ vì “Con đường công nghị” này của Công Giáo Đức không?”.
Đức Thánh Cha đáp: “Về vấn đề này, tôi đã mạn phép gửi một thư. Một thư do chính tôi viết bằng tiếng Tây Ban Nha (dài 19 trang). Tôi đã dành một tháng để viết, trong sự cầu nguyện và suy tư. Tôi đã gửi thư đó đúng lúc: nguyên bản Tây Ban Nha được dịch sang tiếng Đức. Trong thư tôi trình bày mọi điều tôi cảm thấy về Công nghị Đức”.
Ký giả Carlos Herrera nhận xét: “Sự phản đối của Công nghị Đức không phải là một điều mới… Lịch sử vẫn tái diễn”. Đức Thánh Cha đáp: “Đúng vậy, nhưng tôi không coi đó là điều quá bi thảm. Không có sự ác ý nơi nhiều Giám Mục Đức mà tôi trao đổi. Công nghị này là một ước mong về mục vụ, nhưng Công nghị Đức có lẽ không để ý đến những điều mà tôi giải thích trong lá thư ấy, cần phải để ý đến lá thư đó”.
Cải tổ Giáo Hội
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhắc lại những yêu cầu của Hồng Y đoàn trong những cuộc họp trước khi bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng và ngài thi hành những điều đó. “Cuộc cải tổ đang tiến hành từng bước và tốt đẹp. Văn kiện đầu tiên đánh dấu đường hướng này, cố gắng tóm lược những gì các Hồng Y đã nói, chính là Tông huấn “Evangelii gaudium” (Niềm vui Tin Mừng). Và có một vấn đề trong Tông huấn này mà tôi muốn nêu bật, đó là vấn đề các bài giảng. Bắt các giáo hữu phải nghe những bài học dài về thần học, triết học hoặc luân lý dạy đời, đó không phải là cách giảng thuyết Kitô giáo. Trong Tông huấn này tôi đã yêu cầu thực hiện một sự cải tổ nghiêm túc việc giảng thuyết. Một số người thi hành, một số người khác thì không hiểu”.
Cải tổ Giáo Triều
Về Tông Hiến “Praedicate Evangelicum” (Các con hãy loan báo Tin Mừng) nhắm việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Thánh Cha cho biết “nội dung văn kiện này đã được áp dụng và giai đoạn chót đối với tôi là đọc và tôi phải đọc vì tôi phải ký. Tôi đọc từng chữ và Văn kiện này không có những điều mới so với những gì đang được thấy ngày nay. Có lẽ có một số chi tiết, vài thay đổi các Bộ, được gộp lại với nhau, hai hoặc ba Bộ gộp lại, nhưng việc này đã được loan báo rồi: ví dụ Bộ giáo dục và Hội đồng Văn hóa sẽ được gộp với nhau. Bộ Truyền giáo và Hội đồng tái truyền giảng Tin Mừng sẽ thành một Bộ Loan báo Tin Mừng. Không có gì mới so với những gì đã được hứa thực hiện. Có vài người hỏi tôi: ‘Khi nào Tông Hiến về việc cải tổ Giáo Hội sẽ được ban hành, để xem có gì mới?’ Không, sẽ không có gì mới. Nếu có gì mới thì chỉ là những điều nhỏ bé. Tông Hiến gần hoàn tất rồi, nhưng bị chậm trễ vì bệnh của tôi… Cần nhớ rõ là việc cải tổ không có gì khác hơn là thi hành điều mà Hồng y đoàn đã yêu cầu trong các cuộc họp trước mật nghị bầu Giáo Hoàng. Và điều này đã được thấy rồi”.
Vụ Đức Hồng Y Angelo Becciu
Trong số 10 bị can đang ở trong tiến trình xét xử vì có liên quan đến đến vụ mua tòa nhà sang trọng ở Luân đôn làm cho Tòa Thánh bị thiệt hại hằng trăm triệu Euro, có Đức Hồng Y Angelo Becciu, nguyên là Phụ Tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, rồi làm tổng trưởng Bộ Phong thánh. Đức Hồng Y đã bị Đức Thánh Cha buộc từ chức và từ bỏ luôn các đặc quyền của Hồng Y, trong đó có quyền bầu Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha cho biết:
“Đức Hồng Y bị xét xử theo luật Vatican. Hồi trước các thẩm phán xét xử các Hồng Y không phải là các thẩm phán của quốc gia như ngày nay, nhưng là vị Quốc Trưởng. Tôi hết lòng hy vọng Đức Hồng Y là người vô tội. Ngoài ra Đức Hồng Y từng là người cộng tác của tôi và giúp tôi rất nhiều, là người mà tôi quí chuộng như một nhân vị, và để nói rằng tôi mong ước vụ xét xử tiến hành tốt. Nhưng đó là một hình thức cảm tình do sự giả định về sự vô tội. Ngoài sự giả định này, tôi muốn mọi sự diễn ra tốt đẹp. Dầu sao, công lý sẽ quyết định”.
Ca ngợi Đức Hồng Y Parolin
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha ca ngợi tài năng ngoại giao của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Afghanistan. Ngài chắc chắn Phủ Quốc vụ khanh đang hoạt động để ngăn ngừa các vụ trả thù chống dân chúng tại Afghanistan: “Tôi thắc chắn rằng Phủ Quốc vụ khanh đang thi hành điều đó vì trình độ ngoại giao của Phủ Quốc vụ khanh và các thành viên trong Phủ rất cao… Đức Hồng Y Parolin thực là nhà ngoại giao khéo nhất mà tôi được gặp, một nhà ngoại giao biết thêm, chứ không phải là môt trong những người gièm pha. Đức Hồng Y là một người luôn tìm kiếm, một người tìm hiệp định. Tôi chắc chắn Đức Hồng Y đang giúp đỡ, hoặc ít là đề nghị giúp đỡ. Tình cảnh Afghanistan là một tình huống khó khăn”.
Nguồn: vaticannews.va/vi