Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu
10.8 Thánh Lôrensô, Tstđ
Ds 20:1-13; Tv 95:1-2,6-7,8-9; Mt 16:13-23
Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu
Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Trời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.
Laurensô là ai mà được tôn kính cách đặc biệt như vậy ?
Thánh Laurensô sinh tại Huescô nước Tây Ban Nha. Cha mẹ ngài là những người đạo hạnh. Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để đi du học bên Rôma và đã sống trót cuộc đời trần thế tại đây. Ngài được chọn thành một trong bảy phó tế của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài được giao cho trách nhiệm “quản lý tài sản của giáo hội”.
Khi sự cấm đạo dưới thời hoàng đế Valerian bùng nổ, Thánh Giáo Hoàng Sixtus bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế khác. Khi Đức Giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Laurensô đi theo khóc lóc nức nở, ngài hỏi: “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?”. Ðức giáo hoàng trả lời: “Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta.” Nghe thấy thế, Laurensô thật vui mừng, ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.
Khi những điều này tới tai hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ nghèo. Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn khôi hài nói với hoàng đế:
– Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn!
Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 258.
Thánh Laurensô đã một lòng vì Chúa, vì Giáo Hội, hết lòng yêu thương người nghèo. Xin cho mỗi chúng ta cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như thánh nhân. Trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu thiệt thòi về phần xác.
Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.
Tin Mừng hôm nay là lời ông Phêrô được Chúa Cha mạc khải khi tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Có phải nếu truyền thống của gia đình chúng ta theo đạo, mặc nhiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sự mạc khải ấy? Theo Ga 6, 65: “Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Trong thực tế, chúng ta đã bao lần đến với Thiên Chúa vì lòng yêu mến, phải chăng chúng ta chỉ đến với Ngài những lúc đứng trước gian nan thử thách và khi đã vượt qua được thử thách ấy, liệu chúng ta có can đảm tuyên xưng đức tin của mình trước những người xung quanh mình như ông Phêrô đã từng làm. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 10, 31 ).
Khi Chúa Giê-su cho các tông đồ biết việc phải lên Giê-ru-salem để thực hiện ý muốn của Chúa Cha là khởi sự cho công cuộc Cứu độ, ông Phê-rô vì yêu mến Thầy mình không muốn Thầy phải hy sinh nên đã can gián: “ Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. Chúng ta thấy được bản chất con người, là luôn có cách nhìn và xử sự của đời sống trần thế là tránh né những việc gì làm tổn thương đến mình và người thân yêu. Ai trong chúng ta cũng muốn tin theo Chúa Giêsu để được vào Nước Trời, nhưng để có được sự sống đời đời thì phải trải qua sự đau khổ, hy sinh thì con người lại dè dặt, ngay cả tông đồ Phêrô cũng có lúc ở trong tâm trạng đó.
Chúa Giêsu chê trách Phê-rô: “ Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Lời Chúa cảnh tỉnh người Ki-tô hữu hiểu rằng trước khi sống lại và được vào Nước Trời thì phải chấp nhận thập giá, vì không có thập giá sẽ không có vinh quang Phục sinh. Chân phước G.M Balaguer chia sẻ: “Thập giá, phiền muộn, gian truân, bạn còn có mãi suốt cuộc đời. Đó là đường Chúa đi, và môn đệ không hơn Thầy.” Kinh nghiệm của thánh Anphongsô: “Nhìn vào Chúa Giê-su trên Thánh giá, ta sẽ chịu mọi đau khổ cách nhẫn nại”.
Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: “Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô”.
Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.
Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.