Tuyên xưng niềm tin
1.7 Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Hai Mùa Quanh Năm
St 18:1-15; Lc 1:46-47,48-49,50,53,54-55; Mt 8:5-17
Tuyên xưng niềm tin
Trag Tin Mừng hôm nay thuật lại câu truyện lòng tin của viên bách quản Rôma, một lòng tin đã khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên. Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết khi bà nghĩ rằng chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của viên bách quản này còn mạnh hơn nhiều: Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”.
Đanh khi Chúa Giêsu đến thành Capharnaum, thì một viên sĩ quan ngoại giáo đến van xin Ngài chữa cho đầy tớ ông bị bại liệt đau khổ. Ngài hứa sẽ đến cứu chữa, nhưng ông quá khiêm tốn, không dám rước Chúa về nhà, chỉ xin Chúa phán một lời cho đầy tớ ông lành bệnh. Chúa thấy ông ta có lòng tin và khiêm tốn như thế thì ngạc nhiên và hết lời khen ngợi. Ngài bảo viên sĩ quan: ông cứ về, ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay lúc đó đầy tớ ông được khỏi bệnh.
Lời tuyên xưng của viên bách quản là kết quả hiểu biết đúng đắn về bản thân và quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Ðể có sự hiểu biết đúng đắn cần phải có thái độ khiêm nhường và thành thật. Vì con người là một tinh thần kết hợp với thể xác: thể xác bị ràng buộc bởi các điều kiện không gian và thời gian, còn tinh thần chẳng bị một ràng buộc nào; thể xác đang nằm sát đất, nhưng tinh thần có thể vươn tới trời cao; thể xác đang ở hiện tại, nhưng tinh thần có thể lùi lại quá khứ hoặc hướng tới tương lai rất xa.
Óc tưởng tượng đưa con người viễn du khắp nơi, cả những vùng không tưởng. Óc tưởng tượng vẽ ra cho con người muôn vàn hình ảnh, mà nếu không khiêm nhường trong hiểu biết, con người sẽ bám víu mãi vào đó. Khiêm nhường đem tinh thần con người trở về với thân xác hạn hẹp yếu đuối; khiêm nhường chỉ cho con người thấy thực tại của thân phận làm người, đó là hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa; tất cả những gì con người có đều là do Thiên Chúa ban. Nhận thức được chân lý này, nên niềm tin của viên bách quản được Chúa Giêsu khen thưởng, và Giáo Hội đã mượn lời tuyên xưng này để hằng ngày trong Thánh Lễ, người tín hữu có thể dâng lên Chúa tâm tình khiêm tốn, bất xứng của mình.
Chúa Giêsu không loại trừ ai. Trái lại ai càng bị loại trừ thì Chúa Giêsu lại càng ưu ái với những người đó và giúp họ trở về với cộng đoàn yêu thương.
Xét mình kỹ, tôi thấy mình có phần giống Chúa nhưng cũng có phần khác Chúa. Giống Chúa ở chỗ tôi có cố gắng yêu thương giúp đỡ những người tội lỗi, bệnh tật, nghèo nàn mà tôi gặp ở bên ngoài cộng đoàn mà tôi đang sống. Nhưng khác Chúa ở chỗ là tôi loại trừ một số anh em đang cùng tôi chung sống trong cộng đoàn. Xin Chúa giúp con sống yêu thương đối với hết mọi người, và xin Chúa nhắc con nhớ “Bác ái phải bắt đầu từ những người gần mình nhất.”
Viên đại đội trưởng này tuy là người ngoại nhưng đã dạy tôi một cách cầu nguyện rất đẹp:
Ông không xin gì cho mình cả mà xin cho người khác. Mà người khác đó chỉ là một tên đầy tớ của ông.
Thường những lời cầu nguyện của tôi chỉ luẩn quẩn quanh những cái tôi của bản thân mình và một ít của người thân mình.
Thực ra ông cũng chẳng xin gì nữa. Ông chỉ kể cho Chúa nghe hoàn cảnh của ông, rồi để tùy Chúa định liệu. Ông lại còn nói mình không xứng đáng. Ngược lại, nhiều khi tôi xin Chúa mà như ra giá cho Ngài.
Ngoài đức tin và lòng khiêm tốn, vị sĩ quan này còn có lòng thương người, bằng chứng là ông không xin gì cho ông mà lại xin cho người đầy tớ của ông được khỏi bệnh. Tin mừng còn cho thấy một bên là hình ảnh của con người đau khổ bệnh tật, một bên là tình yêu cứu chữa của Chúa Giêsu. Sợi dây nối kết con người khốn khổ với Chúa Giêsu chính là lòng tin của con người. Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng là do lòng tin của ông. Lòng tin của người này cần thiết để cho người khác được cứu chữa.
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta, để cứu chữa những người đau khổ chung quanh chúng ta. Lòng tin ấy được thể hiện bằng những cử chỉ cụ thể, những sự hiện diện để giúp đỡ ủi an. Lòng tin ấy cũng chính là một thể hiện của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Tin ở tình yêu Thiên Chúa ngay giữa những lúc ốm đau thử thách là thái độ cơ bản nhất của người Kitô hữu. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu ấy vượt mọi suy nghĩ, mọi giới hạn của ngôn ngữ loài người, đó phải là sứ điệp mà người Kitô hữu mang lại cho người khác