Truyền Giáo: Thao thức của Chúa và sứ mạng ngàn năm của Hội Thánh
Truyền Giáo: Thao thức của Chúa và sứ mạng ngàn năm của Hội Thánh
“Truyền giáo”. Chúng ta phải hiểu chính xác đó là công cuộc truyền bá đức tin và gieo đức tin cho anh chị em của mình. Và nếu là gieo đức tin vào lòng người, đó là gieo cả một công trình của đời sống, của cảm nghiệm, của một sự thấm thía về một kinh nghiệm sống tận chiều sâu nội tâm.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi việc loan báo Tin Mừng là Phúc Âm hóa. Đức Gioan Phaolô II cũng dựa trên khái niệm “Phúc Âm hóa” và mở rộng thêm: “Tái Phúc âm hóa”, “Tân Phúc Âm hóa”. Tân Phúc Âm hóa là quay về với chính cảm nghiệm nội tâm về chính Chúa Kitô nhằm chia sẻ những cảm nhận về chính Chúa Kitô cho anh chị em của mình.
Ngay số 1 của Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhắc lại cảm nghiệm cá nhân với Chúa Kitô, không khác giáo huấn Tân Phúc Âm hóa mà Đức Gioan Phaolô II từng dạy: “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh”.
Bởi tầm quan trọng của ơn gọi gieo vãi đức tin, mỗi Kitô hữu hãy luôn thâm tín và sẵn sàng dấn thân mọi nơi, mọi lúc cho sự thâm tín này, đó là: Ơn gọi truyền giáo không phải là một thứ thêm vào có cũng được mà không có cũng không sao, nhưng TRUYỀN GIÁO LÀ BỔN PHẬN KHÔNG THỂ BỎ QUA CỦA KITÔ HỮU.
- TRUYỀN GIÁO LÀ LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA GIÊSU.
Truyền giáo là mệnh lệnh tuyệt đối của Chúa Giêsu. Ngay trước khi về trời, Chúa không để lại giáo huấn nào khác ngoài đòi buộc phải truyền giáo: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 16-20).
Mệnh lệnh truyền giáo cũng chính là thao thức của Chúa. Hiểu được sứ mạng truyền giáo là điều quan trọng đến vậy, chúng ta phải luôn tâm niệm: Không việc nào quan trọng bằng loan báo Tin Mừng của Chúa. Không hành động nào lớn bằng hành động loan báo Tin Mừng của Chúa. Không đam mê nào ngang hàng đam mê ra đi loan Tin Mừng của Chúa. Không thúc bách nào mạnh mẽ bằng thúc bách xả thân vì Lời của Chúa. Không tình yêu nào cao cả bằng tình yêu được sống chết cho Lời của Chúa…
Chúng ta may mắn được nhận biết và tin vào Chúa Kitô. Niềm vui này cần phải được chia sẻ cho người khác để họ cũng có cơ hội để nhận biết và tin vào Chúa Kitô như chúng ta.
- TRUYỀN GIÁO LÀ KINH NGHIỆM HÀNG NGÀN NĂM CỦA ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO.
Tiếp nối bước chân truyền giáo của Chúa Giêsu, Hội Thánh không ngừng đề cao việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của mình, của mọi người con trong Hội Thánh, mà Hội Thánh còn quay nhìn cả bề dày của truyền thống lịch sử cứu độ để càng nhấn mạnh, càng soi rọi, càng đề cao trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
“Các sách Cựu Ước báo trước niềm vui cứu độ sẽ ngập tràn vào thời thiên sai. Ngôn sứ Isaia hoan hỉ chào đón Đấng Mêsia từng được trông đợi: “Chúa đã làm cho dân nên đông số, đã cho dân chan chứa niềm vui” (Is 9, 3)…
Hướng về Ngày của Đức Chúa, ngôn sứ Dacaria kêu mời dân chúng tung hô Đức Vua ngự đến “khiêm tốn ngồi trên lưng một con lừa”: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” (Dac 9, 9)…”(Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 4).
Đặc biệt, những trang Tân Ước càng như ngập tràn ý thức loan bao Tin Mừng: “Các môn đệ “vui mừng” (Ga 20, 20) khi nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy các Kitô hữu tiên khởi “dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (2, 46). Bất kể các môn đệ đi đến đâu,“ở đó, người ta rất vui mừng” (8, 8); ngay cả giữa cơn bách hại, họ vẫn “ngập tràn niềm vui” (13, 52). Viên quan thái giám vừa mới được rửa tội “tiếp tục lên đường, lòng đầy hoan hỉ” (8, 39), trong khi người cai ngục của Phaolô “và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa” (16, 34). Thế thì tại sao chúng ta lại không đi vào cùng dòng suối niềm vui ấy?” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 5).
Việc gieo đức tin vào thế giới không dành riêng cho bất kỳ giới nào, thân phận nào, nhưng là ơn gọi cao quý của tất cả mọi tín hữu. Hội Thánh luôn khẳng định, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ.
Trong thực tế, anh chị em ngoài Kitô giáo nhận ra khuôn mặt nhân ái và dễ thương của Chúa Giêsu qua những hành động yêu thương, bác ái, chia sẻ, những gương lành, những cử chỉ tha thứ và khoan dung của từng Kitô Hữu. Vì thế, để có thể gieo đức tin vào Chúa Kitô nơi lòng anh chị em, mỗi người cần ra sức thực thi tình yêu theo gương mẫu tình yêu của Chúa Kitô.
Từng người phải ý thức mình không mang danh Kitô hữu, nhưng phải Tin Mừng hóa bản thân bằng nghe, suy niệm, sống Lời Chúa, nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng, thực hành Lời Chúa, để trở thành Kitô hữu đích thực và chính danh, đượm chất Tin Mừng.
Hãy nhớ, Hội Thánh sống ơn gọi truyền giáo bằng cả bề dày hàng ngàn năm. Đến phiên mình, chúng ta không bao giờ được phép lơ là trách vụ thực hiện ơn gọi truyền giáo mà Hội Thánh tiếp tục nhân danh Chúa Kitô trao cho.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG