Trở nên chiên Thiên Chúa
Chúa Nhật 2 Thường Niên A
Lời Chúa: Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1, 29-34
Trở nên chiên Thiên Chúa
Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng đã bị sát tế trên Thập giá, và cũng là đối tượng đức tin của mọi Kitô hữu. Cái chết của ‘Chiên Con khải hoàn’ đã khai mở cho chúng ta kỷ nguyên ơn cứu độ.
Thánh Kinh nói khá nhiều về con chiên. Bên bờ sông Giordan, Thánh Gioan tiền hô đã giới thiệu Đức Giêsu cho đám đông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Mỗi lần tham dự Thánh lễ, vị chủ tế cũng nhân danh Giáo hội đọc lại văn thức này trước lúc mọi người tiến lên hiệp lễ. Khi chúng ta rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được ngồi vào bàn tiệc cưới Con Chiên, Đấng đã bị hiến tế, và máu của Ngài thanh tẩy mọi tội lỗi nơi chúng ta.
Trong xã hội Do Thái ngày xưa, hình ảnh con chiên đã trở nên rất quen thuộc trong sinh hoạt thường ngày của người dân, vốn sống đời du mục. Trong đêm xuất hành khỏi đất Ai Cập, người Do Thái cũng ăn bữa tiệc vượt qua với thịt chiên. Máu chiên được bôi lên cửa như dấu chỉ sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đấng cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ. Bữa ăn vượt qua năm xưa là hình ảnh tiên báo bàn tiệc cánh chung mà sách Khải Hoàn gọi là ‘Tiệc Cưới Chiên Con’. Những ai tham dự bàn tiệc này, đều mặc áo trắng tinh, tấm áo đã được giặt trong máu con chiên vô tội, dấu chỉ của sự trinh trong và vinh thắng khải hoàn. Sách khải hoàn đã lập đi lập lại tất cả 27 lần hình ảnh con chiên sát tế này.
Thánh Phaolô viết: “Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy” (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: “Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ’ (Dt 10,10), vì Ngài là “Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết” (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. “Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben” (Dt 12,24). “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ, hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là những đức tính quý báu của Đức Giêsu Kitô, con chiên không tì vết.
Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống mình. Ngài đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian”. Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.
Có người đặt vấn nạn: Giữa một xã hội gian dối lọc lừa, ích kỷ, hưởng thụ, ghen ghét, hận thù và coi nhẹ sự thủy chung, chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào được?
Ðức Thánh Cha Phanxicô gợi lên cho chúng ta câu trả lời: làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một “thành trì bị vây hãm”, nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Ðức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn” (Kinh truyền tin Chúa nhật 19/01/2014).
Hôm nay, tội lỗi của riêng bản thân chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến mình làm chiên xoá tội trong hy tế thánh thể hằng ngày. Trong mỗi thánh lễ, khi nâng cao Mình thánh Chúa Giêsu cho tín hữu tôn thờ, linh mục dùng lại lời của thánh Gioan tẩy giả để giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Mới đang tiếp tục hiến tế cứu độ thế gian: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”.
Được trở thành chi thể của Chúa Giêsu nhờ bí tích rửa tội, được hiệp thông nên một với Chúa Giêsu qua hy tế thánh lễ mỗi ngày và nhất là được thông dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên chiên Thiên Chúa với Chúa Giêsu, để cùng Ngài dâng hiến cuộc đời chúng ta làm hy tế cứu độ thế gian.
Trở nên chiên Thiên Chúa để cùng hiến tế với Chúa Giêsu không chỉ là một lời mời gọi mà là một sứ vụ không thể tách lìa của mỗi người kitô hữu.