Trở lại
25.1Thánh Phaolô, Tông Đồ trở lại
2 Sm 7:18-19,24-29; Tv 132:1-2,3-5,11,12,13-14; Mc 4:21-25
Khi chọn ai, Chúa không theo những tiêu chuẩn thường tình của con người nhưng theo những tiêu chuẩn rất lạ: không cần học thức cao, không cần tài ba lỗi lạc, không cần khả năng khéo làm việc…
Đọc lịch sử Giáo hội, tuy chúng ta thấy không có một vị thánh nào khả dĩ so sánh được với thánh Phaolô. Thánh Phaolô là một bậc thầy, một vĩ nhân, một nhà mô phạm. Chính Giáo hội, mẹ chúng ta cũng đã đề cao thánh Phaolô như một vị hướng đạo tối cao và có nhiều uy tín nhất. Giáo hội đã dành cho thánh Phaolô một điạ vị khá quan trọng trong địa hạt giáo huấn các Kitô hữu. Đa số các bài sách thánh Giáo hội đọc hàng ngày trong Thánh lễ hoặc trong kinh nhật khóa đều trích dẫn trong các thư phong phú, sâu sắc, thực tế, nhiều tính chất thời sự.
Thế nhưng hầu như không bao giờ Ngài tỏ ra có vẻ hơn người. Nếu có nói, có khoe thì chỉ là nói và khoe những cái yếu đuối, những cái ngu dại, những cái hèn mọn, những cái bị khinh thường và những cái hư không để nhờ đó mà thấy rõ hơn tình yêu thương của Chúa đã dành cho mình
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng ngày Thánh Phaolô được ơn trở lại. Bây giờ tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ của tôi nhân dịp mừng ngày lễ trọng đại này
Trong khi thánh Phêrô được xác định là “đá tảng cho Hội Thánh” (Mt 16,18), thì Phaolô được gọi là “thầy dạy của dân ngoại về đức tin và chân lý” (1Tm 2,7). Đối với Phaolô, đây là cả một mầu nhiệm. Trước đấy, ngài đã khinh khi những người Kitô hữu, khi họ tôn kính một đấng Mê-si-a bị xử tử như một tử tội.
Sự kiện ở cổng thành Đa-mát đã biến đổi tất cả. Thiên Chúa mà ngài tôn thờ trong cương vị là một người Pharisêu đạo đức, đã biến đổi ngài trở thành kẻ rao giảng cho Tin Mừng của Đức Giêsu chịu đóng đinh (Gl 1,11-16).
Lễ thánh Phao-lô trở lại đã được tìm thấy trong phụng vụ Ga-li-en, từ thế kỷ thứ 8
Trong sách Công vụ, chính Phaolô đã tự thuật về ơn gọi của mình. Ơn gọi ấy bắt đầu từ một biến cố trên đường ông đi Đamát. Câu chuyện này được tường thuật tới 3 lần: 9,3-7; 22,3-16 và 26,13-15. Bài sách thánh chúng ta vừa nghe là đoạn tường thuật thứ hai.
Có một chi tiết nổi bật trong câu chuyện này. Đó là sự mù lòa và sự sáng mắt của Phaolô. Sự kiện này có thể phân ra thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn trước khi Phaolô gặp Chúa Giêsu: ông là một người nhiệt thành. Nhưng chính sự nhiệt thành ấy đã làm ông thành mù quáng khiến ông chống lại Giáo Hội của Ngài (cũng giống như những người biệt phái).
Giai đoạn 2: Sau khi ông gặp được Chúa Giêsu: hoạt động mù quáng chống phá Giáo Hội đã ngưng lại, nhưng ông vẫn còn mù (“Ánh sáng chói lòa kia làm cho tôi không trông thấy nữa”). Sự mù này một phần vì Phaolô chưa thích ứng nổi với ánh sáng quá rực rỡ của Chúa Giêsu, một phần vì ông chưa được chỉ dẫn về đường lối của Ngài
Giai đoạn 3: Khi gặp được Khanania, thì Phaolô được sáng mắt, vì đã được chỉ dẫn (“Thiên Chúa đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Ngài và được thấy Đấng Công Chính… Anh sẽ làm chứng nhân… về các điều anh đã thấy và đã nghe”).
Nói đến Phaolô là nói đến sự cải đạo của ông
Đối với Phaolô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của Ý Trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180 độ. Và con đường đó cũng đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng của lịch sử nhân loại.
Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”: Saolô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết.
Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các dân ngoại.
Rõ ràng là ý Trời, Trời đã can thiệp vào cuộc đời của Saolô bằng Tình yêu đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã nói qua miệng ông Khanania, và Phaolô sau này lập đi lập lại nhiều lần. Thiên Chúa đã tuyển chọn Saolô một người duy nhất giữa muôn người. Cú ngã ngựa trên đường Đamat, biến Saolô thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mạng làm “Tông đồ Dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô. Và từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.
Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.
Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta.
Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.
Xin Thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.