Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các tu sĩ
Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các tu sĩ
Khoảng 60 tác phẩm hội họa, điêu khắc của 12 tu sĩ nam nữ đã góp mặt trong cuộc triển lãm “Theo Chúa Kitô”, do Ủy ban Nghệ thuật Thánh (trực thuộc HÐGMVN) phối hợp với Trung tâm Mục vụ giáo xứ Ða Minh – Ba Chuông (TGP TPHCM) tổ chức, vừa khai mạc vào tối ngày 10.4.2023.
Xem tranh – ảnh: LG |
Theo linh mục Vinhsơn Nguyễn Thành Tín, Giám đốc Trung tâm Mục vụ Đa Minh – Ba Chuông, đây là lần đầu tiên Tổng Giáo phận TPHCM có một cuộc triển lãm quy tụ riêng những tác giả là tu sĩ. Trong số 12 vị tham gia lần này, có 9 nữ tu và 3 thầy, đến từ các dòng khác nhau. Đó cũng là điều đặc biệt nhất của cuộc triển lãm. Cha Tín cũng chính là người đã gợi ý để các tu sĩ có sở trường về nghệ thuật tập hợp các tác phẩm lại cùng trưng bày trong dịp lễ Phục Sinh này.
Nữ tu Cecillia Mai Tú Quỳnh (dòng Đa Minh Tam Hiệp), trưởng ban điều hành triển lãm cho biết, ý tưởng về một cuộc trưng bày tác phẩm của các tu sĩ đã “manh nha” từ trước mùa dịch Covid-19. Vốn xuất thân từ trường đại học Mỹ thuật, sơ Quỳnh biết trong anh chị em tu sĩ có nhiều người có chuyên môn, sở trường về hội họa, điêu khắc nên nảy ra ý quy tụ họ lại để sáng tác theo một chủ đề về đạo, có thể là diễn tả ơn gọi của mỗi người. Dự định ban đầu là sẽ triển lãm tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, thế rồi dịch ập đến, kế hoạch không thực hiện được. Sau mùa dịch, sơ Quỳnh có dịp gặp cha Tín và anh chị em nhóm Mỹ thuật Đa Minh (Dominiart), khi nói về ý tưởng trên của mình, cha Tín vừa nghe đã ủng hộ ngay và gợi mở để cuộc triển lãm có thể diễn ra với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Nghệ thuật Thánh và Trung tâm Mục vụ Đa Minh – Ba Chuông, nơi ngài đang phụ trách.
Tác phẩm “Ơn gọi”, tranh sơn dầu của thầy Giuse Phùng Văn Ký
|
Trong buổi khai mạc triển lãm, sảnh trưng bày rợp màu áo tu sĩ, không chỉ là các “nghệ sĩ” có tác phẩm mà cả người cùng hội dòng cũng đến để thưởng ngoạn, ủng hộ tinh thần chị em mình. Có thể thấy, các tác phẩm tập trung vào đúng chủ đề, diễn tả các sinh hoạt trong đời sống của người tu sĩ, hoặc tranh, tượng về Chúa, Mẹ, các thánh, nhà thờ hoặc một số bức lấy gợi ý từ Kinh Thánh… Hầu như các tác phẩm đều thể hiện với gam màu sáng, nhẹ nhàng khiến phòng trưng bày như bừng lên sắc màu tươi tắn của Phục Sinh.
“Thắp sáng”, tranh sơn mài của nữ tu Cecillia Mai Tú Quỳnh
|
Họa sĩ nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Uyên Ly là người cùng hội dòng và cũng là thế hệ đàn em của sơ Tú Quỳnh ở trường Mỹ thuật – có 8 bức tranh, hầu hết bằng chất liệu sơn dầu, trong đó có những bức diễn tả sinh hoạt của các chị em trong dòng hay một ngôi nhà thờ xa xa, tất cả gợi hứng từ sự quan sát, chiêm niệm hằng ngày của người nữ tu. Theo sơ Uyên Ly, thời gian hoàn thành mỗi tác phẩm khác nhau, tùy theo cảm xúc, có bức vẽ mất khoảng 1 tháng, có bức chừng 2 – 3 tuần là xong. Tranh của sơ Uyên Ly nổi lên với sắc màu xanh tươi tắn và thường có luồng ánh sáng bừng lên ở một góc, khơi gợi cho người xem một cảm xúc nhẹ nhàng. Sơ Tú Quỳnh thì có 3 bức tranh sơn mài, 2 tranh lụa và 2 bức với chất liệu tổng hợp, trong đó sử dụng lá bồ đề để điểm xuyến, tạo điểm nhấn cho tác phẩm. Nữ tu Maria Vũ Thị Kim Dung (Dòng Mân Côi – Chí Hòa) góp phần trong triển lãm với 14 tác phẩm gốm… Bên cạnh số đông các nữ tu, có 3 nam tu sĩ tham gia trưng bày tranh – tượng, trong đó có 2 gương mặt quen thuộc vẫn xuất hiện trong nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật của nhóm Dominiart, đó là thầy Giuse Lê Hoàng Nguyên (dòng Đa Minh) và thầy Giuse Trần Quang Vinh (dòng Phanxicô). Từ tu viện ở Đà Lạt, thầy Vinh mang đến 14 tác phẩm điêu khắc (2 bức là tượng Chúa Giêsu nguyện cầu và thánh Phanxicô, 12 bức phù điêu về thánh tông đồ). Một gương mặt mới trong số các nam tu sĩ là thầy Giuse Phùng Văn Ký (dòng Thừa Sai Máu Châu Báu). Thầy có 3 bức tranh sơn dầu triển lãm đợt này mang tên “Đức Mẹ Máu Châu Báu”, “Sour”, “Ơn gọi”. Với thầy Ký, đây là lần tham gia trưng bày tranh đầu tiên nên vô cùng cảm động, bởi theo người tu sĩ này, dù học mỹ thuật nhưng từ khi ra trường, do cần thời gian phải theo học chương trình triết học và thần học ở dòng, rồi đi thực tập mục vụ…, nên đã phải tạm gác con đường nghệ thuật. Cuộc trưng bày tranh này như một khởi đầu cho thầy trong việc sáng tác mỹ thuật.
Tu sĩ Giuse Trần Quang Vinh bên một tác phẩm điêu khắc của mình – ảnh: LG |
Đến với cuộc triển lãm và nghe chia sẻ, nhiều người mới biết, giới tu sĩ có không ít vị đã trải qua thời gian được đào tạo bài bản về mỹ thuật ở trường đại học mà chưa có cơ hội phát huy hết tiềm năng. Nói theo nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Uyên Ly thì “60 tác phẩm triển lãm dịp này dù có vẻ phong phú nhưng chưa phải là nhiều so với kỳ vọng. Có một số tác phẩm, tác giả có lẽ chưa ưng ý lắm vì muốn cống hiến nhiều hơn nữa mà quỹ thời gian không cho phép…”.
“Hóa bánh”, tranh sơn dầu của nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Uyên Ly
|
Hy vọng sẽ có những cuộc triển lãm nối tiếp để người tu sĩ được dịp thể hiện hơn nữa tình yêu, sự sáng tạo trong nghệ thuật bằng khả năng chuyên môn được học tập cũng như năng khiếu, như một cách làm sinh lợi “nén bạc” Chúa trao.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 21.5.2023 tại tầng trệt của Trung tâm Mục vụ Đa Minh – Ba Chuông (190 Lê Văn Sỹ, Q. Phú Nhuận).
LIÊN GIANG