TỐT XẤU
22.6 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Hai Mùa Quanh Năm
2 V 22:8-13; Tv 119:33,34,35,36,37,40; Mt 7:15-20
TỐT XẤU
Tin Mừng hôm nay là một phần của bài giảng về đạo lý mà Thánh sử Mat-thêu đã thâu tóm, tổng hợp lại và đặt ngay sau bài giảng Trên Núi như là những hành vi đạo đức mà một người môn đệ của Chúa Giêsu phải có. “Cây nào trái ấy” là chủ đề của đoạn Tin Mừng này và cũng là lời Chúa Giêsu răn dạy các môn đệ phải cẩn trọng và chú ý.
Câu 15 mở đầu với lời cảnh báo “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả…”. Chúa Giêsu báo động là có các ngôn sứ giả. Chúng ta biết trong Cựu ước, các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa sai đến để nói Lời Chúa với dân, chẳng hạn như ngôn sứ Isaia, Jeremia…Còn đây là những người mà Chúa Giêsu nói rõ: “Họ đội lốt chiên… bên trong là sói dữ tham mồi” (c.15b). Bề ngoài trông có vẻ họ hiền lành, ngoan ngoãn, đạo đức, thánh thiện, nhưng đó chỉ là cái vỏ mà Chúa Giêsu có lần tố cáo “là những mả tô vôi”; còn lòng dạ họ như những con sói chực vồ, nuốt lấy con mồi.
Đó là những kẻ nhân danh điều tốt, sự lành mà giảng dạy điều xấu, sự ác. Những ngôn sứ giả ấy ở ngay trong lòng Giáo Hội. Trước những con người như thế, người môn đệ cần biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Người môn đệ ấy không để lòng mình xuôi theo những ngụy biện giả dối. Bằng cách nào? Chúa Giêsu nói tiếp: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”. Vậy tiêu chuẩn để phân định là xem hành động của họ, nhìn vào cuộc sống của họ có phục vụ cho Đức Ki-tô không? Đời sống của họ có chọn con đường Thập Giá của Đức Ki-tô hay theo ý riêng, sở thích của họ.
Chúa Giêsu khẳng định rõ hơn: “Ở bụi gai, không có nho mà hái? Trên cây găng không có vả mà bẻ?” (c.16). Và Ngài kết luận: “Cây tốt sinh trái tốt và ngược lại cây xấu sinh trái xấu” (c.17). Đây là định luật tất nhiên. Bởi thế nhà nông luôn vun xới, chăm bón cho cây mình xanh tươi để đạt kết quả tốt nhất. Còn những cây mọc nơi hoang địa thiếu nước, vắng người chăm bón… thì làm sao có hoa thơm trái ngọt được. Và Chúa Giêsu nói thêm: “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh trái tốt” (c.18).
Đối với cây cối tự nhiên là thế. Xấu, tốt của hạt giống, cây trồng không thể thay đổi được. Nhưng đối với con người tính xấu, tốt không do bản tính vì ông cha ta có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Ngay từ ban đầu Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, nhưng vì lạm dụng tự do, con người đã sa ngã và phạm tội chống lại ý Thiên Chúa. Vì thế, tốt xấu là tùy thuộc vào trách nhiệm của mỗi người và có thể đổi thay.
Câu 19 như một lời quyết định trong ngày chung thẩm, cũng là ngày mà mỗi người trình diện trước ngai tòa Thiên Chúa để trả lời về những hành vi của mình: “Cây nào không sinh quả tốt, sẽ bị chặt đi và quẳng vào lửa” (c.19). Lời này tiên báo về cuộc sống mai hậu và cũng là lời cảnh tỉnh mỗi người chúng ta ý thức và có trách nhiệm về sự tự do của mình. Như một cây không sinh trái tốt sẽ bị bứng rễ và quẳng vào lửa, chúng ta sẽ phải trả lời về những “nén bạc” Chúa trao mà ta đã không làm sinh lợi và còn đem chôn vùi dưới đất.
Ở đây, Thánh sử Mat-thêu không có ý nhấn mạnh về ngày phán xét chung cuộc, nhưng chỉ là một lời cảnh tỉnh những người môn đệ biết phân biệt và nhận ra những con sói trong bầy chiên: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai?” (c.20). Ý tưởng này được lập lại lần thứ 2 như một lời tóm kết về ý chính của đoạn Tin Mừng. Để ngay sau đó, Thánh sử trình bày về tính cách của người môn đệ chân chính như một cách đối lập làm nổi bật vấn đề.
Ngày nay trong Giáo Hội chúng ta không thiếu những “con sói đội lốt chiên”. Những con sói ấy len lỏi trong hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội và cho chính mỗi người chúng ta, biết nhận ra tính “sói tham mồi” trong con người mình, để khiêm tốn đi theo lối đường của Đức Ki-tô, theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, để bớt đi những ngôn sứ giả, để danh Thiên Chúa được rạng rỡ vinh quang.
Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Ðó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt. Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin: một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: “Không phải những ai đã nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”. Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi ngài viết: “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ”.
Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên mà bên trong là lòng dạ của sói dữ. Họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại có quá nhiều “hoa, lá, cành”, mà “quả” thì không có, hay có nhưng lại bị “sâu”. Tức là hăng say làm việc chỉ vì ham danh, huênh hoang, tự phụ, ích kỷ nên không thể sinh ra “quả” tốt được. Những người đó họ làm mọi việc vì thực dụng cá nhân, không vì yêu mến Chúa và tha nhân, nên họ chẳng khác gì chiếc phèng la kêu inh ỏi, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thánh Phaolô cũng khuyên dạy tín hữu thành Corintô như sau: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi” (x. 1 Cr 13,1-3). Vì thế: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải trở nên những tiên tri thật của lòng mến, chứ đừng trở nên tiên tri giả của tham sân si. Hãy trở nên con chiên hiền lành của Chúa chứ đừng trở nên sói dữ. Không được mang danh và hình ảnh của chiên, nhưng thực ra chỉ là mặt chiên, mà là dạ sói!
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình; trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc: chúng ta làm ố danh sự đạo. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ tín hữu Côrintô: Những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị, là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, và họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng.
Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời lại sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong chúng ta sức mạnh của niềm tin yêu khiến chúng ta cởi mở với tha nhân, có lòng từ bi đối với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.